Hôm nay,  

Trung Quốc - Dưới Mắt Hoa Kỳ

21/07/200500:00:00(Xem: 5232)
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đệ trình Quốc hội bản Phúc trình về Sức mạnh Quân sự Trung Quốc….
Suốt ngày Thứ Ba, dư luận báo chí Hoa Kỳ tập trung chú ý vào việc Tổng thống Bush đề cử thẩm phán John G. Roberts vào Tối cao Pháp viện thay thế bà Sandra Day O'Connor đang xin về hưu. Lý do chú ý là vì quyết định này sẽ chi phối xã hội Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới, nhất là khi nhân vật được chỉ định là một thẩm phán xuất sắc, kín đáo trong quan điểm bảo thủ, lại mới 50 tuổi, nên có thể ngồi tại cơ chế tối cao để diễn giải luật lệ Hoa Kỳ vài chục năm sau khi George W. Bush không còn là Tổng thống.
Trong khi ấy, bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lặng lẽ trình qua Quốc hội bản Phúc trình hàng năm của mình về Trung Quốc.
Theo Đạo luật Chuẩn chi Ngân sách Hoa Kỳ từ tài khóa 2000, hàng năm, Tổng trưởng Quốc phòng phải đệ nạp Quốc hội một báo cáo "về chiến lược quân sự Trung Quốc trong hiện tại và trong tương lai - cho đến 20 năm tới"… Hai mươi năm tới, xã hội Mỹ có thể đổi thay rất nhiều ở bên trong do cách diễn giải luật lệ của Tối cao Pháp viện. Nhưng, ở bên ngoài, sự lớn mạnh của Trung Quốc cũng sẽ làm tình hình đổi thay. Đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc có thể là mối đe dọa đáng kể - credible threat - cho các quân đội hoạt động trong khu vực.
Bản báo cáo này thực ra bị hoãn mất mấy tuần - theo nhiều nguồn tin thì có thể để điều chỉnh một số đoạn quá rõ ràng và gay gắt - nhưng xuất hiện chỉ một tuần sau khi một viên tướng Bắc Kinh lên giọng hăm dọa là Hoa Kỳ phải đối đầu với nguy cơ chiến tranh nguyên tử với Trung Quốc. Và Trung Quốc sẽ thắng. Cùng lúc ấy, Bắc Kinh loan báo sẽ tổ chức một cuộc thao dượt phòng không, chống Nhật Bản, vào ngày 13 tháng tới.
So với bản phúc trình được công bố vào tháng Sáu năm ngoái, thì năm nay Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến mối đe dọa đáng kể cho các nước trong vùng Đông Á và nhân dịp này, Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld nhắc lại quan điểm của Mỹ, là Liên hiệp Âu châu không nên bãi bỏ lệnh cấm vận võ khí cho Trung Quốc.
Quan điểm chính thức của chính quyền Bush là Hoa Kỳ hoan nghênh sự lớn mạnh của một Trung Quốc thịnh vượng và hiếu hòa để trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đang ở vào một giai đoạn chiến lược, với những chọn lựa có thể làm thay đổi cục diện Đông Á.
Chiến hay hòa thì tùy ở Bắc Kinh, nhưng Ngũ Giác đài có nhiệm vụ ứng phó với những tình huống tệ nhất.
Theo bản phúc trình, Trung Quốc đang tích cực hiện đại hóa quân đội, dồn nhiều phương tiện cho lãnh vực quân sự, có thể gấp đôi hay gấp ba con số chính thức về ngân sách quốc phòng. Mục tiêu ngắn hạn và không che giấu của Bắc Kinh là để có thể lâm chiến và đại thắng trong các cuộc đụng độ ngắn và dữ dội ở vùng ngoại biên. Trong ngắn hạn, Bắc Kinh tập trung chú ý đến việc ngăn ngừa Đài Loan tuyên bố độc lập và dùng sức mạnh quân sự để hỗ trợ giải pháp của mình đối với hồ sơ Đài Loan. Nhưng, song song, Bắc Kinh cũng muốn phát triển khả năng phòng ngự các thế lực thứ ba, ở vòng ngoài, như Hoa Kỳ, có thể can thiệp nếu Bắc Kinh phải dụng võ với Đài Loan.
Dù công nhận là Bắc Kinh đã có vẻ minh bạch hơn khi công bố Bạch thư về Quốc phòng hai năm một lần, bộ Quốc phòng Mỹ vẫn nhận định, y như năm ngoái, rằng Trung Quốc thủ rất kín và vẫn duy trì bí mật liên hệ đến an ninh và quân sự. Thế giới bên ngoài khó biết được các mục tiêu hay tiến trình quyết định và khả năng quân sự của Trung Quốc. Vì vậy, lượng định của bộ thực ra vẫn còn khiếm khuyết vì dựa trên cơ sở của những dữ kiện thiếu sót. Chúng ta có tin Ngũ giác đài trong sự khiêm nhượng này hay không thì là chuyện khác.
Y như năm ngoái, giới chức quân sự Hoa Kỳ lại nhắc đến cẩm nang 24 chữ của Đặng Tiểu Bình đề ra cho bộ máy an ninh và quốc phòng từ 15 năm trước: "bình tĩnh quan sát, củng cố vị trí, bình thản ứng xử, che giấu thực lực để chờ đợi thời cơ, khéo tỏ vẻ yếu, và đừng khi nào biểu dương thế lãnh đạo". Cẩm nang ấy được đặc biệt khai thác trên mặt ngoại giao nhưng chủ yếu nhắm vào chiến lược "mềm giẻo trong ngắn hạn để xây dựng khả năng tranh đoạt tối đa trong tương lai".
Một động lực chính của chiến lược bành trướng ngầm này là Trung Quốc cần tài nguyên và thị trường. Nhu cầu nhập cảng năng lượng để nuôi dưỡng bộ máy kinh tế thực tế có chi phối chiến lược quân sự và đối sách ngoại giao của Bắc Kinh, như chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã công nhận. Vì lý do ấy mà mặc dù không bị bất cứ một đe dọa trực tiếp nào từ các nước khác, Bắc Kinh vẫn dồn sức vào quốc phòng để tăng cường khả năng tấn công ra ngoài. Trong vùng ngoại biên, nơi nào có dầu khí đều có thể là mục tiêu chiến lược của họ.

Đáng chú ý hơn cả là Trung Quốc còn nói đến thế "phòng thủ tích cực", là tấn công theo lối đánh phủ đầu để tự vệ. Việt Nam được nhắc tới nhiều lần trong bản phúc trình để minh diễn chiến lược "tiên hạ thủ" ấy. Bản phúc trình nhấn mạnh là trong quá khứ, đã nhiều lần Trung Quốc đột ngột ra quân tấn công các nước khác, như Ấn Độ, Liên xô hay Việt Nam, cũng do lý luận "phòng thủ tích cực" này.
Và trong quá khứ, Hoa Kỳ cũng đã bị bất ngờ trong chiến tranh Cao Ly.
Ngày nay, Bắc Kinh vừa xây dựng cái "lực" về quân sự - "phát triển toàn diện sức mạnh quốc dân" - vừa chú trọng đến việc phát huy cái "thế" về ngoại giao vì cái thế ấy cũng là một phần của cái lực. Đã vậy, từ vài thập niên, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đặc biệt tìm hiểu về chiến lược trong cổ sử và học hỏi về "mưu lược" trong chiến tranh nhằm đánh lừa đối phương. Không những vậy, họ còn theo dõi rất mọi chiến lược hay chiến thuật mà Hoa Kỳ cùng liên quân đã và đang áp dụng tại Iraq hay Afghanistan để cải tiến hệ thống quân sự, nhất là kết hợp các kỹ thuật hiện đại nhất về thông tin điện tử trong tổ chức và binh thuyết, một điều tương đối rất mới và rất đáng quan tâm.
Bắc Kinh có thể ra đòn bất ngờ, nhưng theo phương phương pháp hiện đại còn bất ngờ hơn và với những phương tiện tấn công chưa hề có trong lịch sử Trung Hoa.
Tương lai rồi sẽ ra sao"
Tài liệu của Ngũ giác đài Hoa Kỳ xác nhận rằng mình khó dự đoán tình hình một cách chính xác. Chánh sách của Mỹ là ủng hộ một Trung Quốc thịnh vượng và hòa bình, nhưng trong giai đoạn ngặt nghèo hiện nay, nhiều yếu tố có thể làm thay đổi cục diện và dẫn Bắc Kinh ra khỏi con đường hiếu hòa. Đấy là 1) chủ nghĩa dân tộc bành trướng nhờ sức mạnh kinh tế và chính trị; 2) những yếu kém và bất lực trong cơ cấu kinh tế có thể làm suy giảm đà tăng trưởng; 3) lãnh đạo không thể điều hướng những động lực tất yếu của một xã hội cởi mở và một nền kinh tế thị trường minh bạch; 4) một chính quyền còn đang thích ứng với vai trò của một cường quốc; 5) thế lực cấu kết giữa quân sự và kỹ nghệ sẽ phổ biến các loại võ khí hiện đại.
Những yếu tố kể trên sẽ tác động với nhau như thế nào thì khó dự đoán nổi. Vì vậy, người ta cũng khó dự đoán chiều hướng và lập trường chiến lược của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ liệt kê ra một số kịch bản, nhưng nói rõ là chưa biết giả thuyết nào sẽ xảy ra.
Thứ nhất, trên cơ sở của sức mạnh kinh tế, được hỗ trợ bởi một bộ máy quân sự hùng hậu, Trung Quốc có thể đặt để điều kiện về an ninh đối ngoại và trao đổi kinh tế cho các đối tác hay lân bang.
Thứ hai, kinh tế có thể bị trì trệ khiến lãnh đạo gặp nhiều khó khăn chính trị và phải tiết giảm kinh phí quốc phòng - hoặc ngược lại, đầu tư nhiều hơn vào quân sự để huy động quần chúng nhờ chiêu bài quốc gia dân tộc đối với bên ngoài.
Thứ ba, kinh tế có thể suy sụp nặng trong tương lai vì hàng loạt chứng tật trong cơ cấu (ngân hàng bấp bênh, cải cách nửa vời, dân số lão hóa, môi sinh hủy hoại) làm kinh tế trong vùng sẽ bị ảnh hưởng, động loạn bùng nổ bên trong và làn sóng tỵ nạn sẽ thách đố khả năng kiểm soát của chính quyền trung ương.
Thứ tư, chế độ giải tỏa kinh tế bên dưới những vẫn kiểm soát chính trị ở trên gây nhiều bất mãn vì nạn đàn áp nhân quyền và tôn giáo khiến xã hội dân sự không phát triển được. Vì vậy, đảng Cộng sản chỉ có thể xử lý được những vụ bất mãn nhỏ nhưng sẽ gặp nguy cơ với những hỗn loạn lớn.
Cuối cùng, kịch bản thứ năm là vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Dù đã đạt một số thỏa thuận để giải quyết tranh chấp về chủ quyền với Liên bang Nga, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Á, Trung Quốc vẫn còn mâu thuẫn với Nhật Bản, Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei và Ấn Độ. Xung đột có thể xảy ra, nhất là nếu liên hệ đến việc thăm dò và khai thác năng lượng trong các vùng Trung Quốc nhận là của mình.
Trong ngần ấy giả thuyết, Việt Nam đều khó thở.
Không biết là khi gặp Tổng trưởng Rumsfeld vào tháng trước, Thủ tướng Phan Văn Khải của Hà Nội có được nghe nói về những lượng định này chăng…. Và không biết là khi gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kỳ này, Chủ tịch nước Trần Đức Lương có ngửi thấy mưu lược Trung Quốc hay chăng.
Chỉ biết rằng nếu Bắc Kinh lại động thủ lần nữa, răng sẽ lại cắn môi lần nữa trong quan hệ "môi hở răng lạnh" giữa hai nước, thì bộ máy chiến tranh của Hà Nội chỉ là đồ hàng mã. Đọc ra danh mục các đồ nghề hiện đại của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và nhìn vào bản đồ tác chiến của họ, ta thấy Việt Nam như cá nằm trên thớt. Điều này, báo chí trong nước tuyệt nhiên không được nói đến, để khỏi làm sứt mẻ tình hữu nghị Việt-Trung mà người dân gọi là "tình hữu nghị trung thành của Việt Nam với Trung Quốc".
Như một chư hầu dễ bảo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.