Hôm nay,  

Huyền Vũ: Tiếng Nói Của Bóng Đá Việt Nam Đã Tắt

25/08/200500:00:00(Xem: 6870)
Huyền Vũ, Ký giả Truyền thanh Thể thao nổi tiếng nhất của Việt Nam không còn nữa. Ông đã từ giã cõi đời ở tuổi 90, rạng sáng ngày 24-8-2005, tại thành phố New Port News, Virginia, cách Thủ đô Hoa Thịnh Đốn gần 3 giờ lái xe về phía nam.
Theo lời tự giới thiệu trong Hồi ký “Tôi làm Ký giả Thể thao” (TLKGTT) của ông xuất bản lần đầu năm 1989 thì tên thật của ông là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm Ất Mão (1915) tại Phan Thiết. Khi còn thanh niên, đã có một thời gian ông sinh sống ở Cao Miên cho đến năm 1948 thì về nước vì nhu cầu học hành của các con.
Trước khi trở thành Ký giả Thể thao thực thụ năm 1951 cho Đài phát thanh Pháp Á (Radio France-Asie), ông từng là “ký giả tài tử” (chữ của ông) từ năm 1936 khi ông săn tin địa phương cho hai báo Zân Báo của Võ Khắc Thiệu và Trung Lập của Bùi Thế Mỹ. Tuy nhiên nghề Ký giả địa phương không nuôi sống được ông nên ông đã chuyển qua nghề viết văn từ năm 1950 cùng thời với Lý Văn Sâm (chuyên về truyện Đường rừng) , Hoàng Tấn, Việt Quang v.v…Phần lớn truyện ngắn của ông thuộc thể loại Trinh thám qua hai Bút hiệu Xuyên Sơn và Huyền Vũ viết cho Nhà Xuất bản Nam Việt của ông Đinh Xuân Hòa và hai Nhật báo bán chạy vào thập niên 1950 là Sàigòn Mới (ÔB. Bút Trà) và Tiếng Chuông (Đinh Văn Khai).
Nhưng nghề viết Văn cũng chưa phải là sở trường của Huyền Vũ vì ông rất say mê theo dõi tin Thể thao. Ông viết trong Hồi ký : “Bản tính thích thể thao từ nhỏ (chúng tôi thích đọc sách, báo về thể thao, khoa học va du hành 9Science et Voyage) về tiểu thuyết trinh thám của Simenon (Pháp) lúc ấy tôi là trọng tài của Tổng cuộc túc cấu Nam Việt. Nếu tiếp tục nghề này chúng tôi đã được đề nghị trọng tài quốc tế một lượt với Trương Văn Ký, trọng tài Quốc tế Việt Nam đầu tiên…” (TLKGTT)
Từ khi làm kỳ giả thể thao cho đài Pháp Á, ông Huyền Vũ từ chức Trọng tài “để ngòi viết của mình được vô tư hơn”, theo lời ông viết.
Sau một thời gian, ông nghỉ Pháp Á sang phụ trách tin Thể thao cho Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong 24 năm làn Kỳ giả Thể thao, độc giả và thính giả toàn cõi miền Nam đã được nghe và đọc Huyền Vũ qua các bài tường thuật và bình luận Thể thao sắc bén nhưng công bình về nhiều bộ môn, nổi bật và hấp dẫn nhất là các bài viết về bóng đá của ông.
Trên làn sóng điện của hai đài Pháp Á và Sài Gòn, hàng triệu thính giả ở cả miền Nam – Bắc (phải nghe lén trước năm 1975) đã say mê theo dõi, đôi khi đến ngộp thở vì lối tường thuật trực tiếp hấp dẫn và thôi thúc của ông về các trận tranh giải vô địch Túc cầu trong nước và các trận cầu Quốc tế diễn ra tại sân Tao Đàn (tên cũ là Cercle Sportif Saigonais) và sau này trên sân Cộng Hòa.
Huyền Vũ nhìn nhận : “Trong đờI ký giả Thể thao, nếu chúng tôi được nhiều người biết đến là qua các làn sóng điện của đài phát thanh Sài Gòn, theo với các buổi trực tiếp truyền thanh các trận túc cầu tranh vô địch và nhứt là các trận quốc tế, giữa hội tuyển nhà và các hội tuyển khách hoặc nhừng đoàn danh cầu ngoại quốc.” (TLKGTT).
Theo Ký giả Huyền Vũ, người trực tiếp tường thuật các trận đá banh trước ông là Ông Nguyễn Hùynh (Nguyễn Hùynh Phước) và trước nữa là Ký giả Trần Đình Khiêm. Nhưng trực tiếp truyền thanh thể thao có khó không"
Huyền Vũ đáp : “Phải thành thật thú nhận, ở lần “trực tiếp” đầu tiên chúng tôi đã không tránh khỏi bối rối không kém khi trực tiếp truyền thanh bóng rổ (lần đầu). Mấy hôm sau chúng tôi nhận được bức thơ của một thính giả ở Bến Tre phê bình kỹ thuật “trực tiếp” của chúng tôi. Vị thính giả này là một sinh viên du học bên Pháp về, đã so sánh cuộc “trực tiếp” của chúng tôi với kỹ thuật của phóng viên Pháp tại Ba Lê. Dĩ nhiên sự phê phán đã rất thẳng thắn, xây dựng.”
“Bức thơ đã làm cho chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Buồn là lẽ tự nhiên, nhưng chúng tôi không chán nản. Chúng tôi lấy đó làm bài học cốt để sửa chữa vì biết con đường của chúng tôi đi còn dài. Làm báo viết đúng -- đắn vớI thiên chức – đã khó, thì làm “báo nói” đâu đã dễ. Huống chi không có thầy, chưa có dịp ra nước ngoài, xem thể thức trực tiếp truyền thanh của các nước tiền tiến để học hỏI, chúng tôi nghĩ đền cách phác họa cho mình một đướng lốI để cảI thiện. Vào thời ấy cũng chưa có sách nào, theo chỗ chúng tôi biết, dạy “trực tiếp truyền thanh…” (TLKGTT)
Đoạn văn này, theo quan sát của tôi, đã lột tả tất cả tính tình trong sự nghiệp 69 năm viết văn, làm “báo viết” và “báo nói” của Nhà báo Huyền Vũ. Đối với tôi, Ông là nhà báo đàn anh trên nhiều phương diện : Ông vào nghề trước tôi đến 24 năm, từ 1936, lại vừa viết văn vừa làm báo và truyền thanh, nhưng không vì thế mà ông “coi thường” hay “không thèm chơi” với mấy anh nhà báo hậu sinh, nhất là những người không liên hệ gì đến báo Thể thao như tôi.

Tôi gặp ông lần đầu khi cùng ông tham dự lớp Huấn luyện Ký giả của Liên Đoàn Ký giả Quốc tế tổ chức tại Sài Gòn trong thấp niên 60. Nhưng có một lần tôi không bao giờ quên khi được đi theo Ký giả Thể thao Phan Như Mỹ vào xem đá banh “cọp” ở sân Cộng Hòa. Lần đó khi vừa đến cửa soát vé thì đã thấy “thần hộ mạng” Phan Như Mỹ đứng đợi. Tưởng có mình tôi, ai ngờ anh Mỹ còn “đỡ đầu” thêm 4 mạng phóng viên nữa. Tất cả đều không có vé vào sân. Tôi hơi ái ngại vì có tới hai nhân viên soát vé một cửa vào nếu bị hỏi vé thì mắc cở muốn chết. Bất ngờ anh Huyền Vũ xuất hiện nói cười vui vẻ rồi bắt tay từng người. Ông giục mọi người đi vào vì sắp tới giờ ông phải “lên Đài”. Thế là chúng tôi “lanh lẹ” nối theo chân ông mà không cần đến sự “can thiệp” của anh Phan Như Mỹ. Hai người soát vé cũng vui vẻ cuời theo không thắc mắc gì cả, sau khi họ nghe ông giới thiệu “Đây là mấy anh em báo chí đồng nghiệp của tôi!” Thế là cả bọn nghiễm nhiên lọt vào hàng ghề dành riêng cho Báo chí (đáng lẽ ra phải là Ký giả Thể thao được Tổng cuộc Bóng tròn VNCH nhìn nhận!).
Sau khi ngồi chễm chệ ở gần giữa Khán đài Danh dự, anh Phan Như Mỹ mới nói với bọn tôi : “Bữa nay các chú nợ Huyền Vũ một chầu La-de đấy nhé”!
Dân ghiền đá banh, nhất là những người không có cơ hội đi coi hay ở xa Sài Gòn “mê” Huyền Vũ đã đành. Ngay cả những khán giả ngồi trong sân, nhất là khán giả ngồi trên cao, theo dõi trận thư hùng cũng vô số người mang theo máy thu thanh bỏ túi để nghe ông tường thuật !
Ông kể ra ba trường hợp điển hình:
“Một hôm khi “trực tiếp” xong một trận cầu, chúng tôi định đi đến toà soạn (báo) Sàigòn Mới để viết bài tường thuật kịp cho số báo phát hành vào đêm hôm đó,bỗng có bàn tay đặt lên vai chúng tôi và có lời nói : “Chào ông”. Chúng tôi ngạc nhiên quay nhìn lại, nhận ra người đối thoại là một ông cụ mà búi tóc và chòm râu dài đã điểm sương. Ông cụ chỉ vào hai vị cao niên khác bên cạnh, nói tiếp: ”Anh em chúng tôi ở vùng Thất Sơn (Tỉnh Châu Đốc ngày xưa), thường nghe ông trực tiếp qua máy ra-đi-ô chạy “pin”. Hôm nay có dịp lên Sài Gòn nhằm có “trực tiếp” nên chúng tôi mua vé vào xem, cố tìm gặp cho biết ông. Chúng tôi đã lựa chỗ ngồi ngay sau lưng ông.”
“Dịp khác, một quân nhân đã thân mật : “Ở rừng không có gì giải trí, nên lúc hành quân tuần tiễu mà nghe anh trực tiếp truyền thanh là tụi tôi cho dừng lại theo dõi đến hết trận cầu.”
“Ở Huế, cạnh chợ Đông Ba có quán Lạc Sơn của các anh Ngô Văn Đệ và Ưng Lảo được xem như nhà hàng Thanh Thế tại Sài Gòn, là nơi anh em thể thao gặp gỡ nhau, nhứt là vào những sáng cuốI tuần. Dịp chúng tôi ra cố đô, đền gặp anh em tại Lạc Sơn, chủ nhân vừa cười vừa nói với chúng tôi “Phải bắt đền anh mới được. Vì mỗi lần anh trực tiếp truyền thanh là anh em tựu lại nghe, giựt chân, giựt tay, đá gãy cả ghế của quán tôi…”
Ông kể lại những mẩu chuyện này, tôi nghĩ, chẳng phải để “khoe” về sự chú ý của khán, thính gỉa đã dành cho ông mà để nói đến cái tính “máu mê” môn bóng đá đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt Nam trong mọi hòan cảnh.
Nói vậy nhưng không ai có thể phủ nhận : Nếu một trận đấu bóng đá , dù mới chỉ ở vòng loại của một cuộc tranh giải mà thiếu tiếng nói từ thao trường của Huyền Vũ thì cuộc giao đấu ấy sẽ mất đi hào hứng rất nhiều.
Bỏi vì tên tuổi Huyền Vũ đã gắn liền với môn Túc cầu ở miền Nam trong suốt 24 năm tựa như chuyện “như thế thì phải thế” không thể thiếu một trong hai của môn Thể thao được ưa chuộng nhất ở Việt Nam.
Cho đến ngày ông về cõi Vĩnh Hằng với Thiên Chúa, Ký giả Thể thao Huyền Vũ đã để lạI cho giới mộ điệu Thể thao trong và ngoài nước nhiều kỷ niệm khó quên về tính say mê nghề nghiệp và tài hùng biện tại cầu trường của ông.
Sau khi phải rời miền Nam chạy tị nạn Cộng sản năm 1975, bỏ lại sau lưng không biết bao nhiêu là thương nhớ và kỷ niệm với sân cỏ và thính giả, Nhà báo Huyền Vũ đã sống an bình bên cạnh người bạn đời Bà Madeleine Ho Thi Nga cùng các con, cháu.
Nhưng người vợ hiền hậu suốt đời hy sinh cho Gia đình Huyền Vũ đã bỏ ông ra đi từ năm 1997, sau một thời gian lâm trọng bệnh. Từ đó, anh Huyền Vũ đã sống cho riêng mình nhiều hơn. Mãi đến tháng 8 năm 1999,ông mới chịu xuất hiện cùng anh em làng báo và đồng bào mến yêu ông trong vùng Thủï đô Hoa Thịnh Đốn. Đó là Ngày Huyền Vũ (28-8-99) mà chúng tôi và một số anh em thân hữu đứng ra tổ chức để tri ân những công lao đóng góp của ông cho nền Báo chí Thể thao và Bóng tròn miền Nam.
Trước mặt khoảng 300 người mến mộ đến từ nhiều nơi, người Ký giả 85 năm tuổi đã nghẹn lời nhiều lần khi ông lên tiếng cảm ơn mọi người đã vì thương mến ông mà tham dự cuộc họp mặt. Ngày đó, Lão tướng Huyền Vũ đã phải ngồi trong xe lăn để di chuyển cho dễ, nhưng tiếng nói sang sảng của ông ngày nào vẫn còn đó, vẫn cuốn hút người nghe như khi ông còn tường thuật Bóng đá.
Trước đó trong cuộc phỏng vấn tại nhà con ông, Cựu Thủ môn Quốc gia Quốc Bảo,tôi cũng đã mủi lòng theo ông khi tôi hỏi :”Anh có nhớ các sân Tao Đàn và Cộng Hoà ở miền Nam không"”
”Tôi nhớ lắm chứ Chú. Làm sao mà quên được.”, Huyền Vũ đáp mà rưng nước mắt. -
Phạm Trần
(Ngày Huyền Vũ mất, 24-8-05)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.