Hôm nay,  

Ngày Xuân Nơi Quê Cũ

28/01/200600:00:00(Xem: 5366)

- Tôi được sinh ra và lớn lên bên dòng Tiền giang êm đềm và lặng lẽ. Làng quê tôi có thể được coi là một trong những vùng trù phú của miền Tây Nam bộ. Nơi đây, người dân hầu hết là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và nhờ thấm nhuần giáo lý của Đức Thầy nên rất hiền lành, chất phác và mộ Đạo.

Nhờ phù sa sông Tiền hằng năm bồi đắp nên ruộng rẫy rất mầu mỡ, tốt tươi đem đến nhiều huê lợi cho người dân trong vùng. Có người trồng cây ăn trái như xoài, ổi, mận, nhãn, mãng cầu, đu đủ, dừa, chuối…, có người trồng đậu xanh, đậu phộng, miá hoặc cả cây thuốc lá, trầu, cau…nên quanh năm muà nào, quả nấy. Đặc biệt, nhà nông ở đây chỉ làm luá sạ một mùa nên cũng không có gì gọi là vất vả. Ngoài ra, trong thời gian chờ lúa chín, họ có thể giăng câu, đặt lợp trong muà nước nổi kiếm thêm lợi tức cho gia đình. Nhìn chung, nhờ thiên nhiên ưu đãi nên cư dân trong vùng ai nấy đều khá giả và cuộc sống tương đối nhàn hạ, nên có người gọi đây là xứ của “trên cơm, dưới cá”.

Thông thường, vào cuối tháng Mười âm lịch sau khi lúa đã đổ đầy bồ và ngọn gió Bấc lai rai thổi thì ai nấy cũng cảm thấy nôn nao đón chờ Tết đến. Người ta bắt đầu sửa sang lại nhà cửa, đường sá, rào dậu bị hư hao trong mùa nước nổi vừa qua và nhất là chuẩn bị cho Lễ Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Tiá tôi là Hội trưởng trong Ban trị sự xã nên có hơi bận rộn vì việc nhà, việc Đạo. Hội quán và Độc giảng đường được sơn phết, quét dọn lại nên coi rất khang trang và sạch sẽ. Đến ngày 25 tháng 11 âm lịch, cả trăm tín đồ qui tụ về Hội quán để tiến hành Đại lễ lúc giữa trưa và thường được kết thúc bằng bữa cơm chay thân mật. Tuy nhiên, mới hừng sáng là loa phóng thanh ở nhà Giảng đã vang lên những bài Sấm giảng hoặc Thơ văn của Đức Thầy qua những giọng đọc trong trẻo, cao vút của những tín đồ trong xóm và cứ như thế liên tục suốt cả ngày hôm đó.

Lật bật, lại đến ngày cúng Rằm tháng Chạp. Các trị sự viên lại nhóm họp lo cúng kiến và bàn bạc việc tổ chức đón mừng năm mới sắp đến. Và bắt đầu từ ngày Hăm ba tháng Chạp, ngày mà mọi nhà làm Lễ đưa tiễn đưa ông Táo về Trời thì không khí trong làng bỗng nhiên rộn ràng khác hẳn ngày thường. Nhiệm vụ của tôi và hai người anh là mang cuốc xuổng và nhang đèn ra đồng “phác mộ”.

Sau khi làm cỏ sạch sẽ và đấp vá những nấm mộ của Ông bà cùng thân tộc, chúng tôi còn tự nguyện làm sạch luôn những nấm mộ kế bên vì lý do nào đó mà không có thân nhân chăm nom, thăm viếng. Có người mang theo nước vôi có pha màu và chút “A-dao”, phết lên những ngôi mộ đúc bằng xi-măng, trông rất sáng sủa và đẹp mắt. Lại có người lợi dụng lúc tiết trời mát mẽ, mang theo ấm trà và bánh ngọt, xúm xít cùng nhau bên những nấm mồ vừa mới “phác” xong, râm rang bàn chuyện mùa màng và tính chuyện làm ăn sắp tới.

Trong khi đó, bà Ngoại và má tôi thì lo chọn nếp và đường đậu cùng một vài thứ lặt vặt để chuẩn bi gói bánh tét, bánh ít, bánh ú… gồm cả hai loại bánh chay và bánh mặn . Còn chị Hai và em gái Út của tôi thì lo quét dọn sạch sẽ trong ngoài và mua sắm quần áo mới, người nào việc nấy ai cũng có vẻ tất bật nhưng trên gương mặt đều vui tươi, rạng rỡ.

Làm gì thì làm nhưng việc lau chùi, chưng dọn bàn thờ Tam bảo và Cửu huyền Thất tổ phải là công tác hàng đầu của mọi gia đình PGHH. Ngoài ra còn phải chùi rửa và sơn phết cả bàn Thông thiên nữa. Ngoại tôi lúc bấy giờ đã trên 80 nhưng vẫn còn tráng kiện. Mặc dầu Bà không biết chữ nhưng các bài nguyện, 8 điểu răn cấm và những bài Sấm giảng của Đức Thầy, bà đều thuộc nằm lòng.

Mỗi ngày, ngoài hai thời cúng lạy Bà không bỏ sót buổi nào, Bà thường lui cui làm chuyện vặt vảnh suốt cả ngày. Bà hay xắt nhỏ vỏ bưởi, vỏ cam quít đem phơi thật khô rồi dùng cối giả nhuyển thành bột, lăn thành những cây nhang thơm tho và tinh khiết, từ tấm lòng thành kính cuả Bà dâng lên chư Phật và Tổ tiên vào những ngày Lễ vọng. Đặc biệt trong những ngày sắp Tết thì đám bông vạn thọ do chính tay Bà chăm sóc đua nhau nở rộ và toả hương thơm ngát. Đừng nói chi xa , vào các ngày 14-Rằm hoặc 30-mồng Một trong năm mà không có bông vạn thọ hoặc bông điệp chưng trên bàn thờ thì không được với Bà. Theo lời Đức Thầy chỉ dạy thì:

“Ngôi Tam Bảo hãy thờ Trần đỏ,

Tạo làm chi những cốt với hình.”

Vì vậy, sự thờ phượng của gia đình PGHH thật vô cùng đơn giản. Trên bàn thờ Tam bảo chỉ với tấm trần dà, ba chung nước và một cái lư hương. Thêm vào đó là chân dung của Đức Thầy được trang trọng treo bên cạnh, gần như nhà nào cũng có. Còn ở bàn thờ Cửu huyền Thất tổ thì cúng món chi cũng đặng, tùy theo sự hiếu thảo của con cháu trong nhà.

Theo cổ lệ thì ngày 30 âm lịch là ngày rước Ông Bà về ăn Tết với gia đình. Gia chủ thường làm một mâm cơm chay tươm tất đặt trên bàn thờ Cửu huyền rồi lên nhang đèn, van vái vong linh Tổ tiên, Ông bà…về chung hưởng với con cháu trong ba ngày Tết đến. Sau đó, cả gia đình quây quần bên nhau, vừa ăn uống vừa chuyện trò thật là vui vẻ. Công việc kế tiếp là bắt đầu gói bánh để đêm nay vừa canh chừng nồi bánh vừa thức để đợi giao thừa. Tiá Má tôi đã chuẩn bị môt mâm ngũ quả gồm một trái mãng cầu, một trái dừa tươi, một trái đu đủ, một vài trái xoài có khi thêm một chùm trái sung, có ngụ ý là cầu sao cho sang năm mới được “vừa đủ xài” và được sung mãn mọi việc, để làm Lễ cúng giao thừa.

Đúng 12 giờ khuya, khi Tiá tôi vừa đèn nhang cúng vái xong thì tiếng pháo bắt đầu nổ vang rền khắp làng trên, xóm dưới. Pháo tiểu, pháo đại thi nhau nổ đì đùng, có khi chen vào tiếng “ống lói” ì ầm làm náo động cả góc trời, nghe điếc cả tai nhưng đầy vui tươi phấn khởi. Vào lúc nầy, tiếng trống chiêng ngoài chùa Phật cũng vang lên từng hồi rộn rả. Người tín đồ PGHH tu hành theo nghi thức do Đức Thầy chỉ dạy nhưng vẫn được phép đến chùa lễ Phật, cầu cho Quốc thái Dân an hoặc để nghe thuyết pháp, nhất là đêm nay họ tấp nập đến chùa còn là để hái lộc đầu năm, cầu mong sẽ được nhiều may mắn và lợi lộc, như trong bài “Thi Xuân” Đức Thầy có viết:

“Rước xuân năm mới tiếng đì đùng,

Cờ phất trẻ mừng chúc cội thung.

Áo quần loè loẹt đi cùng xóm,

Bánh trái dẫy đầy nỗi cúc cung.”

Sáng mùng Một, ai ai cũng áo quần mới may trông rất “lịch sự”. Bà Ngoại tôi khoác chiếc áo dà như thường nhựt hướng dẫn con cháu trong nhà tề tựu trước bàn thờ Cửu huyền để làm Lễ mừng tuổi Ông bà. Tiếp theo, người nhỏ chúc thọ người lớn, con cháu mừng tuổi Ông bà, cha mẹ, anh chị em và cứ thế những bao “lì-xì” được trao qua lại cho nhau mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người trong ngày đầu năm mới. Sau đó, mọi người đổ xô ra đường mang theo nào bánh tét, bánh mứt, trà… đi đến nhà bà con, họ hàng để làm quà chúc Tết. Trên đường, lúc nầy đã nhộn nhịp người qua lại, ai cũng sẵn nụ cười trên môi và những lời chúc Tết cho nhau tuy thật thà, ngắn gọn nhưng nồng nàn tình thân ái. Bà Ngoại và má tôi ngồi nhà lo tiếp khách. Hết đám con cháu họ hàng gần xa rồi thân bằng quyến thuộc hăm hở ghé qua chúc mừng, trò chuyện. Thôi thì trà bánh ê hề lẫn những tiếng cười giòn tan, thoải mái tràn ngập cả căn nhà.

Xa xa, tiếng trống múa lân từ xóm trên bắt đầu vang lên tưng bừng rộn rả. Đoàn muá lân của Chùa Phước Thiện đến thăm viếng từng nhà kéo theo cả đám con nít và luôn cả những người ham vui cùng với những tràng pháo nổ vang rền làm cho buổi sáng mùng Một Tết nơi làng quê trở nên nhộn nhàng, náo nhiệt. Nhiều nhà cột sẵn gói tiền có bao giấy đỏ to tổ bố trên tuốt ngọn cây nêu để thử tài ông Lân nhưng cuối cùng đều bị ông Lân trổ tái gỡ xuống.

Ngay tại Hội quán, giờ nầy cũng có nhiều tín đồ mang đèn nhang, lễ vật đến làm tuổi Đức Thẩy và cùng chúc Tết lẫn nhau hoặc lên loa phóng thanh đọc một vài bài Thơ văn Giáo lý và cứ thế luân phiên hết người nầy đến người kia, tiếng đọc Giảng cứ được vang vọng suốt ba ngày Tết.

Về sự ăn uống trong ba ngày Tết, Đức Thầy có dạy người tín đồ là phải chay lạt liên tục từ ngày 29, Ba mươi cho tới mùng Một, nếu tháng thiếu thì bắt đầu ngày 28, kế tiếp ngày 29 và Mùng Một. Còn vấn đề rượu chè, cờ bạc thì kể như tuyệt đối không được phạm vào vì mấy tật xấu nầy có qui định trong Tám điều Răn cấm theo Giáo pháp của PGHH. Tuy nhiên, có một số gia đình theo Đạo khác vẫn làm heo “chia thịt” với hàng xóm để có những nồi thịt kho, dưa giá trong dịp Xuân về hoặc giết gà vịt để cúng kiến, rồi sau đó nhậu nhẹt say sưa với bạn bè hay những người có chức việc trong làng.

Có người còn tổ chức cả bài bạc như đánh bài cào, đánh tứ sắc... nhưng trong sự kín đáo, e dè cho đến khi qua Tết là chấm dứt. Tuyệt nhiên, ở vùng nầy không ai dám giết hoặc ăn thịt trâu, bò, mèo, chó vì đó là điều đại cấm kỵ không những cho tín đồ PGHH mà cũng đã trở thành thông lệ cho những người lân cận.

Sang ngày mùng Hai, nếu những ai đã có gia đình thì về quê vợ ăn Tết trọn ngày bên đó. Có người thì rủ rê bạn bè lên tận núi Sam viếng chùa Bà bên Châu Đốc hoặc ghé thăm cảnh chùa Vòng Thành ở Tân châu hay xuống tận Thánh địa Hòa Hảo đi vòng vòng Tổ đình rồi vào thăm viếng thân nhân Đức Thầy, loay quay mất hết cả ngày.

Ngày mùng Ba thường gọi là ngày cúng ra mắt. Những người có tay nghề như thợ mộc, thợ nề, thợ bạc, thợ trồng răng… hay cúng gà để ra mắt Tổ nghiệp. Riêng với tín đồ PGHH thì dù trong nghành nghề nào cũng chỉ cần hoa quả, hương đăng là đủ lễ, như lời Đức Thầy kêu gọi:

“Chúc mừng năm mới, mới buổi qua,

Bỏ bớt dị đoan chẳng cúng gà.”

Và Ngài còn khuyên nhủ:”Chẳng nên đốt giấy tiền vàng bạc tốn tiền vô lý vì giấy tiền vàng bạc do khách trú làm không thể đem xài dưới âm phủ.” Hay:

“Dân chúng chớ nên đốt giấy tiền,

Bởi vì Diêm chúa chẳng tình riêng.

Phán quan tả hữu không dùng hối.

Nên phải dạy dân bỏ giấy tiền.”

Ngày nầy, có người còn gọi là ngày tiễn Ông bà. Vậy là, lại một mâm cơm chay nhưng rất thịnh soạn nào tôm kho tào, cá chiên, gỏi sứa, gà xé phay, cù lao thập cẩm… do bàn tay khéo léo của mấy bà nội trợ dâng lên, mời Ông bà chung hưởng với gia đình trước khi trở về cỏi khác.

Mới đó mà ba ngày Tết cũng trôi qua! Người người lại tái tục với công việc đồng áng, ruộng rẩy của mình. Tuy nhiên, không khí Tết như vẫn còn vương vấn đâu đây chưa dứt. Có người vẫn còn tiếp tục những thú vui của mình cho đến ngày Mùng Bảy mới chịu thôi. Nếu nhà nào còn giữ tục dựng nêu trong đêm giao thừa thì ngày Mùng Bảy là ngày Lễ hạ nêu, cũng lại cúng vái rồi “bắt mâm” lai rai cùng láng giềng, chòm xóm.

Nhìn chung, những phong tục tâp quán về Tết của người Việt Nam thật vô cùng phong phú và phức tạp. Mỗi miền Nam Trung Bắc đều có những sắc thái riêng biệt, ngay cả trong cùng một quận huyện mà tập tục có khi cũng khác nhau và điều chắc chắn là cách ăn Tết của người Thành thị cũng khác với người nông thôn, mặc dầu ở đâu họ cũng có những trò chơi và niềm vui riêng của họ.

Tuy nhiên, kể từ ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ mở Đạo PGHH thì những gia đình của người tín đồ đã trở thành có nề nếp. Những sinh hoạt thường nhựt của họ cũng đều tuân thủ theo sự chỉ dạy tường tận của Đức Thầy, vì vậy mà những lễ nghi, khuôn phép trong các ngày lễ hội gần như đều tổ chức giống như nhau, đặc biệt là những nét đặc thù của người tín đồ PGHH được thể hiện trong ba ngày Tết mà tôi vừa trình bày, đã nói lên trọn vẹn tấm lòng kính Thầy trọng Đạo vô bờ bến của họ.

Nhân dịp đầu năm mới, chúng ta là những người may mắn đang sống cảnh êm đềm, sung túc nơi Hải ngoại, xin hướng về quê hương Việt Nam yêu dấu, cùng thắp nén hương lòng, khẩn cầu ơn trên gia hộ cho đất nước sớm thoát khỏi gông cùm của bạo quyền Cộng sản, nhà nhà an vui hạnh phúc, người người có được quyền làm người và nhứt là được Tự do Tôn giáo thật sự để các nhà tu hành chơn chánh không còn bị giam cầm quản thúc, không còn cảnh tự thiêu vì bảo tồn Đạo pháp, không còn cảnh đốt xé cờ Đạo, cấm không cho cử hành lễ Đạo như trường hợp của tín đồ PGHH phải gánh chịu trong thời gian vừa qua.

Cầu mong Quý vị lãnh đạo tinh thần càc tôn giáo dồi dào sức khoẻ và nghị lực để dìu dắt chúng sanh qua khỏi cơn pháp nạn nầy. Cuối cùng, xin cùng nhau suy gẫm lời thơ sau đây của Đức Thầy trong bài “Hai mươi chín tháng Chạp” và tự hỏi phải làm gì đối với sự mong ước của Ngài:

“Non tiên ra sức tháo dây xiềng,

Dân chúng an nhàn dạ mới yên.

Cám cảnh thương đời, ôi! mê muội,

Mong ước ngày kia giải mộng phiền.”./.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.