Hôm nay,  

Lạm Phát Tại Việt Nam

13/07/200400:00:00(Xem: 4648)
Tuần qua, giới chức kinh tế Việt Nam đã nhiều lần thảo luận về nạn lạm phát căn cứ trên tình hình giá cả vọt tăng trong sáu tháng đầu năm. Vấn đề được nêu ra là liệu Việt Nam có gặp nạn lạm phát hay không.
Đài RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài này như sau.
Hỏi: Thưa ông, đầu năm nay, khi dịch cúm gia cầm bùng nổ tại Việt Nam, ông dự đoán là Việt Nam có thể gặp nạn lạm phát. Trong một kỳ trước, ông cũng tiên báo là qua năm tới, Việt Nam phải đối phó với ba thay đổi lớn của kinh tế toàn cầu là thời kỳ lãi suất hạ sẽ kết thúc, tiền Mỹ sẽ hết sụt giá và lạm phát sẽ xuất hiện. Tuần qua, dư luận trong nước xôn xao và không hiểu vì sao các giới chức kinh tế lại không thống nhất quan điểm về nạn lạm phát, thậm chí có người còn cho rằng vật giá gia tăng chưa phải là lạm phát. Xin ông trước tiên giải thích cho “lạm phát” là gì.
-- Nói chung, kiến thức của chúng ta về kinh tế thường đi chậm hơn thực tế vì vậy, đôi khi ta thiếu chữ, hoặc thuật ngữ, để minh diễn một hiện tượng nào đó. Từ “lạm phát” là một trường hợp tiêu biểu. Chúng ta dùng một từ gốc Hán-Việt để dịch chữ “inflation”, mà từ đó không đủ chính xác, vì hàm ý là có “lạm dụng trong phát hành tiền tệ”, vốn chỉ là một trong nhiều lý do thôi. Nói cho rõ hơn đâm ra dài dòng hơn, “lạm phát là khi vật giá gia tăng”, hoặc “lạm phát là khi đồng tiền mất giá”, làm ta phải cần nhiều tiền hơn trước để mua cùng một sản vật chẳng hạn. Lạm phát vì vậy là một từ ngắn gọn để nói về một hiện tượng có nhiều nguyên do khác nhau, mỗi nguyên do lại tác động một cách, hoặc được đo lường theo một cách. Ở trong nước, dư luận phân vân không hiểu khi các chuyên viên tọa đàm hoặc tranh luận về lạm phát, có thể vì giới chức kinh tế của nhà nước e sợ ảnh hưởng tâm lý khi xác nhận là có nguy cơ lạm phát, sau khi đã từng gặp nạn lạm phát phi mã đến hơn 700% vào năm 1986. Vì vậy có người mới phát biểu là giá cả có tăng trong sáu tháng đầu năm nhưng kinh tế chưa bị nạn lạm phát. Vật giá gia tăng chính là lạm phát, nhưng xác nhận điều đó có thể lại thổi bùng giá cả vì dân chúng không tin chính quyền.
Hỏi: Sau khi đặt vấn đề rồi, ta sẽ đi lại từ đầu, về các nguyên do của lạm phát.
-- Định nghĩa thông dụng nhất của lạm phát là khi có quá nhiều tiền để mua quá ít hàng hóa, tức là một sự chênh lệch khá lâu dài về cung cầu, giữa số hàng hóa được bán ngoài thị trường và khối tiền tệ có thể mua số hàng đó. Định nghĩa này thiên về khía cạnh tiền tệ và chú ý tới loại lý do phổ biến nhất, là khi ngân sách quốc gia bị bội chi, nhà nước in tiền quá nhiều, ngân hàng cấp phát tín dụng quá mức. Đó là loại lý do về tiền tệ. Khi nhà nước tăng chi thì ngân sách có thể hụt và giải pháp tăng chi theo lối “bù giá vào lương" giữa thập niên 80 đã thổi lên lạm phát. Khi thị trường, tức là công chúng, thấy có tăng lương, thì dự đoán là tiền sẽ mất giá, hoặc vật giá sẽ gia tăng, nên tạm hoãn bán hàng ra ngoài để khỏi lỗ, hay để chờ giá cao hơn mới bán. Vẫn nói về khía cạnh tiền tệ, ta còn phải kể tới tốc độ luân lưu của đồng tiền. Cầm đồng tiền mà mình sợ là sẽ mất giá thì lập tức phải tung ra mua hàng ngay, vì vậy thị trường càng có nhiều tiền hơn hàng. Phản ứng tâm lý đó đẩy mạnh chênh lệch cung cầu, thậm chí nạn đầu cơ tích trữ, và gây thêm lạm phát. Đó là một lý do khác. Sau việc tăng lương năm ngoái và kế hoạch cải tổ lương bổng và phúc lợi xã hội vào tháng Tư vừa rồi, ta đang chứng kiến cuộc chạy đua giữa vật giá và tiền lương với yếu tố tâm lý tác động rất mạnh, nên giới chức kinh tế ở nhà mới dè dặt khi nói về lạm phát. Đó là những lý do bên phía cầu.
Hỏi: Nghĩa là cũng còn nhiều nguyên do bên phía cung nữa hay sao"
-- Hãy nghĩ đến thị trường gà vịt như một thí dụ. Năm nay, dịch cúm gia cầm khiến gà vịt bị giết hàng triệu, và giờ này dịch cúm đó còn có thể tái phát. Bỗng dưng một mặt hàng nhu yếu lại biến mất trên thị trường, tức là số cung cấp bị giảm, mà nhu cầu ăn uống thì vẫn có đó. Chênh lệch giữa cung và cầu, lần này bên vế cung, cũng gây ra lạm phát vì làm giá thực phẩm gia tăng đột ngột. Trong 12 tháng qua, giá thực phẩm tại Việt Nam đã tăng hơn 14%. Với mức sống còn thấp, chi tiêu về thực phẩm tại Việt Nam chiếm một tỷ lệ cao trong ngân sách gia đình, giá thực phẩm tăng tất nhiên đánh sụt lợi tức và người ta phải tăng giá nhiều mặt hàng khác để đền bù. Lạm phát vì vậy dễ lan rộng. Cũng thuộc về phía cung, ta phải nói đến lọai nguyên do khác: khi chi phí sản xuất gia tăng thì giá thành và giá bán cũng phải tăng, không thì lỗ. Trường hợp này mới khiến từ “lạm phát” rõ là không thích hợp bằng chữ “vật giá gia tăng”. Trên thế giới, giá cả các thương phẩm, nguyên nhiên vật liệu, đều tăng làm nhà sản xuất tại Việt Nam bị phí tổn nặng hơn vì nhập cảng lạm phát từ ngoài vào, chưa kể tới gánh nặng thuế khóa cũng vừa gia tăng từ đầu năm. Loại lạm phát vì phí tổn – cost inflation – cũng đang hoành hành, và giá dầu thô gia tăng làm xăng dầu lên giá là nguyên nhân ai cũng thấy ở trong nước.

Hỏi: Tổng kết lại thì Việt Nam đang gặp nhiều nguy cơ đồng thời của lạm phát"
-- Nếu đi vào chi tiết, Việt Nam hiện đang gặp khoảng một chục lý do làm vật giá gia tăng. Vấn đề sẽ trở thành đáng lo khi chúng cùng tác động mà chính quyền không có khả năng ứng phó kịp thời. Trong một kỳ trước, tôi có trình bày rằng lạm phát sẽ là yếu tố bất ngờ cho năm tới, sau khi người ta đã quá lạc quan vì vừa thoát khỏi nạn giảm phát và đạt tốc độ tăng trưởng thật rất cao trên bề mặt.
Hỏi: Ông nói đến việc ứng phó kịp thời, nghĩa là nhấn mạnh đến yếu tố thời cơ"
-- Thưa vâng, vì mình không thể đánh giá thấp phản ứng tâm lý rất bất lợi của thị trường, của người dân, nỗi lo sợ lạm phát sẽ đẩy mạnh lạm phát và càng làm đồng tiền mất giá. Yếu tố thời cơ ở đây là thấy trước và có biện pháp chặn trước nguy cơ lạm phát.
Hỏi: Làm sao thấy trước được điều đó"
-- Câu hỏi ấy đang gây tranh luận trong nước, sau khi người ta quá lạc quan với dự báo của các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hoặc Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á châu ADB. Các định chế ấy đều dự báo là vật giá sẽ không tăng mạnh năm nay, và giờ đây thì mọi người thấy vật giá đã tăng gấp hai gấp ba dự báo đó. Trước tiên, người ta ước tính đà gia tăng vật giá bằng Chỉ số giá Tiêu thụ hay Tiêu dùng, gọi tắt là CPI, là tỷ lệ khác biệt về giá cả một số mặt hàng tiêu biểu trong ngân sách gia đình. Cho đến nay, mọi người đều quen gọi chỉ số đó là tỷ lệ lạm phát. Cục Thống kê Việt Nam cho biết chỉ số đó đã vượt 8% trong sáu tháng đầu năm, và Bộ Tài chính thì dự đoán là đến cuối năm có thể lên tới 9%. Tuy nhiên, chỉ số này bao gồm nhiều mặt hàng có thể biến động thất thường nên chưa là chỉ dấu chính xác. Nếu loại bỏ biến động thất thường đó thì sức ép của giá cả có thể thấp hơn nhiều, xấp xỉ 2%, vì vậy mới có tranh luận là chưa hay đã có lạm phát. Nói cho gọn thì chúng ta chưa có những khí cụ đủ tinh vi để đo lường lạm phát. Đây là một vấn đề vừa chuyên môn vừa văn hóa, vì đòi hỏi phức tạp về kỹ thuật thống kê và khảo sát trong một môi trường mà sự thật thường hay bị che giấu vì lý do chính sách. Cũng phải nói thêm là ngay tại Hoa Kỳ này, là một xứ tiên tiến về kinh tế và tự do về thông tin, người ta còn có tranh luận về lạm phát nhiều hay ít, và nên hay không nên làm những gì để ứng phó. Việc Việt Nam có thảo luận công khai về lạm phát đã là một bước tiến so với thời kỳ duy ý chí ngày xưa, nhưng vẫn là một bước quá ngắn và quá chậm.
Hỏi: Đó là về chuyện xin tạm gọi là chẩn bệnh, đi qua phần kê toa bốc thuốc để ngừa hay trị bệnh thì Việt Nam có thể làm được những gì"
-- Việc đầu tiên không nên làm là đập vỡ cái hàn thử biểu. Giá cả là biểu hiện của tình hình cung cầu, nó là hậu quả không là nguyên nhân. Nó cho ta biết sự thật, dù có khi là sự thật không vui. Theo thói quen cố hữu ngày xưa, người ta vẫn nghĩ đến giải pháp dễ dãi nhất là nhà nước ra chỉ thị kiểm soát giá cả, cấm không cho tăng giá chẳng hạn, và gọi đó là “ổn định giá cả”. Loại biện pháp đó không ngăn được lạm phát vì không giải quyết được nguyên nhân bên dưới là chênh lệch cung cầu mà chỉ dẫn tới nạn khan hiếm, đầu cơ, chợ đen, buôn lậu, gian lận và tham nhũng, là những cái đã có quá nhiều.
Hỏi: Đó là điều không nên, còn về những biện pháp nên áp dụng"
-- Khi có quá nhiều tiền để săn đuổi một khối lượng hàng hóa nhất định, thì về phía cầu, người ta phải giảm bớt khối tiền tệ lưu hành, như hạn chế đà tăng trưởng của tín dụng bằng cách nâng lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ pháp định của ngân hàng, về phía cung, phải giải tỏa ách tắc trong sản xuất và phân phối, kể cả giảm bớt gánh nặng thuế khóa cho giới sản xuất, để nâng cao khối lượng hàng hóa có mặt ngoài thị trường. Vì đặc tính thô thiển của kinh tế Việt Nam, với hệ thống ngân hàng chủ yếu tài trợ cho doanh nghiệp nhà nước, tác dụng ngăn ngừa lạm phát qua chính sách tiền tệ và tín dụng của ngân hàng thực ra không cao, kém phổ biến và chậm gây ảnh hưởng. Đã vậy, chính quyền còn hay tự biểu dương bằng tốc độ tăng trưởng cao nên ngần ngại hạn chế tín dụng vì sợ giảm đà tăng trưởng. Do đó, người ta nên chú ý đến phía cung nhiều hơn, là điều cho đến nay ít thấy ai nói tới ở trong nước. Chính vì vậy mà lạm phát là mối lo có thực, cho nay mai.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.