Hôm nay,  

Những Chuyện Lẩm Cẩm Nhất Năm 2005

20/01/200600:00:00(Xem: 6079)
- Tết Tây Tết Ta

Ở Việt Nam, năm nào cũng có một thời kỳ, cứ gọi đại là "thời kỳ quá độ". Nhưng khác với "chính chị chính em", quá độ ở đây là khoảng thời gian giữa Tết Tây và Tết Ta. Tùy theo năm, có năm nhuận, khoảng thời gian đó là 2 tháng hoặc hơn một chút, nhưng vào những năm bình thường thì hai cái Tết đó cách nhau khoảng hơn hoặc gần một tháng như năm nay.

Tết ta sẽ bắt đầu vào ngày Chủ nhật 29-1-2006, (tức mùng 1 Tết nguyên đán). Cũng xin quý bạn lưu ý là tháng chạp năm nay chỉ có 29 ngày, cho nên ngày 29 sẽ là ngày 30 Tết đấy. Các cụ gọi là "29 lấy làm 30". Vì thế cho nên ngày Thứ bảy 28-1-2006 mới là ngày 29 tháng chạp âm lịch, nhưng bước sang ngày chủ nhật 29-1-2006, đáng lẽ là 30 Tết, nhưng năm nay đã là Mùng 1 tháng giêng Ta rồi. Tức là bắt đầu một Năm Mới. Quý bạn nào cần chúc Tết bà con anh em bạn bè hoặc mua sắm chút đỉnh ăn Tết ở nước ngoài, xin nhớ kỹ cho điều này kẻo lầm.

Hàng thật hàng giả, xe công xe riêng

Mùa Tết Tây đúng nghĩa là Tết của thành thị, của những người "văn minh", của những "đại gia" và của những những ông quan thích lễ tết, vì sao chắc ai cũng biết, chẳng cần "biết rồi khổ lắm nói mãi" làm chi cho bực mình.

Mùa Noel và Tết Tây năm nay dân miền Nam VN có được những ngày mát mẻ, trời hơi lạnh nên không khí mua sắm, ăn uống, chơi bời có vẻ rôm rả hơn những năm trước. Nhưng mấy hôm nay, trời đất đã bắt đầu nóng lại, mùa mưa dường như đã "tuyên bố" chấm dứt ở miền Nam. Những ngày nắng đã lại bắt đầu và người dân cũng bắt đầu vào mùa mua sắm, ngắm nghía hàng Tết, đúng nghĩa là Tết Cổ truyền.

Hàng thật hàng giả cứ loạn cào cào. Cái gì cũng có thể giả được hết. Cái khoản giả chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là những thứ rượu ngoại. 90% là rượu giả. Con số thống kê nghe mà giật mình. Nhưng chỉ có các vị lắm của nhiều tiền, chơi rượu ngoại như uống nước lạnh mới giật mình chứ dân nhà quê và người lao động ở thành phố thì cứ bình chân như vại. Nó có giả 100% cũng thây kệ.

Những anh lăm le biếu xén nhà các "sếp" lớn, "sếp" nhỏ thì... hơi vui vì rượu giả bao giờ giá cả cũng rẻ hơn hàng thật, cho nên tiết kiệm được một khoản, có thể đem biếu cả những "sếp nhơ nhỡ" cho "thắm tình hữu nghị", hy vọng sang năm mới sẽ làm ăn khấm khá hơn, được cất nhắc đến chỗ có nhiều bổng lộc hơn.

Năm nào nhà nước cũng có công văn chỉ thị cấm biếu xén trong dịp Tết, nhưng năm nào cái "thông lệ quan trọng" đó cũng cứ âm thầm diễn ra, không cửa trước thì cửa sau, không "biếu xén" thì quà cáp, không quà cáp thì lưu niệm, không lưu niệm thì "kỷ vật" như một cái điện thoại di động loại "lay động cảm quan", một cái máy Laptop cực mạnh cho cậu ấm cô chiêu ngồi chơi games, hoặc chat, hoặc xem phim tươi mát... Đăng ký một cái xe ghi tên con quan, có mà thánh biết. Có hàng triệu cách tỏ tình "thương mến thương", lo gì cái vặt. Không cho trước tết thì cho sau Tết, chẳng có gì vi phạm.

Vấn đề là con người chứ không phải công văn chỉ thị. Công văn ra riết rồi thành "quen", thành "lờn" cứ như "chuyện cổ tích".

Hàng giả từ bánh kẹo đến bột ngọt, mới làm anh dân nghèo điêu đứng. Mất tiền oan mà còn sinh bệnh tật. Nước ngọt đóng chai cũng được làm bằng "công nghệ nước giếng". Hàng quá "đát" trộn trong "cây quà" đầy rẫy trên hè phố. Formal trong các loại thực phẩm, kể cả thực phẩm hun khói cũng có formal, vẫn y nguyên si như năm ngoái... Có thể kết luận rằng trong thời kỳ này, trên là trời, dưới là hàng giả. Tinh vi đến độ người tiêu dùng không tài nào nhận ra.

Công văn chỉ thị, phê bình kiểm thảo ráo riết mà chưa Tết các quan đã thi đua đi xe hơi nhà nước lên biên giới mua hàng. Có một ngày nghỉ mà hàng trăm chiếc xe nhà nước chở quan và vợ con quan lên cửa ải Lạng Sơn sắm Tết. Thật ra năm nay hầu hết những vị được gọi là quan quyền dù ở địa phương hay thành phố, hầu hết đã tậu được xe hơi riêng, cần gì phải đi xe nhà nước" Chỉ cần đổ xăng nhà nước, dùng tài xế nhà nước là yên chuyện.

Nếu nhìn nhận như thế thì có vài trăm quan lên cửa ải sắm Tết, những quan đi "xế hộp" của nhà thì dĩ nhiên chẳng ai có quyền hạch hỏi, số quan xài xe công có lẽ là toàn những quan thuộc loại làng nhàng mới cần lợi dụng như vậy. Năm nay khác với năm trước rồi. Quan lớn hầu hết có xe nhà, quan nhỏ mới cần xài xe công vào việc riêng. Trong "thời kỳ quá độ" - tức là thời kỳ chưa kiếm ra tiền mua xe hơi riêng - thì quan nhỏ làm liều là chuyện dễ hiểu. Sang năm sau chắc chắn các vị này sẽ... rút kinh nghiệm", "phấn đấu" hết mình có một cái xế hộp, không thèm xài "xe chùa" nữa. Ông xài xe nhà cho biết tay, đố anh nào dám phê bình kiểm điểm.

Giá lên giá xuống

Giá sinh hoạt một ngày một lên cao, nếu so với đầu năm thì giá cả leo thang khủng khiếp. Cứ ngày sau leo cao hơn ngày trước một bậc, các bà nội trợ xanh mặt vì giá cả. Bữa cơm của dân lao động chỉ bằng một nửa hồi đầu năm mà lương bổng thì cứ đứng chết trân một chỗ.

Anh leo cao nhất là giá vàng. Bỗng dưng nó nhẩy kiểu phi mã. Đầu năm nay, hơn 600 ngàn một lượng thì cuối năm lên hơn một triệu. Ấy vậy mà cửa hàng vàng nào cũng có vẻ ăn nên làm ra. Cửa hàng ăn nào cũng tấp nập, nhất là những khách sạn ba bốn năm sao, dịp cuối năm Tây không còn bàn phục vụ, không còn chỗ cho khách thuê. Người ta hỏi nhau "không biết tiền đâu ra mà thiên hạ ăn chơi kỹ thế". Câu hỏi có thể trả lời bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng ngoại trừ một số rất nhỏ khách du lịch, số còn lại chắc chắn là tiền của dân. Bằng cách nào nó chảy vào túi các "thượng đế" để có điều kiện đi ăn chơi thì có đến năm cuốn tự điển mới kể hết.

Còn dân lao động thì cứ đói, cứ đình công lu bù. Đói vẫn hoàn đói.

Mùa này chỉ có duy nhất hàng điện là máy xuống giá, có cái xuống giá đến 50%, một cái ti vi trước đây một tháng giá 54 triệu đồng, nay chỉ bán với giá 32 triệu đồng. Người ta trông đợi vào khi gia nhập AFTA, các mặt hàng điện máy của nhiều nước khác sẽ nhảy vào cạnh tranh và thuế nhập khẩu sẽ buộc phải hạ xuống nên các cửa hàng thi nhau khuyến mãi rất xôm trò, "bán tống bán tháo" hàng cũ để có vốn mua bán hàng mới, giá mới.

Cho nên dùng dằng nửa ở nửa về, nửa muốn mua ngay, nửa chờ đợi giá AFTA, hàng sẽ còn xuống nữa là tâm trạng của một số dân trung lưu. Nhưng chắc chắn là họ sẽ phải mua trước Tết, đó là mùa bà con anh em đến thăm nhau. Có cái tivi mỏng như bức tranh treo trên tường, màn hình phẳng LCD cũng oách lắm chứ. Nhà Anh Tư có mà nhà anh Năm không có thì còn ra cái thể thống gì. Cũng phải có vài chục chai rượu Tây bầy trong tủ kính để gián tiếp khoe rằng có nhiều đàn em trung thành "kính biếu". Đại khái cái tâm lý chung là như vậy nên các của hàng điện máy xuống giá hôm nay, móc túi lại ngày mai. Lo gì cái vặt.

Cái vòng luẩn quẩn cúm gà

Mới cách đây một hai tháng, khắp nơi rầm rộ thịt gà thịt vịt, ăn bở hơi tai không hết, gọi cả hàng xóm láng giềng sang cho. Kể cả những nơi "cơ quan chức năng" chưa cấm cũng mang hết gia cầm ta làm thịt cho chắc. Dịch cúm gà lấp ló xuất hiện ở một vài tỉnh thành càng làm cho các nhà nuôi gia cầm táng gia bại sản, các nhà hàng ăn "đặc biệt" chuyên bán thịt gia cầm vắng hoe, nhiều quán đóng cửa.

Nhưng mới chỉ vài tuần gần đây thôi, coi bộ tình hình gia cầm hơi yên ắng, hầu như không còn thấy thông tin cúm gia cầm xuất hiện nữa thì dịp Tết Tây vừa qua người ta lại quáng quàng đổ xô đi mua thịt gia cầm sạch ở những nơi được "cơ quan thẩm quyền" chỉ định. Các hàng phở gà, cơm gà, cháo gà, cháo vịt và đôi chỗ kể cả tiết canh vịt lại mở cửa lu bù. Người ta lại kéo đến ăn với điều kiện nhìn thấy cái dấu kiểm dịch xanh xanh, tím tím đóng trên con gà.

Rất nhiều cửa hàng và siêu thị "chính thức" được công nhận là "gia cầm sạch" đắt hàng như tôm tươi. Phải nói thêm rằng cái thú ăn thịt gia cầm đã ăn vào máu người Việt Nam rồi, cho nên vắng thịt gia cầm cũng nhớ, nên thấy nó "yên yên" thì cứ ăn. Thế nhưng người ta lại quên mất một điều rằng ở một số nơi, những cái dấu xanh xanh tím tím được đóng như thế nào. Có một bà kể lại rằng mấy "ông bà thú y" ở địa phương không đủ phương tiện để xét nghiệm con gà nào cúm H5N1 con gà nào không, nên chỉ khám đại khái rồi đóng dấu vì cứ ỷ y là địa phương mình không có dịch. Nhìn trên tivi thấy mấy ông bà "thú y" cứ đóng dấu bèm bẹp mà không thể đoan chắc rằng gà không bị dịch bệnh tiềm ẩn. Dân khoái nhậu cứ ăn văng mạng.

Trước tình hình ấy, ông "nhà nước" lại phải khuyến cáo hãy cẩn thận với dịch cúm gia cầm. Rất có thể trong dịp Tết Ta này, trời trở lạnh, cúm gia cầm sẽ lại hoành hành ác liệt. Thế là dân nhậu thụt lại, không còn dám nhậu tưng bừng nữa. Tuy nhiên trong một gia đình thì ông bố không ăn, nhưng cậu con cả lại cứ ăn, cô con gái thì lưỡng lự, cậu con út ra đầu đường nhậu như thường.

Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ kéo dài. Nhưng nhà nước VN lại vừa chính thức công bố VN đã khống chế được dịch cúm gà nên người dân lại bắt đầu toan tính mua gà về nuôi trở lại, chắc sẽ lời to. Và Tết này chắc sẽ có nhiều nhà vẫn làm con gà cúng Giao thừa rồi ai ăn thì ăn, không ăn thì ăn thịt heo.

Nhưng đùng một cái, thông tin về những bày heo ở Long An và một hai nơi khác bỗng lăn đùng ra chết. Các vị thú y chưa phân tích nguyên nhân thì người dân đã vội phóng ra cái tin "bệnh lở mồm long móng" xuất hiện. Cho nên thịt heo lại ế hàng. Nếu như thật sự bệnh lở mồm long móng có thật thì cả đến thịt trâu, thịt bò cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đàn ông mất giá, thỏ lên ngôi

Trong cái tình hình này anh thỏ bỗng lên ngôi. Các nhà hàng quay sang quảng cáo móm thịt thỏ. Dân chạy hàng đi về khắp nơi lùng mua thỏ bỏ mối cho thành thị.

Từ khi gia cầm bị "tê liệt" thì nhiều nhà dân đã bắt đầu nuôi thỏ bán. Các vùng quanh thành phố không thể nào cung cấp đủ nhu cầu. Lúc này lại có tin heo "lở mồm long móng", nhu cầu thỏ càng "cấp thiết" hơn bao giờ hết. Cho nên dân nhà quê nhào ra nuôi thỏ kiếm lời. Cái giống thỏ này chỉ ăn toàn rau linh tinh, nhất là rau lang, lại đẻ nhiều nên "một vốn bốn lờiụ", lời hơn nuôi heo, nuôi bò nhiều. Ở nhà quê người ta trồng rau lang đầy rẫy, mục đích chính là để diệt cỏ, rau ra đến đâu, cỏ không mọc được, vì thế đỡ tốn công làm cỏ. Cho nên lá rau quý hơn củ. Nhân dịp này họ xúm nhau vào nuôi thỏ.

Nhà tôi và nhà mấy người trong xóm ấp này nhìn cái chuồng gà trống huơ trống hoác mà buồn, bèn nhanh chóng sửa lại thành chuồng nuôi thỏ. Mới nuôi gần một tháng, nó đã đẻ lu bù, làm mấy bà bận tơi bời, lo cho thỏ ăn, thỏ đẻ.

Một buổi trưa, hơn 12 giờ, ông hàng xóm già của tôi sang than phiền: "Giờ này tôi chưa có cơm ăn, vợ tôi và đứa con gái bận lo cho thỏ ăn, thỏ đẻ nên nó bỏ quên tôi ông ạ". Tôi nhìn ông già hom hem và cũng chợt nhớ ra rằng tôi cũng chưa được ăn vì cả nhà tíu tít lo việc nới rộng thêm chuồng thỏ cho nó "vĩ đại" hơn, cho nó "to đẹp, đàng hoàng hơn". Tôi tán dóc với ông hàng xóm: "Lúc này thỏ có giá hơn đàn ông chúng mình ông a. Thôi đừng buồn làm gì, mình kéo nhau ra thị trấn, ăn nhậu một bữa cho đỡ tức rồi tôi với ông đi hát karaoke cho mấy bà biết mặt anh hùng". Nhưng ông hàng xóm của tôi lắc đầu:" Tiền đâu ông ăn nhậu dài dài như vậy được. Các bà ấy còn bỏ quên cánh mình khá lâu đấy. Ông biết không, những tay mua thỏ ở thành phố về đây mua vào 2 -3 giờ sáng để chở về thành phố cho mát, đỡ chết và sáng sớm đã có hàng tươi bán cho nhà hàng, khách sạn. Các bà ấy sẽ bận suốt ngày suốt đêm. Tôi với ông cứ còn gọi là đói dài dài.

Tôi mang chuyện này vấn kế một ông Giáo già ở Virginia, ông này gửi e-mail khuyên tôi gọn lỏn một câu: "Nếu muốn cho bà xã ông chăm sóc ông thì nên dọn luôn vào chuồng thỏ mà ở cho tiện". Ông hàng xóm tôi chửi nhặng lên "ông Giáo nhà anh gàn thật". Nhưng cuối cùng ông hàng xóm tôi cũng khoái có tí tiền tiêu tết nên ông lại khuyên tôi nên cố gắng chịu đựng, thời buổi này kiếm được đồng tiền khó lắm, thỏ đang có thời, cứ để cho mấy bà ấy nuôi. Chả mấy khi thỏ được tôn trọng như lúc này. Thiên hạ nó ho ra tiền mặc xác nó, mình kiếm tiền lương thiện tội gì mà bỏ.

Thế là tôi đành chịu thua. Cứ ngồi đợi bao giờ thỏ ăn xong tôi mới được ăn. Nhưng nếu bạn nhìn những con thỏ mẹ, thỏ con trong chuồng nó sinh sôi nảy nở lúc nhúc cũng thích mắt lắm. Ăn thỏ hầm rượu vang còn ngon hơn. Phải không bạn"

Những chuyện điển hình trong năm

Nhân nói chuyện lẩm cẩm lan man, ở đây tôi xin điểm lại vài chuyện đáng chú ý trong năm. Nhưng xin nói trước đây chỉ toàn là chuyện lẩm cẩm chứ không phải là chuyện "quốc gia đại sự" và cũng chẳng phải là chuyện quan trọng.

Trong năm vừa qua điều làm tôi chú ý nhất là chuyện quốc hội VN phân chia tham nhũng ra làm mười thứ bậc. Chuyện tham nhũng ở VN thì bàn đi tán lại nhiều lần lắm rồi. Năm nay mới thấy được cái thứ bậc của nó. Nhưng tôi chỉ nhớ sơ sơ rằng tham nhũng hạng nhất là anh nhà đất. Có thể nói thẳng thừng ra rằng bất cứ việc gì có dính tới nhà đất là anh phải xì tiền ra mới xong. Từ việc lớn đến việc nhỏ, từ sửa cái nhà, làm nhà, bán mua đất cát, xuất ngoại, sang nhượng cầm cố... đều phải có tiền đút lót mới xong. Hoặc là đưa qua "cò", nếu quen biết rồi thì đưa thẳng cái phong bì càng tiện. Ở bất cứ nơi nào trên đất nước VN này, không kể là thành thị hay thôn quê, bất kể anh là dân đen hay Việt kiều, ngoại kiều đều phải nộp thứ tiền đã trở thành "lệ phí bắt buộc" không luật lệ này. Chỉ trừ một loại người, đó là quan quyền thì đỡ vất vả hơn. Năm trước hay bây giờ cũng thế thôi. Anh tham nhũng này thuộc loại "tĩnh" như họa sĩ vẽ tranh tĩnh vật vậy.

Năm nay vụ nhà đất điển hình nhất là vụ quan chiếm nhà, chiếm đất của dân ở Tây Ninh. Có đến hàng trăm quan và người nhà quan xúm nhau lại xâu xé đất của dân, ngang nhiên làm trang trại trồng cao su, lập ra khu phố riêng mà người dân đã gọi là khu phố "Trần Dư". Tìm mãi, chẳng có ông anh hùng nào tên là Trần Dư cả, sở dĩ người dân gọi như thế để nói lái là "khu phố trừ dân", tức là chỉ có quan ở, chứ trừ dân, không có ai được ở. Còn tham nhũng thuộc loại "động" được xếp hàng thứ ba, là anh Cảnh sát giao thông. Anh này cũng được liệt vào loại ăn tiền nhiều nhất trong ngày. Mỗi ngày anh ta có thể tham nhũng đến một trăm lần. Cứ mỗi chuyến xe đi qua là một lần tham nhũng. Và dù quốc hội và dư luận còn đang râm ran thì ngay trong tuần này, có tới 11 bác Cảnh sát giao thông ở Thanh Hóa đã lại hiên ngang chặn xe đòi tiền mãi lộ. Vụ này phóng viên phát hiện ra chứ sức mấy mà "cơ quan chức năng" phát hiện. Rồi 15 bác CSGT ở Quảng Ninh cũng lại bị tóm... Như thế có nghĩa còn hàng trăm, hàng ngàn vụ khác vẫn "ngồi xổm lên dư luận", cứ ăn thoải mái cho đến... khi nào bắt được mới thôi.

Còn ông Hải quan thuộc hàng thứ năm thứ sáu gì đó, nhưng cũng thuộc loại ăn nhiều nhất trong ngày, mỗi người đi qua cửa khẩu là đã có thểù tí tiền đút ngăn kéo. Chưa kể những vụ "làm ngơ" lớn như vụ máy ảnh kỹ thuật số vừa xảy tại Tân Sơn Nhất. Mấy chị ngồi chơi xới nước trong cảng cũng lại được quyền lãnh tiền ra vô.

Nói tóm lại, cứ làm việc nhà nước là chỗ nào cũng có thể kiếm ra tiền được dễ dàng. Cho nên dù lương lậu chẳng có là bao nhưng con ông cháu cha vẫn nhào dô những cơ quan nhà nước ngồi chễm chệ. Hãy thử kiểm lại trong số những nhân viên nhà nước đó có bao nhiêu người không thuộc dòng dõi nhà quan.

9 chuyện vớ vẩn nhất trong năm

Nhưng không bao giờ kể hết được những chuyện đau đầu tức ngực đó. Xin chuyển sang "ba điều chín chuyện" vớ vẩn nhất trong năm.

1- Ông quan địa chính xài sang hơn vua dầu lửa

Ông Dương Công Hiệp, vốn là người lao động rách, không có việc làm. Chỉ sau vài năm trở thành chủ nhiệm Hợp tác xã rồi thăng quan tiến chức dần lên ngôi tổ trưởng tổ quản lý ruộng đất quận Gò Vấp, một quận lớn nhất Sài Gòn. Và cũng bắt đầu từ đó ông được tiếng là "vua địa chính", giàu nứt đố đổ vách. Ông sống phè phỡn, có dăm ba cái biệt thự đủ kiểu Tây, Tàu, Ấn độ.

Nhưng trong đó phải kể đến cái "dinh" ông xây ở đường Quang Trung. Nó nguy nga tráng lệ như cung điện của những ông vua dầu lửa Trung Đông. Lâu lâu hai vợ chồng ông đi nghỉ mát ở Mỹ, ở Âu Châu. Và nghe nói ông có 2 người con học ở nước ngoài, tiền học rất đắt. Vậy mà ông đóng luôn tiền học cho con 4 năm liền. Trong khi các ông vua dầu lửa chỉ đóng tiền học một năm, mấy tay tỉ phú ngoại quốc phải nể mặt "vua địa chính VN".

2- Ông chủ tịch "mê tín" nhất nước

Lại cũng thuộc quận Gò vấp, đó là ngài chủ tịch Trần Kim Long. Ngài bị khởi tố về tội "tham ô" lên đến hàng tỉ đồng. Nhưng ngài còn nổi tiếng hơn về sự lãng phí kinh hồn. Có lẽ do tin vào thầy tướng số nên đã hai lần chuyển chốt bảo vệ (tức là cổng gác tòa nhà hành chánh huyện) từ trái sang phải và cũng hai lần cho phá cổng trụ sở để làm mới cho đúng "phong thủy". Nhiều lần cho sơn phết lại, thay đổi phong cách của phòng làm việc. Xây hồ bán nguyệt ngay trong trụ sở, chẳng hiểu cho "nàng" nào vô rửa chân. Ngài cũng có cuộc sống vô cùng xa hoa, nguyên mấy cái việc cỏn con ấy cũng xài của ngân quỹ hơn hai tỉ đồng. Dân đóng thuế còng lưng cho ngài chủ tịch xài. Ông này thật xứng đáng được bầu là "đệ nhất danh nhân" lãng phí trong năm.

3- Ông luật sư ăn "dã man" nhất.

Đó là ông Lê Bảo Quốc, nổi tiếng trong giới "con nhà luật" về khoản ăn chơi, giàu sang. Ông có tới 3 căn nhà lầu ở đường Lý Thường Kiệt, 2 xe hơi loại xịn giá gần 2 tỉ đồng. Ông còn một biệt tài "chạy án" rất tinh vi. Chỉ chạy có một vụ án mà ông đòi tới 3 tỉ đồng không bớt một xu. Còn cái "biệt tài" thứ hai là lừa đảo. Ông thú nhận đã lừa của các người "quen biết" 4,8 tỉ và 70.000 USD.

Còn khối chuyện về ông luật sư "lỗi lạc" này, nhưng sơ sơ như thế ông cũng xứng đáng được bầu là người "ăn dã man tàn bạo" nhất trong năm.

4- Món quà Tết có giá trị nhất

Ông Trần Quang, nguyên là "cán bộ then chốt" của Công ty dịch vụ Dầu khí tặng cho "sếp" Dương Quốc Hà nguyên Phó Tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô 10 lạng cao hổ cốt thứ thiệt, trị giá 100 triệu và một cái sừng tê giác trị giá 20,000 USD, sau đó ông Tổng Hà đem bán lại được 22.000 USD. Quang còn hào phóng tặng cho "sếp" Nguyễn Quang Thường nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty dầu khí VN 50.000 USD bằng tiền mặt "nhân dịp xuân về". Quà biếu cho các "đại gia" quả là hơn người. Chưa biết còn bao nhiêu những món quà biếu như thế nữa mà "nhân dân" chưa biết hoặc không dám biết. Món quà này tạm được gọi là quý nhất trong năm. Năm sau liệu có món quà nào "vượt thành tích" này không"

5- Ông nói dóc nhất trong năm

Chắc chắn là không ai tranh được ngôi vua nói dóc năm nay với ông Lê Quốc Hồ - một người tự phong là nhà sư, là bác sĩ, giáo sư. Ông khai chỉ có trong một đêm mà bị mất trộm toàn những báu vật gồm vàng bạc, kim cương, thiên thạch và tiền mặt trị giá 35 tỉ USD. Nhưng chỉ một tuần sau ông bị khởi tố về tội lừa đảo và tất nhiên có cả tội "nói dóc" khai gian.

Toàn bộ tiền và đồ trân quý của "thày" Hồ là đồ giả mang ra khoe để bịp thiên hạ. Hơn 50 con dấu với những chức danh tự phong cũng giả nốt. Nhờ "quái chiêu này, ông đã lừa được của một bệnh nhân 22.900 USD và 512 triệu đồng, còn những cú lừa khác thì vô số kể.

6- Đệ nhất danh nhân ghen

Xin bầu cho anh C. ở Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang. Có cô vợ đẹp và đoan trang thùy mị nên anh ta thường xuyên phải canh chừng. Rồi canh chừng mãi mệt quá, anh C. sáng tạo ra một độc chiêu ly kỳ là "khóa quần vợ". Tất cả quần của vợ, anh ta lấy một sợi dây thép uốn cong theo vòng mông như thợ may đo ni, sau đó làm cái móc như móc cửa, kiếm cái khóa thật chắc. Trước khi vợ đến trường dạy học, anh khóa lại, khi về phải do chính tay anh mở.

Ghen kiểu này có ngày không mất trộm vì những anh "lái ké" mà sẽ mất luôn cả tủ, cả giường, cả vợ đấy ông bạn ạ.

7- Bằng khen quái đản nhất

Công ty Thương mại Dịch vụ Tân Mai Vĩnh Long đã từng nợ thuế và bị nộp phạt 247 triệu đồng. Liên tiếp những năm sau đó Công ty này nợ thuế cho đến tháng 10-2005 vừa qua là 1,9 tỉ đồng. Thế mà Công ty này lại được tỉnh tặng bằng khen vì thành tích nộp thuế. Mới đây Công ty còn được chọn nhận giải "sao vàng đất Việt". Đúng là những cái bằng khen có mặt trái quái đản nhất.

8- Vụ tai tiếng nhất trong năm

Khi được dư luận bình chọn 10 loại tham nhũng nhất trong năm thì vụ bán độ của các chàng trai vàng U23 VN mang danh dự dân tộc sang Philippines bán rẻ chưa nổ ra. Cho nên cần bổ túc thêm là vụ tham nhũng bóng đá mới đáng là đứng đầu sổ vì nó được cả quốc tế... công nhận. Tuy nhiên vụ này vẫn chưa kết thúc, nó còn dây cà ra dây muống, chưa biết những ai sẽ có cái... bất hạnh được ghi tên vào vụ scandal lớn nhất từ trước đến nay trong làng thể thao VN.

Chưa biết chừng vụ này không chỉ là tai tiếng nhất trong năm mà nó còn giật giải đứng đầu thế kỷ là khác.

9- Người nổi tiếng và phim được nhiều người coi nhất

Co lẽ, năm nay không "tài tử" nào nổi danh và cuốn phim mang cùng tên YV, là đắt hàng nhất trong năm, không một tài tử nào và phim nào của nước ngoài hay nước trong có thể cạnh tranh được. Bây giờ hầu như không xó xỉnh nào là không có bán lén lút cuốn phim này và các cô cậu tò mò không ai không có một cuốn làm "vốn". Mỗi cô cậu tò mò cũng phải xem phim ít nhất một hai lần. Nếu thống kê theo kiểu "bói mu rùa" có thể có đến hàng trăm triệu lượt người đã xem và còn xem, có thể không chỉ ở VN mà ở cả nước ngoài nữa, vì nó được tung lên mạng. Cứ nói đến phim YV là ai cũng biết.

Người ta thường nói "ba điều, chín chuyện". Vậy xin ngừng 9 chuyện ở đây. Nếu phải kể thì kể đến sang năm sau chưa hết. Hy vọng năm sau sẽ còn 9 chuyện nữa kể cho vui nhân dịp Tết đến Xuân về.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.