Hôm nay,  

Khép Lại Quá Khứ

05/05/200500:00:00(Xem: 5083)
Ngày 30 tháng 4 vừa qua ở Việt Nam nhà nước Cộng sản đã tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng của họ rất lớn với cờ xí rợp trời, khiến Hà Nội cũng như Saigon nhìn đâu cũng thấy một mầu đỏ lòm. Công an đã đến từng nhà thúc ép dân phải treo cờ từ cả tuần trước nên hiện tượng nhuộm đỏ này không làm ai ngạc nhiên. Nhưng cái đỏ đó không phải chỉ có sao vàng mà còn rất nhiều lá cờ đảng với búa liềm treo hàng loạt nơi công cộng ngoài đường. Cách treo cờ như vậy có dụng ý gì"

Trước hết hãy nhìn đến một đặc điểm ở Saigon nay là thành phố Hồ Chí Minh. Trên khán đài khổng lồ có Chủ tịch nhà nước đứng bên cựu tướng Võ Nguyên Giáp với hàng trăm cựu chiến binh CS ngực đeo đầy huy chương đứng xem một cuộc diễn hành vĩ đại nhắm cho thấy đảng Cộng sản đã chiến thắng cả Pháp lẫn Mỹ. Đây cũng là lời nhắn nhủ với đám cán bộ già nua trong đảng, đầu óc bảo thủ mít đặc không thích ứng nổi với thời thế mới. Mấy ông cán ngố vẫn ôm lấy cái quá khứ với bài ca con cá “chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng” dù cái đó nay đã tan ra như khói. Lời nhắc nhở “ta vẫn là cộng sản, đâu vẫn còn đó” là để vỗ yên mấy anh đảng viên già đã về hưu, vốn vẫn bị thua thiệt về quyền lợi vật chất trong khi đảng Cộng sản chuẩn bị dấn thêm vào chủ nghĩa tư bản. Nhưng cùng ngày đó tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải lại đưa ra một điệu kèn thổi ngược khi ông ta nói “hãy khép lại quá khứ để nhìn về tương lai”.

Chưa biết cái “khép lại quá khứ” đó là tấn tuồng gì, nhưng người ta không ngạc nhiên vì từ mấy tuần trước đã có màn giáo đầu do một ông Thủ tướng cũ đã hết thời bỗng thấy hát bên lề sân khấu. Báo chí trong và ngoài nước đã phổ biến những lời phát biểu có vẻ khác thường của Võ Văn Kiệt về tình hình Việt Nam. Đây là một người đã bị đẩy ra ngoài bộ Chính trị và cũng không còn quyền hành gì trong chính phủ. Ông ta chỉ là một thường dân, nhưng có đặc điểm là được nói trong một cuộc phỏng vấn về một số những sai lầm của đảng và nhà nước trong quá khứ. Cuộc phỏng vấn được phổ biến trên mạng lưới của báo Tuổi Trẻ vào đầu tháng 4, sau đó được nhiều tờ báo lớn trong nước đăng tải, với một số đoạn bị cắt xén, kèm theo những lời phê bình chỉ trích của người đọc. Có lẽ những lời của ông Kiệt dành cho người đọc ở ngoài nước, nên bị kiểm duyệt đối với độc giả ở trong nước.

Tuy vậy những lời nói của ông Kiệt được phép đưa ra trước ngày 30-4 cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Theo bản tin AFP, Kiệt là nhân vật lãnh đạo đầu tiên - tuy đã về hưu - công nhận biến cố 30-4 đã gây đau khổ cho hàng triệu người Việt. Ngay cả đại gia đình của ông cũng lâm vào tình trạng tranh chấp vì có người thân ở hai bên chiến tuyến. Ông chủ trương không nên làm lễ trọng thể về ngày này vì như vậy có thể gây phản cảm. Ông còn kêu gọi giới lãnh đạo Hà Nội phải thực tâm khoan dung và hòa hợp thì mới động viên được mọi người Việt Nam ở mọi nơi chung tay xây dựng đất nước. Đây là lời kêu gọi hòa hợp hòa giải với người Việt sống ở ngoại quốc chăng" Theo chúng tôi nghĩ, đây là lời kêu gọi người Việt hải ngoại đem tiền về nước làm ăn buôn bán thì đúng hơn. Bởi vì nếu muốn xóa bỏ hận thù, hòa hợp hòa giải là phải có hành động cụ thể của cả hai bên chớ không phải chỉ có lời nói xuông mà xong. Vậy phía Hà Nội đã có hành động cụ thể gì để hòa giải, trong khi họ vẫn đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, vẫn vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo" Lời nói không mất tiền mua, nếu ông Kiệt cho rằng chỉ cần lời nói rẻ mạt của chế độ CSVN mà thu về được mối lợi tiền bạc và tài sức của người Việt hải ngoại thì quả là chuyện ảo tưởng hoang đường nhất.

Nhưng nếu xét câu nói của Phan Văn Khải mới đây, lời tuyên bố của Kiệt không nhằm vào cộng đồng nguời Việt hải ngoại mà nhằm vào cái túi tiền lớn hơn nhiều. Đó là nước Mỹ. Theo tin AFP lời nói của ông Kiệt quan trọng nhất là chính thức “xóa bỏ hận thù” với Mỹ để tiến tới việc cộng tác chặt chẽ trên mọi lãnh vực cho một tương lai rực rỡ đang chờ đón hai nước. Trong dịp lễ 30-4, Khải nói rõ Việt Nam muốn khép lại quá khứ để tìm kiếm quan hệ hữu nghị với các quốc gia đã từng là kẻ thù của Việt Nam trong cuộc chiến chấm dứt 30 năm trước đây. Lời tuyên bố này hiển nhiên nhằm trước hết vào Mỹ, nó cũng dọn đường cho chuyến đi Mỹ của Khải dự liệu vào tháng 6 tới đây. Lần đầu tiên một Thủ tướng CSVN đến Mỹ, chuyến đi này có thể đánh dấu một chặng đường mới trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington. Nếu quá khứ là những bài học kinh nghiệm, cũng nên nhìn đến quá khứ đó rộng hơn. Năm 1979, Đặng Tiểu Bình là lãnh tụ đầu tiên của Bắc Kinh chính thức viếng thăm Mỹ, tạo thành một thế biến chuyển lớn trong mối quan hệ giữa hai nước. Như để ghi dấu mốc biến cố này, họ Đặng vừa ở Mỹ về nước, Trung Quốc đã mở cuộc chiến tranh quy mô ở biên giới đánh vào Việt Nam.

Cố nhiên lịch sử chẳng bao giờ tái diễn và thế giới năm 2005 khác với năm 1979. Trung Quốc với 1.3 tỷ dân hiển nhiên đang muốn nhảy vọt lên hàng siêu cường kinh tế thế giới. Nó có thừa đủ tư thế để đòi “trao đổi” chớ không đi xin nữa. Việt Nam đã đổi mới kinh tế từ hơn 10 năm qua, bề ngoài đã có sắc thái mới nhưng bên trong vẫn có nhiều thấp kém so với những nước nhỏ yếu khác chỉ vì chính sách nửa giăng nửa đèn. Hà Nội đang làm mọi cách để cải tiến bang giao với Mỹ nhắm hai mục tiêu: phát triển thị trường thêm nữa tránh sa lầy kinh tế và tìm một thế đứng quân bình giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, vừa an toàn vừa có lợi. Thế hát xiệc đi trên dây không phải dễ, mấy anh lãnh đạo Hà Nội vừa trèo vừa run. Các anh sợ lạng quạng là rớt đài. Các anh còn sợ “Mỹ đi rồi Mỹ lại về” dân sẽ tin Mỹ chớ không còn tin đảng nửa. Và khôi hài nhất, đoàn xe hoa diễn hành 30-4 lại có cả những biển quảng cáo “thẻ tín dụng” của mấy ông nhà băng. Âu cũng là điểm gở báo trước các ông Cộng sản muốn đổi thẻ đảng lấy thẻ tín dụng của Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.