Hôm nay,  

Vận Động Dân Chủ Hóa Vn: Giai Đoạn Cuối Cùng

02/12/200500:00:00(Xem: 5902)
- LTS: Đây là bài nói chuyện của nhà hoạt động dân chủ Đoàn Viết Hoạt khi đi vận động ở Âu Châu -- các nơi Frankfurt, Hannover, Berlin, Warsaw và Paris -- từ ngày 27-10 tới 12-11-2005. Giáo sư Hoạt cho rằng giai đoạn cuối đã tới, và phong trào dân chủ VN sắp thành công. Bài như sau.

Thưa quí vị và các bạn,

Để mở đầu cho buổi thảo luận hôm nay, có hai khái niệm liên quan đến đề tài thảo luận cần được làm sáng tỏ. Đó là khái niệm "vận động dân chủ hóa Việt Nam" và khái niệm "giai đoạn cuối cùng". Riêng trong cụm từ "vận động dân chủ hóa Việt Nam" có hai khái niệm cần được làm rõ nghĩa và cần có được sự đồng ý và đồng tình. Đó là khái niệm "vận động" và khái niệm "dân chủ hóa". Nếu chúng ta chia sẻ được ý nghĩa của hai khái niệm này thì chúng ta mới có thể nói đến giai đoạn hiện nay và sắp tới như "giai đoạn cuối cùng" được.

Trước hết về khái niệm "vận động". Chúng tôi đã đưa ra khái niệm này từ năm 1989, trong bài viết mở đầu cho thời kỳ đấu tranh mới, với tựa đề Toàn Dân Vận Động Cho Dân Chủ (*), đựợc thâu băng phát hành ở trong nước và khi chuyển ra ngoài đã được hải ngoại phổ biến dưới tựa đề mới là "Thư Quốc Nội". Bài này là bài cuối cùng trong cuốn sách "Hành Trình Dân Tộc", nhưng là bài mở đầu cho cuộc đấu tranh dưới phương thức mới, phương thức "vận động", mà hiện đang bước vào giai đoạn cuối cùng. "Vận động" do đó là một phương thức đấu tranh mới cho một thời kỳ lịch sử mới. Phương thức mới nhưng mục tiêu không mới. Đề hiểu được phương thức mới này chúng ta cần duyệt lại cuộc đấu tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua của chúng ta, những người không chấp nhận chế độ cộng sản.

Mục tiêu của chúng ta cho đến nay vẫn là thay thế chế độ cộng sản bằng chế độ dân chủ. Mục tiêu này đã được xác lập ngay từ những năm đầu tiên của thập niên 1950, ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vì cuộc kháng chiến đã bị đảng cộng sản Việt nam "cộng sản hóa" và "quốc tế hóa". Chúng ta cũng muốn đất nước được độc lập nhưng đồng thời chúng ta cũng không chấp nhận chế độ cộng sản. Để đạt mục tiêu này những người quốc gia, từ đầu thập niên 1940 đến nay, đã không ngừng đấu tranh chống lại chế độ cộng sản. Cuộc đấu tranh đã trải qua nhiều giai đoạn trong đó có giai đoạn truớc ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc đấu tranh đã diễn ra bằng cả bom đạn, máu xương và chết chóc. Cuộc chiến đấu này đã phải gắn liền vào tương tranh tư bản-cộng sản quốc tế, với tất cả những hệ lụy của nó. Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong giai đoạn đầu, cuộc chiến vẫn được tiếp nối bằng nhiều cố gắng bạo lực nhưng đã sớm thất bại. Thực chất đây cũng là cuộc chiến giữa cộng sản độc tài và tự do dân chủ, nhưng vì chưa lượng định được thế lực của đối phương và của chính chúng ta nên đa số các tổ chức đấu tranh trong và ngoài nước đã sử dụng phương thức bạo lực nhằm lật đổ chính quyền cộng sản. Phương thức này sớm tỏ ra không hữu hiệu, vì bạo lực vốn là chủ trương và sức mạnh của chế độ cộng sản, một chế độ độc tài đảng trị, vốn được xây dựng trên bạo lực của cộng an và quân đội. Bạo lực và bạo quyền không phải là chủ trương của chúng ta, và do đó không phải là sức mạnh của chúng ta. Hiển nhiên là chúng ta không thể thắng được đối phương khi sử dụng bạo lực.

Năm 1989 là một năm đầy ý nghĩa. Chế độ dân chủ toàn thắng ở Liên Sô và Đông Au. Khối cộng sản quốc tế xụp đổ. Độc tài đảng trị và bạo lực cách mạng đã bị vô hiệu hóa. Một chế độ được củng cố trong hơn 70 năm bằng bạo lực sắt máu đã nhanh chóng tan vỡ chỉ trong vòng vài tháng, mà không phải bằng bạo lực.

Do đó, kể từ 1990, tình thế đã hoàn toàn đổi khác. Một mặt cộng sản Việt nam mất chỗ dựa quốc tế cộng sản, dù còn Trung quốc, nhưng cuộc chiến Việt-Trung đã làm cho quan hệ giữa hai nước cộng sản này không thể vững mạnh đựợc nữa. Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận nền kinh tế thị trường, chấp nhận làm bạn với những nước dân chủ tư bản. Nền tảng kinh tế quốc doanh của chế độ chuyên chính vô sản đã bị phá vỡ. Trong 15 năm qua nhà nước cộng sản ngày càng phải chịu những áp lực ngay ở trong nước, phát sinh ngay từ trong nội bộ của đảng, từ sự mâu thuẫn giữa chế độ chuyên chính vô sản với nền kinh tế thị trường tự do, từ trong xã hội, từ một quần chúng ngày càng độc lập hơn đối với chính quyền. Và áp lực từ quốc tế do quá trình phải hội nhập với thế giới. Những áp lực này làm cho bạo lực công an dần dần bị suy yếu. Thành phần đối kháng mở rộng từ ngoài đảng cộng sản chuyển vào ngay chính bên trong đảng cộng sản. Từ 1990 đến nay càng ngày càng có nhiều đảng viên cộng sản kỳ cựu và lão thành chống đối lại đường lồi của ban lãnh đạo của đảng. Hiện nay hầu hết những người chống đối chế độ ở trong nước là đảng viên hoặc cựu đảng viên đảng cộng sản.

Do đó, kề từ 1990, với sự xụp đổ của khối đệ tam quốc tế cộng sản, cuộc chiến không còn chỉ đơn thuần là cuộc chiến giữa quốc gia và cộng sản mà trong thực chất đã chuyển thành đúng bản chất thực của nó, tức là giữa dân chủ pháp trị và độc tài đảng trị. Từ phương thức kháng chiến vũ trang chúng ta đã chuyển sang phương thức đấu tranh chính trị bằng cuộc vận động nhân quyền và dân chủ. Kể từ 1990 chúng ta mới thật sự có được các điều kiện quốc tế và trong nước để vận dụng được phương thức "vận động chính trị" mà mũi nhọn là vận động dân chủ hóa, thay thế cho phương thức chiến đấu vũ trang, bạo lực.

Vận động là phương thức "mềm", phương thức đấu tranh bất bạo động. Vận động là tạo môi trường và các điều kiện đưa đến sự xụp đổ của chế độ cộng sản. Có hai khu vực cần vận động đó là chính quyền và xã hội hay quần chúng.

Về mặt chính quyền cần làm cho họ suy yếu đi, điều mà tôi gọi là "bào mòn" dần uy tín và sức mạnh của giới cầm quyền. Áp lực quốc tế và hải ngoại đã và đang tạo được kết quả này. Thêm vào đó, vì nhu cầu sống còn của chính họ, và nhu cầu hội nhập thế giới, mà nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam phải chấp nhận nới lỏng sự kiểm soát trong nhiều lãnh vực đời sống của người dân và trong sinh hoạt xã hội. Chưa kể sự phát triển thiếu viễn kiến, không bền vững, thiếu công bằng, đã gây ra các vấn đề văn hóa, xã hội nghiêm trọng, tệ lạm quyền và tham nhũng, góp phần làm suy yếu chế độ, hủ hóa cán bộ, giảm uy quyền và hiệu năng quản lý xã hội của nhà cầm quyền.

Trong khi đó người dân có thêm các điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi để ngày càng có thể độc lập hơn với giới cầm quyền. Và đây là một thực tế chúng ta cần phân tích và khai dụng triệt để trong cuộc vận động hiện nay. Chúng ta cần sáng kiến ra nhiều phương thức mới, đa dạng, thích hợp với thực tế ở trong nước, và với từng vấn đề và lãnh vực xã hội, để giúp tăng cường sức mạnh cho người dân (empower the people). Cần tạo môi trường và điều kiện giúp cho sinh hoạt của người dân ngày càng trở nên tự do hơn, đa dạng hơn, sinh động hơn, ngược với chính sách độc đoán, độc quyền, đơn điệu của các sinh hoạt do nhà cầm quyền đưa ra. Điều này cần được đẩy mạnh trong cả hai khu vực sinh hoạt tinh thần và vật chất, cá nhân và tập thể. Tóm lại điều chúng ta cần tạo ra trong cuộc vận động chính trị-xã hội là người dân và xã hội ngày càng được tự do hơn, đa dạng hơn trong mọi lãnh vực sinh hoạt của họ. Họ ngày càng mạnh hơn, tiến dần từ ít lệ thuộc vào chính quyền độc tài đến ngày càng độc lập hơn đề cuối cùng có thể đòi hỏi chính quyền phải đáp ứng nguyện vọng của họ, nếu không, lúc đó họ đủ mạnh để sẽ đứng lên lật đổ chính quyền này. Chỉ trong những điều kiện và môi trường xã hội như thế chúng ta mới có thể tạo được phong trào quần chúng đòi hỏi dân chủ được. Mà nếu không có phong trào quần chúng thì sự chuyển hóa chính trị sẽ hoặc rất chậm, hoặc chỉ là hình thái "rắn lột xác" chứ không thể là chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang dân chủ pháp trị.

Chính quyền độc tài ngày một bị bào mòn đi cùng với sức mạnh của người dân ngày càng đựoc tăng cường hơn, đó là mục đích của tiến trình vận động của chúng ta. Tiến trình này đi từ kinh tế sang văn hóa giáo dục thông tin và cuối cùng tới chính trị, để chuyển hóa xã hội từ độc đoán, độc quyền sang tự do cạnh tranh đa dạng hóa, và đề cuối cùng thể chế chính trị phải thay đổi cho phù hợp với sự tiến triển của xã hội và người dân. Người cầm quyền thức thời chấp nhận thay đổi thì ta có trường hợp như Đài Loan, nếu không sẽ có biến động chính trị và xã hội để thay thế chế độ độc tài cộng sản bằng chế độ dân chủ đa đảng, như đã xẩy ra trước đây ở nhiều nước và gần đây nhất tại các nước vùng Trung Á. Đây là sách lược vận động dân chủ mà từ nhiều năm trước đây tôi gọi là "chuyển hóa để thay thế", và đã đề nghị Lộ Trình Dân Chủ Toàn Diện (*) để thực hiện sách lược này. Gần đây trong một bài phỏng vấn báo chí, Ngoại trưởng Mỹ Rice cũng đã gọi chính sách đối ngoại của Mỹ là "transformational diplomacy" (The American Interest, Vol. One, No. 1, Fall 2005).

Đi liền với khái niệm vận động là khái niệm "dân chủ hóa". Dân chủ hóa là một cách nói trực tiếp và cụ thể về quá trính "chuyển hóa để thay thế", tức là chuyển hóa độc tài sang dân chủ. Độc tài và dân chủ là hai thể chế hoàn toàn khác nhau làm sao chuyển hóa được" Đây là điểm then chốt trong khi hoạch định chiến lược và chiến thuật vận động. Nếu không chuyển hóa được từ độc tài sang dân chủ thì mọi kế hoạch "đổi mới" chỉ là các thủ đoạn mà độc tài dùng để duy trì chế độ độc tài với một bộ mặt "hào nhoáng" hơn mà thôi. Nhà nước pháp quyền mà ban lãnh đạo CSVN hiện đang trưng bầy ra với thế giới chính là một bộ mặt hào nhoáng như thế.

Pháp quyền trong tiếng Anh là "rule by law", không phải là "rule of law" tức là pháp trị. Nhà nước pháp quyền là một nhà nước độc tài có luật lệ, hay nói đúng hơn, là một nhà nước dùng luật lệ đề duy trì độc tài, để cai trị dân. Tất nhiên tốt hơn là không có luật lệ gì, nhưng trong thực chất vẫn là độc tài, vì cấp cầm quyền cao nhất của đảng và của chính quyền không bị một cơ quan quyền lực nào chế tài và trừng phạt, trừ chính đảng cầm quyền --một tình trạng và người dân ở trong nước đã gọi nôm na là "vừa đá bóng vừa thổi còi". Đảng viên và cán bộ đảng chỉ bị đưa ra pháp luật sau khi đã bị đảng xử lý nội bộ. Và trong trường hợp cấp lãnh đạo cao nhất của đảng (Bộ Chính Trị) thì việc đưa ra pháp luật chưa hề có và trong thực tế không thể có được vì không có cơ quan nào có quyền hạn cao hơn BCT để làm việc này. Mà Bộ Chính Trị thì không phải là một cơ quan nhà nước hợp hiến.

Do đó không thể có dân chủ với một nhà nước pháp quyền. Pháp luật được đặt ra để hợp pháp hóa độc quyền và độc tài cùa giới cầm quyền, điều mà từ nhiều năm nay, trên các diễn đàn quốc tế, tôi đã gọi là "hợp pháp hóa vi phạm nhân quyền" (legalization of human rights violation). Với nhà nước pháp quyền không thể có chuyển hóa hòa bình sang dân chủ được.

Do đó để chuyển hóa sang dân chủ hay "dân chủ hóa" phải tiến hành một cuộc vận động toàn diện, cụ thể là trên hai mặt, vừa giảm uy quyền và sức mạnh của nhà cầm quyền, vừa tăng cường sức mạnh cho xã hội và người dân. Vừa "bào mòn" chính quyền, vừa tự do hóa tất cả mọi mặt sinh hoạt xã hội của mọi thành phần dân chúng (toàn dân). Trong tiến trình này, việc thúc đẩy tự do hóa toàn diện và toàn dân nhằm mục đích tăng cường sức mạnh cho quần chúng là cuộc vận động chiến lược cần tập trung nhất để tạo được điều mà tôi gọi là "áp lực nội tại" lên giới cầm quyền. Áp lực ngoại tại (từ quốc tế và hải ngoại) là cần thiết nhưng chưa đủ. Chỉ có áp lực nội tại mới có thể buộc ban lãnh đạo cộng sản phải chọn lựa hoặc là chấp nhận dân chủ hoặc là bị nhân dân đứng lên lật đổ. Áp lực từ quần chúng cũng sẽ tạo ra áp lực trong nội bộ đảng cộng sản để dẫn đến một trong hai lựa chọn trên đây, để chuyển hóa thế chế chính trị từ độc tài sang dân chủ hoặc một cách hoà bình hoặc qua biến loạn xã hội. Không có áp lực nội tại (ngoài xã hội và trong nội bộ đảng cộng sản) thì ban lãnh đạo cộng sản sẽ tiếp tục chỉ "lột xác" để tồn tại mà thôi.

Từ 1986 đến nay Việt Nam đã trải qua giai đoạn biến đổi về kinh tế, đang chịu nhiều áp lưc cả nội tại và ngoại tại đòi tự do hóa các lãnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục. Ban lãnh đạo cộng sản đã bị đặt vào tình trạng "không thể không" hội nhập thế giới, nhưng để được hội nhập phải chấp nhận những điều kiện và luật lệ chung của thế giới. Nhờ áp lực ngoại tại và cả nội tại, sự chuyển hóa đang hoàn tất trong lãnh vực kinh tế, từ kinh tế chỉ huy độc quyền quốc doanh sang kinh tế thị trường tự do cạnh tranh. Hiện nay đang có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuyển hóa trong lãnh vực văn hóa-xã hội và chính trị. Trong giai đoạn chuyển hóa hiện đang mở ra, tiến trình thay đổi đang đụng tới các lãnh vực sinh tử cho chế độ: lãnh vực luật pháp, và mối quan hệ giữa chính quyền và xã hội dân sự ngoài chính quyền (trong mọi lãnh vực hoạt động xã hội, và trong đó có cả sự tham gia của quốc tế). Luật lệ, hệ thống luật pháp và cơ cấu công quyền phải được sửa đổi để bảo đảm sự đối xử công bằng, "sân chơi bình đẳng và theo tiêu chuẩn quốc tế" giữa mọi thành phần xã hội, công, tư và quốc tế; để không cá nhân nào, đoàn thể nào, có thể đứng trên và đứng ngoài luật pháp. Không thể có phân biệt đối xử giữa quốc doanh và tư doanh. Mọi hình thức ưu tiên và bao cấp phải bị triệt tiêu. Pháp quyền phải được thay thế bằng pháp trị. Chỉ có thế Việt Nam mới hội nhập được vào cộng đồng quốc tế, cụ thể là vào các tổ chức kinh tế, xã hội khu vực và quốc tế như WTO.

Đây là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình chuyển hóa tại Việt Nam. Chúng ta cần điều chỉnh chiến lược, chiến thuật, với nhiều sáng kiến hữu hiệu, thích hợp không những để đóng góp hữu hiệu vào việc thúc đẩy tiến trình này mà còn để có thể ứng phó kịp thời trước các biến động chính trị xã hội có thể xẩy ra. Chưa kể là chúng ta còn phải có khả năng tạo ra biến động cần thiết để vừa đẩy nhanh tiến trình chuyển hoá này vừa giảm thiểu tác hại của thời kỳ biến loạn có thể phải xẩy ra. Mọi cố gắng hiện nay của mọi cá nhân và đoàn thể cần tập trung vào việc tìm ra sáng kiến, thực hiện được và phối hợp nhịp nhàng được các sáng kiến này để đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa sang dân chủ pháp trị trong giai đoạn cuối cùng đang tới.

(Nội dung bài nói chuyện trong chuyến đi vận động ở Âu Châu,

Frankfurt, Hannover, Berlin, Warsaw, Paris,

Oct. 27 - Nov. 14, 2005)

(*) Xin tham khảo các tài liệu này trong cuốn sách Hành Trình Dân Tộc Trong Thời Đại Toàn Cầu Hóa của tác giả, đã xuất bản và được phổ biến trên các websites: www.doanviethoat.org và www.doi-thoai.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.