Hôm nay,  

Đêm Mưa Thao Thức Nhớ Quê Nhà

18/10/200500:00:00(Xem: 6396)
- Hơn hai mươi năm miệt mài cuốn hút vào cuộc sống đầy nhiễu nhương nơi đất khách. Đôi khi tôi có cảm tưởng, tình cảm đã đến lúc rã rời mòn mỏi đóng băng. Cảm giác xúc động không còn bén nhạy, đang dần biến dạng cằn khô như sa mạc. Những viên sỏi đang nằm yên dưới đáy hồ tiềm thức. Bỗng chợt cơn mưa kéo về rơi triền miên trên mái ngói. Nhiều đêm thức giấc, châm trà uống một mình giữa đêm khuya, để cho nhớ nhung bắt đầu dằn vặt:

Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh, nỗi hàn bao la...
Tai ương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nói lời vu vơ..
Tương tư hướng lạc, phương mờ
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...
(Buồn Đêm Mưa - Huy Cận)

Lời thơ đã lâu lắm rồi, nhưng vẫn còn âm vang trong lòng tôi. Cái hơi may hiu hắt ở nội thành Huế vào những buổi chiều cuối thu. Cái hơi may ở trong cái thành phố Hội An cổ kính khi gió thu về thổi những cơn mưa nghiêng như tấm lưới chắn ngang trời mờ ảo. Lời thơ như có ma lực ghê gớm kéo lòng tôi chùng xuống với bao nỗi nhớ nhung. Âm vang của những buổi chiều "Em đến thăm Anh... Có hay lúc em về, gót chân bước reo âm thầm, trên đường ngoài mưa, (mưa như mưa trong lòng anh). Lòng bồi hồi nhìn theo chân em chìm trong ngàn xanh. Ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về... " (Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ), nhưng phải là tiếng hát ngọt ngào của Anh Ngọc mới thêm lượng thu hút ngất ngây. Chính nội dung của sự hồi tưởng là thời khắc một thời đầy ắp những vọng động mơ màng, của lắng sâu kỷ niệm. Có những nhà nghệ sĩ tài hoa sáng tác cả ngàn bài thơ, cả trăm bản nhạc, nhưng chỉ còn lại trong lòng người nghe và yêu thích dăm câu để đời. Như trường hợp của thi tài Tự Đức với hai câu thật tuyệt, vượt thời gian:

...Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi...
Hay Thôi Hộ với hai câu cuối của bài thơ Hoàng Hạc Lâu:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng thử nhân sầu...
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai"
(Tản Đà dịch)
Hoặc của Thiền Sư Mãn Giác:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai...
(Có bệnh. Dặn dò tăng chúng)

Và không ai yêu thơ, có thể quên tài danh thi sĩ Hồ Dzếnh với những ý tưởng ngộ nghĩnh mâu thuẫn nội tâm nhưng hiện thực tâm lý sâu sắc phân tích ý nghĩa trung thực của tình yêu thơ mộng:
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong... Thuyền trôi chớ đỗ...
Cho nghìn sau... lơ lững với nghìn xưa...

Những câu thơ đầy ấn tượng một thời vẫn còn là những âm hưởng tuyệt vời ẩn sâu trong tiềm thức chúng ta. Chỉ chờ một chút nắng vàng hiu hắt bên kia sườn núi. Chỉ chờ một cơn gió thoảng lay động vài cánh hoa đào rơi. Chỉ chờ những giọt mưa rả rích từng cơn trên mái ngói giữa đêm khuya quạnh vắng là y như cơn bão nhớ nhung thổi về vực lên tất cả những núi đồi chập chùng ký ức... Cơn địa chấn mỗi lúc mỗi dâng cao những rung cảm dạt dào. Có phải đó là tất cả những âm thanh của những vùng trời yêu dấu trên quê hương ngày xưa.

Bởi vì nó đã gắn bó với máu huyết, cho dù hiện hữu đã nghìn dặm xa. Kỷ niệm phải chăng là thời gian thăm thẳm, không gian mịt mờ phôi pha. Có mà không. Không mà có trong từng sát na trùng trùng duyên khởi. "Đêm Đông" của Nguyễn Văn Thương phải là tiếng hát Bạch Yến. "Đêm Tàn Bến Ngự" phải là tiếng hát của Hà Thanh. "Như Cánh Vạc Bay" phải là tiếng hát của Khánh Ly. "Tình Ca" của Phạm Duy phải là tiếng hát Thái Thanh... và "Đường Xưa Lối Cũ" của Hoàng Thi Thơ phải là tiếng hát Như Quỳnh. Mỗi giọng ca của mỗi ca sĩ hầu như đã gắn liền ở mỗi bài hát đôi khi người nghe chỉ còn nhớ đến ca sĩ mà không còn nhớ đến tên người nhạc sĩ đã hình thành nên ca khúc giá trị đó.

Cơn mưa vẫn chưa dứt. Tôi nhớ về chuyến thăm lén lút với Mẹ tôi ở dưới mái hiên Chùa Long Tuyền, mưa phủ đầy trời. Tôi cầm lấy đôi tay gầy guộc của Mẹ tôi, cố giữ đừng khóc, nhưng nước mắt đã trào ra... tôi thương Mẹ tôi quá... lần gặp gỡ cuối cùng xem như vĩnh biệt, vì chỉ còn hai ngày nữa tôi phải vượt biển xa rời nơi chốn thân thương... Tôi phải ra đi cho dù không biết sống chết ra sao nơi trùng dương đầy gian nguy hãi hùng đó...Hơn hai mươi năm rồi. Cha Mẹ tôi đã lần lượt nằm xuống nơi quê nghèo thảm đạm. Bao nhiêu mùa mưa bão đã đến và đã gợi sầu trong lòng tôi nơi viễn xứ. Nếu bảo những cơn mưa là những lần tắm gội cho đất đai bớt đi những ô uế bẩn dơ cuốn trôi ra biển. Để cho không khí trong lành, nụ mầm vươn lên trên những điệp trùng ngàn cây khô sau mùa đông lạnh giá. Tôi cứ tưởng sau những cơn mưa, tâm hồn con người cũng được rửa sạch hơn để tiếp thu những thiện nghiệp nẩy mầm, nhưng rồi đời sống vẫn tiếp diễn, hận thù vẫn dai dẳng không còn chỗ cho những đám mây trắng bàng bạc, cho lòng yêu nhau nao nức những kỷ niệm êm đềm của một thuở nào thanh bình nơi cố hương yêu dấu... những cơn mưa cần thiết cho những người lữ hành trong sa mạc khô cằn thiếu vắng tình thương.

Tiếng mưa rơi từ nghìn xưa và bây giờ vẫn thế. Vực lên từ tiềm thức những nhớ nhung kỳ diệu:
cơn mưa nhớ nhà

cơn mưa chợt thức hồn ta dậy
đôi nhánh tay gầy phố lạnh xưa
con nước mùa đông sầu thảm đó
phủ kín đời em trong tiếng mưa

cơn mưa có phải là hơi thở
thổi mấy tầng mây gió cuốn theo
cho ta thấy lại dòng sông trăng
thấy lại đời trôi giạt mấy bờ

có phải chiều nay ray rứt nhớ
gió thổi vừng trăng trong mắt em
cơn lụt như chiều ta tiễn biệt
chỉ một lần thôi, đá lệ mềm

lâu quá thơ ta như ruộng khô
cơn mưa chợt thức hồn ta dây
những hạt mầm xanh bỗng nở hoa
trong tim ẩn mật bao ngày tháng

phố cũ trời ơi! đôi mái nhớ
rêu phong quạnh vắng bước chân về
tiếng chuông thầm lặng, sầu nghiêng xuống
cành lá điều hiu với xương khô

sông nước theo mùa sông lũ lụt
quê nghèo xơ xác tiếng đau thương
trăm năm cánh én bay đi mất
bỏ lại tình em như khói sương

ta về theo với cơn mưa lũ
con đường nở trăng hoa ngâu thương
có phải mẹ nhìn ta thuở bé
có phải em nhìn ta vấn vương

tiếng mưa xé nát hồn viễn khách
em hát giùm ta khúc nhạc sầu
cho ta khua hết trong tiềm thức
hàng vạn chiều mưa phủ đớn đau

mưa ở quê nhà mưa núi thăm
mưa rừng sâu nghiệt ngã tai ương
mưa hải đảo kiếp đời lưu lạc
mưa nhạc nhòa biệt tích cố hương!

đêm chìm khuất lời kinh cầu nguyện
thắp cho nhau chút nắng đầu non
mưa lấp lánh hoa vàng luống cải
xuân lại về một dạ sắt son
THÁI TÚ HẠP
(Mùa Mưa Trên Thành Phố Rosemead)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.