Hôm nay,  

Việt Nam: Sau 30-4, Csvn Vẫn Nuôi Hận Thù -- Hà Nội Đã Học Được Gì Sau 30 Năm “chiến Thắng”?

22/04/200500:00:00(Xem: 6506)
Hoa Thịnh Đốn.- Hà Nội kỷ niệm 30 năm chấm dứt chiến tranh với hàng trăm bài tham luận ca tụng điều được gọi là “một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20” mà mục tiêu là cuộc Hội thảo “Đại thắng Mùa Xuân 1975 – Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”.
Tuy nhiên công lao của Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, Phạm Văn Trà và những người khác trong nỗ lực “điểm phấn tô hồng” cho chiến thắng 30-4-1975 đã thành công dã tràng trước những lời tuyên bố biết nhìn vào sự thật của Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng.
Kiệt nói ra quan điểm của mình trong cuộc phỏng vấn của báo điện tử Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) phổ biến ngày 13-4-2005. Theo Kiệt thì chiến tranh là “Một quá khứ mà chúng ta mong muốn khép lại.”
Nhưng khi phóng viên Thạch Anh hỏi : “Thưa ông, "khép lại" là một khái niệm không đơn giản khi làm"”, Kiệt đáp : “Không gì là không làm được! "Hoà hiếu", "khoan dung" là những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người Việt Nam chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy, khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và Việt Nam sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hoà hợp.”
Câu nói của Kiệt phản ảnh đầy đủ lập trường “một vế” của đảng CSVN. Cái vế đó là “những người từng là đối phương, kẻ bại trận của miền nam hãy quay về “hợp tác” với đảng và nhà nước để xây dựng Tổ quốc theo như chủ trương và chính sách của đảng CSVN. Còn chúng tôi, kẻ chiến thắng không cần phải “hòa giải” với các anh.
Đảng CSVN luôn luôn cho rằng, chỉ họ mới có “chính nghĩa” trong hai cuộc chiến chống Pháp dành độc lập và “Chống Mỹ cứu nước” còn dân miền nam, sau 1954, và trước thời điểm này “hàng ngũ quốc gia” ở cả hai miền đất nước chỉ là “những kẻ tay sai ngoại bang” cầm súng chống lại cách mạng,chống lại nhân dân.
Quan niệm có “hậu ý chính trị ” này đã một lần được Lê Duẩn, đề cập đến, theo như lời Kiệt trong cuộc phỏng vấn: “Sau 30/4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó.”
Thế rồi lập trường “mị dân” này lại được Trần Văn Trà (Trung tướng Cộng sản đội lốt Mặt trận Giải phóng miến Nam) nói với Tướng Dương Văn Minh tại Dinh Độc lập sau khi ông Minh đầu hàng.
Theo tự thuật của Nguyễn Hữu Hạnh, Chuẩn tướng VNCH “nằm vùng của Cộng sản có nhiệm vụ bám sát tướng Minh” thì : “Chiều 30-4-1975, nghe đại tá Sáu Trí (là tình báo của cách mạng) vào nói chuyện, anh em an tâm. Chúng tôi còn ở lại dinh Độc Lập ba ngày. Tối 2-5-1975, chúng tôi làm việc với ông Cao Đăng Chiếm, và sau đó các ông Minh, Huyền, Mẫu và ông Hảo - phó thủ tướng cũ (không phải phó thủ tướng của chính phủ ông Minh) được tướng Trần Văn Trà tiếp.
Ông Minh thuật lại rằng tướng Trà có nói một câu hết sức thắm tình dân tộc: “Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc VN chúng ta thắng đế quốc Mỹ”.
Lúc đó, tôi cảm thấy thanh thản và nhẹ lòng khi đã làm xong nhiệm vụ mà Ban binh vận Trung ương cục đã giao. Tôi đã góp phần nhỏ bé của mình cho một Sài Gòn còn nguyên vẹn, cho một nước VN thống nhất, hòa bình.
Tôi bỗng nhớ đến những ngày hôm qua của đời mình: từ một sĩ quan chống cộng trở thành cơ sở của cách mạng.” (Báo Tuổi Trẻ điện tử , 16-4-2005)
Nhưng chỉ một thời gian sau đó, nhà tù, trại tù lao động đã được đồng loạt mở ra trên khắp miền đất nước để cho đảng CSVN hành hạ, trả thù hàng trăm ngàn Quân-Cán-Chính, đảng viên các đảng phái, trí thức, các Nhà tôn giáo và giới văn-nghệ-sỹ miền nam. Đã có không biết bao nhiêu người chết mất xác trong các trại tù này.
Nhưng tại sao Võ Văn Kiệt lại bảo: "Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó.” (Lê Duẩn: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai".) Hay của Trần Văn Trà: “Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc VN chúng ta thắng đế quốc Mỹ.”
Không ai, nhất là người miền nam có thể “cảm nhân được điều đó” vì đảng CSVN chỉ nói chuyện mị dân và lời kêu gọi “đoàn kết dân tộc” nào cũng có giấu giao găm, mã tấu bên trong làm cho người ta sợ hãi, kinh tởm.
Chẳng hạn như chuyện ồn ào,lố lăng, lấy gai chọc vào mắt người miền nam trong các buổi hội họp “ăn mừng 30 năm chiến thắng 1975”.
Võ Văn Kiệt phản ảnh tình trạng này khi nói : “Đôi khi phải nhìn kết quả thay vì nhìn những gì mà chúng ta nghĩ là nỗ lực. Theo cách mà chúng ta đang làm để kỷ niệm những ngày lịch sử hiện nay, tôi e rằng chúng ta lại đang lặp lại những gì mà chúng ta đã làm trước đó. Lịch sử cũng như cuộc sống, cái đúng, cái sai nói một lần người ta hiểu; nói hai ba lần người ta im lặng; nhắc lại quá mức cần thiết thì có thể gây ra sự phản cảm. Trong khi đó theo tôi, chúng ta vẫn còn biết bao nhiêu điều cần nói, biết bao việc cần làm.”
Báo Quốc tế : “Theo ông bây giờ, việc cần làm tiếp là gì"”
Kiệt : “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.”
Quốc tế : “ Thưa ông, để lành được vết thương này phải có sự tham gia của mọi người Việt"”
Kiệt : “ Đấy là một vấn đề lớn. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng, thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hoà hợp....”
“....Về đối nội, theo tôi đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện đang ở trong nước, hay ở bên ngoài. Bản thân tôi, cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ, không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ....”
“... Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ Ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ - Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn. Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước, thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung, và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng tổ quốc của mọi người Việt Nam chúng ta trong giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc.”

Võ Văn Kiệt không dám công khai ca ngợi “công lao” giữ cho Sài Gòn nguyên vẹn và quyết định đầu hàng để tránh đổ máu của Chính phủ Dương Văn Minh, cũng như đóng góp vào sự mau sụp đổ của chính phủ VCNH của những người được gọi là thuộc về “Lực lượng thứ ba”. Nhưng rõ ràng là Kiệt đã có những ý nghĩ tốt cho thành phần này.
Đây là lần đầu tiên,một đảng viên Cộng sản Lãnh đạo đã nói như thế. Có điều là tại sao Kiệt phải đợi đến 30 năm sau mới dám nói ra những điều tâm huyết như thế, và liệu lời nói của một người không còn quyền hành gì như Kiệt có còn được ai nghe không hay đã bị coi là đồ bỏ"
Bằng chứng đã thấy trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 17-4-05, khi báo này đăng lại bài phỏng vấn cùa Quốc tế nhưng lại cắt bỏ phần quan trọng nhất, không nhắc đến việc Kiệt phê bình việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm hiện nay (Theo cách mà chúng ta đang làm để kỷ niệm những ngày lịch sử hiện nay, tôi e rằng chúng ta lại đang lặp lại những gì mà chúng ta đã làm trước đó. Lịch sử cũng như cuộc sống, cái đúng, cái sai nói một lần người ta hiểu; nói hai ba lần người ta im lặng; nhắc lại quá mức cần thiết thì có thể gây ra sự phản cảm. Trong khi đó theo tôi, chúng ta vẫn còn biết bao nhiêu điều cần nói, biết bao việc cần làm.”)
Tờ Tuổi Trẻ chỉ trích vắn tắt: “Đôi khi phải nhìn kết quả thay vì nhìn những gì mà chúng ta nghĩ là nỗ lực. Theo tôi, chúng ta vẫn còn biết bao điều cần nói, biết bao việc cần làm.”
Ai trong đảng đã dám “kiểm duyệt” cả lời nói của một cựu Thủ tướng từng nắm các vai trò trọng trách trong Bộ Chính trị trong nhiều năm"
HÀNH DÂN – QUAN CÁCH MẠNG
Nhưng trong cuộc phỏng vấn của Tạp chí Xây dựng Đảng số tháng 4/2005, Kiệt phê bình những kẻ cầm quyền giáo điều, bảo thủ sau khi “chiến thắng” 1975 đã bỏ lỡ cơ hội hàn gắn vết thương dân tộc, làm cho đất nước điêu linh trong 10 năm đầu (1975-1985) bằng những biện pháp khắc nghiệt trả thù,tiêu diệt sức sống của nhân dân miền nam và cuộc phiêu lưu quân sự khi xua quân xâm lăng Cao Miên (1978) và đánh nhau với Tầu (1979).
Kiệt nói : “ Chúng ta đã có bài học của ba mươi năm lãnh đạo xây dựng kinh tế trong hòa bình với tư cách của một Đảng cầm quyền duy nhất của một nước có hơn 80 triệu dân vốn cần cù, thông minh và không thiếu nghị lực sáng tạo. Thế nhưng, chúng ta đã để mất một phần ba thời gian của 30 năm ấy do những tật, bệnh mà V.I.Lênin đã từng khuyến cáo. Đó là bệnh giáo điều, tả khuynh, quá say sưa với vòng nguyệt quế mà máu, xương của bao thế hệ đảng viên và nhân dân đã đổ ra để có nó, vì vậy mà bỏ lỡ thời cơ, đánh mất khá nhiều tiềm lực kinh tế mà đáng ra ta có thể phát huy mạnh lên thì không đến nỗi phải quá khó khăn trong 10 năm đó....”
Kiệt cũng nói thẳng ra những tính hư, tật xấu hiện nay của đội ngũ cán bộ, đảng viên sau 20 năm đổi mới: “Tình trạng thiếu dân chủ, quen "hành dân" và hành hạ lẫn nhau của bộ máy nhà nước các cấp là một thực tế nhức nhối. Vì không tạo được mối quan hệ gắn bó với Dân nên nạn tham nhũng càng có điều kiện hoành hành. Không gì có thể lọt khỏi tai mắt của Dân, nhưng vì một bộ phận không nhỏ đảng viên, kể cả đảng viên giữ những trọng trách, xa Dân nên không tiếp nhận được ý kiến đóng góp của Dân nhằm xây dựng Đảng, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo để từ đó mà vun đắp, giữ gìn lòng tin của Dân đối với Đảng. Hiện nay, tình trạng Đảng xa Dân là một thực tế đáng buồn, không ít những đảng viên biến thành "quan cách mạng" như Bác Hồ đã cảnh báo từ ngày chính quyền cách mạng còn trong trứng nước. Thậm chí một số trong các vị "quan cách mạng" ấy trở thành "quan cai trị" Dân.”
“Có hiện tượng đáng buồn, đáng phẫn nộ đó là do sự thối hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ những đảng viên có chức, có quyền - cái mà người ta gọi là sự tha hóa của quyền lực, sự tha hóa của người cầm quyền. Có những chuyện đó là vì trong sinh hoạt và trong tổ chức của Đảng, chỉ tập trung mà thiếu dân chủ. Biểu hiện ngày càng rõ việc không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng trước hết là tình trạng thiếu dân chủ trầm trọng trong tổ chức và trong cách làm việc, cách ra quyết định. Vì thiếu dân chủ nên cũng thiếu tập trung. Hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" là một dẫn chứng.”
“Nhưng trầm trọng và đáng ngại hơn là sự tập trung quan liêu. Càng tập trung theo kiểu quan liêu thì dễ dẫn đến độc quyền, độc đốn, không cách xa nhau bao nhiêu với độc tài và chuyên quyền của một số cá nhân đứng trên Đảng. Khi đã tập trung quan liêu và thiếu dân chủ trong Đảng thì mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cần mạnh dạn nhìn thẳng vào hiện tình về sinh hoạt dân chủ trong Đảng, về công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng để chỉ ra cho được những yếu kém nhằm mạnh dạn và kiên quyết khắc phục. Đó là vấn đề số một trong xây dựng Đảng. (Thúy Hoàn, Tạp chí XDĐ, 4/2005)
TƯỚNG GIÁP CŨNG THAN
Một trong những người có bài đóng góp cho cuộc hội thảo “Đại thắng Mùa Xuân 1975 – Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” tại Sài Gòn ngày 14-4-2005, bên cạnh những phân tích và giải lý cho chiến thắng ngày 30-4-1975, tướng Võ Nguyên Giáp cũng kêu gọi các tầng lớp trong đảng phải trong sạch hóa bộ máy cầm quyền.
Giáp nói : “ Đó là chủ trương tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, làm cho Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thực sự dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, bè phái, diệt trừ nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; luôn tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận tiên phong để xứng đáng là lương tâm, danh dự và trí tuệ của giai cấp công nhân và của dân tộc, trên cơ sở đó mà chỉnh đốn Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.”
Đến phiên Phạm Văn Trà, Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng cũng không quên cảnh giác : “ Bên cạnh những cơ hội lớn, chúng ta phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Bốn nguy cơ (Chú thích : chệch hướng tư tưởng, kinh tế tụt hậu, tham nhũng-suy thối đạo đức của cán bộ, đảng viên và “diễn biến hoà bình”) mà Đảng ta đã chỉ ra đến nay vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc không ngừng củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định của mọi thắng lợi. Những bài học về chỉ đạo chiến lược đúng đắn và sắc bén của Đảng ta trong 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Nhìn lại, qua phát biểu “chệch hướng” của Võ Văn Kiệt trên hai tờ báo vào dịp 30-4 và nỗi băn khoăn của hai tướng Giáp và Trà về tình trạng tham nhũng, xuống cấp của cán bộ, đảng viên sau 30 năm Cộng sản cai trị cả nước thì ta chỉ có thể kết luận : “Đảng CSVN tồn tại ngày nào thì nhân dân còn chia rẽ và lầm than ngày ấy, vì cán bộ bây giờ không còn là đầy tớ của nhân dân nữa mà chúng đã sinh ra để làm quan cách mạng mà hành dân.” -/-
Phạm Trần (4-05)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.