Hôm nay,  

Báo Chí Hải Ngoại

19/11/200500:00:00(Xem: 19759)
-(Bài nói chuyện ngày 12/11/05 tại trụ sở cộng đồng Dallas của nhà báo Phan Thanh Tâm -- Festival văn hóa phẩm 11,12,13 tháng 11 năm 2005 tại Dallas Fort Worth.)

Hễ nói đến báo chí là người ta nhắc tới cộng đồng. Nó như bóng với hình. Cứ mỗi lần có hội đoàn, hay tổ chức nào xào xáo, tranh chấp, chia năm xẻ baỷ, chống phá lẫn nhau ở Cali, Hoa thạnh Đốn, Houston, Dallas, Chicago hay ở Minnesota thì người ta kết tội là báo chí đã bày thêm trò đánh nhau, chuyên đâm bị thóc, thọc bị gạo, để trục lợi. Họ đề nghị cứ dẹp mấy tờ báo hại, báo đời đó đi thì cộng đồng sẽ bớt chuyện chửi bới, bớt lộn xộn.Trăm dâu đổ đầu tằm. Theo họ, báo chí là nguyên ủy của mọi chia rẻ, chẳng được cái tích sự gì.

Có thật vậy không" Theo tôi, nhận xét đó sai. Cái sai thứ nhất: báo chí không phải là nguyên ủy hay cái mồi lửa, xúi bẩy mọi đánh phá, chửi bới lẫn nhau. Vì có lửa mới có khói. Báo chí chỉ là tấm gương phản ảnh sinh hoạt cộng đồng, thông báo tin tức và cũng là thức ăn tinh thần. Xã hội nào báo chí đó và báo chí nào thì xã hội đó. Báo chí và cuộc đời chỉ là bề mặt và bề trái. Ở đâu có một số người cùng chung một ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống, tập quán, quá khứ thì ở đó có cộng đồng. Xã hội Mỹ là xã hội kết hợp nhiều cộng đồng của nhiều sắc dân. Sắc dân nào cũng có báo hết.

Những ngày đầu trên xứ lạ, người Việt di tản nhờ qua cái gì, hay qua ai để biết sinh hoạt trong cộng đồng" Trong khi trông ngóng tin tức liên hệ gần xa với bà con họ hàng bạn bè quen biết, vị nào, đoàn thể nào, tổ chức nào giúp họ" Thưa nhờ báo chí. Báo chí việt ngữ đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành cộng đồng Việt Nam. Ngoài ra, chính nhờ có báo chí mói có dòng văn học haỉ ngoại cũng như báo chí thời trước ở trong nước đó là nơi giúp khởi đầu văn chương VN.

Cái sai thứ hai về cộng đồng. Sau 30 năm từ con số không, công đồng VN ngày nay với hơn ba triệu người ở khắp thế giới.trong đó có 1.3 triệu người ở Hoa kỳ đã là một tập thể có nhiều tiềm năng. Cộng đồng không phải là hội của ông A, bà B, của nhóm này, nhóm nọ. Đó chỉ là thiều số ồn ào, những đợt sóng lăn tăn trên mặt hồ. Cộng Đồng là của đa số thầm lặng, gồm cả quí vị và bà con quen biết. Họ là những người tử tế, những công dân tốt, thức khuya dậy sớm, có măt trong mọi ngành nghề công tư, mọi cấp bậc; chữ nghiã có thể không nhiều nhưng đi làm hai ba jobs, nuôi con, mua nhà, tậu cửa.

Họ đích thực là những người xây dựng cộng đồng một cách cụ thể, nhờ đó mói có một khối lượng chất xám quí giá trên 300,000 chuyện viên tài giỏi; mỗi năm đã gửi về giúp bà con thân thích hơn ba tỉ đô.

Nhà báo Bùi Văn Phú cho biết, nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Việt Andrew Lâm trong một buổi đọc sách ở Đại Học Berkeley ngày 5/10/05 đã kể lại rằng, “Giờ còn có một lớp người Việt mới, giúp đỡ lẫn nhau, trong những sinh hoạt, tần số riêng. Thí dụ như trong trận bão lụt Katrina vừa qua. Hàng trăm nghìn người di tản qua Houston, trong đó có nhiều người Việt. Người Việt không nghe đài Mỹ mà nghe đài Saigon Houston 900 AM, họ không vào Superdome mà đến Hongkong Center (ở Houston, Texas), nơi đó phẩm vật cứu trợ được phân phát còn nhanh hơn cả FEMA (cơ quan liên bang phụ trách cứu trợ khẩn trương của Hoa Kỳ). Bây giờ người Việt có hãng xe đò riêng chạy từ San Francisco xuống đến San Diego. Một chiều đi tốn 55 đô la, lên xe được cung cấp bánh mì Ba Lẹ, xem ca nhạc Paris By Night, thoải mái hơn là Greyhound.”

Ngoài ra, khi xướng ngôn viên Hoàng Trọng Thụy của đài VNCR hỏi cảm nghĩ của Thống Đốc Tiểu bang California khi đến thăm nhật báo Người Việt để vận động cho một số đạo luật, ông trả lời: “Phải nói rằng tuyệt vời! Ðây là một cộng đồng đang lớn mạnh không chỉ về mặt kinh tế, đời sống mà cả chính trị nữa. Theo ông, họ đến Hoa Kỳ để làm việc, chứ không phải ngồi chờ trợ cấp của chính phủ.

Mặt khác, dù tin tức bị che giấu và chỉ thông báo hơn một tuần lễ trước khi có cuộc trình diễn, cộng đồng người Việt ở địa phương Úc cũng đã đi biểu tình thật đông đảo chống buổi văn nghệ Duyên dáng VN của các văn công trong nước. Đó là nhờ có sự phối hợp tích cực của các hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo viết, báo Internet cũng như sự hợp tác chặt chẽ của những ban đại diện cộng đồng tại Liên Bang Úc.

Những điều vừa kể cho thấy gì" Vai trò tích cực, hữu ích và sống động của báo chí Việt Ngữ. Nó đã giúp nhiều vận động của cộng đồng thành công. Đó là chưa kể các tờ báo còn cho biết đời sống quanh ta: quan, hôn, tang, tế, lấy vợ, lấy chồng, nước mắm, nước muới, gạo, cá và còn nhắc nhở khu phố nào có các mùi vị quen thuộc như: phở, bún bò Huế, mì quảng, bún mắm cùng các mục rao văt. Mấy thứ linh tinh đó nói ra nghe có vẻ tầm thường nhưng thưc sự nếu thiếu vắng đi thì cuộc đời sẽ bớt vui.

Ngoài báo in, báo nói truyền thanh, truyền hình, cộng đồng chúng ta còn có báo điện tử. Theo nhà văn Lê Thị Huệ, trong các trang Net hải ngoại hiện có hai trang net do hai người đàn bà chủ chốt, diễn đàn chính trị Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài làm chủ, và trang nghệ thuật Gió O do chính nhà văn Lê Thị Huệ làm chủ biên. Tờ Người Việt Online có trang Phụ Nữ và Gia Đình do nhà thơ Trần Mộng Tú, nhà văn Bùi Bích Hà điều hành. Hai nhật báo Người Việt và Việt Báo lớn nhất ở hải ngoại đều có trang điện tử.

Khuynh hướng truy cập tin tức từ các mạng lưới bắt đầu gia tăng. Số lượt người vào trang web của Người Việt hàng ngày là từ 40,000 đến 50,000. Trang Review Viet Nam trong tám tháng có hơn 600,000 lượt người vào và trang về một Quận Khánh Hoà Ninh-Hoa.com có hơn 330.000 vào.Theo đài BBC riêng trong nga`y 21/6/05, hơn 365.000 lượt người đã tới bbcvietnamese.com để theo dõi cuộc gặp giữa Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải và Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush.

Tại sao có nhiều người vào truy cập các trang báo điện tử" Vì báo điện tử của thời đại cách mạng chữ số có khả năng cập nhật tin tức, thay vì mỗi ngày mà có thể mỗi giờ, mỗi phút hay tùy từng biến cố và có khả năng tiếp cận với độc gỉa ở khắp nơi, bất cứ lúc nào. Ngoài ra, báo điện tử không những chỉ đăng tải văn bản, hình ảnh mà còn có âm thanh, như video, truyền hình. Theo tôi, báo điện tử của người Việt hải ngoại hãy còn yếu kém, dù chúng ta được thừa hưởng mọi lợi ích của cuộc cách mạng kỹ thuật hiện đại.

Cũng trong lãnh vực điện toán, một người không thuộc giới truyền thông, cố kỹ sư Hồ Thành Việt, sáng lập viên công ty VNI, đã chế ra các nhu liệu tiếng Việt, giúp cho báo Việt Ngữ cải tiến về phương diện kỹ thuật ấn loát trong những năm đầu thập niên 80, bắt kịp các báo Anh Pháp, tránh khỏi phải bỏ dấu bằng tay các bài vở đánh maý mà từ trước thường xảy ra nhiều lỗi, làm sai hẳn ý của câu văn; chẳng hạn, phụ nữ VN đảm đang thành phụ nữ VN dâm đãng; các nhà tu hành cổ võ thành các nhà tu hành có vợ; hoặc quê tôi có hàng dâu xanh thành quê tôi có hàng đậu xanh.

Tiến bộ của điện toán đã làm cho bộ mặt tờ báo sáng sủa, bớt lem luốt nhưng nội dung thì sao" Theo nhà văn Viên Linh trong một cuộc phỏng vấn, vì có người phát minh ra loại báo biếu nên “báo cần gì bài hay”. Các tác giả hiện nay 80% là loại tác giả báo biếu.

Đa số báo hải ngoại không có một readership rõ rệt. Ở đây chỉ cần 1000 đô la, in 500 cuốn sách là thành thi sĩ, nhà văn. Nhà báo Phạm Trần hiện làm cho đài VOA, nhận xét, “một số lớn người làm báo hải ngoại không có căn bản báo chí theo những tiêu chuẩn của nghề làm báo”. Điều này đúng, họ phần lớn là những tay ngang.

Những người tốt nghiệp từ các đại học truyền thông dại gì làm cho báo Việt ngữ vì tiến thân không có; lương tiền lại ít. Các báo hầu hết đều là những doanh nghiệp gia đình.

Tuần báo Việt Mercury ở San Jose, do người Mỹ làm chủ có tiêu chuẩn của một tờ báo hiện đại, ra đời năm 1999, phát hành 35,000 số mỗi tuần đầu tháng 11/05 đã phải sang nhượng cho chủ mới.vì lý do tài chánh, không cạnh tranh nổi với tám tờ Việt ngữ khác trong vùng. Ông Đỗ Quý Toàn, nguyên chủ bút nhật báo Người Việt, viết cho báo này trong 7 năm qua, cho biết: “Người Việt Nam làm chủ có lợi thế hơn vì chi phí uyển chuyển hơn và báo tiếng Việt do người Việt làm chủ sẽ chú trọng vào cộng đồng nhiều hơn”.

Trong mấy năm đầu của thập niên 80 ở quận Cam, nơi được xem như thủ đô của người tị nạn, theo một phóng sự đăng trên Việt Nam Ký Sự mùa hè 1983, người làm báo thành công thì ít nhưng tán gia bại sản thì nhiều. Điều nay khiến cho việc làm báo trở thành “báo hại” thay vì” báo bổ”. Lúc đó, có người đã ví trên trời có bao nhiêu vị sao thì quận Cam có bấy nhiêu tờ báo. Tờ này chết tờ khác phanh ngực tiến lên. Tờ Tin Văn tháng 9/1975 của Hoàng Dược Sư in 15,000 ồn ào phát hành một số và chỉ một số thôi rồi bỏ chạy vì vỡ nợ. Đúng là tưng bừng khai truơng rồi lăn quay ra chết. Cũng có tờ ráng ra tới số thứ hai rồi mới tịch như tờ Quê Hương của Du Tử Lê.

Những tờ báo đầu tiên của năm 1975 và năm 1976 là tờ Chân Trời Mới ra đời tại đảo Guam ở Thái Bình Dương chỉ sau hai ngày miền Nam sụp đổ; tờ báo đóng cửa cuối tháng 10/1975. Kế đó là tờ Đất Mới 7/75, Đất Lành 8/75; Văn nghệ tiền phong 1/11/75, Tin Yêu 20/2/1976, Việt Báo 15/7/76 ở Hoa Thạnh Đốn. Nói chung theo Trung Tâm tác Vụ Đông Dương trong năm 1975 có 13 tờ và năm 1976 có 32 tờ. Nay chỉ có tờ Văn Nghệ Tiền phong và Hồn Việt của Ngọc Hoài Phuơng còn tồn tại. Riêng nhật báo Người Việt là tờ thành công nhất nay có cơ sở vững vàng với 70 nhân viên.

Qua các cuộc kiểm tra năm 1990 và 2000, các con số thống kê về nam nữ, học vấn, ly dị, lấy vợ, lấy chồng, cơ sở kinh doanh lớn nhỏ của cộng đồng ta đều được trình làng nhưng đố ai biết trên đất Mỹ phe ta có bao nhiêu báo" Dò sông dò biển dễ dò, nhưng dò báo Việt thì vô phương. Không ai năm vững con số vì các tờ báo thường sinh ra chẳng khai và tử đi cũng chẳng báo. Đó là nhận xét của nhà báo Đỗ Sơn, một thành viên trong ban tổ chức Đại Hội Truyền thông Hải Ngoại năm 2003.

Tuy sinh hoạt đã 30 năm, có lập hội ký giả, báo Việt Ngữ vẫn chưa bao giờ có một làng báo.Theo nhận xét của ký giả Đỗ Ngọc Yến “đây là một tập thể phức tạp nhất. Nó vừa mạnh lại vừa yếu”. Không có làng nên nó không có lệ, không có qui ước. Nhiều vụ kiện tụng vì phỉ báng, chụp mủ xảy ra như: Mặt Trận Hoàng Cơ Minh kiện Văn Nghệ Tiền Phong; nhà thơ Du Tử Lê bị Nguyễn Xuân Phác, Hà Thúc Đạo kiện, hoặc Viet Nam Tu Do bị Nguyễn Xuân Quang kiện. Chỉ có luật sư là thu lợi, là có tiền.

Hơn 100 nhà văn, nhà báo ngày 9/9/1993 đã gửi một thư ngỏ đến quí vị Chủ Nhiệm, Giám Đốc truyền thanh, truyền hình yêu cầu các cơ quan truyền thông khi chỉ trích ai nên tôn trọng quyền trả lời của người bị chỉ trích nếu những thành phần đó sinh hoạt trong cộng đồng mà không có cơ quan ngôn luận trong tay. Thư ngỏ được thảo và vận động bởi Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, cố nhà báo Lê Đình Điểu, nhà văn Trương Vũ và cá nhân tôi. Chuyện xảy ra vì có một số báo chỉ trích một vài cá nhân trong cộng đồng mà không chịu đăng lời cải chính của họ.

Nếu anh là bác sĩ, chị là luật sư, hay thợ mộc, thợ điện, hớt tóc, sửa sắc đẹp, anh chị phải học lại, thi lại, phải có giấy phép mới được hành nghề. Chỉ có viết báo, viết văn là không sợ ai xét giấy phép hay bằng biếc gì cả. Nhà văn, nhà báo, cũng như nhà chùa, nhà thờ, vô ra tùy thích. Thành công hay thất bại là tùy cá nhân đó. Khi đến xứ có nhiều cơ hội này, bất cứ ai cũng có thể mở tiệm báo, in danh thiếp tự xưng là chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ báo với cái tên nghe rất kêu. Điạ chỉ toà soạn là một hộp thư, khiến ai cũng tưởng tờ báo chắc rất bề thế, rất dễ nể.

Làm báo nói hay TiVi khó hơn vì cần nhiều tiền, phải thuê giờ phát thanh, phát hình, khá mắc mỏ. Báo in dễ dàng gấp bội. Bài vở có thể lấy chùa trên các mạng báo điện tử, hay từ các hãng tin Quốc Gia Thông Tấn Xã của ông Nguyễn Ngọc Bích, VNN của Mặt Trận, VAP.

Truớc đây, khoảng giữa thập niên 80 có hãng tin CBA News của cố ký giả Chữ Bá Anh. Ông bỏ công bỏ của, cung cấp tin tức về mọi mặt cho hàng trăm báo lớn nhỏ toàn thế giới. Ông mất đi không người thừa kế vì chi rất nhiều nhưng thu vào chẳng bao nhiêu. Nhiều báo rất chịu xài nguồn tin CBA News nhưng không chịu trả tiền. Nhà thơ Vi Khuê, phu nhân cố ký giả Chữ Bá Anh cho biết, hãng tin ngưng phát hành ngày 14/6/1996.

Do đâu giới viết văn, viết báo lại đuợc đối xử ngon lành như vậy" Chẳng cần xin phép, xin tắc ai hết, cứ tự nhiên hành nghề, ra báo, ra sách" Trước cửa vào tòa soạn báo Người Việt ở Cali có một bức họa thật lớn, mô tả quang cảnh quốc hội Hoa Kỳ cách đây hơn hai trăm năm đang thảo luận về Đệ Nhất Tu Chánh Án Về Tự Do Báo Chí, do nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vẽ. Tu chánh án nói rõ rằng, chánh phủ và quốc hội không được làm ra bất cứ luật lệ gì ngăn cản việc thực hiện những quyền tự do, tôn giáo, ngôn luận, báo chí.

Chính nhờ đệ nhất tu chánh án này giới viết lách xứ cờ hoa tha hồ in ấn, phát thanh, phát hình. Báo chí Việt Ngữ hải ngoại thừa hưởng đạo luật này mới nở rộ khắp các tiểu bang. Tuy nhiên huy chương nào cũng có mặt trái. Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, trong một bài nói chuyện năm 1993 cho biết “ấn tượng đầu tiên là sửng sờ ngạc nhiên. Có những phút ngậm ngùi chua xót vì một vài nét không đẹp trong ngành, một vài hình ảnh đau lòng cho người bỡ ngỡ khi tình cờ ra chợ, thấy chồng báo bỏ dưới đất cho thiên hạ lượm và những tờ báo trang trọng đẹp đẽ, trong đó có biết bao tâm tư trí não đã gửi gấm thành văn bị chà đạp bởi bước chân vô tình của khách qua đường”. Thế nhưng, theo nhà báo lão thành này, “bức họa về truyền thông vẫn đẹp”. Ông nói, vườn bông truyền thông hải ngoại vẫn tốt tươi muôn màu sắc, dù có những đám cỏ dại mọc hoang, dù có những cành hoa úa, đổi sắc thay màu, cũng không làm mất đi vẻ đẹp cao quý của toàn thể. Những người trong những bước khó khăn đầu trước đây đền xứ này đã có công gây dựng, tạo ra nền tảng cho sự phát triển ngày nay, để gìn giữ và phát huy được tiếng Việt, góp phần bảo vệ nền văn hóa dân tộc.Tiếng ta còn, dân ta còn, nước ta còn.

Nói chuyện về báo chí Việt Ngữ không cách gì trình bày hết. Chỉ có thể giảm thiểu sự thiếu sót nếu báo chí Việt Ngữ thành lập được một làng báo. Đây không phải là nơi để bắt mọi người đồng ca, đồng phục mà để dễ dàng quen nhau, dễ dàng đồng ý với nhau về một vài ước lệ. Từ đó may ra những người cùng sinh hoạt trong lãnh vực truyền thông sẽ tạo được lệ làng, thực hiện được các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Hy vọng làng báo Việt Hải Ngoại sẽ sớm thành hình để hai câu “lấy sự thật làm phương châm; lấy tương kính làm thái độ mà Đại Hội Báo Chí Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại ở California năm 2003 đề ra trở thành kinh nhật tụng cho người làm báo.

Phan Thanh Tâm - 11/11/05 - Dallas Fort Worth.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.