Hôm nay,  

Tản Mạn Về Nỗi Đau... Mất Gà

02/12/200500:00:00(Xem: 6673)
- Vào những ngày giữa tháng 11 này, cái thị trấn nhỏ bé Lộc Ninh bỗng xôn xao hẳn lên vì lệnh "triệt để cấm nuôi gà, nếu nhà nào còn sót một con gà sẽ bị phạt 200 ngàn đồng". Đó chỉ là lời đồn đoán của những người "ngoài chợ", chưa hẳn là một cái lệnh của địa phương. Nhưng dù có là tin đồn thì cũng làm người dân ở đây lo sốt vó, bởi nó rất có lý, chuyện thời sự nóng bỏng nhất trong toàn quốc bây giờ vẫn là cúm gà. Ở đâu, nhà nào cũng bàn đến chuyện này.

Chu choa! 200 ngàn đối với người dân ở đây lớn lắm. Mỗi ngày đi làm vườn quần quật từ sáng tinh mơ đến tối mịt chỉ được 30 ngàn, trừ tiền cơm còn 25 ngàn, mang về chi tiêu đủ thứ trong gia đình. Để dành cả tháng cũng chưa chắc đã có số tiền to như thế. Mỗi con gà mà các quan phạt 200 ngàn thì vài con là mất tiền triệu như chơi, có mà bán nhà đi cũng không đủ tiền nộp phạt. Nếu là dân lì đòn thì cứ "thi gan cùng tuế nguyệt" rồi tới đâu thì tới, họ có gì đâu mà tịch thu.

Thế nhưng lần này, xem ra chẳng ai dám lì. Có chăng một số nhà nuôi gà đợi các quan đến "kiểm tra, cân đong đo đếm", để may ra được hưởng tí tiền "đền bù". Con gà 1kg nếu bán ngoài chợt được 40 ngàn thì tiền đền bù khoảng 8 đến 10 ngàn là cùng. Dù chẳng đáng là bao, nhưng "được chút nào hay chút ấy". Cũng may ở cái thị trấn và quanh vùng này, không có trại chăn nuôi nào lớn cả. Nói cho rõ hơn, không có nhà nào lấy chăn nuôi gia cầm làm kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên nhà nào cũng nuôi gà vịt ngan ngỗng để bù cặp thêm vào cho đời sống bớt khó khăn hoặc phòng khi nhà có giỗ tết. Những đàn gia cầm như thế không phải là nhiều, nhưng cũng không ít, không phải là kinh tế chính nhưng thật sự nó là nguồn thu phụ rất đáng kể bên những cái "gia tài" èo uột, chỉ là những căn nhà lá đơn sơ.

Bức tranh quê

Từ muôn đời xưa, nuôi gà vịt đã thành nếp trong hầu hết những gia đình ở thôn quê, nghèo đến mấy cũng có vài con gà. Nó là hình ảnh thân quen, "rất nhà quê" của những làng xóm VN.

Sau những năm tháng sống ở thành thị, khi tôi có được một khu vườn nhỏ ở Lộc Ninh, việc đầu tiên khi vừa hoàn thành xong căn nhà là việc "gầy dựng" một đàn gà cho vui cửa vui nhà. Thoạt tiên, người hàng xóm bán cho một con gà sống và vài con gà mái. Đi kiếm thêm một cặp ngỗng cho nó trông coi nhà cửa và nó sẽ là anh lính gác rất hiệu quả cho khu nuôi gà. Sau đó rồi mới tà tà mua thêm một vài con vịt xiêm. Thế là đàn gia cầm, ở nhà quê cứ gọi chung là "đàn gà" lớn dần. Cho đến khi chúng đẻ những quả trứng đầu tiên, lại phải đi kiếm cái thúng rách, lót ít rơm khô, làm ổ cho nó ấp, đặt nó ở trên cao cho gà nhảy ổ... Đại khái những công việc như thế cũng cần phải có chút kinh nghiệm.

Mỗi buổi sáng thức giấc với tiếng gà gáy te te, nghe gà nhà mình gáy vẫn thú vị hơn nghe gà hàng xóm gáy. Một ngày mở ra với ánh mặt trời ửng hồng, với cây xanh bóng mát thanh bình, tưởng như loài người không bao giờ có chiến tranh, người ta cứ sống như thế thì đâu cần gì phải có chiến tranh. Mỗi buổi sáng "rẩy" thóc cho chúng ăn, nhìn chúng chí chóe tranh nhau, chạy nhớn nhác như một bức tranh sống động mà tranh Đông Hồ cũng chưa nói hết được vẻ hồn nhiên đáng yêu của nó. Vừa mở cửa của chuồng, những con gà nhanh chân vọt ra trước, những chị gà mái tơ lững thững theo sau rồi đến những chú vịt bầu ì ạch đi sau cùng. Những chú ngỗng dềnh dàng ra vẻ đàn anh còn đứng quan sát lũ em một lát rồi mới chịu chui ra khỏi chuồng làm một cuộc tuần hành trong vườn rau, ao cá. Động thấy bóng người lạ là chúng nghển cao cái cần cổ dài lên kêu quang quác, vừa báo động vừa đe dọa như sẵn sàng lao vào một cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng.

Thêm một cái thú nhà quê

Tất cả những hình ảnh ấy như đã ăn sâu vào tiềm thức tôi từ những ngày thơ ấu. Vốn sống ở nhà quê nên bây giờ tôi muốn lập lại khung cảnh ấy. Còn nhớ khi ngồi "trà dư tửu hậu" với các ông Hoàng Hải Thủy, Phan Nghị, Tạ Quang Khôi, Thanh Nam, Mai Thảo, Hoài Bắc... có ông tủm tỉm cười cho rằng tôi chỉ có nửa đời uống nước máy, còn nửa đời trước kia, ý hẳn muốn ám chỉ rằng tôi uống nước giếng, nước ao. Tôi không "tự ái vặt" vì điều này, trái lại tôi còn thấy thú vị. Ít ra thì tôi cũng biết cái thú nhà quê là như thế nào.

Rồi bao nhiêu năm rời xa nơi chôn rau cắt rốn, đã từng uống nước suối đục ngầu đầy lá mục giữa "Sơn La âm u núi khuất trong sương mù", tắm nước "vũng sốt rét" của núi rừng Vĩnh Phú, Hàm Tân... rồi trở về thành phố uống nước máy suốt mấy chục năm qua, tôi lại nhớ cái thứ nước giếng, nước ao. Nhớ chứ không phải là thèm. Vì tôi biết nước ao không thể "bảo đảm an toàn vệ sinh" bằng nước máy. Nhưng mấy năm gần đây thì mọi thứ đã chứng minh ngược lại.

Hẳn bạn đọc đã biết, nước máy Sài Gòn và Hà Nội ngày nay như thế nào rồi. Nó mang theo đủ thứ gỉ sét, đen đục, vàng khè chẳng kém gì nước "vũng". Giá cả cũng chẳng rẻ chút nào và cái đồng hồ "hiện đại" đã khiến nhiều gia đình đã méo mặt vì nó chạy theo kiểu ngựa phi đường xa. Tôi lại tủm tỉm cười thầm vì bây giờ tôi ăn nước giếng khoan dưới độ sâu 40m. Mang về viện Pasteur Sài Gòn xét nghiệm đàng hoàng và nó được chứng minh hoàn toàn tinh khiết. Tất nhiên là hơn cả thứ nước máy Sài Gòn - Hà Nội rất nhiều. Tôi trình làng như thế để dẫn chứng thêm một cái thú ở nhà quê nữa mà thôi.

Nhịn cơm ăn gà

Trở lại chuyện gà vịt, ở cái thị trấn nửa "rừng rú", nửa quê mùa này, mấy hôm nay, nhà nào cũng giết gà, vịt, ngan, ngỗng tưng bừng. Một phần vì những người ở nhà quê bây giờ cũng sợ dịch cúm lắm rồi. Nó không giết chết một người mà có thể nó tàn sát luôn một gia đình. Tính đến nay, khi tôi viết bài này, ở Việt Nam đã có 91 người mắc cúm H5N1, trong đó có 41 người tử vong. Như vậy, Việt Nam có số người nhiễm cúm nhiều nhất và số người chết cũng nhiều nhất.

Một mặt khác, cũng cần phải nói thật là trong cái xu thế toàn thế giới đang nỗ lực hết mình phòng chống bệnh cúm gia cầm thì VN cũng không thể ngồi yên, nhất là khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, nếu đại dịch xảy ra thì Việt Nam sẽ là vùng nóng nhất hành tinh, sẽ có khoảng 8,2 triệu người nhiễm bệnh và 820.000 người chết. Thông tin này đã được thông báo rộng rãi cùng với những biện pháp đề phòng rất quyết liệt đã gây một ý thức khá sâu rộng đến người dân.

Đó là cái nguyên nhân chính đã khiến bà con xóm giềng của tôi "ra sức diệt gia cầm". Nhà nào nhà nấy "thi đua" mổ gà giết vịt, ồn ào cả xóm, cứ như sắp có "đại hội liên hoan", dù rằng vừa liên hoan vừa khóc. Gà luộc chỉ ăn được hai bữa là chán, chế biến đủ món chiên, xào, hầm, kho mặn, cuối cùng là làm chà bông để dành... Thoáng chốc xóm tôi biến thành một xí nghiệp chuyên chế biến gà... để kho. Nhưng gà vịt vẫn còn, nhiều nhà bận công việc rừng rẫy, không kéo dài được, cần phải "thanh toán dứt điểm" trong một hai ngày, không ai ngồi đó mà làm thịt gia cầm mãi được, nên bố mẹ, con cháu thi nhau ăn, ăn không hết gọi những người ở tuốt trong rẫy tặng không, vậy mà có nhà còn bận việc không thèm ra lấy, phần khác thì nhà họ cũng không thiếu thịt gà. Có nhà muốn đem tặng người khác, nhưng lại lo "lỡ ra họ ăn vào rồi có chuyện gì, cảm cúm nóng lạnh lại đổ cho mình", thế là đành thôi. Đành ăn từ từ. Nhịn cơm, ăn gà chuyện không có gì lạ trong lúc này.

Dân lo... quan tỉnh rụi

Lại nghe có chuyện kỳ quặc rằng có một ông chủ trại gà ở Bà Rịa - Vũng Tàu nuôi 17.000 con gà, hiện đang khổ vì gà cứ lai rai lăn đùng ra chết. Ông chủ trại gà này có đến báo cho nhà chức trách, đồng thời đề nghị được hỗ trợ để tiêu hủy gà. Thế nhưng mấy quan chức sở tại cũng chỉ biết lắc đầu và khuyên "cố gắng khắc phục". Nhưng nuôi nữa thì lấy tiền đâu ra mua thức ăn, khi mà gà không bán được" Bí quá, ông chủ trại nảy ra "sáng kiến" đem gà chết nấu chín, sau đó xay nhỏ ra cho đàn gà đang sống ăn. Và ông chủ trại cứ dài cổ ra "khắc phục" và chờ chủ trương. Nói trắng ra là chờ "cơ quan chức năng" đến kiểm tra để quyết định số tiền được đền bù, hỗ trợ.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở một xã Tân Hòa thuộc tỉnh Bà Rịa, hiện nay ở TP Vũng Tàu cũng đã xảy ra hiện tượng gà chết ở một số trang trại. Nhưng cơ quan chức năng địa phương vẫn tỏ ra thờ ơ, chưa xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân. Và tất nhiên cũng chưa có chỉ thị xử lý như thế nào đối với các trại có gà chết. Người chăn nuôi rất hoang mang, không biết làm thế nào, bán gà không ai mua, để nuôi thì tốn kém lại chứa đựng nhiều nguy cơ lây lan sang người nếu đây là dịch cúm gia cầm.

Dân lo thì cứ lo, nhà nước nói gì cứ nói, quan tỉnh bơ chờ chỉ thị... là cái tình trạng chung ở rất nhiều nơi, rất nhiều việc chứ chẳng riêng gì dịch cúm gà đang làm cả thế giới xôn xao. Tình trạng trên bảo dưới đánh bài lờ vẫn là thứ bệnh trầm kha, biến thành bệnh ung thư tì phế, siêu vi gan loại H. tức là loại hết thuốc chữa. Cho nên mỗi người dân đều ý thức được rấr rõ "mình tự cứu lấy mình" là trên hết.

Chuyện trong nhà

Còn nhà tôi, với hơn ba chục con gà, vịt, ngan, ngỗng, cũng chẳng thể nào giải quyết dứt điểm được. Điện thoại hỏi mấy ông bạn ở Sài Gòn, ông nào thèm gà xin đem về tặng. Dĩ nhiên chỉ dám tặng những ông bạn tin rằng gà nhà tôi không mắc bệnh và "tự chịu trách nhiệm". Nói là nói thế chứ nếu có chuyện gì chẳng lành, mấy ông ấy "có làm sao" thì mình cũng ân hận và chưa biết chừng cũng lôi thôi to chứ chẳng phải chuyện chơi. Nhưng là bạn bè thì đâu có "xá gì cái vặt".

Gà được làm sạch từ sáng sớm rồi leo lên xe về thành phố liền. Lên xe cũng lại phải cất giấu như buôn hàng "quốc cấm", giấu ngay từ anh lái xe đến chủ xe, chứ họ mà biết là mời xuống liền, cảnh sát mà vớ được phạt năng lắm, có khi còn bị tịch thu bằng lái. Tuy vậy, thú thật với bạn đọc, chúng tôi cũng giấu được vài con gà loại "quý hiếm" mang về Sài Gòn cho một hai ông bạn đã lâu lắm rồi không dám ăn thịt gà, bây giờ thèm quá, ăn gà "có bảo đảm" cho đỡ nhớ. Cái lối nhớ thịt gà của người VN chúng ta, cũng như quý bạn ăn bánh mì ngon hơn, bổ hơn và tiện hơn nhưng vẫn nhớ cơm VN vậy. Nó ăn vào máu rồi.

Tôi cũng xin nhắc lại, cũng vào thời gian này năm trước, có vợ chồng cô em gái tôi cùng mấy người bạn từ nước ngoài về VN chơi cả tháng, lúc đó cũng bùng phát dịch cúm H5N1, nên không dám đụng đến món thịt gà. Đến khi lên nhà tôi ở Lộc Ninh, nhìn cái chuồng gà được che chắn rất cẩn thận, lúc đó có mấy đĩa thịt gà thịt vịt cũng hết veo. Lại cũng xin nói thêm về cái thứ gà đặc biệt này. Đó là những con gà có cái đuôi dài thượt, thân hình thon thả rắn chắc, tối nó thích ngủ trên cây chứ không ngủ trong chuồng như những gà nhà khác. Người dân ở đây gọi là thứ nửa gà rừng, nửa gà nhà, thịt chắc và thơm. Có tí lá chanh "bánh tẻ" sắt nhỏ, rắc lên đĩa thịt vàng ươm nữa thì tuyệt. Hương vị đồng quê đúng là ngào ngạt nức nở...

Nhưng có"ngào ngạt" cách mấy đi nữa mà ăn tới bữa thứ hai cũng chán, ăn đến bữa thứ ba thì chịu hết nổi, xin đầu hàng. Dù cho cái hạn cuối cùng đến cuối tháng 11 này mới phải "thanh toán" hết gia cầm, nhưng cũng chẳng làm sao ăn hết được. Cũng cần nói rõ thêm là hiện nay dịch cúm gia cầm chưa lan tới vùng tôi ở.

Bức tranh quê không còn nguyên vẹn

Bây giờ nhìn cái chuồng gà trống huơ trống hoác mới thấy buồn. Không còn tiếng gà gáy sáng te te, không còn những con gà chạy lăng xăng, mổ nhau chí chóe; không còn những anh gà trống đuổi theo những cô gà mái ráo riết hết vườn tiêu, chui sang vườn rau; không còn những chú vịt, chú ngan lội thanh thản trên mặt ao, không còn những con ngỗng khệnh khạng dưới những gốc dừa...

Tôi cảm nhận được sự trống trải lạ thường. Có một cái gì lớn lắm vừa mất đi, có một khoảng trống giữa vùng thôn quê đã vắng vẻ càng thêm vắng vẻ này. Bức tranh quê mất hẳn nét sinh động thường ngày như bị ai cắt hẳn đi già một nửa, chỉ còn lại vài nét vẽ nguệch ngoạc những hàng tre, dậu nứa ngơ ngác vô duyên... Khu vườn, khu nhà bỗng chốc trở nên đìu hiu. Thì ra những con gà vịt đó lâu nay đã biến thành một phần thân thiết trong gia đình nhỏ bé đơn chiếc của tôi. Bây giờ mất đi rồi tôi mới cảm nhận được rất rõ điều ấy.

Cả đến hai cái lồng chim của ông anh tôi cho khi mới làm xong nhà, cũng cùng chung số phận. Có một con chim cưỡng, khi mới mua về, chẳng hiểu anh chủ cũ của nó dạy những gì mà đôi khi nghe nó nói líu lo như trẻ con. Tôi treo cái lồng ở đầu hàng hiên, nằm trong nhà lắm lúc nghe nó nói, tôi bật dậy vì cứ tưởng có đửa trẻ nào đến nhà mình. Một thời gian sau này, nó lại quen với vài tiếng nhà tôi thường gọi, nó lại bắt chước gọi: "Nhàn ơi, nước".

Nhàn là tên người em họ, trong nhà tôi, thường cho nó uống nước vào buổi trưa nắng nóng. Nó mới bắt đầu biết gọi như thế từ vài tháng nay. Vậy mà giờ đây cũng đành phải xa nó. Chúng tôi bàn bạc mãi, tính "liều" đem gửi ở một nơi nào đó trong rừng chắc chẳng ai vào kiểm tra, rồi sau này sẽ xin về sau. Nhưng lại sợ người ta không chăm sóc nó đàng hoàng nên cuối cùng giải pháp hay nhất là thả nó ra với trời cao biển rộng.

Một cái lồng khác, gồm hai cặp chim yến nhỏ xíu, mỗi con vừa bằng cái tách trà. Bốn con đủ màu sắc, suốt ngày leo trèo trên những nhánh cây và rù rì rỉa lông cho nhau như những cặp tình nhân đang độ mặn nồng, nhìn chúng đùa dỡn nhảy nhót còn đẹp hơn mấy cặp minh tinh tài tử trong phim Hàn Quốc. Giờ này chúng cũng được bay lượn ở một góc rừng nào đó. Tôi chỉ còn lo cho chúng quá nhỏ bé, không đủ sức tự vệ trước những loài chim rừng hung bạo và không chịu nổi những cơn gió bão sấm sét ở vùng núi non này thôi.

Nỗi nhớ cứ thấp thoáng đâu đó như từ trong trái mình bay lên. Nếu quý bạn nào gả con gái cho một chàng trai ở phương xa, chắc cũng mang tâm trạng này. Có lẽ vì thế nên tôi không còn quá lưu luyến với cái nơi được kể như một chốn "dưỡng già" của mình nữa. Ở đó, bức tranh quê của tôi không còn nguyên vẹn.

Bây giờ tôi lại hiểu thêm được rằng tại sao hồi xưa những bà ở quê tôi lại "chửi mất gà" dai dẳng, "ngoa ngoắt" đến như thế và bài chửi lại cay độc, tục tằn đến như thế. Cay độc, có vần có điệu, tục tĩu có chữ có nghĩa đối ứng cứ như lối văn biền ngẫu. Nuôi được con gà không những công phu mà nó cứ như "người nhà" mình vậy. Mất thì đau thật!

Và bạn hãy thử tưởng tượng xem làng quê Việt Nam mà không có gà vịt thì buồn biết chừng nào và dù nó có là "sơn thủy hữu tình" thì vẫn thiếu đi vẻ sinh động. Có thể ví như một cô gái rất đẹp nhưng lại không có duyên, người ta gọi là nét "đẹp hơi trơ".

Hồi chuông báo động bắt đầu

Theo thông báo thì đến ngày 12-11, tại VN, dịch cúm đã lan nhanh đến 10 tỉnh thành. Nói cho rõ dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 30 xã thuộc 22 huyện của 10 tỉnh, thành phố là: Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình và mới nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy là 29.022 con, trong đó có 14.634 con gà và 14.388 con vịt. Tại Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, dịch đang bùng phát với tốc độ "chóng mặt".

Chưa biết trong những ngày tới dịch cúm sẽ lan tới những tỉnh thành nào. Hai thành phố lớn nhất nước Sài Gòn và Hà Nội cũng bắt đầu rung rinh. Rung rinh vì động đất và rung rinh vì cúm gia cầm. Ngày nào "nó" tới sẽ nhanh như cơn mưa rào. "Nó" sẽ giết người hàng loạt, như đại dịch cúm H5N1 năm 1918 ở Tây Ban Nha trong một thời gian ngắn đã có hơn 40 triệu người chết. Điều này cho thấy rằng việc phòng dịch trở nên vô cùng quan trọng và cấp bách. Mà ở VN, khi "nó" đã xuất phát thì không khác gì các đại lực sĩ chạy đua 100m ở đại hội thể thao thế giới. Bởi điều kiện vệ sinh môi trường lâu nay đã bị xem nhẹ. Chính cái nguyên nhân này sẽ dẫn đến thảm họa khôn lường.

Bây giờ không phải là lúc làm lại những thứ cần phải làm từ hơn hai chục năm nay và có làm cũng chưa chắc đã mang lại kết quả gì vì nó đã thấm sâu vào lòng đất, vào các khu dân cư, vào nguồn nước, vào tất cả những gì có thể thấm vào được. Cho nên sự đề phòng càng phải ráo riết hơn. Nhưng bao giờ cũng thế, mỗi người phải ý thức trước hết là tự bảo vệ lấy mình, chẳng thể trông đợi vào bất cứ điều gì.

Cho nên chính vì thế mà gần đây, ở ngay những thành phố lớn, người ta hoảng hốt, cuống cuồng đi mua thuốc Tamiflu với giá cắt cổ. Các gia đình tích trữ Tamiflu gây nên cơn sốt thuốc giả tạo. Tamiflu có ngày đã lên tới gần 1.000.000 đồng/hộp. Cũng may mà hãng Roche đã đồng ý cho VN sản xuất thuốc này nên cơn sốt thuốc đã có vẻ như hạ nhiệt.

Bán gà như bán heroin

Mới hơn nửa tháng trước, tôi đã có dịp tường trình với bạn đọc về nguy cơ của dịch cúm gà và sự thiếu ý thức của người dân và sự thờ ơ của rất nhiều cơ quan chức năng.

Phớt lờ những cảnh báo nguy cơ về đại dịch cúm H5N1 nhưng nhiều người vẫn ăn tiết canh thản nhiên, vẫn giết mổ gia cầm bị bệnh, gà, vịt, chim cảnh vẫn bán đầy ở các chợ mà không được kiểm định. Thậm chí khi bị sốt, khó thở, nghi nhiễm cúm gia cầm vẫn không đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị. Như trường hợp bệnh nhân ở Hà Nội bị tử vong là do đến bệnh viện quá muộn.

Trong vòng nửa tháng gần đây thì đã có một sự thay đổi khá nhanh. Bây giờ bạn về TP. Sài Gòn hay Hà Nội sẽ chỉ còn thấy những nơi bán đặc sản như "gà đồng chạy bộ", "tiết canh vịt", "ngan đủ món", "phở gà sống thiến" vắng vẻ, im lìm. Ngay cả các siêu thị cũng vắng hẳn những thứ thịt gia cầm dù cho đó là thịt đóng hộp.

Tuy nhiên, nếu chịu khó đi lang thang ở mấy cửa ngõ, lối ra vào thành phố hoặc mấy cái đường ngang ngõ tắt, bạn vẫn có thể mua được một hai con gà của những người nông dân ngoại thành nghèo khó, liều lĩnh mang bán lén lút, chẳng khác nào bán heroin.

Cái nguy cơ của bệnh cúm gà vẫn còn đang treo lơ lửng trên đầu người dân VN. Giải quyết cho việc đền bù thiệt hại cho người dân, cho những gia đình chuyên sống bằng nghề nuôi gia cầm là một công việc quá lớn như vượt ngoài tầm tay của nhà nước. Rồi đây những gia đình ấy sẽ sống như thế nào, chuyển hướng nghề nghiệp ra sao đang là một bài toán vô cùng nhức nhối. Tôi mong rằng sẽ không còn phải trở lại báo động về cái dịch cúm gà dù là chuyện thiên hạ sự hay chuyện riêng tư.

Bên cạnh đó người ta vẫn cứ phải liều sống trên những căn chung cư cũ nát, những ngôi nhà cao tầng tráng lệ nhưng xây trên những bãi bùn lầy không cần biết tới động đất vì chẳng còn cách nào khác. Và người ta lại tin vào "nước mắt Đức Mẹ". Những lời cầu nguyện vẫn còn vang vọng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.