Hôm nay,  

30 Năm Quốc Hận 30 Năm Xây Dựng Cộng Đồng

14/07/200500:00:00(Xem: 5246)
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 30 Năm Quốc Hận, Sàigòn Times đã lần lượt đăng các bài thơ văn về 4 chủ đề chính: Thứ nhất, tố cáo tội ác CS; thứ hai, tái tạo các bi kịch vượt biển, vượt biên của người Việt tỵ nạn; thứ ba, vinh danh các trận đánh, các anh hùng vị quốc vong thân cách đây 30 năm; và thứ tư, xiển dương tinh thần đấu tranh của người Việt hải ngoại trên con đường đấu tranh giành tự do, dân chủ và nhân quyền tại VN. Ngoài ra, để kỷ niệm 30 năm cộng đồng người Việt định cư thành công tại Úc, kể từ số báo ngày 26/5/2005, Sàigòn Times lần lượt đăng các bài phỏng vấn qúy vị lãnh đạo CĐNVTD, để qua đó, qúy độc giả có dịp thấy được lịch sử quá trình thành lập của cộng đồng người Việt tự do tại Úc trong suốt 3 thập niên qua, đồng thời có được một định hướng về hướng đi của cộng đồng trong tương lai. Nhìn chung, các bài phỏng vấn đều có 7 câu hỏi:

1. Xin qúy vị cho biết, trong thời gian nào và hoàn cảnh nào, qúy vị chấp nhận dấn thân, lãnh đạo cộng đồng" Bối cảnh của cộng đồng vào lúc đó có những thuận lợi gì, những khó khăn gì" Ban Chấp Hành của qúy vị gồm những ai" Qúy vị đã lãnh đạo CĐ qua mấy nhiệm kỳ" Tại sao"

2. Suốt thời gian lãnh đạo CĐ, trên phương diện đối nội và đối ngoại:
2.a. Đâu là những khó khăn nhất, những thuận lợi nhất"
2.b. Những thành công nhất, những tồn đọng nhất"
2.c. Những biến cố quan trọng có ý nghĩa nhất"
2.d. Những cá nhân, hội đoàn, đoàn thể tiêu biểu nhất"
2.e. Những bài học quan trọng nhất"

3. Cộng đồng người Việt tại Úc trong mỗi giai đoạn đều có những điều đặc biệt, mỗi vị lãnh đạo cũng có những điểm đặc biệt. Xin cho biết, những đặc biệt đó"

4. Nếu trở lại thời điểm đó với cùng cương vị lãnh đạo CĐ, điều gì qúy vị sẽ làm / hoặc không làm, để cộng đồng có thể thành công hơn"

5. Là những người dấn thân làm việc cộng đồng, xin qúy vị cho biết, sự dấn thân đó đã có những ảnh hưởng đến đời sống của qúy vị và gia đình như thế nào"

6. Xin qúy vị cho biết, viễn ảnh của Úc, của Việt Nam, của cộng đồng người Việt tại Úc, và của cộng đồng người Việt hải ngoại, trong thời gian 10 năm, 25 năm, và 50 năm sắp tới, sẽ như thế nào" Với viễn ảnh đó, mối quan hệ Úc, VN, cộng đồng người Việt tại Úc, và cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ phát triển ra sao" Và cộng đồng người Việt nên đóng vai trò chủ động gì, trong mối quan hệ hỗ tương này"

7. Cuối cùng, xin qúy vị chia sẻ những tâm sự đặc biệt với qúy đồng hương"

Sàigòn Times xin chân thành cảm tạ thì giờ qúy báu cùng công sức và tâm huyết của qúy vị lãnh đạo CĐNVTD tại Úc đã tận tình trả lời các câu hỏi của báo SGT, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả, những kinh nghiệm, tâm tư, cùng nguyện vọng của qúy vị lãnh đạo CĐNVTD tại Úc.

*

BÀI BỐN: Phỏng vấn Ông Đoàn Việt Trung, Chủ Tịch CĐNVTD-LBUC 2 Nhiệm Kỳ

VÀI HÀNG VỀ SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG CỦA ÔNG ĐOÀN VIỆT TRUNG

1973 qua Úc du học. 1977 đậu Bachelor (Honours) Electrical Engineering tại Đại Học Monash, Victoria.
1975 cùng vài người khác, làm báo chỉ trích chế độ độc tài vừa chiếm miền Nam VN, và mở tủ báo trong hội sinh viên để chứa những báo tương tự xuất bản bởi các cộng đồng Việt hải ngoại khác.
1977-78: Làm thông ngôn cho người tỵ nạn Việt đến Victoria. Cùng một số người khác thành lập ra Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do tại Victoria, và làm Ủy Viên Văn Nghệ. Cuối năm 1977 cùng một số người khác lập ra và tham dự buổi họp thành lập Liên Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do liên bang. Hội và Liên Hội là tiền thân của Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang và liên bang sau này.
1993 đến nay: Tranh đấu giúp người tỵ nạn bị rớt thanh lọc oan, chống lại cưỡng bách hồi hương, lên tiếng trên báo chí Úc và với chính khách Úc về hành động sai trái của Cao Ủy Tỵ Nạn và các viên chức thanh lọc. Cùng nhiều người khác, giúp đồng bào tỵ nạn còn kẹt lại tại Phi Luật Tân cho tới nay.
2000-2003: Chủ Tịch liên bang của CĐNVTD trong 2 nhiệm kỳ 2000-2001 và 2002-2003. Trong thời gian này, góp phần trong một số thành quả hoặc công tác của CĐNVTD – vài thí dụ: 1) Dẹp VTV4 trên đài TH SBS 2) Khuyến khích chính quyền Úc đạt được hiệp ước bảo vệ quyền lợi của người Úc gốc Việt nếu bị bắt khi đang ở Việt Nam 3) Mở các chiến dịch “Mỗi Người Là Một Nhà Truyền Thông” để khuyến khích người Việt ở Úc truyền bá lòng thèm muốn dân chủ đến người quen trong nước 4) Thuyết phục thành công để chính quyền Úc bắt đầu đòi Hà Nội phải cho Úc xuất cảng sách báo nhạc qua Việt Nam nếu muốn vào WTO.
2004 đến giữa 2006: Tổng Thư Ký trong Ban Chấp Hành liên bang của CĐNVTD. Trong thời gian này, góp phần trong một số thành quả hoặc công tác của CĐNVTD – một thí dụ: Đưa ra chính sách kêu gọi người Việt ở Úc bảo lãnh thêm thân nhân từ Việt Nam qua Úc viếng thăm, đưa thêm con cháu từ Việt Nam qua Úc du học, và mở rộng vòng tay đón mọi du học sinh từ Việt Nam, coi họ là những mầm non để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ.
2000 đến nay: Viết mười mấy bài quan điểm đăng trên nhiều nhật báo chính mạch của Úc – vài thí dụ: Một bài trên báo Herald Sun về việc chế độ Hà Nội không bồi thường cho người Mỹ gốc Việt từng bị họ hành hạ trong trại lao động cải tạo, thế nhưng lại đòi Mỹ bồi thường về Agent Orange. Một bài khác trên báo The Age nói Hoa Kỳ đánh Saddam Hussein là có chính nghĩa, cũng giống như chống bành trướng của Bắc Việt độc tài là có chính nghĩa, nhưng hãy đừng đang đánh dở chừng rồi rút như ở Việt Nam. Một bài khác nữa, trên báo Australian Financial Review (tương đương với Wall Street Journal của Mỹ), nói khi Úc viện trợ cho Việt Nam thì nên đưa tiền qua công ty và NGO Úc, vì đưa trực tiếp cho Hà Nội thì sẽ bị bòn rút.

*

LTS: Sau thời gian gần phần tư thế kỷ dưới sự lãnh đạo của các BCH và ba vị chủ tịch: ông Lưu Tường Quang, BS Bùi Trọng Cường, ông Võ Minh Cương, cộng đồng người Việt tại Úc đã bước vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, trong tư thế một động lực chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế quan trọng của xã hội Úc. Trước sức mạnh đó, CSVN đã có những đường lối, sách lược nham hiểm mới, trong đó có việc xuất cảng chương trình VTV-4 qua mạng lưới SBS-TV, hoặc tìm kiếm hậu thuẫn lót đường cho CSVN gia nhập WTO... Chính trong bối cảnh ấy, ông Đoàn Việt Trung đã đắc cử Chủ tịch CĐNVTD liên tiếp hai nhiệm kỳ, và cùng với sức mạnh và sự đoàn kết của BCH và cộng đồng, ông đã lèo lái cộng đồng người Việt tại Úc đạt được nhiều chiến thắng ngoạn mục trên phương diện đối nội cũng như đối ngoại. Sau đây, SGT trân trọng kính mời qúy độc giả theo dõi phần trả lời các câu hỏi của ông Chủ tịch CĐNVTDLB-UC Đoàn Việt Trung.
CÂU MỘT

Thưa, các anh chị em cùng tôi làm việc trong nhiệm kỳ đầu tiên, 2000-2001, là LS Nguyễn Văn Thân, ông Trần hưng Việt, chị Phạm Ánh Linh, và chị Trần Hương Thủy. Trong nhiệm kỳ thứ nhì, 2002-2003, thì có BS Nguyễn Mạnh Tiến, BS Nguyễn Đỗ Thanh Phong, anh Phạm Quốc Hiệp, và chị Trần Hương Thủy. Ban Cố Vấn thường trực của BCH có LS Lưu Tường Quang, BS Bùi Trọng Cường, ông Võ Minh Cương, và ông Nguyễn Bá Luyện. Ngoài ra, trong một số công tác, chúng tôi cũng nhờ đến sự góp phần đắc lực của một số Ủy Viên và Cố Vấn. Tôi xin lấy 2 thí dụ. Trong việc giúp người Việt còn kẹt lại ở Phi Luật Tân thì có LS Trịnh Hội và nhiều người khác. Trong việc tranh đấu để dẹp VTV4 ra khỏi SBS TV thì cũng có nhiều người, trong đó có ông Đặng Hiền đã giúp chúng tôi đắc lực trong việc vận động với chính khách. Tất cả các anh chị em này đã cùng nhau đứng ra "vác ngà voi" chung lo công việc cộng đồng, và tôi xin được ngỏ lời cám ơn và ghi nhận thiện chí của họ, đã hết lòng vượt qua khó khăn để đóng góp công sức.
Điều tôi mong muốn nhất, và nhất định phải làm cho bằng được, là góp phần dẹp đi chế độ độc tài thối tha đang cai trị Việt Nam, vì ngày nào còn chế độ độc tài, ngày đó tương lai của Việt Nam còn bị Đảng CSVN đì. Tôi muốn rốt ráo làm việc vì muốn chính tay mình, trong cuộc đời của mình, phải được làm cử tri bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử tự do ở Việt Nam. CĐNVTD là cơ cấu rất tốt để phát triển cuộc tranh đấu này cho hữu hiệu hơn, và rất nhiều người Việt ở Úc muốn CĐNVTD làm vậy. Đó là động lực khiến tôi góp phần trong BCH.

CÂU HAI

Những bài học quan trọng nhất"

Bài học quan trọng nhất đối với tôi nằm trong câu danh ngôn "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy cả hai ý nghĩa thụ động và chủ động của câu này đều đúng. Nghĩa thụ động là nếu mình chưa đánh đã ngán, mình sẽ thua. Nghiã chủ động là nếu mình cố gắng, mình sẽ đạt được kết quả.
Đâu là những thành công nhất"
Lúc cuối nhiệm kỳ 2002-2003, BCH Liên Bang có góp phần trong việc cộng đồng mình thuyết phục được Truyền Hình SBS dẹp bỏ chương trình VTV4 láo khoét của Đảng CSVN. Ngoài ra thì có việc giúp cả trăm người Việt ở Phi Luật Tân được đoàn tụ với thân nhân ở Úc, việc thuyết phục nhà xuất bản Jacaranda sửa đổi nội dung của sách giáo khoa để không còn thiên lệch khi nói về cuộc chiến Việt Nam, việc có được Thoả Ước Lãnh Sự giữa Canberra và Hà Nội để bảo đảm quyền lợi của người Úc gốc Việt khi đi về Việt Nam, và nỗ lực đối thoại với cộng đồng hoặc với xã hội Úc trong 4 năm đó qua rất nhiều bản tin, lời kêu gọi, phỏng vấn, bài viết v.v.

Đâu là những khó khăn nhất"

Khó khăn nhất là BCHLB không có ngân quỹ. Chỉ để trả phí tổn vé máy bay và điện thoại thôi, cần khoảng 10 ngàn mỗi năm. Nếu có thêm hai, ba chục ngàn nữa thì có thể trả lương cho một nhân viên làm việc bán thời nhưng dài hạn để giúp việc cho BCH cũng như để tạo sự liên tục từ BCH này đến BCH kế tiếp. Mà các anh chị em chúng tôi trong BCH thì vừa phải lo kế sinh nhai, vừa dùng thời giờ rảnh để làm việc của BCH, nên không còn nhiều thời giờ để tổ chức các cuộc gây quỹ. Gần đây, chúng tôi đã bắt đầu phải dùng tiền túi. Nhưng thưa, đường đi không khó, mà cũng chẳng khó vì lòng người sợ phải bỏ tiền túi đâu.
Đâu là những tồn đọng nhất"
Nói về tồn đọng thì còn một số nỗ lực mấy năm nay vẫn chưa có kết quả. Việc giúp cặp vợ chồng thuyền nhân Đắc và Nga bị giam ở trại Baxter hơn 4 năm nay được tự do vẫn chưa xong. Việc giúp thuyền nhân Hào Kiệt, gần 2 năm nay mới chỉ giúp được 40 trong số 53 người được tự do. Việc thuyết phục Quốc Hội LB ra lịnh điều tra để đo lường mức độ ăn cắp của nhà nước CSVN trong tiền viện trợ của Úc cho Việt Nam, họ vẫn chưa ra lịnh. Việc mấy năm nay thuyết phục Canberra đòi Hà Nội là muốn vào WTO thì phải để 4 loại mặt hàng là báo, tạp chí, sách, và nhạc được xuất cảng vào Việt Nam, mới chỉ thành công ở giai đoạn đầu, tức là Canberra bằng lòng đòi Hà Nội, nhưng hiện nay Hà Nội vẫn chỉ mới nhân nhượng rất ít.

Mục đích việc vận động về WTO

Cộng đồng mình muốn dân chủ, còn Đảng CSVN muốn độc tài, nên họ chống mình. Nhưng họ mạnh hơn mình về tiền, về vũ khí, vậy mình phải làm sao để thắng" Mình phải chủ động, không chỉ phòng thủ và phản công, mà phải tấn công. Tấn công bằng cách nào để tạo ra kết quả lớn khi sức mình thì nhỏ" Bằng cách vận dụng sức mạnh cũng như chính nghĩa của mình, đánh vào đúng nhược điểm của họ. Đảng CSVN có nhiều nhược điểm, trong đó có 2 cái này: thứ nhất là họ thèm muốn được vào WTO, và thứ nhì là rất nhiều người trong nước muốn biết về thế giới bên ngoài. Còn sức mạnh của cộng đồng người Việt hải ngoại là cơ hội để thuyết phục Canberra, Washington, v.v., rằng nếu thị trường Việt Nam công bằng hơn thì có lợi cho quyền lợi quốc gia của Úc, Hoa Kỳ.
Mình chủ động tấn công thì sẽ tạo cơ hội mang vào VN nhạc của John Farnham, nhạc của Phan Văn Hưng, điã của Trung Tâm Asia, v.v. Mình nắm thế chủ động thì báo The Australian, các báo Việt Ngữ từ Úc hay Mỹ, tạp chí Bulletin, sách của Greg Sheridan in ở Úc, sách của Thượng Toạ Tuệ Sỹ được in ở Canada, v.v., mới được bán ở tiệm, hoặc là được người Việt ở hải ngoại đặt mua cho thân nhân trong nước. Đây là một nền tảng vừa để góp phần dẹp độc tài xây dựng dân chủ, vừa để nền dân chủ tương lai được vững chắc.
Nhưng CĐNVTD vận động cho các món này được vào Việt Nam thì không phải như thế là đã chấp nhận để CSVN cho bày bán đầy rẫy các món hàng đó ở Úc sao" Trả lời câu hỏi này xin thưa, về mặt cấm nhập cảng, thì ngay cả chính quyền Canberra hay chế độ Hà Nội có muốn cấm cũng không được. Ở Việt Nam, như ai cũng biết, chế độ Hà Nội cố gắng cấm, cố gắng phá phách, và tức lồng lộn, mà điã của Trung Tâm Asia, nhạc của Phan Văn Hưng v.v., vẫn vào trong nước. Ở nước tự do như Úc, trong lúc này việc nhờ Canberra cấm nhập cảng là việc không hữu hiệu.
Thay vì khoanh tay khi không nhờ người ta được, thì chính mình hãy bắt tay vào việc. Và thay vì cấm nhập cảng, là việc không hữu hiệu, thì mình hãy làm việc khác, về mặt phân phối và tiêu thụ. Những việc này vừa hữu hiệu hơn, vừa ai cũng làm được, đó là: tự mình ý thức, chính mình lên tiếng với đúng đối tượng, và dùng lý lẽ để thuyết phục.
Tôi xin lấy vài thí dụ. Năm ngoái, một phụ huynh thấy con mình có một cuốn sách mẫu giáo của Đảng CSVN, nó muốn nhồi sọ trẻ em bằng cách kêu các em viết nhiều lần cái câu lố bịch "Biết ơn bác Hồ" trong trang tập viết chữ B. Sau khi chị này đến gặp thầy cô và tiệm sách, thì cái lố bịch và bịch rác đã gặp nhau. Cách đây vài tháng, một ông nọ cho tôi hay là thư viện điạ phương đã nghe theo lời yêu cầu của ông, tức là họ sẽ hội ý với cư dân Việt trước khi mua sách báo từ Việt Nam, để tránh tình trạng có cuốn sách nói về tục ngữ thì lại lố bịch nhét thêm câu "giống như bác Hồ vĩ đại" khi viết về lòng nhân từ. Mới 2 tuần trước, một vị khác nói với tôi là hiệu trưởng trường trung học của con ông đã hạ cờ đỏ theo lời đề nghị của ông, và đang xin ông cho cờ vàng để treo. Cuối thập niên 90, khi những thành viên của một đoàn nghệ sĩ từ Việt Nam qua Úc trình diễn rồi xin quy chế tỵ nạn, thì BCH của ông Võ Minh Cương giúp họ thành công. Loại việc này, vừa giúp cho những nghệ sĩ nào muốn được tự do, vừa gây khó khăn nội bộ cho trò văn nghệ vận của Đảng CSVN.
Tôi tin chắc rằng nếu trong chỉ 1 tuần tới, mỗi chủ tiệm sách, mỗi chủ tiệm tạp hoá thấy có năm, mười khách hàng đến nói chuyện nhã nhặn và có sức thuyết phục với họ, thì từ đó trở đi sẽ chẳng có tiệm nào muốn bán các sách báo nhập nhằng bậy bạ, hay là bán vé cho những chương trình văn nghệ do đảng CSVN tài trợ nữa.
Cũng có người cho rằng nhà cầm quyền CSVN không thể cấm được, nhưng họ có thể cho công an gây khó dễ người bán người mua, có thể bỏ tiền ra mua hết sách báo nhạc hải ngoại để dân không thể mua được sách báo nhạc từ hải ngoại vào. Theo tôi nghĩ thì chắc chắn chế độ này sẽ muốn chơi những trò đó, và nhiều trò khác nữa. Nhưng lâu nay trên thương trường thế giới, nhiều nước chơi nhiều trò lắm. WTO đã có đầy kinh nghiệm, nên họ đã lập ra cơ cấu Dispute Settlement Body (DSB) để giải quyết những tranh chấp giữa các thành viên. Khi Hà Nội chơi trò bẩn, thì các cơ cấu cộng đồng như CĐNVTD và các thương vụ sẽ yêu cầu Canberra, Washington, Ottawa v.v. dùng DSB. Nhưng quan trọng hơn cả việc dùng DSB, là vai trò của chính người tiêu thụ. Trong thị trường, ý của người tiêu thụ là yếu tố quyết định. Trong bối cảnh của vài năm tới, khi Đảng CSVN ngày càng bị áp lực trong ngoài làm cho họ khó xoay trở, khi ý muốn của người tiêu thụ đã được khơi dậy vì ngày càng có nhiều người nếm được mùi tự do, thì ngày càng sẽ có thêm nhiều người bán tìm cách để bán, có thêm nhiều người mua tìm cách để mua, không ai cấm nổi. Nhiều năm nay, Hà Nội phần lớn đã phải tuân theo quy luật trên những sân banh như ASEAN, APEC, hay Thương Ước Việt Mỹ. WTO cũng thế. Tâm điạ của những kẻ độc tài như Nông Đức Mạnh hay Phan Văn Khải, vì miệng quen ăn bẩn nên tay cũng muốn chơi bẩn, nhưng với sự ràng buộc của sân chơi thì nếu chơi bẩn, họ sẽ bị đuổi ra ngoài chơi một mình, nhục nhã lắm, lỗ lã lắm.
Còn việc biểu tình chống văn hoá vận, thì không phải quyền biểu tình của chúng ta sẽ yếu đi, sẽ mất đi nếu chúng ta vận động để văn hoá phẩm từ Úc được vào Việt Nam. Trong xã hội tự do chúng ta chẳng bao giờ mất quyền đó. Ngược lại, nếu cuối cùng các chính quyền Canberra và Washington để cho chế độ Hà Nội tiếp tục chơi trò một chiều như hiện nay, thì quyền biểu tình, lên tiếng trên truyền thông của mình sẽ mạnh hơn, và mình sẽ có thêm một quyền mới. Quyền lên tiếng mạnh hơn vì quần chúng Úc hậu thuẫn mình, họ thấy mình có lý vì chính quyền Canberra cho phép nhà nước Hà Nội tiếp tục cuộc buôn bán một chiều, là đi ngược lại quyền lợi quốc gia của Úc. Quyền mới là quyền yêu cầu Canberra cấm ngược lại.

CÂU BA

Về phần tôi, thì xin SGT cho miễn, để người khác nhận xét thì khách quan hơn. Còn về cộng đồng mình, thì thời gian tôi bắt đầu vào BCH, năm 2000, cũng là 25 năm sau biến cố 1975, nên trong tâm tư nhiều người vừa nhìn lại quá khứ cũng như nhìn tới tương lai. Trong bối cảnh đó, nhiều người thấy rõ tiến trình dân chủ hoá của thế giới đang tiến lên, còn Đảng CSVN thì vừa xuống dốc vừa đã mất hết lòng tự trọng, tự tin, chỉ còn tự tôn. Có thêm nhiều người chuyển từ ý nghĩ "Tôi muốn chống Cộng" đến ý nghĩ "Tôi muốn dẹp độc tài". Hai ý nghĩ đó có ý nghiã giống nhau, nhưng khác về tính cách. Một có tính cách phòng thủ và bị động nhiều hơn, còn một thì có tính cách tấn công và chủ động nhiều hơn.
Ở Hoa Kỳ thì hệ thống tư tưởng chủ động đó đưa đến những cuộc tấn công, thí dụ cuộc vận động cho Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Còn ở Úc thì CĐNVTD mở ra những cuộc tấn công trong đó có vụ WTO, hoặc chiến dịch Mỗi Người Là Một Nhà Truyền Thông được đề xướng mấy năm qua. Và hồi tháng 1 năm nay thì BCH Liên Bang tiếp tục chiều hướng chủ động đó khi đưa ra lời gợi ý với đồng hương là, tùy hoàn cảnh, hãy giúp có thêm thân nhân qua Úc du lịch, bảo lãnh thêm con cháu qua Úc du học, và hãy đối xử với các du học sinh khác như mình muốn con cháu mình được người khác đối xử. Lời kêu gọi đó nhằm tăng số người trong nước thèm muốn có dân chủ, cũng như tăng ý thức và kinh nghiệm về thể chế dân chủ.

CÂU BỐN

Tôi suy nghĩ về hiện tại và tương lai nhiều hơn là ôn lại quá khứ, và vẫn đang hoạt động trong BCH, nên chưa có ý nghĩ sâu sắc và cái nhìn khách quan về quá khứ. Mười năm nữa, nếu hỏi ông già Trung hồi đó đã 60 tuổi, tôi xin hứa sẽ trả lời chi tiết, tại một quán nước ở thành phố tự do lúc đó đã lấy lại được tên Sàigòn mà chế độ thối nát CSVN đã cướp đi hồi năm 1975.

CÂU NĂM

Nói về gia đình, tôi có hỏi cha mẹ vợ con tôi, thì cả nhà đồng thanh nói rằng vì lâu nay ít gặp quá nên chỉ thấy mặt tôi quen quen. Nói đùa vậy thôi, chứ gia đình tôi rất thông cảm và giúp tôi. Thời gian cuối năm 2003, trong cuộc tranh đấu để dẹp VTV4 trên Truyền Hình SBS, Ba Mẹ tôi cố vấn cho tôi, và trong số rất nhiều người đi phân phối tờ Kháng Thư hay truyền đơn, có mấy đứa con đứa cháu của chúng tôi.
Nói về bản thân, thì giống như mọi người trong các BCH của CĐNVTD và giống như hàng trăm, hàng ngàn người Việt khác đang góp phần trong cộng đồng và xã hội, tôi cảm thấy vừa mệt vì bận rộn nhưng vừa hài lòng. Tôi tin chắc là sau này, ông bạn già Đoàn Việt Trung của tôi, khi ổng run run chống gậy, sẽ ôn lại thời gian thập niên 1990 tranh đấu cho người tỵ nạn, và thời gian thập niên 2000 góp phần dẹp độc tài, và vẫn sẽ nghĩ đây là 2 trong những gì khiến cho cuộc đời mình có ý nghĩa. Nói chung, thì bất cứ ai sống có lý tưởng cũng đều thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa.

CÂU SÁU

Người dân nước nào cũng đều chịu ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày bởi chế độ cầm quyền. Người dân Việt cũng thế, nhưng đặc biệt, họ có thêm một nguồn ảnh hưởng khác, đó là mấy triệu đồng bào ở hải ngoại. Những qua lại giữa thân nhân với thân nhân, thương gia với thương gia, tổ chức với tổ chức, nói chung là giữa cả triệu người với cả chục triệu người, là một yếu tố tối đa quan trọng. Khi còn chế độ độc tài thì yếu tố đó giúp hoá giải nhiều ảnh hưởng độc hại của chế độ trên dân tộc mình. Khi có chính quyền dân chủ thì yếu tố đó làm cho hai khối người dân giúp nhau phát triển mau chóng về kinh tế, về chính trị, về văn hoá.

CÂU BẢY

Trước hết, xin cảm ơn SGT đã có nhã ý phỏng vấn. Thứ nhì, xin quý báo cho đăng điạ chỉ email doanviettrung@hotmail.com, tôi mong được nghe ý kiến của đồng hương về cuộc phỏng vấn này hay bất cứ đề tài nào khác. Ngoài ý kiến ra, các BCH chúng tôi cũng rất cần có bàn tay làm việc của quý vị. Vậy, nếu quý vị nào muốn đóng góp vào công việc cộng đồng, xin biên số điện thoại của mình trong email gởi chúng tôi. Sau khi nói chuyện, chúng tôi có thể đề nghị công việc thích hợp với sở thích của quý vị đó.
Cuối cùng, tôi xin thưa về thành quả của cả cộng đồng mình. Có rất nhiều thành quả và nỗ lực, nhưng lớn nhất, và căn bản nhất, là việc mỗi tuần khắp nước Úc có rất nhiều phụ huynh đưa con em đi học tiếng Việt, có rất nhiều thầy cô hết lòng dạy các em, và mỗi ngày trong hàng chục ngàn bữa cơm gia đình, có phụ huynh nói tiếng Việt với con em của mình. Đó là căn bản đưa đến nhiều thành quả khác, như việc bây giờ có nhiều người trẻ hoạt động trong cộng đồng mình. Là một phụ huynh, tôi xin ngỏ lời biết ơn đến tất cả các thầy cô. Nếu nỗ lực này được nối tiếp thì đến thế kỷ 22, hàng trăm ngàn người Úc sẽ nhận thức được rằng họ là Úc gốc Việt, và họ sẽ mang ơn các thế hệ chúng ta ngày nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.