Hôm nay,  

Ánh Sáng Cuối Đường Hầm?

24/02/200500:00:00(Xem: 4881)
Sau ba năm vất vả, Tổng thống Bush đã bước qua vận may, với ánh sáng le lói từ cuối đường hầm Trung Đông. Đường hầm này còn dài, và có khi trổ ra Đông hải….
Nhân chuyến công du Âu châu đầu tiên của Tổng thống George W. Bush sau khi tái đắc cử, truyền thông báo chí Mỹ cứ xoáy vào việc Bush có hàn gắn được mối quan hệ với Pháp và Đức hay không. Thực ra, chuyện ấy không đáng kể. Có càng hay, không thì cũng đành. Mà cuối cùng thì các nước trong minh ước NATO cũng đồng ý sẽ huấn luyện quân đội Iraq. Một nỗ lực hợp tác tối thiểu. Hôm 23, Thủ tướng Đức còn đồng thanh với Mỹ để tố giác nỗ lực nguyên tử của Iran. Đồng thanh chưa hẳn là đồng lòng nhưng còn hơn không.
Quan hệ Mỹ-Âu là chuyện phụ
Chuyến đi được gọi là để "vá lại hàng rào" giữa các nước, khốn nỗi, hàng rào ấy cách nhau quá xa nên khó hàn gắn và xứ nào đành sửa lại hàng rào xứ ấy thôi. Nghĩa là chả ai chịu nhường ai. Chỉ vì vấn đề không nằm ở cách hành xử của ba người, Bush, Chirac và Schroeder. Vấn đề nằm ở quyền lợi từng nước và Pháp Đức không muốn Hoa Kỳ là siêu cường độc bá nên hài lòng khi thấy Mỹ tứ bề thọ địch, rồi cùng truyền thông, họ đổ lỗi cho tính ngang ngược của Bush. Chính trị lẽ thường! Và lời đường mật về hai bờ Đại Tây Dương cùng chung lý tưởng tự do dân chủ chỉ là ngoại giao lẽ thường.
Hãy nhìn lại chuyện cũ trước khi nhìn xa hơn vào tương lai.
Ông Bush bị trách cứ là ngang ngược xóa bỏ Nghị định thư Kyoto về nạn nhiệt hóa địa cầu, hủy bỏ Thỏa ước Tài giảm Hỏa tiễn đạn đạo ABM đã ký năm 1972 với Liên xô, không muốn lập Tòa Hình sự Quốc tế có thẩm quyền xét xử tội ác chiến tranh, đơn phương tấn công Iraq và vì vậy vi phạm công pháp quốc tế. Ngần ấy tội đều oan.
Nghị định thư Kyoto thực ra được ký từ cuối năm 1997, thời Tổng thống Bill Clinton mà ông Clinton không dám đưa ra Quốc hội Mỹ phê chuẩn vì bị Thượng viện Mỹ bác bỏ với tỷ lệ 95-0 từ tháng Bảy 1997. Nghị định thư thiếu cơ sở khoa học và gây thiệt hại cho Mỹ trong khi không có thẩm quyền giải quyết những vi phạm hay chậm trễ của các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ, Mexico. Trách nhiệm ấy không thuộc chính quyền Bush.
Thỏa ước ABM 1972 được ký kết thời chiến tranh lạnh với Liên xô, nay Liên xô không còn mà Hoa Kỳ lại có thể bị tấn công bởi những kẻ thù mới và chính quyền Bush không muốn bị bó tay. Khi Mỹ xóa bỏ Thỏa ước, Liên bang Nga của Tổng thống Vladimir Putin đã đồng ý, ngược với dự đoán hay báo động của Liên hiệp Âu châu và giới ngoại giao "lão thành" - vì bị lão hóa - của Hoa Kỳ.
Việc Âu châu muốn lập Tòa án Hình sự đã gặp trở ngại ngay thời Bill Clinton nên dù ký kết từ tháng Sáu 1998, Clinton không dám trình Quốc hội phê chuẩn. Lý do: bất cứ một nhóm chống Mỹ nào cũng có thể truy tố binh lính hay sĩ quan Mỹ về "tội ác chiến tranh", với sự biểu đồng tình hay im lặng của các nước khác. Gần đây, một nhóm thân cộng và phản chiến Mỹ viện dẫn tòa án đó để đòi truy tố Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld tại Âu châu, khiến ông phải tránh tham dự một hội nghị cấp bộ trưởng của NATO cho tới khi việc truy tố ấy bị tòa án Bỉ hủy bỏ!
Còn vụ Iraq, ngày nay mọi người đều rõ là sau 17 Nghị quyết của Liên hiệp quốc, thì Pháp, Đức và Nga chống việc Mỹ tấn công Iraq vì chính quyền ba xứ đó có quá nhiều liên hệ về quyền lợi với chế độ Saddam Hussein. Quyền lợi cả!
Quan hệ Mỹ-Nga-Tầu là chuyện chính
Ngược lại, truyền thông Mỹ có lẽ không đánh giá đúng hai tín hiệu ông Bush bật lên từ Âu châu.
Một là Tổng thống Vladimir Putin phải đẩy mạnh việc dân chủ hóa Liên bang Nga, hai là Liên hiệp Âu châu không nên bãi bỏ lệnh cấm vận võ khí với Trung Quốc vì sẽ làm lệch tương quan lực lượng trên eo biển Đài Loan. Tổng thống Mỹ kê nỏ lên vai Âu châu phóng hai mũi tên qua Liên bang Nga và Trung Quốc. Quan hệ giữa Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Trung Quốc mới là chuyện lớn.
Hai ngày trước khi vào thượng đỉnh với Tổng thống Nga, ông Bush lên giọng thách thức Putin trong khi một số sĩ quan cao cấp trong quân đội Nga - Hội đồng các Sĩ quan Tối cao - bắt đầu phản đối Tổng thống làm Liên bang Nga bị suy yếu. Từ khi Liên xô tan rã, Hoa Kỳ muốn lèo lái việc dân chủ hóa tại Nga, để Liên bang Nga trở thành một nước dân chủ Âu châu, trong khi Putin lại không muốn là một cường quốc hạng nhì, với thế lực suy yếu dần và trở thành một đồng minh hạng nhì, một bánh xe thứ năm của Mỹ.
Sau khi Ukraine có lãnh đạo mới và trở thành một xứ dân chủ thân Tây phương, một hội viên tương lai của Liên hiệp Âu châu và Minh ước NATO, Liên bang Nga thấy ra sự suy sụp của mình, và Tổng thống Putin có khi bị lật và chấm dứt nhiệm kỳ trước thời hạn 2008. Nỗi lo âu ấy dẫn đến việc Putin muốn yểm trợ Syria và Iran đồng thời tìm cách liên kết với Trung Quốc để trở thành đối tác đáng nể hơn của Hoa Kỳ.
Chúng ta đang trở lại trận thế tay ba, giữa Nga, Tầu và Mỹ. Lần này, có sự cổ võ ngầm của Pháp và Đức để chấm dứt thế độc bá của Mỹ.
Chuyến công du Âu châu của ông Bush vì vậy đáng chú ý nhất ở cuộc thượng đỉnh Nga-Mỹ tại thủ đô của Cộng hòa Slovakia, vào ngày Thứ Năm 24, chứ không ở những cố gắng hòa giải Mỹ-Âu như truyền thông Mỹ đã quá chú trọng.
Còn lại, tình hình Iraq và hồ sơ Trung Đông"
Ánh sáng cuối đường hầm"
Cách Âu châu và Trung Đông rất xa, hôm 23, Thủ tướng Úc quyết định sẽ đưa thêm quân vào bảo vệ các kỹ sư Nhật đang giúp chính quyền lâm thời Iraq. Nhật và Úc là hai đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ tại Á châu, và cả hai đều sốt sắng yểm trợ Liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo ổn định tình hình Iraq sau khi đã khắng khít hợp tác để cứu trợ nạn nhân sóng thần Á châu và gìn giữ trật tự cho Indonesia.

Nhìn xa hơn thế, liên minh tay ba này còn nhằm vào việc ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc xuống vùng Đông hải.
Hoa Kỳ đang trở về mục tiêu chiến lược ban đầu của chính quyền Bush, đó là tạo điều kiện cho một sự chuyển hóa bình thường tại Hoa lục và ngăn ngừa những dự tính phiêu lưu của Bắc Kinh. Nghĩa là cả Liên bang Nga và Trung Quốc đều thấy như bị Hoa Kỳ kiềm chế và không thể tiếp tục đường lối cai trị tập quyền hay độc đoán của mình ("với màu sắc Trung Hoa" theo lối nói của Bắc Kinh; hoặc "phù hợp với tập quán và lịch sử Nga" theo lối nói của Putin). Chính quyền Bush sở dĩ quay về những mục tiêu chiến lược ban đầu vì tin rằng mối nguy khủng bố Hồi giáo đã bị đẩy lui"
Trả lời câu hỏi đó, người ta thấy nhiều tin rất lạ.
Hai nước Hồi giáo trong vùng Cận Đông là Jordan và Egypt chuẩn bị gửi Đại sứ qua Israel để nối lại quan hệ bị đứt đoạn vì xung đột giữa dân Palestine và Do Thái. Trên đà thắng lợi, chính quyền Tel Aviv của Thủ tướng Ariel Sharon còn tiết lộ kế hoạch vận động bình thường hóa ngoại giao với 10 nước Hồi giáo khác. Tại Palestine, Yasser Arafat đã ra người thiên cổ, lãnh tụ mới - do dân chúng bầu lên - đã đặt được nền móng đối thoại và hưu chiến với Tel Aviv. Ánh sáng nay đã le lói tại cuối đường hầm Palestine. Tổng thống Bush hết bị Âu châu và các nước Hồi giáo trách cứ là không muốn giải quyết hồ sơ Palestine. Ông còn yêu cầu Israel phải để cho một quốc gia Palestine hình thành, với biên giới liền lạc trên vùng Tây ngạn sông Jordan. Vấn đề còn lại là hai lực lượng võ trang Palestine là Hamas và Fatah sẽ xử lý với tình huống mới - và với nhau - như thế nào.
Tại Lebanon, vụ cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri bị ám sát khiến dư luận chú ý đến vai trò mờ ám của Syria. Syria có tham vọng tại Lebanon, có quân đội đang chiếm đóng xứ này với một chính quyền bù nhìn. Tại Lebanon còn có tổ chức khủng bố Hồi giáo Hezbollah thuộc sắc tộc Shia do Iran tài trợ và yểm trợ. Một giả thuyết được nêu lên là chính Iran đã sai Hezbollah ám sát al-Hariri nhằm giải trừ một nguy cơ cho Syria vì ông al-Hariri trù tính vận động một giải pháp chính trị cho Lebanon thoát khỏi sự chi phối của Syria.
Việc al-Hariri bị ám sát gây tác dụng ngược: nó phơi bày sự cấu kết của Syria với Iran, là điều chính Tehran xác nhận ngay sau đó; nó khiến chính quyền Saudi Arabia giật mình vì Iran vừa củng cố được thế lực tại Iraq với một chính quyền đa số của dân Shia vừa liên minh với Syria ở phương Bắc. Truyền thông Mỹ chỉ nói đến cảnh Hoa Kỳ có quá nhiều vấn đề ngổn ngang tại Trung Đông mà không thấy rằng đấy là loại vấn đề sinh tử cho các nước trong khu vực. Và nước nào cũng cần Mỹ.
Về chuyện Iraq, hôm 21, tuần báo Time tiết lộ là Mỹ có tiếp xúc mật với các lãnh tụ Sunni nhằm chấm dứt các vụ nổi loạn trong vùng tam giác Sunni. Đây không là phác giác mới vì từ 2003, Mỹ đã muốn vận động giới lãnh đạo tôn giáo của tộc Sunni là nên hợp tác với chính quyền Iraq lâm thời thay vì tiếp tay nổi loạn cùng quân khủng bố ngoại nhập ngụy danh Thánh chiến.
Các lãnh tụ Sunni thù Mỹ vì chống lại việc Liên quân xoá bỏ vai trò của đảng Baath - đa số là người Sunni - của Saddam Hussein, vì nghĩ rằng Mỹ thiên vị với dân Shia và giúp cho Iran khống chế Iraq qua các lực lượng Shiite và vì tin rằng một vụ tổng nổi dậy khiến Bush phải tháo chạy do áp lực của chính giới Mỹ bên đảng Dân chủ.
Giờ đây, Bush đã tái đắc cử vẻ vang, Mỹ không rút quân nhưng lại cài chốt để dân Shia không thể toàn quyền định đoạt về tương lai Iraq (do tỷ lệ đa số hai phần ba của Quốc hội Lâm thời vừa được bầu lên) và còn lên giọng gay gắt với Iran. Biến chuyển ấy khiến các lãnh tụ Sunni phải tính lại về lẽ lợi hại nên Mỹ có tiếp xúc để thuyết phục thì cũng là sự thường. Chính quyền Bush không làm gì thì mới là chuyện lạ, là sai lầm.
Sau cùng, người ta còn chú ý đến một sự lạ khác là bốn lãnh tụ Thượng viện Mỹ - từ John McCain bên Cộng hòa đến các nhân vật Dân chủ - đều lên tiếng khi thăm viếng Kabul hôm 22 là vì an ninh chiến lược, Hoa Kỳ phải duy trì các căn cứ quân sự một cách vĩnh viễn tại Afghanistan, tức là trong vùng xương sống của Trung Á tiếp giáp với Nga và Trung Quốc! Đây là quan điểm lưỡng đảng, không phải của phe thủ cựu trong bộ Quốc phòng của Bush! Mà Afghanistan là hậu cứ cuối cùng của al-Qaeda….
Đã vậy, hôm 20 vừa qua, nhân vật số hai của al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri, lại vừa công bố một băng hình với giọng điệu khác thường. Sau khi hăm dọa Mỹ như mọi khi - mà chẳng làm nên cơm cháo gì - và sau khi hùng hồn khích động đặc công khủng bố, al-Qaeda có vẻ như kêu gọi Hoa Kỳ phải thương thảo với mình. Chứ các chế độ Hồi giáo khác không bảo đảm được an ninh cho Mỹ.
Tức là al-Qaeda đang thuyết phục Mỹ rằng mình mới là đối tác đáng kể.
Từ bạo động khủng bố, al-Qaeda đang chuyển dần qua trận tuyến ngoại giao chính trị, là điều đã thấy manh nha trong thông điệp của Osama bin Laden vào tháng 10 năm 2004 và trong lời hiệu triệu của al-Zawahiri ngay sau cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Chúng ta không lạc quan cho rằng al-Qaeda đã bị bẻ răng rút nọc, nhưng rõ ràng là tổ chức khủng bố này không là ưu tiên của chính quyền Bush nữa. Trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang, ông Bush không hề nhắc tới vấn đề này và chỉ nói đến phát huy dân chủ toàn cầu.
Tổng kết lại, sau cuộc bầu cử, ông Bush đã chiếm lại thế chủ động và tình hình an ninh đang có cải thiện, khiến ông mạnh dạn tiến tới những mục tiêu rộng lớn và lâu dài hơn. Ánh sáng quả là đã le lói ở cuối đường hầm. Đường hầm này hơi dài, nhưng ông Bush đang trổ ra Đông hải và đấy mới là điều đáng chú ý.
Nhất là cho Hà Nội và người Việt Nam, khi nhìn thấy bóng rợp đầy ngột ngạt của Bắc Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.