Hôm nay,  

Dấu Ấn Loài Khuyển Trong Văn Chương Và Cuộc Sống

03/02/200600:00:00(Xem: 5778)
- Trong các loài gia súc sống gần gũi với ta hằng ngày, chó là con vật trung thành và được người yêu quí nhất. Bởi vậy hình ảnh của nó đã trở thành những dấu ấn xuất hiện đầy rẫy trong chữ nghĩa, chẳng những nơi kho tàng văn chương VN mà còn tiềm tàng khắp mọi chỗ trên thế giới. Xưa nay, mỗi lần có chuyện trục trặc với nhau, người ta thường nói 'ngu như chó ', có lẽ vì cái tánh ba làng của con vật này, khiến đần độn, nên hay làm những chuyện vô duyên chuốc vạ vào thân:

"Con mèo làm bể nồi rang

Con chó chạy lại để mang lấy đòn'

Nhưng qua tác phẩm 'Lục súc tranh công' , lắng nghe sự tranh cãi giữa sáu con vật cùng sống chung với người, đâu có thấy chó khờ dại, trái lại nó rất khôn ngoan lấn lướt các đối thủ khác, trong cuộc tranh luận đầy lý thú, thật ra cũng chỉ để bưng bợ chủ mình, kiếm thêm chút cơm thừa canh cặn mà thôi:

"Đêm năm canh con mắt như chong.

Đứa đạo tặc nếp oai cũng động.

Ngày sáu khắc lỗ tai bằng trống.

Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh".

Vì là một con vật hoang dã được người thuần hóa sớm nhất, nên chó được nuôi chẳng những để coi nhà gác trộm đi săn, mà còn được huấn luyện dạy dỗ để làm biết bao nhiêu công chuyện khác, giúp ích cho con người, kể cả đem cái mạng cùi dâng hiến cho các đấng dân chơi ăn nhậu. Nhưng dù có phú quí sinh lễ nghĩa 'chó nhảy bàn đọc' thì với cái thân phận tôi tớ thấp hèn, muôn đời mãn kiếp nó vẫn không vượt nổi cái số phận hẳm hiu, dù được nuôi lẫn với sư tử, thì chó vẫn là chó.

Trong kho tàng ca dao tục ngữ VN, có một câu rất chí lý "Làm người thì khó, làm chó thì dễ ' nhưng có phải vậy hay không, bởi chó cũng có nhiều nỗi khổ của nó,nếu may mắn được sinh ra làm chó Âu-Mỹ, ăn sung ngủ sướng. Trái lại bất hạnh đầu thai vào cõi Phi Luật Tân, Triều Tiên, Trung Hoa kể cả xứ Việt, thì sớm muộn cũng vào miệng người. Theo thời đại văn minh cơ khí ngày nay, chó đã ra khỏi thế giới 'lục súc tranh công', để bước lên bàn nghị sự quốc tế vào năm 1982, các dân biểu Phi đã đệ trình quốc hội nước này, một dự luật cấm giết chó ăn thịt.

Tiếp đó ngày 25-5-1999, hàng ngàn người biểu tình trước trụ sở Đảng Quốc Đại Nam Hàn, đòi cứu xét việc cho hay ngăn cấm ăn thịt chó, trong lúc nước này đang sắp tổ chức giải túc cầu thế giới, nên không thể để cho người ngoài thấy được việc hạ cờ tây man di ở xứ này. Đến giờ, chó vẫn là chuyện dài không đoạn kết tại các nước văn minh tiền tuyến Anh, Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Mỹ và Nhật, quanh bao nhiêu vấn đề, trong đó có việc chó 'ị' bậy ngoài phố làm hại sức khoẻ và thuần phong mỹ tục. Rồi việc nuôi chó Pit Bull hung dữ để đấu, cũng trở thành một sự tranh chấp bàn cãi dựa nhiều phe nhóm, không ai nhịn ai.

Nhưng nói gì thì nói, nếu ta sống tại các nước Âu-Mỹ, chớ dại dột đụng vào các cô cậu khuyển, để chuốc họa vào thân, vì luôn có các Hội bảo vệ súc vật, sẵn sàng lôi người lỡ dại ra trước vành móng ngựa, để đền tội phi nhân, khi sử dụng 'đã cẩu bổng'.

Cuối cùng thật bất công khi người cứ hay đem chó làm đối tượng để đào xới những kẻ phản phúc lọc lừa, vì xưa nay trên cõi đời này, cho dù con chó có bị ruồng bỏ hay thuộc loại chó đói, chó ngu..thì thủy chung chó chẳng bao giờ phản chủ như con người. Tóm lại chỉ vì mang thân phận thấp hèn, nên chó gánh chịu nhiều bất công, chẳng những trong kho tàng văn chương chữ nghĩa, mà cả đời sống 'lên voi xuống chó' bên cạnh con người hằng ngày.

1- THÂN PHẬN LOÀI CHÓ TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY:

Người Việt gọi nó là chó, trong khi Hán tự viết là cẩu hay là khuyển. Đây là một loài thú nuôi trong nhà đầu tiên được ghi nhận là vào cuối thời đồ đá, được thuần hóa từ những hậu duệ của một loại chó rừng có bộ lông màu vàng (Canis Aureus). Thời đó con người cũng còn ăn lông ở lỗ, sống đời du mục săn bắn lang thang khắp mọi nơi với đàn chó quanh quẩn nơi tạm dung. Ngay từ lúc đầu, chó đã tỏ ra giúp người rất đắc lực, như ban đêm canh gác quanh lều trại, sủa báo động cho chủ biết khi phát hiện các thú dữ như cọp gấu tới gần. Theo thời gian sống chung qua nhiều thế kỷ, loài chó đã phát sinh ra tập quán bẩm sinh , coi người chủ nuôi dưỡng mình như một thủ lĩnh đầu đàn, nên hết lòng tin cậy và trung thành tuyệt đối.

Ý niệm này dễ dàng tìm thấy nơi loài chó Husky của người Eskimo ở Bắc cực hay các giống chó có mang ít nhiều huyết thống từ chó sói và giống chó rừng lông vàng đã được người thuần hóa. Đây là thủy tổ của nòi chó hiện sống ở Âu Châu

Qua nhiều bức tranh khắc trên các vách núi còn lưu lại từ 50.000 về trước, cho thấy sự khắng khít giữa người và chó, chẳng khác gì tình bạn giữa người với nhau, trong các cuộc săn bắn tìm lương thực. Dần đà con người từ cuộc sống du mục, trở thành định canh, chăn nuôi trồng trọt. Vì là một phần tử trong gia đình, nên chó cũng tham gia vào các công việc của chủ như chăn cừu và các loài gia súc khác, kể cả sử dụng trong chiến tranh, như một người lính đặc biệt, nhờ những giác quan bẩm sinh bén nhạy hơn loài người.

Họ chó (canidae) thuộc bộ ăn thịt, có kích thưóc trung bình từ 40-160 cm, tai đứng, mõm nhọn,hai bàn chân trước có đủ 5 ngón, trong khi chân sau chỉ có 4 ngón, bộ lông đủ màu. Họ chó gồm có chó sói, linh cẩu, cáo và chó nhà, gồm chung 12 loài, sống khắp địa cầu trừ nam cực. Mỗi năm chỉ sinh một lứa, chó mẹ dạy dỗ bầy con tới khi trưởng thành. Chó ăn chuột và những loài gặm nhắm có hại, đặc biệt loài linh cẩu sống tại Châu Phi, chuyên ăn mồi dư từ các xác động vật chết.

Tại VN hiện còn giống Sói đỏ, là loài thú lớn, mõm ngắn đen, màu lông hung đỏ, chuyên săn các loại thú có móng guốc ăn cỏ như đỏ, hoảng, hươu, nai , dê rừng cả gà gô, ngổng trời. Sống thành đàn từ 5-15 con, là loại thú ăn đêm, khi đói dám mò về gần các bản làng gần rừng bắt heo dê gà vịt. Chúng sống ở rừng núi từ Kontum ra tới Sơn La, Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Do nạn phá rừng và săn bắn bừa bãi, loài này sắp bị tuyệt chủng.

Cáo có tai to vành, mõm dài và kích thước trung bình, lông màu hạt dẻ trừ phần dưới bụng có màu trắng hồng. Như loài sói đỏ , ăn thịt nai, hoảng, sống từng đàn từ 15-20 con, trên rừng núi Cao Bằng, Lạng Sơn.

Riêng Chó nhỏ, về hình dạng hiện có 12 loài gồm: Chó săn thỏ (Greyhound), tính tính hiền lành, yêu thích trẻ con, là loài chó xưa nhất. Chó Ai Cập (Pharaon) giống chó được vua chúa Ai Cập nuôi dưỡng từ xưa, khôn ngoan khỏa mạnh rất trung thành với chủ. Chó sục lùn (Dandie-Diamont-Terrier) chỉ biết có chủ mà thôi nhưng lại nghi kỵ với người ngoài. Chó sục xù xanh ((Kerry-Blue-Terrier), có nguồn gốc từ Ái Nhĩ Lan, lông màu xanh giỏi săn thú. Chó lùn (Basset) có dáng thấp, bốn chân ngắn, tính điềm tĩnh nhưng tai hơi điếc nên không nghe được xa. Chó cảnh Mễ Tây Cơ (Chihuahua), loại chó nhỏ nhất hiện nay, trong lưong từ 0,5 - 3 kg, lông xù mượt mà, rất trung thành với chủ nhưng nếu bị người ngoài chọc ghẹo sẽ trở nên dử tợn. Chó sục canh gác (Bull-Terrier) rất khoẻ và khôn lanh, giúp các cow-boy lùa bò trên các cánh đồng cỏ ở Âu-Mỹ , cũng như được cảnh sát huấn luyện để truy tìm dấu vết các tội phạm. Chó lớn tai cụp (Mastiff), là loại chó có kích thước lớn nhất trong nòi chó nhà, to lớn khỏe mạnh nên được huấn luyện để canh gác nhà cửa cơ sở, rất trung thành và yêu thương chủ. Chó thon mình Ý Đại Lợi (Levrette), có gốc từ Ý, mình thon vóc nhỏ nhưng rất đẹp, thông minh rất gắn bó với chủ nhưng không thích nói nặng. Chó lông xù (Puli), có nguồn gốc Hung Gia Lợi, thông minh chỉ chịu một chủ, được huấn luyện để chăn cừu. Chó Bắc Kinh, được vua chúa Trung Hoa nuôi dưỡng từ xưa, can đảm ngoan ngoãn, thương chủ nhưng rất phàm ăn. Chó tai cụp lùn Anh (Bouli-Dogne) tuy có hình dạng dị hợm nhưng tính tính hiền lành, nhanh trí thích đùa giỡn và có thể ngủ được trong tuyết lạnh.

Hiện Câu lạc bộ Kennel Mỹ đã phân loại chó làm 6 nhóm, được huấn luyện để phục vụ trong các ngành như Chó thể thao (gồm các giống Pointer-Retriever, Irish Setter, Coker Spaniel), Chó săn (Afghan, Beagle, Foxhound, Geyhound, cả hai loại đều biết đi săn và nhờ có khứu giác bén nhạy nên chỉ cần ngửi được một chút mùi của con mồi lưu lại, là có thể lần theo dấu vết ngay.

Ngoài ra còn có giống chó Doberman Pinscher có tài đánh hơi tuyệt với và theo dõi bắt được một tên tội phạm sau khi chạy đuổi 100 dặm trên sa mạc Nam Phi. Còn một giống chó khác tên Fox Terrier, đã tìm lại được chủ nó là một tài xế ở Hayes Creek (Úc) tại thành phố Mambay Creek, xa hơn 1700 dặm, sau khi lạc chủ hơn 8 tháng. Riêng Chó Nghề nghiệp được huấn luyện từ nhiều nòi chó như Berger Đức (Shepherd) với nhiệm vụ giúp cơ quan công lực truy tìm tội phạm và dẫn dắt người mù. Nòi chó St.Bernard được huấn luyện để cứu trợ những du khách tại vùng núi Alpes hơn 100 năm qua.

Chó newfound-land là loài chó chuyên cứu người chết đuối, trong lúc giống Husky Siberia của người Eskimo, chuyên kéo xe trượt tuyết trên băng, Chó Terrier bắt chuột phá hoại nhà cửa. Chó Cảnh bắt nguồn từ các nòi chó lùn nhỏ lông xù, cao chừng 10 inch, như giống chó cổ Bắc Kinh, chó có bộ da nhăn nheo gốc Mễ Tây Cơ tên Chihuahua hiện là loài nhỏ nhât trong họ Chó chỉ nặng từ 1-4 cân Anh. Theo các chuyên gia về chó, thì nòi chó cảnh là loài ưa cắn bậy nhất trong họ chó, còn chó Terrier-Boston được coi như nòi chó đầu tiên của Hoa Kỳ, tìm thấy trước nhất tại Boston.

Theo các di tích khảo cổ tìm thấy cho biết loài chó đã được thuần hóa sớm nhất tại Đông Nam Á và VN từ 13.000-15.000 năm, mà hậu duệ hiện còn lưu lại giống chó đặc biệt Phú Quốc, có nguồn gốc từ giống chó rừng Dingo lông vàng và sói. Loài chó này có nhiều tại Úc, là loài chó rừng, săn các loài thú nhỏ có túi ăn cỏ. Đây là loài duy nhất trong Họ Chó, từ chó nhà trở thành chó rừng hoang dã sống trong rừng núi khap đảo Úc. Ở nước ta chó được nuôi khoảng vài ngàn năm trước Tây lich, dùng để coi nhà và săn bắn. Hiện có ba giống chính: Chó Vàng thuộc nòi chó săn, bộ lông màu vàng tuyền có kích thước trung bình. Chó Mèo có tầm vóc lớn, tai nhỏ nhưng vểnh lên, sống ở vùng cao. Chó Lào đặc biệt bên trên hai mắt có vệt trắng, lông màu vàng hung. Nòi chó VN được lai giống từ chó sói và chó nhà.

Từ khi con người bắt đầu rời trái đất để thám hiểm các hành tinh trong vũ trụ. Ngày 3-11-1957, Nga là dân tộc đầu tiên đã đưa người và một con chó tên Laika, bay vào quỹ đạo trái đất. Các chuyến bay kế tiếp có chó Ugolele, Veteroh..Trong khi dồng hành với người Mỹ, trên các vệ tinh là Chuột và Khỉ. Liên Số cũng là nước sử dụng Chó nhiều nhất trong chiến tranh, như một quân chủng đặc biệt, mà không một đơn vì người nào có thể chu toàn được như rà mìn, thông tin, đặc công với chất nổ buộc đầy mình, chui vào xe tăng, thiết giáp, đồn địch làm nổ tung mọi thứ và cả sinh mạng của mình.

Trong thế chiến 2., người Nga có 168 biệt đội quân khuyển với số lượng trên 60.000 con, ghi nhận được chiến tích như tiêu diệt được 300 xe tăng của Đức bằng chất nổ, chuyển vận hơn 5 tấn đạn dược tới các đơn vị Liên Xô đang chiến đấu tại mặt trận. Thời Bình Định Vương Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh chiếm đóng Đại Việt. Trong hàng tướng lãnh dưới quyền, có Nguyễn Xí huấn luyện được một đội quân khuyễn hơn 100 con bằng âm nhạc, giỏi tác chiến. Nhờ vậy quân Việt đã quấy rối và lấy được hằng vạn mũi tên của giặc Tàu, mà không cần phải giao tranh tốn sức.

Do bẩm sinh, loài chó nào cũng có thể trở thành các thể thao gia nếu được sống tự do đùa chạy, nên khắp nơi hầu như đâu cũng có tổ chức các cuộc thi chạy của chó. Với nòi chó được huấn luyện trong bộ môn thể thao, với thân hình cao lớn, chân dài, thường đạt vận tốc trung bình 65 km/giờ, gấp 2 lần tốc độ của chó sói nhưng chưa bằng ngựa và sơn dương.

Ngoài việc giữ nhà, đi săn và đảm nhận nhiều công việc giúp người, loài chó còn góp phần rất lơn trong Y học cổ truyền Đông phương, qua cái tên khoa học Vanis Familiaris 1, cung cấp các vị thuốc Cẩu nhục (thịt chó), Cẩu thận (Penis et testis canis (dương vật và tinh hoàn chó) và Cẩu bảo (Calculus Canis) là sõi trong dạ dày chó có bệnh.. Theo nghiên cứu, thì thịt chó có chứa 13,5 tới 20,9% protit, 13 - 28,6% lipit, có vị mặn, chua, tính nóng ăn không độc, giúp ôn bổ tỳ thận, trợ dương, trừ hàn, giúp ngũ tạng người nhẹ nhỏm, ích khí.

Còn Cẩu thận có tác dụng tráng dương bổ thận vì có chứa nhiều kích thích tố nam như Androsteron, các chất béo và lipt. ngoại trừ những người âm hư có nhiệt, thì không dùng được. Riêng Cẩu bảo trị chứng nghẹn uất, giải độc, trị mụn nhọt, nôn mửa, nấc. Trong Y học còn có Thận Hải Cẩu và Cây Chó Đẻ, mà các thầy thuốc VN gọi là Hy thiên thảo, cỏ đĩ, cứt lợn, hy hiên..qua tên khoa học Siegesbeckia Orentalis Lin. Cây này mọc hoang khắp nơi, có chứa nột chất xúc tác của acid salicylic, vị đắng gọi là duratin, dùng chữa chứng đau nhức, tê thấp, yếu chân, bán thân bất toại

Ở loài chó thấy có sự phát triển của ngôn ngữ rất đa dạng, biểu thị tình cảm của chúng đối với người, qua tiếng sủa, những cử chỉ như vẫy đuôi, vẫy tai, sự vồ vập của đôi chân trước, tất cả nói lên sự vui mừng, quý mến chủ. Khi đói, thèm ăn, chó nhìn chủ chăm chú, nước dãi chảy dài, mõm ủi nhẹ vào chân chủ. Trái lại khi chó nhìn trừng trừng, nhe răng, cất tiếng sủa dữ dội vào kẻ đối diện, đó là triệu chứng chó sắp tấn công người. Tóm lại khi chó vẫy đuôi với người lạ, đồng nghĩa với lời chào, vì chó là con vật rất có tình cảm , nên đã có nhiều trường hợp, chó nhịn ăn cho đến chết để theo người chủ đã khuất.

Hiện khắp thế giới đã có 7 tượng đài chó, do người dựng ra để vinh danh con vật có nghĩa như tượng chó Bari ở Paris, ngủ trong băng tuyết, để nhớ ơn nó đã cứu hơn 40 ngưòi. Tại Bá Linh có tượng chó dắt người mù, trong khi ở Alaska, người ta tạc tượng con chó Balto với vòng cổ dây xích, để nhớ ơn nó dã cho huyết thanh , chữa trị bệnh bạch hầu cho dân bản địa. Tại Nga, Nhật, Ý và Anh cũng có tượng đài chó, không ngoài mục đích nhớ ơn và thương tiếc con vật có nghĩa với người.

Nòi chó Pitt Bulls nhỏ con nhưng hàm to quá cỡ, ngực bự, mặt nhăn nhúm rất hung dữ , nên được huấn luyện để thi đấu lẫn nhau tại Pháp và Mỹ. Ở Pakistan, người ta nuôi chó để đấu với gấu, như một trò chơi văn hóa thông dụng , được người Anh mang vào, khi đô hộ nước này, nên chẳng có ai chống lại trò chơi đẫm mấu dã man đó.. Chó còn là những diễn viên nổi tiếng trong nghệ thuật thứ bảy, nhất là tại thủ đô điện ảnh Mỹ Hollywood.

Năm 1943, một con chó cái thuộc nòi chó chăn cừu tên Lassie, đã xuất hiện bên hai ngôi sao Roddy Mc Dowall và Elizabeth Taylor, trong bộ phim 'Lassie come home'. Cũng từ đó qua hơn nửa thế kỷ, chó Lassie đã đóng 9 bộ phim và biểu diễn 600 chương trình truyền hình.. Năm 1994, chó Lassie tái xuất hiện trong bộ phim dành cho thiếu nhi. Ngoài ra còn có chó Rin Tin tin của Đức và 101 con chó có đốm, cùng đóng chung trong một bộ phim hoạt hình Dalmatians 101, do hãng Walt Disney thực hiện năm 1961. Gần đây có chó to lớn St.Bernard, đóng vai chính trong các bộ phim diễu Beethoven, được khán giả ưa thích..

Về kỷ lục, nòi chó St.Bernard nặng nhất (140,6kg), cao nhất là chó Berger Đức và nòi chó săn Ái Nhĩ Lan (106,6cm), chó nhỏ nhất (nặng 450g), thuộc nòi chó xù Terrier Yorkshine và Chihuahua. Chó có tuổi thọ 8-15 năm, nhưng chó Bluey chăn cừu, bò ở Victoria (Úc) sông được 29 năm, 5 tháng. Tại Pensynvania (Mỹ), Lena một chó cái săn cáo, ngày 19-6-1944 đã sinh một lứa được 23 còn đều sống. Cuối cùng một con chó xù tên Toby, được chủ là Ella Welden, cho thừa kế một gia tài tới 15 triệu bảng Anh vào năm 1931. Lạ nhất là ở Nhật còn có Võ sĩ Sumo Chó, do một trung tâm huấn luyện tại quận Kochi, trên đảo Shikoku của Nhật, mỗi năm tổ chức 5 lần thi đấu, với những nghi thức cổ truyền như người.

Thái Lan, Triều Tiên và Phi Luật Tân là những nước ăn thịt chó nhiều nhất thế giới. Tại các nước Âu Mỹ, vì truyền thống bảo vệ gia súc, nên không ai ăn thịt chó . Đã thế chó còn được hầu hết chủ cưng chiều, nên để phục cho chó, ở Đức hãng Wiecorek đã sản xuất loại kem que vanila và chocolate dành cho loài khuyển. Tại Los Angeles có tiệm bánh ngọt và bánh sinh nhật , dành cho chó. Cũng tại California, tại thanh phố Culve có một câu lạc bộ Chó, mang tên Kennel club, phục vụ cho loài này các tiện nghi từ A-Z, kể cả phòng ngủ có máy lạnh, giường nệm và truyền hình màu. Pháp đứng đầu thế giới về số lương và sự cưng chiều chó (17 triệu con). Ba công ty quốc tế chuyê sản xuất đồ ăn cho chó, với thực đơn trên 250 món, là hãng Mars-Unisab (Mỹ), Nestlé (Thụy Sĩ) và Royal Canin (Pháp).. Taị nhiều nước Âu Mỹ, ít người ngạc nhiên trước cảnh chó mặc quần áo may sẵn, đeo trang sức và oai vệ bên cạnh chủ nhân tham dự tiệc tùng. Càng làm lớn, nổi tiếng và giàu có, người ta lại sính nuôi chó, như cảnh vợ chồng TT.G.W.Bush đi đâu cũng thấy chó bên cạnh. Tại Anh vào năm 1990, số thực phẩm dành nuôi chó là 842.000 tấn, với tiêu chuẩn rất cao như phải rút hết mở đường, trong khi hằng triệu triệu người Á, Phi,Trung-Nam Mỹ kể cả dân Mễ Tây Cơ nghèp mạt rệp, kiếm không đủ một bữa ăn no bụng bình thường hằng ngày. Nhưng đây đậu phải là lỗi của chó"

Gần đây, chó còn tỏ ra rất đắc dụng trong y học, với khả năng có thể ngửi được bệnh ung thư. Sự kiện này được hai chuyên gia về da và bệnh dạ liễu tại Anh, đề xướng vào năm 1989 qua nhiều lần khảo sát cac bệnh nhân bị ung thư da nhưng được các con chó của mình dùng mũi để ngửi và phát hiện rất sớm, trước khi tới thăm bác sỹ. Do những câu chuyện chó ngửi được bệnh ung thư da, nên các cơ sở nghiên cứu khoa học cũng nhập cuộc.

Tại bệnh viện Amersham ở Buckinghamshire (Anh), tiến sĩ Carolyn Willis cùng các đồng sự, đã huấn luyện sáu con chó đủ nòi và tuổi, trong 7 tháng về kỹ thuật ngửi nước tiểu của 36 bệnh nhân bị bệnh ung thư bàng quang và 108 người bình thường. Sau khóa huấn luyện, mức thành công của chó đạt tới 41%, làm khích lệ các nhà khoa học khi tiếp tục thử nghiệm các bệnh ung thư tiền liệt tuyết hay bị bướu trong thận.

Những bí ẩn trên đã được khoa học giải thích là trong nước tiểu của những bệnh nhân bị ung thư bàng quang, thận, tiền liệt tuyến..có chứa những protein bất bình thường mà các dụng cụ y khoa dùng để phân tích các thành phần hóa học của nó rất khó khăn, nhiều lúc bất lực. Trái lại với chó, nhờ cái mũi có một bộ phận khứu giác, nhạy bén hơn mũi người, từ 10.000 tới 100.000 lần. Nhờ vậy chó đã phát hiện sớm những triệu chứng đầu tiên của các loại ung thư, giúp y học chữa trị kịp thời, cưu sống nhiều bệnh nhân

2-HUYỀN THOẠI VỀ NGƯỜI SÓI:

Sói thuộc họ Chó (Canidae), gồm Chó Sói thảo nguyên (Canis Latrans), có bộ lông màu nâu xám, sống trên các đồng cỏ Bắc Mỹ nhìn tựa nòi Chó Rừng ở Á-Phi-Âu Châu. Chó Sói Âu Châu (Canis Lupus) cũng tìm thấy ở Á và Phi Châu, hiện còn rất ít.

Ở làng Loreto (Mexico), có ba đứa trẻ mặt phủ đầy lông lá, trông rất dị hợm tên Gabriel, Hesys và Victor, bị một chứng bệnh do các hormone trong cơ thể chúng gây ra, tới nay khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân. Đây là chứng bệnh di truyền, phát từ ngoại chúng năm 1905 và di truyền cho nhiều con cháu. Người địa phương gọi đó là 'Người Sói'.

Nhưng dù có hay không tin, thế giới xưa nay vẫn tồn tại truyền thuyết 'Người hóa Soí'. Trong tiếng Anh cổ có danh từ kép ' Were Wulf ' chỉ người sói, bao gồm chữ were (đàn ông) và wulf chó sói. Thời trung cổ, xuất hiện 'bái vật giáo' tại Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bổn, Châu Phi..phát sinh các huyền thoại về người hổ, người báo, người sư tử, người rắn và người sói.

Tập tục người biếnthành thú vật,được coi như sự đổi dạng của con người, nhất là dân da đỏ sống tại Trung Mỹ. Trong các nền văn học dân gian khắp thế giới, hầu như nước nào cũng đều có it nhiều tác phẩm viết về người hóa thú. Tại Âu Châu, trải dài từ Nga đến bờ Đại Tây Dương, từ Bắc Âu tới miền Địa Trung Hải, ở đâu cũng có dấu vết của 'Người Sói' Sử gia Hy Lạp Hérodote (484-420), cho biết bộ tộc Neuri mỗi năm có mấy ngày hóa sói. Ở La Mã xưa, các tên phù thủy thường dùng một loại dược thảo có độc, để tự biến mình thành sói và thứ thuốc này được các tay giang hồ thuật sĩ phương tây bí mật buôn bán vào thế kỷ thứ IV sau Tây lịch. Tại Pháp vào thế kỷ thứ XVI đã xuất hiện một danh từ 'Loupgarou' có nghĩa 'người sói' .

Cũng tại nước này, đã từng có hội nghi ở Franche, thông qua sự tiểu trừ, định tội và xử án người sói. Các tài liệu này nhờ được ghi chép nên còn tồn tại tới ngày nay. Vào thế kỷ XVII, phù thủy Anh tai Scotland cho biết có thể sử dụng một loại sáp xoa khắp mình và chiếc dây thắt lưng bằng da sói, là biến thành người sói.

Tóm lại vào thời Trung Cổ ở Âu Châu, người sói được coi như tôi tớ của ác qũy, mà nét đặc trưng hiện lên trên đôi lông mày. Nói chung một người bị kết tội là sói, ngoài đôi lông mày, còn thêm ngón tay cong queo với móng sắc, bàn tay có lông, tai nhọn, đuôi gần như biến mất có lông tơ, màu da biến đổi khác thường, thân hình cao lớn, tính tình thô bạo. và đặc điểm là đôi chân rất giống chó sói.

Bước sang thế kỷ XX, những hình ảnh về người sói tràn ngập trên màn bạc chỉ thua có quỹ Dracula, vì xu hướng cho rằng người sói sau khi chết sẽ trở thành ác quỷ Dracula. Để đối phó với người sói, người ta dùng đạn chế bằng bạc để sát hại nó. Với Giáo Hội Cơ Đốc Âu Châu thời trung cổ, đã từng sử dụng những hình phạt vô cùng tàn khốc như bỏ vào lò đốt, những kẻ đội lớp da sói làm thổ phỉ, cướp bóc giết người.

Với các động vật hung hiểm như rắn độc, chó sói..thông thường chúng rất sợ người, chỉ tấn công đối phương khi bị dồn ép hay không còn lối thoát, ngược lại người thì luôn coi chó sói là đồ man rợ. Một trong những dân tộc điển hình là người Tàu, thời nào cũng coi các nước lân bang la man di, chưa có Hán hoá, nên tư tưởng này đã bộc lộ thành ngôn ngữ, mà thống kê cho thấy các dạng chữ viết liên quan tới bộ 'Khuyển-Cẩu' đã chiếm một tỷ lệ rất cao. Đồng hành ở Âu Châu, dân Hy Lạp cũng có tư tưởng như Tàu, xem ai chưa 'Hy Hóa' đều là man di mọi rợ.

Do quan niệm đó mà người Cổ La Mã, tín đồ Thiên chúa giáo, người Ý thời phục hưng..đều khinh ghét chó sói và kết tội chúng là loài thú phi nhân loại, đứng đầu tứ ác 'Sài (linh cẩu), lang (chó sói), hổ, báo' và cũng là loài bất trị khi 'Lang bái vi gian'. Trong thần thoại Hy Lạp cũng có câu chuyện liên quan tới 'Người hóa Sói' tại xứ Arcadia. Người Cổ La Mã thì tin chất Versipellis có thể biến người thành sói. Việc này cũng được triết gia S.Augustin (354-430 STL), đề cập tới.

Lịch sử Anh Quốc, cũng có nhắc tới hai người sói được phong chức và coi như anh hùng, còn Hoàng đế John Lackland, vì là một người sói bạo tàn, nên bị truất ngôi và ký bản hiến chương ngày 15-6-1215. Hải tặc Viking Bắc Âu tham tàn cướp của giết người, nên bị gán cho xú danh 'Berserk' tức là 'Người Sói'. Tóm lại Người Sói chỉ là một động vật huyền thoại, sản phẩm siêu nhiên tưởng tuợng của con người, đồn đại từ đời này sang đời khác. Rốt cục đã phát sinh ra một chứng bệnh tâm lý 'Lycanthropus' theo đó người bênh luôn ảo tưởng, mình sẽ biến thành thú vật, nhất là chó sói.

Dẫu sao 'người sói' cũng là một dạng lý tưởng của ít người có bộ óc bất bình thường, với quan niệm óc người nhưng thân thể sói. Trong lịch sử nhân loại, nhân vật Đức Quốc Xã bao tàn khát máu, kẻ gây nên thế chiến 2 và tàn sát hằng triệu người Do Thái sống khắp Âu Chậu là Hitler, mang biểu tượng ' Người Sói', từ tên họ chính mình (Adolf -Adolph -Chó Sói), tới tên đặt các đại bản doanh quân sự của Hitler tại Bruly de Pêche (Pháp) là ' Hang Núi Sói ' hay ' Hang Sói' và Đội Tiềm Thủy Đĩnh danh tiếng của Đức, cũng được gọi là ' Bầy Sói'. Vào những cuói cùng của Thế chiến 2, tướng cận vệ trung thành của Hitler là Pruetzmann, đã tổ chức lại đội du kích ' Người Sói ', quyết tử chiến với quân Đồng Minh, chứ không chịu đầu hàng.

Tới nay các nhà phân tâm học, thậm chí giới khoa học, cũng chỉ mới đưa ra được các giả thuyết về hiện tượng 'Người Sói', như quy cho yếu tố di truyền, hoặc do tác dụng của hóa chất Belladona, khiến người có cảm giác da mọc đầy lông lá, từ đó người bệnh khoắc lên mình lớp da chó sói và gây nên các tội lỗi. Ngoài ra bị ngộ độc loại Nấm Cựa Gà (Ergot Poisoning), khiến người biến thành sói. Tuy nhiên tới nay Y học qua các chẩn đoánbệnh lý, vẫn mù tịt về câu trả lời, tại sao bệnh nhân lại tự mình cho là đã biến thành sói.

Riêng các nhà tâm lý học, thì giải thích huyền thoại 'Người Sói', chẳng qua cũng là một thứ bản năng thú tính , đã tiềm ẩn trong những mẫu người luôn có khát vọng đen tối được hình thành từ những yếu tố man rợ của xã hội .

3-CHÓ TRONG VĂN CHƯƠNG, ĐIỂN TICH:

Chó là con vật được người thuần hóa sớm nhất, trong số gia cầm gia súc hiện nay, cho nên tên tuổi của loài khuyển cũng thấy xuất hiện rất nhiều trong kho tàng văn chương chữ nghĩa của mọi dân tộc trên thế giới, nhất là trong ca dao tục ngữ, điển tích và các câu chuyện cổ tích thần thoại.

+ CHÓ QUA THƠ TRUYỆN: Đọc 'Lục súc tranh công', một tác phẩm cổ khuyết danh của VN, được sáng tác ở Đàng Trong, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nói về sự dành công với chủ, giữa sáu con vật nuôi trong nhà là trâu, ngựa, gà, heo, mèo và chó. Về hình thức, tác phẩm viết theo lối tuồng, có nhiều câp đối nhau theo thể biền ngẫu, không hạn định số chữ ( 4, 5, 6, 7) , văn chương bình dân dễ hiểu nhưng không kém phần trào phúng ý vị, nhất là những điển tích được xen kẽ, để mô tả tâm lý ích kỷ, chủ quan của con người, khi phải chung đụng trong cuộc sống hằng ngày. Cũng qua tác phẩm trên, ta thấy chó đâu có ngu, mà rất khôn lanh và mạnh miệng khi bị trâu chỉ trích nặng nề "Chưa rét đã phô bằng rét, xo ra đuôi quít vào trôn, vấy bếp người tro trấu chẳng còn, ba ông táo lộn đầu lộn óc". Nghe xong chó chẳng nhịn, đã trả lời "Trời sanh các hữu kỳ tài, lớn việc nặng - bé việc nhẹ" sau đó tấn công trâu "Tránh sao khéo thổi lông tìm vết, giận thày lay vạch lá tìm sâu" rồi lên giọng kể công của mình,

"Đêm năm canh con mắt như chong

Đứa đạo tặc nếp oai cũng động

Ngày sau khắc lỗ tai bằng trống

Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh

Vốn như đây gia tài ủy ký"

Tất cả những đối đáp trên, chó muốn minh định với kẻ thù lẫn chủ mình rằng 'chó' không phải là một gia súc vô dụng, trái lại được nuôi trong nhà để giữ của và bảo vệ chủ mình. Phân tích cho kỹ hơn, ta thấy chó không chấp nhận ai gọi mình là 'vô tướng vô tài, một thứ ăn hại', bởi vậy chó mới được chủ quý trọng, thưởng công 'Chủ có lòng suy trước xét sau, khi lâm tử gạo tiền tống táng'.

Chó ngoài việc giúp chủ giữ nhà, đi săn, còn luôn tận tâm kiệt lực với chủ. Đức tính trên đã được Cử nhân Phan Văn Trị, vay mượn gói ghém tâm tư trong những bài thơ yêu nước của mình, giữa thời Pháp thuộc, để trả lời tên Việt gian khoa bảng Tôn Thọ Tường "Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở, bủa lưới săn nai cũng có ngày". Tâm sự này ta còn tìm thấy trong bài thơ "Chó già" của Sĩ phu Huỳnh Mẫn Đạt, như những lâm sự u hoài của người nước Việt, trong đêm dài nô lệ mịt mùng của ngoại xâm "Tuy rằng muông cẩu có ân ba, răng lụng lâu năm có phải già, bởi đuổi hươu Tần nên mỏi gối, vì lo khỉ Sở phải dùn da"

Chó tuy bị nười đời vô cớ sĩ vả đủ điều nhưng chưa bao giờ phản chủ, phản bạn. Do đức tình trên, nên khi hai con chó Vá và Kỵ, đã theo Phan Bội Châu suốt quãng đời mang bản án treo của thực dân Pháp tại túp lều tranh ở Bến Ngự -Huế, chẳng may bệnh chết, cụ đã khắc thơ cho chúng trên mộ bia và gọi "Nghĩa dũng cẩu vá chi trũng và Nhân trí cẩu Ky chi trũng"

Trong nổi thế thái nhân tình, cảnh đời đen bạc "há như ai mặt người lòng thú", chịu không nổi đến như một bậc minh triết quân tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã phải vẽ lên những bức tranh "Vân Cẩu" đầy ô nhục thời "Vua Lê-Chúa Trịnh" , đọc qua thật là nhức nhối "Chó nọ vẫy đuôi mừng thánh chúa, ăn no ủn ỉn lợn kêu ngày". Đời thế bảo sao Cao Bá Quát, một con người thi phú văn chương lỗi lạc, một tài tử hạng nhất trong nên thi ca VN thời Nguyễn, tủi phận sinh bất phùng thời,nên lúc làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai-Sơn Tây, đã hạ bút viết "Nhà trống ba gian, một cô một chó cái - Học trò năm đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi". Thái độ chán đời trên, sau này cũng được Nguyễn Vỹ, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng miền Sông Trà-Núi Bút, chủ biên Nguyệt San Phổ Thông thời VNCH, tủi phận đói rách của kiếp làm báo, nhà văn, nên đã viết :

"Thời thế bây giờ đã thấy khó

Nhà văn An Nam khổ như chó

Mỗi lần cầm bút nói văn chương

Nhìn đàn chó đói gậm trơ xương"

Nhưng chua chát hơn hết là những lời thơ của Huỳnh Mẫn Đạt và Phan Chu Trinh, đã mượn hình ảnh " Chó ", để chưởi xéo bọn bất tài vô tướng, nhờ thời thế được đắc dụng, nên hiu hiu tự phụ, chẳng coi ai ra gì , dù chỉ là bọn sâu dân mọt nước, chó táp nhằm ruồi "Kìa trên giàn gác ối chao ôi, nước lụt nên chi chó nhảy ngồi, liếm chân liếm đít lăng xăng mãi, trông dưới trông trên nhớn nhác ngồi, ít bửa mãn cơn đâu lại đấy, roi mây quất tưới nhảy cong đuôi".

* CHÓ QUA CA DAO TỤC NGỮ:

Từ lúc sinh ra tới chết, hầu hết loài chó chỉ biết phục vụ cho người, chẳng khác nào một kẻ tôi đòi thấp hèn tội nghiệp. Bởi vậy so với các con vật khác nuôi trong nhà, ta thấy hình ảnh của khuyển xuất hiện nhiều nhất trong kho tàng ca dao tục ngữ cuả các dân tộc. Nói về bổn phận của chó, ta thấy 'chó giữ nhà, gà gáy sáng (TNVN) hay Ai không nuôi chó người đó nuôi kẻ trộm (TN TH)' . Nói về lòng trung thành với chủ' Chó không sủa chủ mình (TNAnh), Hãy tìm sự trung thành ở loài chó, đừng sự chung thủy nơi phụ nữ (TN Ba Tư), Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo (VN)'

Về những tật xấu thói hư của chó, cũng được mượn để mai mỉa châm chọc những kẽ chẳng ra gì nhưng cứ vênh váo lên mặt:

- Dù nuôi lẫn với sư tử, chó vẫn là chó (Libăng )

- Chó ba quanh mới nằm, người ba lăm mới nói , khuyên người phải suy nghỉ trước khi nói.

- Chó cái trốn con: chê những người mẹ không thương con mình.

- Chó căn áo rách: Đã khổ còn mất eo, gặp nạn.

- Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng: Chê bọn ỷ thế kết bè làm bậy.

- Chó chạy đường quai: ý nói múa may quay cuồng, rốt cục chẳng nên trò trống gì.

- Chó chê cứt nát: Chê những kẻ khó tanh quái dị, chỉ muốn bắt kẻ khác làm theo ý mình.

- Chó chê mèo lắm lông: Chỉ biết phê phán chê trách kẻ khác, trong khi chính mình thì chẳng ra gì.

- Chó chê nhà dột, ra nằm bụi tre: đồng nghĩa với câu đứng núi này trông núi nọ.

- Chó chết hết cắn, chó chết hết chuyện: kẻ ác đã đến lúc hết thời, nói không còn ai tin.

- Chó chui gầm chạn: Chê kẻ ác không còn hại được ai khi đã ra rìa.

- Chó có váy lĩnh: Chửi những kẻ khoe của lố lăng.

- Chó cũng nhà, gà cũng chuồng: Khuyên bà con phải thương yêu lẫn nhau.

- Chó cũng rứt giậu: Ý nói người bị đẩy đến đường cùng, cái gì cũng dám làm.

- Chó cụp tai: Chê kẻ tiểu nhân lúc hết thời.

- Chó dại có mùa, người dại quanh năm: trong đời, kẻ dai thời nào cũng thấy.

- Chó dữ mất láng giềng, dâu dử mất họ: nghĩa bóng nói kẻ xấu không ai muốn chơi.

- Chó đã vẫy đuôi: mai mỉa những kẻ chuyên lừa bịp, nói dóc.

- Chó đen giữ mực: mai mỉa những kẻ hư đốn không chịu sữa mình.

- Chó gầy hổ mặt người nuôi: Con cái chẳng ra gì, thiên hạ cười cha mẹ.

- Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi: nghĩa bóng mai mĩa kẻ tồi lại lên mặt dạy đời.

- Chó ghét đứa gặm xương, mèo thương người hay nhử: nghĩa bóng nói về tâm lý người đời, ganh tỵ lẫn nhau nhưng thích ai nịnh bợ ca tụng mình.

- Có già gà non: ý nói thịt chó già mơí không tanh, còn gà non thì thịt mềm, nghĩa bóng chì sự liên quan của hai thế hệ, phải cần đến nhau vì ai cũng có sở trường.

- Chó già giữ xương: Chê hạng người gần xuống lỗ vẫn vẫn không buông những hoang tưởng.

- Chó gio mèo mù: Chê kẻ mù quáng cuồng tín, không biết tự tin mà chỉ vin vào kẻ khác.

- Chó giữ nhà, gà gáy trống canh: Ai cũng có trách nhiệm, bổn phận khi sinh ra làm người.

- Chó khô mèo lạc: Chỉ hạng người vô dụng, sống ký sinh vao xã hội.

- Chó nào ăn được cứt thuyền chài: chỉ những kẻ thủ đoạn, đứng sau giật dây.

- Chó nào là chó sủa không: Bọn lưu manh làm gì cũng nhắm tới lợi lộc.

- Chó ngáp phải ruồi: Chỉ kẻ bất tài gặp thời lên mặt.

- Chó ngồi bàn độc: Chỉ tên bất tài ưa làm lớn

- Chó nhà quê đòi ăn mâm mực: Ý nói hèn mọn lại đòi trèo cao.

- Chó săn chim mồi: Chỉ những kẻ tay sai đê hèn vô liêm sĩ, đồng nghĩa với câu 'khuyển mã khuyển ưng'.

- Mèo đàng chó điếm, chơi với chó chó lờn mặt, ngũ với chó có bọ chét (Nga): khuyên người chớ nên giao du với bọn bất lương, có ngày cũng thân bại danh liệt vì chúng.

- Ai chơi với chó, nó sẽ thành anh em (Ả Rập) hay Chó cắn anh, đứng cắn lại: mục đích cũng chỉ khuyên người đừng liên hệ với phường bất lương.

- Thà thấy con sư tử hung dữ trước mắt, còn đỡ hơn bị con chó cắn trộm sau lưng (Pháp): Chỉ phe ta đạm sau lưng chiến sĩ.

Cũng vì mang thân phận thấp hèn, nên loài khuyển đã bị con người mượn xác để tự chửi nhau, nhiều khi thấy quá đáng tội nghiệp cho chó như Tục ngữ Đức 'Hãy dùng chó để săn thỏ, dùng tiền mua chuộc đàn bà và sử dụng sự ngon ngọt để dụ kẻ ngu' hay lời khuyên của Hy Lạp 'chơi với chó phải cầm roi' , chó cắn nhau phải dùng gây mới xong (Nga) nhưng đây cũng không phải là cách tốt, vì 'dùng gậy gọi chó, chó không lại (Tàu, bởi 'đập một con chó như đập cả bầy’ (Tây Ban Nha), nên chỉ có kẻ ngu mới bị lợi dụng lường gạt lần nửa. Nhưng chủ nào, chó nấy (VN), bà chủ mất nết theo trai, thì con chó cái trong nhà cũng hư thân mất nết (Kirghitans) nhưng vì gia phong lễ giáo truyền thống, có ứa gan bể bụng, cũng phải cố nén để đóng cửa dạy nhau 'đánh chó phải kiêng chủ nhà (VN), ai xua đuổi chó là dứt tình với chủ nó (Pháp)' .

Cuối cùng 'làm người thì khó mà làm chó thì dễ (VN)' nhưng theo Nhật, thì ' nếu làm chó, phải là chó của Samourai' hay triết lý Do Thái 'Ai có nhiều con.lúc sống như con chó, khi chết là con người. Ai không có con, lúc sống là con người, khi chết là con chó'. Bởi vậy 'thà làm đầy tớ người khôn hơn làm thầy kẻ dại, thà làm con chó sống hơn sư tử chết (Anh)' và cuối cùng vẫn là khát vọng 'thà làm một con chó tự do còn hơn làm con sư tử bị nhốt trong củi (Ả Rập)'. Tóm lại đời 'lên voi xuống chó là vậy đó'.

* CHÓ QUA THÀNH NGỮ VÀ ĐIỂN TÍCH:

Trong Hán tự, cẩu là chó , đồng nghĩa với chữ khuyển xưa hơn và có nhiều danh từ kép, mà Từ Hải đã thu thập được 174 chữ, còn Khang Hi tự đỉễn lên tới 444 chữ trong bộ khuyển.

- Khuyển Mã: Chỉ hai giống vật 'chó ngựa' luôn trung thành với chủ. Thành ngữ 'làm thân khuyển mã' chỉ bầy tôi hay đầy tớ, ăn ở trung hậu. Trong ' Tự tình khúc' Cao Bá Nhạ viết 'giải được lòng khuyển mã là vinh', còn 'Nhị độ mai' cũng có câu ' đem lòng khuyển mã đền nghì bể sông'.

- Khuyển Nho: Tên một hệ phái triết học, do Anisthène và đệ tử là Socrate, sáng lập tại Hy Lạp khoảng thế kỷ thứ IV trước Tây lịch. Phái này tỏ ra khinh miệt những tập tục lễ nghi của xã hội đương thời. Những người thuộc hệ phái này luôn sống đời du mục, ràt đây mai đó, để chế giểu và châm biếm những cái rởm của đời, từ đó chẳng màng danh lợi, không bon chen thị phi phù phiếm.

Do sự lập dị chẳng giống ai, nên người đương thời gọi họ là 'bầy chó'. Sau đó có phải 'khắc kỷ' xuất hiện , phản đối những thai độ vô lý của đời đối với phái trên, nên từ đó danh từ 'khuyển nho' mới ra đời, rất hợp với chủ trương của Anisthène, lấy chó làm biểu tượng của triết phái, khi sáng lập.

- Khuyển Ưng: chỉ hai loài chim ưng và chó săn, qua ngụ ý nói tới đám đầy tớ trung thành với chủ sai đâu đánh đó, dù có làm chuyện bất nhân, bất nghĩa. Trong tác phẩm Quốc Sử Diễn Ca, có câu 'khuyển ưng còn nghĩa đá vàng, Yết Kiêu-Dã Tượng, hai chàng cũng ghê'. Trong Đoạn Trường Tân Thanh cũng viết 'sửa sang buồm gió lên mây, khuyển ưng lại lựa một bầy côn quang'.

- Khuyển Nhung: Chỉ một giống dân ở phía tây bắc nước Tàu. Vua U vương vì mê say Bao Tự, muốn làm vừa lòng người đẹp, nên theo lời nịnh thần, cho đốt lửa Phong Hỏa Đài trên núi Ly Sơn cháy rực trời, cùng lúc với tiếng trống ầm ầm như sóng dậy. Chư hầu khắp nơi tưởng Kiểu Kinh có loạn, nên đồng loạt đem quân tới tiếp cưu nhưng chỉ thấy trên lầu vua và Bao Tự đang vui say giữa đờn ca xướng hát rượu thịt ê chề. Chừng đó chư hầu mới biết mình bị gạt, nên xấu hổ kéo quân về nước, trong khi trên lầu cao Bao Tự vỗ tay cười khoái lạc, còn U Vương cũng lấy làm đắc chí về công trình vĩ đại của mình. Sau đó không lâu, vua bị nước Thân liên kết với Khuyển Nhung tới đánh, phải đốt lửa Phong Hỏa Đài trên Ly Sơn cầu cứu, nhưng chẳng còn được ai tin nữa. Cuối cùng nước mất chỉ vì một nụ cười của mỹ nhân. Trong 'Sãi Vãi' Nguyễn Cư tring đã viết 'Khuyển Nhung phá phách nhà Chu, Sãi giận gã Thân Hàu thiết kế'.

- Sài Lang Đương Đạo: Năm Hán An nguyên niên triều Thuận Đế nhà Hậu Hán (142), triều đình sai tám vị đại thần tới các địa phương để thanh tra hành vi của các quan lại. Trong số này có Trương Cương tuổi nhỏ chức quan thấp. Ngày lên đường, ông tháo bánh xe của mình chôn bên vệ đường, tại dịch trạm ngoại thành Lạc Dương. Mọi người kinh ngạc hỏi lý do, được Cương trả lời 'Sai lang còn đang chặn đường, sao lại hỏi đến chồn cáo' ý ông muốn nói kẻ đại ác chưa trừ được , thi sao lại nói tới việc trừ loài tiểu ác.

Bởi vậy ông không đi đâu hết, mà ở lại triều quyết tâm loại trừ tên gian tặc đại thần Lương Ký, kẻ đã làm hủ bại triều cương, hư hại mối nước. Nhưng vua dù biết sự thật cũng không dám làm lớn chuyện vì Ký là hoàng thân quốc thích. Cuối cùng Trương Cương bị đầy tới Quảng Lăng và chết tại đó, sau khi diệt được giặc cướp. Điển tích này được chép trong 'Trương Cương truyện' , đời sau rút ra được thành ngữ 'Sài Lang đương đạo' , để am chỉ kẻ ác đang nắm quyền sinh sat đất nước, làm cho dân chúng không được ấm yên hạnh phúc, phải khổ sở lầm than.

- Kê Minh Cẩu Đạo: Thời chiến quốc Mạnh Thường Quân Điền Văn nước Tề, sang thăm Tần Chiêu Tương Vương rất được trọng vọng. Nhưng tướng quốc Tần là Sư Lý vì ganh tị nên sàm tấu với nhà vua, khuyên nên giết Điền Văn để trừ hậu hoạn. May nhờ có em vua Tần là Kinh Dương Quân, vốn là bạn thân của Mạnh Thường Quân được tin, mật báo cho người biết và bày kế đem của đút lót cho ái thiếp nhà vua là Yên Cơ, để được về nước.

Nghe lời, Quân đem vàng bạc tới dâng cho Yên Cơ nhưng bà ta chỉ đòi một chiếc áo bằng da chồn bạch, mà áo đó đang được cất trong kho của nhà vua. Một thực khách của Mạnh thường Quân giỏi bắt chước tiếng chó sủa, ban đêm vừa bò vừa sủa tới cung vua Tần, gạt được lính gác kho, lấy trộm chiếc áo quý đem về cho chủ. Quả nhiên Chiêu Tương Vương nghe lời Yên Cơ cho Mạnh Thường Quân về nước an toàn.

Vì sợ vua đổi ý, nên Quân cùng các thực khách ngay lúc đó ráng sức đi nhanh để mong ra khỏi nước Tần. Nhưng khi đến Hàm Cốc Quan thì trời còn tối, nên quan ải đóng chặt. Cũng may có một thực khách khác biết giả tiếng gà gáy, làm quân giữ ải tưởng đã sáng, nên mở cửa cho mọi người qua. Đến khi vua Tần đổi ý, cho quân theo đuổi bắt thì Mạnh thường Quân đã chạy khỏi nước này ngoài 100 dặm. Từ điển tích trên, người sau rút ra được thành ngữ 'kê minh cẩu đạo (gà gáy chó trộm)' , để nói tới những người vì muốn đạt mục đích mà bất chấp mọi thủ đoạn. Thành ngữ trên cũng ám chỉ bọn bất lương trộm cưóp, kết thành bè đảng 'kê minh cẩu đạo'.

- Lang Bái Vi Gian: Lang và Bái là tên gọi của hai nòi thú thuộc giống chó sói. nhưng Lang thì có hai chân trước dài, hai chân sau ngắn, còn Bái thì hai chân trước ngắn, hai chân sau dài. Loài này thường đi chung với nhau trong lúc săn mồi. Có lần hai con sói trên mò tới một chưồng dê cạnh bìa rừng. Vì chuồng cao lại kiên cố, chúng không thể nào nhảy vào hay ủi sập để bắt dê, nên bày kế Bái có hai chân sau dài thì đứng tựa vào thành chuồng làm thang cho Lang leo lên với hai chân trước dài, nên bám được thành tường mà nhảy vào trong, mở cửa bắt dê đem ra ngoài dễ dàng, nhờ sự hợp sức của Lang-Bái.

Tù điển tích trên được ghi trong sách 'Bác vật điển vựng', người sau rút ra được thành ngữ 'Lang vô Bái bất lập, Bái vô Lang bất thành' hay 'Lang Bái vi gian', để nói bọn bất lương kết bè làm chuyện gian ác. Thành ngữ trên thực chất chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn được viết ra, nhằm khuyên răn người đời phải cẩn trong trước khi muốn hợp tác với bất cứ ai, kẻo bọ bọn gian tà lợi dụng, chẳng những hao tài tốn sức mà thân bại danh liệt.

- Họa Hổ Thành Khuyển: Mã Viện thời Đông Hán, trong một bức thư khuyên cháu mình 'nếu bọn ngươi khi nghe ai đó nói đến những lỗi lầm của kẻ khác, thì cũng chú ý như khi nghe nói tới lầm lỗi của cha mẹ mình. Đương thời có Long Bá Cao đôn hậu cẩn trong, ta mong các ngươi bắt chứoc. Còn Đổ Quý Lương tài giỏi hơn nhưng ta lại không các ngươi noi theo, vì vói Lương dù chỉ học được một phần, ít ra các người cũng có tính cẩn trong. Giống như một người muốn vẽ con chim Hộc nhưng dù có vẽ không đúng, người khác nhìn vào cũng biết ngươi đang vẽ chim. Nhưng bắt chước Đổ Quý Lương mà học không hết nghề, thì sẽ trở thành kẻ phóng túng lang bạt hại đời mà thôi. như kẻ muốn vẽ con cọp mà vẽ trật, thành ra hình con chó vậy ..'

Do điển tích trên, người sau rút được thành ngữ 'Họa Hổ Thành Khuyển' . Câu nói trên cũng hàm ý mỉa mai khinh bỉ những người không tự biết mình là ai, trước khi làm một việc gì, rốt cục chẳng những bị thất bại, mang nhục mà còn để hại tới người khác. Vì hổ là chúa tể sơn lâm, còn chó chỉ là con vật thấp hèn, nịnh bợ để cầu xin sự thương hại cưu mang của chủ, nên nên giá trị cách nhau trời vực, thì làm sao vói tới cho được.

- Phong Mục Sài Thanh: Sở Thành Vương thời Xuân Thu muốn lập con trưởng là Thương Thần làm thái tử, nên mời quan Lệnh Doãn là Tử Thương vào bàn bạc. Thương hết lời can ngăn nhà vua không nên vội vàng lập thái tử quá sớm, ngoài ra nhận xét tướng mạo của Thương Thần có con mắt ong đáng sợ, còn giọng nói như chó sói đang tru tréo, theo sách tướng số, ai có tướng như vậy cũng đều hung tàn, nếu lập làm vua chỉ hại cho dân nước mà thôi.

Sở Thành Vương nghe tâu nhưng không tin, vẫn lập Thương Thàn làm thái tử. Riêng Thần biết chuyện giận lắm, thừa dịp Sở có chiến cuộc với nước khác, vu cáo Tử Thương tư thông với giặc, nhà vua không cần xét xử, khép ông vào tội chết, sau đó rõ chuyện thì đã muộn. Không lâu Thành Vương có ý nhường ngôi cho con thứ là Chức, Thượng Thần bèn hợp mưu với đồng đảng vào cung giết vua cha, lên ngôi tức Sở Mục Vương. Đời sau qua điển tích trên , rút ra thành ngữ 'Phong Mục Sài Thanh - Mắt ong, tiếng sói' , để nói về tướng mạo của người hung tàn độc ác, chuyên làm những chuyện bất lương.

Tóm lại người xưa nhất là Đông Phương rất là thâm thúy và sâu sắc, ngay đến nụ cười cũng hàm chứa nhiều học thuyết truyền thống với ý nghĩa minh triết thâm hậu. Cho nên những câu chuyện mượn chó để chửi xéo đời, khiến cho ta mới thật thấm thía với câu 'Làm cho thì dễ, còn làm người mới khó'. Cao Bá Quát kẻ tài hoa sinh bất trùng thời, bởi bản tính tự cao coi đời như cỏ rác, nên dù rất được Vua Tự Đức quý trọng thi tài nhưng con đường hoạn lộ vẫn mịt mù, rốt cục đã thất chí phải theo giặc cướp làm loạn, để cả dòng tộc mang tội tru di tam tộc. Trong lúc còn làm quan tại kinh, nhân có hai viên quan ấ đã trước buổi lâm triều, nên vua Tự Đức ra lệnh cho Cao Bá Quát làm tờ trình. Do đó ông viết "Bất tri ý hà. Lưỡng tương đấu khẩu. Bỉ viết cẩu. Thử diệc viết cẩu. Dĩ chi đấu ẩu. Thần kiến thế nguy "..

Nghĩa là "Chẳng biết vì sao. Hai bên cãi cọ. Bên này rằng CHÓ. Bên kia cũng CHÓ. Trên dưới đều CHÓ. Dẫn đến đấm đá. Thần thấy thế nguy. Thần sợ thần chạy. Thần tấu ".

Ông Ích Khiêm người Phong Lệ, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông làm quan dưới triều vua Tự Đức, tài kiêm văn võ, đã lập được nhiều chiến công hiển hách với nước nhưng tính tình kiêu căng tự phụ, do một phần ảnh hưởng cái hào khí coi đời như rác cỏ của Cao Bá Quát, nên không bao giờ chịu xu nịnh bọn quyền thần đương thời và do đó đã bị bọn chúng trù dập khi có dịp. Khi thực dân Pháp tấn công cửa Thuận An, lúc đó Ông Ích Khiêm là trấn thủ ch3 huy Kinh thành Huế, đã cực lực lên án thái độ chủ hòa của Nguyễn Văn Tường, nên bị bãi chức và giải về giam tại ngục Bình Thuận, ở đó ông bị bỏ đói tới chết. Người sau có làm thơ thương tiếc một đấng nhân tài của đất nước "Ngục trung Bình Thuận sao nên tội" Rằng nhớ rằng quên tài hỡi tài!".

Viết về Ông Ích Khiêm, các nhà biên khảo hay nhắc tới "Bữa tiệc thịt chó" như một giai thoại đẹp nhưng càng nghĩ càng cười ra nước mắt, nhất là đối với những giai đoạn lịch sử quốc phá gia vong của thời Pháp thuộc, hay hiện tại đất nước ta đang đắm chìm trong vũng bùn ô uế của xã nghĩa thiên đàng. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, năm Canh Ngọ (1870), Ông Ích Khiêm làm Tiểu Phủ Sứ , đã đánh tan quân Ngô Côn, dư đảng Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn,từ bên Tàu chạy qua cướp phá tỉnh thành Bắc Ninh. Về kinh, ông được thăng Án Sát nên thiết tiệc ăn mừng, hầu như ai cũng được mời kể cả Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường , cũng có mặt và chễm chệ ngồi trên mâm cổ cao nhất. Bữa tiệc thật linh đình , từ thức ăn tới rượu uống đều ngon lành, ai nấy đều thỏa mãn vì lạ miệng, nên không tiếc lời khen tặng. Đang lúc tiệc còn vui, một quan có hỏi là thịt gì, nên được Ông Ích Khiêm, sau khi trình bày xuất xứ, roi chỉ từ mâm Thuyết-Tường đang ngồi, xuống tới những mâm thấp dưới, rồi ung dung nói "Từ mâm trên xuống thấp, chỉ toàn là một thứ CHÓ cả".

Chưa hết chuyện, nhân thấy các quan đang buông đũa, Ông Ích Khiêm vôi quay xuống bếp gọi lớn "Nước bay! dạ dạ" nhưng đợi chặp lâu chẳng thấy nước nôi gì cả. Chừng đó Ông Ích Khiêm mới to tiếng "Cái lũ này hễ được dịp thỉ đục đầu vô ăn, chứ có biết lo lắng gì việc nước đậu" Tất cả câu chuyện diễn ra quá thảm tuyệt, khiến cho bách quan đều chín ruột, còn Tường-Thuyết thì toát cả mồ hôi hột nhưng chỉ biết ngậm tăm, chờ mãn tiệc. Từ đó căm thù càng thê sâu nặng và kết quả Ông Ích Khiêm đã bị vu cáo và chết đói trong ngục Bình Thuận.

Thòi Pháp thuộc, tại Nam Kỳ có tên cai tổng Lê Hoa Hồng nhờ bưng bợ giặc Tây và cướp bốc dân nghèo nên rất giàu có và thế lực. Để dương oai với xóm làng, Cai Hồng cho xây một Quán bên vệ đường vào làng và đặt tên là "QUÁN GIAI " hiểu theo nghĩa chữ Hán là "Quán đẹp" nhưng nói lái là thứ của qui của quan. Các bậc nho học trong làng đều biết, nên đã trả đũa bằng cách dựng một Quán đối diện và đặt tên là "QUÁN BÔ" là chữ Pháp (Beau) cũng có nghĩa là "Quán đẹp" nhưng nếu nói lai là "Bô` Quan". Trong ngày khánh thành, Cai Hồng thiết tiệc mời đủ khách tham dự có cả Quan Phủ Ngãi tham dự. Khi tất cả ngà ngà say, Cai Hồng sính chữ ứng khẩu làm thơ "Ông phủ Ngãi nhậu say phải ngủ" và được đối lại "thầy cai Hồng của cáy công hái".

Cai Hồng biết thiên ha chơi xỏ tức lắm, nên cũng xỏ xiên lại "CÁC THẦY" giỏi thiệt, mà Các Thầy nói lái là "Cầy Thác" tức là "Đồ Chó Chết". Nhưng người làng cũng chẳng vừa gì, nên đáp lại rằng "thầy Cai là người CÓ CHỨC" dân quèn chúng tôi luôn kính trọng. Cai Hồng mới nghe đắc chí lắm nhưng chợt hiểu "Có Chức" nếu nói lái là "Cứt Chó" thì giận tím ruột. Từ đó không dám lên mặt nói chữ với ai nữa.

Trong giòng thơ trào phúng của nước ta vào thế kỷ XIX, không ai không biết tới những Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Ba Giai, Học Lạc..Một năm Tuất nọ trên đất Bắc thời Pháp thuộc, Ba Giai (Nguyễn Văn Giai) tới quán trọ rũ các thầy khóa "Hạ Cờ Tây" trước khi chia tay giã từ nhau về quê vui xuân. Biết Ba Giai là tay chọc trời khuấy nước, tên tuổi được mật thám Pháp xếp đầu sổ phong trần, anh em yêu cầu làm một bài thơ, gọi là khai bút đầu xuân. Nể mặt mọi người, Ba Giai ứng khẩu một bài thơ Đường, qua đề tài "Ngắm cảnh Hà Nội buôi sáng" như sau:

- Bốn bên hàng phố tiếng xôn xao

Trở dậy mà xem những thế nào

Lục sở trò bày trong rạp tối

Tam tài cờ cắm giữa trời cao

Giày Tàu bịt gót,Ngô đi bãi

Váy lỉnh phơi trên, đĩ rửa hào

Nhuốm, Vện, Khoang, Vần, vô số chó

Ra tuồng đắc ý, chạy nhông nhao.

Cùng năm đó, ngẫu nhiên Học Lạc (Nguyễn Văn Lạc), hiệu Sầm Giang, quán làng Mỹ Chánh, tỉnh Định Tường, nức tiếng khắp Nam Kỳ là người chống thực dân Pháp và bọn chó xăn tay sai của giặc. Trong một buổi nhậu đầu Xuân năm Tuất, Học Lạc đã ứng khẩu làm bài thơ Đường "Chó Chết Trôi" tặng bạn bè:

- Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu

Thác thả lòng sông xác nổi phều

Vần vện xác còn phơi hửng dửng

Thúi tha danh hãy nổi lều bều

Tới lui bịn rịn bầy tôm tép

Đưa đón lao xao lũ quạ diều

Một trận gió dìu cùng sóng dập

Tan tành xương thịt biết bao nhiêu.

Từ xưa VN đã có thành ngữ "Cáo mượn oai hùm" , rút ra từ điển tích Sở Hoàn Vương thời Chiến Quốc, một hôm hỏi quần thần, tại sao các nước ở phía tây bắc Trung Hoa lại sợ hãi Chiêu Hồ Tuất. Câu hỏi được quan đại thần Giang Ất giải đáp bằng câu chuyện ngụ ngôn, lấy tích có con hổ bắt được con cáo, định ăn thịt nhưng bị nó hù dọa, lại xưng là thiên sứ từ trời xuống để thống trị muôn loài thú và thách thức hổ đi theo mình, để biết sự thực. Quả nhiên cáo và hổ tới đâu, thú rừng đều bỏ trốn hết. Trong lúc đó hổ đậu biết, là các thú vì sợ mình, chứ đâu có ngán cáo. Chuyện Chiêu Hồ Tuất cũng vậy, các nước khác vì sợ binh lực hùng mạnh của nước Sở, chứ đâu có sợ gì Tuất.. Ngày nay nước ta đang sống dưới ách nô lệ của cọng sản, cũng vì súng đạn và màng lưới công an bộ đội, nên đồng bào cả nước phải chịu khổ đau bởi bọn cán bộ ngu dốt tầm thường "Cáo đội lớp hùm" , hống hách, bốc lột và tàn hại, mà chẳng dám làm gì.

Giống như nước Tống có người xem tướng chó rất giỏi, nên được láng giềng nhờ mua giùm một con về bắt chuột. Nhưng rồi một năm trôi qua, chẳng thấy chó bắt được con chuột nào cả, người láng giềng mới hỏi, thì được anh xem tướng chó trả lời " Con chó này thuộc giống tốt nên cái chí của nó là đuợc theo chủ đi săn để bắt nai, hươu, dê, hoảng. Vì vậy nó không thèm bắt chuột, nếu muốn phải cùm chân nó lại. Người láng giềng làm y theo lời, quả nhiên chó trở thành hèn, chỉ còn biết bắt chuột mà thôi.

Câu chuyện ngụ ngôn này nếu ở các nước Âu Mỹ tự do, sẽ chẳng làm ai cười được hay tốn công suy nghĩ. Thế nhưng với xã nghĩa thiên đàng VN giờ đây, chắc chắn mọi người, nhất là thành phần trí thức, khoa bảng..khi đọc phải khóc ngất vì tủi hổ tức nghẹn cho kiếp người. Giống như một con cho săn tài giỏi , chỉ vì bị cùm chân mà trở thành hèn mọn phải bắt chuột., quả thật là thương hại. Dân tộc VN cũng vậy, tự dưng cõng voi cọng sản quốc tế về dầy mồ tiên tổ và đất nước. Rồi cũng tự chính mình "cùm chân trói tay" làm bù nhìn bình vôi ngày ngày tháng tháng suốt mấy chục năm qua, để từ một con người tự do, biến thành con vượn hú, thì thật không biết nên cười hay khóc cho số phận "

Xóm Cồn

Cuối Đông 2005

HỒ ĐINH

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.