Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

05/07/200400:00:00(Xem: 4601)
Hỏi (Ông Nguyễn B.T.): Tôi sống ở vùng Cabramatta, có một đứa con năm nay cháu được 19 tuổi. Sau khi học xong bậc trung học cháu tự động bỏ học, và đã nhận trợ cấp thất nghiệp từ đó cho đến nay.
Cách đây chừng 3 tuần lễ, cháu bị bắt giữ và bị buộc tội ăn cắp đồ trong cửa tiệm. Đây là lần thứ 3 cháu bị cáo buộc về tội này. Lần đầu tiên khi cháu phạm tội, tòa đã tha cho cháu. Lần thứ nhì cháu bị phạt $500. Riêng lần này thì chúng tôi vẫn không biết là tòa sẽ áp dụng hình phạt như thế nào đối với cháu.
Khi bị bắt lần này, cháu đã ra hầu tòa, và được luật sư của chính phủ giúp đỡ. Cháu không chịu nhận tội. Hiện cháu đang được tại ngoại chờ ngày xét xử. Chúng tôi nghi là cháu bị bệnh ưa quên, mà người ta thường gọi là bệnh đảng trí. Chúng tôi có đem cháu đến bác sĩ gia đình nhưng vị bác sĩ này chẳng phát hiện được bệnh tình của cháu.
Xin LS cho biết là nếu tòa xét thấy có tội thì cháu có bị ở tù hay không" Nếu cháu thực sự bị bệnh đảng trí thì cháu có được tha miễn đối với sự tái phạm này không"

*
Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải định nghĩa thế nào là tội shoplifting.
“shoplifting” được gọi nôm na là “tội ăn cắp đồ trong cửa tiệm.”
“Theo hình luật, thuật từ này được dùng để chỉ tội hình sự phạm phải bởi người ăn cắp đồ từ cửa tiệm.” (In criminal law, this term used to denote a ciminal offence committed by a person who steals goods from a shop).
Điều 32 của Đạo Luật về Thủ Tục Hình Sự đối với những người bị bệnh Tâm Thần quy định rằng: (1) Nếu vào lúc xét xử hoặc bất cứ lúc nào trong tiến trình xét xử vị thẩm phán của tòa án sơ thẩm xét thấy rằng bị can là người bị chứng tâm thần hoặc bị các triệu chứng về tâm thần mà các triệu chứng này có thể được chữa trị tại bệnh viện thì vị thẩm phán đó có thể (2) quyết định một trong những điều sau đây: (a) triển hoãn việc xét xử; (b) cho phép bị can được tại ngoại; hoặc (c) hoặc đưa ra bất cứ quyết định nào mà vị thẩm phán tọa xử xét thấy thích đáng.
(3) Vị thẩm phán có thể quyết định hủy bỏ sự truy tố (a) và buộc bị can phải chịu sự chăm sóc hoặc chịu sự giám sát của một người nào đó theo hoặc không theo những điều kiện nào đó; (b) với điều kiện là bị can phải đi khám nghiệm tại một nơi nào đó để đánh giá về tình trạng tâm thần của bị can hoặc về cách thức chữa trị hoặc cả hai điều kiện này; (c) hoặc tha bổng bị can vô điều kiện.
Trong vụ DPP v Albon [2000] NSWSC 896. Trong vụ đó, bị cáo ra hầu tòa tại tòa án địa phương Parramatta, với tội danh là có ác ý gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên, chiếu theo điều 32 của “Đạo Luật về Sức Khỏe Tâm Thần” [the Mental Health (Criminal Procedure) Act 1900], vị thẩm phán tọa xử tại tòa án địa phương đã tha bổng cho bị cáo. Công tố viện bèn kháng án vì cho rằng vị thẩm phán tọa xử đã sai sót trong việc giải thích và áp dụng các điều khoản được quy định trong đạo luật.
Đồng thời công tố viện cũng yêu cầu tòa kháng án tuyên bố là vị thẩm phán tọa xử đã sai lầm về luật pháp trong việc không chịu xét xem liệu trường hợp của bị cáo có nên được duyệt xét theo sự quy định trong Phần 3 của Đạo Luật hay không, thay vì dựa vào Điều 32(b)(1) của đạo luật này.


Sự kiện xảy ra trong vụ đó có thể được tóm lược như sau: Vào 11 giờ 30 khuya Chủ Nhật 6/1/2000 bị cáo cùng Walker xem Cricket ở trên truyền hình, bị cáo rất là vui đặc biệt là khi Steve Waugh đánh được banh và chạy thắng được mấy vòng. Walker bèn đi vào nhà vệ sinh.
Khi Walker trở ra thì bị cáo đã cầm sẵn cây dao làm bếp và nói “tao sẽ đâm mày chết” (I am going to stab you to death), và tiến tới để đâm Walker. Walker bị dao cắt trúng ngón tay cái và ngón tay út bên bàn tay trái. Walker bèn bỏ chạy và được chữa trị, còn bị can sau đó đã thú nhận với cảnh sát về vụ việc đó.
Khi bị cáo ra trước tòa sơ thẩm, bị cáo đã đệ trình một số bản tường trình về tình trạng tâm thần. Bác sĩ tâm thần đã đưa ra bằng chứng là bị can không nên được để sống một mình, mà cần phải có sự chăm sóc về tâm thần.
Vị thẩm phán tọa xử bèn quyết định áp dụng sự quy định của đạo luật và tha miễn cho bị cáo với điều kiện là phải liên lạc thường xuyên với nhân viên lo về vụ việc đó cho đương sự.
Công tố viện cho rằng vị thẩm phán tọa xử đã không chịu áp dụng Điều 32(3) của Đạo Luật, và đã hành xử quyền tùy tiện mà không chịu đưa ra chương trình chữa trị cho bị cáo.
Tòa kháng án đã cho rằng theo sự quy định trong điều 32 của Đạo Luật vị thẩm phán tọa xử đã sai lầm trong việc hành xử quyền tùy tiện của mình.
Tòa kháng án đã cho rằng vị thẩm phán tọa xử đã sai lầm trong việc hành xử quyền tùy tiện của mình khi hủy bỏ sự truy tố vô điều kiện hoặc chỉ với điều kiện là bị can phải giữ liên lạc với người được chỉ định, và rằng vị thẩm phán phải triển hoãn vấn đề lại nếu điều kiện phóng thích chưa hội đủ và chỉ có thể tha miễn cho bị cáo khi các điều kiện tha miễn đã hội đủ.
Nói một cách khác, vị thẩm phán tọa xử phải định rõ nhân viên hoặc cơ quan nào có nhiệm vụ chăm sóc hoặc theo dõi tình trạng của bị cáo, đồng thời liệt kê các điều kiện cần thiết để bảo đảm rằng bị cáo sẽ không thể tự quyền đương sự muốn đến gặp bất cứ lúc nào tùy ý thích.
Đạo Luật được ban hành với ý định của các nhà lập pháp là phải áp đặt một số điều kiện cần thiết nào đó, chẳng hạn như buộc một người được định rõ nào đó phải chịu trách nhiệm chăm sóc cho bị cáo, trước khi miễn tố cho bị cáo.
Cuối cùng tòa kháng án đã hủy bỏ quyết định tha miễn của vị thẩm phán tọa xử và giao trả vụ án lại để được tái thẩm.
Dựa vào luật pháp cũng như phán quyết vừa trưng dẫn ông có thể thấy được rằng trong trường hợp mà ông đã nêu lên trong thư, để có thể được tòa tha miễn ông không còn cách nào khác hơn là phải chứng minh cho bằng được rằng người con của ông đã bị đảng trí vào lúc phạm pháp.
Để có thể trưng dẫn được bằng chứng này ông phải đưa cháu đến bác sĩ gia đình rồi xin giấy giới thiệu đi gặp bác sĩ tâm thần để khám nghiệm và xin làm tờ tường thuật về tình trạng đảng trí của cháu.
Như trên đã trình bày, bằng chứng đơn thuần về việc đảng trí của cháu sẽ không phải là lý do đó mà tòa sẽ cho cháu được tự do, vì ngoài bằng chứng đó, sự tự do của cháu còn tùy thuộc vào sự bảo đảm là sẽ có sự chăm sóc cho cháu bởi một thành viên nào đó trong gia đình của ông, hoặc một cơ quan nào đó nhận trách nhiệm về sự chăm sóc này.
Nếu hội đủ 2 điều kiện vừa nêu, chắc chắn rằng tòa sẽ tha miễn cho cháu.
Nếu ông còn thắc mắc xin liên lạc điện thoại với chúng tôi để được giải đáp thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.