Hôm nay,  

Đôi Dòng Tản Mạn Về Thi Ca

06/08/200500:00:00(Xem: 5538)
- Đối với thi nhân những gì của trời đất, thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá, sấm sét, một chút lá vàng bay bay trong gió, hay tiếng tí tách mưa rơi ngoài hiên…tất cả đều là những hình ảnh, âm thanh tạo nguồn xúc cảm cho thi nhân. Cảm xúc thơ là cảm xúc thẩm mỹ mang nhiều thi vị. Người làm thơ bắt đầu từ cảm xúc thơ, tức là Tứ thơ, hay nói cách khác là Ý thơ. Cảm xúc thơ là dấu ấn để lại trong nội tâm bởi những hình ảnh của ngoại cảnh. Người thi sĩ phải kết hợp cái nhân ngoại cảnh với cái quả cảm xúc rồi diễn đạt nó ra một cách tinh tế mới tạo ra được một bài thơ. Xin điểm qua một vài trường hợp điển hình.
Mưa rơi trên thành phố Brest, người đi đường nghĩ đến cảnh u buồn của trời đất Bretagne, nhưng nhà thơ Jacques Prévert của Pháp lại liên tưởng đến hình ảnh một thiếu nữ đứng dưới mưa gặp lại người yêu để rồi mất người yêu biền biệt trong chinh chiến. Ý thơ nầy được Jacques Prévert diễn đạt trong bài thơ Barbara do nhà thơ Nguyên Khoa phỏng dịch như sau:
Nầy hỡi Barbara em có nhớ
Cơn mưa dầm trên thành Brest ngày xưa
Em tung tăng sũng ướt dưới mưa
Cười tươi tắn hân hoan rạng rỡ
………..
Nầy hỡi Barbara em có nhớ
Em với ta chưa một lần gặp gỡ
Em với ta chưa một thuở quen nhau
Em nhớ chăng cũng chính ngày xưa ấy
Xin đừng quên
Có chàng trai đứng trú trước cổng nhà
Réo gọi tên em Barbara
Em vội vàng chạy đến dưới mưa
Mình đẩm ướt hân hoan rạng rỡ
Và ngã vào vòng tay trìu mến thương yêu

Chiến tranh xuẩn ngốc xiết bao
Giờ em đã ra sao
Dưới cơn mưa
Lửa thép máu đào
Và người tình từng siết chặt em trong tay
Tình tứù ngày nào
Hiện sống còn, đã thác, hay biền biệt âm hao.
(Nguyên Khoa phỏng dịch Tam ngữ CHTY 4 04. tập 2/2)
Rặng núi chỉ là môät cấu trúc địa lý thiên nhiên đối với người vô tâm, nhưng đối với một người có tâm hồn trữ tình như người thiếu nữ Việt Nam trong ca dao thì cái đối tượng vốn không phải là người ấy được xem như một con người bằng xương bằng thịt. Cô nói chuyện tâm tình với nó như với một người thật:
Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương!
Alfred de Vigny, nhà thơ người Pháp, thường sử dụng biểu tượng để làm thơ triết lý, trong đó ông mô tả tâm trạng và khí phách của con người khắc kỷ luôn luôn kiêu hảnh, thản nhiên chấp nhận đau thương không một lời than vãn trước mọi nghịch cảnh của cuộc sống. Trong tập thơ Les Destinées (Những Số Mệnh) có bài thơ La Mort du Loup Cái Chết Của Con Chó Sói, được học giả Hoàng Xuân Việt dịch ra tiếng Việt và đăng trong thi tập Cụm Hoa Tình Yêu 10 04 do Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại xuất bản năm 2004. Nhà thơ kể lại chuyện một buổi đi săn đêm, bắn và đâm chết con sói, nhưng nó không hề kêu một tiếng khi lìa đời. Ý thơ tập trung rất rõ rệt vào đoạn cuối bài thơ tám mươi tám câu, nói lên bài học đạo lý do con sói dạy qua những câu thơ đầy khí phách có dụng ý xác định một thái độ đối mặt trước tử thần, nhưng cũng đối mặt trước cả cuộc sống. Cái chết cao thượng của sói đã biến con mồi săn bắn thành mẫu mực phẩm cách khiến kẻ đi săn bẻ bàng hổ thẹn.
Quanh thân sói thành vòng cung lửa đỏ
Sói cứ nhìn chăm bẳm thẳng chúng tôi
Rồi từ từ nó quỵ xuống kiệt hơi
Thè lưỡi liếm máu đào tuôn quanh miệng
Nông nổi ấy nó không màng nghĩ đến
Coi thân mình sẽ chết cách nào đây
Mắt nó đời khép lại quá bi ai
Sói tắt thở không rên la gì cả.
Trong hoàn cảnh cô độc, ý thơ được biểu hiện qua cánh cò, qua chim nhạn lẻ loi lạc loài. Nó không mang tính suy tưởng triết lý, ý thơ chỉ là một dòng xúc cảm của tác giả tức cảnh mà sinh tình. Đỗõ Phủ trong bài Cô Nhạn, viết :
Nhạn lạc không ăn không uống,
Vừa bay vừa kêu nhớ đàn.
Ai là người thương chiếc bóng,
Mất hút giữa ngàn mây.
Nhìn theo còn thấy vết,
Quặn đau như nghe tiếng.
Quạ hoang đâu đâu hiểu được,
Chỉ biết kêu quàn quạc ."
Nhà thơ trình bày ý thơ qua con nhạn lạc bầy vì thương nhớ nên không thiết gì ăn uống, vừa bay vừa kêu tưởng là bắt được đàn hóa ra sự thật chỉ là tiếng kêu của chính mình vọng lại khiến con quạ cũng buông tiếng bàng hoàng. Tứ thơ biểu hiện được tình cảnh đáng thương của kẻ " sẫy đàn tan nghé". Ý thơ phát sinh từ nỗi niềm cô đơn, quạnh hiu, u tịch trước cái bao la mênh mông của vũ trụ.


Cũng cùng một ý thơ trên, nhà thơ Tom Goff, Sacramento (tam ngữ CHTY4 04 tập 2/2), trong bài American River Nightfall Hoàng Hôn Trên Sông American River ( Như Hoa phỏng dịch ) đã mô tả cảnh hoàng hôn trên sông American River trong một vùng trời hoang dã tĩnh lặng. Thỉnh thoảng chiếc vòng quay ngăn đập nước và những cơn gió rít mạnh đã phá tan cái tĩnh mịch trầm lắng đó. Chính cái trầm lặng sâu kín của cảnh vật vào lúc trời đất đang chìm dần trong cảnh hoàng hôn đã làm nổi bật những âm thanh bất ngờ đó. Và một cánh cò lạc bầy lẻ loi đơn độc âm thầm bay ngang qua dòng sông trong cảnh tranh tối tranh sáng của buổi hoàng hôn đã phụ họa với cái cảnh u tịch bí mật của đất trời. Mấy nét chấm phá, một vài chi tiết bâng quơ, riêng rẻ tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng kết hợp lại thì chúng dâng trình lên cho độc giả cảm nhận đầy đũ nỗi sầu thăm thẳm cũng như niềm cô quạnh mênh mông trong đó tác giả đang đắm chìm.
"Tới dòng sông vừa lúc trời chạng vạng
Vẫn kịp giờ thưởng thức cảnh trăng thanh
Mặt nước chiếu long lanh vầng nguyệt bạch
Biến dạng đi hình ảnh bóng chị Hằng.

Và khuấy vở đôi bờ dòng yên tịnh
Ánh trăng chìm dưới mặt nước lung linh
Con nước bạc xoáy tan vùng trắng xóa
Ánh trăng ngà bàng bạc khắp thinh không.
…..
Những thân sồi chắn ngang làm cửa đập
Phát tiếng lớn khi vòng quay di chuyển
Âm vang vọng theo từng cơn gió giật
Một cánh cò bay trĩu nặng ưu phiền."
Ngoài tứ thơ, một yếu tố khác không kém phần quan trọng. Đó là nhạc trong thơ. Thơ phải có nhạc mới thành thơ. Paul Verlaine (1884 1896), nhà thơ người Pháp, chủ trương đề cao tột bực nhạc tính trong thơ. Paul Verlaine tuyên bố: "De la musique avant toute chose. De la musique encore et toujours!" Thơ phải có nhạc tính trước đã, thêm nhạc tính nữa, và cứ như thế mãi mãi. Bài thơ Chanson d'Automne thể hiện rất rõ nét nhạc tính của thơ Paul Verlaine, khi đọc lên chúng ta nghe như một làn sóng âm thanh nhẹ nhàng rung động thoáng qua:
"Les sanglots longs
Des violons
De l'Automne
Blessent mon coeur
D'une langueur
Monotone."
Chúng tôi xin tạm dịch:
"Tiếng vĩ cầm ai
Nức nở hoài
Mùa Thu
Nhức nhối tim ta
Nỗi sầu tư
Tẻ nhạt."
Thông thường bài thơ viết ra mong được chuyển tải đến người đọc. Giữa tác giả và độc giả có sợi dây giao cảm vô hình ràng buộc. Người đọc thơ vốn đã mang sẵn hồn thơ nơi mình rồi. Người thi sĩ, qua chất xúc tác là bài thơ, phải khêu gợi mãnh liệt và đánh thức dậy cái hồn thơ ẩn náu nơi người đọc. Bài thơ nào không đóng được vai trò xúc tác trên đây thì đương nhiên là một bài thơ thất bại. Người làm thơ thành công dường như bao giờ cũng phải là người có nhiều bạn đọc. Một bài thơ, một bản nhạc được nhiều người yêu chuộâng tất sẽ thành công.
Trong nghệ thuật không hề có niềm tự hào vô lối. Sự sáng tạo nào cũng phải bắt nguồn từ một gia sản có tính truyền thống. Nghĩa là tất cả đều có cội nguồn. Nó khởi đi từ truyền thống cũa ngôn ngữ. Có người muốn sáng tạo ra những điều mới lạ, nhưng cuối cùng cũng chỉ là sự ghép chữ tạo vần có khi làm người đọc khó hiểu, khó mở rộâng được thi cảm nơi người đọc đối với bài thơ.
"Văn mình vợ người". Không ai cho thơ mình là dở cả. Nếu có bị phê bình thì không vui và có khi nổi giận. Trên mười năm biên tập Cụm Hoa Tình Yêu (HTTTVNHN), chúng tôi đã gặp phải nhiều trường hợp khó xử trí. Nhưng chính nhờ đó mà chúng tôi học hỏi được nhiều điều hữu ích. Xin đừng bao giờ phê phán hay sửa thơ người khác, điều này va chạm lòng tự ái, và bởi vì chính mình cũng có lúc sai sót. Nên nghĩ rằng bài thơ nào cũng hay cả, vì đó là tấm lòng, là tâm hồn, là cảm xúc mà người viết mượn chữ nghĩa để ghi lại trên trang giấy. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta không dám góp ý với nhau trong tinh thần hiểu biết và xây dựng. Xin hiểu cho rằng sửa thơ và góp ý là hai điều hoàn toàn khác nhau. Tôn Tử có dạy: "Người khen ta mà khen phải ấy là bạn ta. Người chê ta mà chê phải ấy là thầy ta." Có giai thoại kể rằng một nhà thơ nọ được người bạn sửa cho một chữ trong bài thơ của mình làm nó trở nên hoàn hảo, ông liền đề nghị người bạn cùng đứng tên đồng tác giả bài thơ đó.
Nhà thơ Bùi Giáng từng nói: "Thơ không có biên giới, không có thời gian không gian nào giới hạn thơ. Chỉ có thơ hay và thơ không hay hoặc chẳng hay. Nhưng làm sao phân biệt được cái hay và cái chẳng" Ông trời xanh chắc cũng phải lắc đầu trước câu hỏi đó."
Để kết luận, và cũng để vinh danh cái đẹp vĩnh hằng của thơ, chúng tôi xin nhắc lại lời của thi hào Tagore (1861 1941) khi ông nói về tình yêu trong vai tuồng đáp ứng nhu cầu nhân bản: 'Thơ ca ngợi tình yêu sẽ làm cho linh hồn nở hoa dưới địa ngục và thơ cổ xúy hận thù sẽ làm cho linh hồn khô héo ở thiên đường".
Như Hoa Lê Quang Sinh
(Dallas, Hè 2005)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.