Hôm nay,  

Hồi Ký Đoàn Duy Thành: Làm Người Là Khó!

23/06/200500:00:00(Xem: 12984)
Trong thời gian gần đây, có một tập hồi ký được lưu truyền ở trong nước mang tên là "Làm Người Là Khó." Tác giả của cuốn hồi ký dầy khoảng 500 trang này là ông Đoàn Duy Thành, một cán bộ cao cấp của đảng cộng sản nay đã hồi hưu. Ông Thành nguyên là bí thư thành ủy Hải Phòng, phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng (tương đương như phó thủ tướng), và được dự định cất nhắc lên làm tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam thay thế Nguyễn Văn Linh, nhưng công việc này không thành vì phe Đỗ Mười thắng thế. Ông Thành cũng được biết đến qua biện pháp "mua vàng để chữa bệnh lạm phát" trong thời gian làm bộ trưởng ngoại thương. Trong tập hồi ký này, ông Thành đã dùng tấm khiên Hồ Chí Minh để che chắn hầu thuật lại những chính sách bóc lột và hành động tàn ác của CSVN đối với người dân, tiết lộ những tài liệu thuộc loại "thâm cung bí sử" của CSVN về những biện pháp đấu đá trong nội bộ của đảng, cũng như vạch ra những thủ đoạn thâm độc mà phe nhóm Đỗ Mười đã từng áp dụng đối với ông. Chúng tôi xin gửi dến qúy dộc giả trích đoạn một số chương chính của tập hồi ký này qua nhiều phần như sau. (VNN)

(Trích)
Chiều họp tiếp, anh Ba nhắc hỏi đồng chí nào có biện pháp hay hơn thì phát biểu. Anh Nguyễn Thanh Bình đứng lên, nói đại ý biện pháp giải quyết sau đổi tiền của Hải Phòng như vậy là tốt, cần rút kinh nghiệm chung, anh cũng bổ sung thêm một số kinh nghiệm ở Hà Nội... Một vài đồng chí khác phát biểu đều ủng hộ cách giải quyết sau đổi tiền của Hải Phòng cho là sáng taọ, linh hoạt nên không ách tắc do thiếu tiền lẻ gây ra. Nhất là chỉ đạo đổi tiền tháng 9/1985, Thành ủy đã phân công tất cả UV thường vụ trực tiếp chỉ đạo từng huyện, quận, nên không có sai sót gì đáng kể, sản xuất vẫn phát triển, dân không kêu ca thiếu tiền lẻ như các nơi, lưu thông phân phối không trì trệ...
Hội nghị với mục đích "đấu" Hải Phòng đi theo kinh tế thị trường, trở thành hội nghị bàn biện pháp khắc phục sau đổi tiền. Khi ra về tôi bắt tay chào anh Nguyễn Lam, anh Hồ Nghinh, anh Vũ Quang, anh Tiệp, cán bộ theo dõi Hải Phòng. Các anh ấy đều phấn khởi. Anh Hồ Nghinh nói: "Thế là ta đã thắng..." Anh Nguyễn Lam bắt tay tôi thật chặt và nói: "Đúng là Đoàn Duy Thành." Còn đồng chí Tiệp thì xuýt xoa "Tôi lo quá! Lo cho anh, lo cho Hải Phòng. Mấy ông găng lắm đấy! Không hiểu sao sau khi nghe báo cáo của anh lại không thấy nói gì..."
Nhưng chưa hết gian khổ. Càng gần đến Đại hội, càng nhiều việc. Anh Lê Đức Thọ gọi tôi lên chất vấn về tàu Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng đi buôn lậu hàng cũ ở Nhật Bản. Chỉ do một số thủy thủ mua mấy cái xe máy cũ của Nhật Bản về cảng, trốn thuế bị bắt (trong đó có con rể đồng chí Nguyễn Dần hai cái). Chính vì việc này mà đồng chí Lê Đức Thọ kiên quyết không để anh Dần làm Bí thư thành ủy và không được dự Đại hội VI.
Tôi trình bày có tính tranh luận với anh Thọ về tàu Hoa Phượng Đỏ buôn lậu. Anh Thọ nói: "Các anh không ra quyết định hủy tổ chức đội tàu, tôi sẽ đề nghị Ban Bí thư ra quyết định bác bỏ quyết định của các anh. Tôi đã hỏi anh Đổng Sĩ Nguyên rồi..." Tôi cãi lại, tôi làm đúng chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư và đã được Chính phủ cùng Bộ Ngoại thương ra văn bản đồng ý. Chúng tôi không làm sai. Nếu bây giờ lại bảo sai và có văn bản của Ban Bí thư bác bỏ quyết định của địa phương, tôi cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Tôi nói đến đấy, anh Thọ bảo: "Thôi được, tôi sẽ xem sau." Thế là kết thúc. Sau đó anh Thọ cũng không nhắc lại việc này nữa.
Tôi còn một lần nữa tranh luận với anh Thọ là việc xử vụ Trường Xuân. Không rõ anh Thọ nghe phản ảnh ở đây, bảo Trường Xuân buôn bán xe tăng, buôn xác lính Mỹ (!") đủ tội để xử tử hình. Tôi gặp anh Linh, Tổng bí thư, anh Linh bảo anh Thọ phụ trách việc này. Anh Lê Đức Anh thì ủng hộ, bảo tôi: "Anh với tôi cứu nó khỏi mất cái đầu đã, rồi sẽ tính sau..." Tôi gặp anh Mười thì anh phân vân, cũng muốn cứu nhưng lại nói: "Hình như cậu này là thành phần tiểu thương, chẳng có huân huy chương gì cả..." Tôi nói: "Thành phần thì tôi không biết, nhưng huân huy chương tôi thấy cậu ta đeo đầy ngực..." Anh Mười suy nghĩ. Tôi hiểu ý anh cũng không muốn xử mức án cao nhất. Tôi gặp anh Trần Xuân Bách, người được anh Thọ giao hỏi cung Trường Xuân. Anh bảo tôi: "Mình hỏi ba lần, nhưng chẳng thấy gì, mình thôi rồi..."
Mọi người bảo tôi, việc bây giờ là ở anh Thọ. Các anh bên Bộ Quốc phòng cũng bảo tôi như vậy. Anh Văn Tiến Dũng muốn cứu nhưng nói hơi khó. Mọi người bảo tôi muốn cứu Trường Xuân thì phải gặp anh Thọ. Anh Thọ đã hỏi cung Trường Xuân và khen tôi "giữ gìn lắm." Tôi biết, làm kinh tế liên quan đến tiền, hàng. Muốn làm giàu cho đất nước, người lãnh đạo phải ý tứ gương mẫu từ những cái nhỏ nhất. Khi tổng kết các chương trình của quân đội, anh em đều gửi tặng phẩm cho tôi, tôi nhận hết và gửi lại tặng chiến sĩ có thành tích nhất. Quân đội làm biết bao công trình quai đê, lấn biển cho thành phố, thành phố trả công chu đáo, nhưng không bao giờ tôi nhận một gói chè của anh em.

***

Tr 309 - Chương VII - Tòng chính tại Thủ đô
Tháng 7-1986, tôi về Hà Nội nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Lên Hà Nội được 2 ngày, đồng chí Lê Đức Thọ gọi tôi đến nhà riêng để hướng dẫn công việc mới. Sau một vài câu hỏi han về sự bàn giao công việc ở Hải Phòng, anh Thọ đi ngay vào công việc. Anh nói: "Cậu lên Hà Nội, bây giờ chưa nên đi vào công việc của Bộ ngay mà cần đi xuống cơ sở các tỉnh, thành phố để nắm tình hình. Khi nắm được tình hình các địa phương rồi, sẽ về Bộ nắm tình hình bộ máy tổ chức của Bộ. Vì ở trên Trung ương bảo thủ trì trệ lắm! Nếu không, sẽ bị bộ máy trên này bao vây, mình lại làm theo lối cũ, sa vào tình trạng quan liêu bàn giấy, xa rời quần chúng như một số cán bộ ở địa phương được điều lên Trung ương, không phát huy được tác dụng!.." Tôi cảm ơn anh và làm theo chỉ thị của anh. Nhưng ý tôi hơi khác. Mình ở địa phương mới lên, muốn ở lại Bộ nắm tình hình chung, không riêng gì Bộ mà cả Trung ương, Chính phủ, các ngành, xem cung cách làm ăn ở trận này ra sao, rồi sẽ đi địa phương thì tốt hơn.

***

Tôi với anh Lê Khắc biết nhau từ lâu nên việc bàn giao trao đổi công việc thuận lợi, vui vẻ. Anh tâm sự với tôi: "Mình được anh Nguyễn Lam, Bí thư trung ương đảng, trưởng Ban Kinh tế cho biết là mình vẫn ở lại làm Bộ trưởng. Hôm nghe thông báo trên đài, mình mới biết ông lên thay mình." Rồi anh nói sang chuyện bàn giao công việc. Anh Lê Khắc nguyên là Phó ban tổ chức trung ương sang làm Ngoại thương nên anh chú ý nhiều về công tác cán bộ, rồi mới đến công tác nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu. Anh kể đã sang làm Bộ trưởng được 6 năm 6 tháng. Nhưng không làm được nhiều việc rõ rệt, vì quân của "L.B" (Lý Ban) nó phá quá! Mình với cậu Tu, thứ trưởng tổ chức hướng dẫn nhân dân trồng được 2 vạn ha cây điều ở Tây Nguyên và Nam Bộ (đào lộn hột) là đáng kể hơn cả. Anh phân tích cho tôi nghe về năng lực trình độ từng thứ trưởng. Khi tôi về còn 4 thứ trưởng là các anh: Nguyễn Tu, Hoàng Trọng Đại, Nguyện Mạnh Cầm, Tạ Cả. Còn các anh Nguyễn Văn Đào, Nguyễn Chanh đã về hưu hoặc chuyển công tác. Rồi anh nói về đội ngũ cán bộ chủ chốt: vụ trưởng, vụ phó, chánh phó giám đốc các tổng công ty... Nghe anh em kể lại, anh rất nghiêm khắc với cán bộ, nhất là những cán bộ quan hệ nhiều với anh L.B, thứ trưởng thường trực cũ. Trong Bộ có câu văn vần do anh em sáng tác:
Thời tiết năm nay Khắc nghiệt ghê
Chanh rụng, Đào rơi, hoa Đại héo!
Cầm về, Tu sửa, chốn vườn hoang....
Anh bảo tôi: "Các tay thứ trưởng này đá lẫn nhau ghê quá! Tôi đã bảo các cậu ấy không khác gì đàn ngựa nhốt chung một chuồng..."
Qua anh nói, tôi vừa buồn cười, vừa nhớ mấy anh em bạn bè làm ngoại thương khuyên tôi đừng nhận làm Bộ trưởng Bộ ngoại thương, rắc rối lắm, nhất là mình ở nhà quê lên, không "đọ" nổi họ đâu. Nhưng biết làm thế nào" Tổ chức đã quyết rồi, cứ làm đã....
Sau một tuần ở Văn phòng Bộ, tôi vào nắm tình hình các tỉnh miền Nam, nơi có nhiều hàng hoá xuất nhập khẩu, các công ty lớn của Bộ cũng đóng ở Tp HCM. Theo đúng chỉ thị của anh Lê Đức Thọ, tôi công tác ở miền Nam khoảng 2 tháng. Khi anh Ba sắp mất, tôi mới ra Bắc, Dự lễ tang anh Ba xong (ngày 10-9-1986 anh Ba qua đồi), tôi tiếp tục đi các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

***

Ra đến Hà Nội được 2-3 ngày thì anh Ba mất. Tôi vội đến ngay gia đình anh. Chị và các cháu xúm lại hỏi tôi đi đâu mấy tháng: "Lúc anh Ba yếu nặng sao chú không lại"" Tôi nói chuyện đi công tác miền Nam nên thất lễ với anh Ba trong những ngày cuối cùng. Cả nhà anh Ba lo lắng, nhất là mấy cháu gái: Cừ, Muội, Hồng, các con rể Lê Bá Tôn, Hồ Ngọc Đại. Nói là cháu, nhưng các cháu chỉ kém tôi 5-7 tuổi. Tất cả xúm lại hỏi tôi và lo lắng: "Ba cháu mất rồi, liệu họ.... có giết gia đình nhà cháu không"" Tôi nói: "Tại sao các cháu lại có ý nghĩ lạ như vậy" Ai đám hại nhà mình" Ba cháu là con người vĩ đại, một nhà hiền triết mới kế nghiệp được Cụ Hồ, giải phóng miền Nam. Không có ba làm sao giải phóng được miền Nam, thống nhất được đất nước, không để xẩy ra tắm máu" Ai dám hại gia đình nhà mình" Đừng nghĩ linh tinh. Đảng mình là Đảng vĩ đại, nhân dân yêu quý ba các cháu, sao lại nghĩ vớ vẩn như vậy" Các cháu yên tâm, chú nghĩ không bao giờ có chuyện đó. Còn bao nhiêu người có mặt, ai dám làm bậy"" Bấy giờ các cháu mới yên tâm. Hồ Ngọc Đại nói chen vào: "Còn bao nhiêu các chú... Họ chẳng dám làm bậy đâu." Sau đó, tôi mới tìm hiểu tại sao có chuyện hoảng loạn tại gia đình anh Ba như vậy, khi anh qua đời... Đó là những người có dụng ý chia rẽ nói phe cánh anh Lê Đức Thọ và Trần Xuân Bách định ám hại gia đình anh Ba. Tôi nghĩ không bao giờ có thể như thế dược. Đảng ta được Bác Hồ xây dựng và lãnh đạo đội ngũ cốt cán cách mạng đã làm nên bao kỳ tích, không thể có những hành động đồi bại như thế được.
Mấy ngày đó tôi thường xuyên lại nhà anh Ba để ổn định tư tưởng cho các cháu, nhất là cháu Cừ, vợ đồng chí Lê Bá Tôn lo lắng nhất... Tôi cũng chỉ mới biết có sự bất hoà giữa anh Ba và anh Lê Đức Thọ, cách đây khoảng 4, 5 tháng. Vì tôi ít quan tâm, tôi tin các anh đã có quá trình rèn luyện, lại là người gần gũi Bác Hồ, chắc chắn các anh luôn luôn đoàn kết bên nhau để thực hiện và xây dựng sự nghiệp Bác để lại. Khoảng tháng 5-1986, tôi đến thăm anh Ba ở Hồ Tây, gần đến khu biệt thự, tôi gặp xe anh Thọ đi ra. Tôi vào thăm anh Ba, có anh Bùi San ở đó. Thấy tôi đến, an Bùi San chào anh Ba ra về. Tôi bắt tay anh Bùi San và vào thăm anh Ba. Anh Ba tỏ vẻ hơi bực tức nói: "Đấy nó đấy, tôi vừa đuổi nó ra rồi..." Tôi suy nghĩ mãi mới biết là xe anh Thọ vừa ra... Tôi không nói gì, chỉ thăm sức khoẻ anh, nói tóm tắt một vài việc lớn của Hải Phòng để báo với anh, vì lúc này tôi thấy anh Ba mệt nhiều. Tôi muốn để anh nghỉ ngơi, nên xin phép ra về. Nhưng anh Ba bảo tôi ngồi lại nói chuyện, rồi anh nói: "Mấy anh lại đây bảo tôi viết di chúc, tôi nói không cần. Việc viết di chúc chỉ dành riêng cho Bác. Còn tôi, tôi nghĩ các đồng chí đã trưởng thành cả rồi, viết di chúc chỉ gây khó khăn cho các đồng chí. Mình nói thế này, nhưng Trung ương bàn lại khác, sinh ra phức tạp, mất đoàn kết. Các đồng chí viết sẵn di chúc bảo tôi ký, tôi không ký." Rồi anh bảo tôi: "Tôi đã bàn với một số đồng chí Bộ Chính trị, kỳ Đại hội này đưa anh Linh hoặc anh Võ Chí Công thay tôi làm cả khoá hoặc nửa khoá rồi để đồng chí Thành làm. Còn anh Tố Hữu sau đổi tiền không còn khả năng làm Tổng Bí thư..." Tôi đợi anh Ba nói hết, và suy nghĩ. Những lần trước khi về thăm Hải Phòng hoặc anh gọi tôi lên nhà chơi, anh Ba có nhắc vấn đề này, tôi đều nói: "Nước ta còn ảnh hưởng lễ giáo phương Đông, lớp trẻ không thể qua mặt các đồng chí lão thành đi trước mình hàng thập kỷ..." Anh Ba ngắt lời tôi, mỉm cười và nói: "Tôi đã bàn với một số đồng chí Bộ chính trị, đồng chi Thành thì các đồng chí đồng ý..." Vì lúc đó anh mệt, tôi không dám nói dài với anh, chỉ nói gọn: "Rất cảm ơn anh, nhưng theo tôi nghĩ thì rất khó." Anh lại vui vẻ đứng dậy, vỗ vai tôi và nói: "Cứ làm việc cho tốt." Tôi chào anh ra về, chỉ nghĩ nhiều về bệnh tật của anh, và cũng hơi buồn vì trong các anh đã có sự rạn nứt... sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đoàn kết nội bộ của Đảng.
Sau lễ tang Tổng bí thư Lê Duẩn, tôi làm việc ở Bộ ít ngày, lại tiếp tục đi nắm tình hình các tỉnh thành phố phía Bắc. Trong lúc đó tình hình chuẩn bị Đaị hội VI khẩn trương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bổ sung vào Bộ Chính trị và Thường trực Ban bí thư, cùng chuẩn bị Đại hội đảng, chủ yếu là về văn kiện đại hội, còn chuẩn bị tổ chức cán bộ do anh Lê Đức Thọ phụ trách.
Đi các tỉnh miền Bắc, nắm tình hình một vài ngày, tôi lại về Bộ làm việc. Các tin tức về việc chuẩn bị Đại hội VI rất sôi nổi, nhất là vấn đề nhân sự đại hội. Những đồng chí thân thiết với tôi đến chơi, thông tin cho tôi biết về thế lực chống tôi đang hoạt động rất ráo riết với mục tiêu:
- Số một: đánh bật tôi ra khỏi Trung ương,
- Thứ hai: phải làm mất rất nhiều phiếu để tôi không được giới thiệu vào Bộ chinh trị

Đồng thời các đồng chí bảo: Giá là các anh khác, họ sẽ ở lại Hà Nội theo dõi tình hình để đối phó. Tôi cứ bỏ nhiệm sở đi về các tỉnh nắm tình hình, đó là mắc mưu anh Lê Đức Thọ. Tôi cười và nói: "Mình đã có quan điểm của mình rồi." Có đồng chí còn nóng với tôi, nói: "ông định bỏ chúng tôi hay sao"" Thế mới khó. Tôi phân tích lại cho các đồng chí nghe: "Chúng ta phải làm cho thành công chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh, không bị mất nước. Chứ tranh giành chức vụ, mất đoàn kết rất lôi thôi."
Trong lúc gần đến Đại hội, đồng chí Tạ Cả, thứ trưởng phụ trách tổ chức đến nói với tôi: "Một đồng chí lãnh đạo lâu năm ở Ban Tổ chức trung ương, nói qua đồng chí cán bộ Ban tổ chức trung ương theo dõi Bộ Ngoại thương, bảo tôi nói lại với anh: - Anh phải rất cảnh giác với những lời khen của anh Mười. Tất cả đều là đãi bôi." Anh Tạ Cả quen biết tôi từ lâu, nay đã qua đời, còn hai đồng chí kia vẫn khỏe mạnh và đang sinh sống ở Hà Nôi.

Tôi nói với anh Tạ Cả, cảm ơn hai đồng chí đã thông tin cho tôi biết để cảnh giác... Còn tôi quan hệ với anh Mười vẫn bình thường, không tỏ ra một sự khác biệt nào, vẫn như khi tôi còn là cán bộ dưới quyền trực tiếp của anh.
Anh Trường Chinh tuy làm Tổng Bí thư, nhưng tôi cảm thấy chung quanh anh có nhiều người không thực lòng ủng hộ anh. Anh chỉ chủ trì chủ yếu về văn kiện, báo cáo chính trị trước đại hội... Tôi cảm thấy anh bị lấn át. Anh thường gọi tôi sang nhà trao đổi những nội dung "đổi mới," nhất là cách quản lý, lý luận về kinh tế thị trường, kinh tế kế hoạch hoá, hỏi kinh nghiệm xây dựng kinh tế của Nhật Bản và một số nước khác.


Khi trao đổi về nhân sự, anh bảo tôi rằng việc ấy anh Thọ chuẩn bị, chưa đưa ra bàn ở Bộ Chính trị, còn phân tán ý kiến ở những vị trí chủ chốt. Suy nghĩ một lát, anh nói với tôi: "Nếu tôi tiếp tục làm Tổng Bí thư, tôi đề nghị anh Văn làm Chủ tịch nước, đồng chí phụ trách Chính phủ." Tôi nghĩ có thể anh Ba đã bàn với anh Trường Chinh, hoặc tự anh Trường Chính chọn tôi, tôi không rõ. Tôi thưa với anh Trường Chinh là: "Theo tôi nắm được tình hình thì thế lực không muốn để anh làm tiếp Tổng Bí thư rất đông. Tôi thấy rất khó đấy! Tôi xin chân thành cảm ơn anh và đề nghị nên cử anh Mười làm Thủ tướng vì anh Mười làm Phó thủ tướng lâu năm!" Anh Trường Chinh nghiêm nét mặt, tỏ vẻ không đồng ý và nói: "Anh Mười anh ấy võ biền lắm, đồng chí thấy đấy! Các cuộc họp, tôi nói, anh ta thường chẹn họng tôi." Và anh nói thêm một vài nhận xét khác về anh Mười.
Tháng 11-1986, Trung ương họp để thông qua các văn kiện chính thức đưa ra Đại hội VI. Tôi đang họp, chiều về thì được đồng chí Trung Thành, chuyên viên cao cấp của Ban Tổ chức trung ương, làm công tác tổ chức cán bộ từ 1951, theo dõi vụ việc của tôi, cho tôi biết là có thư tố giác tôi khai man lý lịch gồm 9 điểm, trong đó anh Thọ giao cho phải xác minh ngay 2 vấn đề mới là: ngày bị bắt và ngày được tha từ Côn Đảo về. Tôi hỏi anh Trung Thành có phải là anh Tô Duy tố giác tôi" Anh Trung Thành hỏi lại tôi: "Sao anh biết"" Tôi biết lâu rồi, anh em Hải Phòng nói cho tôi biết, anh Tô Duy, anh Thắng, anh Ái đi sưu tầm hàng năm nay về việc tôi bị bắt, bị tù ở Hải Phòng. Quá nhiều người biết, họ đều nói đến tai tôi. Tôi vẫn còn nghi ngờ, vì tôi đánh giá anh Tô Duy không đến nỗi hành động trái lương tâm như vậy! Nhưng từ hôm anh Đức Lạc, trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội (bạn tù với tôi ở trại giam Cát Bi) lại tôi chơi, nói chuyện tỉ mỉ về việc này, tôi mới tin là anh Tô Duy đã làm việc ấy. Anh Trung Thành bảo tôi đúng là anh Tô Duy. Tôi cung cấp thêm cho anh Trung thành những vấn đề mới của anh Tô Duy nêu ra và thư của anh Hoàng Chữ gửi cho anh Đỗ Mười. Tôi chỉ được anh Trung Thành ghi sổ tay nói lại, tôi không được xem bản chính. Mãi sau ngày đối chất 26-2-1993, tôi mới có bản photo thư vu khống tôi của anh Tô Duy và anh Hoàng Chữ.
Anh Trung Thành và một số cán bộ phải làm khẩn trương hơn một tháng mới có báo cáo chính thức với anh Lê Đức Thọ là mọi việc đã rõ ràng như kết luận 897 ngày 24-10-1984 do anh Võ Chí Công ký. Thế là ngón đòn vu khống chính trị do anh Tô Duy làm tham mưu bị bước đầu bẻ gẫy. Nhưng chưa phải kết thúc. Họ còn đeo đuổi vấn đề này cho đến hôm nay, từng thời kỳ hành động của họ, tôi sẽ trình bầy tiếp ở những phần sau.
Trong khi đó, những anh chị em cùng cánh với anh Tô Duy dùng cơ sở quen biết của mình ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc, thông tin cho các đoàn đại biểu đi dự Đại hội về những tin thất thiệt liên quan đến lý lịch của tôi. Có những đồng chí đại biểu đã phẫn nộ về những hành động tuyên truyền xuyên tạc bỉ ổi của họ, như chị Ba Thi, đoàn đại biểu Tp HCM, anh Quý, ủy viên thường vụ, phó Chủ tịch tỉnh Hải Hưng, anh Đức Lạc, Hà Nội, vv... Các đồng chí đó đã trực tiếp gặp tôi thông tin cho biết, và các đồng chí đã phản bác lại những luận điệu vu khống trong các đoàn đại biểu đi họp Đại hội.
Riêng ở Hải Phòng, Đại hội Đảng thành phố bầu đại biểu đi họp Đại hội VII (lúc đó các UVTƯ cũng phải đo Đại hội cấp dưới bầu, không như hiện nay UVTƯ là đaị biểu đương nhiên), do những người thuộc phe cánh anh Tô Duy tuyên truyền lôi kéo được một số đại biểu, nên tôi bị mất hơn 40 phiếu bầu cử đại biểu đi họp Trung ương ở Đại hội Hải Phòng.
Đến Đại hội đảng toàn quốc, họ tiếp tục tìm cách tuyên truyền xuyên tạc. Anh Tô Duy công khai phát biểu ở Đoàn, vu khống lý lịch tôi nhưng đã bị Đoàn ngăn lại, không cho phát biểu vô nguyên tắc. Họ rỉ tai, nhỏ to thông tin xuyên tạc, vận động các đại biểu Đại hội không bầu cho tôi. Nhiều đồng chí đại biểu thông tin cho tôi biết. Không những thế, họ còn dung túng cho bà Dung đeo băng trước ngực "Đả đảo Đoàn Duy Thành" được đi chung quanh nhà họp Đại hội Ba Đình. Bà Dung là người thế nào" Bà Dung là đảng viên và là mậu dịch viên công ty Bách hoá Hải Phòng, bị bệnh thần kinh phân liệt, có mâu thuẫn với chị Đỗ thị Mận, Phó chủ nhiệm công ty, là vợ đồng chí Đặng Toàn, chủ tịch UBND thành phố. Đã nhiều năm bà Dung đến công ty đánh chửi chị Mận, đeo bằng đả đảo anh Đặng Toàn. Tôi được phân công giải quyết vụ này. Xét về đời sống, bà Dung không có chồng con, nhà ở không có, phải đi ở nhờ, tôi đã dàn xếp với công ty xếp cho bà Dung một gian nhà ở, nâng cho bà một bậc lương vv... Bà Dung không đến cơ quan gây sự đánh chửi chị Mận được khoảng nửa năm, sau đó lại tiếp diễn, rồi đi khắp phố chung quanh công ty Bách hoá chửi vợ chồng anh Toàn chị Mận. Anh Đặng Toàn lại chạy đến tôi cầu cứu. Tôi mời các đồng chí Bí thư Đảng ủy công ty và Giám đốc công ty, giao nhiệm vụ phải kiểm điểm và có hình thức kỷ luật với bà Dung. Thế là bà Dung bỏ việc đi kiện khắp nơi, và đeo băng đả đảo tôi. Ban tổ chức Đại hội nhiều người biết rõ căn nguyên việc này, đáng lẽ phải dẹp đi mới phải, trái lại cho đó là "dân chủ," "quyền công dân," cho đến nơi tiếp dân của Đại hội, đeo băng đả đảo tôi, được đi ngoài đường quanh Hội trường Ba Đình nhằm làm cho các Đoàn đại biểu nhìn thấy. Đó cũng là một việc làm của nhóm anh Tô Duy. Mặc dù khi tỉnh táo, bà Dung vẫn nói tôi là ân nhân của bà ta. Nghĩa là các anh ấy không thực hiện dược việc gạt tôi ra khỏi danh sach giới thiệu của Trung ương thì dùng đủ mọi thứ có thể, tác động vào lá phiếu, không bầu tôi vào Trung ương khoá VI, để đạt được mục tiêu thứ 2 của các anh ấy đề ra.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khai mạc. Cũng như các lần đại hội trtước, chủ yếu là bàn nhân sự BCH trung ương, còn báo cáo chính trị, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm đã bàn kỹ ở Đại hội các cấp, đến đại hội chính thức chỉ bàn những vấn đề lớn còn tồn tại chưa đưa ra thảo luận. Thời gian còn lại là bàn về tổ chức nhân sự. Trong Đại hội, anh Vũ Oanh nói với tội: "Anh Lê Đức Thọ 'mót' làm Tổng Bí thư lắm đấy!" Lúc đó tôi mới biết. Vì nhiều lần anh Thọ gặp tôi đều nói là: "Anh bị nhiều bệnh không thể đảm đương được nhiều công việc." Anh Thọ cũng nhiều lần hỏi tôi Tổng Bí thư nên là ai, tôi đều trả lời là tuỳ Bộ Chính trị quyết định, giới thiệu ra Trung ương, chúng tôi sẽ bầu thôi. Ngay trong Đại hội, khi anh Vũ Oanh cho tôi biết ý anh Thọ, tôi cũng vẫn trả lời anh Thọ như vậy. Hôm BCH bàn về nhân sự, anh Thọ gọi tôi sang nhà riêng hỏi tôi về chuyện các đồng chí trung ương bàn nhân sự Tổng Bí thư thế nào, đã giới thiệu ai chưa" Tôi báo cáo anh Thọ, tổ Trung ương của tôi, các đồng chí đều nói không nắm được cụ thể, nên không giới thiệu ai, đợi Bộ chính trị giới thiệu. Anh Thọ lại hỏi tôi: "Ý cậu thế thế nào"" Tôi cũng báo cáo anh Thọ như lần trước và nói thêm vấn đề vị trí Tổng Bí thư rất quan trọng, đặc biệt trong lúc này, phải có uy tín mới quy tụ được toàn đảng, nhất là anh Ba mới qua đời. Còn chọn ai tuỳ tiểu ban nhân sự chọn và báo cáo Bộ chính trị. Tôi không nắm được cụ thể nên không dám giới thiệu cụ thể ai cả. Anh Thọ không nói gì thêm và hỏi sang chuyện khác.
Khi Đại hội đảng họp ở các đoàn và tổ, (đoàn Hải Phòng với Hà Nội là một Tổ, họp ở Văn phòng Ban Tổ chức trung ương), tôi được anh Đỗ Mười gọi ra ngoài và cùng sang số 4 Nguyễn Cảnh Chân, Văn phòng trung ương đảng, Anh dẫn tôi vào một phòng. Khi đi trên đường tôi suy nghĩ không rõ anh Mười có việc gì. Tôi đoán có lẽ anh Mười làm tư tưởng cho tôi để rút lui khỏi danh sách trung ương giới thiệu. Một số đồng chí thôi UVTƯ khóa này đều được từng đồng chí UV Bộ chính trị gọi đến làm tư tưởng để rút lui. Tôi nghĩ có lẽ tôi cũng vậy. Nhưng khi vào một phòng, ngồi nói chuyện, anh Mười nêu vấn đề anh Võ Nguyên Giáp (anh Văn) ra nói về lý lịch anh Văn: - Năm 16 truổi đã được thực dân Pháp cho sang Pháp học 6 tháng. Anh Mười bảo tôi về nói cho Đoàn đại biểu Hải Phòng biết và những ai quen biết ở đoàn khác cũng nên nói cho các đồng chí ấy biết... Rồi anh Mười đi ngay. Tôi lại trở lại tổ họp tiếp. Tôi suy nghĩ, không hiểu tại sao lúc này anh Mười lại nêu vấn đề lý lịch anh Văn ra. Việc này anh Trường Chinh đã nói với tôi mấy lần, và anh Trường Chinh đã kết luận về tiểu sử anh Văn từ năm 1941-1942, kể cả việc làm con nuôi Marty, chánh mật thám Đông Dương, cũng được kết luận là không có, chỉ do những phần tử xấu tung ra. Nay lại có vấn đề đi Pháp học 6 tháng. Tối hôm đó, tôi đến nhà anh Trường Chinh hỏi việc này, anh Trường Chinh bảo tôi: "Làm gì có việc đó.."
Tôi về nhà, kể lại chuyện cho nhà tôi nghe. Lúc này, chúng tôi ở nhờ một phòng của Bộ Ngoại thương. Tôi mới lên, nhà tôi đi theo để nấu ăn và nhà tôi cũng là đảng viên lâu năm, rất quan tâm đến việc một số người vu khống tôi. Nghe tôi kể xong, nhà tôi nói ngay: "Em đã nói với anh nhiều lần, anh thương người và tin người quá đáng, lại thêm tính "phổi bò," có gì nói hết. Sống ở Hà Nội họ khôn lắm, anh phải đề phòng. Còn việc anh Mười nói với anh, anh cứ lờ đi. Có khi anh Mười chỉ tung ra tin như thế để anh biến thành cái loa cho anh ấy. Anh Văn và những người thân anh Văn chỉ biết anh đi tuyên truyền xuyên tạc lý lịch anh Văn, họ sẽ quay sang đánh anh. Như vậy anh Mười bắn một phát tên, được cả hai đích" Tôi cười và khen nhà tôi: "Em cảnh giác hơn anh" Nhà tôi bảo: "Từ hôm cái ông tổ chức báo cho anh biết ông Mười khen anh chỉ là "đãi bôi" thôi, em thấy anh Mười nói gì với anh mà em biết, em đều phải suy nghĩ xem ý tứ anh Mười thế nào, không tin ngay như anh đâu." Khi bầu cử BCH trung ương, tôi vẫn trúng Trung ương chính thức, nhưng phiếu thấp, chỉ hơn đồng chí thấp nhất cuối cùng (đồng chí Lữ Minh Châu có 42 phiếu). Như vậy nhóm người chống đối vu khống tôi đạt được yêu cầu. Với hơn 50% số phiếu bầu thì ít ai giới thiệu vào Bộ Chính trị, thường phải là 70% trở lên. Nhưng theo tôi được biết cũng có nhiều đồng chí UV trung ương giới thiệu tôi vào Bộ Chính trị, nhưng Ban nhân sự không giới thiệu.
Đến tháng 1-1987, Trung ương bầu bổ sung Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), Bộ Chính trị lại giới thiệu tôi để đưa ra Trung ương lấy ý kiến. Lúc này, tôi thấy anh Lê Đức Thọ chú ý tôi khác thường. Ngay hôm họp Bộ Chính trị, tôi được mời dự, anh Thọ nói: "Anh Thành nay đã là Phó Thủ tướng, cần nắm tình hình và đi vào công việc..." Tôi rất bỡ ngỡ, hỏi các đồng chí Tổ chức trung ương, vì tôi không biết gì về tin này cả. Các đồng chí Tổ chức cho biết là Bộ Chính trị đã nhất trí cả rồi, trừ anh Mười, nói để suy nghĩ thêm, chưa có thư trả lời chính thức.
Đến ngày 17-2-1987, tôi được Hội đồng Nhà nước phê duyệt là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tôi vẫn kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương vì chưa có người thay.
Khi tôi nhận thêm nhiệm vụ mới, phụ trách lưu thông phân phối, thì cũng là lúc giá lương tiền đang bê bối, kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, lạm phát phi mã 780% năm 1986. Tôi cùng với Văn phòng trung ương đảng và Văn phòng chính phủ chuẩn bị đự thảo Nghị quyết trung ương lần thứ hai khoá VI, họp vào tháng 4-1987, tôi suy nghĩ rất nhiều. Mình mới lên nhận nhiệm vụ, ngân sách cạn kiệt, dự trữ ngoại tệ tại Ngân hàng nhà nước chỉ còn hơn 1 triệu đôla. Lương thực rất khó khăn. Liên Xô và các nước Đông Âu viện trợ rất hạn chế... Tôi chủ trì biên tập dự thảo Nghị quyết với nội dung 4 giảm:
- Giảm bội chi ngân sách.
- Giảm tốc độ lạm phá.
- Giảm tốc độ tăng giá.
- Giảm khó khăn về đời sống của người ăn lương, của lực lượng võ trang và nhân dân lao động nói chung.
Các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, nới lỏng đầu bán ra, giá nguyên liệu bán cho xí nghiệp vẫn giữ giá như cũ, nhưng bán ra theo giá thị trường, nhập một số hàng tiêu dùng và cho phép cán bộ công nhân viên đi công tác nước ngoài được mua hàng hóa theo tiêu chuẩn quy định không phải nộp thuế, để tăng thêm hàng hoá đang khan hiếm.
Trong thời gian làm việc với anh Tô (tên thân mật của anh Phạm Văn Đồng), anh hay bàn chuyện trọng đại quốc gia với tôi. Anh biết tôi là cán bộ đón anh ở hội nghị Fông-ten-nơ-blô từ Pháp về qua ga Lai Khê, quê tôi, và sau đó cũng tham gia việc chuẩn bị đưa, đón anh qua đường 5 thuộc đất Kim Thành để đi Việt Bắc. Sau đó tôi lại cũng tù ở Côn Đảo, dù tôi là lớp tù sau anh nhiều thập kỷ và như người xưa thường nói "Đồng bệnh tương lân," anh cũng bị bệnh phổi lúc 17-18 tuổi rất nặng, tưởng không qua được. Tôi thì bị địch đánh gẫy xương sườn số 9, sưng phổi, nước vàng chảy ròng rã 5 năm mới hết. (...)
Có hôm ngồi chờ đón khách ngoại ở phòng khách lớn của Chủ tịch phủ, tôi hỏi anh kỳ họp Quốc hội tháng 7-1987 anh sẽ nghỉ, anh đã chọn xong người thay chưa" Anh bảo: "Còn đang bàn." Tôi hỏi: "Anh Đỗ Mười thế nào"" Anh suy nghĩ đến 2, 3 phút, rồi trả lời gọn có 3 từ: "Chỉ có phá!" Tôi ngồi yên không hỏi gì thêm, anh cũng không nói gì thêm... rồi chúng tôi chuyển sang câu chuyện khác, khi khách chưa đến.
Cách đánh giá của các anh lãnh đạo chủ chốt với anh Mười ra sao tôi đều biết cả, từ anh Lê Duẩn, anh Trường Chinh, anh Lê Đức Thọ, anh Nguyễn Văn Linh... Nhưng anh Đỗ Mười vẫn làm cả Thủ tướng và Tổng Bí thư hơn 10 năm (!"). Nhất là anh Phạm Văn Đồng biết rất rõ anh Mười, anh lại là người qua đời sau các anh trên. Sau này, tôi mới hiểu một chi tiết nhỏ, là anh Mười làm thêm Tổng Bí thư khoá thứ hai, anh Tô phản ứng rất gay gắt. Tuy thế, phản ứng của nhà lãnh đạo có tầm c," nhà hiền triết, nhà ngoại giao cũng khác những người khác. Anh đã nói với 5 đồng chí cấp Tướng: nếu anh Mười không chịu thôi giữa nhiệm kỳ các đồng chí phải tham gia "hạ" anh Mười xuống... Việc này qua cơ quan nắm tin tức, anh Mười đã được báo cáo lại. Như vậy sự phản ứng của anh Tô cũng quyết liệt. Nhưng lời nói việc làm của anh nhẹ nhàng, không thô bạo như những người thiếu học vấn.
Tháng 7-1987, Quốc hội chuẩn y để anh Tô nghỉ, vì tuổi cao, Anh Phạm Hùng thay làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Anh Đỗ Mười thôi giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trường về Thường trực Ban Bí thư.
Tôi cũng có số "hên" và không "hên." Làm phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có 15 tháng, một nửa thời gian làm với Chủ tịch Phạm Văn Đồng, một nửa thời gian làm với Chủ tịch Phạm Hùng. Tôi làm việc với hai Chủ tịch họ Phạm để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, nhiều dấu ấn sâu sắc không bao giờ quên. Tôi cũng học được ở hai anh nhưng kinh nghiệm trường đời, nhân tình thế thái mà cả hai đã trải qua. Các anh đã kể lại mọi chuyện cho tôi nghe, như tài sản quí bàn giao cho thế hế trẻ. Ba anh em cùng tù Côn Đảo. Anh Phạm Hùng còn được đọc báo cáo của tôi năm 1953 khi anh làm Bí thư Đặc khu ủy miền Đông Nam Bộ.
(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.