Hôm nay,  

Xem Hò Bá Trạo Ở Lễ Cúng Nam Hải Đại Tướng Quân

25/01/200600:00:00(Xem: 5730)
- (Viết tặng Ngọc An và Trầm Kha)

Bình Thuận là một tỉnh quan trọng và nổi tiếng nhất nhì trong nước về ngư nghiệp, làm muối và chế tạo nước mắm. Với hơn hai trăm cây số miền biển chạy dài từ mũi Cà Ná vào tới Cù Mi, có nhiều xóm chài, làng cá và ngư cảng như La Gàn, Long Hương, Phan Rí Cửa, Mũi Né, Phú Hài, Phan Thiết, LaGi.. đâu đâu cũng có miếu, chuà, lăng, dinh, vạn.. lớn nhỏ thờ cúng ông Nam Hải. Đây là một tín ngưởng dân gian chung của ngư dân từ phiá nam đèo ngang vào tới Cà Mâu, Hà Tiên, Phú Quốc, đâu đâu cũng thờ cúng Ông rất long trọng.

Tại Bình Thuận việc cúng kiến Ông không thống nhất ngày tuy rằng tất cả các vạn chài đều noi theo cổ tục có từ ba trăm năm trước, đó là 'nhất niên, tứ lệ' gồm có lệ ra nghề, lệ cầu ngư, lệ chèo dọc và ngày ví Ông. Nói chung tất cả các vạn chài lớn ở Phước Thể, Phú Quý, Long Hương, Phan Rí Cửa, Mũi Né, Phú Hài, LaGi và Phan Thiết đều tổ chức lệ cúng Ông vào những ngày đầu xuân rất long trọng nhưng vui nhộn và lớn nhất xưa nay vẫn là vạn Thủy Tú tại Đức Thắng, Phan Thiết lớn nhất tỉnh. Vạn này thành lập lâu đời từ thời Cảnh Hưng, đã có 30 bằng sắc do các vị vua triều Nguyễn ban tặng và quan trọng nhất là hiện còn lưu giữ được nhiều ngọc cốt hơn 100 năm qua.

Trong nghi lễ cúng kiến Ông hằng năm, ngoài xô giàn, hát bội, hò bá trạo còn có cuộc đua thuyền giữa các vạn chài trên sông Mường Mán. Hò bá trạo là nét đặc trưng của ngư phủ Thuận Hoá, đã được dân chài các tỉnh duyên hải miền Trung mang vào Bình Thuận qua cuộc nam tiến. Đi xem hò bá trạo của đội chèo Đức Thắng, trong dịp cúng ông đầu xuân, cho ta cảm giác như đang xem một vở tuồng trên sân khấu với đầy đủ cốt chuyện, tuồng tích, y trang và âm nhạc qua sự trình tấu của các diễn viên thật vui nhộn, hấp dẫn nhưng không kém phần trang nghiêm, cảm động.

1-CÁ ÔNG, NAM HẢI CỰ TỘC NGỌC LÂN THƯỢNG ĐẲNG THẦN

Theo nhận xét của một học giả người Pháp tên Gamichon trên tạp chí Indochine, thì sự phù hộ của cá ông đối với ngư dân là điều không một ai dám phủ nhận. Sự kiện cá ông cứu người không riêng gì ở Việt Nam mà phương tây cũng từng đã xảy ra. Theo Hérodote, một sử gia Cổ Hy Lạp, thì Arlon, nhạc sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng Hy Lạp, bị quân cướp vứt xuống biển nhưng được cá ông cứu sống chở vào bờ. Thật ra trải qua hằng ngàn năm không có một loài vật nào kể cả khủng long, đã đem lại sự tưởng tượng phong phú cho con người bằng cá ông (cá voi). Với danh hiệu vua của đại dương, cá ông đã tạo nên những thành tích kỳ bí, nhiều hiện tượng huyễn hoặc, được người đời sùng bái và cúng kính như một vị thượng đẳng thần. Cá ông trong khi vô cớ bị tấn công, với kích thước khổng lồ, sức mạnh vô địch, ông chỉ cần một cú vẫy đuôi cũng đủ làm tan gan, bể mặt bọn săn cá đang hiện diện chung quanh.

Cá voi thuộc loài hữu nhũ, có nguồn gốc gần gũi với con người và lạc đà hơn họ cá nhưng tới nay sự hiểu biết về xuất xứ của loài này, đối với các nhà nghiên cứu vẫn còn rất mù mờ. Theo khoa học, cá voi thuộc loài lưỡng thể mà tổ tiên phát xuất từ loài thú Mésonya có móng vuốt ở chân như chó sói. Loài thú này cách đây hơn 50 triệu năm sống trong những miền đầm lầy trên cạn sát các bờ biển Á, Phi. Thế rồi theo đà biển xâm thực đất liền, loài thú trên cũng phải thay đổi tập quán để thích nghi cuộc sống. Do trên, thân thể cũng phải biến dạng theo môi trường mới, mình dài hơn trong lúc tứ chi teo lại thành vẩy (vi), còn da thì có thêm lớp mở dầy bao bọc để bảo vệ cơ thể. Mắt mũi cũng biến đổi cho phù hợp với cuộc sống ngâm mình trong nước. Sự thay đổi trên phải kéo dài hàng triệu năm mới được như ngày nay. Vì là loài lưỡng thể, cá voi có thể rời biển lên cạn để giao phối và sinh con.

Hiện họ cá voi có hai nhóm chính: lớp cá voi có răng và lớp cá voi sừng hàm. Cá voi có răng mà đại diện là cá voi xanh có chiều dài gần 30m, nặng trung bình trên 150 tấn, hiện là loài động vật lớn nhất hoàn cầu. Răng của cá voi có kích thước đồng nhất dùng để săn mồi. Cá voi sừng hàm không có răng nhưng được thay tế bằng các tầng sừng dính vào hàm trên, có tác dụng lọc lấy thức ăn trong nước. Nhờ vậy khi cá voi sừng hàm hớp vào miệng một lượng biển, sừng hàm sẽ giữ lại ruốc, mực, tôm cá , còn nước biển được tống khứ ra ngoài.

Vì thân thể to lớn nên cá voi bơi lội rất chậm và lặn sâu chừng 100m nhưng trong nửa giờ lại phải ngoi lên mặt nước để thở hít chừng 4 tới 5 phút. Đây là sự bất hạnh và khuyết điểm của cá voi vì càng có mặt trên sóng nước, càng để lộ mục tiêu cho bọn săn cá voi đến sát hại và ngày nay loài vật hiền lành này có nguy cơ bị diệt chủng. Để cứu nguy, tổ chức săn cá voi quốc tế IWC (International Whaling Commission) đã quyết định đưa danh sách cá voi vào hàng ưu tiên cần được bảo vệ. Nhưng dù đạo luật đã được biểu quyết thi hành vào năm 1976 nhưng các nước Tích Lan, Na Uy và nhất là Nhật Bản vẫn ngoan cố tiếp tục săn cá voi. Hậu quả vô nhân đạo trên, khiến chính người Nhật với 80% theo Phật giáo cũng lên án đã kích bọn săn cá voi Nhật. Dù có kích thước khổng lồ, sức mạnh vạn năng nhưng tâm tư bồ tát hiền lành nên cá voi được nhiều hãng du lịch Mễ, Mỹ chọn làm đối tượng để câu dụ khách. Nhiều chuyến tổ chức bằng thuyền tàu đưa du khách tới tiếp xúc với cá voi ngay trên mặt biển hoặc sát bờ. Tại Maui thuộc Hạ Uy Di (Hoa Kỳ), cá voi hàng đàn kéo về sinh đẻ từ tháng giêng tới tháng 5 dương lịch, du khách có thể chứng kiến từ trên bờ, cảnh cá voi phun nước hay đùa giởn trên mặt biển.

Khi bơi, cá voi tạo được một lực đẩy chừng 500 mã lực và nhờ bộ vẫy đuôi dựng đứng như đuôi tôm với diện tích bao quát 10m2, cá voi có thể đổi thay tư thế bơi lội cũng như chuyển hướng và vượt qua sóng dữ một cách dễ dàng. Đặc biệt cùng họ, có cá voi mũi khoắm, hiện giữ chức vô địch thế giới về lặn sâu 200m. Cá voi có một lỗ đạo nằm trên đỉnh xương sọ cũng là vòi phun nước. Lổ đạo ăn thông với xương mũi và được đậy lại khi cá voi lặn. Luồng nước mà cá voi phun ra là một hổn hợp gồm có nước, khí, chất nhầy từ phổi và dầu chứa trong hốc mũi. Chính sự phun nước làm cá voi có khứu giác rất kém nhưng ngược lại thính giác của cá voi có thể phóng ra những sóng âm thanh để định hướng, rà đường nhờ vậy cá voi đi đi về về những lộ trình quen thuộc xa hằng ngàn cây số mà không hề bị lạc. Ngoài các đặc điểm kể trên, có nhiều loại cá voi như cá voi xanh chẳng hạn, với tiếng kêu chỉ ở tầng số thấp đã lên tới 188 decibel (đơn vị đo độ ồn), kéo dài chừng nửa phút, tương đương với giọng opéra mạnh nhất của con người, hay giọng kêu the thé của loài cá voi lưng gù kéo dài chừng 10 phút, khi muốn tỏ tình với bạn gái trong mùa giao phối. Những âm thanh trên đối với người đi biển vẫn là những tiếng hát tuyệt vời trong cõi muôn trùng.

+ NAM HẢI ĐẠI TƯỚNG QUÂN:

Với người Việt Nam có sự phân biệt rõ ràng giữa cá voi và cá ông, cũng như quan niệm 'tại bắc vi ngư, tại nam vi thần'. Theo các bậc lão thành vùng duyên hải thì cá voi đuôi chỉ có hai chia, còn cá ông tức 'Nam Hải Đại Tướng Quân' thì đuôi như đuôi tôm có ba chia, da láng bóng như lãnh, khi chết không có mùi dù để lâu ngày, đặc biệt ruồi kiến không dám bén mảng tới. Cá ông đã đi vào huyền thoại của ngư dân Việt Nam như một vị ân nhân độ mạng. Để tỏ lòng tôn kính, mọi người không dám gọi cá ông là cá mà kêu là ông khơi, ông lộng, ông kìm, ông chuông, ông thông, ông máng, ông bèn.. Tôn kính cá ông khi sống, lúc ngài bị lụy (chết), ngư phủ nào gặp ông đầu tiên phải thọ tang ba năm và ông được chôn cất rất trọng thể với sự lo liệu của vạn chài tại địa phương. Mộ phần của ông tuỳ theo hình dáng ngắn, dài, to hay nhỏ, có thể tống táng trong khuôn viên trong dinh vạn hay neo xác trong vòng đăng cạnh bờ. Sau ba năm mãn tang, các vạn chài làm lễ đưa ngọc cốt vào thờ trong dinh vạn để phụng thờ. Đến các ngày lễ hay khi biển mất muà, ngư dân đem ngọc cốt ra rửa bằng rượu, phơi nắng rồi đưa vào tẩm như cũ.

Theo Việt Sử, qua Gia Định Thành Thông Chí số 49, vào tháng 2 âm lịch, năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn vương Ánh trong lúc đang chỉ huy quân vây hảm thành Bình Thuận thì bị Thủ quân của Nguyễn Huệ từ Bình Định vào đánh đuổi. Nguyễn Ánh thua trận phải bôn tẩu về phương nam, sau lưng là quân Tây Sơn truy sát. Lúc thuyền hai bên gặp nhau tại giang khẩu Soi Rạp, giữa tỉnh Gò Công - Gia Định, thì bảo tố nổi lên dữ dội, thuyền Tây Sơn bị đắm chìm rất nhiều, trong lúc đó thuyền chở Nguyễn Ánh cũng bị nguy khốn sắp lật thì có một cặp cá ông đỡ và dìu thuyền bình an vào tận bờ thuộc điạ phận làng Vàm Láng, tổng Kiếng Phước, tỉnh Gò Công. Sau khi thống nhất được đất nước và lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã truy phong cho cá ông tước Nam Hải Đại Tướng Quân, Cự Lộc Ngọc Lân, Thượng Đẳng Thần và gởi cho các làng xã lân cận nơi chiếc thuyền bị nạn được cứu năm đó các bằng sắc phong thần tại Cần Giờ (Gia Định), Kiểng Phước (Gò Công) và Vũng Liêm (Vĩnh Long). Nhà vua cũng ra lệnh các địa phương cất dinh vạn thờ phụng cá ông. Từ đó suốt miền duyên hải Trung phần từ phía nam đèo Ngang trở vào đều thờ cúng ông. Tại miền Bắc Việt Nam vì chịu ảnh hưởng và văn hoá Tàu nên người Việt không tin cá ông, chỉ riêng tại Đồ Sơn (Kiến An) ngư dân vẫn chôn cất cá ông khi bị lụy mặc dù không cúng kiến.

Đối với Phật giáo, cá ông là hiện thân của Phật bà Quan Âm, vị Phật nhân ái hiền từ, chuyên cứu khổ, cứu nạn nhân loại. Đức Quan Âm một lần tuần du trên Đông Hải, cảm động trước cảnh chết chóc của thế nhân vì thủy tai, bảo tố nên ngài đã xé manh áo cà sa của mình thành trăm mảnh, ném xuống mặt biển biến hoá thành đàn cá voi, ban cho thân thể to lớn và phép thâu đường để cá ông có sức mạnh vạn năng và bơi lội nhanh lẹ hầu cứu giúp con người khi bị lâm nạn. Cá ông thích ăn cá mòi, mực và ruốc có nhiều tại miền biển Bình Thuận, nên vùng biển này cũng có nhiều cá ông xuất hiện. Ngoài bốn vạn lớn Thủy Tú, Nam Nghĩa, Hiệp Hưng và Hưng Long tại Phan Thiết, khắp tỉnh Bình Thuận hầu như nơi nào cũng có dinh vạn thờ cá ông.

Song song với sự thờ cúng ông Nam Hải, ngư dân còn tin thờ hay kính nể một vài loài thủy tộc có liên hệ tới đời sống hằng ngày của họ khi hành nghề trên mặt biển như:

+ Cá Đao: hay tả hữu tướng quân, là một loại cá lớn, xương cứng, mỏ dài gần 2m, răng bén nhọn ló ra ngoài, thường thấy kế cận bên cá ông.

+ Cá Ông Sưá: cũng rất to lớn, đuôi đứng như tôm không có lỗ đạo trên đầu nên miệng luôn hả ra, mình có bông. Cá ông sứa hiền lành, không hại ai, hiểu tiếng người và thường cứu giúp kẻ bị nạn.

+ Bà Tím hay Đệ Bát Thánh Phi Phu Nhân, cũng là Công Chúa Thủy Tề, một loài rùa biển to lớn, có hình dạng và sắc thái ghê rợn. Bà Tím thuộc loại linh quy, có 15 vãy trên mu, bốn chân hình rẽ quạt, đầu phụng có mồng, mỏ nhọn màu đỏ, cổ vàng có hầu, mắt như mắt người. Bà Tím đẻ trứng trên cát sau 100 ngày trứng nở thành cô cậu, tự động mò về biển. Thờ cúng bà Tím cũng là một tín ngưởng lâu dài của ngư dân và đến nay chưa một ai dám xúc phạm đến bà.

+ Ông Nược: Cùng loại với cá ông nhưng nhỏ hơn, đầu tròn, đuôi như đuôi tôm, lưng đen, bụng trắng có vú. Ông nược hiền lành, thích ăn mực, giúp đở người bị nạn, thường nhào lộn trên mặt biển đua chơi với ghe thuyền.

+ Các loại Đẻn (Rắn biển):

Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay hiểu biết rất mù mờ về laọi rắn biển mà người Việt gọi là đẻn. Sự tàn độc của chúng khiến cho đến lúc chết, cũng không có một loài cá hay động vật nào dám ăn thịt chúng. Nhân lọai hiện nay vẫn chưa chế được loại huyết thanh trị liệu nọc độc của loài đẻn.

Rắn biển thuộc họ rắn hổ mang trên cạn, tên khoa học là Hyphophidoe gồm nhiều nhánh có nọc độc vô địch trong ngành động vật có xương sống. Nạn nhân bị đẻn cắn không thấy đau đớn nhưng chỉ vài giờ sau, nọc độc làm tê liệt thần kinh, gây chứng co giật, phổi bị ép và chết. Theo thống kê hiện có khoảng 50 loài rắn biển, đa số sống ở nam Thái Bình Dương và quanh bờ biển Úc Đại Lợi. Một vài loại sống tại biển Nhật cũng như trong vịnh Ba Tư và cả kênh đào Panama (Trung Mỹ). Vì sống trong biển nên đẻn có cách cấu tạo đặc biệt hơn rắn hổ mang, đuôi trở thành dẹp giống như một bánh lái để rắn biển tự điều khiển khi bơi lội. Mũi đẻn nằm ngay trên miệng thay vì ở hai bên như rắn đất liền, có nắp đậy kín khi lặn, bụng cũng nhỏ hơn, có một cái tuyến đặc biệt giúp đẻn thải chất muối khi uống nước biển. Như rắn trên cạn, đẻn chỉ có một lá phổi rất lớn, một phần phổi dùng để lọc ôxy, có một cái túi nhỏ trong buồng phổi chứa không khí.

Tại vùng biển Bình Thuận nhiều nhất là Phan Rí, Phan Thiết có nhiều đẻn, nọc rất độc, cắn ai chết nấy vì vậy ngư dân cũng rất nể sợ tuy không thờ cúng:

BÀ MỘC hay MỘC TRỤ THẦN XÀ: loại đẻn dài cở thước mộc (0,40m), mình dẹp, lưng đen, miệng đỏ, đầu có chử nhâm.

BÀ LẠCH: loại đẻn đầu có mồng và chữ nhâm.

ÔNG HÈO: dài từ 2 tới 3m, mình tròn, màu vàng nhạt có lằn đen trên lưng, đầu có chữ nhâm, nọc độc vô cùng kinh khiếp, mổ vào người chết ngay tại chổ.

CÔ HỒNG: hay Bát Bửu Công Chuá, loại đẻn nhiều màu, đầu có mồng.

Tóm lại tất cả các loại đẻn đều hung ác, hay cắn người, ai thấy cũng nể sợ cho nên ngư dân đã nghĩ rằng chúng là hiện thân của thần linh, có nhiệm vụ hành xữ những kẻ phạm tội. Ngoài những linh vật kể trên được thờ cúng hay nể sợ, ngư dân còn thờ cúng thêm Hội Đồng Thần Linh vô hình gồm có Long Vương, Hà Bá, Bà Chúa Xứ, Chúa đảo và cô hồn các bác, là những oan hồn uổng tữ chết vì thủy nạn.

2-XEM HÒ BÁ TRẠO TRONG LỆ CÚNG ÔNG:

Từ phía nam Hoành Sơn vào tới Bình Tuy đều có Hò bá trạo. Đây là loại hát chèo mang tín ngưởng dân gian, phản ảnh những sinh hoạt của ngư dân hành nghề trên sóng nước. Hò bá trạo hay bả trạo cũng là một nghệ thuật sân khấu bình dân, tổng hợp nhiều thể điệu dân ca như hò, vè, lý, hát tuồng, nói lối. Các diễn viên vừa ca ngâm, vừa thủ bộ giữa hoạt cảnh tưởng tượng nên rất sôi động và hấp dẫn.

Phát xuất từ trấn Thuận Hóa, người Việt theo chân đoàn quân nam tiến của các chuá Nguyễn định cư khắp miền duyên hải. Một số sống bằng nông nghiệp ruộng vườn nhưng phần lớn làm biển. Thuở đó, phương tiện đánh cá rất eo hẹp, dụng cụ còn thô sơ, vùng biển Nam, Ngải, Bình, Phú thường bị bão tố giông mưa, cho nên số người sống nghề đạm bạc chết chóc thường xuyên. Quả thật, người Việt lúc đó cảm thấy rất bơ vơ lạc lõng trước cảnh trời nước, biển cả mênh mông to lớn, nên lúc nào cũng sợ hải rồi tưởng tượng chung quanh có một lực lượng vô hình đang chờ chực, chờ ám hại. Do ý tưởng trên, họ cúng vái thần linh để cầu mong che chở, hộ trì và từ đó, hò bá trạo ra đời với nội dung ca tụng ân đức nghìn trùng của Nam Hải Đại Tướng Quân, ân nhân thường xuyên cứu mạng ngư phủ trên biển đông. Ngoài ra hò bá trạo cũng là phương tiện để chuyên chở, cứu vớt những hồn oan đang xiêu lạc trên sóng nước, đưa họ về cõi siêu sinh tịnh độ. Về hình thức, đội hò bá trạo mô phỏng theo sinh hoạt của một chiếc thuyền chài với đầy đủ các thành phần gồm tổng hậu tức chèo dọc, người điều khiển con thuyền, tổng mũi hay tổng tiền, tổng thương có bổn phận trước mũi thuyền, tổng khoang phụ trách buồm giữa và tát nước, tổng khậu lo việc chợ buá, bếp núc và các ba trạo. Về văn bổn, các đội bá trạo không thống nhất vì nguyên bản đã trải qua hằng trăm năm, nên thành tam sao thất bổn nhất là những từ ngữ Hán Việt. Riêng Bình Thuận cũng không tránh được tình trạng trên cho nên các địa phương đều có sự dị biệt trong văn bổn xữ dụng, chẳng hạn đoàn chèo Thạch Long (Mũi Né) đã dùng văn bổn có tới 800 câu. Trong số các văn bản Hò Bả Trạo, bản của tác giả Lê Ngọc Yến,rất được thông dụng và ưa thích. Ông tuy sinh quán tại Quảng Nam nhưng vào lập nghiệp ở Mũi Né, Bình Thuận lâu đời, là một cư sĩ Phật Giáo,thông Nho học, lại rất am tường hầu hết các thể loại chèo của Miền Trung, vì vậy ông đã tổng hợp được bản chèo nổi tiếng hiện nay tại Bình Thuận.

Những năm cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, các ngành nghề thuộc giới ngư nghiệp luôn trúng mùa, nên các vạn chài trong đó có vạn Thuỷ Tú luôn tổ chức lệ cúng Ông rất long trọng và linh dình. Lễ hội kéo dài tới ba ngày với các nghi thức cổ truyên như xô giàn, hát bội, hò bá trạo và đua thuyền. Như thông lệ, mở màn cuộc tế lễ là nghi thức cung nghinh Nam Hải Đại Tướng Quân và Chư Thủy Thần, từ cửa Thương Chánh về Dinh. Đám rước ông thật long trọng với kiệu lọng, cờ quạt và đội hò bá trạo phường Đức Thắng. Một chiếc ghe chài được trần thiết rực rỡ với bàn thờ, nhang đèn và tam sanh lễ vật mà đặc biệt là một con heo quay, đậu sẵn tại bến Cồn Chà để chuyên chở đoàn rước trên ra biển, cung nghinh ông về dinh. Trên đường về, dọc theo bến Ngư ông, đội chèo liên tục trình diễn để đưa linh. Người chủ xướng vừa nhún nhẩy theo điệu bộ, vừa gõ sanh và hát:

'..khi ông đã lụy vào bờ

ta mau tới chèo sô ít nhịp

tôi xin kể tiếp ân đại của ngài

cứu chúng sinh chẳng bỏ một ai

dầu nát thịt không nài gian khổ..'

Tiếng trống lớn, trống con hoà nhịp với tiếng đàn bầu réo rắt, giọng sáo nĩ non và những âm thanh trầm bổng của đội chèo, quyện theo cờ quạt, tán lộng, y trang của diễn viên, quần áo của đoàn người đi theo đám rước, xa trông như áng mây ngũ sắc, phủ rợp xuống cõi nhân thế đang hưởng cảnh an lạc thái bình.

Quang cảnh Vạn Thủy Tú hôm đó thật vui nhộn, đâu đâu cũng đầy ắp người từ trẻ con cho tới người lớn, cũng không thiếu bóng nam thanh nữ tú. Chẳng riêng gì người Phan Thiết mà dân chúng ở các vùng lân cận Long Hương, Phan Rí, Mũi Né, La Gi.. cũng tuôn về trẩy hội. Hầu như ai nấy đều hớn hở theo những hồi trống ngũ liên đang vọng ra từ trong dinh cùng với hàng cờ đuôi nheo bay phất phới trước gíó biển. Đối với dân chúng địa phương, những ngày cúng ông thật thiêng liêng trọng đại, cũng là dịp vui chơi hiếm có vì qua các ngày lễ, tha hồ được ăn uống, cờ bạc công khai, được xem hát bội, hát chèo là những thú vui của người miền biển mỗi năm chỉ được tổ chức một vài lần mà thôi. Trong dinh đèn đuốc sáng choang, linh vị của các ngài được đặt trên bàn thờ sắc do các vị vua triều Nguyễn ban tặng và quan trọng nhất là hiện còn lưu giữ được nhiều ngọc cốt hơn 100 năm qua.

Về nghi lễ cúng kiến Ông hằng năm, ngoài xô giàn, hát bội, hò bá trạo còn có cuộc đua thuyền giữa các vạn chài trên sông Mường Mán. Hò bá trạo là nét đặc trưng của ngư phủ Thuận Hoá, đã được dân chài các tỉnh duyên hải miền Trung mang vào Bình Thuận qua cuộc nam tiến. Đi xem hò bá trạo của đội chèo Đức Thắng, trong dịp cúng ông đầu xuân, cho ta cảm giác như đang xem một vở tuồng trên sân khấu với đầy đủ cốt chuyện, tuồng tích, y trang và âm nhạc qua sự trình tấu của các diễn viên thật vui nhộn,

hấp dẫn nhưng không kém phần trang nghiêm, cảm động.

nghĩa anh linh, ngài bảo hộ muôn dân.

trước cúc cung bái yết thánh thần.

sau lễ nhạc nguyện cầu ân đức..'

Mỗi người đều lạy bốn lạy và lại trở ra sân trước để bắt đầu vào tuồng. Hoạt cảnh trên sân khấu lộ thiên được tưởng tượng qua sự giới thiệu của người chủ xướng, đó là một chiếc thuyền đang dong ruổi ngoài biển khơi. Lúc này các bá trạo đều gay chèo hợp hát với tổng hậu, tổng thương qua các thể điệu xướng, xô, hò, hát lý tang tình. Lớp trình diễn này mục đích tạ ơn đức của ông Nam Hải đã mang lại cuộc sống ấm no cho ngư dân. Do trên lời văn và diễn xuất thật trang nghiêm nhưng cũng không kém phần trữ tình và cảm động. Vì hát bả trạo cũng là một nghệ thuật sân khấu nên cũng đủ các màn hĩ, nộ, ái, oán. Nhân vật thủ vai hề trong tuồng chính là tổng khậu:

'..như tôi đây, đầu đội thúng, chân đi, tay ngoắc

cô nào bán thịt bò, mấy cắc cũng mua

rượu ngon bán lấy một vò

trầu cau thuốc giấy mua cho đủ tiền..'

Thế rồi trời đang sáng sủa, sóng êm biển lặng bỗng dưng nổi cơn bão tố bất chợt. Đây là hoạt cảnh vật lộn giữa con người bé nhỏ và thiên nhiên to lớn để cầu sinh. Lời ca diễn của đoàn hát cũng là những phản ảnh của khán giả, gợi lên cảm giác thân thương và tình cảm thật mặn nồng, càng khiến cho con người thêm gắn bó với quê hương và biển cả:

'..ủa lạ, trời giông nên mới chớp lòa

nhìn biển lặng phát đâu đà nổi sóng

bớ đà trưởng, gióng gióng, bớ đà trưởng

vói nhìn bốn phương rối mù mịt

nhìn bốn hướng sóng xô đè dẹp

nổi sấm sét khi lòa khi chớp

mà nhìn núi non khi mất khi còn

mưa giông dài từ mũi nhỏ cho tới núi ông

mây đen nghịt từ cú con đến hòn lớn

Mưa Phan Thiết mưa ra ghềng Trọc..'

Đoạn này diễn rất sôi động qua các động tác của tổng hậu từ lệnh kéo neo, hạ buồm, để đổi hướng con thuyền. Tổng khoan, tổng hậu vừa run rẩy tát nước, vừa trở buồm cùng toàn thể trạo động chèo. Lớp này toàn đội hát nam, hò khoan, hò ngợi, hò mái nhất.. Tiếng hát, nhịp chèo phù hợp với hoàn cảnh đang lúc nguy cấp qua sự biến đổi của hình đội rộn ràng, dồn dập. Cuối cùng toàn đội cất cao tiếng hát thỉnh ông Nam Hải và các chư thần khuất mặt độ mạng Rồi thì bể lặng sóng yên, buổi trình diển được kết thúc:

'hầu thần nay đã mản nguyện

thuyền lui về đã tới giang biên

truyền bá trạo lui ghe bái tạ..'

Nhìn cảnh các bá trạo xếp chèo, chấm dứt buổi trình diễn đang lúc hào hứng làm mọi người ai cũng luyến tiếc vì thời gian quá ngắn ngủi, thôi đành chờ tơí năm sau.

Thật là:

'mãn mùa cá nục xa chà

bạn thì xa chợ, anh mà xa em.'

Nhưng hội vẫn tiếp diễn với lễ xô giàn, cúng cô hồn. Ngoài các sư sải chuông mỏ tụng kinh trước một cái giàn thật cao trên đặt nhiều cộ bánh đủ loại, đủ màu có cả vàng mả, gạo muối. Đội chèo lại đến hát cầu siêu cầu hồn những vong linh uổng tử, đã chết thảm thê nơi đất khách quê người:

'mau chỉnh tu bát nhả từ thuyền

đưa ân linh chớ có nại phiền

qua khổ hải để thoát vòng nghịch kiếp..'

Tụng kinh và chèo hát gần tiếng đồng hồ thì mới xô giàn. Mọi người mà phần đông là trẻ con chen lấn dành giựt cướp bánh trái gạo muối rất vui vẽ. Bắt đầu từ lúc này, ban hội tề bắt đầu xây chầu hát bội trước sân khấu lộ thiên bằng gạch xây sẵn trước cửa chùa. Các gánh hát tới giúp vui trong lệ cúng hoặc là mướn hẳn từ Sài Gòn về hay tới hát ăn tiền thưởng. Các vị chức sắc, đại diện chính quyền địa phương đều được mời cầm chầu. Tiền thưởng căn cứ theo tiếng trống và các thẻ nhỏ, lớn đã định sẵn đơn vị tiền bạc. Đối với khách mộ điệu, bậc văn nhân tài tử thì một điệu bộ đúng qui tắc, một giọng hát xuất sắc, một câu văn hay đều được ban thưởng. Một tiếng thùng, hai tiếng thùng, ba tiếng cắc cạch rồi liên tục dồn dập khi đào kép diễn viên làm các điệu bộ, hát, nói lối, diễn ngâm những điệu nam, khách, hò, lý.. làm cho các cô, các bà kế cận vạn Thủy Tú rối ruột vì biết tuồng hát đã khai diễn mà mình vẫn còn ở nhà :

'nghe trống chầu cái đầu láng mướt

nghe trống chịch nó điếng trong bụng..'

3-ĐUA THUYỀN TRÊN SÔNG CÀ TY,PHAN THIẾT:

Ba trăm năm qua ngư nghiệp vẫn là kinh tế hàng đầu của Bình Thuận. Nên ngay từ buổi đầu, lúc còn dùng ghe chạy buồm lá buông cho tới khi động cơ hoá với kiểu thuyền Thái Lan, thì ngư dân vẫn chia bang hội rõ ràng: Mành đèn Nam Nghĩa, mành chà Thủy Tú, câu khơi Nam Hải, rớ Phú Trinh, câu thúng và rọ ốc Đức Long.. Các bang hội trên dù lớn hay nhỏ, đông hoặc ít cũng đều có một dinh, vạn riêng để thờ ông Nam Hải. Ngoài ra mỗi vạn còn có một ban hò bá trạo và mội đội thuyền đua, nhưng từ trước tới nay mạnh nhất vẫn là hai đội Thủy Tú và Nam Nghĩa luôn luôn thay nhau giữ địa vị trong tỉnh. Một huyền thoại đẹp có liên quan tới việc đua thuyền, là câu chuyện một nữ mạnh thường quân tại Đức Nghĩa là bà Chút khoảng 100 năm về trước, đã liên tục cưu mang và bảo trợ cho đội thuyền đua của vạn mành Nam Nghĩa. Vì vậy từ ấy đến nay, cứ mỗi lần ra quân, đội này thường bơi quanh một vòng trên sông Cà Ty, trước căn nhà cũ của người quá cố, để tưởng nhớ một tấm lòng vàng đã giúp họ đoạt được nhiều giải thưởng trong quá khứ. Theo quan niệm của người Bình Thuận mà cũng là ý kiến chung của ngư dân dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, thì đua thuyền mang ý nghĩa truyền thống là một cuộc tế lễ các vị thuỷ thần, cầu cho mưa hòa gió thuận, biển trúng mùa với tôm cá đầy khoang, đồng thời cũng để siêu linh tịnh độ cho các người đã bất hạnh chết oan khiên trên biển sông trong lúc hành nghề. Bởi vậy trước khi khởi cuộc đua, dinh vạn nào cũng cúng tế linh đình, sau đó là cuộc rước thuyền trên cạn, từ các chùa hội quán tới bờ sông Cà Ty, chảy giữa thành phố Phan Thiết để dự cuộc thi. Đám rước thật trang trọng, có hò bá trạo và đoàn lân nên thu hút thật nhiều người tham dự. Đua thuyền là một nghệ thuật nhưng thắng bại vẫn do yếu tố kỷ thuật quyết định. Đó là chiếc thuyền và người tổng lái. Không giống như các loại thuyền rồng đóng theo kiểu các thuyền ngự của vua chúa ngày xưa tại các tỉnh miền Trung và Bắc hà, thuyền đua của người Bình Thuận được đóng bằng loại gỗ bằng lăng nhẹ, thân thuyền dài, mũi nhọn, lái thon. Tóm lại toàn thân của chiếc thuyền đóng sao để khi nhìn ta có cảm giác đó là một con thoi đang nhẹ lướt trên khung cửi. Có vậy con thuyền mới vượt qua được dòng nước chảy xiết và gió ngược. Ngoài ra còn phải kể tơí các dụng cụ bơi thuyền như dầm phách, dầm ngang, dầm xeo cũng được đẽo bằng gỗ bằng lăng nhưng quan trọng nhất vẫn là cây chèo dài của tổng lái, cũng là người nắm vận mệnh chiếc thuyền. Do trên cây chèo phải được làm bằng một loại gỗ tốt đặc biệt, có sức uốn mạnh và chịu đựng dẽo dai khi tới các khúc quanh ngặt nghèo. Toàn thân thuyền được sơn phết đẹp đẽ, riêng cặp mắt được kẽ theo mắt chim phượng hoàng với đuôi dài, con ngươi tròn, viền trắng, tạo cho chiếc thuyền cái khí phách của một con kình ngư vẫy vùng nơi biển cả.

Từ trước tới nay, địa điểm đua thuyền vẫn là khúc sông chảy ngang qua lầu nước (Chateau d'Eau), đến căn cứ hải thuyền gần cửa Thương Chánh, dài chừng một cây số và diễn ra nhiều vòng. Trước đây cuộc đua chỉ diễn ra giữa bốn vạn lớn tại Phan Thiết như Thủy Tú, Nam Nghĩa, Hiệp Hưng và Hưng Long. Tuy vậy lần nào cũng sôi nổi hào hứng vì các đội thuyền gần như đồng sức, đồng tài. Tiếng chiêng trống, lời cổ võ hò hét vỗ tay hòa lẫn giọng hò dô ta của các trạo như xé nát cả khúc sông Mường Mán. Trên bờ mọi người hồi họp theo dõi cuộc đua nhất là lúc các thuyền tranh nhau quẹo khúc quanh 180 độ nơi các cọc tiêu ấn định. Sông thì hẹp mà thuyền lại dài nhưng nhờ tất cả đều là những thanh niên khoẻ mạnh, đầy kinh nghiệm chèo chống nên tránh được những sự va chạm, chèn ép đáng tiếc. Thường thì hai vạn Thủy Tú, Nam Nghĩa còn được gọi là ghe ông, ghe bà thay phiên nhau đoạt chức vô địch. Hai ghe cô cậu của Hưng Long, Bình Hưng luôn cầm đèn lái, đâu có ai biết tại sao dù họ cũng có ghe tốt và tài nghệ. Về sau hội đua thuyền được mở rộng khắp tỉnh chứ không còn thu hẹp trong thành phố Phan Thiết,nên có sự tham dự của các đội Tuy Phong, Phan Rí cửa, Mũi Né, Phú Quý và Hàm Tân, nên càng hào hứng, làm cho ngày tết, ngày lệ ông thêm khởi sắc. Đây cũng là dịp để mọi người quên hết bóng dáng hung thần quỷ mị đang vây bủa khắp nơi trong đời sống muộn phiền.

Ai đã sống ở Phan Thiết hay có lần ghé chơi thành phố biển, mà không hay chưa lần nào tham dự lễ hội cúng Ông Nam Hải vào dịp đầu xuân hay mãn mùa chà, quả là một sự đáng tiếc. Mấy năm gần đây, nhờ đồng bào vượt biển gửi tiền về tu tạo đình chùa và các vạn chài trongtỉnh và thành phố, nên quang cảnh các nơi này cũng thay đổi, nhất là tại các nơi được chọn làm tụ điểm du lịch.Nhưng dù có phải lao đao lận đận về nghề biển hiên nay, trong thâm tâm của người Bình Thuận vẫn luôn tin tưởng và tâm niệm rằng Ông Nam Hải, sẽ phù trợ cho họ trong lúc hành nghề, cũng như người Phan Thiết sớm sống lại những ngày no cơm hạnh phúc trước tháng 4-1975.

Viết tại Xóm Cồn Hạ Uy Di

Chạp 2005

MƯỜNG GIANG

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.