Hôm nay,  

Hãy Thách Thức Ông Phan Văn Khải

21/06/200500:00:00(Xem: 6004)
Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải đến thăm Mỹ quốc.
Trước tình hình chánh trị phức tạp của Việt Nam hiện nay, sự xuất hiện của ông Khải đang gây ra nhiều sự chống đối và tranh luận. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang lên tiếng, để ông Phan văn Khải nói riêng, và đảng CSVN nói chung, hiểu được rằng ngày nào họ còn cố gắng bảo vệ chế độ độc tài toàn trị ở bên nhà, thì ngày đó, sự chống đối của người Việt ở nước ngoài vẫn sẽ còn tiếp tục.

Những bài báo đặt vấn đề với ông Khải, hay các cuộc xuống đường biểu tình khắp nơi, rất khó để có thể thay đổi được lịch trình cuộc đàm phán. Tuy nhiên, qua sự phản đối mạnh mẽ này, dư luận thế giới sẽ thấy được một cách rõ ràng rằng, tình hình chánh trị Việt Nam chưa ổn định như lời chế độ đương thời tuyên bố. Dù đảng CSVN có muốn nhìn nhận hay không, cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn đang là một đối trọng chánh trị đáng kể.

Mặt khác, trong vài tuần qua, nhiều người trông đợi sau chuyến đi này ông Phan văn Khải phải thức tỉnh, phải thay đổi chánh sách, v.v… Song, liệu bản thân ông Khải có thể đáp ứng được hay không" Ông Khải là thành viên Bộ Chính Trị đảng CSVN. Ông được đảng giao phó trách nhiệm làm Thủ Tướng để thay mặt đảng thi hành các chánh sách đối nội và đối ngoại. Những điều ông Khải đã, đang và sẽ làm, đều là quyết định chánh trị của đảng. Với nguyên tắc lãnh đạo tập thể của đảng, cá nhân ông Khải không có quyền quyết định bất cứ điều gì ngoài khuôn khổ mà đảng đã quy định và trao phó, cho dù ông có nhận định khác với nhiều người trong Bộ Chính Trị. Ông Phan Văn Khải không có quyền lực như ông Mikhail Gorbachev, và hoàn cảnh chánh trị Việt Nam ngày nay cũng không giống như Liên Xô năm 1991. Cho nên, trông đợi ông đến Mỹ nghe lời Việt kiều khuyên giải để về nước giải tán đảng CSVN, hay thay đổi chánh sách, là một hy vọng rất mong manh. Chúng ta không thể quên rằng thời gian đóng vai trò lãnh đạo chánh phủ, ông Phan Van Khải đã là người thực thi nhiều quyết định mang tính chất đàn áp thô bạo không kém gì những người đi trước ông. Hơn nữa, với tình hình tiền đại hội đang căng thẳng, gay go hiện nay, ông Khải và phe cánh của ông cần tìm cách củng cố quyền lực, hơn là có ý kiến gì khả dĩ có thể gây phiền toái và nguy hiểm. Điều chúng ta có thể hi vọng là ông Phan Văn Khải, trong khả năng quyền hạn của mình, sẽ có đủ khôn khéo để ý kiến với Bộ Chính Trị đảng CSVN rằng, muốn tồn tại trước các biến chuyển dồn dập hiện nay, đảng phải thay đổi một cách rốt ráo về mặt chánh trị.

Điều chúng ta muốn nhắn gởi đến Bộ Chính Trị đảng CSVN là họ đừng quên rằng, tổng số đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ ở Việt Nam năm 2004 chỉ có 1,28 tỷ mỹ kim (theo báo cáo chánh thức của ông Michael Marine, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam) trong khi số ngân khoản Việt kiều gởi quê nhà lớn hơn gấp 4 lần. Nếu đảng CSVN xem cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một thành phần dân tộc, thì phải thật tâm đối thoại để hợp sức tìm kiếm giải pháp hoá giải những vấn đề gai góc của đất nước, chứ không thể chỉ đơn thuần toan tính chiêu dụ sự viện trợ tài chánh của Việt kiều.

Điều thay đổi quan trọng hơn cả là, đảng CSVN cần can đảm nhận diện thực trạng xã hội và nhanh chóng đối thoại với những nhà đấu tranh dân chủ ở trong nước, để tìm kiếm một số giải pháp chánh trị thích hợp và khả thi cho nước nhà. Nếu đảng CSVN chấp nhận nhượng bộ để có một bản hiến pháp mới, làm nền tảng cho việc thành hình một chánh quyền dân cử đúng nghĩa, phản ảnh được khát khao của xã hội và nhu cầu của đất nước, thì Việt Nam sẽ thoát khỏi những rối ren hiện nay trong một thời gian ngắn, mà không cần phải có sự can thiệp của bên ngoài. Ngược lại, Bộ Chính Trị đảng CSVN còn tham quyền cố vị bao nhiêu, thì tình hình đất nước trong những ngày tháng tới càng phức tạp hơn bấy nhiêu.

Nói tóm lại, đừng chống suông chuyến công du của ông Phan Văn Khải. Ngược lại, hãy thách thức ông và Bộ Chính Trị đảng CSVN đối thoại với những nhà đấu tranh cho dân chủ ở trong nước, để thảo luận về một giải pháp chánh trị thích hợp và khả thi cho Việt Nam. Nếu ông và đảng của ông tin rằng đảng CSVN đang được nhân dân ủng hộ, tại sao lại không dám mở cửa chánh trị để tranh thủ lá phiếu của nhân dân qua cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do"

Đối với Hoa Kỳ, việc ông Khải sang Mỹ cũng là dịp cần đặt ra một số quan tâm.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã có một số nỗ lực để cải thiện tình hình đàn áp chánh trị ở Việt Nam. Những nỗ lực khéo léo của Hoa-Kỳ trong mười năm qua đã góp phần thay đổi cục diện chánh trị Việt Nam ở một mức độ đáng kể. Kết quả của việc bãi bỏ Lệnh Cấm Vận Kinh Tế đã cố ý, hay tự nhiên, làm hủ hoá hàng ngũ cán bộ, đảng viên đảng CSVN từ trên xuống dưới. Sự thiết lập bang giao từ tháng 7/1995 cũng đã góp phần một cách tích cực vào việc hoá giải tình trạng bưng ít thông tin, tạo khích lệ cho phong trào đòi hỏi dân chủ nở rộ từ Bắc chí Nam, từ ngoài đến trong đảng CSVN. Song mức độ tích cực đó vẫn chưa đủ để có thể xem là Hoa Kỳ đang thực sự có thiện chí lớn trong việc hậu thuẫn mạnh mẽ cho phong trào xây dựng dân chủ ở Việt Nam.

Hoa Kỳ có “lộ trình dân chủ” riêng cho Việt Nam, đó là đường lối riêng của chánh quyền này. Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu Hoa Kỳ muốn tiếp tay xây dựng nền dân chủ của Việt Nam, thì chánh quyền Hoa Kỳ hãy quan tâm đến nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam, kể cả tập thể người Việt ở nước ngoài. Một vấn đề đáng quan tâm khác là trong mười năm qua, đảng Dân Chủ hay Cộng Hoà cũng đều tuần tự đi theo một lộ trình không khác nhau. Chánh phủ Mỹ có thể không bao giờ xem Cộng sản là bạn nhưng không bao giờ để mất “bạn hàng”, dù đó là Cộng sản. Chánh sách đối với Trung Cộng sau vụ Thiên An Môn và với CSVN hiện nay đã chứng tỏ điều này.

Nhân dịp ông Phan Văn Khải sang Mỹ, chúng ta nên nhắc nhở với chánh quyền Hoa Kỳ rằng, đất nước Việt Nam không phải chỉ là sở hữu của đảng CSVN. Cho nên, nếu vì quyền lợi của nước Mỹ, mà Hoa Kỳ phải vận động nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đóng vai trò chiến lược nào đó, hay là để phát triển các quyền lợi kinh tế, Hoa Kỳ cũng nên ý thức là người Việt Nam, ở trong và ngoài nước, cũng đều có chủ quyền đối với vận mệnh đất nước Việt Nam.

Chúng ta ghi nhận và cảm ơn thiện chí các vị dân cử và quan chức đang tìm cách khéo léo thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá và phát triển Việt Nam. Song nước Việt Nam là của toàn dân Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ đơn phương đàm phán chuyện Việt Nam với đảng CSVN, thì hành động đó sẽ có thể bị xem như là một sự vi phạm chủ quyền đất nước của nhân dân Việt Nam.

Cũng từ vấn đề ông Phan Văn Khải đến Mỹ, Câu lạc bộ Hoa-Mai nhận thấy cũng cần nêu lên một số điểm đáng quan tâm khác liên quan đến vấn đề bang giao quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là đối với các siêu cường. Vấn đề đó có hai khía cạnh đáng nói là:

Thứ nhất: Chánh quyền các nước đều hành động vì quyền lợi của họ;

Thứ hai: Đối với quốc tế, Việt Nam cần liên lập về kinh tế nhưng phải trung lập về ngoại giao.

Ở vấn đề thứ nhất, chúng ta thấy rằng khi bất cứ một nước nào muốn bang giao, hiệp thương hay quan hệ mật thiết với Việt Nam, thì mục đích chánh không có gì khác hơn là quyền lợi. Quyền lợi đó có thể là kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, văn hoá, v.v… Trong trường hợp cần thiết, các nước đó có thể sử dụng những ngân khoản khổng lồ, và có thể là cả nhân mạng quân nhân của quân đội họ, cho mục tiêu chiến lược đang có. Một khi mục tiêu đó đã đạt được hay mục đích nào đó không còn cần thiết nữa, họ có thể sẽ thay đổi 180 độ. Trên căn bản đó, những người lãnh đạo Việt Nam phải có đủ sáng suốt để nhận định nhu cầu chiến lược của các cường quốc đang ve vãn nước mình và nên tìm kiếm một quyết định thuận lợi nhất cho đất nước. Lịch sử cận đại Việt Nam có hai bài học khá giống nhau về kinh nghiệm này, ít nhất là trên mặt hình thức. Đó là, vì tin tưởng vào nhu cầu chiến lược của Hoa Kỳ, hai chế độ VNCH đều đã trở thành đồng minh thân thiết của nước này. Cuối cùng thì vận mệnh hai chế độ đó, kể cả những người lãnh đạo, đã cùng bị Hoa Kỳ ngược đãi như nhau. Bây giờ, thái độ xum xoe của đảng CSVN với Hoa Kỳ chỉ vì nhu cầu gia nhập WTO, hay vì quyền lợi riêng tư mà đảng CSVN sẽ có thể đặt vận mệnh đất nước vào tay nước người lần nữa"!!

Đối với Hoa-Kỳ, Câu lạc bộ Hoa-Mai ngưỡng mộ tinh thần thực thi dân chủ cao độ của người Hoa Kỳ, cũng như những đóng góp của họ trong nỗ lực hàn gắn hậu quả cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Câu lạc bộ Hoa-Mai không chủ trương chống lại tiến trình phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam hiện nay. Nếu Việt Nam vào được WTO, thì đó cũng là một điều đáng mừng. Bởi lẽ, có như vậy thì khi xã hội có dân chủ, nước ta sẽ không phải mất thời giờ thêm để tìm cách chen chân vào thị trường quốc tế. Mặt khác, Câu lạc bộ Hoa-Mai cũng tin tưởng rằng, kết quả tốt đẹp từ sinh hoạt kinh tế thị trường sẽ tự nó tạo ra được sức hút mạnh mẽ cho một xã hội tự do. Thực tế chứng minh rằng, sự phát triển cũng là một chất liệu giải trừ ảnh hưởng chủ nghĩa Cộng sản.

Vấn đề quan hệ kế đến mà Câu lạc bộ Hoa-Mai muốn nói là đường lối bang giao quốc tế. Việt Nam cần quan hệ tốt với các nước có thiện chí để mở rộng quyền lợi quốc gia và tằng cường yếu tố bảo vệ chủ quyền đất nước. Tuy nhiên, các quan hệ ngoại giao của Việt Nam từ nhiều năm qua vẫn đặt quyền lợi của đảng CSVN lên trên hết. Những chuyến công du quốc tế gần đây của các ông Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương và Phan Văn Khải hầu như chỉ nhằm vào việc củng cố quyền lực cho đảng CSVN. Bằng chứng rõ rằng nhất là cùng lúc này, những sự đàn áp chánh trị và bóc lột dân nghèo vẫn nhan nhản xảy ra ở Việt Nam hàng ngày.

Đối với quốc tế, Việt Nam cần liên lập về kinh tế nhưng phải trung lập về ngoại giao. Trong lãnh vực bang giao, chúng ta thấy rằng xây dựng thế tương quan luôn có lợi hơn là gây ra các mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn với một siêu cường. Nếu đảng CSVN, vì quyền lợi nhất thời mà chấp nhận “làm nhiệm vụ ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng cho Hoa Kỳ” , thì quyết định đó hoàn toàn không có lợi cho nước Việt Nam. Một chánh sách ngoại giao khôn khéo sẽ không chọn một “đồng minh ở xa” và tạo ra “một kẻ thù ở cận kề”.

Việt Nam là một nước nhỏ và lại ở một vị trí địa lý dễ gây tranh chấp. Nước ta không có đủ sức và cũng không có nhu cầu để gây hấn với bất cứ nước nào, kể cả Trung Hoa Lục Địa. Một chánh phủ khôn ngoan phải biết linh động, mềm dẽo trong các chánh sách đối ngoại để tránh tối đa sự xung đột có tầm vóc quốc gia, và phải luôn giữ thế trung lập trong toàn bộ chánh sách ngoại giao. Việt Nam không thể trở thành công cụ chiến lược cho bất cứ nước nào, kể cả các siêu cường không Cộng sản. Từ kinh nghiệm cuộc chiến tranh trước năm 1975, Việt Nam cần khôn khéo đứng ngoài những tranh chấp quốc tế có thể lôi kéo Việt Nam vào một cuộc xung đột nghiêm trọng khác. Nói chung, những người lãnh đạo cần có những quyết định đúng đắn, khôn ngoan để tránh những thiệt hại cho nhân dân và đất nước, nhất là một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm khác.

Nói chung, mỗi sự kiện cho chúng ta một bài học kinh nghiệm. Điều mà chúng ta mong mỏi là một ngày không xa, hàng vạn người sẽ đến phi trường hay đứng chật ở hai bên đường để đón chào một cách vui vẻ những người lãnh đạo đất nước đến công du, và trao cho những nụ cười, những tràng pháo tay thay vì là cà chua, trứng thối và những lời nguyền rũa. Tương lai đó chỉ có khi nào Việt Nam có một chánh quyền thật sự là từ dân, do dân và vì dân.

17/06/2005
Nguyễn Công Bằng -- congbang@hoamai.org
www.hoamai.org

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.