Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

25/07/200500:00:00(Xem: 5467)
[LS Lê Đình Hồ là tác giả cuốn “Từ Điển Luật Pháp Anh Việt-Việt Anh” dày 1,920 trang vừa được xuất bản. Qúy độc giả có thể mua sách qua internet bằng cách lên Website Google (google.com) đánh máy chữ “ho ledinh”, rồi theo sự hướng dẫn của các websites.]

Hỏi (Ông Trần Q. Trung): Cách đây chừng 5 tuần lễ con tôi cùng 2 người bạn khác đi dự sinh nhật của một người bạn cùng lớp, tuy nhiên, mãi tới gần trưa hôm sau cháu mới về nhà. Tôi hỏi lý do thì cháu cho biết là cháu bị bắt và đã bị cáo buộc tội “breaking and entering.” Cháu cho biết sự việc như sau:
Sau khi dự tiệc sinh nhật các cháu đã đến uống rượu tại Pub gần nhà. Đến chiều tối thì 2 người bạn cháu yêu cầu cháu lái xe đến đón một người quen sống gần đó để đến cùng uống.
Khi đến khu vực mà người quen cư ngụ, vì trời tối nên cháu không còn nhận biết được căn nào là căn nhà của người quen. Thế là các cháu đã cùng đậu xe để tìm nhà.
Cháu đã nhấn chuông để hỏi nhiều nhà nhưng được cho biết là cháu đã nhớ lầm. Đến một góc đường, cháu thấy một căn town-house cửa ngỏ mở, cháu đánh bạo vào để hỏi thăm, bấm chuông điện nhưng chuông điện bị hư nên chẳng nghe tiếng chuông reo.
Cửa trước của căn town-house này hé mở, nên cháu ló người vào để xem có ai hầu hỏi thăm. Cháu thấy dường như chẳng có ai ở nhà cả. Khi quay trở ra thì đúng lúc xe cảnh sát tuần tra chạy ngay qua và ngừng lại hỏi các cháu lý do vào trong căn nhà đó. Sau khi cho biết lý do, cảnh sát yêu cầu các cháu dẫn họ đến nơi đậu xe. Cảnh sát đã lục soát và thấy đồ nghề ngỗn ngang trên xe; trong số đó có hai con đội và 2 cây cạy bánh xe.
Cảnh sát bèn đưa các cháu về đồn. Sau khi hỏi cung cháu bị cáo buộc về tội “breaking and entering.”
Cháu đã ra tòa một lần và không chịu nhận tội. Cháu năm nay 19 tuổi hiện đang học kế toán tại Technical College. Cháu chưa bao giờ gặp rắc rối về pháp luật. Hiện cháu đang được tại ngoại để chờ ngày xét xử.
Xin LS cho biết là với tình huống vừa nêu, cháu có bị kết buộc về tội trạng đó hay không"

*

Trả lời: “Tội cạy cửa và đột nhập vào [nhà] có thể được định nghĩa là tội hình sự để đạt được lối vào nơi cư ngụ hoặc tài sản rào kín khác do sự dùng sức [dù với một lực nhẹ nhất chẳng hạn đẩy mở cách cửa] với ý định phạm tội. (Breaking and entering may be defined as a criminal offence of gaining access to a residence or other enclosed property through the application of force [even the slightest amount of force such as pushing open a door] with the intent to commit an offence).
Hầu hết các sự vi phạm thuộc loại này đều đòi hỏi phải có “sự cạy cửa” (breaking) hoặc “sự đột nhập vào” (entering), hoặc vừa cạy cửa vừa đột nhập vào.
Có hai loại “cạy cửa,” “cạy cửa thực sự” (actual breaking) và “cạy cửa do sự suy đoán” (constructive breaking).
1. actual breaking (cạy cửa thực sự): Thuật từ được dùng để chỉ sự cạy cửa mà sự cạy cửa đó yêu cầu có sự can dự của thể lực vào những bộ phận của tòa nhà mà những bộ phận đó thông thường được dùng để ngăn chận lối vào. Ví dụ; cạy mở một cửa ra vào đã được khóa. (The term used to refer to breaking that requires physical interference with those parts of the building that would normally use to prevent access. For example; to prise open a locked door).
2. constructive breaking (tội cạy cửa vào nhà do sự suy đoán, tội đột nhập gia cư do sự suy đoán): Nhóm từ được dùng để chỉ tội cạy cửa được thiết định do sự giải thích của luật pháp khi một người, với ý định phạm tội hình sự, được phép vào nhà bằng cách xử dụng những mánh khóe hoặc sự đe dọa để đạt mục đích đó. Ví dụ; bị cáo có thể được phép vào một tòa nhà bằng cách giả dạng là nhân viên của chính quyền. (The phrase used to denote a breaking made out by a construction of law where a person, with the intention to commmit a crime, obtains admission into a building by using some trick or threat to effect it. For example; an accused may be admitted to a building by pretending to be a government official).


Nếu một người đi vào một cửa lớn, hoặc bò vào một cửa sổ đang mở thì không thể bị cáo buộc tội cạy cửa. Đương sự cũng không thể bị buộc tội cạy cửa nếu cánh cửa đó đã mở sẵn và đương sự đẩy cửa mở rộng hơn để đi vào. Tuy nhiên, nếu cách cửa đó được buộc dây mà đương sự cố gắng tháo dây để đi vào thì hành động đó sẽ bị xem như là phạm tội cạy cửa, dù cách cửa không khóa.
Nếu cách cửa sổ đã được chủ nhà kéo xuống để đóng lại, mặc dầu cửa sổ có chốt, nhưng chủ nhà không chịu cài chốt, thì hành động kéo cửa sổ lên để chui vào nhà sẽ bị kết buộc “tội cạy cửa” như đã được xét xử trong vụ Rex v Hyams (1836).
Trong vụ đó, chủ nhà kéo cửa sổ xuống nhưng không chịu cài chốt lại. Sau đó, bà ta đi ra khỏi nhà. Mặc dầu bà ta đã nhìn nhận rằng nếu khóa chốt thì cách cửa sẽ được khép kín. “Bị cáo” bèn kéo cửa lên và chui vào nhà. Luật sư của bị cáo đã phản đối sự cáo buộc này và cho rằng không có đủ yếu tố để kết tội cạy cửa, vì cửa sổ đã không được đóng chặt lại và vẫn còn để khe hở, điều này tương đương với việc đẩy cách cửa đã mở sẵn cho rộng hơn để đi vào, và hành động đó không thể xem là hành động cạy cửa.
Tuy nhiên, Thẩm Phán Park và Coleridge cho rằng hành động đẩy cửa sổ lên để chui vào nhà là hành động phạm tội cạy cửa.
Trong vụ Thompson and Wran v. R (1988) 117 CLR 313. Trong vụ đó, Thompson và Wran đã bị Tối Cao Pháp Viện Bắc Úc về 2 “tội cạy cửa và đột nhập vào nhà để ăn cắp” (breaking, entering and stealing), và đã bị xử 3 năm tù cho mỗi tội, và bị buộc thụ “án chồng [lên]” (cumulative sentence). Các bị can bèn xin phép để kháng án.
[Ghi chú: cumulative sentence (án chồng [lên]): Án tù được thi hành vào lúc chấm dứt một án tù khác. (A sentence of imprisonment which is to be carried out at the expiration of another sentence)].
Hai lý do để kháng án là: (1) Vị thẩm phán tọa xử đã sai lầm về phương diện pháp lý khi chấp nhận một số các dụng cụ là bằng chứng và lời khai bằng miệng của cảnh sát liên hệ đến việc dùng các dụng cụ đó; (2) Vị thẩm phán tọa xử đã sai lầm về phương diện pháp lý khi chấp nhận bằng chứng và đưa ra lời hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn về bằng chứng liên hệ đến dụng cụ khoan các chiếc tủ sắt được trưng dẫn mà không phải là các tủ sắt liên hệ đến vụ truy tố.
Cuối cùng Tối Cao Pháp Viện Liên Bang đã cho rằng bằng chứng về việc sở hữu các dụng cụ nhằm vi phạm các tội phạm hình sự chỉ được tòa chấp nhận khi những dụng cụ đó được nhìn nhận một cách hiển nhiên là sẽ được dùng để thực hiện các tội phạm đã bị cáo buộc. Tuy nhiên, Tòa đã đưa ra phán quyết rằng việc chấp nhận bằng chứng của vị thẩm phán tọa xử trong vụ này là hoàn toàn sai lầm. Vì thế Tòa đã hủy bỏ phán quyết và yêu cầu xét xử lại.
Dựa vào luật pháp cũng như các phán quyết vừa trưng dẫn ông có thể thấy được rằng việc thủ đắc các dụng cụ dùng để mở bánh xe như đã được nêu lên trong thư khó có thể cấu thành tội cạy cửa. Việc con của ông có bị kết buộc tội đó hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nếu chủ nhà báo cho cảnh sát biết về việc cửa bị cạy hoặc họ bị mất đồ đạc do kẻ trộm vào nhà khi họ đi vằng, thì sự trùng hợp này sẽ có những điều bất lợi cho con của ông trong lúc xét xử.
Việc con ông có bị kết buộc vào tội trạng đã bị cáo buộc hay không điều đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Nếu còn thắc mắc, ông có thể điện thoại cho chúng tôi để được giải đáp thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.