Hôm nay,  

Một Vài Suy Nghĩ Về Bài Viết Của Ký Giả Charles Miranda

07/04/200100:00:00(Xem: 3742)
Tuần trước, tôi đã trình bầy một vài suy nghĩ của mình sau khi đọc bài viết của ký giả Charles Miranda. Trong số báo hôm nay, tôi xin mạo muội trình bầy vài ý kiến quanh việc chúng ta có nên kiện ký giả Charles Miranda, tờ báo Daily Telegraph hay không. Trong số báo tuần tới, tôi sẽ trình bầy về việc nên hay không nên thưa kiện ông Nguyễn Duy Cần.

Dĩ nhiên, trước khi viết bài này, tôi đã đắn đo rất nhiều. Tôi có thưa với một số vị, tuổi cao đức trọng trong cộng đồng về những lo ngại của tôi. Bản thân tôi không phải là một luật sư, kiến thức, trình độ của tôi lại có hạn, trong khi vấn đề lại quá phức tạp, vượt xa khả năng của một tờ tuần báo sắc tộc, liệu tôi có nên trình bầy thẳng thắn những suy nghĩ của mình hay không" Nhất là ở thời điểm hiện tại, cuộc đấu tranh giành tự do tôn giáo tại quê nhà đang có những chuyển biến lớn lao, quyết liệt, đòi hỏi sự hậu thuẫn của hải ngoại, liệu một tờ báo có nên tiếp tục thảo luận về những vấn đề quanh bài báo của ký giả Charles Miranda"

Sau khi nghe tôi trình bầy, các vị có khuyên tôi mấy điểm. Thứ nhất, đây là chuyện chung của cộng đồng nên bất cứ ai trong cộng đồng cũng đều có quyền đóng góp ý kiến, miễn sao đóng góp một cách cân nhắc, thận trọng và xây dựng; tránh những nhận xét có phần cảm tính hay phe nhóm bè phái. Thứ hai, việc hải ngoại hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ tại quốc nội là điều cần thiết, nhưng việc hậu thuẫn đó phải tiến hành song song với việc xây dựng cộng đồng. Một cộng đồng tại hải ngoại không vững mạnh, chắc chắn sự hậu thuẫn sẽ không thể nào có hiệu quả.

Qua sự góp ý của qúy vị, tôi nhận thấy, việc đóng góp ý kiến quanh bài báo của ký giả ngoại quốc là điều nên làm để bảo vệ danh dự cộng đồng, làm sáng tỏ vấn đề, và góp phần nhỏ bé vào sự phát triển vững mạnh của cộng đồng trong tương lai.

Như qúy vị đã biết, tuần qua Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự DO NSW đã cho phổ biến trên báo chí Việt Ngữ bản Thông Báo Của Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng, lá thư viết bằng Anh ngữ gửi chủ bút tờ Daily Telegraph của Luật sư Nguyễn Văn Thân, và bản sao giấy xác nhận của ngân hàng National Australia Bank. Trong bản thông báo của TTSHCĐ, đoạn cuối có ghi: "Vì bài báo bôi nhọ thanh danh của TTSHCĐ nói riêng và Cộng đồng VN nói chung, chúng tôi cũng tiếp xúc với Trạng sư (Barrister) chuyên về phỉ báng để xin ý kiến về việc truy tố(*) Miranda, báo Daily Telegraph và ông Cần ra trước pháp luật".

Vào buổi trưa Thứ Tư, 28 tháng 3, trong lúc nói chuyện với Luật Sư Thân, tôi đã mạnh dạn trình bầy ý nghĩ cho rằng, việc thưa kiện ký giả Miranda, tờ Daily Telegraph và ông Cần có lẽ là việc làm quá sớm. Khi đó, ông Thân cho biết, ông và Ban Chấp Hành Cộng Đồng chỉ xin ý kiến trạng sư về việc thưa kiện, chứ chưa có quyết định sẽ thưa kiện hay không.

Đến ngày Thứ Năm, 29 tháng 3, đọc báo Dân Việt, tôi thấy ngay trang nhất có tựa đề "Cộng Đồng sẽ kiện ký giả Miranda và Daily Telegraph". Trong bài viết, báo Dân Việt cũng cho biết: "Phản ứng của những người trách nhiệm cộng đồng và TTSHCĐ là chính đáng. Theo đó đòi báo Daily Telegraph phải rút lại bài báo và lên tiếng xin lỗi, đồng thời vì để bảo vệ danh dự của cộng đồng, các cơ chế trách nhiệm nói trên đang xúc tiến việc truy tố Charles Miranda và cả tờ Daily Telegraph ra trước pháp luật. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định đúng đắn này".

Vậy vấn đề được đặt ra ở đây là, liệu cộng đồng chúng ta có nên thưa kiện ký giả Miranda, tờ Daily Telegraph và ông Nguyễn Duy Cần hay không" Cho đến hiện nay, qua trò chuyện với Luật sư Thân, tôi được biết, cộng đồng chỉ mới tham khảo về ý định thưa kiện, chứ chưa thực sự sẽ thưa kiện ký giả Miranda và tờ Daily Telegraph. Tuy nhiên, nếu quả thực cộng đồng "đang xúc tiến việc truy tố" như báo Dân Việt đã loan tải thì chúng tôi tha thiết mong qúy vị hữu trách trong cộng đồng nên nghiên cứu lại quyết định này.

Sau đây tôi xin mạnh dạn trình bầy những lý do tại sao chúng tôi lại tha thiết mong mỏi như vậy.

*
Hợp Tác Với Cảnh Sát Làm Sáng Tỏ Vấn Đề!

Căn cứ vào nội dung của bài báo trên tờ Daily Telegraph và những tin tức được đăng tải trên các cơ quan truyền thông Việt ngữ, chúng ta thấy quả thực, cảnh sát đang tiến hành điều tra trên một số phương diện liên quan đến việc xây cất TTSHCĐ. Nguyên nhân nào khiến cảnh sát điều tra, và kết quả cuộc điều tra sẽ đi đến đâu là điều chúng ta chưa biết. Vì vậy, mọi phỏng đoán lúc này là điều không nên và không phù hợp. Điều cần thiết nhất hiện nay là qúy vị lãnh đạo trong cộng đồng cũng như qúy vị chịu trách nhiệm trong việc xây cất TTSHCĐ, nên một mặt liên lạc với luật sư, để qua luật sư có những cộng tác cần thiết với cơ quan cảnh sát để làm sáng tỏ vấn đề càng sớm càng tốt. Cá nhân tôi, trong buổi nói chuyện với Luật sư Thân vào trưa ngày Thứ Tư, 28 tháng 3, tôi cũng đã cho ông Thân biết số điện thoại của ông Bradley Jones, thanh tra thám tử cảnh sát, và là người hiện chịu trách nhiệm trong cuộc điều tra.

Nếu trong tiến trình quyên góp tiền bạc và xây cất TTSHCĐ, mọi chuyện đều thực hiện một cách minh bạch và có giấy tờ đầy đủ, tôi tin chắc, cảnh sát sẽ có bổn phận lên tiếng xác nhận sự liêm khiết của cộng đồng chúng ta. Sau khi cuộc điều tra của cảnh sát kết thúc, mọi chuyện minh bạch, trong cộng đồng không hề có sự mờ ám nào, lúc đó chúng ta hãy nghĩ đến việc có nên kiện ký giả Miranda và tờ Telegraph hay không.

Ở đây, chúng ta phải đồng ý một điểm quan trọng: Cảnh sát khi tiến hành điều tra một vấn đề có liên quan đến tiền bạc trong nội bộ của một cộng đồng sắc tộc, chắc chắn họ rất thận trọng vì tốn kém tiền bạc, thời gian và rất bất lợi trên phương diện dư luận. Thông thường, họ không thể nào dựa vào những lời tố cáo bậy bạ, vô căn cớ, hoặc có tính bè phái, rồi vội vã điều tra. Bên cạnh đó, ta cũng phải ghi nhận, trong những trường hợp ngoại lệ, đôi khi cuộc điều tra của cảnh sát chỉ thuần túy xuất phát từ thái độ kỳ thị, bè phái, hoặc những áp lực từ những đảng phái trong chính phủ hoặc từ các chính trị gia.

Nhưng dù xuất phát từ động cơ nào, cuộc điều tra của cảnh sát đối với việc xây cất TTSHCĐ của chúng ta cần phải được làm sáng tỏ. Nếu cuộc điều tra đó xuất phát từ những nghi ngờ chính đáng, chúng ta phải hợp tác với cảnh sát để vấn để trở nên minh bạch, những nghi ngờ được quét sạch, và uy tín của cộng đồng được bảo vệ. Trong trường hợp nếu quả thực có những thiếu sót về chi tiêu, thì những thiếu sót đó phải được đưa ra ánh sáng và người hữu trách phải lên tiếng nhìn nhận trách nhiệm của mình. Trong trường hợp nghiêm trọng, trách nhiệm truy tố những cá nhân đó sẽ thuộc về bên cảnh sát. Còn như cuộc điều tra của cảnh sát thuần túy xuất phát từ những lời tố cáo vô căn cứ, dưới áp lực của đảng phái, hoặc chính trị gia, hoặc những thế lực kỳ thị trong chính giới Úc, chúng ta, trong điều kiện cho phép, cũng nên làm sáng tỏ vấn đề trước công luận.

*
Bài Báo Đăng Trên Daily Telegraph

Trước hết, ta phải thừa nhận nội dung bài báo đăng trên Daily Telegraph rõ ràng đã gây ảnh hưởng tai hại cho cộng đồng Việt Nam cả về uy tín, tinh thần, lẫn vật chất. Nhưng những ảnh hưởng tai hại đó có đúng bắt nguồn từ ác ý của tác giả bài báo, hay từ sự tiết lộ thiếu trung thực của cảnh sát, hay từ sự làm việc thiếu rõ ràng của những người hữu trách, hay từ những lời tố cáo được coi là thiếu thiện chí và thiếu thận trọng của ông Nguyễn Duy Cần" Trong những số báo sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng lần lượt trình bầy những suy nghĩ của mình. Riêng trong bài viết tuần này, chúng tôi sẽ nêu lên một vài suy tư ngắn gọn đối với nội dung bài báo đăng trên Daily Telegraph và nội dung bản Thông Báo Của TTSHCĐ.

Căn cứ vào bản Thông Báo Của TTSHCĐ và lá thư gửi cho báo Daily Telegraph, tôi thấy Luật sư Thân đã nêu lên 4 điểm chính như là những bằng cớ then chốt chứng tỏ bài báo của tác giả Miranda có nội dung phỉ báng và mạ lỵ CĐNVTD. Tuy nhiên, ngoại trừ điểm 1, liên quan đến "số tiền gây qũy $1 triệu đô" tôi thấy tác giả Miranda có thể sai sót, còn 3 điểm còn lại, tôi nhận thấy có lẽ tác giả Miranda đã không phạm phải những sai sót trầm trọng như Luật sư Thân đề cập. Cụ thể 3 điểm đó như sau.

1. Nhà tiền chế" Trong bài báo, tác giả Miranda viết, TTSHCĐ là một căn nhà tiền chế. Luật sư Thân cho rằng đây là một điều bịa đặt trắng trợn. Luật sư Thân cho biết, đó là một căn nhà được nhà thầu có licence tên là Barker, xây cất đàng hoàng.

Riêng tôi, tôi nghĩ, khi viết "prefabricated concrete hall" tác giả Miranda không hề có ý nói TTSHCĐ được xây cất bởi một công ty không có licence. Cụm từ tiếng Anh "prefabricated concrete hall" chỉ có nghĩa, TTSHCĐ là một căn nhà mà khung nhà được chế tạo sẵn từ trước, ở một nơi khác rồi đem tới lắp ráp tại một nơi mà móng nhà đã được đổ sẵn một cách đơn giản. Như chúng ta đã biết, tại Úc, bất cứ công trình xây cất nào, nhất là những công trình xây cất công cộng, dù là nhà tiền chế, fibro, brick-veneer hay full-brick, đều phải được xây cất bởi một công ty có licence.

Như vậy, điều mà cộng đồng cần tranh luận với tác giả Miranda ở đây là TTSHCĐ có phải là căn nhà tiền chế hay không, chứ không phải tranh luận ở điểm TTSHCĐ được xây cất bởi một nhà thầu có licence hay không có licence.

2. Có 14 trương mục hay 1 trương mục" Miranda viết, cảnh sát xin trát tòa để thu thập các hồ sơ liên quan đến 14 trương mục ngân hàng thuộc về các tổ chức có liên quan đến công trình xây dựng trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Luật sư Thân cho đây là một điều bịa đặt. TT không hề có 14 trương mục mà chỉ có một trương mục mang tên "Vietnamese Refugees Museum & Cultural Centre Ltd" và trương mục này không hề liên hệ tới một tổ chức nào khác ngoài TT.

Nhưng căn cứ vào nội dung bài báo tiếng Anh đăng trên Daily Telegraph, tôi thấy tác giả Miranda không hề nói TTSHCĐ có 14 trương mục như bản Thông Báo Của TTSHCĐ đề cập. Ông Miranda chỉ nói đến "14 trương mục ngân hàng thuộc về các organisations liên quan đến công trình xây cất TTSHCĐ". Tôi đồng ý, ngân hàng NAB đã xác nhận trương mục mang tên "Vietnamese Refugees Museum & Cultural Centre Ltd" không hề bị cảnh sát đòi và cũng không hề bị cảnh sát phong tỏa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đồng ý, trong bài viết trên báo Daily Telegraph, tác giả Miranda không hề viết trương mục mang tên "Vietnamese Refugees Museum & Cultural Centre Ltd" bị cảnh sát đòi hoặc phong tỏa.

Thành Viên cộng đồng hay thành viên Ban Quản Trị Trung Tâm" Miranda viết, một số thành viên trong cộng đồng Việt Nam đã được cảnh sát phỏng vấn và lấy cung. Nhưng theo Luật sư Thân, sự thực thì không một thành viên nào của Ban Quản Trị TT đương thời đã được cảnh sát tiếp xúc hoặc phỏng vấn.

Nhưng đọc bài báo tiếng Anh tôi thấy, tác giả Miranda viết "a number of Vietnamese community members have been interviewed and given statements to the police"chứ ông không hề viết "members of curren Management Committee of the Centre have been contacted or interviewed by the police" như lá thư của Luật sư Thân đã nêu.

Rõ ràng trong bối cảnh được nêu lên ở đây, "Vietnamese community members" chỉ có nghĩa, bất cứ người Việt nào trong cộng đồng Việt Nam; khác biệt với "members of current Management Committee of the Centre", nghĩa là thành viên trong Ủy Ban Điều Hành Trung Tâm SHCĐ. Trong khi bất cứ người Việt Nam nào cũng đều có thể là thành viên của "Vietnamese community" tức cộng đồng Việt Nam, thì trái lại chỉ có một số rất ít là thành viên của "Management Committee of the Centre" tức Ủy Ban Điều Hành Trung Tâm.

Như vậy, khi ký giả Miranda viết, "có một số người Việt trong cộng đồng được cảnh sát phỏng vấn và lấy cung", thì điều ta cần tranh luận với ông ta là cảnh sát có hay không có phỏng vấn và lấy cung người nào trong cộng đồng người Việt, chứ không phải tranh luận ở chỗ có thành viên nào trong Ủy Ban Điều Hành Trung Tâm được cảnh sát phỏng vấn và lấy cung hay không.

Nói tóm lại, qua ba điểm vừa nêu trên, tôi thấy điểm ký giả Miranda đưa ra trong bài, đã không được Luật sư Thân phản bác một cách thỏa đáng, và điểm Luật sư Thân phản bác lại là điểm tác giả Miranda không hề đề cập. Và nếu chỉ dựa vào những điểm phản bác là những điểm tác giả Miranda không đề cập mà thưa kiện tác giả và tờ Daily Telegraph thì có phải là nguy hiểm và tốn kém tiền bạc một cách phiêu lưu hay không"

Tôi đồng ý, một bài báo bề ngoài có thể không có nội dung phỉ báng mạ lỵ nhưng vẫn có thể bị nguyên đơn thưa về tội phỉ báng mạ lỵ nếu nội dung của tờ báo có những điểm ám chỉ khiến người đọc "hiểu ngầm" (innuendo) làm tổn thương danh dự và uy tín của nguyên đơn. Tuy nhiên, việc chứng minh nội dung phỉ báng mạ lỵ một cách gián tiếp trong bài báo của ký giả Miranda là điều vô cùng khó khăn và tốn kém, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc điều tra của cảnh sát chưa ngã ngũ.

*
Kết Luận

Xưa nay, việc kiện tụng ở bất cứ đâu cũng là điều tốn kém, cùng bất đắc dĩ mới phải làm. Nhất là kiện tụng báo chí Úc trong khi cộng đồng của chúng ta là một cộng đồng non trẻ, luôn luôn cần duy trì mối giao hảo tốt đẹp và công bằng với báo chí, thì lại càng nên tránh.

Nếu vì bảo vệ danh dự chính đáng của cộng đồng, và xét thấy uy tín của cộng đồng bị ảnh hưởng nghiệm trọng vì một bài viết có nội dung phỉ báng mạ lị một cách rõ ràng và ác ý, tất nhiên cộng đồng chúng ta sẵn sàng theo đuổi việc kiện tụng bằng mọi giá. Tuy nhiên, trong trường hợp bài báo của ký giả Miranda, tôi nhận thấy những ảnh hưởng tai hại đã bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa khác, cần phải được tìm hiểu và đánh giá một cách thận trọng. Còn nếu chỉ căn cứ vào những điểm được Luật sư Thân nêu lên trong bản Thông Báo và lá thư gửi báo Daily Telegraph để rồi có ý kiện ký giả Miranda và báo Daily Telegraph, thì tôi thành thật mong mỏi, qúy vị trong Ban Chấp Hành Cộng Đồng, trong Hội Đồng Tư Vấn Giám Sát, cùng các hội đoàn, đoàn thể, và bà con trong cộng đồng, nên thận trọng xét lại, để tiết kiệm sức lực, tiền bạc, thời gian và uy tín.

Đồng ý, bài báo của ký giả Miranda đã làm uy tín của cộng đồng người Việt bị tổn thương. Nhưng nếu chúng ta vội vã, đánh giá vấn đề một cách khinh xuất, thiếu thận trọng trong việc xét mình, xét người, e rằng uy tín của cộng đồng chúng ta sẽ tiếp tục bị thương tổn. Nếu việc kiện tụng được xúc tiến một cách vội vã, hoặc đầu voi đuôi chuột, nói kiện rồi lại không kiện, hoặc đang kiện nửa chừng bỗng nhiên bãi nại, thì cộng đồng Việt Nam chúng ta trở thành đề tài bị báo chí Úc mổ xẻ, phanh phui, nguy hiểm vô cùng. Tôi cũng không hiểu, cho đến hiện giờ, báo Daily Telegraph và ký giả Charles Miranda đã có thái độ như thế nào đối với lá thư yêu cầu xin lỗi của Chủ tịch Nguyễn Văn Thân"

Tôi thành thực nghĩ rằng, hiện tại một mặt chúng ta nên tham khảo ý kiến luật sư, duy trì thái độ chân thành hợp tác với cảnh sát trong cuộc điều tra, một mặt chờ đợi kết quả điều tra của cảnh sát. Sau khi có kết quả điều tra của cảnh sát, lúc đó chúng ta sẽ cân nhắc để đi đến quyết định nên kiện ký giả Miranda và tờ Daily Telegraph hay chỉ nên yêu cầu họ xin lỗi, hoặc nên bỏ qua.

Hữu Nguyên

Tuần tới: Nên thưa kiện Ông Nguyễn Duy Cần hay không"

(*) Tôi trộm nghĩ, phỉ báng mạ lị là lỗi lầm về dân sự (civil offence), nguyên đơn chỉ có quyền "thưa kiện" (to sue), không có quyền "truy tố". Quyền "truy tố" (to prosecute) là quyền luật định dành cho cảnh sát hoặc công tố viện để truy tố một người phạm tội hình sự (criminal offence). Trong trường hợp đặc biệt, phỉ báng (libel) có thể bị ghép tội criminal offence nếu sự phỉ báng đó gây tình trạng "breach of peace". Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.