Hôm nay,  

Buổi Sáng Kinh Hoàng: Vụ Tự Thiêu Của Bà Thu

13/10/200500:00:00(Xem: 6211)
1. Vì đâu nên nỗi"
Khu vực tiếp dân (số 1- phố Mai Xuân Thưởng) Hà Nội nằm xen giữa các trục đường Hoàng Hoa Thám, Thuỵ Khuê, Hùng Vương, Quán Thánh, đối diện với vườn hoa Lý Tử Trọng, phía trái tiếp giáp với hồ Tây, phía phải là công viên Bách Thảo, chếch bên trái là đền Quán Thánh. Dòng sông Hồng vặn mình cuộn chảy tạo ra cho Hà Nội biết bao nhiêu hồ đẹp. Trong đó đáng kể nhất là hồ Tây (còn gọi là hồ Dâm Đàm), nơi gắn bó với huyền thoại, sự tích đầm trâu vàng, vốn dư thừa cây cỏ và sông nước, tạo nên chất trữ tình thanh lịch, sâu lắng cho Hà Nội bao đời...
Bỗng nhiên khoảng hai chục năm nay mọi cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ nghiêm trọng vì những tốp người khiếu kiện vượt cấp khắp trong Nam ngoài Bắc đổ dồn về đông như kiến cỏ trong những ngày động biển, dông bão. Người mất đất, mất nhà, người vô cớ phải vào tù bóc lịch, người bị cắt hộ khẩu, bị tước quyền công dân v.v... Trăm cay vạn đắng trên đời đều đổ dồn về khu vực Mai Xuân Thưởng này, đa phần đều có thâm niên 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa...
Tất cả vạ vật nơi vườn hoa, ghế đá, lấy ghế làm giường, gầm ghế là tủ, mảnh trăng đêm trên đầu làm chăn, gió sương làm màn. Nếu ai thương tình cho họ ở nhờ, lập tức bị chính quyền cử người đến yêu cầu trục xuất vì tội danh chứa chấp người không có giấy tờ hợp lệ. Mọi nước nôi, tắm rửa đều trông vào mấy cái vòi hoa phun nước lúc có lúc không của vườn hoa... Tất cả từ việc nấu ăn, tắm, giặt, nhang khói đều diễn ra trong chớp nhoáng, khi bảo vệ vườn hoa, cán bộ tiếp dân hay công an khu vực đi vắng, kẻo ngứa tai, gai mắt là bị đuổi liền, nếu không cũng bị gây khó dễ. Lâu lâu thấy số người tụ tập vô cớ tăng lên, lãnh đạo trung ương, lãnh đạo công an lại chỉ đạo cho xe tù đến "xúc" bà con đi.
Hàng trăm công an mặc thường phục cùng đầu gấu kéo đến lôi kéo, xô đẩy đám đàn bà con gái yếu ớt lên xe chở thẳng về trại giam ngoại thành Hà Nội cách vài chục km, giam giữ cả tháng, để rồi đến khi thả ra, không còn chỗ nào để ở, cũng không có tiền về quê, trong khi nỗi hận nỗi đau vì mất đất mất nhà mất quyền lợi còn dồn ứ trong người, bà con lại lần mò tụ tập tìm về quây bên chân tượng Lý Tử Trọng.
Ban ngày đội đơn khiếu kiện, trưa chiều đi rửa bát thuê, tối đến lượm ve chai kiếm dăm ba ngàn để có tiền ăn uống độ nhật qua ngày, cũng như tiền phô tô văn bản, giấy tờ đơn thư kêu kiện. Ngày nắng còn trệu trạo miếng bánh mì, bát cơm suông. Ngày mưa không kiếm được đành nhịn đói. Còn ban đêm, mái nhà trên đầu là những tán lá cây thưa thớt không đủ độ dày để ngăn những dòng nước mưa xối xả, sấm chớp ầm ầm, bà con chỉ còn cách bó gối nhìn trời mong cho mưa tan mây tạnh...
Không ít người không chịu nổi kiếp sống khổ cực, tủi nhục không bằng kiếp chó trong những biệt thự của các ông lớn, thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu đủ mọi thứ trên đời kể cả quyền làm người tối thiểu, chỉ còn cách tự thiêu hoặc lử lả chết dần chết mòn vì nắng, nóng, sương sa... Tuy thế số người khiếu kiện không vì thế mà ít đi... Một người bị lãnh đạo Đảng và nhà nước cắt cơm, xoá sổ trên mặt đất, hàng chục người khác lại bị Đảng hành, vơ vét đầy túi tham cho hàng ngũ lãnh đạo kế cận của Đảng...
Trong trăm ngàn người bất hạnh như vậy, có chị Phạm Thị Trung Thu, sinh giữa đêm trăng rằm vằng vặc (27/9/1958) nên đêm rằm tháng 8 được đặt luôn thành tên của chị. Những ngỡ "trai mồng một, gái đêm rằm" giỏi giang tháo vát sung sướng suốt đời, nào ngờ, cuộc đời chị lại là một chuỗi bất hạnh kéo dài trên mặt đất trong bóng tối của tình người, luật pháp.
Theo lời chị kể lại cho bà con cùng cảnh ngộ và lời xác nhận của má chị, cũng là lời chị viết trong di thư để lại, thì chị vốn là kế toán của phòng giáo dục huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Năm 1990, khi chị chớm bước sang tuổi 33, cũng là bất hạnh giáng xuống cuộc đời chị. Chỉ vì ký nhận một tấm séc trị giá 6 triệu hôm trước, mà ngay hôm sau chị bị quy tội tham nhũng và không một lời giải thích, chị bị ngồi tù, để trả giá cho tính cách cứng rắn, cương trực, không lèo lá khuất tất của mình.
Sau bản án 4 năm chị ra tù cũng là lúc cơ quan ra quyết định đuổi việc. Dưới con mắt người dân lúc này chị đã là tội phạm, bị tước mọi quyền công dân. Không tiền nong, vật chất, không giấy tờ tùy thân dù chỉ là tấm chứng minh thư nhân dân. Ngay cả tên chị trong hộ khẩu gia đình tại số nhà 30/4 đường Lê Hồng Phong nơi chị sinh ra và lớn lên hơn 30 năm trời cũng bị gạch không thương tiếc. Mọi cánh cửa tương lai đóng sập ngay trước mặt, dồn chị vào đường cùng, không lối thoát.
Thương con trong cảnh hụt hẫng, tuyệt vọng, má chị đã thu gom tất cả của cải bà có được từ sau ngày "giải phóng" là 5,5 chỉ vàng để mua cho chị một chiếc máy dệt len hòng túc tắc kiếm sống qua ngày chờ tiền huyện Cát Tiên đền bù trong 4 năm đi tù vô cơn cớ... Dù vậy chút hy vọng nhỏ nhoi này cũng khiến cho chị ráng kéo lê kiếp sống của mình chờ ngày có tiền ra trung ương kêu kiện... Một năm, 2 năm rồi 7 năm trôi qua, sau bao lần đi lại, kêu oan, đòi hỏi quyền lợi, trông chờ, hy vọng, sang năm thứ 8 (đầu 2002) chị mới nhận được 23 triệu đền bù (tính theo thời điểm 1994).
Những tưởng có tiền đi lại, chị sẽ ra thẳng trung ương để giải oan, giải vây cho mình khỏi nỗi khổ, nỗi đau nỗi túng quẫn bế tắc cùng cực. Nào ai ngờ hàng chục, hàng trăm lá đơn hoà trong nước mắt uất hận của chị gởi các cấp lãnh đạo trung ương kết cục cũng chỉ chỉ là một tấm giấy lộn, vô hồn, trống rỗng. Nếu được nhìn nhận xem xét đến cũng chỉ là hình thức, chiếu lệ, hòn đá ném đi, hòn chì ném lại... cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới rồi cấp dưới lại đệ trình cấp trên... vòng vo tam quốc mặc số tiền đền bù sau bao tháng năm oan nghiệt bốc hơi trong những ngày vạ vật chờ đợi.
Hết tiền chị phải quay lại nhà mẹ đẻ cũng là nhà cậu út số 30/4 đường Lê Hồng Phong, chờ dịp may đến với mình.
Thời gian này chị tình cờ quen với ông Bản - một người đàn ông có vợ con, nhưng vì muốn kiếm cho mình một đứa con làm chỗ nương tựa, dựa dẫm sau này, chị bất chấp sự ngăn cản của má, của mọi người để đi lại hẹn hò. Tháng 2-2003 chị sinh cháu Xuân Mai cũng là lúc ông Bản bỏ đi không một lời hò hẹn. Thương chị không nơi nương tựa, cậu út xẻ một phần nhà riêng khoảng hai chục mét để hai mẹ con có chỗ tá túc qua ngày...
Cháu Mai lớn lên quặt quẹo, ốm yếu, phần vì cha già, mẹ cỗi nên 7 tháng đã phải mổ non. Cái mầm vốn yếu ớt nên cây con sinh ra thật vô cùng chật vật, thiếu sữa mẹ, thiếu tình thương của cha đẻ, bản thân chị gồng mình, dồn tất cả tình thương yêu cho con, với hy vọng cháu sẽ là chỗ vịn tựa cho cuộc đời chị lúc về già, là nạng chống tinh thần đưa chị đi hết quãng đời còn lại... Nhưng rồi cuộc đời luôn không chiều theo những ước muốn nhỏ nhoi của chị. Không công ăn việc làm, không tiêu chuẩn chế độ, cho dù trình độ nghiệp vụ kế toán của chị không thiếu nơi cần người, nhưng chứng minh thư không, hộ khẩu không, bản thân là cái án tù 4 năm đeo đuổi nên dù chị đã đập nát tay trước cửa vực cuộc đời, mọi cánh cửa vẫn đóng và lòng người im ỉm khóa. Cả nhà gồm má già 73 tuổi và 7 anh chị em trong nhà đều nghèo khó như nhau, lo ăn mặc học hành cho cái gia đình nhỏ của mình cũng đủ kiệt quệ, vì vậy sự cưu mang cũng chỉ có hạn.
Khi cháu Xuân Mai được 2 tuổi chị tìm đến nhà trẻ để gửi cháu, hòng có thời gian kiếm tiền nuôi hai mẹ con, thì nỗi thất vọng ê chề lại kéo đến. Cháu không có giấy khai sinh đã đành lại khó nuôi, không cơ quan nhà nước hoặc tổ chức tư nhân nào dám nhận. Biết không thể kéo dài cảnh sống vô vọng không tiền, không lý lịch này mãi, chị quyết định ra Hà Nội để đòi hỏi quyền lợi cho mình. Ngày 19-9-2005 chị vay em gái 1 triệu đồng rồi bế con ra Hà Nội, trọ tại số nhà 94 phố Ngọc Hà, nơi 3 năm trước chị đã trọ để đưa đơn tại số 1 Mai Xuân Thưởng.
Ngày đầu tiên cán bộ tiếp dân còn tỏ ra ân cần lễ phép tiếp nhận đơn của chị, hứa sẽ xem xét giải quyết, nhưng vài hôm sau, chị phát hiện là đơn sẽ lại được chuyển về địa phương như cũ, và con đường khiếu kiện hoàn toàn trở nên tuyệt vọng, cho dù chị có đủ tiền tàu xe đi lại, chầu trực gõ cửa lãnh đạo thì mọi việc vẫn nguyên như cũ mà thôi... Không thể để cháu Xuân Mai trong cảnh cùng đường, tù tội, đói khổ vạ vật không lối thoát như mẹ, trong khi một triệu đem theo đã hết veo... Đêm hôm đó, đêm mà 47 năm trước chị cất tiếng khóc oe oe chào đời, chị đã thức trắng đêm để nhìn nhận, soi rọi lại cuộc đời khốn khổ bất hạnh của mình lần cuối cùng rồi nước mắt chan hoà ngồi viết lại 2 lá thư tuyệt mệnh.
Hà Nội ngày 27/9/2005
Di thư kêu oan
Kính gửi: Thủ tướng chính phủ
Tôi tên là Phạm thị Trung Thu - sinh ngày 27/9/1958, tạm trú tại 34/4 Lê Hồng Phong- Đà Lạt- Lâm Đồng, có mang theo con gái tên Trần Xuân Mai, sinh ngày 23/3/2003 cùng ra Hà Nội để khiếu nại kêu oan (lần 2) tại trụ sở tiếp dân số 1 Mai Xuân Thưởng -Hà Nội
Tuy các cán bộ tiếp dân đã ân cần lắng nghe, tiếp thuận đơn, nhưng khi họ cho biết sẽ tiếp tục chuyển đơn về địa phương để giải quyết. Tôi đã hiểu mình không may mắn đến mức nào. Đã một lần trung ương gửi đơn về địa phương chẳng những họ không giải quyết mà còn gây khó dễ, họp bàn, tìm cách đối phó, bịa đặt những lý do phi lý và cho rằng thời hạn khiếu kiện đã chấm dứt để không phải giải quyết nữa
Hành trình khiếu nại, kêu oan đã được báo trước qua thái độ của địa phương là sẽ còn rất gian nan vất vả và vô tận... Hoàn cảnh sống của hai mẹ con tôi đã đến bước đường cùng đói khổ, tủi nhục,thậm chí hiện nay tôi không còn có đồng nào để trở về địa phương thì làm sao có thể tiếp tục theo kiện hoặc trở ra Hà Nội lần nữa.

Con tôi bị tật bệnh bẩm sinh, ăn uống rất khó khăn cần có sự chăm sóc đặc biệt của mẹ. Khi được 7 tháng trong bụng mẹ cháu đã phải mổ non, mẹ lại không có sữa, nên việc nuôi dưỡng rất vất vả (cháu không cha) trong lúc đó vì bị tước hết giấy tờ hộ khẩu và không được xác nhận để làm lại CMND tôi không có khả năng tìm được việc làm để nuôi dưỡng con phù hợp với điều kiện thời gian chăm sóc... Trường học và tư nhân gĩư trẻ đều từ chối không nhận bé vì cháu khó chăm sóc. Tôi không thể gửi con cho ai để lao động khác. Những tưởng sinh con để hòng có chỗ nương tựa lúc về già nào ngờ lại lôi kéo thêm một số phận đói khổ, tủi nhục với số tiền 23 triệu đồng do huyện ủy Cát Tiên, Lâm Đồng thanh toán nợ tiền lương 4 năm liền (mức tính theo thời điểm 1990) kèm theo việc ép tôi thôi việc lùi lại vào năm 1994, đã không đủ trang trải nợ nần chi phí ăn ở của hai mẹ con để hầu khiếu nại theo yêu cầu của huyện ủy Cát tiên giai đoạn từ 5-2002 -1½004 thì lấy gì để ổn định cuộc sống"
Cuộc đời tôi đã kéo lê trong bất hạnh đau thương suốt 14 năm qua và bây giờ kéo lây cả cuộc đời con tôi. Mẹ nào mà không đau lòng!
Sống mà như đã chết, thà tôi chết đi để Đảng và nhà nước biết còn có những mảnh đời bất hạnh bị bức bách xô đẩy đến bước đường cùng - không còn một lối thoát nào để sống - do một số người sử dụng quyền lực, nhân danh Đảng và nhà nước để làm việc sai trái.
Tôi chỉ có bé Xuân Mai là con, ngoài tôi ra nó không được nhận tình thương của một ai, xin gửi lại Đảng và nhà nước nuôi dưỡng và giải quyết cho nó được thừa hưởng quyền lợi của tôi, bởi vì một người đã chết mà vẫn còn được xét, giải quyết cho thôi việc để gia đình được hưởng trợ cấp thôi việc một lần (vì lý do khi sắp chết đã có đơn nhưng chưa kịp xét) thì lẽ nào Đảng, nhà nước lại hẹp hòi tước quyền lợi chính đáng mà lẽ ra tôi đã phải có
Xin kính chuyển lên lãnh đạo Đảng và nhà nước lòng biết ơn vô hạn của tôi.
Kính thư
Phạm Thị Trung Thu
Nghĩ tới người mẹ già 75 tuổi, người đã 8 lần sinh nở, cùng bao vất vả lần hồi để nuôi nấng 8 chị em chị (mà chị là con gái thứ 2), trong khi người cha - vốn làm nghề lái xe đã chết cách đây hơn mười năm, chị lại quặn lòng viết tiếp:
Hà Nội 27-9-2005
Má kính!
Việc con làm là bất đắc dĩ, không ai mong muốn phải bỏ lại con cái, nhưng với cái cảnh của con làm sao con nuôi được con bé và cho dù có thế nào thì con bé cũng phải có một lý lịch trong sạch, rõ ràng. Mẹ ở tù nhưng con không có tội, con uất ức lắm.
Nếu con chết, má và gia đình cố gắng giúp con nuôi con bé, con cũng biết là nó rất khó nuôi, đừng giao nó cho ai, kể cả ông Bản, từ nhỏ nó đã thiếu tình thương của mọi người
Quyền lợi của con, con tin rồi sẽ được giải quyết. Má đừng buồn phiền gì cả, cứ hỏi chị Minh là rõ.
Má cố gắng giữ gìn sức khoẻ...
Con kính chào má và cả gia đình
Con
Thu
Sáng ngày 28 rồi 29-9 chị đều tìm đến nhà tiếp dân, hy vọng lời khẩn khoản cuối cùng của mình được chấp thuận, nào ngờ thấy chị vẫn chầu chực chờ đợi, đòi hỏi được giải quyết ngay tại Hà Nội vì địa phương không chịu giải quyết thì nhân viên (tên Hải) nổi khùng lên, mắng chửi chị là đồ thần kinh, dốt nát, cứ bám dai như đỉa, nói đến thế mà còn không hiểu thì hắn cũng mặc, có chết tại đó cũng không ai đoái hoài thương xót... Chị uất ức tìm về nhà trọ, lấy ra những đồng bạc lẻ cuối cùng mua xăng rồi trước mặt đông đủ bà con khiếu kiện đang tụ tập trước cửa phòng tiếp dân, chị lẳng lặng tưới xăng lên người, bật diêm...
Ngọn lửa bùng lên, cháu Xuân Mai sợ quá, bứt khỏi bàn tay người đang bế mình, cuống quýt chạy về phía má, kêu tên má, để ôm chầm lấy má như mọi khi... Còn chút sự sống cuối cùng, chị giơ tay hất mạnh con ra khỏi quầng lửa đang vây chặt lấy mình rồi gục xuống...
Lúc này đám công an bảo vệ quanh khu vực nhà tiếp dân, vườn hoa Lý Tử Trọng mới hốt hoảng chạy đến, dùng bình cứu hỏa phun thuốc chống cháy lên người chị, đặt chị nằm ngay dưới đất rồi trong lúc chờ xe cấp cứu đến ra sức giải tán đám dân oan đang bu chật lấy chị.
Xe đến, cả đám dân oan bất chấp sự ngăn cản của cán bộ chính quyền lại hối hả chạy sang, và khi chị được đưa lên xe, chuẩn bị nổ máy tất cả lại cuống quýt đuổi theo, người la kẻ khóc, người xin, kẻ trách để được quyền bế cháu bé theo mẹ vào bệnh viện. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh. Tất cả phải dạt ra trước sự cản phá chống đối quyết liệt của công an, mặc cháu Xuân Mai đang khóc thét vì bàng hoàng thảng thốt nằng nặc đòi đi theo má: "Má cháy rồi, cho con theo với, má ơi... sao má bỏ con" má ơi...”
Tiếng la hét, khóc than của đứa con nít 2 tuổi, tiếng sụt sịt uất ức, thương cảm của bao nhiêu người khiếu kiện không làm đám công an, cảnh vệ mảy may mủi lòng. Mệnh lệnh là mệnh lệnh, họ ra sức giải tán bà con khỏi khu vực khiếu kiện để những kẻ rách chuyện, thích kích động không thể kéo đến làm loạn, gây mất ổn định xã hội, gây phiền hà cho lãnh đạo, cũng là mất ổn định chính trị, kinh tế cướp mất bát cơm của vợ con họ...
II-Bỏng nặng toàn thân, ngàn cân treo sợi tóc:
Sau khi chị Thu được đưa đi cấp cứu cũng là lúc công an hỏi tội ông Bình - chủ số nhà 94 phố Ngọc Hà nơi đã chứa chấp chị. Cho dù ông Bình đã ra sức giải thích chị là người quen cũ, lần trước đã ra Hà Nội và ở lại trọ hàng tháng trời, nên lần này ông không có cớ gì để từ chối, trong khi chị đang cảnh mẹ góa con côi, thân gái dặm trường, không giấy tờ người thân như vậy... Bao lời giải thích, bao lý lẽ hợp tình người, đạo lý vẫn bị công an quy kết tội chứa chấp người khi chưa được chính quyền các cấp cho phép. Để chuộc tội, trong khi em gái chị từ Đà Lạt ra, ông Bình phải tìm mọi cách giữ lại nhà mình, không cho ra số 1 Mai Xuân Thưởng, nơi hiện trường xảy ra vụ án để hỏi han chất vấn cán bộ tiếp dân, hoặc gặp gỡ tiếp xúc với bà con dân oan khiếu kiện- những người đã tận mắt chứng kiến cái chết đau lòng của chị, và tiếng thét lạc giọng của cháu Xuân Mai, để đề phòng bà con nổi loạn... Sau đó ông lén gọi điện thoại báo để công an đem xe đến đưa em chị thẳng về bệnh viện bỏng trung ương (thị xã Hà Đông, Tỉnh Hà Tây) gặp chị ruột. Trước đó, số đồ đạc tư trang ít ỏi của hai mẹ con để lại nhà trọ cũng bị lục tung, ngoài bộ quần áo của bé Xuân Mai, chút di vật có giá trị cuối cùng là hai lá thư tuyệt mệnh gửi chính quyền nhờ giải quyết chế độ, và nhờ mẹ đẻ nuôi cháu, cũng bị công an tịch thu để bịt đầu mối. Rất may trong lúc lộn xộn, một trong số người cùng ở trọ đã kịp phô tô lại và giấu biến đi, hy vọng có thể làm sáng tỏ cái chết của chị. Bức ảnh chụp thân thể chị sau khi được công an phủ bột trắng xoá cũng do bà con lén chụp được, tuy bị công an phát giác cử người bám theo đòi lại nhưng đã may mắn thoát hiểm ra ngoài, với vô vàn khó khăn.
Hiện tại chị Thu vẫn nằm cách ly trong một phòng riêng tại tầng hai của viện bỏng. Từ cầu thang đến cửa khoa, cửa phòng đều có mấy lần cửa khoá cùng cán bộ công an canh giữ. Tất cả bác sĩ nhân viên, giám đốc bệnh viện đều bị cấm không tiết lộ mọi bí mật ra ngoài. Em ruột, mẹ đẻ, cháu ruột ở lại chăm sóc chị đều phải trình chứng minh thư, mọi nhất cử nhất động đều bị công an theo dõi, cho dù bà con có tấm lòng hảo tâm muốn đến thăm đưa quà cho chị cũng bị cấm cửa. Chủ nhà trọ 5 lần 7 lượt xin vào thăm chị phải làm đủ mọi thứ giấy tờ thủ tục khai báo cam đoan trình lên các cấp vẫn chưa có nổi tấm giấy chứng nhận của văn phòng chính phủ để vào, dù chỉ muốn thông báo vài lời về tình trạng của bé Xuân Mai cũng phải có lệnh. Hai trưởng phó phòng công an Hà Nội là Hùng và Minh đã ra văn bản xác lệnh dán ngay cửa phòng điều trị, cấm không ai được vào... để chị được yên ổn sống giữa lòng đảng kính yêu.
Cho đến giờ phút này sau 10 ngày điều trị, sức khỏe của chị vẫn ngàn cân treo sợi tóc, toàn thân bị bỏng nặng, phải cuốn vải màn, chân tay giang rộng bất động trong đám bông băng xô màn đặt trên bàn của phòng cấp cứu, tất cả chỉ còn là một đống vải màn vàng khé, đen xì vì thuốc nước, hóa chất. Toàn thân chỉ lộ ra một khoảng hở của đôi mắt và hai núm vú đã bị cháy đen. Tiếng nói vô cùng yếu ớt. Theo lời mẹ chị tiết lộ do các bác sĩ nói lại, chị bị bỏng trên bề mặt cơ thể 38%, bỏng sâu vào phổi 37%, tổng cộng hơn 70%... sống chết thế nào không thể nói rõ được. Hôm đầu em chị vào, bác sĩ bảo phải gọi điện thoại về gấp cho mẹ đẻ chị ra gặp mặt lần cuối vì chỉ rút ống thở ô xy ra là chị đi... Nhờ gặp lại mẹ và em, hay vì sự chăm sóc chu đáo của bệnh viện mà đến giờ phút này chị vẫn còn được nấn ná ở lại cõi đời"
Trong 10 ngày qua toàn bộ chi phí thuốc thang, sữa uống do bệnh viện đảm nhận, phó chủ tịch huyện Cát Tiên, nghe tin dữ cũng lò dò tìm vào tận bệnh viện gặp giám đốc chi 7,5 triệu gồm ba khoản: 3 triệu để mẹ đẻ chị chi tiêu trong những ngày ở lại bệnh viện chăm sóc, 2 triệu cho bé Xuân Mai, và 1,5 triệu gửi giám đốc giữ để khi nào chị có thể ăn được cháo, hoa quả, sẽ đưa lại... Ngoài ra chưa có thêm một sự hứa hẹn đền bù gì về phía lãnh đạo Đảng và chính quyền nhà nước.
7 giờ sáng ngày 11-9, cháu Xuân Mai đã được đích thân thủ tướng Phan Văn Khải, cùng hai cán bộ thanh tra văn phòng chính phủ và bộ tư pháp đưa về Đà Lạt bằng máy bay. Đồng bào khiếu kiện chủ yếu là bà con Quảng Nam, Đà Nẵng, An Giang, Đắc Lắc có mặt trong ngày hôm đó cũng đã lần lượt được chính quyền dỗ dành, dọa nạt, cưỡng chế ra khỏi khu vực "cấm", cách xa anh Lý Tử Trọng và khu vực tiếp dân cả ngàn km, để các nhà dân chủ, báo chí quốc nghe tin tìm đến cũng buộc phải bó tay vì không tìm được nhân chứng. Hai bà bán nước ở vườn hoa, tất nhiên bị chính quyền khóa mõm đầu tiên, nếu không muốn mất miếng cơm chim hàng ngày.
Hẳn với sự hờn dỗi của đứa con ngoan bị bố Đảng và mẹ chính quyền hắt hủi, mọi sự oan ức của chị sẽ được xem xét. Các diễn biễn tiếp theo thế nào, sau này sẽ xin thông báo lại để bà con biết. Hy vọng ngọn lửa tuyệt vọng của chị thắp lên giữa lòng Hà Nội sẽ là ngọn lửa cuối cùng của hàng trăm ngàn dân oan cả nước vì thời thế đã sắp thay đổi rồi. Gió đã xoay chiều, mọi việc liên quan đến nhân quyền, tự do, dân chủ sẽ được giải quyết thỏa đáng trong ánh sáng pháp luật và dư luận quốc tế nay, mai.
Tháng 10-2005
Thay mặt dân oan cả nước
Mai Xuân Thưởng và Phạm Xuân Mai

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.