Hôm nay,  

Góp Ý Đại Hội Đảng 10 (bài 1/3): Danh Không Chánh, Ngôn Không Thuận

20/02/200600:00:00(Xem: 5653)
- Tôi là một cựu tù cải tạo bởi lý do không được chọn lựa vùng ý thức hệ cũng như mảnh đất để sinh ra, tôi cầm súng bảo vệ vùng đất tôi đang sống đúng theo nghĩa vụ và bổn phận của người dân trong một nước. Đó là một cái tội (")và tôi đã phải trả giá cho cái tội đó, để được trở thành CÔNG DÂN VIỆT NAM, trên thực tế là một loại công dân không giống ai dưới chính quyền cai trị bằng lý lịch, tôi lạc lõng và bị loại ra ngoài xã hội hiện hữu. Những công thần của chế độ với huy hiệu 50-60 tuổi đảng có ý kiến trái nghịch còn bị trù dập te tua tan nát cuộc đời, thì đối với loại công dân luôn luôn có vấn đề như tôi, dù có mơ tôi cũng không dám có ý kiến, nhất là ý kiến về đại hội Đảng. Vì nếu bạo phổi đóng góp ý kiến với chính quyền nhất là những lãnh vực nhạy cảm thì cái điều cầm chắc là Đảng và Nhà nước sẽ ưu ái nâng cấp tôi trở thành công dân ưu hạng, ăn uống có người dâng tới miệng, ngủ có lính gác khỏi lo trộm cắp, suốt đời khỏi lo tương lai, chỉ có thiếu một điều duy nhất là không có lịch để mà gở cho vui mà thôi. Thế nhưng số phận nổi trôi, tôi may mắn trở thành một tế bào của khúc ruột ngàn dặm nối liền với tổ quốc, lại là đối tượng được quan tâm theo nghị quyết 36/cp.

Trong tinh thần chấp nhận đối thoại của đảng Cộng Sản hiện nay, và theo phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh “Tôn trọng những ý kiến khác biệt” và theo lời kêu gọi của Nhà nước “Xếp lại quá khứ, hướng về tương lai cùng nhau xây dựng đất nước”, tôi đã cố gắng vượt qua cái bóng của mình, vượt qua những tình cảm của một thời ngây thơ, hồ hởi phấn khởi chuẩn bị lương khô đi học tập ba ngày để rồi trở thành những ngày dài thế kỷ. Tôi góp ý công khai về Đại hội Đảng 10. Như là một đóng góp tích cực của cá nhân tôi là một người Việt Nam bình thường, thầm lặng và xa xứ vậy. Sẽ lần lượt trình bày qua 3 nội dung:

•Nhân dân góp ý Đại hội 10 có danh chánh ngôn thuận không"

•Cần thêm bao nhiêu MÁU và NƯỚC MẮT của Đảng Viên CS và dân Việt để xây dựng XHCN"

•Tại sao không dựa trên quyền lợi của TỔ QUỐC và DÂN TỘC để đánh giá kết quả 30 năm hoạt động của đảng Cọng Sản Việt Nam"

Cảm nhận đầu tiên sau khi đọc kỹ lưỡng hết 32 trang dự thảo báo cáo, tôi nhận thấy có bốn ưu điểm nổi bật nhiều hơn hẳn, chỉ có một khuyết điểm duy nhất cần bàn thảo.

1)- Thật vậy nói về ưu điểm nổi bật nhất là sự kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự kiên định này chứng tỏ bản dự thảo đã không đi chệch hướng và có quá trình kế thừa mục tiêu đề ra từ đại hội IV (1976). Sau khi chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Đảng Lao động Việt Nam đổi tên là đảng Cộng Sản Việt Nam dựa trên nền tảng lý thuyết của Mac Lenin là chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp. Và nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Đây là điểm son lớn nhất và là sự thành công nhất của những người làm dự thảo báo cáo.

2)- Ưu điểm thứ hai là dự thảo báo cáo xác định rõ ràng: Đảng Cộng Sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam (Mục XIV). Điều này phù hợp với điều 4 hiến pháp CHXHCNVN, điều 1 của điều lệ Đảng Cọng Sản Việt Nam.

3)- Ưu điểm thứ ba là tinh thần của bản dự thảo đã hòa chung với không khí hòa bình xây dựng của Việt Nam sau 30 năm cuộc chiến chấm dứt. Không còn xuất hiện những ngôn ngữ âm vang từ chiến tranh và hận thù. Đây chính là điểm son thứ hai để khởi đầu cho việc đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

4)- Ưu điểm thứ tư là dự thảo ngắn gọn nhưng đầy đủ với văn phong nhẹ nhàng dễ hiểu và thông thoáng hơn những dự thảo báo cáo của những đại hội trước đây.

Nói về khuyết điểm, có thể tóm tắt ngắn gọn trong hai chữ đó là “ NGHỊCH LÝ”. Và sự nghịch lý này không những có tính phổ quát bao gồm toàn văn bản dự thảo, mà còn là nghịch lý cục bộ hay nói một cách khác là đối kháng nội tại trong mỗi tiết mục mà bản dự thảo nêu ra. Đó chính là điều mà người viết cần góp ý hầu mong xóa tan hai chữ nghịch lý nhỏ nhoi này để bản dự thảo toàn bích hơn theo ước vọng cháy bỏng của đảng và nhân dân “SỚM ĐƯA NƯỚC TA RA KHỎI TÌNH TRẠNG KÉM PHÁT TRIỂN”

I/- SÁNG KIẾN NHÂN DÂN GÓP Ý ĐẠI HỘI ĐẢNG IO:

1)- DANH KHÔNG CHÁNH, NGÔN KHÔNG THUẬN:

Đây là đợt sinh hoạt chính trị lớn có tầm vóc lịch sử kể từ ngày thành lập đảng cho đến nay là 76 năm, đây là lần đầu tiên Đảng chấp nhận đối thoại công khai, và tuyên bố chính thức “Tôn trọng ý kiến khác nhau” để người dân ngoài đảng được công khai góp ý vào Đại hội Đảng. Thật là muộn màng nhưng còn hơn không có. Đây chính là một điểm son mang tính lịch sử sau này. Thế nhưng tiếc thay sáng kiến này rơi vào trường hợp: “ DANH KHÔNG CHÁNH, NGÔN KHÔNG THUẬN” bởi những điểm sau đây:

a)- Thật vậy, đây là dự thảo của Đại hội 10 của đảng Cọng Sản Việt Nam thì đó là công việc nội bộ của đảng viên Cộng Sản. Dự thảo là văn kiện tối quan trọng của đảng lãnh đạo. Tất nhiên dự thảo mặc nhiên hay minh thị phải mang tính đảng, tính chiến đấu và tính giai cấp trên con đường kiên định chủ nghĩa Mac Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong khi người dân, một bộ phận đa số không được trang bị đầy đủ kiến thức đó, do vậy sự đóng góp ý kiến của người dân có ý nghĩa gì" Có lạc lõng" Có chói tai người lãnh đạo CS không" Có bị quy chụp là phản động, là phá hoại đại hội Đảng không"

b)- Nhân dân góp ý kiến với TƯ CÁCH gì" Nhân dân là một thành phần giai cấp bị trị đầy đủ các màu sắc đen, đỏ, xanh, tím, vàng. Suốt 30 năm sống trong đất nước mang danh là Xã Hội Chủ Nghĩa. Họ là thành phần đa số trên 80 triệu dân nhưng họ không có chỗ đứng trong chính quyền. Họ là người dân thấp cổ bé miệng, không có chỗ để cho họ trình bày ý kiến về những vấn đề bức xúc liên quan đến cuộc sống thì nói chi nói đến việc đóng góp vào chuyện quốc gia đại sự. Đảng bắt dân làm những con két biết nói và giờ đây đảng muốn nghe những con két trả bài hay sao"

c)- Có phải Đảng Cộng Sản THẬT SỰ CẦN ĐẾN Ý KIẾN của người dân hay không" Nếu Đảng thật sự cần đến ý kiến của người dân, và đã dũng cảm đưa ra sáng kiến này, thì:

•Tại sao lại không tổ chức những diển đàn khoa học công khai với sự tham dự của báo chí trong và ngoài nước, để người dân tự do bàn thảo góp ý" Tại sao không mở rộng tự do báo chí để thu gom đầy đủ ý kiến của người dân"

•Tại sao không phát động thành phong trào, cho người dân tự do hội họp, tự do bàn thảo góp ý"

•Tại sao không bải bỏ sự kiểm soát Internet để cho người dân tìm hiểu thông tin đa chiều từ đó người dân sẽ có sự góp ý sâu sắc hơn"

Đó chính là những phương cách tốt nhất PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN DÂN TỘC vậy.

Để giải đáp nghịch lý này, và để người dân có thể danh chánh ngôn thuận góp ý đề nghị đảng có thể chọn một trong những giải pháp sau:

-Đổi tên đại hội đảng thành ĐẠI HỘI ĐẢNG MỞ RỘNG có người dân chính thức tham gia đại hội. hay là đại hội toàn dÀân, toàn đảng.

-Mở ra cuộc trưng cầu đảng ý, biểu quyết lấy ý kiến rộng rãi của toàn đảng viên thay vì đại hội đảng giới hạn trong số những đại biểu đã chọn lọc từ trước, không thể hiện trung thực ý kiến của toàn đảng viên.

-Mở ra cuộc trưng cầu dân ý, hay một hình thức của hội nghị Diên Hồng mà lịch sử nước ta đã từng có truyền thống tốt đẹp.

2)- NỘI DUNG VÀ CÔNG VIỆC GÓP Ý:

Theo tiêu đề là DỰ THẢO báo cáo chính trị trình đại hội X thì chứng tỏ tất cả nội dung của toàn bản dự thảo chưa có gì chắc chắn, còn có thể bàn cãi và người dân có thể góp ý thay đổi sửa sai. thế thì tại sao lại “KIÊN ĐỊNH “ “ mục tiêu Chủ nghĩa Xã Hội trên nền tảng chủ nghĩa Mac Lê Nin và tư tưởng Hồ chí Minh”. Chưa có bàn thảo góp ý, chưa có đại hội, chưa biểu quyết mà đã có KẾT LUẬN rồi thì còn góp ý làm gì nữa tốn công sức và phí thời gian của người dân" Phải chăng sáng kiến góp ý chỉ là trò mỵ dân, lừa bịp bàn dân thiên hạ" Hay đây chỉ là trò chơi trí tuệ đểu giả trước Đại hội" Và máu của những người góp ý sẽ là những giòng mực để viết lên 8 chữ “ĐẠI HỘI ĐẢNG 10 THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP”.

Đây chính là một NGHỊCH LÝ MANG TÍNH TỔNG THỂ cần phải khắc phục trước khi bước vào bàn thảo nội dung.

Sáng kiến nhân dân góp ý sẽ thu hoạch rất nhiều ý kiến của người Việt Nam trong và ngoài nước, trước một số lượng ý kiến lớn lao như vậy lại không đồng nhất quan điểm, chính kiến, thậm chí đối nghịch nhau, thì công việc đúc kết ý kiến ngắn gọn và đầy đủ là một công việc không dễ dàng, mà một vài người khó có đủ khách quan, sáng suốt và dũng cảm hoàn thành công việc dưới áp lực của phe nhóm chính trị.

Để giải quyết nan đề này người viết đề nghị lập một ủy ban với sự tham gia rộng rãi của nhiều thành phần đảng và nhân dân làm nhiệm vụ đúc kết ý kiến cho dự thảo đại hội đảng. Nếu quan trọng hơn nữa là nâng lên thành ủy ban cố vấn dự thảo đại hội đảng. Làm được điều này chính là đảng đã thực sự tôn trọng ý kiến khác biệt, và chấp nhận đối thoại công khai và không duy ý chí áp đặt. Dũng cảm hay là không muốn trở thành là những con dê tế thần trong giai đoạn giao thời

3)- ĐIỂM XUẤT PHÁT SÁNG KIẾN:

Điểm bàn thảo sau cùng trong phần nhân dân góp ý này là sáng kiến góp ý của nhân dân xuất phát từ cái TRÍ hay cái TÂM của đảng Cộng Sản"

a)- Xuất phát từ cái TRÍ: có thể xảy ra trong hai trường hợp:

•Trường hợp thứ nhất: người làm dự thảo nói riêng và bộ chính Trị, ban chấp hành trung ương đảng nói chung hiện nay là không có đủ khả năng hay bản lãnh để lập ra một bản dự thảo hoàn chỉnh, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Người viết hoàn toàn không tin như vậy, vì trong suốt 20 năm đổi mới đảng đã tích lũy rất nhiều ý kiến khác nhau, rất sâu sắc, nồng nàn tình dân ý đảng, nhưng đảng vẫn để ngoài tai, như là không hay, không biết. Nếu rơi vào trường hợp này thì việc góp ý chỉ là một màn trình diễn chính trị thời sự và người góp ý kiến đại hội phải chuẩn bị tâm lý đón nhận hậu quả sau đại hội kết thúc chẳng khác gì thân phận của những người tham gia nhân văn giai phẩm vậy.

•Trường hợp thứ hai là đảng có đầy đủ bản lãnh và dư khả năng để làm một bản dự thảo theo đúng tinh thần đổi mới, thế nhưng đảng vẫn đưa ra lấy ý kiến nhân dân vì người làm dự thảo không đủ dũng cảm hay là không muốn trở thành là những con dê tế thần trong giai đoạn giao thời chuyển mình của đất nước. Kinh nghiệm Trần Xuân Bách chỉ tuyên bố một câu đại ý là đổi mới phải song hành đi hai chân, chứ chưa hề đề cập đến vấn đề lấy ý kiến dân hay đa nguyên đa đảng đã phải trả giá cho cả chính cuộc đời và sự nghiệp của mình. Phải chăng đây chính là phương cách hạ cánh an toàn của người làm dự thảo trong bối cảnh hoàng hôn của đảng Cọng Sản vậy"

b)- Xuất phát từ cái TÂM: Nếu sáng kiến nhân dân góp ý phát xuất từ cái TÂM trong sáng của đảng Cộng Sản Việt Nam, và người viết hy vọng đây là sự thật, thì đây là điều hạnh phúc lớn nhất mà đảng Cộng Sản mang lại cho nhân dân Việt Nam sau 30 năm cầm quyền lãnh đạo và 76 năm thành lập. Đảng nên làm thêm một động tác nữa để chứng minh lời nói đúng theo việc làm, đem lại niềm tin cho nhân dân. Đó là TRẢ TỰ DO cho tất cả những người bất đồng chính kiến, tạo điều kiện cho họ tham gia tranh luận và góp ý. Làm được điều này, sẽ mang lại BA điều lợi ích cho đảng:

•Minh chứng là đảng thực sự chấp nhận đối thoại công khai, tôn trọng ý kiến khác biệt.

•Thực thi CÔNG BẰNG XÃ HỘI, DÂN CHỦ, VĂN MINH theo đúng mục tiêu ở phần IV đoạn 1. Để cho người dân thấy rõ ràng cái mục tiêu này không phải là một cái bánh vẽ mà là một hiện thực của xã hội.

•Đảng sẽ lấy lại được niềm tin trong nhân dân, xóa đi cái truyền thống “Nói một đường làm một nẻo” không đáng có của một thời đã qua.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.