Hôm nay,  

The Hollow Miracle (1959) - Phép Lạ Hổng, George Steiner - Phần I

12/03/200100:00:00(Xem: 4325)
Đồng ý: nước Đức hậu-chiến là một phép lạ. Nhưng một phép lạ rất kỳ cục. Có cuộc sống hối hả rộn ràng ở trên mặt, nhưng ở trái tim, là một sự im lặng kỳ cục. Hãy tới đó: hãy rời ánh mắt, trong một thoáng, ra khỏi sự tuyệt vời của những dẫy sản phẩm, hãy bưng tai chốc lát, với tiếng xe cộ ồn ào.

Cái chết đi, là ngôn ngữ Đức. Hãy mở những tờ báo hàng ngày, những tạp chí, cơn lũ những cuốn sách phổ thông hay trí tuệ, còn thơm mùi mực, ùa ra từ những nhà xuất bản; hãy đi coi một vở kịch Đức mới, hãy lắng nghe ngôn ngữ ở đài, hay ở Bundestag. Đâu còn là thứ ngôn ngữ của Goethe, Heine hay là Nietzsche. Cũng chẳng được, ngay cả của Thomas Mann. Một điều chi mang tính hủy diệt bao la đã xẩy ra cho nó. Nó gây ồn. Truyền thông đấy, nhưng không tạo cảm thông.

Ngôn ngữ là những cơ thể sống. Cực kỳ đa dạng, tuy nhiên vẫn là những cơ thể. Chúng có, ở trong chúng, một sức sống và những quyền năng nào đó, về tiếp thu và nẩy nở. Nhưng chúng có thể phân huỷ, và có thể chết.

Một ngôn ngữ cho thấy, rằng ở trong nó có cái mầm bại hoại theo một vài cách thức. Những hoạt động của tinh thần, vốn có thời mang tính bộc phát, nay trở thành máy móc, những thói quen đóng băng (những ẩn dụ chết, thói bắt chước được đóng hộp, những khẩu hiệu). Những chữ trở nên dài ngoằng, nhiều tham vọng. Thay vì văn phong, lại là tu từ. Thay vì cách dùng thông thường, chuẩn xác, lại là tiếng lóng. Những gốc gác đến từ tiếng nước ngoài và những vay mượn không còn thấm vào dòng máu chính của ngôn ngữ mẹ. Chúng giản dị được nuốt vô, rồi ỳ ra đó, như một xâm nhập ngoại lai. Tất cả những thất bại mang tính kỹ thuật này tích tụ thành thất bại trọng yếu: ngôn ngữ không còn làm sắc bén tư tưởng nhưng lại làm mờ nó. Thay vì đem hết nghị lực có được, nhắm thẳng vào mọi diễn đạt, ngôn ngữ làm lỏng lẻo, và phân tán cường độ của cảm nghĩ. Ngôn ngữ không còn là phiêu lưu (và một ngôn ngữ còn đang sống là cuộc phiêu lưu cao nhất, mà bộ não con người có thể). Ngắn gọn, ngôn ngữ không sống; nó được nói ra, vậy thôi.

Điều kiện này có thể kéo dài thật lâu; hãy quan sát, bằng cách nào tiếng La Tinh vẫn còn được sử dụng thật lâu, sau khi những mùa xuân cuộc đời, của nền văn minh La Mã đã khô cằn. Nhưng khi chuyện này xẩy ra, một điều gì thiết yếu cho một nền văn minh sẽ không thể phục hồi. Và nó xẩy ra ở Đức. Đó là lý do tại sao, ở ngay tâm phép lạ tái sinh vật chất ở Đức, là một chết chóc sâu xa như thế, của tinh thần; là một cảm quan không thể nào chạy trốn được như thế, về thô tục, và giả trá.

Cái gì đã đem cái chết tới ngôn ngữ Đức" Đây là một mẩu lịch sử mê hoặc và rối rắm. Nó bắt đầu bằng một sự kiện trái khoáy, rằng Đức quốc đã sống “thật ra trò”, trước khi có một quốc gia Đức thống nhất. Thiên tài thi ca của Luther, Goethe, Schiller, Kleist, Heine, và một phần của Nietzsche, báo trước sự tạo thành quốc gia Đức. Những bậc thầy văn xuôi và thi ca Đức là những người không để vướng mình vào tính năng động của ý thức quốc gia Phổ-Đức, như nó được phát triển sau khi nước Đức hiện đại được thành lập vào năm 1870. Như Goethe, họ là những công dân của Âu châu, sống trong những thể chế ông hoàng, quá nhỏ hẹp để mà đòi hỏi những tình cảm, về một chủ nghĩa quốc gia. Hay, như Heine và Nietzsche, họ viết từ bên ngoài nước Đức. Và điều này vẫn đúng, đối với thứ văn chương tuyệt hảo của Đức, trong những thời kỳ gần đây. Kafka viết ở Prague; Rilke ở Prague, Paris, và Duino.

Ngôn ngữ chính thức và văn chương Đức thời Bismack, đã có trong chúng những phần tử giả trá. Đó là thời đại hoàng kim của những sử gia nhập cuộc (militant), những nhà ngữ văn, và những siêu hình gia không thể hiểu nổi. Những quan viên này, của đế quốc Phổ mới đã sản xuất cái hợp chất đáng sợ là một ngây thơ về văn phạm và một thiếu vắng hài hước, chúng làm cho từ “Germanic” (tính cách Đức) tương đương với “khối chết” (dead weight). Những người chạy trốn việc Phổ hóa ngôn ngữ, là những tên nổi loạn, những kẻ lưu vong, giống như những người Do Thái đã tạo nên truyền thống báo chí sáng chói, hay như Nietzsche, kẻ viết từ hải ngoại.

Đối với giới hàn lâm, và trước sự nặng nề của tiếng Đức, như là nó được viết bởi những trụ cột của tri thức và của xã hội, giữa 1870 và Cuộc Chiến Lớn I, đế chế đã thêm vào đó sự hoa mỹ và bí hiểm như là những quà tặng của riêng nó. “Văn phong Potsdam” được thực thi trong giới quan lại và hành chánh của đế quốc mới là một trộn lẫn giữa thô tục (lối ăn nói chân thật của lính tráng) và âm thanh cao vút mang chất lãng mạn (nốt nhạc Wagner). Cứ như vậy, đại học, chốn quan quyền, quân đội, và triều đình cùng thông đồng với nhau xoáy vào ngôn ngữ Đức những thói quen, cũng chẳng kém nguy hiểm nếu so với những thói quen mà họ xoáy vào dân chúng Đức: sự yếu đuối khủng khiếp, trước những khẩu hiệu, và những sáo ngữ hoa lệ (Lebensraum, “the yellow peril”, “the Nordic virtues - Không gian cốt tử, “hiểm họa vàng”, “những đức hạnh Bắc Âu”); sự kính nể tự động trước một từ dài, hay một lớn giọng; một khiếu thưởng ngoạn “chết người” trước những tha thiết ngọt ngào, saccharine pathos, (Gemutlichkeit), giấu kín ở bên dưới là mọi hình thái thực tại thô thiển, hay nỗi chán chường. Trong việc khoan xoáy này, trường phái ngữ văn nổi tiếng Đức đúng là đã giữ một vai trò kỳ cục và phức tạp. Ngữ văn đặt để những từ trong bối cảnh những từ xưa hơn, hoặc có liên hệ với nhau, chứ không theo bối cảnh nhằm mục đích đạo đức hoặc cách cư xử. Nó đem đến cho ngôn ngữ nghi thức (formality), chứ không phải hình thức (form). Không phải chuyện ngẫu nhiên, khi mà cơ cấu ngữ văn thiết yếu của nền học vấn Đức đã đào tạo nên những tên hầu trung thành với nước Phổ, và chế độ Nazi Reich. Con đường - một đầu là tiếng hô kỷ luật ở nơi trường lớp, và đầu kia là những hàng rào kẽm gai ở những trại tập trung – được ghi lại ở trong những cuốn tiểu thuyết của Heinrich Mann, đặc biệt là cuốn Der Untertan (Chủ thể, le Sujet).

Khi những người lính tiến vào cuộc chiến 1914, những con chữ cũng vậy. Những binh lính sống sót, trở về, bốn năm sau đó, tả tơi, rơi rụng. Theo một nghĩa thực, những con chữ không trở về. Chúng ở lại chiến trường, và xây dựng bức tường huyền thoại, giữa tinh thần Đức và những sự kiện. Chúng phóng ra, những lời dối trá lớn lao đầu tiên; nước Đức hiện đại, phần lớn đã được nuôi nấng bằng những lời dối trá này: “đâm sau lưng chiến sĩ”. Quân đội oai hùng Đức đã không thất trận; họ đã bị đâm sau lưng bởi những tên “phản bội, bại hoại, Bolsheviks”. Hiệp ước Versailles không phải là một toan tính vụng về của một Âu châu rã rời, nhằm thu lượm những mảnh vụn, nhưng là một mưu đồ độc ác giáng lên Đức quốc, của những địch thủ đói khát. Trách nhiệm gây ra cuộc chiến là do Nga, hay Áo, hay những âm mưu thuộc địa của nước “Anh nham hiểm”, chứ không do nước Đức thuộc Phổ.

Có rất nhiều người Đức biết, đây là những huyền thoại; họ biết một điều gì đó, về cái phần đóng góp của chủ nghĩa trọng binh Đức và sự ngạo nghễ sắc tộc, trong việc đưa đến Lò Thiêu. Họ nói những điều này, trong những tiệm hát chính trị (political cabarets) của thập niên 1920, trong kịch thể nghiệm của Brecht, trong những bản viết của anh em nhà Mann, trong nghệ thuật họa hình của Kathe Kollwitz và George Grosz. Kể từ khi những Junkers và những nhà ngữ văn nắm lấy nó, [đây là lúc] ngôn ngữ Đức nhẩy vọt vào đời sống, như chưa bao giờ nó làm được như vậy. Một thời kỳ nổi loạn sáng ngời. Brecht đem trả lại cho văn xuôi Đức nét giản dị, và Thomas Mann đưa vào văn phong của mình vẻ duyên dáng dịu dàng, long lanh, của truyền thống cổ điển và Địa Trung Hải. Những năm này, 1920-1930, là những anni mirabiles của tinh thần hiện đại Đức. Rilke soạn Bi khúc Duino (Elegies) và Sonnets to Orpheus (Những bài xonê cho chàng Orphée) năm 1922; chấp cánh cho thơ Đức, và còn đem đến cho nó âm nhạc mà nó chưa từng biết đến, kể từ Holderlin. Núi Huyền diệu (The Magic Mountain, của T. Mann) xuất hiện năm 1924, Lâu Đài của Kafka, năm 1926. Lần trình diễn đầu tiên của vở Hý viện ba xu (The Three-Penny Opera của Brecht), là vào năm 1928, và năm 1930, điện ảnh Đức sản xuất Thiên Thần Xanh (The Blue Angel). Cùng năm xuất hiện bộ thứ nhất, tác phẩm Người Không Phẩm Chất (The Man Without Qualities của Robert Musil), trong đó là suy tưởng, kỳ lạ và bao la, của ông về sự suy đồi của những giá trị Tây phương. Trong thập niên hiển hách này, văn chương và nghệ thuật Đức có phần chia của mình, trong ngọn triều lớn của trí tưởng tượng; nó phủ lên Faulkner, Hemingway, Joyce, Eliot, Proust, D.H. Lawrence, Picasso, Schoenberg, và Stravinsky.

Nhưng đó chỉ là một chút đứng ngọ. Mùi vị tối tăm và hận thù tẩm vào tính khí Đức, từ năm 1870, đã bắt rễ quá sâu. Trong “Thư từ Đức quốc”, Lawrence ghi nhận, do đâu mà có cái “tinh thần cổ lỗ, vênh váo, man dại”. Ông đã nhìn xứ sở xua bỏ mọi tiếp xúc với Âu châu phía tây, giấm giúi mãi vào những sa mạc phía đông. Brecht, Kafka, và Thomas Mann đã không thành công, trong việc làm chủ văn hoá riêng của họ, trong việc tạo dấu ấn lên văn hoá đó, bằng sự điềm đạm nhân hậu, là tài năng của họ. Họ tự thấy mình, thoạt đầu, là những kẻ lập dị, và sau đó, những kẻ bị săn đuổi. Những nhà tân ngữ học bắt tay ngay vào việc biến ngôn ngữ Đức thành một võ khí chính trị, hoàn toàn hơn, hữu hiệu hơn so với bất cứ một võ khí chính trị nào mà lịch sử đã biết được; và làm cho tiếng nói của con người xuống cấp, biến thành tiếng hú của loài sói.

Bởi vì, chúng ta phải thấy rõ một điều: ngôn ngữ Đức đã không ngây thơ vô tội, trước những ghê gớm tởm lợm của chủ nghĩa Nazi. Đâu có giản dị như vậy, rằng một Hitler, một Goebbels, một Himmler nói tiếng Đức. Chủ nghĩa Nazi tìm thấy trong ngôn ngữ, đúng thứ mà nó cần để nói lên sự man rợ của nó. Hitler nhận ra, bên trong tiếng mẹ đẻ, cơn cuồng loạn ngấm ngầm, sự mập mờ lộn xộn, tính lên đồng mụ mẫm của nó. Ông ta mạnh dạn lặn xuống những tầng sâu của ngôn ngữ, những vùng của tối đen và của tiếng gào thét, chúng là ấu thời của những lời nói [chưa] được nói ra, [chưa] được phát biểu; chúng tới trước, trước khi những từ ngữ trở nên ngọt ngào, êm dịu, sẵn sàng cho cái đầu chạm vô. Ông cảm nhận ra ở trong tiếng Đức, một âm nhạc, khác với âm nhạc của Goethe, của Heine, và của Mann; nhịp điệu the thé, một nửa là những tiếng lóng mơ hồ, một nửa là tục tĩu. Và, thay vì ngoảnh mặt đi, vì tởm lợm, vì không tin tưởng, dân chúng Đức đã cứ thế hò theo, tạo một tiếng dội lớn lao, từ những tiếng rống của người đàn ông này. Nó được hò theo, bằng một triệu cái cổ họng, bằng một triệu đôi giầy bốt. Một Hitler sẽ tìm thấy những kho dự trữ nọc độc và mù chữ về đạo đức, trong bất cứ một ngôn ngữ nào. Lịch sử gần đây cho thấy, chúng chẳng ở đâu xa, nhưng sẵn sàng, sờ sờ ngay trên mặt của lối nói thông dụng. Một ngôn ngữ, mà với nó người ta có thể viết một “Horst Wessel Lied”, thì sẵn sàng đem tiếng nói mẹ đẻ dâng cho địa ngục. (Bằng cách nào từ “spritzen” hồi phục nổi, nghĩa lành mạnh của nó, sau khi đối với hàng triệu người Do Thái, nó có nghĩa là “tia máu” Do Thái bắn ra từ những mũi dao")

Và đó là điều xẩy ra dưới Đệ Tam Reich. Không phải im lặng hay lẩn tránh, nhưng mà là một bao la tràn bờ những từ ngữ chính xác, có thể phục vụ được. Một trong những ghê rợn đặc thù của chủ nghĩa Nazi, đó là, mọi chuyện xẩy ra đều được ghi lại, sắp xếp thành đề mục, theo niên biểu, được chép ra; những từ được “dấn mình” (committed) vào trong việc: nói những điều không một mồm miệng con người nào, nói ra, không một tờ giấy nào do con người chế tạo, dính vào. Nhớ lại những gì đã được làm, đã được nói, thì thật là lộn mửa, và gần như không thể chịu đựng nổi, nhưng người ta bắt buộc phải nhớ lại. Trong những phòng giam của Gestapo, những nhân viên tốc ký (thường là đàn bà) đã ghi lại thật tỉ mỉ, tách bạch, những âm thanh của sự sợ hãi và của cơn hấp hối co giật, bị lửa nướng, hay bị đánh đập, ra khỏi tiếng người. Những cuộc tra tấn và những thí nghiệm trên cơ thể con người ở trại tù Belsen và Matthausen đều được ghi chú thật là xác thực. Luật lệ điều hành con số những ngọn roi tại những khu đánh người ở Dachau được ghi trên giấy đàng hoàng. Khi những giáo sĩ Ba Lan bị bắt buộc phải chùi sạch nhà xí bằng tay và miệng, có những sĩ quan Đức chứng kiến, ghi lại sự kiện, chụp hình, và dán nhãn cho những tấm hình đó. Khi những lính gác ưu tú của đội S.S. giằng những đứa bé ra khỏi bà mẹ, ở cổng vào những trại tử thần, chúng không tiến hành trong im lặng. Chúng hô to nỗi ghê rợn sắp xẩy ra: “Heida, heida, juchheisassa, Scheissjuden in den Schornstein!”(Vui! Vui! Ô, vui sao! Đ.M. lũ Do Thái trong những ống khói!”- Gai! Gai! Oh gai! Merde de Juifs dans la cheminée!)

Điều không thể nói đã được nói, nói đi nói lại, trong mười hai năm. Điều không thể nghĩ đã được viết ra, ghi số mục, làm thành hồ sơ để tham khảo. Những con người đổ vôi sống xuống miệng cống ở Varsaw để giết những mạng người sống và bớt mùi hôi của những xác người chết: họ viết cho gia đình, về chuyện đó. Họ nói về chuyện phải ‘trừ khử những con bọ”. Trong những lá thư dặn gửi hình gia đình, hay gửi những lời chúc Giáng Sinh. Đêm tĩnh vô cùng, đêm thánh vô cùng, Gemutlichkeit. Một ngôn ngữ được sử dụng để điều hành địa ngục, ngôn ngữ đó sẽ có những thói quen của địa ngục, ở trong cú pháp của nó. Được sử dụng để huỷ diệt cái phần người của con người, và để tái lập công cuộc điều hành cái phần của con thú. Những từ mất dần nghĩa uyên nguyên của chúng, có những định nghĩa ma quỉ. Jude, Pole, Russe (Do Thái, Ba Lan, Nga) nghĩa là loài chấy rận-hai chân, sâu bọ hôi thối mà những người Aryans tốt đẹp phải dẫm bẹp dí, “như những con dán ở trên tường”, theo một cẩm nang của đảng chỉ rõ. “Giải pháp chót”, endgultige Losung, nghĩa là cái chết của sáu triệu con người trong những lò thiêu.

Ngôn ngữ bị tổn thương không chỉ bởi những trò thú vật lớn lao này. Nó còn được viện dẫn để làm mạnh những điều dối trá không sao đếm xuể, để thuyết phục người dân Đức, rằng cuộc chiến là chính nghĩa, và thắng lợi ở khắp mọi nơi. Khi cuộc thất trận chẳng xa đối với chế độ một-ngàn-năm Reich, những lời dối trá, như tuyết của một trận bão thường trực, cứ thế dầy lên mãi. Ngôn ngữ bị đảo ngược, “sáng” khi là bóng đen, “chiến thắng” khi là thảm họa. Gottfried Benn, một trong số ít những nhà văn đứng đắn bên trong chế độ Nazi ở Đức, đã ghi nhận một số định nghĩa mới, từ cuốn từ điển Đức của Hitler:

Vào tháng Chạp năm 1943, tức là thời kỳ người Nga đã đẩy lùi chúng ta một khoảng cách mặt đối mặt là 1,500km, và đã chọc thủng phòng tuyến ở trên mười nơi, một viên thiếu uý, nhỏ như con chim sâu, dịu dàng như một con chó con, đưa ra nhận xét: “Điều chính là, lũ heo chưa phá ra được.” “Phá ra” (break through), “đẩy lùi” “xóa sạch”, “chiến tuyến uyển chuyển và trơn tuột” – những từ như thế lấy đâu ra khả năng tích cực và tiêu cực" Chúng [chỉ] có thể lừa bịp hay che giấu. Stalingrad – tai nạn bi đát. Sự thất trận của tầu ngầm U-boats – một khám phá nho nhỏ, tình cờ mang tính kỹ thuật của người Anh. Montgomery đuổi Rommel chạy dài 4,000km từ El Alamein tới Naples – sự bội phản của tụi Badoglio.

Và khi cái vòng tròn của sự trả thù khép lại dần quanh nước Đức, những lời dối trá càng dầy đặc, biến thành một cơn bão khùng điên. Trên đài phát thanh, bị ngắt quãng bởi những báo động có phi cơ địch tấn công, là lời đoan chắc của Goebbels đối với dân chúng Đức, rằng “khí giới bí mật khổng lồ” sắp sửa được phóng ra. Vào một trong những ngày cuối-cuối (the very last days) của Gotterdammerrung, Hitler đi ra ngoài hầm trú ẩn để thị sát một đám con nít chừng mười lăm tuổi mặt đầy tàn nhang, mới tuyển được để phòng thủ Berlin. Nhật lệnh nói tới những “chí nguyện quân” và những đơn vị tinh nhuệ bách chiến bách thắng đã được tụ tập chung quanh Fuhrer. Cơn ác mộng xì hơi, bằng một lời dối trá trơ trẽn: người ta trịnh trọng thông báo cho Herrenvolk, rằng Hitler đang ở trong những chiến hào tiền phương, bảo vệ trái tim của thủ đô, chống lại loài thú Đỏ. Hóa ra là tên hề nằm chết bên cạnh cô nhân tình, ở mãi đáy căn hầm trú ẩn bằng bê tông cốt sắt của anh ta.

Ngôn ngữ có dự trữ lớn lao ở đời sống. Chúng có thể hấp thụ những liều lượng khổng lồ, chuyện khùng điên, thói mù chữ, trò rẻ tiền (George Orwell đã chỉ ra, tiếng Anh đang làm như vậy, những ngày này). Nhưng điểm gẫy xuất hiện. Sử dụng ngôn ngữ để đề ra, tổ chức, và biện minh [trại tù] Belsen; sử dụng nó để đưa ra những chi tiết kỹ thuật cho lò thiêu; sử dụng nó để phi nhân hóa con người, trong mười hai năm thú vật có dự tính. Một điều gì đó sẽ xẩy ra cho nó. Biến thành chữ, những gì mà Hitler và Goebbels và một trăm ngàn Untersturmfuhrer đã làm: những đoàn xe chuyên chở điều tởm lợm và sự giả trá. Một điều gì đó sẽ xẩy ra cho những con chữ. Một điều gì về những dối trá, trò sa đích sẽ “định cư” ở trong tuỷ ngôn ngữ. Thoạt tiên khó nhận ra, như độc chất do phóng sạ cứ ngấm dần vào xương. Nhưng chứng ung thư sẽ bắt đầu, và sự huỷ diệt ở tầng sâu. Ngôn ngữ sẽ chẳng phát triển và sẽ chẳng tươi mát. Nó không còn trình diễn được hai chức năng chính của nó - như nó vốn từng làm điều này: chuyên chở mệnh lệnh mang tính người - chúng ta gọi là luật pháp - và sự truyền thông, tính mau lẹ của tinh thần con người - chúng ta gọi là ân sủng. Trong một ghi chú hết đỗi bàng hoàng, ở nhật ký cho năm 1940, Klaus Mann đưa ra nhận xét, rằng ông không thể đọc những cuốn sách mới viết bằng tiếng Đức: “Chẳng lẽ Hitler đã làm ô nhiễm ngôn ngữ của Nietzsche và Holderlin"” Làm sao không, chuyện có thể xẩy ra.

Nhưng chuyện gì xẩy ra cho những con người bảo vệ ngôn ngữ, những con người gìn giữ lương tâm của nó" Chuyện gì xẩy ra cho những nhà văn Đức" Một số người bị giết trong những trại tập trung; những người khác, như Walter Benjamin, tự kiết liễu đời mình trước khi Gestapo có thể bắt họ từ bỏ một chút xíu hình ảnh của Thượng Đế ở nơi con người. Nhưng đa số nhà văn bỏ đi sống cuộc đời lưu vong. Những nhà viết kịch số một: Brecht và Zuckmayer. Những tiểu thuyết gia quan trọng nhất: Thomas Mann, Werfel, Feuchtwanger, Heinrich Mann, Stefan Zweig, Herman Broch.

Cuộc exodus này thật quá quan trọng nếu chúng ta hiểu, chuyện gì đã xẩy ra cho ngôn ngữ Đức, và cho linh hồn, mà nó là tiếng nói của linh hồn đó. Một số nhà văn chạy trốn quê hương, để cứu mạng sống của họ, vì là Do Thái, hay Mác xít, hay bất kể một thứ “sâu bọ không được ưa chuộng” nào khác. Nhưng rất nhiều người có thể ở lại như là những vị khách Aryans đáng kính trọng của chế độ. Nỗi âu lo số một của chế độ Nazi, là làm sao bảo đảm được vẻ huy hoàng lộng lẫy, là sự hiện diện của Thomas Mann, cùng uy thế mà một hiện diện như vậy sẽ đem lại cho cuộc sống văn hóa của chế độ Reich. Nhưng Mann không thể ở lại. Lý do là ông hiểu rất rõ đã xẩy ra chuyện gì cho ngôn ngữ, và ông cảm thấy chỉ ở trong tình trạng lưu vong, ngôn ngữ mới có thể thoát khỏi cuộc điêu tàn sau cùng. Khi ông di định cư ở nước ngoài, đám hàn lâm nịnh bợ tại Đại học Bonn đã tước học vị tiến sĩ danh dự của ông. Trong lá thư ngỏ nổi tiếng gửi cho khoa trưởng, Mann giải thích, làm sao một con người sử dụng tiếng Đức để truyền thông sự thực hay những giá trị nhân bản, lại không thể ở lại với chế độ Reich của Hitler:

Niềm bí ẩn của ngôn ngữ là một niềm bí ẩn lớn lao; trách nhiệm đối với ngôn ngữ, đối với sự trong sạch của nó, là mang tính biểu tượng và thiêng liêng; trách nhiệm này không chỉ mang ý nghĩa mỹ học. Một cách thiết yếu, trách nhiệm đối với ngôn ngữ là một trách nhiệm nhân bản… Một nhà văn Đức, [chỉ bằng] cách người đó thường ngày sử dụng ngôn ngữ mà trở nên có trách nhiệm, làm sao người đó lại [có thể] lặng thinh, hoàn toàn lặng thinh, khi đối diện với tất cả cái ác vô phương sửa chữa, phạm phải hàng ngày, phạm phải tại xứ sở của tôi, ngược lại thân thể, linh hồn và tinh anh, ngược lại công lý và sự thực, ngược lại những con người và con người"

(The mystery of language is a great one; the responsibility for a language and for its purity is of symbolic and spiritual kind; this responsibility does not have merely an aesthetic sense. The responsibility for a language is, in essence, human responsibility… Should a German writer, made responsible through his habitual use of language, remain silent, quite silent, in the face of all the irreparable evil which has been committed daily, and is being committed in my country, against body, soul and spirit, against justice and truth, against men and man")

Mann đúng, lẽ dĩ nhiên. Nhưng cái giá để trả cho một sự vẹn toàn như thế thật quá nặng, đối với một nhà văn.

Những nhà văn Đức chịu đựng những mức độ khác biệt, của nỗi mất mát, và phản ứng lại bằng nhiều phương thức khác biệt. Rất ít người đủ may mắn và tìm được chốn an thân ở Thụy Sĩ, nơi họ có thể sống trong dòng đời, của ngôn ngữ mẹ đẻ. Những người khác, như Werfel, Feuchtwanger, và Heinrich Mann, định cư gần bên nhau để tạo những ốc đảo tiếng mẹ đẻ, tại quê hương mới của họ. Stefan Zweig, tới được vùng Châu Mỹ La Tinh một cách an toàn, cố gắng tiếp tục viết. Nhưng tuyệt vọng vượt quá sức chịu đựng của ông. Ông tin rằng, đám Nazi sẽ biến tiếng Đức thành một trò chí chóe phi nhân. Ông chẳng thấy tương lai, cho một người dâng hết đời mình cho sự vẹn toàn của văn học Đức, và tự huỷ mình. Những người khác cùng nhau ngưng viết. Chỉ một dúm rất cứng cựa, và dư dả tài năng nhất, mới có thể chuyển hóa điều kiện độc địa đó, thành nghệ thuật.

Bị truy nã từ nơi trú ẩn này tới nơi trú ẩn khác, Brecht đã biến mỗi vở kịch mới ra lò của ông thành một hành động sáng ngời trong cuộc chiến vừa-đánh-vừa-lui. Vở kịch Mẹ Đảm (Mother Courage) lần đầu tiên được trình diễn là ở Zurich, vào mùa xuân đen, năm 1941. Càng truy đuổi, tới đâu, ông càng sáng suốt hơn, mạnh mẽ hơn, tới đó, và trở thành Brecht’s German (tiếng Đức của Brecht). Ngôn ngữ như tìm thấy thời thơ ấu của nó - cuốn tập đọc vỡ lòng đầu tiên - để nói lên sự thực. Không nghi ngờ chi, Brecht còn được sự trợ giúp, từ chính kiến của ông. Là một người Mác xít, ông cảm thấy mình là công dân trong một cộng đồng lớn rộng hơn Đức quốc và là thành viên tham dự cuộc diễn hành tiến về phía trước, của lịch sử. Ông đã kịp sửa soạn để chấp nhận sự báng bổ và cảnh điêu tàn của di sản Đức, như là nỗi bi đát cần thiết, khúc dạo đầu cho việc thành lập một xã hội mới. Trong một tiểu luận ngắn, “Năm nỗi khốn khó, khi viếr ra sự thực” (Five Difficulties Encountered When Writing the Truth), Brecht đã viễn kiến về một ngôn ngữ Đức mới, đủ sức để có một xứng đôi vừa lứa, giữa con chữ và sự kiện, giữa sự kiện và phẩm giá con người.

(còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.