Hôm nay,  

Ông Anh Hiếu Chân

24/02/200500:00:00(Xem: 4893)
Năm 1986 anh Hiếu Chân ở phòng 11, tôi ở phòng 10 khu ED Nhà Tù Chí Hoà, hai phòng sát vách nhau, có mấy lần ra hành lang xách nước tôi trao đổi được với anh mấy câu. Anh ấy đứng trong phòng tù, tôi ở ngoài hành lang, cách nhau hàng song sắt. Anh ấy mang theo cái veston, những tháng cuối năm trời lạnh anh ấy suốt ngày bận veston, và hút thuốc lào. Một lần anh ấy nói với tôi: “Lúc ra đi tôi dặn vợ con tôi nhớ ngày này làm giỗ tôi.”
[HHT]
Gấu về Hà Nội học, thoạt đầu là ở nhà ông anh rể Hiếu Chân. Ông lấy bà chị họ, chị Giậu, con bác Cả Hoán.
Gấu biết ông anh rể, là từ những ngày ông chạy loạn, tức là bỏ Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến, chạy tản cư lên Sơn Tây, quê vợ. Ông mang theo món quà - hay lễ vật, tuy muộn, trình diện quê hương vợ, theo đúng truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, ai đem lễ vật đến trước... - là nghề làm giấy, thứ giấy dó, của quê ông, làng Bưởi. Rồi những ngày Tây nhảy dù xuống cánh đồng Sơn, lại chạy nữa. Và cũng như Sơn Tinh, ông đem bà chị của tôi lên đỉnh thứ ba của núi Tản, tức đỉnh thấp nhất trong ba đỉnh, để lập khu Kinh Tế Mới, nguồn gốc của mọi thứ Kinh Tế Mới, ở cái mảnh đất khốn khổ này. Khí hậu khắc nghiệt ở đây khiến vợ chồng không có thêm một đứa con nào khác, ngoài cô con gái độc nhất, là cô ĐV, khi còn là nữ sinh trường Gia Long, lập hội CTY, bị cắt nghĩa là... Cho Tình Yêu, khiến cả trường, cả Sài Gòn xôn xao một thời, nhưng ý nghĩa của nó thực sự không phải như vậy, và có tính riêng tư giữa mấy người bạn gái cùng lớp, và chẳng liên quan gì tới tình yêu, càng không có nghĩa, là cho vô tư tình yêu.
Bà chị tôi, khi còn nhỏ đã được bố hứa gả cho con trai của một người bạn của ông, là ông ngoại Gấu. Bà vợ cả của ông ngoại Gấu có hai người con, là bà cụ Gấu, và Cậu Cự. Bà này mất, ông lấy người thứ nhì. Ông Cậu Toàn của tôi, là con bà này. Từ trước, tôi vẫn nghĩ ông Toàn và bà cụ tôi là hai chị em ruột, có lẽ bởi vì ông là người thương tôi nhiều nhất. Mãi tới gần đây, trở lại đất bắc, tôi mới biết không phải vậy. Ông Cự mới là ông em ruột của mẹ tôi. Có lần, ông đánh bà cụ tôi, hình như là liên can tới Chị Giậu, hay là bà vợ sau của ông. Tôi nhớ là, ngay lúc đó, tuy còn nhỏ, nhưng cáu quá, tôi thề lớn lên sẽ khiền cho ông cậu Cự này một trận. Mấy ông cậu con bà Ba, tức bà vợ sau cùng của ông ngoại tôi, mắng, à thằng này hỗn. Ông Toàn gật gù khen, đúng, mày đánh là đúng, giữa cậu và mẹ, phải chọn mẹ.
Ông Toàn là ngưòi tôi đã từng nhắc tới nhiều lần, thí dụ như trong bài viết Trở Lại Nơi Một Thời Vang Bóng
ĐV có thời là học trò Thanh Tâm Tuyền. Cô còn là đệ tử của thầy Trí Quang. Những ngày sôi nổi Phật Giáo, cô bị mật vụ của ông Diệm săn bắt, phải sơ tán khỏi gia đình, tới nhà bà con hoặc bè bạn. Ông bố bị mật vụ Diệm bắt. Khi Diệm đổ, có một thời ông anh rể tôi lên voi, trở thành "cố vấn chính trị" cho ông tướng "thối mũi", vua miền Trung, tướng Nguyễn Chánh Thi. Do thối mũi, ông tướng này bị, hoặc được Mẽo đưa qua Mẽo để trị bịnh. Còn ông anh của tôi, lại trở về nghề ký quèn. Suốt đời, thời gian làm quân sư quạt mo cho tướng thối mũi, là hiển hách nhất của ông Hiếu Chân, nhưng bà chị tôi cũng chẳng được một chút ăn theo. Nói rõ hơn, suốt đời, ông nhờ vào tài buôn bán, tần tảo của bà chị tôi. Bà chỉ được, có một lần trúng số an ủi, đó là lần ông chồng cám cảnh bà vợ, bèn, bắt chước Tú Xương, làm hai câu thơ tặng:

Vì anh sức yếu phận hèn
Cho nên em phải bon chen việc đời.
Thực sự, bà vợ ông đã có lần cứu ông khỏi chết.
Đó là lần ông chạy VC [ông là Quốc Dân Đảng], sang Tầu, bị Tầu Phỉ bắt, trói vô cọc, tính trảm. Bà vợ qua kịp, đóng tiền chuộc, mới thoát.
*
Trước khi về Hà Nội học, ở nhà anh chị Hoạt, Gấu đã từng được mẹ cho về Hà Nội hai lần. Bà hồi đó buôn gạo, và có được một hai khách hàng quen ở Hà Nội. Mỗi lần về như vậy, ở nhờ nhà họ, và là mỗi lần kỷ niệm khác nhau, và thật khó quên.
Lần đầu, biết cái lạnh, ngọt, bùi, của cây kem. Ăn ở nhà người bạn hàng của mẹ. Gấu còn nhớ, nhà có mấy đứa trẻ cùng tuổi, hoặc lớn hơn một chút. Bữa đó, chúng mua kem ăn. Gấu đứng nhìn. Thèm thì không thèm, vì biết món đó ra thế nào mà thèm. Như Gấu còn nhớ được, có vẻ như mấy đứa nhỏ đó không phải thương hại thằng bé đang chết thèm, nhưng là muốn cho thằng bé nhà quê này được hưởng cái thú này, nên mua thêm cho nó một cây.

Sau này, đọc Trăm Năm Cô Đơn, ngay ở đoạn mở đầu, cái anh chàng bị đưa ra pháp trường, nhớ gì chẳng nhớ, lại nhớ cục nước đá, lần đầu tiên trong đời được sờ vào, và cái cảm giác lạnh toát đó, như đoạn sau đây, trong một bài viết cũ.
"Hà Nội như thế đối với tôi một đứa trẻ nhà quê, kỷ niệm cây kem lạnh buốt răng lần đầu được liếm láp (kỷ niệm bừng sống lại, lần đọc Garcia-Marquez, khi ông mở ra "Trăm Năm Cô Đơn" bằng cái cảnh pháp trường, và tử tội, trong những giờ phút chờ đợi hành quyết, đã nhớ lại cái cảm giác lạnh buốt lần đầu sờ tay vào cục nước đá…); những phim Tarzan, Zorro lần thứ nhất được xem (chung kỷ niệm với nhà thơ Nobel văn chương người Nga, Joseph Brodsky); những hồi chuông xe điện cho tới bây giờ thỉnh thoảng còn rộn ràng…"
Lần thứ nhì, là mẹt bún chả, được mẹ cho ăn ở chợ Đồng Xuân.
Sau này, khi chợt nhớ lại, không phải nhớ mùi vị bún chả, nhưng mà là cái cảnh Gấu ăn bún chả, và được một thằng bé cùng tuổi, lấy cái quạt nan phe phẩy cho cậu khách đỡ nóng nực, đỡ chảy mồ hôi!
Ăn bún chả có người quạt hầu, Gấu chưa từng được ai hầu hạ như thế. Đó là lần đầu tiên được hầu hạ, nên nhớ đời!
Nhắc đến bún chả, vì đây là món ruột của bà chị Gấu, chị Giậu, vợ anh Hoạt.
Lạ lùng thật, từ mẹt bún chả chợ Đồng Xuân, vòng vo thế nào lại tới những ngày đầu tiên ở Sài Gòn, tới sạp bún chả của chị Giậu ở Chợ Vườn Chuối.
Rồi tới cái chuyện ngồi xích lô.
Ngồi xích lô, là lần về đầu tiên.
Khi trở về quê, nhớ lại, Gấu không làm sao tưởng tượng ra được cái thế ngồi của người đạp xe, ấy là bởi vì, Gấu không tin được, cái người đạp xe, tức là kẻ hèn hạ, lại có thể ngồi ngất ngưởng trên đầu người khác, dù là không hẳn như vậy. Tam Lang, trong Tôi Kéo Xe, đã coi việc phát minh ra cái xe xích lô là một bước tiến hoá quan trọng trong vấn đề nhân phẩm của con người, nó tránh cái cảnh khốn nạn người kéo người của xe kéo, nhưng cái xích lô, theo tôi, còn hơn thế nhiều. Chẳng thế mà bây giờ, thiên hạ đi du lịch VN, vẫn thích ngồi xích lô dạp phố phường.
NQT
Tanvien.net

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.