Hôm nay,  

Sách Lê Văn Và Rượu Vang Ở San Diego

05/03/200600:00:00(Xem: 6563)
Hôm Chủ Nhật, 12 tháng 2 năm 2006, nhằm ngày Rằm Tháng Giêng Bính Tuất, hồi 3 giờ chiều, ông Lê Văn từ Houston đã đến Dan Diego để ra mắt cuốn sách "Rượu Vang, Món Quà Của Thượng Đế" (Wine, A Gift Of God, www.levanwineclub.com) tại Nhà Cộng Đồng, do Hiệp Hội Người Việt San Diego tổ chức. Những người tới dự là những bằng hữu, những vị lớn tuổi, những người đã theo dõi các hoạt động, đã nghe tiếng nói của ông Lê Văn trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) từ mấy thập niên qua. Tuy chưa đến giờ khai mạc, nhưng mọi người hầu như đã lần lượt xếp hàng mua sách và đứng đợi tác giả ký tên vào sách. Bên cạnh bàn sách là một bàn do bà Lê Văn phụ trách, bày những chai rượu vang và một số đồ nhắm để mọi người thong thả nếm các thứ rượu vang.

Là người cư ngụ tại San Diego từ những ngày khởi đầu cuộc sống tỵ nạn, 30 năm qua, và cũng đã từng được những giúp đỡ tích cực của ông Lê Văn qua đài VOA trong việc loan truyền tin tức về công tác Vớt Người Biển Đông trước đây, nên vợ chồng chúng tôi không thể không có mặt.

Sau lời giới thiệu và chào mừng của ông Lê Công Nghiệp, chủ tịch hiệp hội, ông Lê Văn và bà Lê Văn đã thay phiên nhau trình bày và giải đáp những câu hỏi xa gần về cuốn sách cũng như về lý do cuốn sách được hình thành. Trong quá khứ gần 40 năm qua, hàng triệu người Việt chúng ta đã theo dõi phần phát thanh Việt Ngữ trên đài VOA do ông Lê Văn phụ trách. Nhất là những giai đoạn khốc liệt của chiến trận, những cam go của tình hình quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của Miền Nam, hầu như khắp đất nước đều lắng nghe tiếng nói của ông Lê Văn phát đi từ thủ đô Hoa Kỳ. Chúng ta đã yêu mến, qúy trọng tiếng nói ấy rất nhiều, nhưng không mấy ai được dịp gặp gỡ con người ấy bằng xương bằng thịt. Lại càng không ai được biết người bạn đời của ông ra sao, đã âm thầm giúp đỡ ông như thế nào. Bây giờ, ông bà Lê Văn có mặt, dù không cần giới thiệu dài dòng, cũng không cần phần phụ diễn, ông bà Lê Văn đã thay phiên nhau nói về cuốn sách rất khéo và thật đầm ấm. Nên dù chưa đọc cuốn sách, chỉ với những lời giới thiệu nói trên thôi, ai nấy như thấy lòng mình náo nức, muốn có một ly rượu đỏ trong tay để cùng vui chung với tác giả.

Cuốn "Rượu Vang, Món Quà Của Thượng Đế", khổ lớn 12" x 9", bìa cứng, in ấn công phu, màu sắc lộng lẫy, dày 216 trang, gồm 9 chương: Tìm Hiểu Rượu Vang / Các Loại Nho Làm Rượu / Phương Pháp Làm Rượu / Các Vùng Làm Rượu Trên Thế Giới / Thưởng Thức Rượu Vang / Kết Hợp Rượu Vang Với Các Món An / Nghệ Thuật Tiếp Rượu / Mua và Tồn Trữ Rượu Vang / RượuVang và Sức Khỏe và Chén Rượu Kết Giao Tình. Chỉ với những nét tổng quát ấy, ta đã thấy được tác giả có một cái nhìn rất chu đáo của một ngưòi yêu thích rượu vang như thế nào. Rượu vang, một thứ đồ uống khá phổ thông trong xã hội Tây phương, đây là lần đầu tiên dưới cái nhìn của người Việt, bỗng trở nên thân qúy, gần gũi với chúng ta và đáng yêu quá.

Tôi không dám đi sâu vào lãnh vực chuyên môn của một người yêu rượu vang vì tôi không có kinh nghiệm gì về loại thức uống này. Nhưng chỉ là người yêu sách, yêu cái đẹp, thì tôi thấy đây là một cuốn sách rất lộng lẫy, rất công phu. Tất cả các trang sách đều được trình bày rất nghệ thuật, phụ họa bằng những tấm hình màu khó kiếm. Và hơn thế nữa, ngoài những tấm hình tài liệu, còn có những tấm hình mà mới nhìn vào ta không khỏi bàng hoàng ngây ngất: Những người mẫu tươi tắn, mặc những chiếc áo thật đẹp, thật sang, nâng mời những ly rượu đỏ. Hay những bàn tiệc rực rỡ những đoá hồng, bên những ly thủy tinh sáng ngời chờ được rót rượu vang. Và ngay cả khung cảnh một khu ruộng nho, nơi sản xuất rượu ở đâu đó, cũng rất là nghệ thuật. Chỉ riêng hình mấy gốc nho già nơi trang 2 cũng là một bức tranh ta có thể dùng treo làm dáng cho bất cứ một căn phòng nào rồi. Phải nói: không một góc cạnh nào trong cuốn sách không tiết ra sự săn sóc trân trọng và tài hoa của tác giả.

Bên cạnh những nét đẹp của người yêu rượu vang, chúng ta còn tìm thấy nơi ông bà Lê Văn một nét đẹp khác rực rỡ hơn nhiều, ấy là tính quảng giao và thật hiếu khách. Khách đến từ mọi phương trời, từ miền Đông sang miền Tây của nước Mỹ, từ những châu lục khác của mặt địa cầu. Khách thuộc nhiều giới, những người có những học vị từ các đại học danh tiếng, những chính khách, những cựu quân nhân một thời lao mình trong nguy nan lửa đạn và nhiều năm lăn lóc trong các nhà tù, đến những văn nghệ sĩ trong cộng đồng chúng ta. Bức hình nào, bàn tiệc nào cũng thật là trang trọng, tươi vui. Tươi vui nhưng tuyệt nhiên không xô bồ, mà hầu như ai trong tiệc rượu của ông bà Lê Văn cũng có thái độ trân trọng, nghiêm cẩn của một kẻ sĩ, một "tín đồ" trong "đạo rượu". Được như thế, tôi nghĩ, cốt cách của chủ nhà, của người rót rượu, mời rượu đã đóng một vai trò không nhỏ.

Lê Văn là một người nổi tiếng, được lắng nghe dòng giã trong nhiều thập niên, bây giờ lui về vui với ly rượu, khiến chúng ta liên tưởng đến phong thái của cha ông. Khi trẻ thì ra gánh vác việc đời, khi tuổi trời đã xế, ta lui về với cỏ cây, hoa lá, ngồi nghe cái tĩnh lặng của đất trời, tìm lại cái tĩnh lặng trong ta. Lê Văn, gần 40 năm đắm chìm bên những biến cố quan trọng của cuộc đời. Những kỷ niệm ấy không mấy ai có được. Có nhiều người đã nhắc Lê Văn: "… ông nên viết lại trong hồi ký, về sau rất qúy". Lê Văn vẫn nhớ những lời nhắc nhở này và có ghi trong sách. Vậy mà chúng ta chưa thấy Lê Văn viết hồi ký, có thể đó là sự buông bỏ như phong thái của cha ông, mọi sự dù to lớn đến đâu rồi cũng tan đi như một làn gió thoảng. Hay những trang sách viết về cái thú nhỏ nhoi uống rượu của Lê Văn chỉ là một khoa tay phóng bút, như những bước chân con ngựa ký ngựa kỳ, mới nhẩn nha so sóng trên đoạn đầu con đuờng thiên lý. Đất trời và gió cát còn mênh mang trước mặt. Đi đâu mà vội. Có thể như thế chăng" Không biết được. Con người gần suốt 40 năm trụ được trong cớ quan truyền thông quyền lực là đài VOA, hẳn không phải là người thiếu bản lãnh. Chúng ta hãy đợi mà thôi.

Dù thế nào, với riêng cuốn sách này đã là một công trình rất đáng ca ngợi. Được như thế tất nhiên kông Lê Văn chẳng thể làm việc một mình. Là một người nổi tiếng, một người quảng giao, ông đã có rất đông bạn bè tiếp sức, hỗ trợ. Những người ấy, ông liệt kê ở những trang đầu sách: Danh sách Kỷ Niệm, Danh Sách Bảo Trợ. Còn những người trực tiếp lo phần nghệ thuật cho cuốn sách có Art Design Thiên Duyên, Người mẫu: Bích Nguyệt, Cẩm Vân, Thanh Trúc, Dream Studio Models. Còn tác giả những tấm hình thì đông lắm: Antoine Vũ, Nguyên Bích, Phạm Văn Minh và khoảng 20 cá nhân hay cơ sở khác. Đông đảo như thế, phong phú như thế, sao cuốn sách không đẹp được. Nhưng sau cùng, và quan trọng hơn hết, một hàng chữ không thể thiếu, được in hầu như chìm vào nền màu nâu đỏ của rượu vang, tác giả đã rất khéo viết: Gửi "cô thư ký riêng", cũng là người bạn đời yêu qúy của tôi, với tất cả niềm tri ân tự đáy lòng. Lê Văn.

Cuốn sách đã được chấm dứt ở hàng chữ trên, một cách kín đáo, riêng tư, nhưng rất nồng nàn dành cho người tri kỷ, người phụ tá, và chắc chắn còn là người cố vấn trong mọi sinh hoạt của Lê Văn. Với một chút vui chơi trong cuộc sống, thù uống rượu, anh đã tặng cho chúng ta một cuốn sách đẹp va phong phú như thế. Vậy gần 40 năm trong đài VOA, hằng ngày, hằng giờ tiếp cận với những nhân vật, những dữ kiện lịch sử gắn liền với đất nước mình, tôi tin Lê Văn không thể ngồi yên.

Phan Lạc Tiếp

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.