Hôm nay,  

Mở Lại Hồ Sơ Xét Xử Vụ Án John Newman

25/11/200100:00:00(Xem: 4844)
Tối Thứ Hai, 5 tháng 9 năm 1994, dân biểu John Newmand bị bắn gục ngay bên ngoài tư gia, thuộc vùng Cabramatta. Sau thời gian nhiều năm điều tra, đến tháng 3 năm 1998, cảnh sát bắt giữ 3 người, và năm sau, 1999, tòa án thượng thẩm tiểu bang mở phiên xử đầu tiên nhưng bất thành. Lý do là bên công tố viện đã tiết lộ cho bồi thẩm đoàn biết một chi tiết quan trọng liên quan đến nhân chứng. Điều này, theo tòa, sẽ ảnh hưởng đến sự phán xét khách quan và công minh của bồi thẩm đoàn. Vì vậy, chánh án đã tuyên bố hủy bỏ phiên xử. Đến năm 2000, tòa mở phiên xử lần hai. Lần này, một bị cáo trong phiên xử trước, chấp nhận hợp tác với công tố viện, để đánh đổi quyền miễn tố. Kết quả, người có tên TVT từ vai trò bị cáo trong phiên tòa 1 trở thành nhân chứng trong phiên tòa 2. Nhờ lời khai của TVT, ngoài hai bị cáo cũ trong phiên tòa 1 là DTQ và Ngô Cảnh Phương, trong phiên tòa 2, cảnh sát còn truy tố thêm một người khác là DD. Sau thời gian nhiều tuần lễ xét xử, cuối cùng bồi thẩm đoàn không thể đi đến một sự đồng thuận 100% nên tòa phải mở phiên xử thứ 3 vào năm 2001. Cũng như phiên xử 2, lần này, cả 3 bị cáo đều tuyên bố "vô tội". Sau nhiều tuần xét xử, cuối cùng, hai bị cáo DD và DTQ được trắng án. Riêng ông Ngô Cảnh Phương, nguyên nghị viên Hội Đồng Thành Phố Fairfield, bị bồi thẩm đoàn kết tội, và Thứ Tư tuần trước, 14 tháng 11, chánh án Dunford đã tuyên bố ông Ngô Cảnh Phương án tù chung thân.

Phần do hạn chế trong việc theo dõi các tin tức khi vụ án đang diễn tiến, phần do eo hẹp về thời gian, phương tiện cùng những hiểu biết ít ỏi về thủ tục tố tụng tại tòa án, nên phần đông người Việt đã không hiểu thấu đáo vụ án. Điều này đã dẫn đến những thắc mắc, những băn khoăn của độc giả đối với tiến trình thực thi công lý của tòa. Để có thể giải quyết phần nào những thắc mắc, những băn khoăn của qúy độc giả, kể từ số báo tuần này, Sàigòn Times sẽ bắt đầu loạt bài "Mở Lại Hồ Sơ Xét Xử Vụ Án John Newman".

*

Vụ án ám sát dân biểu John Newman là một vụ án hình sự thuộc thẩm quyền tư pháp tiểu bang NSW. Vì vậy, trách nhiệm truy tố bị cáo là trách nhiệm của công tố viện tiểu bang NSW, mà người đại diện là ông Mark Tedeschi QC, Ủy Viên Công Tố. Như vậy trách nhiệm của công tố viện NSW, hay cụ thể hơn, trách nhiệm của ủy viên công tố Mark Tedeschi là trách nhiệm gì" Chắc chắn có rất nhiều trách nhiệm, nhưng tựu chung, trách nhiệm then chốt của ông Mark Tedeschi là bằng mọi giá, ông phải chứng minh để bồi thẩm đoàn bao gồm 12 vị, tin tưởng bị cáo đã thực sự nhúng tay vào tội ác ám sát ông John Newman.

Vì đây là một vụ án hình sự, nên ông Mark Tedeschi phải có bổn phận chứng minh tội phạm của bị cáo như thế nào để bồi thẩm tin tưởng sự phạm tội của bị cáo là điều rõ ràng, hiển nhiên, hai năm rõ mười. Nói cách khác, các bằng chứng buộc tội bị cáo được ông đưa ra phải làm sao có khả năng thuyết phục để bồi thẩm đoàn không có mảy may nghi ngờ gì những bằng chứng đó (proof beyond a reasonable doubt). Đây là nguyên tắc tối thượng của pháp luật hình sự tại các quốc gia tự do dân chủ, trong đó có Úc Đại Lợi. Nguyên tắc này đặt nền tảng cho mục tiêu bất di bất dịch của công lý: Thà tha lầm nhiều người còn hơn kết tội oan một người!

Trong số những bằng chứng kết tội ông Ngô Cảnh Phương được công tố ủy viên Mark Tedeschi đưa ra, có mấy bằng chứng then chốt. Một, động cơ và tham vọng chính trị của ông Ngô Cảnh Phương đã khiến ông ám sát ông John Newman. Hai, kỹ thuật lưu trữ các cú điện đàm mobile phôn của Telstra, chứng tỏ ông Ngô Cảnh Phương đã dùng điện thoại di động tại những vùng có liên quan đến vụ án mạng. Ba, qua kỹ thuật lưu trữ điện đàm của Telstra, cảnh sát đã tìm ra khẩu súng ngắn 1930 .32 calibre Beretta mà hung thủ đã dùng để bắn ông John Newman, và sau đó nó được ông Ngô Cảnh Phương cầm đem vứt xuống sông George.

Như vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao đã mướn người bắn chết John Newman, ông Ngô Cảnh Phương lại còn lấy lại khẩu súng để trực tiếp đem đi vứt ở sông George"

Bàn về động cơ ám sát dân biểu John Newman, ta thấy, tại tòa, chính Dân Biểu John Della Bosca, một nhân vật có thế lực trong đảng Lao Động đã khai có tuyên thệ, là ông Ngô Cảnh Phương đã cho ông Bosca biết ông không có ý tranh giành ghế dân biểu với John Newman. Trái lại, ông Ngô Cảnh Phương muốn trở thành nghị sĩ tại thượng viện tiểu bang. Và chính bản thân ông Bosca cũng xác nhận là sẽ hậu thuẫn để ông Phương đạt được ước vọng này.

Như vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao, ông Phương đã không có ý tranh giành ghế dân biểu với ông John Newman, mà chỉ muốn làm nghị sĩ tại thượng viện NSw, thì hà cớ gì, ông Phương phải ra tay ám sát John Newman" Nhất là khi ước vọng thành nghị sĩ của ông Phương được John Della Bosca, một nhân vật có thế lực trong đảng Lao Động hậu thuẫn" Và nhất là mối quan hệ giữa ông Ngô Cảnh Phương và ông John Newman là một mối quan hệ thù nghịch một cách công khai, ai ai cũng biết"

Nhưng nếu đã đưa ra những câu hỏi trên, ta cũng không thể không lật ngược lại vấn đề, nếu ông Phương là một người có bản lãnh, lường trước được tất cả những gì mình sẽ làm, biết đâu ông xếp đặt tất cả những sự vô lý trên, kể cả việc lèo lái đánh lạc hướng John Della Bosca"

Tổng quát, nhìn vào toàn bộ tiến trình tố tụng tại tòa, ta nhận thấy, đây là một vụ án hết sức nghiêm trọng. Nghiêm trọng thứ nhất, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc, một vị dân biểu bị ám sát. Nghiêm trọng thứ hai, qua quá trình xét xử tại tòa, hung thủ của vụ án đã ám sát ông John Newman thuần túy vì tham vọng chính trị. Nghiêm trọng thứ ba, đây là vụ án, trong đó người duy nhất bị kết án lại là một người Việt tỵ nạn. Dẫu vẫn biết luật pháp của một quốc gia luôn luôn khách quan, không hề phân biệt chủng tộc, tôn giáo, màu da, nhưng nhiều người từng quen biết ông Ngô Cảnh Phương, trong đó có bản thân tôi, đều ngạc nhiên không thể tin ông Phương là một tên tội phạm, một tên "trùm tội phạm Á Châu", một "sát thủ", một loại "bố già" đã bày mưu tính kế "ám sát dân biểu John Newman". Dĩ nhiên, sự ngạc nhiên nghi ngờ của chúng ta thuần túy xuất phát từ cảm nhận chủ quan, trong đó yếu tố tình cảm đóng một vai trò quan trọng, vì chúng ta đã quen biết, giao thiệp với ông Phương.

Dĩ nhiên, trước những ngạc nhiên nghi ngờ đó, chúng ta phải cố gắng thoát khỏi mọi định kiến riêng tư, mọi ràng buộc tình cảm nếu có, để bình tĩnh và khách quan tìm hiểu các bằng chứng được trình bầy tại tòa. Có như vậy, ta mới có thể đi đến một phán xét, một kết luận trung thực và vô tư về hung thủ đã ám sát ông John Newman.

Ngoài ra, còn rất nhiều bằng chứng, lời khai, tang vật được trình bầy tại tòa trong suốt thời gian nhiều tuần lễ. Trong những số báo tới, chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy các bằng chứng, lời khai, tang vật đó để quý độc giả theo dõi. Trong số báo tuần này, chúng tôi xin đi vào tang chứng then chốt của vụ án: Khẩu súng ngắn Beretta.

KHẨU SÚNG BERETTA TRONG LÒNG SÔNG GEORGE

Qua sự trình bầy của trạng sư công tố Mark Tedeschi thì nhờ vào kỹ thuật tiếp sóng mobile phôn của Telstra, vào đêm xảy ra vụ án ông John Neman bị ám sát, bên công tố viện đã biết được ông Ngô Cảnh Phương có gọi phôn một lần vào lúc 9 giờ 42 phút tối. Ba phút sau, ông Ngô Cảnh Phương gọi cú phôn thứ hai, cũng qua mobile phôn. Và lúc 9 giờ 51, ông gọi cú phôn thứ ba tại địa điểm Hammondville Tower, thuộc Voyager Point, một vùng ngoại ô mới được thành lập không lâu vào thời điểm 1994. Tại đây có một chiếc cầu bắc ngang qua sông George.

Trạng sư công tố Mark Tedeschi cho biết, sau khi cảnh sát thu thập được những bằng chứng từ Telstra, và biết được nghi can, tức ông Ngô Cảnh Phương đã gọi điện thoại vào đêm xảy ra vụ án mạng tại một vùng có chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua sông George, lập tức cảnh sát đặt câu hỏi: Nghi can đến đó để làm gì"

Ngay sau đó, cảnh sát quyết định tìm kiếm trong lòng sông ngay dưới chân cầu với hy vọng, sẽ thu lượm được vũ khí hoặc bất cứ tang chứng gì có liên quan đến vụ án mạng.

Kết quả, tại đó, cảnh sát tìm thấy trong lòng sông khẩu súng ngắn 1930 .32 calibre Beretta. Đây là một loại súng nổi tiếng thời trước và sau Đệ Nhị Thế Chiến do Ý Đại Lợi xuất bản. Số "1930" tuy là số năm khi khẩu Beretta được sản xuất lần đầu, nhưng sau này, con số đó trở thành Model 1930. Điều này có nghĩa, khẩu súng tìm được dưới lòng sông George không phải là khẩu súng được chế tạo vào năm 1930, cách đây cả 70 năm, như một số độc giả lầm tưởng, đã gọi điện thoại về tòa soạn thắc mắc.

Trong phần trình bầy tại tòa, trạng sư ủy viên công tố Mark Tedeschi cho biết, đây là loại súng rất hiếm hoi ở Úc, Trong kho lưu trữ súng ống của cảnh sát có cả trăm loại súng khác nhau, nhưng không có loại súng 1930 .32 calibre Beretta.

Để tìm hiểu rõ hơn về loại súng này, chúng tôi đã liên lạc với một số hiệp hội của những người chơi súng Beretta cũng như hãng sản xuất súng Beretta, thì được biết, trước sau có khoảng trên dưới 10 kiểu súng cùng mang model 1930 .32 calibre Beretta. Và trên thế giới có khoảng 400 ngàn khẩu Beretta loại này được lưu hành.

Như vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao súng Beretta được lưu hành rộng rãi nhiều nơi trên thế giới, trong khi tại Úc thì lại hiếm hoi" Và tại sao hung thủ lại chọn một khẩu súng hiếm hoi để dùng vào việc ám sát một chính trị gia" Điều này phải được coi là điều bất bình thường đối với những kẻ sát nhân bình thường.

Ngoài ra, qua phỏng vấn một số người, chúng tôi cũng được biết, vào thời điểm sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều chiến binh Úc trở về từ chiến trường Trung Đông và Châu Âu, cũng đã mang theo súng 1930 .32 Calibre Beretta như là một vật kỷ niệm của chiến tranh.

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.