Hôm nay,  

Báo Cáo Thất Tung: Âu Châu Thống Nhất

11/06/200500:00:00(Xem: 5390)
Trong khi hai lãnh tụ Đức Pháp gây khó cho Anh về trợ cấp ngân sách, dư luận rọi đèn đi tìm một Âu châu thống nhất. Mà chỉ thấy những khuôn mặt mới.
Cuộc khủng hoảng Âu châu đang tiếp tục và chưa có hướng lắng đọng, nhưng hai cột trụ Pháp Đức của Âu châu lại gây sức ép với một thế lực thứ ba là nước Anh về dự luật ngân sách, nhằm giảm bớt phần trợ cấp nước Anh vẫn được hưởng từ 1994. Chuyện áo cơm đó đang che lấp những rạn nứt và khủng hoảng ngay tại Pháp và Đức.
Tuần qua, Thủ tướng Đức phải cải chính tin đồn rằng ông sẽ từ chức và nhất quyết tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nội các của ông vào mùng một tới đây, ngày Anh quốc sẽ là Chủ tịch Luân phiên của Liên hiệp Âu châu. Chúng ta sẽ trở lại cuộc khủng hoảng tại Đức và sự xuất hiện của một lãnh tụ mới, xuất thân từ Đông Đức, nhưng trước đó sẽ nhìn vào tình hình nước Pháp, với nội các mới của Thủ tướng Dominique de Villepin và những rạn nứt khó hàn gắn trên chính trường Pháp.
Cánh tả tơi tả
Sau khi dân Pháp chối bỏ Hiến pháp Âu châu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 29 tháng Năm, chính trường Pháp đã bị một cơn địa chấn và sẽ thiếu lãnh đạo trong nhiều năm tới. Chi tiết ấy đáng chú ý vì Pháp sẽ không thể lãnh đạo Âu châu như ý muốn khi đang gặp cảnh tang gia bối rối như vậy (và buồn thay cho Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi thăm viếng nước Pháp vào lúc hỗn mang nhất, một chuyến đi ảm đạm và ê chề!)
Lãnh đạo nước Pháp ngày nay thuộc về xu hướng trung hữu, do Tổng thống Jacques Chirac cầm đầu, với một tập hợp nhiều đảng quanh đảng UNP của ông, theo xu hướng de Gaulle (gọi là gaulliste), nhưng do Nicolas Sarkozy làm chủ tịch, một nhân vật có uy tín và tham vọng thay thế ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2007 tới đây. Bên phiá đối lập, cột trụ là đảng Xã hội, với một số đảng nhỏ thuộc xu hướng bảo vệ môi sinh hay cực tả (đảng Cộng sản và các nhóm Đệ tứ).
Trước tiên, hãy tìm hiểu về khả năng thay thế của phe đối lập, của đảng Xã hội.
Đảng này đang bị vỡ đôi vì vụ trưng cầu dân ý. Lãnh đạo đảng là Francois Hollande cùng một lãnh tụ cũ – cựu Thủ tướng – là Lionel Jospin thì vận động ủng hộ Hiến pháp. Bất ngờ ngay trong đảng, một cựu Thủ tướng khác là Laurent Fabius lại vận động chống Hiến pháp, dù trước đó, ông đã ủng hộ thỏa ước Maastritch, một nền tảng pháp lý của việc thống nhất tiền tệ. Sau khi đa số dân Pháp bác bỏ Hiến pháp, đảng Xã hội triệu tập Đại hội hôm mùng bốn và khai trừ Laurent Fabius cùng một chục đồng chí khác ra khỏi Ban chấp hành. Nhưng với đa số đại biểu rất nhỏ (167 trên 307 phiếu), phe chính thống của Hollande không có đủ thế lực để loại trừ phe “nổi loạn” của Fabius. Chưa kể là Hollande không có sức thuyết phục và dáng vẻ lãnh tụ bằng Fabius.
Muốn hiểu ra tầm quan trọng của sự rạn nứt này, ta cần thấy ra nội tình của chính trường Pháp.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2002, đảng Xã hội do Thủ tướng Lionel Jospin làm thụ ủy đã đại bại, về hạng ba sau Jacques Chirac và một nhân vật thuộc phe cực hữu là Jean Marie Le Pen của Mặt trận Quốc gia. Để ngăn ngừa mối nguy phát xít từ Le Pen, cánh tả đã phải bấm bụng dồn phiếu cho Chirac ở vòng hai. Trên đại thể, cảnh tả chỉ huy động nổi hơn 10 triệu phiếu so với hơn 15 triệu của cánh hữu - từ trung hữu đến cực hữu. Cho nên, lãnh đạo nước Pháp thuộc cánh tả muốn thắng cử Tổng thống vào năm 2007 này phải vừa thống nhất được lực lượng bên trong đảng Xã hội, vừa giàng được các nhóm cực tả, vừa tranh thủ được thành phần cử tri trung dung ở giữa.
Bài toán ấy đã từng xuất hiện trong đảng Dân chủ tại Hoa Kỳ, với Bill Clinton tranh thủ được cử tri nhờ một lập trường ôn hoà và nhiều chủ trương lấy từ chương trình hành động của đảng Cộng hoà. Đó cũng là bài toán của đảng Lao động, với giải pháp tương tự của Tony Blair, khi nhích vào giữa và từ bỏ đường lối kinh tế bao cấp cố hữu của đảng.
Giờ đây, Laurent Fabius cũng gặp bài toán ấy nhưng làm sao thống nhất lá phiếu của đảng Xã hội khi mình đã bị đẩy ra khỏi Ban chấp hành và đảng này đang vỡ đôi" Và làm sao chuyển dịch lập trường vào phía giữa khi đa số dân chúng vẫn ưa thích đường lối kinh tế bao cấp đang làm nước Pháp lụn bại" Vì vậy mà nước Pháp khó có một hệ thống lãnh đạo mới từ cánh tả, và dù gì thì ngôi sao đang lên là Laurent Fabius cũng đã làm Thủ tướng từ hơn 20 năm trước, khi mới ở tuổi tam thập. Từ đó đến nay, họ chưa có một thế hệ lãnh tụ mới, trẻ trung hơn. Đấy mới là nguyên nhân khủng hoảng sâu xa nhất.
Cánh hữu lao đao
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2002, Jacques Chirac đã được phe tả dồn phiếu để chặn đường Jean Marie Le Pen, vậy mà nhân vật này vẫn lấy được gần 18% số phiếu. Điều ấy cho thấy là trên chính trường Pháp, phe cực hữu vẫn chiếm tới gần 20% và họ lại không tham dự vào liên minh trung hữu. Tức là trong khi phe tả bị vỡ đôi, phe hữu củng chẳng khá hơn. Đã vậy, từ hai năm qua, nội tình còn bị nhiều rạn nứt khác.
Sau khi thắng lớn năm 2002 - nhờ lá phiếu cánh tả, xin nhắc lại - Tổng thống Chirac đã mời một nhân vật ông không ưa vào nội các là Nicolas Sarkozy làm Tổng trưởng Nội vụ. Trong vị trí này, Sarkozy lại làm được việc - chủ yếu là kiểm soát được trật tự và nạn di dân đã làm xã hội Pháp thấy bất an – và còn muốn ra tranh cử Tổng thống vào năm 2007, y như Chirac cũng dự tính. Vị Tổng thống đầy mưu trí này bèn tặng Sarkozy một món quà độc là đề bạt lên làm Tổng trưởng Tài chính. Nào ngờ, trong chức vụ mới, Sarkozy lại thành công và uy tín càng nổi như cồn. Mâu thuẫn bùng nổ khi Sarkozy – được dư luận gọi với tên trìu mến là “Sarko” – ra tranh chức Chủ tịch đảng UMP, làm cơ sở ra tranh cử Tổng thống và thắng lớn. Chirac bèn mời Sarko ra khỏi nội các!
Trong cuộc trưng cầu dân ý, cánh hữu cũng bị vỡ đôi như cánh tả và Sarkozy khéo đứng ở giữa nhưng không mất hậu thuẫn của những người chống Hiến pháp.
Bây giờ, sau khi bị thảm bại vì cuộc trưng cầu dân ý, Chirac phải đưa hai thủ túc thân tín là de Villepin và Philippe Douste-Blazy làm Thủ tướng và Ngoại trưởng, kèm bên cạnh một siêu Thủ tướng là Sarkozy. Mục tiêu là để gìn giữ được sự thống nhất của phe cầm quyền, ẩn ý có thể là để Sarkozy sẽ chìm chung với nội các chứ không thể đứng vào thế đối lập.

Ngay tuần đầu tiên nội các Villepin làm việc, người ta đã thấy là Chirac và Villepin phải nhượng bộ Sarkozy trên một vấn đề trước đây cả hai vẫn chống, đó là tăng cường thanh lọc di dân. Cả hai phe chỉ khéo tránh chữ “hạn ngạch”. Và dù Villepin đã viết sách ngợi ca 100 ngày quật khởi của Napoleon và hứa hẹn giải quyết nạn thất nghiệp, 100 ngày quật khởi của nội các Villepin sẽ không là tuần trăng mật. Người duy nhất vẫn còn thế giá chính là Sarkozy.
Ở vào hoàn cảnh ấy, Jacques Chirac mất hết thế lực lãnh đạo bên trong lẫn chi phối Âu châu ở bên ngoài. Ông phải giải quyết những mâu thuẫn trong một nội các ít được tin cậy và bản thân coi như hết hy vọng thắng cử năm 2007, nếu như còn muốn ra thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Với đảng Xã hội bị vỡ đôi, Nicolas Sarkozy có hy vọng lãnh đạo nước Pháp sau 21 tháng tới.
Sóng ngầm Đông Âu...
Điều mỉa mai nhất là Sarkozy không là hiện thân của tầng lớp quý tộc ưu tú trong chính trường Pháp.
Ở tuổi 49, ông là con nhà di dân gốc Đông Âu (thân phụ Hung Gia Lợi, mẹ có hai dòng máu Do Thái và Hy Lạp), có chủ trương kinh tế tự do - gần với kinh tế Anh Mỹ hơn là xu hướng bao cấp của Pháp và Đức - lại không gay gắt chống Mỹ như Chirac hay de Villepin và vì là gốc di dân nên không bị mang tiếng kỳ thị khi có biện pháp thanh lọc di dân. Có lẽ, ông là người mở đầu cho một thế hệ lãnh đạo mới và có thể làm thay đổi nước Pháp sau này. Dù không làm thay đổi nước Pháp thì Sarkozy cũng chính thức khai tử xu hướng Gaulliste thừa hưởng từ Thế chiến II và sẽ không dùng Âu châu làm diễn đàn nâng cao thế giá của Pháp. Ông chỉ cố gắng cải tổ cơ chế kinh tế và xã hội cũng đủ mệt!
Một nhân vật thứ hai có thể làm thay đổi Âu châu chính là Thủ tướng tương lai của Đức.
Đương kim Thủ tướng Gerhard Schroeder đã lấy một quyết định táo bạo là tổ chức bầu cử sớm và muốn như vậy, theo hiến pháp thì ông phải giải tán chính phủ. Vì vậy mới dự tính tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào mùng một tới đây, để chính phủ của mình bị bất tín nhiệm và liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội SPD của ông với đảng Xanh (bảo vệ môi sinh) sẽ kết thúc. Điều ấy gây bất mãn cho cánh tả của đảng SPD và dư luận mới có tin đồn là Schroeder sẽ từ chức.
Trong cuộc bầu cử vào tháng Chín này, Schroeder sẽ bị sức ép từ cánh tả nổi loạn ấy lẫn đảng đối lập là Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và một đảng tương tự của cánh hữu tại vùng Bavaria. Nhiều phần thì đảng CDU sẽ chiếm đa số áp đảo và Thủ tướng Đức sẽ là một phụ nữ. Nhân vật này còn ly kỳ hơn Nicolas Sarkozy của Pháp.
Bà Angela Merkel là một giáo sư Đông Đức, hoạt động trong nhóm Canh tân Dân chủ từ năm 1989 và năm 1990 gia nhập đảng CDU, hai tháng trước khi nước Đức thống nhất. Ba tháng sau bà đã vào nội các của Thủ tướng Helmut Kohl. Mười năm sau, bà trở thành một lãnh tụ sáng giá của CDU.
Nhân vật này đặc sắc ở nhiều điểm. Đầu tiên là phụ nữ theo đạo Tin Lành trong một đảng Công giáo giáo xưa nay vẫn do nam giới cầm đầu. Bà còn là lãnh tụ đầu tiên xuất thân từ Đông Đức và có tràn đầy kinh nghiệm không tốt đẹp với chế độ cộng sản bao cấp lẫn đường lối đế quốc của Liên xô. Trong khi Schroeder ủng hộ chế độ bao cấp, có lập trường thân Pháp, thân Nga và chống Mỹ, chống Anh, Merkel lại theo xu hướng kinh tế tự do, thân Mỹ, thân Anh và thân NATO. Hai nhân vật đối nghịch này cùng đồng ý rằng kinh tế Đức sa sút, với thất nghiệp vượt quá 11% nên cần được cải tổ, nhưng khác biệt như nước với lửa về đường lối cải tổ. Về đối ngoại, họ còn đi theo hai ngả khác hẳn.
Shroeder làm Thủ tướng khi nước Đức đã thống nhất và xoá sạch vết tích Chiến tranh lạnh nên muốn tìm một tư thế lớn lao hơn cho nước Đức, vì vậy mới cùng Chirac xây dựng một Âu châu thống nhất như một lực đối trọng với Mỹ trên diễn đàn quốc tế. Trưởng thành từ Đông Đức, Merkel có một nhãn quan khác về đại thế chính trị.
Bà thực tế nhìn vào nền tảng của quyền lợi hơn là theo đuổi những giấc mơ bá quyền phù phiếm. Bà nghi ngờ thiện chí của Liên bang Nga, không đồng ý với một liên minh Nga-Đức mà Schroeder đang theo đuổi. Ngược lại, bà cho rằng chính Hoa Kỳ mới thực sự góp phần chấm dứt chiến tranh lạnh và giải phóng nước Đức lẫn bản thân mình. Như nhiều lãnh tụ xuất thân từ Đông Âu, bà có lập trường thân Mỹ và muốn phát huy ưu thế của kinh tế thị trường, vì hiểu rằng nếu không cộng tác với Hoa Kỳ thì sẽ khó được Hoa Kỳ yểm trợ.
Vì vậy, Merkel chống Schroeder ra mặt khi đòi hỏi Tổng thống Vladimir Putin phải tôn trọng nhân quyền. Bà cũng chống lại việc Đức và Pháp muốn bãi bỏ lệnh cấm vận võ khí với Bắc Kinh vì cho rằng việc ấy sẽ làm suy yếu quan hệ giữa Âu châu và Hoa Kỳ. Dù không đồng ý với việc Mỹ đơn phương giải quyết vấn đề Iraq, bà vẫn ủng hộ việc dân chủ hoá và tái thiết Iraq. Trong khi Schroeder kịch liệt đả kích Tổng thống George W. Bush, đầu năm 2003, Merkel đã qua Hoa Kỳ hội kiến với Phó tổng thống Dick Cheney và còn ngầm cho biết rằng nếu là Thủ tướng Đức, bà sẽ ra tuyên ngôn hỗ trợ Hoa Kỳ tại Iraq!
Nhân vật này còn viết bình luận trên báo chí Hoa Kỳ để đả kích lập trường chủ hòa và sự dè dặt với giải pháp chiến tranh khi tự do bị đe dọa. Với Pháp, bà nói thẳng rằng tình hữu nghị Pháp Đức chỉ bền vững trong sự hợp tác bình đẳng của mọi nước Âu châu cũ và mới và trong khuôn khổ của một liên minh với Hoa Kỳ.
Toàn những lập luận làm chính quyền Bush thấy hể hả.
Nếu không có sự biến bất ngờ - đời tư bị bươi móc chẳng hạn – Angela Merkel sẽ là Thủ tướng Đức và liên minh Pháp Đức để chống Mỹ coi như tan vỡ.
Nếu mọi sự tiến hành tuần tự như hiện nay – hai năm là một thời khoảng chính trị bất tận với đủ loại biến động bất ngờ - tầng lớp lãnh đạo của Pháp, Đức và cả Ý, sẽ là những khuôn mặt mới. Cuộc khủng hoảng tại Âu châu đang cho thấy sự xuất hiện của Âu châu mới, của những người không coi Hoa Kỳ là kẻ thù, trên những mảnh vụn của giấc mơ thống nhất thành một thế lực đế bá.
Và nhìn từ Hà Nội, với con mắt của Nông Đức Mạnh sau khi đi Pháp hay Phan Văn Khải sau khi đi Mỹ, cục diện này cũng đáng để suy nghĩ và thảo luận cho Đại hội X!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.