Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Bãi Bỏ Niên Liễm Sinh Viên Đại Học

28/03/200500:00:00(Xem: 5333)
Tuần qua, BS Brendan Nelson, tổng trưởng Giáo Dục liên bang đã đệ trình lên quốc hội một dự luật nhằm bãi bỏ niên liễm cưỡng bách (compulsory student union fee) của tổng hội sinh viên trên toàn quốc. Đây là loại niên liễm có thể lên đến $590, mà hằng năm, khi ghi danh học, sinh viên phải đóng cho tổng hội sinh viên tại trường đại học mà họ theo học. Sinh viên sẽ không được ghi danh nếu số tiền này chưa được thanh toán. Thông thường thì niên liễm được đóng cho trường đại học và sau đó được trường chuyển giao vào quỹ của tổng hội sinh viên.
Số tiền này được tổng hội sinh viên (Student Union) sử dụng để trang trải cho nhiều dịch vụ khác nhau: từ những dịch vụ xã hội dành cho sinh viên cho đến các chỗ bán đồ ăn uống trong khuôn viên trường đại học và ngay cả việc tài trợ cho các hội sinh viên thuộc tổng hội được tổ chức theo ban ngành học (thí dụ như kỹ sư, y khoa); theo môn thể thao (túc cầu, dã cầu); mang tính phổ biến văn hóa nghệ thuật (kịch nghệ, nhiếp ảnh, âm nhạc, hội họa); có tính tương trợ sắc tộc (Việt, Hoa); hoặc tài trợ cho những sinh hoạt có tính tôn giáo hoặc theo chính kiến. Tổng số niên liễm cưỡng bách cho trên dưới 800 ngàn sinh viên trên toàn nước Úc lên đến $160 triệu Úc Kim.

Chiếu theo dự luật mới này thì các trường đại học sẽ không được quyền thu nhận niên liễm cưỡng bách. Theo tin của nhật báo The Australian thì bất cứ trường nào tìm cách "đi lòn" - đưa ra một lệ phí khác của trường nhằm thay thế "niên liễm" - sẽ có nguy cơ bị phạt vạ nặng nề. Mỗi trường sẽ phải hoàn trả tiền cho sinh viên trong vòng 28 ngày nếu trường đã thâu tiền lệ phí mang tính cưỡng bách. Sau 28 ngày, trường sẽ bị phạt $1000 cho mỗi sinh viên theo học toàn thời gian tại trường. Thí dụ như trường đại học Sydney với tổng số 2,600 sinh viên toàn thời sẽ bị phạt $2,6 triệu, trường đại học Melbourne $2,5 triệu.v.v.
Khi thông báo với quốc hội rằng chính phủ Howard sẽ tiến hành một cách nhanh chóng kế hoạch thúc đẩy quyền tự do chọn lựa đóng niên liễm tham gia tổng hội sinh viên (voluntary student unionism), ông Nelson đưa ra một thí dụ để chú giải cho lý luận của chính phủ. Ông nói: "Mỗi người Úc, ở chỗ làm hoặc trong khuôn viên trường đại học phải được quyền không tham gia vào công đoàn. Tại sao, một bà mẹ đơn chiếc, có hai đứa con, nay quay trở lại trường đại học để học ngành y tá, lại phải tài trợ cho hội thể thao leo núi (abseiling club) trong khi bà chẳng hề biết đến leo núi là gì""
Dự luật bãi bỏ lệ phí cưỡng bách thường niên này đã gây khá nhiều tranh cãi tại quốc hội liên bang trong suốt tuần qua. Nhận xét về dự luận này, bà Jenny Macklin, phó lãnh tụ đối lập liên bang, đồng thời là phát ngôn nhân đối lập về giáo dục tuyên bố: "[nếu dự luật này được thông qua] Nhiều công ăn việc làm từ những dịch vụ như thể thao, giữ trẻ, luật pháp, y tế.v.v. có nguy cơ bị hủy diệt. Đây là một cuộc tấn công đầy tính toán vào các viện đại học và có tính trả thù đối với sinh viên vì họ đã dám lên tiếng chỉ trích việc tăng học phí (HECS)".
Đảng Xanh cũng lên án nó và cho rằng nó sẽ khiến cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (disadvantaged students) hiện đang được giúp đỡ nhờ qũy niên liễm, sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn nữa. Các vị viện trưởng đại học đồng loạt lên án chính sách bãi bỏ việc đóng lệ phí cưỡng bách, cho rằng nó sẽ giết chết các dịch vụ cần thiết cho sinh viên.
Phe ủng hộ dự luật này đưa ra không ít lập luận biện minh cho nó, mà chủ yếu nhất vẫn là nguyên tắc căn bản về quyền tự do chọn lựa của mỗi cá nhân. Theo phe ủng hộ, thì càng ngày càng có nhiều sinh viên ghi danh học bán thời hoặc học hàm thụ, ngang qua mạng internet, và do đó, họ không cần sử dụng đến những dịch vụ hoặc tiện nghi khác trong khuôn viên trường đại học - thí dụ như hồ bơi hoặc phòng tập thể dục - vậy thì tại sao họ lại bị bắt buộc phải đóng tiền cho những dịch vụ này để người khác xài thoải mái" Tại sao họ lại bị buộc phải sử dụng những cơ sở này mà không được quyền chọn lựa những nơi khác gần nhà hoặc gần chỗ làm thuận tiện cho họ hơn"
Phe ủng hộ dự luật cũng bác bỏ mối e ngại về sự mất mát của các dịch vụ thiết yếu cho sinh viên. Dịch vụ giúp đỡ về luật pháp dành cho sinh viên ư" Tại sao không sử dụng dịch vụ giúp đỡ luật pháp bình thường (normal legal aid)" Dịch vụ giữ trẻ ư" Đại đa số sinh viên không có con, vả lại, còn biết bao nhiêu nơi giữ trẻ khác chứ! Hàng quán bán thức ăn nước uống trong trường ư" Cứ cho tư nhân thầu thì cũng vẫn có thức ăn thôi. Còn các cơ sở thể thao ư" Chắc chắn là những môn thể thao được nhiều người ưa chuộng vẫn dễ dàng thu hút hội viên, còn những môn ít người chơi thì có mất đi cũng chả sao, đỡ phí phạm tiền cung cấp những thứ mà chẳng ai thèm chơi!!
Những người ủng hộ dự luật này còn nói thêm rằng có thể chính nó sẽ là động cơ thúc đẩy những tổ chức của sinh viên trở nên sống động hơn, cố gắng hơn, cần cù hơn trong việc cải tiến dịch vụ nhằm thu hút thành viên. Và như thế thì cuối cùng, sinh viên sẽ được lợi hơn xưa.
Nhưng quan trọng nhất, theo những người ủng hộ dự luật, vẫn là việc ngăn chận chuyện các giới chức nắm quyền trong tổng hội sinh viên không lạm dụng tiền quỹ để tổ chức những cuộc biểu tình vô bổ - chẳng hạn như chống chính sách di trú, chống chiến tranh Iraq.v.v...


Thoạt nghe thì những luận điệu trên có vẻ hợp lý, hợp tình, nhưng khi suy xét một cách thật kỹ càng, người ta mới thấy có những nguyên nhân tiềm ẩn cần được đề cập ở đây. Thứ nhất, về nguyên tắc căn bản của quyền tự do chọn lựa quả thật là một trong những nền tảng căn bản của xã hội tự do dân chủ. Thế nhưng, như bất cứ một thứ quyền tự do nào khác trong xã hội thật sự dân chủ, nó cũng phải có một giới hạn, tùy thuộc vào những ảnh hưởng mà nó có thể mang đến cho những người khác trong xã hội. Thí dụ, tự do ngôn luận là một quyền bất khả xâm phạm, nhưng không ai có thể lạm dụng quyền này để phỉ báng, nhục mạ người khác.
Nếu được quyền tự do chọn lựa dĩ nhiên sẽ không có một sinh viên nào đóng niên liễm. Cũng như nếu được quyền chọn lựa thì chắc chắn không ai dại gì mà lại đóng thuế lợi tức. Không một người dân nào có nhà cửa sẽ đóng thuế thổ trạch cả. Và nếu thế thì chuyện gì sẽ xảy ra cho xã hội, cho quốc gia"
Xã hội Úc - cũng như các xã hội Tây Phương tiên tiến - từ hơn một thế kỷ qua đã chấp nhận rằng có nhiều việc trưng thâu, chẳng hạn như thuế thổ trạch hay thuế lợi tức, là điều cần thiết để đáp ứng cho những nhu cầu có ích lợi chung cho xã hội, và người ta không nhất thiết sẽ được hưởng nhận nhiều bằng sự đóng góp của mình.
Nếu sử dụng lập luận rằng chỉ có nguyên tắc ai xài thì người ấy trả (user pay principle) mới thật sự công bằng thì những người độc thân, những ai không con sẽ có quyền đặt câu hỏi vì sao tiền thuế của họ lại được sử dụng để tài trợ cho chi phí giữ trẻ của những người có con, hay tài trợ cho các trường trung và tiểu học công lập. Và cả khối người không bao giờ sử dụng xe lửa sẽ từ chối không đóng phần thuế được sử dụng để duy trì đường rầy xe lửa cả. Những người không có nhu cầu y tế sẽ có quyền từ chối không đóng phần thuế được dành cho nhà thương. Những người không bao giờ đi ra khỏi một tiểu bang có quyền từ chối không đóng khoản thuế dành tu bổ các quốc lộ.v.v.
Và nếu thế, thì chánh phủ các cấp không nên thâu thuế từ người dân nữa mà hãy dựng lên trạm xét vé đòi tiền tại trước cửa từng nhà thương, mỗi trường học, từng bót cảnh sát, từng ngã ba hay ngã tư đường.v.v.. để thâu tiền những người phải sử dụng nó.
Trở lại câu hỏi mà BS Nelson nêu lên về việc tiền niên liễm của người mẹ đơn chiếc được dùng để tài trợ cho hội leo núi thì người ta có thể dễ dàng nói ngay rằng những hội viên hội leo núi tuy không có con nhưng tiền niên liễm của họ vẫn được sử dụng để cung cấp dịch vụ giữ trẻ cho bà an tâm gởi con khi vào giảng đường.
Thứ nhì, nếu dự luật này được thông qua, chắc chắn nó sẽ đưa đến những mất mát lớn lao về những dịch vụ cần yếu cho đời sinh viên và tạo thêm nhiều khó khăn cho các sinh viên mà gia đình không được giầu có lắm.
Dịch vụ trợ giúp luật pháp Legal Aid thực ra không có đủ tài nguyên, cũng như không đủ chuyên môn để có thể đại diện, biện hộ cho những sinh viên nghèo phải ra trước những phiên xét xử của đại học về các vấn đề liên quan đến học vấn hạnh kiểm, thi cử.v.v. Một sinh viên thông minh nhưng nghèo khổ gặp khó khăn về tài chánh sẽ không còn mượn được tiền với lãi suất thấp từ dịch vụ cho sinh viên mượn tiền của tổng hội sinh viên để giúp họ qua cơn khốn khó, và chắc chắn sẽ phải bỏ dở việc học để đi làm trả nợ.
Lập luận cho rằng các nhà thầu tư nhân sẽ trám vào khoảng trống nếu những dịch vụ hàng quán của tổng hội sinh viên phải đóng cửa là một lập luận thiếu thực tế. Các hàng quán trong khuôn viên trường đại học chỉ có khách hàng đông đảo trong một khoảng thời gian nhất định mỗi năm - vào những học kỳ - và rất ế ẩm trong những kỳ hè. Do đó, để bảo đảm lợi tức cho nguyên năm thì giá cả hàng họ phải tăng cao trong lúc đông khách để bù đắp cho gần ba tháng vắng khách, hoặc phẩm chất của thực phẩm sẽ bị giảm xuống.
Câu hỏi thứ nhì của BS Nelson nêu lên mối quan ngại rằng niên liễm cưỡng bách được sử dụng trong những cuộc biểu tình chống đối hoàn toàn không dính líu gì đến quyền lợi của sinh viên, như chống chiến tranh Iraq chẳng hạn. Đấy là một mối quan ngại xác đáng, cần được giải quyết một cách chính xác, cẩn trọng.
Mặc dầu những vấn đề này có thể được đại đa số sinh viên ủng hộ, nhưng hoàn toàn không liên quan đến quyền lợi của sinh viên, và vì thế không nên dùng quỹ chung của tổng hội để tài trợ cho những hoạt động này, cho dù chỉ là một phần nhỏ nhoi của quỹ cũng không nên. Và cách thức chính đáng nhất, hợp tình hợp lý nhất mà lẽ ra chính phủ nên đề ra, để ngăn ngừa việc này là cách mà một số vị viện trưởng viện đại học đã từng thảo luận trong vòng kín đáo từ năm ngoái: thiết lập luật lệ đúng đắn để cấm sử dụng quỹ sinh viên cho những hoạt động không cần thiết, và vẫn tiếp tục thâu niên liễm cưỡng bách.
Nhưng bên cạnh những lý do nêu trên, nhiều người đã có lý khi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc bãi bỏ thâu niên liễm cưỡng bách cho tổng hội sinh viên, chính là ý định của đảng Tự Do muốn loại bỏ vai trò thao túng của đảng Lao Động trong hàng ngũ nghiệp đoàn sinh viên. Ý định này đã được nuôi dưỡng từ lâu, nhưng nay, với khả năng kiểm soát cả lưỡng viện quốc hội, đảng Tự Do mới có thể thực hiện một cách dễ dàng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.