Hôm nay,  

Sự Băng Hoại Bốc Mùi Từ Sự Thờ Ơ Của Chúng Ta

11/05/200500:00:00(Xem: 5249)
(Từ Sài Gòn)
Hạng khuyến khích giải thi viết văn nhân Ngày Đấu Tranh Cho Tự Do Việt Nam 30-4-2005
1.
Tôi là một tác giả sinh sau năm 1975, và tuổi thơ là những năm tháng khó khăn nhất của đất nước - trong thể chế mới: Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Và những năm tháng ấy, với tôi cũng thật mờ nhạt. Bởi tôi sinh ra trong một gia đình mà bố là công nhân, mẹ là nông dân và ông nội thì đi Tập Kết, có hai vợ [motif cũng như mode thời bấy giờ]. Trước khi trở thành công nhân, bố tôi là một lính Nguỵ, nói đúng hơn bố tôi là Nghĩa Quân của chính quyền trước 1975, tại địa phương của bố tôi - và cũng là địa phương của tuổi thơ tôi sau này: Điện Bàn, Quảng Nam - căn cứ địa của Cộng sản và Cách mạng. Nói thật, tôi không thích từ Nguỵ cho lắm..., tại sao lại Nguỵ, khi những con người trong ấy lại cứ sờ sờ ra đó. Chẳng lẽ bố tôi là không có thật, và tinh trùng của bố tôi sinh ra tôi là một cái bóng, một sự hư nguỵ. Nhưng rồi bố tôi cũng được làm công nhân, giai cấp danh giá một thời; bởi trước khi bị bắt lính [sao thời nào cũng bắt lính hoặc bộ đội thế nhỉ] trước năm 1975, bố tôi đã là một người thợ mộc giỏi [mà cái nghề này thì không thể nguỵ được], nên không phải đi Cải tạo mà vào thẳng trại mộc, làm công nhân bậc 4 trên 7, mỗi tháng lãnh 8kg gạo [thay vì bo bo], 1 chai nước mắm và 1 gói bột giặt kem Hải Vân về giặt quần áo. Vậy là đời sống cũng thêm phần nhu yếu phẩm và bớt đi sự thiếu thốn đang hiện diện ở những gia đình kế cận.
Cái thời ấy, nếu không làm công nhân, thì chỉ có nước ăn bo bo độn khoai sắn đủ loại - quanh năm, kèm nước muối và giặt giũ thì chỉ với nước tro bếp. Vải tám đen là thịnh hành và chuyên trị, vì nó phù hợp với tro và rận rẹp. Số ngày mà tôi phải ăn bo bo chỉ tính trên đầu ngón tay; nhưng số lần mà tôi phải ăn cơm độn khoai sắn, hột mít hoặc cơm thiếu nước mắm thì phải tính bằng năm. Trước năm đổi tiền [1986], gia đình tôi chưa bao giờ có khái niệm về chuyện ăn một tô phở hay ăn canh, rau kho được nêm 1 chút bột ngột; chứ nói chi đến thịt bò. Dù phở thì cứ nhan nhản trong các cửa hàng quốc doanh; còn bột ngột thì Nhật đã biết sử dụng từ đầu thế kỷ XX. Thế nhưng tôi có vẻ kiêu ngạo, cái kiêu ngạo và kệch cỡm mà sau này tôi mới biết là rất phổ biến ở đất nước mình: Việt Nam là một đất nước kiêu ngạo và kệch cỡm mà. Bởi nhà ai có con nít đau mới khỏi bệnh hay đang trong thời kỳ ăn cháo loãng [làm gì có thịt tươi để nấu cháo], đều cầm chén đất [như kiểu chén bằng gốm nhưng thô vụng bây giờ] qua nhà tôi xin một muỗng nước mắm. Có lần tôi loe xoe tự rót, có lẽ hơi nhiều hơn bình thường, mẹ tôi có vẻ khó chịu - nhìn tôi thật lạnh lùng. Còn các chị gái 14 đến 17 tuổi, thì luôn dòm ngó cái bịch bột giặt kem Hải Vân và cục xà bông thơm Camay mà bố tôi được tặng nhân hội thi đua tay nghề giỏi. Lúc thì cái trứng gà, lúc thì một miếng mít chín, một miếng bí rợ, một nải chuối... nói chung cây nhà lá vườn, đem sang đổi một chút bột giặt hay gội ké một lần Camay, nhân vụ đi đám cưới hay tết nhất gì đấy... Nói chung có rất nhiều chuyện đến nỗi mà tôi không biết bắt đầu từ đâu, chuyện nào cũng như in trong tâm trí, nó như một cuốn phim tư liệu cũ được chiếu lại thường nhật. Trong từng ấy chuyện, ấn tượng nhất có lẽ là chuyện bác họ tôi đi xếp hàng mua thịt về giỗ cha; từ hai ba giờ sáng đã lội bộ đi; chín mười giờ sáng chưa thấy về, cả nhà chỉ chờ mỗi miếng thịt là có thể làm đám giỗ. Mà có phải giỗ gì to tát đâu; bởi nếu làm to, thì vừa không có khả năng, vừa bị khép vào tội mê tín dị đoan. Đợi mãi cũng không tới phiên vì các gia đình quen, có thanh thế đã móc nối trước, khi tới phiên bác họ tôi thì chỉ còn một miếng thịt gần chỗ bí hiểm của con heo nái. Đành lủi thủi đi về, và từ đó bác tôi chỉ giỗ cha với một chén cơm trắng cùng muối mè, chén nước chè xanh. Bây giờ, quen rồi, vẫn thế. Có thể vì vậy mà con cháu đau ốm liên miên, học hành làm ăn bất trắc. Không phải ông bà quở trách gì; mà do ăn uống kham khổ quá; mà mỗi năm lại chỉ có một lần, nên không đủ sức phù hộ cho con cho cháu. Và hẳn nhiên, ông trở thành người ưu thời mẫn thế, bất cộng tác với nhiều chương trình của hợp tác xã, của xã. Và con cháu ông, trở thành những người không ưa gì chế độ cộng sản. Đúng là nhân nào quả nấy, cứ sờ sờ ra.
Và cũng trong tất cả những câu chuyện miên man và buồn nôn ấy, tôi cũng nhớ chuyện mất sổ gạo. Không biết sổ gạo nhà người khác như thế nào, chứ sổ gạo nhà tôi được đóng một dấu hình chữ nhật to tướng, màu xanh, ngoài bìa: Công Nhân. Và trong cả xã đông hơn ngàn người, thì chỉ có mười mấy người là công nhân thôi. Cho nên mỗi lần đi lãnh gạo, lãnh thịt, lãnh dầu hoả [để thắp sáng]... chỉ cần tôi đi là đủ. Cứ lê la đi khi nào tới thì tới, nhưng khi tới, bà "phát chẩn" [cũng là công nhân] nhìn thấy tôi là la như cắt họng: "Mấy người - mấy hàng kia tránh ra, ưu tiên cho con gia đình công nhân lãnh trước." Thế là dù có đi chậm cỡ mấy, tôi cũng được về nhà trước. Còn những gia đình khác, phải chen lấn - sắp hàng cả ngày, bỏ công ăn việc làm cũng chưa chắc lãnh được. Chưa nói bị rớt sổ gạo, ai đó lượm được lãnh thay thì tháng đó ôi thôi. Có lần đi lãnh dầu hoả, tôi cũng bị rớt sổ/đúng hơn bị cướp sổ. Con trai tay trưởng thôn [16 tuổi, gấp đôi tôi] và mấy thằng khác chặn đường giật sổ dầu. Hình như bọn này cũng hay giật của những đứa khác, rồi giữ đứa bị giật lại, một thằng chạy ù tới lãnh dầu. Nhưng lần này, thằng cầm sổ của tôi đi về tay không, mặt nó tiu ngỉu, và cả bọn bỏ chạy về nhà. Kết quả của việc này là công an xã triệu tập ba buổi họp cấp xã liên tiếp, mời tay trưởng thôn và bố mẹ mấy thằng kia [tất nhiên có cả bố tôi] để kiểm điểm bọn "vô chính phủ" ấy, sao dám đi giật sổ của gia đình công nhân. Hoá ra bà phát dầu thấy sổ của nhà tôi, sao người khác lãnh, liền giữ lại...; còn nhà khác, chắc mặc kệ hoặc làm sao nhớ hết.
Kể lại một câu chuyện rời rạc và đơn điệu như thế, để thấy rằng tôi là một con người mới đây [chưa được 30 năm]. Con người của những ký ức rất gần, nên các kinh nghiệm về vượt biên, thuyền nhân, nhập cư... thật mơ hồ và xa lạ. Tôi chỉ muốn nêu lên một vài hình ảnh mà mình nhận diện được tại Việt Nam hôm nay; với cái thực tại mà nhiều người hay nói kiểu cửa miệng là đã có nhiều thay đổi và phát triển.

2.
Và từ chìa khoá [key word] cho bài tham luận này và cũng là cách nhìn tham chiếu của tôi là hai chữ: BĂNG HOẠI.
Tại sao tôi cùng hai chữ này, bởi Việt Nam cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới hiện nay, đang rơi vào tình huống mà chỉ có thể dùng một câu đã có thể diễn tả được: Giọt từ trên nóc giọt xuống. Chính quyền-nhà nước thì tham nhũng, lũng đoạn; còn người dân thì hoang mang, xu thời và tranh thủ.

2.1
Ví dụ đầu tiên cho việc này đó là Tính rửa tiền đang rất công khai. Bởi Việt Nam chưa có được hệ thống quản lý tiền tệ bằng tài khoản trong ngân hàng [mà nếu có quản lý bằng tài khoản thật, thì với ma trận và độc quyền về giấy tờ kiểu gia đình trị - việc hợp thức hoá cũng quá dễ dàng], ở Việt Nam, nếu anh cầm một trăm ngàn đôla đi chơi gái hay mua xe cũng chẳng ai ý kiến gì. Những người có nhiều tiền thì được tôn thờ và được xem là Thượng đế. Điều này chẳng có gì lạ; nhưng có một cái lạ là các cơ quan nhà nước thì tham gia việc này mạnh hơn cả. Con cháu của một sếp lớn nào đó, có một số tiền Ma [tiền tham ô - tham nhũng và mafia], giờ công khai ăn chơi mua sắm thì sợ bị để ý, nên tốt nhất là lập một công ty trách nhiệm hữa hạn [ngắn hạn] hay một quán café, một nhà hàng hạng sang, với đầu tư đắt đỏ, trả lương nhân viên cao và khai thuế nhà nước đầy đủ. Và các cái cớ này thì hàng tháng phải thua lỗ, càng nhiều càng tốt; nhưng danh nghĩa thì cứ khai báo làm ăn phát đạt, đóng thuế đầy đủ và liên tục thanh lý hàng mới mua. Máy tính xách tay mới mua giá 1.500USD, hai tháng sau bán thanh lý chỉ 100USD, thậm chí thấp hơn rất nhiều. Nhưng không sao, miễn là thiên hạ cứ tưởng mình làm ăn được là tốt rồi. Cái lợi của việc này là hợp thức hoá được việc tiêu tiền Đen. Và xã hội đen nhanh chóng được biến thành xã hội đỏ danh giá. Cứ thử tưởng tượng, với vài chục triệu [thậm chí vài tỷ] đôla trôi nổi ở một nước nào đấy, vào Việt Nam xong, trong một thời gian ngắn, sẽ chễm chệ ngồi trong tài khoản ngân hàng chính quy, sau đó lại chuyển ngược ra nước ngoài. Các tập đoàn sản xuất nước ngoài tại Việt Nam hay làm việc theo lối này là chủ yếu. Mà việc này, tất nhiên chỉ có các cơ quan nhà nước mới bảo kê được; bởi chính sách giấy tờ và hành chính tại Việt Nam rất nhiêu khê, không phải là người nhà nước, không xoay xở được. Hệ quả của công cuộc rửa tiền này là đồng tiền Việt Nam tăng vọt về con số [lên đến 500.000 đồng], mà giá trị thì giảm xuống chóng mặt. Kéo theo nữa, là chi tiêu của 100% mặt hàng trong xã hội đang bắt đầu vượt quá khả năng thực tế của người tiêu dùng. Đơn cử, thành phố Hà Nội hay Hồ Chí Minh cũng thế, đất đai nhà cửa được xếp vào top 30 thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới. Nhưng 82% số nhà cửa, đất đai được mua bán không phải bởi nhu cầu người tiêu dùng mà chính là trò chơi của các đại gia - những con bạch tuộc thoát thai từ bộ máy quản lý nhà nước. Họ đang xem đất đai của người dân như một con độ, tha hồ thách giá và ra sức tăng giá...

2.2
Ví dụ thứ hai mà tôi cũng có nắm bắt được, đó là Giáo Dục. Hiện nay cả nước có khoảng 30 triệu người đi học, chiếm khoảng 1/3 số người Việt trên toàn thế giới. Và gần 25 triệu trong số đó là học sinh phổ thông. Một con số thách thức với mọi tôn giáo, mọi đảng phái và mọi tổ chức ở Việt Nam. Mới nhìn thì ta cứ tưởng vậy là một thành quả, bởi chẳng bao lâu nữa thì 100% hết mù chữ. Nhưng một vấn nạn khác còn nguy hiểm được sinh ra từ lối Giáo Dục Nhồi Sọ này, đó là việc Biết Chữ mà Không Biết Nghĩa. Có quan điểm còn cho rằng, đến năm 2005, 60 năm kể từ 1945, chúng đã làm được một việc mà không một quốc gia đương đại nào có thể làm được, đó là Ngu Dân Hoá 100% - theo cái nghĩa như đã nói, học nhiều mà không biết hay không ứng dụng được bao nhiêu. Nhìn biểu đồ giáo dục hình Kim tự tháp lộn ngược đang hiện hành mà cảm thấy buồn cười. Một hai tuổi đã phải vào nhà trẻ, trường mầm non, lớp mầm, lớp chồi, lớp lá, lớp cơm nát, cơm nhão... đủ cả. Và đa phần giáo viên chỉ làm chuyên môn với thái độ chiếu lệ, ăn lương. Học sinh được ăn ngủ theo công thức; đứa nào không chịu ngủ thì châm thuốc ngủ pha loãng. Có nhiều phụ huynh thấy con mình trên trường ăn được ngủ được sao cứ gầy cồm, đem đi xét nghiệm thì mới biết nó bị "nghiện" thuốc ngủ nặng. Mà nghiện thuốc ngủ thì có khác gì ma túy. Còn cấp 1 thì sẽ phải mang cái cặp nặng nhất, thời khoá biểu thì ôi thôi là dài và dày đặc. Cha mẹ, anh chị phải ra sức học giúp, làm bài giùm cũng không kịp. Cái tuổi biết ăn-biết ngủ-biết học hành... thì chỉ còn mỗi chuyện học hành; ăn ngủ bị cưỡng hiếp mất rồi. Lên cấp hai, thì cặp có nhẹ hơn, thời khoá biểu cũng đỡ hơn; nhưng lối học cỡi tàu vũ trụ xem hoa mười giờ trên lớp để gia tăng dạy thêm, dạy kèm ở nhà lại được đề cao, và trở thành vấn nạn. Dám không có nước nào trên thế giới mà gần 100% học sinh phổ thông phải đi học thêm. Cũng một bài toán, mà trên lớp thì cũng người thầy đó dạy, cách nào cũng không hiểu; mà khi học thêm thì ngược lại. Và gần trường thì thế nào không có vài điểm chơi điện chữ, bi da... mà ở đó thì không thiếu thuốc lá, heroin; và vậy là, ma tuý đang xâm lấn học đường cấp hai. Đặc trưng của hai cấp này là đa phần học sinh trong lớp được tặng danh hiệu khá giỏi, mấy phần trăm còn lại, là học sinh xuất sắc. Mà một lớp học chỉ toàn học sinh khá giỏi với xuất sắc, thì cái lớp học đó cũng dốt nát như nhau, kiểu như người ta nuôi bò công nghiệp vậy, con nào cũng y con nào. Lên cấp ba, thì cặp còn nhẹ hơn nữa, thời khoá biểu cũng mơ hồ hơn nữa, để chuẩn bị thi đại học mà, tập trung vài môn thôi. Và mode của những đối tượng này là tụ tập ăn nhậu, mua sắm thời trang và phá thai chui. Lên đại học [một kiểu cấp 4], thì tuyệt nhiên cặp nhẹ nhàng, ổn áp riêng với chiếc xe đạp, xe máy, cái điện thoại di động... và tuyệt nhiên 90% sinh viên không bao giờ vào thư viện. Trên giảng đường thì các môn gây ám ảnh và được chú ý cao độ nhất là Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Tiếng việt và Ngữ pháp tiếng Việt, Pháp luật đại cương... những môn vốn không thực tế, và người dạy thì như chó mửa. Sinh viên ngồi ngủ gật và chịu đòn tra tấn, nghỉ quá 30% số tiết sẽ bị cấm thi; sau đó thì tìm mọi cách để thi, ngay cả đút lót và mua chuộc giảng viên. Còn các môn chuyên ngành thì tiếp tục cỡi tàu vũ trụ; 70% giảng viên thì không biết một xu lẻ về chuyên môn. Các giảng viên danh giá thì hoặc đã nghỉ hưu, hoặc bị quá tải, không còn kham nổi chất lượng buổi dạy; các giảng viên mới thì đa phần có đạo đức và hạnh kiểm tốt, biết nịnh trên lừa dưới, còn chuyên môn, thì tuyệt nhiên không có. Nhại Trịnh Công Sơn, thì bò đang được lùa vào các trường đại học. Mà vào đó rồi [ký hợp đồng, biên chế rồi] thì khó mà ra. Còn khi vào được cao học, thì bạn có thể yên tâm, bởi ở Việt Nam cao học và tiến sĩ chỉ là chuyện phải đạo với nhau, chưa có ai rớt trong vụ này. Trong các lớp đại học, nếu có ai đó chịu học thì ra trường là họ đã có thể ứng dụng được việc học của mình; còn những con bò khác thì tìm mọi cách chui vào học cao học và tiến sĩ. Bởi thế trong mỗi lớp cao học hay nghiên cứu sinh thì chỉ có 2-3% phần trăm là học thiệt, còn là bọn học giả. Học mà không biết mình đang học cái gì. Hệ quả của những điều này, là giáo dục trở thành một mặt hàng xa xỉ. Trở thành một gánh nặng vô biên của người dân và đất nước. Khi con cái còn học phổ thông, gia đình không yên tâm nên phải đưa đón ngày mấy cữ bỏ bê cả công ăn việc làm. Lên đại học và học xong tiến sĩ rồi thì kiến thức hổng, không làm việc được gì. Nếu có ai đó xui xẻo bị rơi vào tình huống hình nhân thế mạng, thì gia đình chuẩn bị mà cơm nước đi thăm tù. Có ai đời học 12 năm phổ thông, cùng với gần chục năm học đai học - cao học - tiến sĩ... mà nhiều tiến sĩ, giáo sư ở ta một chữ ngoại ngữ bẻ đôi cũng không biết. Khi hỏi ra thì mới biết, nghiên cứu thì thuê người khác làm giúp, còn bằng ngoại ngữ thì mua, đâu cần phải thi. Và cuối cùng, những con người ưu tú - những tiến sĩ đương đại [đương đái, hay đương dại cũng thế] này được tống ra xã hội, được chèn vào các cơ quan nhà nước ở trung ương, ở các địa phương; để sau đó chúng ta có được những đống rác bảo thủ, quan liêu và băng hoại. Bởi nếu không thế, với kiến thức hổng của mình, bọn chúng làm sao đối thoại - làm việc với người khác. Và hẳn nhiên, hệ quả của điều này, xã hội càng bị băng hoại và mất dân chủ hơn nữa.

2.3


Và Rác cũng là ví dụ thứ ba của tôi trong tham luận này. Đường sá ngập úng, sông ngòi - môi trường ô nhiễm nặng nề... là những thứ mà bất cứ ai cũng nhìn thấy bằng mắt thường. Hậu quả của những điều này cũng là kết quả của công việc nghiên cứu và thi công của những con bò đang ngồi trong các cơ quan, các viện có liên quan. Để xây dựng một thành phố, một đô thị, ai không biết cái tiên yếu là phải xây dựng thành phố - đô thị ngầm [gồm cống rãnh, điện ngầm, cáp quang...] trước, sau đó mới đến thành phố công cộng [như bệnh viên, trường học, công viên, cây xanh...], rồi đến thành phố trên không [như độ cao của nhà, sân bay, đường dây điện,...], rồi cuối cùng mới là khu dân cư. Các con bò thì không muốn làm thế, làm đường trước, chôn cáp ngầm sâu, nhà trước, đường sau... kết quả là kẹt xe thì quanh năm; đường thì cứ đào lên bới xuống, mà khi cháy nhà thì xe cứu hoả vô phương. Vụ ITC gần 500 người thành heo quay là một minh chứng cho sự đần độn và thất trách như vậy. Nhưng đây là những cái rác vớ vẩn, ai cũng thấy, y như nhà nước cho thuê biên giới để các nước khác đổ rác vậy. Các bãi rác trải dài hàng chục cây số ở biên giới, ai mà không biết. Rồi hàng quá date, kém chất lượng... được nhập hàng lạt.
Có một thứ rác nguy hiểm và khó thấy hơn; đó là rác của các con số và giấy tờ. Vì phải phấn đấu vượt chỉ tiêu xuất, và đặc biệt là nhập khẩu nên đa phần những thứ nhập vào là xú ế, cần vứt đi của nước ngoài. Ví dụ café hay gạo của Trung Quốc thì làm sao bằng chất lượng gạo và café ở Việt Nam nhưng mỗi năm nhập về không biết bao nhiêu là kể. Kết quả, người nông dân Viện Nam chết, phá lúa phá café... Một nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, vậy mà gần 20% dân số thì đói ăn quanh năm; 60% còn lại sống trong tình trạng nghèo khó. Cái rác giấy tờ và con số này còn xâm nhập vào cả các lĩnh vực như văn hoá nghệ thuật, pháp luật, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, tư tưởng và nhân phẩm quốc gia. Lúc nào cũng nói Việt Nam thế này, thế khác... nhưng cái gì là phản động [theo nghĩa chống lại sự chuyển động của nước nhà] thì cứ ra sức nhập về; hoặc nhập về thì được sử dụng thiên lệch, méo mó đi. Như đã nói, từ chính quyền đến người dân, biết chữ mà không biết nghĩa, nên dù có pháp luật thành văn, nhưng đâu có ai tôn trọng và thực hiện nó. Mà khi muốn thực hiện thì lại có quá nhiều lỗ hổng. Có rất nhiều chữ tự nhiên tăng nghĩa như Nhồi sọ, Tẩy não, Áp đặt, Mất Dân Chủ... và nhiều chữ khác thì mất nghĩa đến trầm trọng như Nhân tính, Tự do, Dân chủ, Bác ái... Có thể dễ dàng làm một từ điển về nghĩa mới của những từ này. Và đây, tất nhiên là hệ quả của rác trong tư tưởng và cách thực hiện các đường lối, chính sách... Còn các hội nhà văn, các sở văn hoá, bộ văn hoá hay các cơ quan liên quan tới văn hoá nghệ thuật... họ làm mọi việc, ngay cả công an hay tình báo, nhưng chỉ có một việc học không làm: đó là chuyên môn của họ. Những tác giả tạm xem là ngon lành nhất trong các ngành nghệ thuật, sáng tạo, trí thức... của Việt Nam đương đại, tất nhiên không lệ thuộc trực tiếp các hội này. Những nhà nghiên cứu, những trí thức có ảnh hưởng cũng thế, họ cũng không phải là những con người chính quy; lại bị chụp mũ, chèn ép liên tục...

2.4
Một ví dụ, rất thương tâm, mà tôi chỉ muốn đề cập thật ngắn gọn, đó là Y tế. Theo thống kê của Roche [Pháp] thì trên thế giới, không riêng gì nước nào, có đến ¾ số bệnh nhân chết là do lây bệnh, chứ không phải do thiếu thuốc. Bởi vì các bác sĩ, các y tá, các điều dưỡng viên... thường không có đủ thời gian để vô trùng đôi tay của mình giữa hai lần thăm bệnh. Nghĩa là giữa hai bệnh nhân nằm chung phòng với nhau [chứ chưa nói chung giường như ở bệnh viện Chợ Rẫy, nổi tiếng nhất Việt Nam], đều được chăm sóc bằng một đôi tay. Còn một phần còn lại, chết là do lỗi kỹ thuật, do chuyên môn của bệnh viện, do chẩn đoán sai, do bệnh thời kỳ cuối, do chế độ dinh dưỡng...
Vậy mà, ở Việt Nam còn khác hoàn toàn. 2/4 số bệnh nhân chết là do đói ăn chứ không phải đói thuốc. Các khoa dinh dưỡng ở các bệnh viện lớn nhỏ, thường là nơi dừng chân của những bác sĩ ba mớ, bất tài, vô tướng. Ngay cả với các bác sĩ khác, khoa dinh dưỡng cũng được họ nhìn với con mắt không thiện chí; thậm chí còn xem đó là gánh nặng của bệnh viện - nơi họ đang công tác. Vậy là, các chuyên gia dinh dưỡng [thật sự rất cần] trong các chẩn đoán và chỉ định bệnh đã không hiện diện trong các ca phẫu thuật và điều trị. Họ được quan niệm và được bố trí công việc như những người điều dưỡng viên thông thường. Kết quả của điều này, là một nữa bệnh nhân bị chết oan. Có nhiều người không đủ sức để mổ liền, cần bổ sung dưỡng chất trong vài ngày - vài tuần thì cũng bị đè ra mổ, kết quả kiệt sức mà chết, do hết khả năng hồi phục. Có nhiều người cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý - thậm chí đặc biệt trong điều dưỡng, hồi sức thì lại chơi toàn cháo loãng [chuyện xưa nay] với nước biển [chuyền đạm trực tiếp], kết quả cũng kiệt sức mà chết. Bởi dù có chuyền đạm 24/24 thì cũng không bao giờ đủ số dinh dưỡng cần thiết [thậm chí dinh dưỡng căn bản] trong một ngày của người bệnh.

Trong mấy năm gần đây, trung tâm dinh dưỡng Tp.HCM đang nỗ lực cân đo đóng đếm lại chế độ dinh dưỡng của người dân Viêt - chế độ dinh dưỡng ở các bệnh viện... thì bị bài trừ, tẩy chay, trừng trị... một cách thậm tệ. Bởi khi nói ra vấn đề này, rõ ràng là đụng chạm đến quyền lợi trực tiếp của rất nhiều cá nhân, tổ chức trong ngành y tế, và những ngành có liên quan trực tiếp, thậm chí trong chính ngành dinh dưỡng của Việt Nam, đâu phải ai cũng hết bảo thủ. Họ làm y tế là gìn giữ sức khoẻ của đa phần dân tộc, nhưng không phải từ y đức mà vì tiền. Đành rằng, muốn đến với dịch vụ y tế thì phải có tiền; nhưng rõ ràng tiền không phải là viền mối căn bản của y tế. Vậy là lương tâm của cả một dân tộc được trao vào tay của những chiếc áo blouse trắng [như tang ma] ở các bệnh viện; các trung tâm nghiên cứu - phát triển y tế. Bởi trong các quan niệm hiện đại, thì lương tâm của một con người - một dân tộc thì cũng chính là sức khoẻ của con người - của dân tộc đó. Tất nhiên sức khoẻ ở đây phải được chu toàn cả về thể chất - tinh thần và vật chất.
Sở dĩ có tình trạng băng hoại như thế là do mấy lý do: Một, do di chứng của xã hội bao cấp, tồn đọng những bác sĩ bất tài trong các ghế lãnh đạo; vẫn xem y tế như một phúc lợi trực tiếp, một ân huệ mà nhà nước muốn ban cho người dân. Hai, do tệ nạn tham những, móc ngoặt đang lan tràn mạnh mẽ, làm cho đa phần bác sĩ nhìn nghề nghiệp của mình thiên lệch, như một cái cớ đặc biệt để kiếm tiền. Cho nên tìm mọi cách móc nối với nhau để nâng giá thuốc, nhập máy móc... tạo ra những cua-rơ, những tập đoàn [có tính chất] mafia trong ngành y tế; cắt cổ người dân, đẩy người dân đến tình trạng tiền mất tật mang mà vẫn nhìn bác sĩ như các vị thầy thuốc nhân từ [Lương y như từ mẫu], vẫn chịu ân huệ. Mọi việc bắt đầu từ một thức tế mâu thuẫn rất vớ vẩn: vợ của bác sĩ mua một bó rau thì cầm trả tới trả lui, trong khi chồng bà bán rau thì phải trả tiền trọn gói và một lần, giá trên trời. Và cuối cùng, là tình trạng chung hiện nay, giáo dục quá yếu kém, các bác sĩ trẻ không có tư tưởng - không biết suy nghĩ là một chuyện; mà y đức và chuyên môn cũng tuyệt nhiên không có nốt. Đa phần bọn họ [như đa phần bọn được xem là trí thức trẻ tại Việt Nam] chỉ là những lũ cơ hội, chỉ chờ những khe hở là phản bội và bồn rút.

2.5
Một ví dụ khác, đó là sự ngụy tạo bản sắc. Người Việt rất nhanh thay đổi và nhanh mất gốc, thế nên cái câu: Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - luôn được đề cao. Mà thế nào là Tiên tiến, thế nào là Đậm đà bản sắc thì không sao trả lời và không sao giải quyết được. Nó gồm bao nhiêu tiêu chí, nằm trong sự so sánh và đối chiếu như thế nào... thì thật mơ hồ; và dường như đang cố gắng đánh lận. Y như những cuốn sách viết về Cơ sở văn hoá Việt Nam, chưa đọc thì còn hình dung văn hoá Việt như thế này, như thế kia... còn khi đọc rồi, thì hết biết cơ sở của văn hoá Việt Nam là gì. Nhìn những người Việt ở xứ người [ở quê lên thành thị] thì biết, thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ một rưỡi, thứ hai hoặc thứ ba thì quên hết tiếng - quên hết các đặc trưng tập tục của xứ mình. Trong khi đó người Trung Quốc di cư qua Mỹ từ thế kỷ 17-18, đến bây giờ họ vẫn giữ được tiếng của mình - họ luôn cố gắng tạo ra những China Town của riêng mình. Mà trong đó, thì ôi thôi các lễ nghi và tín ngưỡng, vẫn cố gắng bảo tồn [lắm khi đến bảo thủ] như cũ. Chưa nói tới chuyện ẩm thực, thì quyến rũ và làm thay đổi cách nhìn của các dân tộc khác biết bao nhiêu. Người Trung Quốc chợ lớn cũng thế, Việt Hoa đều dùng được; mà ăn uống của họ cũng thật đặc sắc. Một dân tộc, mà ẩm thực và tiếng nói của mình không giữ được, thì đừng bao giờ nói tới chuyện bản sắc làm gì cho tốn công. Mà bản sắc văn hoá thì phải gắn liền với những dân tộc biết thống nhất tính bảo thủ và không có thái độ nhược tiểu. Cứ tưởng dân tộc Việt dễ thích nghi vì tính mau thay đổi, như vậy sẽ nhạy cảm với cái mới - cái tiên tiến - hiện đại... nhưng không, vì thái độ kiểu thịt heo ba chỉ, lúc thế này lúc thế khác, nên những lúc cần thay đổi thì lại bảo thủ; và ngược lại, những lúc cần bảo tồn thì lại thay đổi. Và hẳn nhiên đây là một sự băng hoại đã thấm sâu vào máu thịt và có tính truyền thống. Mọi thái độ nguỵ tạo chỉ làm cho chúng ta man rợ và mất mát thêm mà thôi.
Mà bây giờ lỡ đánh mất rồi, thì phải làm sao. Tất nhiên phải tiếp tục nguỵ tạo ra một bản sắc khác. Ở Việt Nam, thời kỳ sau luôn tìm mọi cách đả phá, xuyên tạc thời kỳ trước; mà càng về sau càng man rợ. Đến thời của Chủ nghĩa xã hội thì tất cả những cái gì thuộc về phong kiến thì đều là đồi truỵ, cần bỏ đi; mà cái mới thì chưa có khả năng để tạo ra - để thay thế. Kết quả là càng về sau, văn hoá càng bị hủy hoại và mai một. Để bây giờ dịch vụ và du lịch phát triển, lấy cái gì ra đối đãi đây, đành phải vơ víu vào cái này, cái kia... mà những thứ đó, chỉ là bất khả kháng còn sót lại. Như Mỹ Sơn chẳng hạn, nó còn lại 1 đống gạch [những thứ quý hiếm thì mất sạch rồi] và được công nhận Di sản nhân loại là do nó ở trên núi, chứ nếu ở gần một hợp tác xã nào đó, thì đã bị đập lấy gạch lót sân hay xây trại chăn nuôi rồi. Hội An cũng thế, do có người sống trong đó, chứ không cũng đi đời nhà ma luôn. Những cái còn lại của văn hoá Việt là do nó quá xa lợi ích thực dụng của thể chế, hoặc do gắn chặt với xương máu của người dân thì mới mong tồn tại. Chẳng lẽ giết sạch người dân để xoá sạch văn hoá đồi truỵ; mà những cái được xem là lễ hội, là đặc trưng văn hoá... một thời được xem là mê tín dị đoan, cần phải đạp sạch - dẹp sạch.
Bởi thế, trước xã hội thông tin và kỷ nguyên của Internet ngày nay: bí mật của một quốc gia-dân tộc dần dần bị hé lộ, vấn đề của Việt Nam không phải là chuyện bản sắc hay hiện đại, mới hay cũ, bảo thủ hay hoà nhập, tốt hay xấu, đúng hay sai... mà chỉ là thật hay giả. Chỉ có sự thật mới mong làm chúng ta thay đổi; dù khi tiếp xúc với sự thật, chúng ta sẽ phải chấp nhận hi sinh nhiều thứ- mà trong đó, sự hi sinh lớn nhất - chính là ảo tưởng của chúng ta. Chúng ta cứ tưởng Việt Nam là một dân tộc vĩ đại, giỏi hi sinh trong đánh nhau, vậy là chúng ta cũng giỏi những thứ khác. Chúng ta có bản sắc trong sự mau thay đổi, thích đạp đổ... thì chung ta cũng có bản sắc trong tư tưởng, tính trường tồn. Không, bất cứ dân tộc nào cũng vậy, có một vài đặc trưng và đặc điểm của dân tộc đó, và Việt Nam cũng thế, cái đặc điểm trội nhất của chúng ta là tính thường biến, mau thay đổi. Nói nôm na, bản sắc của dân tộc Việt là không có bản sắc; nếu căn cứ vào các tiêu chí phân loại về bản sắc như hiện nay.

3.
Trên đây, tất nhiên chỉ đơn cử một vài vấn đề - một vài đặc điểm ở mức độ vĩ mô [nghĩa là không đi vào chi tiết, số liệu cụ thể và thực tế] mà bản thân, cũng như chúng ta có thể dùng hai từ chìa khoá [Băng hoại] soi vào được. Khi chuẩn bị viết bài tham luận này, tôi có làm một khảo sát cục bộ với gần 100 đối tượng trí thức tại Việt Nam, bằng 2 hình thức là hỏi trực tiếp và qua email. Thì đến 80% trong số đó đều cho rằng hai từ này có thể diễn đạt được tiến trình giật lùi của xã hội Việt Nam, trong thực tế; và trong rất nhiều vấn đề. Chỉ mỗi sự Băng hoại là không băng hoại mà thôi. Họ còn cho rằng, xã hội Việt Nam từ thời lập quốc đến nay đều rơi vào một quá trình phát triển rất buồn nôn, đó là đi giật lùi và mau chóng đến với chỗ Băng Hoại. Phong kiến cũng thế, Mỹ Nguỵ cũng thế; mà Xã hội chủ nghĩa cũng thế.
Theo họ, cũng như theo quan điểm của tôi, tình trạnh băng hoại này được sinh ra từ hai căn nguyên chính. Một, xuất phát từ thái độ chính trị của mỗi công dân, đặc biệt là những người có ảnh hưởng đến tập thể. Nếu nói như Aristoteles [384-322TCN], Con người là một sinh vật chính trị; thì ở xứ được xem là nực mùi chính trị như Việt Nam, thì những con người trong ấy là Vô chính trị nhất. Càng có chức có quyền càng vô chính trị; người dân thường còn biết cưu mang - đùm bọc lẫn nhau. Các chóp bu thì chỉ chực giết nhau, bỏ mặc người dân muốn ra sao thì ra. Đúng hơn, người dân bị biến thành miếng giẻ rách lau xe; và nhanh chóng bị ném vào sọt rác. Ngay cả bị các nước lân bang bạc đãi, như chuyện gần đây, các giám đốc người Đài Loan, Hàn Quốc... đánh hàng loạt công nhân Việt Nam đến chết tại Việt Nam; rồi tàu Trung Quốc hàng năm giết chết hàng trăm người đi biển trong lãnh hải Việt Nam cũng cứ làm ngơ, hoặc nói cho qua chuyện. Và thái độ vô chính trị dường như cũng là thái độ nhược tiểu. Người dân thấp cổ bé họng, lo nghĩ gần nên họ làm ngơ là phải; còn giới lãnh đạo, sĩ diện của cả một dân tộc - một quốc gia, đâu được phép làm ngơ. Vậy là, các con bò biết uống máu người này mỗi năm tống vào ngân hàng quốc tế không biết bao nhiêu triệu dollar, chỉ để làm một việc: dửng dưng và im lặng. Càng dửng dưng - càng im lặng càng tốt. Thái độ này đâu xứng, thậm chí đâu có nghĩa với thế giới động vật. Và đây cũng là lý do thứ hai của sự băng hoại. Đó là thái độ sống của một trạng thái thực vật hoàn toàn. Thấy phân, thấy nước là mạnh cây nào cây nấy hút; hút hết rồi thôi, không biết đi nơi khác tìm, và càng không biết sản xuất hay tái tạo ra cái khác. Dân tộc có bao nhiêu xôi thịt - bao nhiêu cơ hội, thì mấy con bò hút máu [đúng hơn mấy cỗ máy chóp bu hút máu] ấy hút sạch, xơi sạch... mà không tái tạo ra một xu lẻ nào hết. Sống chết thì mặc bây. Và sức sống của cả nước, cứ thế mà lũng đoạn và lụi tàn. Từ thời lập quốc đến nay, xin nhắc lại, thời nào cũng thế; nhưng càng hiện đại - càng cận đại thì càng dã man và tinh vi.
Và hai thái độ này: vô chính trị [đồng nghĩa với vô dân tộc, vô chính phủ] và trạng thái thụ động thực vật đang là vấn nạn của sự băng hoại. Nó đang trở thành đặc trưng của người Việt trên toàn thế giới. Nếu có thời gian, thử nhìn xem, đúng không! Phải chăng, Sự Băng Hoại Bốc Mùi Từ Sự Thờ Ơ Của Chúng Ta.
Sài Gòn 20.1.2005

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.