Hôm nay,  

Tưởng Niệm Graham Greene [1904-1991], Tác Giả Người Mỹ Trầm Lặng

16/03/200500:00:00(Xem: 5217)
You cannot be sure about anything on a battlefield. "When we are not sure, we are alive.".
Bạn không thể chắc chắn về bất cứ điều gì về một trận chiến. “Khi chúng ta không chắc chắn, chúng ta vẫn còn sống”.

Tháng Muời, 2005, là kỷ niệm một trăm năm Graham Greene [1904-1991]. Trong một bài essay trên tờ Guardian, Zadie Smith cho rằng, ông là một tiểu thuyết gia rất ư là rắc rối, nếu nói về mặt đạo hạnh. Và cuốn tiểu thuyết Người Mỹ Trầm Lặng một chuyện tình lấy bối cảnh là những hỗn loạn tại Việt Nam vào thập niên 1950 cho thấy, ông còn là một trong những ký giả loại gộc.

Tháng Ba, 1946, năm năm trước khi Greene tới Việt Nam, Ho [HCM] ký hòa ước với Tây, thừa nhận, sự ra đi của họ để lại một khoảng trống. Viễn ảnh một Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp, do Tây nhử, làm Ho khoái. Ông chửi đám bộ hạ phò Tầu:
Mấy bồ có hiểu nghĩa là gì, chuyện đám Tầu ở lại" Lần chót tụi nó ở một ngàn năm! Tây dù sao cũng mũi lõ, họ có thể ở một thời gian, và rồi sẽ cút, vì tụi da trắng hết thời ở Á Châu rồi. Ta thà ngửi cứt Tây năm năm còn hơn ngửi cứt Tầu cả đời!
Norman Sherry: Tiểu sử Greene, chương 24: Bonjour Vietnam [Sherry trích câu này từ Hồ Sơ Ngũ Giác Đài, The Pentagon Papers, Senator Gravel Edition, vol 1, Beacon Press, 1979, trang 49-50]

Thé [tướng Trịnh Minh Thế] đúng là một thứ kẻ thù khó chơi, a difficult enemy. Hắn làm nhức nhối, ngay cả de Lattre. Greene thực sự quan tâm tới Thé, bởi hắn thù Tây cũng chẳng thua gì thù Vi Xi (1). Phải một tay như thế mới tạo nổi chất xúc tác, a catalysing agent. Không có hắn, là không có bi kịch.

Về lại Anh, Greene nhớ Việt Nam quá và, may mắn làm sao, đã mang theo cùng với ông một cái tẩu hít tô phe, như là một kỷ niệm tình cảm, và cũng là một cách làm dịu nỗi đau vàng, le mal jaune. Cái tẩu ông đã hít lần chót, tại một tiệm hít khác, không phải ở đường Catinat. Tay chủ, người Tầu hợp với ông, và ông đã đi vài đường dậy tay này vài câu tiếng Anh. Tới ngày rời Việt Nam, tay chủ tiệm hít bèn giúi vào tay Greene cái tẩu. Cây gậy thiêng nằm trên một cái dĩa tại căn phòng của Greene, ở Albany, bị sứt mẻ tí tí, do di chuyển, đúng là một thần vật cổ, của những ngày hạnh phúc...

1.
“Tôi phải kiếm cho ra một tôn giáo”, Graham Greene nói, “để đo lường cái phần quỉ ma ở nơi tôi”.

Một thách đố như vậy đã đặt Greene vào cái thế của một “tiểu thuyết gia Ky tô giáo” – ông rất ghét định nghĩa này - đúng như viễn tượng về ông: trước khi chọn Chúa Ky Tô, như là một thế giá cao cả nhất, thì ông, trước hết, còn là một con người bị ám ảnh bới chính cái nấc thang thế giá đó. Không nhà văn nào của thế kỷ 20 này có thể so với ông, người muốn đi tới cùng trong cõi nhân sinh nhỏ xíu - ấy là nói về chuyện so sánh giữa con người với con người, và có thể, với Chúa nữa. Trong khi những tiểu thuyết gia thuộc loại tầm tầm mày mò, dị mọ những đòn phép nhằm phân biệt thằng cha này tốt, thằng cha kia xấu, Greene là bậc thầy của sự tách biệt đa tầng, dị dạng, khi xoáy vào những đường ranh thật là mỏng manh phân chia, giữa thế nào là quỉ ma thế nào là độc địa, thế nào là bất tương thân, thế nào là ngu si đần độn chứa đầy ác tâm. Những con người của ông loay hoay xoay sở bên trong cái khuôn mẫu đạo đức rất ư là chi ly. Sa sẩy, là từng bước chân, là từng lỡ bộ. Sai một ly đi một dặm. Thành thử vô phương, làm người tốt [to be good] ở nơi Greene. Nhưng có hàng triệu triệu cách, để đỡ tồi tệ hơn, ít hoặc nhiều.

Khía cạnh hiện thực mang tính đạo hạnh chi ly tỉ mỉ đó, ở Greene, thường không được người đọc để ý, thay vì vậy, là những mầu sắc “baroque” – trò truy hoan thẳng thừng, thú du lịch, cái lối viết nhà báo – những dấu ấn khiến ông được coi là đồng hội đồng thuyền với những tay phiêu lưu như Erskine Childers, Len Deighton, Alec Waugh, John Le Carré.

Chắc chắn rồi, Greene phải được coi như là một người viết quan tâm tới dòng văn chương điệp viên, tình báo – chú thiếu niên Greene ngày nào đã từng thử làm người hùng máu lạnh, qua trò chơi chết người Russian roulette. Tuy nhiên, người đọc đừng quên rằng, trên giá sách của ông, còn có sự ngự trị của, thí dụ như, Henry James. Hơn thế nữa, Greene quả thực là một điệp viên nhị trùng, theo đúng nghĩa đen của từ này.

“Thượng Đế ở trong những chi tiết”, Ruth Franklin, trên báo Người Nữu Ước số đề ngày 4 tháng Mười - điểm cuốn thứ ba và nhân đó toàn bộ ba cuốn, tiểu sử Greene, của Sherry - và cùng lúc tưởng niệm một trăm năm ngày sinh của Greene, cũng đã nhắc tới một chủ nghĩa hiện thực mang chất Ky Tô Giáo của Greene, và cho rằng, khổ tâm số một của Greene - như là một tay Ky Tô - đó là: ông nghi ngờ khả năng yêu Chúa của chính ông [he doubted his own ability to love God], và nếu thiếu nó, là không thể làm cú nhẩy chót vào lòng Ngài, để dâng hết mình cho Ngài, rằng con xin đầu hàng! Cú đầu hàng vô điều kiện cần thiết để biến một tay tổ sư tội lỗi là Greene, trở thành ông thánh Greene!

Nhưng chính sự thất bại của một ông tổ sư tội lỗi - không thể nào thành Thánh được - đã biến ông thành một tiểu thuyết gia bậc thầy. Hơn thế nữa, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, mỗi lần ông đưa cái mũi vào một mảnh đất khốn khổ khốn nạn, là y như rằng, ở đó có vấn đề, và vẫn còn có vấn đề. Thí dụ như trong Người Mỹ Trầm Lặng, ông đã ngửi ra được rằng, hoà bình không có nghĩa là thanh bình, ở một cõi nhân gian nhỏ xíu của những tên mít đặc, mít ướt, mít mật, mít cà chớn… đó!

Đây cũng là điều một nhà phê bình người Pháp, Simon Leys, nhận ra, và gọi là “kỹ thuật thư giãn kép” của Greene, như NQT tôi đã viết, trong bài Tưởng Niệm Mai Thảo, nhân đó, bèn tản mạn về phim Người Mỹ Trầm Lặng, Mê Thảo Thời Vang Bóng [làm theo cuốn Chùa Đàn của Nguyễn Tuân], và Những Ngày Ở Sài Gòn:

“Cách kết thúc truyện của Greene, như trong Brighton Rock, theo Leys, là để cho độc giả thở phào, không phải một, mà tới hai lần. Ông dùng thuật ngữ ‘fins à double détente’, (tạm dịch: kết cục theo kiểu thư giãn kép), theo đó, kết thúc thực sự không nằm ở câu chót của cuốn sách, mà là ở đâu đó, vài giây sau, ở trong sự tưởng tượng của người đọc. Kỹ thuật này dành cho những cuốn tiểu thuyết - giống như một trái bom cực kỳ độc địa, một khi đã nổ ra, hậu quả thật là khủng khiếp nhưng không tức thời, mà là sau đó. Một thứ bom nổ chậm. Áp dụng ‘kỹ thuật’ này vào thời điểm 1975, có thể nói hậu quả tức thời là miền nam, hậu quả tiếp theo, là cả nước đều khốn khổ khốn nạn vì nó.”

Ruth Franklin, trong bài đã dẫn, trên tờ Người Nữu Ước, còn nhắc tới một ẩn dụ của Borges, về một đế quốc khổng lồ, mà ở đó, nghệ thuật đồ họa đã toàn thiện đến nỗi, bản đồ nào tỉ lệ xích cũng là 1/1. Một nhà văn Việt Nam [Lê Trọng Phương, trên tờ Gió Đông ngày nào] đã mô phỏng Borges, và tưởng tượng ra cái đế quốc khổng lồ của người Việt tị nạn, trên khắp năm châu bốn biển, và cùng với họ, là tấm bản đồ Việt Nam rách nát, tỉ lệ xích 1/1 mà họ đã mang theo, và đời này tiếp đời khác, cố vá víu lại, cố làm cho nó được như xưa.
Ruth dùng ẩn dụ trên, để nói về bộ tiểu sử khổng lồ tỉ lệ xích 1/1 về cuộc đời của Greene mà tác giả là Norman Sherry. Bộ tiểu sử khổng lồ này, cuốn thứ ba, “The Life of Graham Greene” vừa mới ra lò, [nhà xb Viking, $ 39.95US], cách cuốn đầu đúng mười lăm năm, và cách thời điểm ông này được Greene cho phép viết tiểu sử về ông ta, ba mươi năm!
Một trong những khó khăn mà Sherry gặp phải, là số lượng khổng lồ, đa dạng, những tác phẩm của Greene. Ông viết đủ thứ, từ điệp viên tới chuyện giải buồn, mua vui cũng được một vài trống canh [chữ của Greene, khi viết về Người Mỹ Trầm Lặng], tới bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng “Tam Khúc Ky Tô” [Catholic trilogy], vào lúc ở nửa cuộc đời, cho tới những cuốn sau này, thật khó xếp loại, như Du Lịch Với Bà Thím, hay Ngài Quixote. Chưa kể, truyện ngắn, kịch, kịch bản phim, hồi ký, sách du lịch, cộng thêm biết bao những thư từ trao đổi, đúng là cả một khối lớn lao mà chỉ ông được đặc quyền đụng tới: Chỉ vì một cái dấu phẩy mơ hồ ở trong tờ di chúc viết nơi giường của kẻ đang hấp hối là Greene, mà tất cả những nhà học giả khác không được quyền trích dẫn bất cứ những gì chưa được in ra, cho tới khi Sherry hoàn tất bộ tiểu sử khổng lồ của ông ta về Greene!


Quả là một tổ sư, chỉ riêng về mặt "mèo chuột".

Cuốn "Du lịch với Bà Dì", là để tặng HHK,"người đã giúp tôi nhiều hơn là tôi có thể nói ra". HHK có nghĩa là "con mèo sung sướng khỏe khoắn" [happy, healthy kitten], đây là nickname ông gọi Yvonne Cloetta, người tình 32 năm trời ròng rã của ông. Bà này cũng vừa cho ra lò một cuốn sách viết về Greene, nhân dịp một trăm năm này: "Đi tìm nụ hôn đầu ôm mái tóc lang thang: Cuộc đời của tôi với Graham Greene" [In search of a beginning: My life with G. Greene, nguyên bản tiếng Tây, Euan Cameron dịch sang tiếng Anh, nhà xb Bloomsbury].

Đây là một cuốn sách rất ư là riêng tư, gần như một lời thú tội, mà chỉ có một tình yêu lớn dành cho Greene, mới có thể viết ra. Tác giả mong muốn, trình bầy "chân dung người đàn ông mà tôi biết." "Tôi là người... muốn nói hết mọi chuyện... sự thực. Sự cần thiết tạo dựng lại sự thực, người đàn ông, nhà văn".

Theo người điểm trên tờ TLS, [số đề ngày 24 tháng Chín, 2004], thoạt đọc, khó ưa, Viết theo kiểu hỏi-trả lời. Dịch không được mượt mà cho lắm. Cũng không phải một cuốn sách văn học. Nhưng càng đọc, cái tình yêu lớn của người đàn bà đã từng yêu, sự tò mò của bà đối với bất cứ khía cạnh nào của người bà yêu... dần dần cuốn hút bạn. Tuyệt hơn nữa, "kín đáo" mới chính là cái từ mà tác giả cố đạt cho được, khi viết cuốn sách rất ư là riêng tư này. Cloetta, mất năm 2001, mười năm sau Greene. Bà là vợ của một thương gia Thuỵ Sĩ. Greene gặp bà tại Douala, Cameroon, nơi ông chồng làm việc, vào năm 1959, sau khi vừa trải qua sáu tuần lễ tại xứ cùi, tại Congo thuộc Bỉ.

Vừa gặp là chàng dính liền. Năn nỉ em tới phòng khách sạn, để nói lời từ giã. Ba tháng sau, gặp lại, chàng hỏi: "Em có yêu anh không", Est-ce que tu m'aimes"", nàng trả lời, "Em không biết. Còn quá sớm đối với em, để mà trả lời [để mà xác định tình cảm của mình]."

Thoạt đầu, Greene tính hỏi, em có thích anh không. Sự tình xẩy ra đúng như vậy: Nàng thích, rồi mới yêu chàng, liền sau đó. Bà này không đúng týp của chàng. Vậy mà lâu. Thế mới lạ. Greene đã trải qua nhiều cuộc tình. Cuộc tình nào cũng đầy sóng gió, theo kiểu The End of the Affair, và đều kết thúc bằng một cuốn sách. Có thể nói, trong đời Greene, mọi cuộc gặp gỡ, từ tình cờ nhất, cho tới da diết nhất, đều trở thành những căn nguyên cội nguồn, những chất liệu để ông biến thành giả tưởng.

Thế còn ông chồng bị cắm sừng, thì sao" Jacques, ông chồng, biết, nhưng vờ như không, hay nói theo Lucretta Stewart, người điểm cuốn hồi ký của nàng về chàng trên TLS, họ sắp xếp sao cho êm ả, “cẩm như Tây” [Their arrangement seems peculiarly French]. Vào lúc mới đầu, do công việc, ông chồng phải đi Phi Châu mười tháng, bà vợ ở Pháp với mấy cô con gái. Thật là tiện cho chàng mò tới thường xuyên. Nàng viết [trong hồi ký]: “Tôi sắp xếp sao cho chàng không gặp mấy đứa nhỏ, để chàng khỏi nghĩ ngợi, áy náy, có hại cho việc sáng tác”. Nhưng liền sau khi ly dị chồng, nàng bèn dâng hết quãng đời còn lại cho chàng – nghĩa là cho văn chương! – Nàng giúp chàng dịch tác phẩm sang tiếng Tây. Để đáp lại, chàng lo bảo bọc, thờ phượng nàng, mà chàng gọi là “con mèo xinh xắn khỏe mạnh của tôi” [HHK: happy healthy kitten]. Sở dĩ có cuốn hồi ký, như trong lời tựa của nàng, là do cả một trận bão những thù nghịch nhắm vào chàng, trong đó có cả những người bạn của chàng, vào mùa xuân 1994, khiến nàng không còn có thể im lặng, và phải viết ra, nhưng vẫn theo đúng lập trường của cả hai, là, “không hề vén áo cho người xem lưng” [absolute discretion].

Greene chọn Norman Sherry, giáo sư văn chương đại học Trinity San Antonio, Texas, là người viết tiểu sử, là do mê ông này, khi viết về Joseph Conrad [Conrad’s Western World]. Nhất là sự kiện Norman Sherry, để viết về Conrad, đã thực hiện những chuyến đi thực tế tới vùng Viễn Đông và đặc biệt là những khám phá của Norman Sherry ở Tây Phi về Trái Tim Của Bóng Đen, của Conrad. Chính Greene đã tìm cách tiếp cận Sherry, qua một nhà báo, William Igoe. Ông này nói với Sherry, trong một bữa cùng ăn trưa, “Có một tay, đúng là một huyền thoại của chính thời đại của anh ta, và tay này rất mê tác phẩm của bạn”. Sau đó, hai người gặp gỡ, vào lúc đó, như Sherry sau này mới biết, Greene đang bị gia đình và bạn bè đòi hỏi, phải kiếm cho ra một tay viết tiểu sử về mình. Và trong khi ông đang tỏ ra thích thú bởi nụ cười rất ư là đặc biệt, và cặp mắt xanh của Greene, bất thình lình, ông này nói: “Bạn khó mà viết về tôi, như là bạn viết về Conrad. Bạn khó có thể viết về tôi, bởi vì bạn không thể tới Sài Gòn." [Bối cảnh của cuốn Người Mỹ Trầm Lặng là Sài Gòn thập niên 1950. Câu nói của Greene là vào năm 1974, tình hình chiến sự và thái độ của nhà cầm quyền miền nam không cho phép Sherry tới đây, như đã từng tới Phi Châu, khi viết về Conrad.]

Khó khăn thứ nhì, Greene đòi hỏi, Sherry, người viết tiểu sử của mình, phải "theo từng bước chân của tôi". Thế là Sherry phải đi thực tế tới những nơi từng làm bà đỡ cho những tác phẩm lớn của Greene, như Mexico, Liberia, Cuba, Việt Nam, và cả lố những vùng chẳng hề thân thiện với đám mũi lõ. Trong khi cố gắng hoàn thành lời hứa, đi theo những vết chân của tôi, ông đã tới những vùng như Haiti, Argentina, Paraguay, Japan, Malaya, Sierra Leone, và nhiều nơi khác nữa, và trong những chuyến đi thực tế như vậy, đã bị mù sáu tháng, bị sốt rét tại Africa, và hoại thư, khiến ông mất một khúc ruột tại Panama.

Sherry gần như xục xạo tới từng chi tiết trong đời Greene, và ông khám phá ra, tất cả những nhân vật của Greene đều có nguyên mẫu ở ngoài đời, và nguyên mẫu số một, còn ai trồng khoai xứ này nữa, nếu không phải là chính chàng!

Điều này gây trở ngại lớn. Greene sống, đến mút chỉ đời mình, và có rất nhiều mối tình, tình nào cũng lâm ly bi đát. Có nhiều mối tình cùng xẩy ra một lúc, sóng đôi sóng ba mí nhau. Ông làm điệp viên cho MI6, phản gián Anh. Ông hít tô phe. Đi xóm hằng bữa! Càng "đi" nhiều càng viết khỏe. Làm sao nhuần nhuyễn tất cả, mà vẫn tôn trọng sự kín đáo, vẫn bảo vệ đời tư của tất cả, và nhất là của Greene" Bản thân Greene cũng chơi tới hai cuốn nhật ký, viết song song, hai ấn bản khác nhau, để giấu giếm những lần đi chơi điếm, hoặc tới động hút. Có lần ông viết cho Catherine Walston, một trong những cô bồ lâu ngày của mình: "Nếu có ai cố tìm cách viết tiểu sử của tôi, người đó sẽ thấy rắc rối, phức tạp làm sao, và rất dễ lầm đường lạc lối như thế nào."

Nhưng như trên đã viết, cái chiều sâu thăm thẳm của tác phẩm của Greene chỉ được vén mở, nếu chúng ta nhìn lại giá sách của ông, và nhận ra rằng, người đi trước, “thần tượng” của ông, chính là Henry James, hay nói theo Zadie Smith, trong tiểu thuyết của Greene cũng như của James, tất cả những thăng trầm của một kiếp người, “những thói đời”, đều được đem lên bàn mổ. Cá tính nhân vật, mà người đọc cảm thấy như là nói về chính mình, và hãnh diện về chúng [“Tốt lành như tôi đây, còn nó, bạn thấy đấy, chỉ là một tên đểu giả”], đột nhiên bị lột trần, và chẳng là cái đếch gì cả khi bị đẩy tới cực điểm: Chiến Tranh, Chết Chóc, Mất Mát, Đổ Vỡ, Tình Yêu…. Đúng như Greene nhận xét: Bản chất con người không đen trắng, mà là đen xám, hay đúng hơn, xám xịt.[Human nature is not black and white but black and grey].
Chính trong cái bầu khí xám xịt đó, là Sài Gòn thập niên 1950, mà cuộc tình tay ba, trong Người Mỹ Trầm Lặng, với ba đỉnh của nó, được mở ra: tính dễ bị mua chuộc, mà cũng rất ư là thành thực, không mầu mè, của một cô Phượng [với giấc mơ lấy chồng Mẽo, làm dâu Mẽo, hay tệ hại hơn, làm dâu Đài Loan, Đại Hàn… như những cô Phượng hiện nay ở Việt Nam…], tính dãn ra, chẳng còn muốn vướng vào những vấn đề của một xứ xở thuộc địa như Việt Nam, của anh mũi lõ già nghiền thuốc phiện, là Fowler, và sự ngây thơ của một anh Mẽo trẻ tuổi đẹp trai, thiện nguyện viên, hay cố vấn Pyle! Đúng là một tam giác lý tưởng để dựng nên một cuốn tiểu thuyết lý tưởng! Nó làm cho Zadie Smith [trên tờ Guardian] nhớ tới trò chơi “jack straw”, trong đó mỗi người chơi, tới lượt mình, rút một cây bài mà không được làm phiền tới những người khác. Tài nghệ của tiểu thuyết gia ở đây, là làm sao cân bằng cả ba, bắt từng nhân vật đối diện với chính mình, và với hai kẻ kia, trong tấn trò đời, với tất cả những lên voi xuống chó, những hy vọng, những thất bại - và nhất là, phải làm sao cho độc giả đừng trông mong có được một nhận định, đánh giá sau cùng, khi gấp sách lại, [và thở phào, rằng, việc đọc của ta như vậy là xong!]. Greene không thích những độc giả của ông có được sự hài lòng, thoải mái, theo nghĩa này: “Khi chúng ta không chắc chắn, như vậy là chúng ta vưỡn còn sống!”

Trường hợp Người Mỹ Trầm Lặng, bầu khí mang chất đạo hạnh trong đó được xây dựng từ từng mỗi viên gạch của nó, như Zadie Smith đã nói tới, về một hệ thống đạo đức được so đo đong đếm đến từng chi tiết. Nó làm Zadie Smith nhớ tới Henry James trong tác phẩm Những Người Âu Châu, nhưng có khác, với Greene, câu chuyện không xẩy ra ở trong một căn phòng, mà là ở trận địa. Có gì là chắc chắn khi lọt vào một trận địa. Độc giả, như Greene, bị đẩy vào trong những cuộc tranh chấp dơ dáy, bẩn thỉu, tởm lợm nhất của thế kỷ, thí dụ như cuộc chiến Việt Nam, và rất nhiều cuộc chiến khác, một khi con người vẫn cứ lăn xả vào nhau, chém giết nhau, cho dù những “nghĩa cả” đã trở nên tối mò mò, chẳng ai còn tin tưởng vào chúng nữa. Những nhân vật của Greene làm bật ra sự bất toàn, tính không thể nào xác định được, của cái gọi là đạo đức, đạo hạnh, sự lẫn lộn, chẳng biết đàng nào mà lần, một khi con người sống ở trong một cuộc chiến không [làm sao] chấm dứt. Nhưng, cho dù vậy, tại Việt Nam, trong Người Mỹ Trầm Lặng, Phượng và tay phóng viên Fowler đã tìm được nhau, đúng là một sự chúc phúc, quá mức mong đợi ít ra là đối với Fowler. Đây đúng là một sự cứu nguy vào phút chót, sắp sửa chìm lỉm thì vớ được sợi thừng cứu mạng!
“Tôi là một kẻ có niềm tin lớn lao vào Lò Luyện Ngục”, Greene đã từng trả lời như vậy, trong một cuộc phỏng vấn. “Lò Luyện Ngục, với tôi, là có ý nghĩa…. một khi bị ném vào đó, con người có ấn tượng về sự du di, chuyển động. Tôi không thể nào tin vào Thiên Đàng. Mọi người cứ ỳ ra, ở đó. Đâu còn có điều gì để mà làm nữa!”

Ở Lò Luyện Ngục đó - ở cuộc chiến Việt Nam đó – Fowler vô trước, sau tới anh chàng thiện nguyện, cố vấn Mẽo, đẹp trai, trẻ măng. Anh này tin vào Thiên Đàng. Anh ta tới, được trang bị bằng cả một tự sự lớn [a great narrative], về Việt Nam. Anh ta sẽ bắt ép Việt Nam phải “thích hợp” với nó – Tiền Đồn Chống Cộng cho cả một trái đất sẽ không còn Cộng Sản nữa, thí dụ vậy. Anh ta có một câu chuyện của anh ta về Fowler, và ngược lại, Fowler cũng có một câu chuyện riêng của mình, về tên thực dân mới ngu si đần độn, cứ tưởng mình sẽ đem tự do dân chủ theo kiểu Mẽo đến cho thuộc địa cũ của Tây, và đây là giọng kể chính của cuốn tiểu thuyết. Cả hai tay này lại có những câu chuyện của riêng của họ về Phượng. Chẳng có một câu chuyện nào tin được. Chúng đều được dựng lên, theo yêu cầu của từng cá nhân, cho hợp với vai trò của mình. Greene hiểu rất rõ, những toan tính vị kỷ, nằm nơi đáy sâu con người, sẽ đẩy con người đi tới đâu. Ở trong Người Mỹ Trầm Lặng, những toan tính cá nhân này được hiện rõ ra, trên cái nền chính trị, và cùng với nó, là một xứ sở. Qua Phượng, người đọc cảm thấy, đây là một người đàn bà thực, đang hít thở không khí, không phải là một ý tưởng về một người đàn bà mà Pyle đang chôm từ Fowler.
Gừng càng già càng cay, càng ngày, tính ngây thơ ngốc ngếch, mù tịt về thế giới của anh chàng cố vấn Mẽo Pyle càng nổi lên cùng với cuốn truyện, kể từ khi được xuất bản, đúng như Fowler cảnh cáo anh ta:
“Tôi cầu mong Chúa làm cho anh hiểu được những gì anh đang làm ở đây. Ôi, tôi hiểu rất rõ, những nguyên nhân, những mục đích, những ý hướng tốt đẹp của anh. Chúng luôn luôn tốt… Tôi chỉ mong, đôi khi anh có được một vài ý hướng xấu, có lẽ anh sẽ hiểu thêm được một tí, về thế thái nhân tình, về con người. Điều này áp dụng luôn cho cả cái xứ Mẽo của anh đấy, Pyle ạ.”
Nhưng theo Zadie Smith [Guardian], Pyle không chịu học. Sau cùng, anh ta cho rằng, niềm tin quan trọng hơn hoà bình, tư tưởng sống động hơn con người. Sự ngây thơ của anh ta, trên bình diện thế giới, chẳng khác gì một thứ chính thống giáo [fundamentalism]. Đọc lại cuốn truyện càng củng cố thêm lên nỗi sợ của Zadie Simith, về tất cả những me-xừ Pyle trên toàn thế giới. Họ đâu có muốn làm cho chúng ta bị thương tổn. Chúng tôi tới với bạn là do thiện ý, do niềm tin, cơ mà" Nhưng chính những me-xừ Pyle này làm chúng ta đau khổ, làm thương tổn chúng ta. Thành quả lớn lao của Greene ở trong Người Mỹ Trầm Lặng, là cho tên già đểu giả, Fowler, nhân danh “nghĩa cả”, khi chỉ vào đống xác người mà Pyle coi, đó chỉ là biểu tượng. Fowler, và những người như anh ta, đều lý tưởng quá đủ, để mà chứng minh rằng, trên trái đất này, chẳng có một lý tưởng nào xứng đáng để mà lăn xả vào nhau, chém giết lẫn nhau, vì nó. Khi Pyle hỏi Fowler, như vậy, anh tin vào điều chi, “Tôi tin, tin chứ. Tôi tin, mình đang tựa lưng vô tường, và có một họng súng ở đằng kia kìa”. Pyle lắc đầu: “Tôi đâu tính hỏi bạn như vậy”.
Nhưng tác phẩm của Greene là đúng như vậy đó. Ông mang tới cho người đọc, một hy vọng, thứ hy vọng mà một người quan sát viên dán mắt vào sự kiện đem lại cho chúng ta. Theo nghĩa đó, Greene là tay ký giả bậc thầy. Ông dâng hiến cho chúng ta những chi tiết, và những chi tiết chính chúng, sẽ chiến đấu, trong một cuộc chiến đấu nhằm chống lại những thùng rỗng kêu to, nói rõ hơn, những ý nghĩ, tư tuởng lớn lao, nhưng vô ngã, vô vị, vô hình, vô ảnh, như của Pyle.
Ruth Franklin trên tờ Người Nữu Ước, tìm ra, Thượng Đế là ở trong những chi tiết, ngược hẳn với Zadie Smith, trên tờ Guardian, bà thấy Ma Quỉ ở trong những chi tiết, khi đọc Greene. Nhưng bà thêm vô, cứu chuộc cũng là từ đó.

Và có thể, đó cũng là của Greene, như ông từng có lần cầu nguyện, “Một vài người trong chúng ta có thiên hướng tin yêu Chúa. Một vài người khác, có thiên hướng tin yêu con người. Cầu xin làm sao thiên hướng của tôi đừng bị phí phạm”.
Cầu sao được vậy.
Nó quả đã không bị phí phạm.

Nguyễn Quốc Trụ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.