Hôm nay,  

Nông Đức Mạnh Đích Thân Bịt Miệng Nhà Báo

17/08/200500:00:00(Xem: 5611)
- LGT: Phần chính bài này vừa mới được trình bày trong cuộc Hội luận với GS Trần Khuê do nhà báo Việt Hùng, đài Á châu Tự do, thực hiện ngày 16.8.05.
Đại Hội 8 Của Hội Nhà Báo VN Tại Hà Nội: Đòi hỏi quái đản lại trở thành điểm căn bản qui định hoạt động cho trên 14.000 người viết báo ở VN!

Trong ba ngày từ 11 tới 13.8 vừa qua Đại hội (ĐH) đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Hội Nhà báo VN đã họp ở Hà nội. Một Ban chấp hành mới đã được bầu đứng đầu là Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Trung ương đảng và Tổng biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN. Ngoài ra, ĐH cũng đã thông qua “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam“ như sau:
Người làm báo Việt Nam nguyện thực hiện những quy định về đạo đức nghề nghiệp sau đây:
1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
3. Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
4. Sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.
5. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.
6. Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.
7. Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
8. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.
9. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác./.“[1]
Trong thực tế thì Điểm 1 của Qui định trên đây là tiền đề cho 8 Điểm còn lại. Nếu Điểm 1 đúng thì tất cả các điểm tiếp theo của “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam“ sẽ có giá trị.
Tuy cố tìm cách chơi chữ, viết lòng thòng để huyền hoặc đánh lạc dư luận, nhưng những ngừơi có quyền lực đã chỉ thị cho Nguyễn Khoa Điềm, Uỷ viên Bộ chính trị (BCT) kiêm Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (TTVHTU) viết Điểm 1 bắt các nhà báo phải “Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.“.
Câu hỏi chính ở đây là, ai đang lãnh đạo ĐCSVN và nhất là lãnh đạo như thế nào"
Ngừơi ta ai cũng biết, trong thực tế họ đang bắt các nhà báo VN phải „tuyệt đối trung thành“ với một vài ngừơi có thế lực nhất ở trong BCT hoặc đang chỉ huy BCT trong bóng tối! Thật vậy, chính nhiều Cách mạng lão thành nồng cốt của chế độ trước đây như Phạm Văn Xô, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Tâm… và cả những tướng lãnh đã từng sáng lập hoặc có công xây dựng chế độ như Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Nguyễn Nam Khánh… trong các thơ hay tuyên bố gần đây đã nói thẳng, nhóm cầm quyền hiện nay đang coi thường kỉ cương của đảng, ngồi xổm trên pháp luật. Vì, theo các vị này, trong suốt nhiều năm qua họ tiếp tục để cho Lê Đức Anh và Đỗ Mừơi thao túng, lũng đoạn và lộng quyền trong vụ lập ra Tổng cục 2 để sau đó dàn dựng lên vụ T4 tìm cách trù dập nhiều uỷ viên BCT, tướng lãnh… không ăn cánh với họ. Đấy là chưa kể nhóm này còn bưng bit, che đỡ những vụ tham nhũng động trời và làm giầu bất chính. Dư luận trong đảng và ngoài xã hội cũng đều biết rằng, một số ngừơi đang lợi dụng danh nghĩa Đảng để làm lợi riêng, kể cả việc nhường đất, nhựơng biển cho Bắc kinh để củng cố địa vị riêng![2]
Một khi nuôi ý đồ phục vụ quyền lợi riêng, sẵn sàng chà đạp quyền lợi ngừơi dân và đánh mất đạo đức thì nhóm có quyền lực trong chế độ hiện nay dù có qui định cho các nhà báo phải „gắn bó“, „phục vụ“ nhân dân; “hành nghề trung thực, khách quan, tôn rọng sự thật“ (Điểm 2, 3) cũng chỉ là lữơi gỗ mà thôi. Vì chính những ngừơi cầm đầu đã dẫm nát những nguyên tắc này từ lâu!
Cũng cùng lí lẽ đó, các qui định “Sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật“. (Điểm 4) và “Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội“(Điểm 5) mà họ đòi các nhà báo phải thực hiện thì lại càng trở nên kịch cỡm hơn nữa!
Nói tóm lại, Điểm 1 trong “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam“ đã cho thấy, nhóm có quyền lực trong Trung ương đang tìm cách bóp chết tiếng nói trung thực của những ngừơi làm báo còn lương tâm và trách nhiệm! Trong thực tế, Điểm 1 của Qui định này chỉ nhằm mục đích bắt các nhà báo tuyệt đối trung thành với nhóm này, phải viết những bài ca tụng nhóm này, không được phép viết những cái xấu của họ!
Không ai có thể tưởng tượng được, bước vào đầu Thế kỉ 21 một đòi hỏi hoàn toàn sai lầm như thế lại đựơc coi là tiêu chí cho những ngừơi cầm bút ở VN! Thử hỏi hiện nay trên thế giới có còn nước nào lại bắt ngừơi viết báo như vậy" Khi nhậm chức TBT trước đây gần 5 năm ông Mạnh đã đưa ra khẩu hiệu xây dựng đất nước „dân chủ và văn minh“. Nhưng với quyết định này chính Nông Đức Mạnh đã tự chửi thẳng vào mặt mình!

Chỉ thị của Nông Đức Mạnh
Tuy đã cho ghi rõ các nhà báo phải “tuyệt đối trung thành“ với nhóm có quyền lực nhất hiện nay trong cái gọi là “Qui định về đạo đức nghề nghiệp“, nhưng nhóm này vẫn chưa yên tâm. Cho nên Nông Đức Mạnh, ngừơi đứng đầu chế độ, đã phải thân hành tới Đại hội và ra chỉ thị trực tiếp cho các Tổng biên tập và những cán bộ quản lí các báo, đài trong cả nước. Trong diễn văn trước Đại hội ngày 13.8 Nông Đức Mạnh đã không úp mở để cho mọi ngừơi làm báo ở VN biết phải hiểu Điều 1 trên đây trong việc viết bài, đưa tin hàng ngày như thế nào:
“Tôi cũng muốn khẳng định một lần nữa rằng, sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước là nhân tố có ý nghĩa rất quyết định đối với sự phát triển của nền báo chí nước ta. Sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí phải bảo đảm các khâu, từ định hướng phát triển, định hướng thông tin tuyên truyền, công tác cán bộ, cho đến định hướng trong hoạch định chính sách, xây dựng các chế độ, kiểm tra thường xuyên để biểu dương những nhân tố tích cực, khắc phục những thiếu sót, nâng cao hiệu quả xã hội của báo chí.“ [3]
Không những thế, để thực hiện mục tiêu thâu tóm báo chí trong tay của nhóm này thì các cơ quan phụ trách về công tác tư tưởng, báo chí trong đảng, chính phủ và các tổ chức quần chúng phải có những chính sách cụ thể để các tổng biên tập, các ban quản lí thường xuyên theo dõi và kiểm soát các bài và hoạt động của các nhà báo. Nông Đức Mạnh cũng nói rất rõ việc này trong diễn văn trên:
“Muốn thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, phải nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chủ quản. Quan điểm Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý báo chí cần được mỗi nhà báo nhận thức sâu sắc, trở thành ý thức nghề nghiệp của mình. Mỗi cấp uỷ đảng cần coi việc lãnh đạo, chỉ đạo báo chí là một nhiệm vụ công tác quan trọng, biết khai thác, sử dụng báo chí phục vụ đắc lực việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng thời phải tôn trọng, tạo điều kiện ..tốt cho sự phát triển cũng như hoạt động sáng tạo chuyên môn của báo chí.“[4]


Bởi vì, theo NĐM, để bảo đảm cho sự “tuyệt đối trung thành“ với nhóm có thế lực hiện nay thì các nhà báo được lệnh phải:
“Kiên quyết loại bỏ những thông tin ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hoá, chính trị, kinh tế của đất nước…“[5]
Ở đây phải hiểu là cấm những thông tin và phê bình hay nói không tốt về nhóm cầm đầu!

Tại sao nhóm có quyền lực phải ra lệnh bịt miệng các nhà báo vào lúc này"
Trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 8 Hội Nhà báo Việt Nam vừa qua thực ra những ngừơi về tham dự không phải do các nhà báo được tự do đề cử mà hầu hết đều do sự xếp đặt trước của Ban TTVHTU do Nguyễn Khoa Điềm chỉ huy. Chính báo chí trong nước cũng cho biết, tuyệt đại đa số 366 ngừơi (trong tống số trên 14.000 ngừơi đang hành nghề báo) về dự Đại hội là các Tổng biên tập và các cán bộ quản lí các báo đài ở trung ương và địa phương.[6] Tức là những ngừơi này là thân tín và trung thành với Ban TTVHTU. Chính Nguyễn Khoa Điềm đã cho chuẩn bị Đại hội 8 này từ một năm trước đây, với mục tiêu rất rõ rệt là làm sao nhóm này có thể quản lí một cách chặt chẽ và có hiệu quả toàn bộ sinh hoạt báo chí trước khi Đại hội 10 của ĐCSVN được triệu tập vào đầu 2006.
Sở dĩ họ phải ra tay vào thời điểm này, vì trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều kí giả ở một số tờ báo đã dám viết những bài tố cáo, đôi khi còn nêu đích danh một số ngừơi có quyền lực đã tham nhũng, lộng quyền, vây bè kết đảng ở ngay trung ương hay một số địa phương. Không những thế, những kiến nghị, thư ngỏ hay các bài tham luận của nhiều Cách mạng lão thành và các chuyên viên cao cấp trong nhiều Hội nghị của Đảng và các tổ chức của đảng cũng đã được các mạng điện tử phát tán, truyền tải rộng rãi trong nhiều giới ở trong và ngoài nước. Việc phổ biến rộng rãi những tài liệu tố cáo đích danh một số ngừơi đang lợi dụng quyền lực làm giầu bất chính hay đàn áp cả những nhân vật ở trung ương không cùng vây cánh đã làm cho nhóm này mắt ăn mất ngủ. Nhất là, chính do áp lực của dư luận trong và ngoài đảng, nên tại HNTU 12 vào đầu tháng 7 vừa qua, nhóm này đã chẳng đặng đừng phải để thành lập một „ Ban đặc trách công tác xử lý những vụ án Sáu Sứ, T4, Tổng cục II Bộ Quốc phòng“do Lê Đức Anh chủ trương với sự hậu thuẫn của Đỗ Mừơi.
Nhóm này thấy rõ, đây là một nguy cơ trước mắt. Thành thử họ thấy phải ra tay hành động sớm trước khi quá muộn! Vì thế không lấy làm lạ về sự xuất hiện của Lê Đức Anh bên cạnh Nông Đức Mạnh ngay trong Đại hội 8 của Hội nhà báo VN! Mặc dầu Lê Đức Anh từ lâu không còn giữ một chức vụ gì. [7] Sự có mặt của Lê Đức Anh bên cạnh Nông Đức Mạnh trong ĐH 8 của Hội nhà báo không phải là một sự tình cờ mà là một tính toán của Lê Đức Anh và Đỗ Mười cùng với một số thân tín trong BCT. Với sự hiện diện của Lê Đức Anh, họ muốn đánh tin cho dư luận biết là, trước sau họ vẫn nắm quyền kiểm soát mọi sinh hoạt của đảng! Điều này lại càng cho thấy, nhóm Lê Đức Anh đang tìm cách ép Nông Đức Mạnh để vô hiệu hoá quyết định của HNTU 12 điều tra về những tội phạm của mình!
Sự hoang mang và lo sợ của nhóm này là có cơ sở. Vì không chỉ một số nhân sĩ dân chủ trong nước lên tiếng tố cáo sự đàn áp tư tưởng và quyền tự do báo chí, mà nhiều Cách mạng lão thành cũng đã lên tiếng công khai chống lại việc này. Gần đây nhất là Thư ngày 30.4.05 của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Nguyễn Khoa Điềm vạch trần những cách trấn áp quyền tự do tư tưởng đối với ngay cả ông. Võ Văn Kiệt đã vạch trần chủ trương áp chế tư tửơng và thái độ “đứng trên pháp luật” của ngừơi đứng đầu ngành Tư tưởng Văn hoá của chế độ. Ông Kiệt đã hỏi thẳng Nguyễn Khoa Điềm:
“… thế những gì thấy không phù hợp với ý kiến chủ quan của mình thì dùng quyền của Ban Tư tưởng Văn hoá để bác bỏ một cách tuỳ tiện, mãi cho đến khi tôi có ý kiến mới trả lời với những lý do không thuyết phục, vậy thì đó là “thoả đáng hay là không thoả đáng”"
Đã có bao nhiêu trường hợp khác bị các đồng chí đối xử tương tự như vậy, hay các đồng chí tự cho mình cái quyền ấy, quyền đứng trên luật pháp, quyền cho ai nói cái gì, viết cái gì là theo sự áp đặt chủ quan, phiến diện của một số rất ít người, song lại nhân danh Đảng !” [8]
Có thấy sự tham gia ngày càng rộng rãi của những ngừơi ở trong và ngoài đảng, kể cả những cựu Uỷ viên BCT, cựu Thủ tướng chống lại sự thao túng và lộng quyền của nhóm này thì mới hiểu tại sao họ phải ra tay hành động vào thời gian tiền Đại hội 10 của ĐCSVN!
Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của nhóm này là làm sao bảo vệ an ninh và sự tồn tại của nhóm họ. Vì thế, Nông Đức Mạnh không chỉ ra lệnh đối với các nhà báo phải làm công việc „tuyệt đối trung thành“, mà còn ra lệnh cho ngành công an cũng phải thực hiện mục tiêu đó trong các hoạt động của mình. Cũng trùng vào dịp Đại hội 8 của Hội nhà báo, ngày 14.8 trong cuộc gặp trên 600 Cách mạng lão thành ngành công an và nhiều tướng lãnh công an đương chức ông Mạnh đã ra lệnh:
“Ngành công an cần đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, cơ hội, giữ vững trận địa tư tưởng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.“ [9]
*
Những quyết định và việc làm sai trái trên đây của Nông Đức Mạnh đã chứng tỏ ông ta đang trở thành ngừơi dựng cờ bảo vệ và che chở cho một vài ngừơi đã và đang lộng quyền ở trong BCT hay đang đứng đằng sau BCT !
Trong một xã hội dân chủ đa nguyên, tự do báo chí là một Quyền Thứ tư, không những nó bảo vệ quyền tự do phát biểu của các công dân mà nó còn bảo vệ để cho ba quyền Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp độc lập và hành xử thẩm quyền của mình. Nhưng dưới chế độ độc tài hiện nay thời Nông Đức Mạnh, một số ngừơi có quyền lực đã biến các cơ quan báo chí và các nhà báo trở thành một công cụ tâng bốc và bảo vệ họ. Những ngừơi này đang muốn duy trì tiếp tục chính sách một vài nguời suy nghĩ thay cho tất cả. Họ muốn hạ thấp vai trò của những kí giả và ngừơi cầm bút trở thành những bồi bút cho một số người có quyền và tiền trong chế độ!
Vì muốn được giữ chức Tổng bí thư thêm một nhiệm kì nữa, nên Nông Đức Mạnh cũng đang phải chiều theo những đòi hỏi ngang ngạnh, quái đản và phi pháp của một số ngừơi đứng đằng sau giật dây. Rõ ràng Nông Đức Mạnh và những ngừơi này đang làm công việc của những kẻ lội ngược dòng!"
(Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: www.dcpt.org hay www.dcvapt.net)

NOTES:
[1] . TTXVN 13.8.0
[2] . Tài liệu về các vụ việc này xin xem phần Thời sự trên Dân chủ & Phát triển (DC&PT) điện tử: www.dcpt.org
[3] . Cộng sản điện tử 13.8
[4] . tương tự, 13.8
[5] . như trên, 13.8
[6] . Hà nội mới 13.8, Tuổi trẻ 13.8
[7] . CS điện tử 13.8
[8] . Thư Võ Văn Kiệt ngày 30.4 gởi Nguyễn Khoa Điềm, trong DC&PT điện tử
[9]. TTXVN 14.8

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.