Hôm nay,  

Xuyên Tạc Về Cuộc Chiến Vn Bất Công Với Dân Úc Gốc Việt

07/07/200400:00:00(Xem: 4475)
[Bản Tin CĐNVTD/UC 03/7/2004] Ban Chấp Hành liên bang của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu vừa gởi đến tất cả 70 Thượng Nghị Sĩ và 174 Dân Biểu Liên Bang một tài liệu dài 8 trang, nhằm giải toả nhiều tuyên truyền và xuyên tạc kéo dài lâu nay về cuộc chiến Việt Nam. Những điều xuyên tạc này, đến nay vẫn thường được lôi ra, và nếu không giải toả thì sẽ gây tai hại cho quyền lợi của người Việt hải ngoại, cũng như cuộc tranh đấu giành dân chủ.
TNS TSEBIN TCHEN Lên Tiếng
Sau khi nhận được tài liệu nói trên, Thượng Nghị Sĩ Tsebin Tchen (TD, Vic) đã đọc một bài diễn văn trong Thượng Viện nói về những uẩn ức của cộng đồng người Việt ở Úc, cho đến nay vẫn là nạn nhân phải nghe những xuyên tạc đó được nhắc đi nhắc lại. Ông cũng trình bày mối e ngại của cộng đồng Việt rằng nếu những xuyên tạc đó không được giải toả thì các thế hệ con cháu sẽ tưởng lầm rằng thế hệ cha ông đã chạy trốn sau khi một cuộc cách mạng có chính nghĩa đã giải phóng được miền Nam.
Mời Đồng Hương Giúp Phổ Biến
Qua Bản Tin này, Ban Chấp Hành cũng kêu gọi quý đồng hương giúp một tay bằng cách phổ biến tài liệu nói trên đến thầy cô của con em mình, hoặc đến bằng hữu, hàng xóm, và các nghị viên hội đồng thành phố của mình v.v. Để có tài liệu này (dạng hồ sơ là pdf), xin gởi email đến cdnvtduc@hotmail.com.
Ngoài ra, cũng xin quý vị đóng góp ý kiến qua điạ chỉ email nói trên, để BCH cập nhật tài liệu này để dùng trong tương lai.
Tài liệu nói trên là công việc mới nhất trong sách lược lâu dài của CĐNVTD nhắm vào việc bạch hoá những tuyên truyền giả dối của các thế lực phản chiến trong thời chiến, để vừa ngăn ngừa những hậu quả tai hại lâu dài, vừa tạo thêm sự ủng hộ của xã hội đối với công cuộc dân chủ hoá Việt Nam.
Trong mấy năm qua, CĐNVTD/UC đã viết nhiều bài bình luận thời sự trên nhiều báo chí Úc, và trong năm 2001 thì BCHLB thuyết phục được một nhà xuất bản sách giáo khoa về môn lịch sử để họ thay những lời tuyên truyền của một tác giả người Úc bằng những sự kiện chính xác. Trong tương lai, CĐNVTD sẽ tìm thêm các cơ hội khác, kể cả việc tạo ra những dịp tranh luận trên các diễn đàn công luận.
Lá Thư Gửi Dân Cử
Lá thư đi kèm với tài liệu nói trên có tựa đề "Những xuyên tạc về cuộc chiến Việt Nam thật là bất công đối với người Úc gốc Việt". Đoạn mở đầu nói: "Người Úc gốc Việt vẫn thường bị đau đớn bởi những hình ảnh sai lạc về cuộc chiến Việt Nam trong sách lịch sử, các cuốn sách giáo khoa, và trong những lời tuyên bố của các chính khách hay những bình luận gia khác, v.v. Cứ theo hình ảnh này, thì chúng tôi thuộc phe ác: chúng tôi hoặc là làm việc cho, hoặc là ủng hộ, một chính quyền tham nhũng, và sau khi chính quyền này bị một cuộc cách mạng có chính nghĩa lật đổ thì chúng tôi bỏ chạy".
Lá thư viết tiếp: "Những lời dối trá này vừa gây ấn tượng xấu cho chính chúng tôi, nhất là đối với những người tỵ nạn, mà nếu còn tiếp tục thì lại còn làm cho các thế hệ con cháu của chúng tôi hiểu lầm về chính nghĩa của thế hệ đi trước."
"Đối với chúng tôi, cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến có chính nghĩa. Đó là miền Nam tự vệ trước tham vọng của chế độ độc tài miền Bắc muốn chiếm đoạt tài nguyên của miền Nam và bành trướng nền cai trị độc đoán của cộng sản. Miền Nam thua trận không phải vì quân sĩ không có khả năng, hay vì chủ nghiã cộng sản có chính nghiã, mà vì Tây phương ngưng viện trợ vũ khí và giảm viện trợ khác cho miền Nam trong khi miền Bắc tiếp tục nhận viện trợ từ Sô Viết và Trung Cộng".
"Những ác mộng mà miền Nam chiến đấu để ngăn ngừa, đều đã thành sự thật. Sau khi thắng trận, chế độ cộng sản đã giam giữ hơn một triệu người, giết hàng ngàn người, dùng xe ủi đất san bằng nghĩa trang của người lính miền Nam, tước đi tự do của dân chúng miền Nam, và tuyên bố rằng tất cả đất đai Việt Nam từ Bắc chí Nam nay thuộc về tay Đảng Cộng Sản. Chế độ CSVN luôn luôn nằm trong danh sách 3 chế độ tham nhũng nhất Á Châu. Sau 14 năm tàn phá rồi 15 năm đổi mới, và sau khi nhận hàng tỉ mỹ kim viện trợ của thế giới, nay mức thu nhập của Việt Nam đã chỉ tương đương với mức thu nhập của miền Nam trước năm 1975. Trong khi đó, hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị giết hoặc đang chết dần mòn trong tù khắp nước Việt Nam."
"Thế nhưng, nhiều người mà trong thời chiến lớn tiếng đả kích Sàigòn hay khen Hà Nội, nay thì lại tự bịt miệng. Và, trong khi cuộc tranh luận về cuộc chiến Iraq đang tiếp diễn, thì một lần nữa, nhiều lời dối trá cũ nay lại được lôi ra"
"Đã đến lúc cộng đồng chúng tôi nói lên sự thật". Lá thư kết luận như vậy, và mời các vị chính khách đọc tài liệu gởi kèm cho họ, mà bản dịch có kèm trong Bản Tin này.
3 Điều Yêu Cầu Của CĐNVTD Đến Dân Cử
Tuy nhiên, trước khi chấm dứt, lá thư của CĐNVTD còn yêu cầu các vị dân cử hỗ trợ cho công cuộc dân chủ hoá Việt Nam bằng vài cách thực tiễn: "Sau nhiều thập niên làm nạn nhân của chiến tranh và của chế độ độc tài cộng sản, người dân Việt nay cần phải được sống trong một chế độ dân chủ tự do. Nhân dịp viết lá thư này, chúng tôi xin yêu cầu quý vị làm 3 điều sau đây". Và lá thư đưa ra các đề nghị:
1) Hỗ trợ Bộ Ngoại Giao trong việc đòi nhà nước CSVN phải để cho các công ty Úc xuất cảng sách, báo, và nhạc vào Việt Nam
2) Nối mục tiêu hỗ trợ nhân quyền vào chương trình viện trợ, và
3) Lên tiếng về những vụ CSVN thảm sát đồng bào Thượng và tiếp tục giam giữ nhiều tù nhân lương tâm.
Phỏng Dịch Tài Liệu
Sau đây là bản phỏng dịch của tài liệu đi kèm theo lá thư này. Tài liệu này được nhiều cộng tác viên soạn thảo trong suốt vài tháng nay, và mang tên:
*"HÃY SO SÁNH NHỮNG ĐIỀU DỐI TRÁ VỀ CUộC CHIẾN VIỆT NAM VỚI SỰ THẬT"*
1. "Cuộc Chiến Việt Nam Không Phải Là Để Ngăn Ngừa Sự Bành Trướng Của Chủ Thuyết Cộng Sản"
Trong thời chiến, nhiều người chế diễu rằng thuyết Domino (nói rằng khi một nước bị CS chiếm, nước láng giềng có thể cũng rơi vào tay cộng sản) là vô căn cứ, hoặc chỉ là một sự phóng đại. Thế nhưng:
a) Chính trang web của Đảng CSVN, trong phần nói về cuộc đời của Hồ Chí Minh, đã nói rằng Hồ muốn bành trướng chủ nghiã cộng sản: Chương 3, ở địa chỉ www.cpv.org.vn/ hochiminh_en/ biography/ docs/ chapter3.htm, nói rằng Hồ: "tự đặt cho mình sứ mạng bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở Á Châu nói chung và Đông Dương nói riêng"
b) Đảng CS Trung Quốc muốn bành trướng chủ nghiã cộng sản khắp Á Châu. Theo cuốn sách mang tên "China and the Vietnam Wars 1950-1975" bởi Qiang Zhai do University of North Carolina Press xuất bản năm 1999, trang 21, thì "Một sắc lệnh của Liu Shaoqi (Lưu Thiếu Kỳ) đề ngày 14 tháng 3 năm 1950 nói rằng 'Việc giúp các đảng cộng sản mọi nơi ở Á Châu để giải phóng là một nghiã vụ mà đảng và nhân dân Trung Cộng sẽ nhất quyết theo đuổi. Đây cũng là một trong những phương pháp quan trọng để củng cố chiến thắng của cách mạng Trung Quốc'. "
c) Hồ Chí Minh góp phần trong nỗ lực bành trướng của Trung Cộng: Theo cuốn sách "From Third World to First - The Singapore Story: 1965-2000" bởi Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) do Harper Collins xuất bản năm 2000, trang 573, thì "Trong thập niên 1920, Đảng CS Trung Quốc gởi một cán bộ đến Singapore để gầy dựng lên phong trào cộng sản ở Nanyang. Khi nhóm người cộng sản có một buổi họp năm 1930 tại Singapore để thành lập đảng Malayan Communist Party (Đảng CS Mã Lai), thì Hồ Chí Minh có mặt"
d) Singapore và các nước Á Châu khác được thoát khỏi nạn cộng sản nhờ cuộc chiến Việt Nam: "Mặc dù việc Mỹ tham chiến vào Việt Nam đã thất bại, nhưng điều đó làm cho Đông Nam Á có thêm thời giờ. Năm 1965, khi quân đội Hoa Kỳ ồ ạt đổ vào Nam Việt Nam, thì Thái Lan, Mã Lai và Phi Luật Tân bị đối diện với mối đe doạ nội điạ bởi các phần tử cộng sản võ trang, và nhóm cộng sản nằm vùng vẫn còn hoạt động ở Singapore.. Sự có mặt của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã cho những nước không cộng sản ở Đông Nam Á có thêm thời giờ để dẹp nội loạn. Đến 1975, các quốc gia này đã có khả năng vững vàng để chống trả lại cộng sản. Nếu Mỹ không tham dự vào Việt Nam, thì khả năng chống chọi của các nước này đáng lẽ đã tiêu tan, và rất có thể là Đông Nam Á đã vào tay cộng sản. Những nền kinh tế giàu có của ASEAN đã được nuôi dưỡng trong thời chiến Việt Nam" (trích sách nói trên của Lý Quang Diệu, trang 467)
e) Việc Đảng CSVN xâm chiếm Cam Bốt năm 1978 là một phần của sách lược bành trướng của đảng này: "Hồ Chí Minh có tham vọng thành lập Liên Bang Đông Dương.. Liên Bang Đông Dương sẽ là căn cứ để bành trướng ảnh hưởng và phục vụ cho sách lược của Sô Viết muốn mở rộng xuống phiá nam về phiá Aán Độ Dương. Vai trò của Việt Nam ở Á Châu là một Cuba của Phương Đông" (Lý Quang Diệu, trang 597)
2. "Cuộc Chiến Việt Nam Là Nội Chiến"
Khi tường trình về cuộc chiến Việt Nam, giới truyền thông Tây Phương luôn luôn nhắc đến vai trò của Mỹ, nhưng dấu kín vai trò khổng lồ của Sô Viết và Trung Cộng:
a) Sô Viết cho Hà Nội khoảng 1 tỉ rúp (ruble) mỗi năm: "Sô Viết đổ hàng tỉ rúp vào Việt Nam.. Trong thập niên 1965 đến 1975, viện trợ quân sự của Sô Viết đóng vai trò chính yếu, và viện trợ kinh tế của họ hoàn toàn được hướng về hỗ trợ Hà Nội trong cuộc chiến. Đến thập niên 1970 thì tiền viện trợ của Sô Viết là ít nhất 1 tỉ mỗi năm, nếu không có tiền viện trợ này thì Hà Nội không thể nào tiếp tục cuộc chiến được" (trích cuốn "Encyclopaedia Of The Vietnam War" bởi Spencer C. Tucker 2000, nhà xuất bản ABC-CLIO, trang 415)
Năm 2001, Hà Nội xin Moscow xoá món nợ này: "Putin sẽ muốn tiếp tục dùng căn cứ tại vịnh Cam Ranh, vì giao kèo sẽ chấm dứt năm 2004. Nhà nước Việt Nam đề nghị nếu Nga xoá món nợ hàng tỷ đô la thì sẽ được dùng Cam Ranh" (trích bài "Advantage: Hanoi in Intensifying Geostrategic Game" của tổ chức Stratfor (www.stratfor.com), 14/02/2001)
b) Trung Cộng viện trợ kinh tế cho Hà Nội ít nhất là 15 tỷ Mỹ Kim, và gởi ít nhất là 300 ngàn bộ đội và cán bộ đến Việt Nam": "Ngay từ năm 1950, Mao Trạch Đông đã cho Hồ Chí Minh viện trợ trên mặt quân sự, chính trị, và kinh tế - trong trận đánh nổi tiếng Điện Biên Phủ năm 1954, lính Việt Minh nằm dưới sự chỉ huy của Trung Cộng, và phần lớn vũ khí họ dùng đều do Trung Cộng cung cấp. Trong thời gian 1964 đến 1971, Trung Cộng gởi 300 ngàn lính và nhân viên kỹ thuật qua Việt Nam để giúp trong việc phòng không, các công tác kỹ thuật, xây dựng đường rầy xe lửa, và chạy đường dây quân nhu.. Tiền viện trợ của Trung Cộng cho Việt Cộng từ 1950 đến 1978 là khoảng từ 15 đến 20 tỉ Mỹ Kim" a) (Trích cuốn "The Rise of Modern China" bởi Immanuel C.Y. Hsu 1995 - Oxford University Press, Inc., trang 795 - 796)
c) Hà Nội vỗ ngực rằng chiến thắng Điện Biên Phủ đánh bại Pháp là của riêng họ, nhưng sự thực là nếu không có Trung Cộng giúp thì không được: "Giữa các năm 1950 và 1954, Bắc Kinh gởi nhiều tướng lãnh có bản lãnh cao nhất của họ đến Việt Nam để đóng vai trò cố vấn quân sự và kinh tế; họ giúp Bắc Việt chuyên-nghiệp-hoá và chính-trị-hoá quân đội, họ tổ chức lại hệ thống điều khiển quân đội, gây dựng lên chính sách về tài chánh, và hình thức vận động quần chúng. Các cố vấn quân đội của Trung Cộng đã thực sự đặt kế hoạch và thường đóng vai trò trực tiếp điều khiển các cuộc hành quân của Việt Minh. Nhóm CMAG (Chinese Military Advisory Group - bộ phận do Chính Trị Bộ của Đảng CS Trung Quốc lập ra để giúp Bắc Việt) đã góp phần rất lớn trong chiến thắng của Việt Minh trong các chiến dịch biên giới, Tây Bắc, và Điện Biên Phủ. Lịch sử cho thấy sự lãnh đạo của Chen Geng đã đóng vai trò không thể thiếu được trong chiến thắng của Hồ" (Trích cuốn "China and the Vietnam Wars 1950-1975" bởi Qiang Zhai 1999 - University of North Carolina Press, trang 63)
3. "Cuộc Chiến Việt Nam Là Để Giành lại Độc Lập"
Người cộng sản chỉ muốn một mình giành quyền tuyệt đối. Giành lại chủ quyền từ người Pháp chỉ là một bước đầu để làm được điều này. Bằng chứng là họ đã lập ra chiến dịch thủ tiêu một cách có hệ thống những người quốc gia cùng tranh đấu giành độc lập:
a) "Nhiều người mà Việt Minh cho là có thể nắm quyền đã bị Việt Minh thủ tiêu trong thời gian này, trong đó có những người nổi tiếng như Phạm Quỳnh.. Tạ Thu Thâu.. Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập ra đạo Hoà Hảo, bị họ giết năm 1947" (trích cuốn "Vietnam - Yesterday and Today" của Ellen Hammer - Holl và một số tác giả khác, trang 135)
b) "Nhân cơ hội tạm bắt tay với người Pháp, Đảng CS ra tay giết những người không cùng một phía với họ. Đối tượng chính là các đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Trotsky, và những nhóm chính trị lớn khác. Trong số những người lãnh đạo bị họ giết có thể kể đến Trương Tử Anh (đảng Đại Việt), nhà văn Phạm Quỳnh, và hằng hà sa số những người có vai trò cao hoặc thấp mà Việt Minh muốn thủ tiêu. Vũ Hồng Khanh, thủ lãnh Việt Nam Quốc Dân Đảng, là người ký Hiệp Ước Sainteny với Hồ Chí Minh, buộc phải thoát chạy để toàn mạng. Việt Minh có nhiều cách giết người. Có nhiều nạn nhân t bị trói tay chân rồi bị thẩy xuống sông. Có một số bị chôn sống". (trích cuốn "Losers are Pirates" của James Banerian 1984, trang 69)
c) "Hồ chuẩn bị không phải chỉ để đánh bại Pháp, mà còn để giết hết những đảng phái quốc gia và giành lấy quyền tuyệt đối.. Việt Nam Quốc Dân Đảng đáng lẽ đã có thể thắng, nhưng vào một thời điểm quan trọng trong cuộc chiến, Võ Nguyên Giáp đã nhân dịp đánh Pháp, lại cũng tấn công VNQĐD, và giết hết quân đội của họ". (trích cuốn "The Saving of South Vietnam" của Kenneth Grenville 1972 - Alpha Books, trang 8 và 17)
d) "người cộng sản đã ám sát một số nhà lãnh đạo trong cuộc tranh đấu giành độc lập nào không chịu nằm dưới quyền kiểm soát của họ.. Ngay sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập năm 1945, lính Việt Minh bắt ít nhất là 200 người đối lập và giam họ trong trại giam" (trích cuốn "Ho Chi Minh" của William Duiker, 2000, Allen &Unwin, trang 376 và 386) GHI CHÚ: Duiker là một người ra mặt tôn sùng Hồ Chí Minh, và cuốn sách này của ông ta là kết quả của một cuộc nghiên cứu kéo dài nhiều năm. Vì vậy, CĐNVTD đặc biệt chú trọng trích các chi tiết trong chính tài liệu của người thân cộng này.
4. "Cuộc Chiến Việt Nam Là Để Thống Nhất Đất Nước"

Người cộng sản muốn làm chủ Việt Nam từ Bắc tới Nam. Việc dùng chữ thống nhất chỉ là một mỹ từ thuận tiện và êm tai. Hành động của họ sau khi chiếm Sàigòn năm 1975 không giống như hành động của người anh em được thống nhất, mà giống như những cuộc tàn phá của thực dân hoặc kẻ xâm chiếm:
a) Ngay sau khi chiếm được miền Nam, họ lập tức tuyên bố là tất cả đất đai từ Bắc tới Nam là cuả Đảng CSVN: "Đất của nhân dân, Đảng quản trị". Nói cách khác, đất là của Đảng.
b) Họ dùng xe ủi đất để san bằng một số nghiã trang của người lính miền Nam.
c) Họ giam giữ hơn 1 triệu người trong các trại tập trung: "chúng tôi đã giải phóng hơn một triệu người đã có tội giúp kẻ thù bằng cách này hay cách khác" (Cuộc phỏng vấn Phạm Văn Đồng, lúc đó là Thủ Tướng CSVN, của Jean-Claude Labbe, cuốn Paris Match, tháng Chín 1978)
d) Họ hống hách đổi tên mọi thứ: Không cần hỏi ý người dân sống ở Sàigòn, họ đổi tên Sàigòn ra thành phố Hồ Chí Minh. Thành thị, đường xá, v.v. trước đây được đặt tên theo nhiều anh hùng trong lịch sử của Việt Nam, nay bị đổi tên theo người hoặc các chiến thắng của cộng sản. Thí dụ như, trường nữ Trung Học Gia Long trước đây lấy tên của vua Gia Long, người dựng ra triều đại Nguyễn, bị đổi tên thành trường Nguyễn Thị Minh Khai, là một thành viên của Đảng CSVN, và cũng là một trong những người yêu của Hồ Chí Minh (cũng trích Duiker, trang 185 và 198)
e) Đảng CSVN tự cho mình giấy phép làm tiền: Ngay cả ngày nay, phần lớn những kỹ nghệ và thị trường béo bở ở Việt Nam đều nằm trong tay những công ty của Đảng CSVN hoặc quân đội của họ, thí dụ như kỹ nghệ dầu mỏ hoặc kỹ nghệ internet.
f) Và Đảng độc quyền cai trị: Ngày nay, bất cứ ai dám nhắc lại những hành vi như nói trên và nói rằng đó là sai trái, chẳng hạn như Hoà Thượng Thích Quảng Độ, thì bị họ giam giữ hoặc bị chụp mũ gián điệp và giam giữ (như đã được các tổ chức như Ân Xá Quốc Tế hoặc Human Rights Watch trình bày)
5. Người Lính Miền Nam Vô Hình
Khi nghĩ đến cuộc chiến Việt Nam, nếu có nghĩ đến vai trò của lính người Việt, thì phần lớn mọi người chỉ nghĩ đến lính cộng sản. Người ta không nghĩ đến người lính miền Nam cũng dễ hiểu, bởi vì truyền thông Tây Phương nhấn mạnh đến vai trò của lính cộng sản trong khi dấu nhẹm vai trò của người lính miền Nam:
a) Cuộc chiến Mậu Thân năm 1968 là lúc lính cộng sản bị quân đội miền Nam đánh bại nặng nề, thế nhưng truyền thông Tây Phương lại vẽ vời rằng đây là một thất bại của Mỹ: "Sau vài tiếng đồng hồ đầu tiên lúng túng, quân lính miền Nam phản công mãnh liệt. Phần lớn sự chiến đấu là do chính họ, khoảng 6 ngàn lính miền Nam tử trận. Không những Việt Cộng không đạt được một thắng lợi nào về quân sự, mà khoảng 50 ngàn lính của họ bị tử trận và khoảng 50 ngàn bị thương (trích bài "A mini-Tet Offensive"" của Arnauld de Borchgrave trên báo The Washington Times ngày 16 April 2004 (lúc đó ông ta là chánh văn phòng của Newsweek và lãnh trách nhiệm lấy tin về Mậu Thân))
b) Cũng thế, trong cuộc chiến 1972, chính người lính miền Nam là lực lượng đã đánh bại cộng sản: "Các sư đoàn chính quy Bắc Việt, tức là lực lượng chính mở cuộc tấn công 1972 sau khi Mỹ rút quân, bị Quân Lực VNCH, với sự hỗ trơ không lực của Mỹ đánh lùi (trích cuốn "Encyclopaedia Of The Vietnam War" của Spencer C. Tucker 2000 - ABC-CLIO, trang 453)
"Cuộc tấn công của Hà Nội vào mùa Phục Sinh vào tháng 3 năm 1972 lại là thêm một chiến bại nữa cho cộng sản. Khoảng 70 ngàn lính Bắc Việt bị tử thương - họ bị hạ bởi người lính miền Nam, là những người chiến đấu không nhờ ai khác. Người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam vào tháng 3 năm 1973. Và quân đội miền Nam có khả năng khá vững vàng có thể tự mình bảo vệ miền Nam được, với điều kiện: cần phải được Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí và máy móc (trích bài nói trên của Arnauld de Borchgrave)
c) Do việc đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, người lính miền Nam có số tử thương lớn: hơn 185 ngàn người lính chết (gấp 4 lần lính Mỹ), và khoảng 500 ngàn người bị thương (trích cuốn "The World Almanac Of The Vietnam War" bởi John S. Bowman - Bison Books Corporation 1985, trang 358)
6. Việt cộng Là Lực Lượng Nổi dậy Của Người Dân Miền Nam, Hoàn Toàn Độc Lập Với Bắc Việt
Người Tây Phương thường dùng danh từ Viet Cong để nói đến lực lượng nổi dậy của riêng miền Nam, như là họ là một lực lượng độc lập với cộng sản Bắc Việt. Sự thực là họ là một: Bắc Việt tạo ra, điều khiển, cung cấp nhân sự, và cung cấp vũ khí cho họ:
a) Bắc Việt tạo ra Việt Cộng: "Trong thập niên 1960, những người lãnh đạo Đảng CS tìm cách làm sao để giật sụp chính quyền miền Nam mà không thu hút Mỹ vào vòng chiến.. Nói tóm lại, là Hà Nội cần phải có một mặt trận toàn quốc nào đó có thể thu hút được những thành phần không cực đoan mà lại không tin vào chủ nghiã cộng sản, trong khi đó lại có thể thu hút được giới lao động và nông dân.. Lần đầu tiên họ nói đến mặt trận mới này là trong Đại Hội Đảng Thứ 3, trong một bài diễn văn của Tôn Đức Thắng.. Mặt trận mới ở Nam Việt Nam này cần phải được tổ chức từ trung ương xuống các tổ nhỏ ở cấp làng xã. Đặc biệt, họ sẽ hoàn toàn không nhắc đến chữ cộng sản. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được họ thành lập vào ngày 20 tháng 12, năm 1960, ở một điạ điểm mà sau này trở thành nơi Đảng CSVN đặt bản doanh trung ương ở Nam Việt để điều khiển cuộc chiến" (trích William Duiker, trang 525)
b) Bắc Việt điều khiển Việt Cộng: "Để điều khiển các chiến dịch quân sự, Đảng CSVN quyết định bí mật lập ra Trung Ương Cục miền Nam, tức là cho hồi sinh chi nhánh miền Nam của Trung Ương Đảng CSVN do Nguyễn Văn Linh lãnh đạo. Dưới Cục này có 5 ủy ban vùng, cùng với nhiều chi nhánh của Đảng CSVN tại các tỉnh, quận, và làng. Tại một hội nghị bí mật, những đơn vị lính du kích ở vùng Cửu Long và vùng Cao Nguyên được sát nhập lại thành Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, là chi nhánh quân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam" (trích William Duiker, trang 527)
c) Bắc Việt cung cấp lính và quân cụ cho Việt Cộng, và sau khi Việt Cộng bị gần như tiêu diệt sau Tết Mậu Thân 1968, Bắc Việt nắm trọn Việt Cộng: "Hiệp Ước Giơ Neo (Geneve) năm 1954 đặt ra thời hạn 300 ngày, và trong thời gian đó khoảng gần 1 triệu người chạy từ Bắc vào Nam. Khoảng 80 ngàn lính Việt Minh, phần lớn là lính vùng hoặc du kích mà đã góp phần chiến đấu chính ở Nam Việt, tập kết ra Bắc , nhưng 10 ngàn lính có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thì ở lại Nam Việt Nam và đóng vai trò nòng cốt trong Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân mà sau này được thành lập ra.. Tuy Bắc Việt chối, nhưng rõ ràng là họ có góp phần trong cuộc nổi dậy ở Nam Việt Nam. Mặc dù Hà Nội nhất quyết đòi rằng lực lượng du kích ở miền Nam phải tự lo lấy, nhưng họ cung cấp tầng lớp lãnh đạo, hỗ trợ về kỹ thuật, và cung cấp quân cụ. Quyết định của Hà Nội năm 1959 để gia tăng sự nhúng tay vào, đã đưa đến việc thành lập Nhóm 559 để đưa quân lính và quân cụ vào Nam Việt Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Nhóm 759 có trách nhiệm cung cấp quân cụ qua đường thủy. Những nỗ lực này, nhất là của Nhóm 559, đã góp phần khổng lồ cho chiến thắng của Bắc Việt.. Cuộc chiến Tết Mậu Thân là một tai hoạ về quân sự, làm tiêu tan khả năng chiến đấu của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, vì đó là lực lượng chính đã chiến đấu trong cuộc chiến này và cũng là lực lượng gánh chịu những thất bại thảm khốc. Sau đó, lính chính quy Bắc Việt gánh vai trò chiến đấu chính, và càng ngày họ lại càng mang thêm tính cách chính quy sau khi xe tăng, đại bác, và hoả tiễn phòng không được đổ dồn vào cho họ" (Theo cuốn "Encyclopedia Of The Vietnam War" bởi Spencer C. Tucker 2000 - ABC-CLIO, trang 451-453)
7. Hồ Chí Minh Là Một Nhà Cách Mạng Tự Hy Sinh Cuộc Đời Cho Đại nghĩa
Tây Phương diễn tả những người lãnh đạo Nam Việt một cách xấu xa, trong khi đó lại tô điểm mỹ miều cho Hồ Chí Minh. Và ngày nay, trẻ em ở Việt Nam (và kể cả một số trẻ em ở Úc) được các thầy cô và các sách giáo khoa cho chúng một hình ảnh trữ tình về Hồ: Hồ người chính trị gia vĩ đại. Hồ là vị lãnh đạo ai cũng phải tôn sùng. Hồ người tử tế, ai cũng yêu thương. Hồ đã hy sinh mọi thú vui của riêng mình để làm cách mạng. Hồ buộc phải đi theo chủ nghiã cộng sản vì bị Mỹ ruồng bỏ, v.v.. Thế nhưng:
a) Chính Đảng CSVN nói rằng Hồ là người cộng sản từ đầu đến cuối: "Năm 1919, nhờ sự giúp đỡ của Đảng Xã Hội Pháp, Bác gia nhập đảng này.. Tại Đại Hội thứ 18 của Đảng Xã Hội Pháp tại Tours từ 25 đến 30 tháng 12 năm 1920, Bác bỏ phiếu thuận để thành lập Đệ Tam Quốc Tế, và Bác trở thành một trong những thành viên sáng lập của Đảng CS Pháp.. Bác là người Việt CS đầu tiên.. Bác nói 'Những lời dạy của Lenin làm cho tôi xúc động đến nỗi tôi chảy nước mắt" (trích trang web của Đảng CSVN, ở www.cpv.org.vn/ hochiminh_en/ biography/ docs/ chapter2.htm)
b) Hồ làm ra một cuộc tàn sát khổng lồ , dùng gia đình và láng giềng để giết điền chủ: "Các cán bộ cộng sản, dưới sự thúc dục của những cố vấn Trung Cộng, lập tức ra tay giết những người mà bị cho là có tội với nhân dân.. Ngay cả những quan sát viên có cảm tình với cộng sản cũng công nhận là ít nhất từ 3 ngàn đến 5 ngàn người bị giết. Có những người khác ước lượng là khoảng từ 12 ngàn đến 15 ngàn người đã bị giết oan" (trích sách bởi William Duiker, trang 445, 448) (Ghi chú: theo những sự ước lượng khác, thì con số người bị đấu tố và hành quyết lên đến cả trăm ngàn người)
c) Hồ giết những người cùng chiến đấu đánh Pháp giành độc lập: (xin coi phần 3 nói trên)
d) Hồ thích làm bộ khóc và thích tự tâng bốc mình: "Mặc dù Hồ mang hình ảnh khiêm nhường, nhưng hình của Hồ xuất hiện trên tem và ngay cả trên tiền giấy.. Nhiều người quen tinh mắt của Hồ nhận xét rằng thường thường thì trong hình ảnh một con người có lối sống đạm bạc của ông ta, có phần đóng trò.. Hồ nói với tùy viên thân tín là đôi khi làm bộ khóc thì cũng có lợi.. Trong thập niên 1940 và 1950, rõ ràng là ý muốn tự khen mình đã là động lực khiến ông ta giả làm người khác để viết 2 cuốn sách ca ngợi chính mình. Hình ảnh thần thánh của Hồ Chí Minh không phải chỉ do người khác gán ghép cho ông ta, mà còn do chính người đàn ông này dày công gầy dựng lên" (trích William Duiker, trang 482, 571, 572)
e) Hồ có một số quan hệ tình dục, kể cả với một người phụ nữ sau này đã chết trong hoàn cảnh đáng nghi: "Trong năm 1955, một thiếu nữ trẻ từ tỉnh biên giới Cao Bằng đến Hà Nội. Với sắc đẹp hấp dẫn, không bao lây sau thì cô Xuân được ông chủ tịch già (Hồ) để ý đến, và ông thu xếp để cô làm y tá riêng cho ông. Cuối cùng thì cô sanh ra con trai của ông, và đứa bé được giao cho thư ký riêng của Hồ tên là Vũ Kỳ. Một ngày đó trong năm 1957, người ta thấy xác của cô Xuân bên đường, có vẻ như là nạn nhân của một tai nạn giao thông. Không lâu sau đó, hai cô gái từng ở cùng phòng ở Hà Nội với cô Xuân cũng chết trong hoàn cảnh bí ẩn. Lúc đầu, những sự việc này không được đưa ra dư luận mấy, nhưng vài năm sau đó, người hôn phu của một trong 2 phụ nữ này nộp đơn đến Quốc Hội tố cáo rằng cô Xuân đã bị Trần Quốc Hoàn (lúc đó là Bộ Trưởng Công An) hiếp dâm, và sau đó bị giết vì Hoàn ra lệnh giết để bịt miệng. Hai người thiếu nữ kia cũng bị thủ tiêu tương tự để họ không thể tiết lộ sự việc. Mặc dù vụ lá thư tố cáo này mau chóng bị ếm đi, và Hoàn không bao giờ bị khởi tố, nhưng tin về sự kiện này được lưu hành trong giới những đảng viên có kiến thức tại Hà Nội" (trích William Duiker, trang 505-506)
8) Mỹ Và Nam Việt Nam Tàn Sát Dân Lành
Phần lớn người ở Tây Phương đều biết là lính Mỹ giết hại dân lành người Việt. Ít có phóng viên Tây Phương nào giải thích rằng đó là hậu quả trực tiếp của chính sách của cộng sản cho lính du kích giả dạng thường dân để làm cho Mỹ giết thường dân.
Giới truyền thông Tây Phương la rất lớn về Mỹ Lai, nơi lính Mỹ giết hàng trăm thường dân. Họ cũng tường trình về Huế trong cuộc chiến Tết Mậu Thân năm 1968 như một thất bại cho Mỹ. Nhưng họ không nói gì về cái nhìn của người dân Huế về Mậu Thân: đó là một cuộc thảm sát hàng ngàn thường dân bởi cộng sản:
a) Người cộng sản tàn sát hàng ngàn người ở Huế: "Người ta tìm thấy nhiều nơi chôn tập thể, trong đó là xác của khoảng 4 ngàn công chức không vũ khí hoặc những thường dân khác, họ bị đâm bằng dao hoặc sọ của họ bị đập vỡ bằng cây gậy " (trích bài nói trên của Arnauld de Borchgrave)
b) Cuộc tấn công Tết 1968 không phải chỉ nhắm vào các đối tượng quân sự, mà còn vào dân chúng: "Lính CS tấn công vào các tỉnh, quận, làng trong một chiến dịch toàn quốc" (trích William Duiker, trang 557)
Và người dân miền Nam hàng ngày bị giết bởi những hành động khủng bố của cộng sản:
c) Một chính sách khủng bố kéo dài lâu năm: "[Từ thập niên 1940, Việt Minh] áp dụng chính sách tàn bạo và khủng bố đối với dân chúng điạ phương để ép họ phải theo. Những vùng dưới sự kiểm soát của các tôn giáo bị tấn công, và các nhà lãnh đạo tôn giáo nào không chịu theo cộng sản thì thỉnh thoảng bị ám sát" (trích William Duiker, trang 376)
d) Các bức hình dưới đây:
Bức hình thứ nhất: đây là một số trong những nạn nhân ở Dak Son năm 1967, khi cộng sản đốt làng này bằng cách thẩy lửa và lựu đạn vào trước khi rút lui về phiá Cam Bốt.
Bức hình thứ nhì: Đây là một số nạn nhân của việc khủng bố giết người bừa bãi. Ngày 26 tháng 2, năm 1967, tại tỉnh Quảng Nam, một chiếc xe buýt chở 47 hành khách cán phải mìn Cộng Sản chôn dưới mặt đường. 14 người chết, 33 người bị thương, tất cả là thường dân, và nhiều người là phụ nữ và trẻ em.
Bức hình thứ ba: Việc chặt đầu là một hành động tàn ác thông thường của cộng sản: đầu của người trưởng ấp nằm trong chiếc nón. Để tránh gây xúc động, chúng tôi đã vẽ một ô màu đen che mặt của ông ta.
(GHI CHÚ: VB không đăng ảnh.)
e) Ngày nay, Hà Nội muốn Hoa Thịnh Đốn bồi thường về Hóa Chất Da Cam (Agent Orange), thế nhưng lại im tiếng về nạn nhân của chính họ:
- Thân nhân của hàng ngàn người mà họ đã giết sau khi chiến tranh kết thúc
- Con số khoảng một triệu người đã bị họ nhốt và hành hạ trong các trại tập trung, và
- Hàng triệu người tỵ nạn mà đã bị nhà nước Cộng Sản tịch thu tài sản để lại.
Trong số những nạn nhân này, một số nay là công dân Mỹ hay Úc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.