Hôm nay,  

Phỏng Vấn: Chủ Trương Đàn Áp Qua Nghị Định 38/2005/nđ-cp

21/06/200500:00:00(Xem: 5160)
(Phỏng vấn ông Ngô Văn Hiếu, đại diện cho ban tổ chức cuộc hội thảo)
Giới thiệu:
Bài phỏng vấn Ngô Văn Hiếu phát thanh lúc 10 giờ 30 sáng ngày 6/6/2005 do ký giả Khúc Minh thực hiện trong chương trình “Câu Chuyện Trong Ngày” trên đài phát thanh Radio Bolsa trên tần số FM106.3MHz, Nam California, để giới thiệu về buổi hội thảo với đề tài "Chủ Trương Đàn Áp Của CSVN Qua Nghị Định 38/2005/NĐ-CP". Buổi hội thảo này sẽ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 12/6/2005 từ 1 đến 5 giờ chiều tại hội trường báo Người Việt, Westminster, Nam California, Hoa Kỳ.

Cuộc hội thảo chính trị do một số nhân sĩ và thành viên của các đảng phái chính trị Việt Nam đứng ra tổ chức với tư cách cá nhân nhằm phân tích và nhận định về Nghị Định 38/2005/NĐ-CP của CSVN. Văn kiện này do thủ tướng CSVN Phan Văn Khải ký ngày 18/3/2005 gồm 9 chương và 15 điều, chiếu theo luật Tổ Chức Chính Phủ ngày 25/12/2001 và đề nghị của Bộ Trưởng Bộ Công An nhằm "giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo qui định của pháp luật" nhưng thực chất là để nghiêm cấm dân chúng tụ tập biểu tình, vi phạm các quyền tự do căn bản như tụ tập, ngôn luận và tham gia các hoạt động chính trị như đã được qui định trong các văn kiện nhân quyền quốc tế.

Đại diện cho ban tổ chức, ông Ngô Văn Hiếu đã trả lời những điểm tổng quát và giới thiệu buổi hội thảo này. Tuy là thành viên của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và là Tổng Thư Ký Ủy Ban Đòi Nhân Quyền Cho Việt Nam, ông tham dự vào cuộc hội thảo này với tính cách cá nhân cũng như những người khác.

Chúng tôi xin phép ký giả Khúc Minh và đài Radio Bolsa chép lại và bổ túc để phổ biến, đặc biệt có thêm 5 câu hỏi phụ đính mà vì thời lượng hạn chế nên không có trong phần phỏng vấn phát thanh. Mọi đóng góp ý kiến xin liên lạc đến ban tổ chức là Ngô Văn Hiếu (310-516-8174), Trần Trọng Đạt (714-654-3509), và Lê Minh Nguyên (562-428-3857).

Phỏng vấn:

Khúc Minh (KM): Xin cho biết lý do và mục đích tổ chức cuộc hội thảo"

Ngô Văn Hiếu (NVH): Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 30 năm mà đến nay đất nước vẫn chưa thực sự có hòa bình vì đảng và chính quyền CSVN muốn bắt ai thì bắt, đàn áp ai thì đàn áp, tước đoạt nhân quyền hay tài sản của ai thì cũng tùy ý. Trái với những khẩu hiệu của CSVN như độc lập tự do hạnh phúc, dân chủ tự do ấm no giàu mạnh, hay một xã hội không còn cảnh người bóc lột người thì dân Việt Nam hiện nay vẫn cơ cực lầm than vì nạn độc tài đảng trị và tham nhũng. Từ khi CSVN chiếm quyền bằng võ lực đến nay, Việt Nam với hơn 80 triệu dân mà chưa hề có cuộc một bầu cử tự do, chưa hề có một đảng phái hay hội đoàn độc lập được hoạt động, và chưa hề có một tờ báo tự do nào được xuất bản.

Vẫn chưa thỏa mãn, CSVN đã liên tục áp đặt vô số luật lệ phi nhân để khống chế dân chúng như Hiến Pháp năm 1992 trong đó có Điều 4 cho CSVN độc quyền cai trị đất nước, Nghị Định 31CP ngày 14/4/1997 về quản chế hành chánh, Nghị Định 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 về kiểm soát Internet, Pháp Lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 ngày 18/6/2004 để hạn chế các tôn giáo, và mới đây là Nghị Định 38/2005/ND-CP ngày 18/3/2005 để giới hạn quyền tập trung biểu tình. Các văn kiện này mới nhìn có vẻ như luật lệ quốc gia bình thường nhưng nếu được ráp nối lại với nhau và phân tích một chút thì ta có thể thấy thực chất đây là biện pháp đàn áp tinh vi có hệ thống của CSVN qua chiêu bài Nhà Nước Pháp Quyền vào thời đổi mới kinh tế.

Sự thực, từ lâu giới lãnh đạo CSVN đã biết chính sách của họ là sai lầm và đã phải đổi mới kinh tế gần 20 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng đất nước ngày càng mất tự do và tụt hậu mọi mặt dù mỗi năm có hàng mấy tỉ dollars tiền quà của người Việt hải ngoại và khoảng ngần ấy tiền viện trợ của quốc tế, rõ ràng là cuộc đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị đã thất bại; thay vì phải cấp tốc triệt để thay đổi chính trị và thực hiện tự do dân chủ, CSVN lại một mặt áp đặt luật lệ phi nhân lên dân chúng và mặt khác lại ra sức tuyên truyền về sự đổi mới kinh tế. Do dó, dân chúng Việt Nam cần phải thực thi các quyền sống căn bản của mình, đứng lên bất chấp luật lệ độc đoán, giành lấy sự chủ động trong việc đổi mới đất nước, nhất là đổi mới chính trị, để khai thông các bế tắc hiện nay mà đổi mới kinh tế không có khả năng giải quyết.

Vì lý do trên, với tính cách cá nhân một số nhân sĩ và thành viên thuộc các tổ chức chính trị trong đó có Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đảng Tân Đại Việt, Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, v.v. với chủ trương thực sự xây dựng tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền cho nhân dân Việt Nam, thực hiện buổi hội thảo chính trị ở hải ngoại nhằm phân tích và nhận định về Nghị Định số 38/2005/NĐ-CP để đề ra biện pháp hậu thuẫn người trong nước, phá vỡ nghị định này, đấu tranh cho tự do dân chủ. Sỡ dĩ chọn bản nghị định này vì văn kiện này vi phạm quyền tự do căn bản của dân, giới hạn trầm trọng các cuộc tụ họp và biểu tình ở những nơi công cộng. Quyền tụ tập để nói lên nguyện vọng của mình là quyền tự do cốt lõi của con người nếu bị nghiêm cấm, nhất là giữa lúc CSVN hô hào cởi mở và mời gọi quốc tế đầu tư như hiện nay, là điều không thể chấp nhận được.

Cuộc hội thảo này và những cuộc hội thảo khác sẽ diễn ra sau này nhằm vào hai điều chính. Một là có một đúc kết để gởi về trong nước, nói lên sự đồng tình, khuyến khích và hỗ trợ những hạt nhân tự do dân chủ ở quốc nội mạnh dạn giành lại những quyền công dân căn bản của mình đã bị tước đoạt lâu nay; hai là góp phần tạo một môi trường khiêm nhường cho những nhân tố chính trị độc lập và các đảng phái có dịp sinh hoạt chung trong từng công tác một.

Ngoài ra, cuộc hội thảo trùng vào thời điểm trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Phan Văn Khải, giữa lúc CSVN đang chuẩn bị Đại Hội Đảng Kỳ X, tình hình phân hoá trầm trọng trong nội bộ CSVN qua vụ TC2T4, và các áp lực nặng nề của Hoa Kỳ và quốc tế về thiếu tự do tôn và giáo nhân quyền, pháp luật thiếu minh bạch cũng như nạn tham nhũng tại Việt Nam.

Dân chúng Việt Nam hiện nay không thể tự do tổ chức các buổi hội thảo như ở hải ngoại và họ cũng khó có thể liên lạc nhau để chia xẻ hay trao đổi những vấn đề của đất nước nên chúng ta phải thực hiện cuộc hội thảo ở đây. Tuy cuộc hội thảo ở hải ngoại, đối tượng chính sẽ là giới hoạt động cho tự do dân chủ trong nước; các diễn giả sẽ trình bày đề tài của mình với những kế hoạch cụ thể khả thi, cộng thêm các đóng góp và thảo luận của cử tọa, tất cả sẽ được chuyển về nước qua các phương tiện cần thiết.

KM: Xin anh cho biết các chi tiết chính về việc tổ chức"

NVH: Buổi hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 12/6/2005 tại Westminster, California, Hoa Kỳ do các anh Lê Minh Nguyên, Ngô Văn Hiếu và Trần Trọng Đạt tổ chức. Dịp này, các vấn đề chính sẽ được đem ra phân tích và nhận định như sau:

(1) Điều 5 của Nghị Định về các hành vi bị nghiêm cấm và các Điều 7 và 8 quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng và thủ tục đăng ký,
(2) Nghị Định 38CP, Nghị Định 31CP, Pháp Lệnh Tôn Giáo và các lệnh khác của chính phủ, nếu ráp nối nó lại với nhau sẽ là một sự đàn áp tinh vi có hệ thống của CSVN qua chiêu bài Nhà Nước Pháp Quyền,
(3) Nghị Định 38CP đối chiếu vào luật pháp và Hiến Pháp của CSVN, và
(4) Làm thế nào để chống lại Nghị Định 38CP và phá vỡ kỹ thuật đàn áp tinh vi của CSVN.

Và sẽ được các diễn giả trình bày là các anh Trần Trọng Đạt thuộc Đại Việt Quốc Dân Đảng, Lê Minh Nguyên thuộc Đảng Tân Đại Việt, Trần Quốc Bảo thuộc Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, và Nguyễn-Khoa Thái-Anh thuộc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Xin xác định là ban tổ chức và các diễn giả tham dự hội thảo này với tư cách cá nhân. Các chi tiết tổ chức nêu trên chỉ là dự trù nên cũng có thể thay đổi chút đỉnh vào lúc thực hiện.

KM: Các diễn giả là những người hoạt động lâu năm trong các đoàn thể chính trị, quí anh có nghĩ đây là một nỗ lực liên kết góp phần giải quyết các vấn đề đất nước, ít nhất là trong một diễn đàn"

NVH: Chúng tôi không dám có tham vọng "liên kết" các đoàn thể chính trị như anh đã hỏi; dù vậy, tôi cũng mong rằng đây có thể là dịp để tạo sự cộng tác cần thiết giữa những người đấu tranh cho tự do dân chủ Việt Nam thuộc các đoàn thể chính trị khác nhau. Đây là một diễn đàn để những người quan tâm đến thảo luận về vấn đề hiện tại của đất nước để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là một thiện ý và là một cố gắng cần phải thực hiện và ủng hộ.

KM: Xin cho biết tác dụng hay ảnh hưởng của công tác này"

NVH: Dĩ nhiên sẽ có tác dụng nhiều mặt và nhiều cách. Trước hết đây là một cố gắng "hiệp thông" giữa những người hoạt động ở hải ngoại với nhau và với người trong nước rằng chúng ta có một mẫu số chung và lợi ích chung, đó là thực hiện cho bằng được tự do dân chủ tại Việt Nam. Tuy khác biệt tổ chức, đảng phái, khuynh hướng chính trị, hay quá khứ nhưng chúng ta có cùng mục đích này. Cuộc hội thảo cũng góp phần gây dư luận quốc tế biết rằng khác với những gì mà CSVN tuyên truyền về đổi mới và kêu gọi ngoại quốc đầu tư, dân chúng Việt Nam hiện nay đang tiếp tục bị tước đoạt các quyền sống căn bản của mình. Ngoài ra, đây cũng tạo một áp lực trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của thủ tướng CS Phan Văn Khải sắp tới.

KM: Làm thế nào để phổ biến sâu rộng bản đúc kết cuộc hội thảo, nhất là về nước"

NVH: Tuy tổ chức ngoài này nhưng đối tượng chính sẽ là người dân trong nước, nhất là những người hoạt động hay quan tâm tới nền tự do dân chủ và tương lai của Việt Nam; vì vậy chúng ta sẽ nỗ lực phổ biến bản đúc kết hội thảo, các bài diễn văn, các buổi phỏng vấn và các tài liệu liên hệ khác về nước qua nhiều cách, trong đó có các đài phát thanh Việt ngữ hải ngoại, các du khách về Việt Nam, báo chí người Việt hải ngoại và nhất là Internet.

KM: Sau cuộc hội thảo này quí anh còn tính làm các buổi hội thảo kế tiếp" Nếu có thì tại đâu, đề tài và diễn giả ra sao"

NVH: Cũng cùng một mục đích và phương cách, theo dự trù sau cuộc hội thảo này sẽ có buổi hội thảo kế tiếp vào tháng 9 về đề tài "Sự Kiện Chính Trị TC2T4 Nhìn Qua Lăng Kính Của Chế Độ Tự Do Dân Chủ", và các cuộc hội thảo sau đó tại các thành phố quan trọng với đề tài sẽ được định sau. Tuy nhiên, ban tổ chức và thành phần diễn giả lúc đó có thể sẽ thay đổi và mở rộng thêm để phù hợp với hoàn cảnh cảnh mới.

KM: Anh có lạc quan về tình hình tự do dân chủ Việt Nam trước việc Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ và CSVN sắp tổ chức Đại Hội Đảng lần thứ 10"

NVH: Tôi luôn luôn lạc quan vào một tương lai tươi sáng của Việt Nam nhưng không hề đặt kỳ vọng gì vào chuyến viếng thăm của Phan Văn Khải cũng như Đại Hội 10 của đảng CSVN. Tôi biết là công cuộc đấu tranh cho tự do vô cùng gian nan; nhưng càng gian nan thì chúng ta càng cần phải nỗ lực làm việc và vận dụng trí tuệ để đi đến thành công. Dù Phan Văn Khải hay đảng CSVN có tuyên bố hay hứa hẹn gì thì dân mình cũng cần phải giành lấy sự chủ động đấu tranh, chủ động đổi mới, và chủ động xây dựng. Hoa Kỳ hay quốc tế có thể hỗ trợ cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của mình nhưng thực lực là của dân mình, nhất là những người hoạt động trong nước.

KM: Anh có lời nhắn nhủ thính giả cũng như cộng đồng người Việt mình"

NVH: Tôi không dám nhắn nhủ gì với quí vị thính giả cả. Tôi chỉ xin nói lên nỗi lòng và ước vọng của mình.

Nhìn qua các cuốn sách "Vẻ Vang Dân Việt" của ký giả Trọng Minh hay “Danh sách 30 gương mặt quan trọng của cộng đồng người Việt ở Nam California” của tuần báo Viet Tide vào dịp 30/4 gần đây, tôi vừa hãnh diện và vừa buồn. Hãnh diện vì người Việt chúng ta có nhiều nhân tài như thế nhưng mà cũng buồn là vì hầu hết những người được ghi nhận và vinh danh không có mấy ai từng hoạt động cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Chúng ta là cộng đồng tị nạn cộng sản tìm tự do trong khi đất nước Việt Nam vẫn mãi đắm chìm trong cảnh lầm than; mà người tài của chúng ta không cùng một lòng dấn thân cho dân cho nước thì cuộc đấu tranh của mình sẽ còn lắm gian nan. Còn trong nước thì có nhiều người thông minh, khi đi thi toán thế giới thì đoạt các giải quán quân; tuy nhiên, nhiều người có thể thấy đau đớn nhục nhã khi lưới của đội cầu Việt Nam bị đội ngoại quốc đá lọt nhưng lại có thể dửng dưng trước các thảm nạn của đất nước, của bất công và của bao phụ nữ hay trẻ em bị bán ra nước ngoài làm nô lệ. Điều nghịch lý là đa số dân ta muốn tự do dân chủ nhưng lại có vẻ quá thờ ơ với đại cuộc. Cho nên, chúng tôi mong sao những nhà lãnh đạo đấu tranh có sáng kiến sớm đưa ra những chương trình và kế hoạch hoạt động để sớm dẫn dắt dân mình ra khỏi cơn quốc nạn này" Làm sao mà kẻ tài trí khắp nơi dùng tâm sức cho tự do dân chủ của đất nước và dân chúng Việt Nam mạnh dạn thực hiện quyền sống căn bản của mình! Nhưng có lẽ chúng ta nói về những vấn đề này vào một dịp khác vậy.

Tóm lại, xin thay mặt cho ban tổ chức và các diễn giả buổi hội thảo, chúng tôi xin cảm ơn trước sự hỗ trợ của quí vị. Sự tham dự ủng hộ ban tổ chức và các diễn giả sẽ góp phần làm cho buổi hội thảo thành công. Chúng tôi xin trân trọng ý kiến xây dựng, các đóng góp và sự tiếp tay của quí vị.

Các câu hỏi phụ thêm:

Hỏi: Xin cho biết nội dung và phê bình Nghị Định 38/2005/ND-CP"
NVH: Văn kiện hành chánh này gồm 9 chương và 15 điều, chiếu theo luật Tổ Chức Chính Phủ ngày 25/12/2001 và đề nghị của Bộ Trưởng Bộ Công An do thủ tướng ký ngày 18/3/2005 để các ban ngành và các địa phương thi thành. Mới nhìn thì như vậy nhưng thực chất thì CSVN muốn dùng nghị định này để kiểm soát chặt chẽ, không cho dân chúng tụ tập, biểu tình, mít tin, và hội thảo để phản đối, kiến nghị, hay quảng bá nguyện vọng hay nỗi bức xúc của dân. Chẳng hạn như điều 7 nói rằng văn kiện này chỉ áp đặt lên dân nhưng không áp dụng cho đảng CSVN, chính quyền, Mặt Trận Tổ Quốc và các cơ quan đoàn thể của họ thì cũng đủ để nói lên tính chất phi nhân của CSVN rằng họ tự cho quyền nắm công lý, đứng trên cả luật pháp quốc gia. Thật là ngang ngược và khả ố! Điều 7 thì như vậy, còn những điều khoản khác cũng phi lý không kém. Nói một cách tổng quát rằng đây là một công cụ pháp lý để tinh vi khống chế dân vào thời mở cửa, tựa như trước khi mở lồng thì người ta trói hay cắt lông cánh chim. Muốn biết thêm chi tiết xin xem toàn văn bản nghị định hoặc đến nghe các diễn giả thuyết trình.

Hỏi: Người Việt hải ngoại đã không chấp nhận chế độ CSVN, không chấp nhận bản hiến pháp cũng như tất cả các luật lệ của CS, vậy thì tổ chức nói về một nghị định hành chánh như thế này liệu có thích đáng hay không"

NVH: Dù người Việt hải ngoại không chấp nhận, CSVN cũng đã, đang và sẽ áp đặt các luật lệ phi nhân lên dân chúng Việt Nam. Chúng ta phải tìm cách giúp dân đấu tranh cho bằng được tự do, dân chủ và nhân quyền thực sự tại Việt Nam. Tuy nhiên, đấu tranh có nhiều cách và nhiều giai đoạn; dù ở giai đoạn nào, chúng ta cũng không thể mang mục đích to lớn tối hậu là "tự do dân chủ hoàn toàn" chắn ngang trước mặt để cản bước tiến đấu tranh của mình. Nói cách khác, chúng ta phải vận dụng sáng kiến đưa ra kế hoạch khả thi, nhờ đó làm bàn đạp và khí thế dẫn đến thành công lớn hơn, sớm đạt được mục đích tối hậu.

Trước khi Liên Sô sụp đổ, Yeltsin xé thẻ đảng và tuyên bố xác đáng bất hủ rằng "cộng sản không thể được thay đổi mà phải bị thay thế". Thiết nghĩ, vào thời Lenin hay Stalin cũng đã có bao nhiêu người muốn nói câu này nhưng họ đã bị đàn áp thẳng tay theo kiểu "đập tan từ trứng nước". Vậy, muốn giải thể chế độ độc tài, dân mình phải tìm cách “điều kiện hóa” cho nó suy yếu đi cái đã. Phải làm sao cho giới lãnh đạo CSVN bị giao động, bớt ngoan cố và thấy trước cái giá mà họ phải trả khi bị dân vì áp bức phải đứng lên đòi công lý. Lịch sử đã cho thấy một khi dân chúng mạnh dạn đứng lên, dù là ôn hòa bất bạo động, là bọn độc tài sẽ trở nên khiếp nhược và sụp đổ. Làm sao để đạt được thắng lợi nhanh và ít đổ vỡ để còn tài nguyên xây dựng đất nước sớm ấm no hạnh phúc là nhiệm vụ của tất cả chúng ta"!

Hỏi: Tại sao không thấy các thành phần thuộc các đảng phái chính trị khác như Đảng Nhân Dân Hành Động, Đảng Việt Tân, Đảng Dân Tộc, hay các thành phần cựu cộng sản trong ban tổ chức hay diễn giả"

Chúng tôi hy vọng đây là một "diễn đàn chung" để thảo luận các vấn đề của đất nước để đề ra kế sách đấu tranh cho tự do dân chủ thắng lợi. Ban tổ chức và diễn giả hoan nghênh sự tham dự và đóng góp rộng rãi của đồng bào cũng như các đảng phái chính trị dù có tên hay không trong buổi hội thảo. Buổi hội thảo kỳ này với khả năng giới hạn nên chúng tôi chưa thể mời gọi đông đảo. Hy vọng vào các buổi hội thảo mai sau, ban tổ chức mới sẽ được mở rộng và sẽ mời các diễn giả thích hợp cho từng đề tài và phù hợp với tình hình mới. Tâm niệm của cá nhân tôi là sẵn sàng hợp tác với bất cứ những đảng phái, tổ chức hay cá nhân nào có cùng mục tiêu chung là tự do, dân chủ, và nhân quyền thực sự cho đất nước trong khi tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Hỏi: Buổi hội thảo này đã được ai hay tổ chức nào hậu thuẫn"

NVH: Như đã trình bày, có các nhân sĩ quan tâm đến vấn đề chính trị Việt Nam và thành viên các đảng phái đứng ra thực hiện cuộc hội thảo với tính cách cá nhân bởi vì mục đích và nội dung của nó hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ đường lối của họ. Hơn nữa, vì đa số dân chúng Việt Nam khắp nơi rất tha thiết muốn sớm có một Việt Nam thực sự tự do, dân chủ, nhân quyền và ấm no hạnh phúc nên đó cũng là hậu thuẫn rộng rãi mà ban tổ chức mong đợi.

Hỏi: Ban tổ chức và diễn giả gồm có những người hoạt động nhân quyền và hoạt động chính trị, xin anh giải thích về việc này"

NVH: Trước sau như một, những người hoạt động nhân quyền luôn luôn muốn Việt Nam thực sự có tự do dân chủ và nhân quyền. Tôi thấy những người thuộc các tổ chức chính trị tham dự buổi hội thảo này cũng có cùng mục đích như vậy. Hơn nữa, khác với quan niệm thu hẹp về nhân quyền là cầu xin bọn độc tài thả các tù lương tâm hay tù chính trị bị bắt một cách độc đoán, tôi thấy cần phải mở rộng hoạt động để thực hiện cho bằng được các quyền tự do căn bản của con người như đã được qui định trong các văn kiện nhân quyền quốc tế. Người hoạt động nhân quyền cần phải nhắm tới việc xây dựng các định chế dân quyền và nhân quyền của xã hội. Vì vậy, chúng ta phải chống các luật pháp chà đạp nhân quyền như Điều 4 Hiến Pháp, Nghị Định 31/CP và mới đây là Nghị Định 38/2005/ND-CP. Người dân Việt Nam không thể nào thực hiện các quyền sống của mình khi vẫn còn các luật lệ có tính đàn áp kể trên. Nói tóm lại, người hoạt động nhân quyền cần dùng các diễn đàn chính trị hay kinh tế văn hoá cho mục đích nhân quyền. Chúng tôi sẵn sàng cộng tác với các tổ chức chính trị khi thấy họ tuyên bố và thực hiện việc tôn trọng nhân quyền.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.