Hôm nay,  

Tin Úc Châu

07/02/200500:00:00(Xem: 5117)
VINH DỰ MỚI CHO CĐVN: ĐỖ KHOA ĐƯỢC TẶNG GIẢI THƯỞNG YOUNG AUSTRALIAN OF THE YEAR
ÚC ĐẠI LỢI: Giải thưởng người Úc trẻ trong năm nay, Young Australia of the Year, đã được trao tặng cho Đỗ Khoa, một nhà đạo diễn phim trẻ tuổi người Việt hiện đang sống ở Yagoona, Sydney. Anh là một tấm gương tuyệt vời cho giới trẻ Úc và đem lại nguồn cảm hứng cho những người trẻ muốn tạo ra các sự khác biệt có ý nghĩa trong xã hội. Cùng với Bác sĩ Fiona Wood, ông Antonia Milhinhos và Đỗ Khoa, nhiều người Úc có nguồn gốc di dân khác ở khắp nước Úc cũng đã được vinh danh trong ngày lễ Quốc Khánh Úc. Điều này là một sự công nhận thành công tuyệt vời của quốc gia đa văn hóa chúng ta.
Trong một buổi liên hoan mừng ngày Quốc Khánh Úc Đại Lợi tại Darling Harbour, Thủ hiến NSW Bob Carr đã chúc mừng anh Đỗ Khoa, một nhà làm phim 25 tuổi sinh đẻ ở Việt Nam, được vinh danh là người Úc trẻ tuổi xuất sắc trong năm 2005. Ông Carr phát biểu rằng: “Đây là một câu chuyện di dân Úc rất đáng lưu ý. Bất chấp mọi điều kiện bất lợi, Đỗ Khoa đã thành công vượt bực và là tấm gương sáng cho những người khác noi theo.”
Được biết Đỗ Khoa đã đến Úc trên một chiếc ghe đánh cá, khi mới hai tuổi, với tư cách là một người Việt tÿ nạn CS. Anh đã được cấp học bổng tại trường St. Alosysus High School, và sau đó theo học ngành văn chương và luật khoa tại trường Đại học Sydney.
Trong năm 2000, Đỗ Khoa được Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu vinh danh là Người trẻ Úc gốc Việt xuất sắc trong năm vì những thành tích của anh trong ngành kịch nghệ, và công việc trợ giúp những người trẻ gặp khó khăn ở vùng tây-nam Sydney. Trong năm 2001, anh được đề cử giải thưởng AFI Award vì đã viết kịch bản cho cuốn phim ngắn có tên là “Delivery Day”. Cuốn phim này nói về câu chuyện của một cô gái trẻ và sự phấn đấu của cô ta để cân bằng các áp lực từ trường học, người mẹ và cơ sở sản xuất may mặc của gia đình tại nhà - một cách cơ bản câu chuyện dựa phần lớn vào chính kinh nghiệm của Đỗ Khoa.
Một năm sau, Đỗ Khoa làm công việc thiện nguyện với các trẻ em bị thiệt thòi ở Cabramatta, dậy chúng phương cách làm phim. Và thành quả là cuốn phim “The Finished People” được cả thế giới ca ngợi, và trở thành một nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trẻ tuổi. Trong năm 2004, Đỗ Khoa được đề cử hai giải thưởng AFI Awards, ba giải thưởng Film Critics’Circle Awards và 2 giải thưởng Australian Writers’ Guild Awards cho cuốn phim này.
Ngoài ra, Giải thưởng Australia of the Year năm nay đã được trao cho Bác sĩ Fiona Wood. Bà được vinh danh là người Úc xuất sắc vì công trình nghiên cứu nổi bật về cách điều trị các vết phỏng theo sau vụ nổ bom khủng bố ở Bali. Giờ đây sinh sống ở Perth, Tây Úc, và là mẹ của sáu đứa con, Bác sĩ Wood đến từ Anh. Bà nói rằng bà vô cùng hãnh diện bởi là một người Úc và có cơ hội làm việc với nhiều cá nhân, các bạn đồng sự và các bệnh nhân đem lại nhiều sự cảm hứng.
Riêng Ông Antonio Milhinhos, một cư dân ở Winnellie, Northern Territory, được vinh danh là người Úc cao niên xuất sắc, Senior Australian of the Year. Ông Milhinhos là một di dân đến từ Bồ Đào Nha và đã mở một cửa tiệm bán thực phẩm. Ông đã biếu tặng toàn bộ hàng hóa trong siêu thị để giúp đỡ những gia đình bị mất nhà cửa bởi trận cuồng phong Tracy trong năm 1974. Ông đã liên tục làm việc thiện nguyện với tổ chức bảo vệ thú vật RSPCA và huấn luyện chó hướng dẫn người tàn tật, các trẻ em bị bệnh tự kỷ và giờ đây ông đang ngày đêm tích cực giúp các nạn nhân sóng thần ở Nam Á.

NGƯỜI LÍNH ÚC ĐẦU TIÊN BỊ Tử THƯƠNG ở IRAQ
ÚC ĐẠI LỢI: Nước Úc vừa bị tổn thất nhân mạng đầu tiên ở Iraq hôm thứ Hai vừa qua sau khi một phi cơ vận tải bị bắn hạ bởi quân nổi dậy - giết chết tất cả 10 người trên phi cơ. Trung Úy phi công Paul Pardoel, 35 tuổi, đã hy sinh sau khi chiếc Hercules của Không lực Anh bị bắn trúng bởi một hỏa tiễn. Chiếc phi cơ vận tải này bị rớt cách xa Baghdad 30 cây số về hướng tây-bắc.
Trung Úy Pardoel là một phi công và đang phục vụ trong Không lực Anh ở Iraq vài tháng qua. Viên phi công nhiều kinh nghiệm này sắp đến thời hạn trở về Úc trong tháng Bẩy năm nay. Ông đã bay một số phi vụ ở khu chiến Iraq. Thoạt tiên các nhà điều tra của Không lực Anh đã không biết chắc chiếc phi cơ vận tải C-130 Hercules bị rơi vì hỏa lực của địch hoặc hậu quả của một sự trục trặc máy móc hoặc sai lầm của viên phi công.
Tuy nhiên đến buổi tối thứ Hai, một nhóm Hồi giáo cực đoan Ansar al-Islam- tuyên bố các chiến sĩ của họ đã bắn hạ một phi cơ đang bay ở cao độ thấp bằng một hỏa tiễn chống tăng. Một bản tuyên bố trên website của nhóm này viết rằng: “Nhờ ơn Thượng Đế, chiếc phi cơ này đã bị bắn hạ, một đám cháy và những cuộn khói đen khổng lồ đã được nhìn thấy bốc lên cao từ nơi phi cơ bị rớt.” Được thành lập sau biến cố 11 tháng Chín, Ansar al-Islam là một trong nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan ở Iraq và có liên hệ với al-Qaeda.
Trung Úy phi công Pardoel phục vụ trong Không lực Hoàng gia Úc Đại Lợi cho tới khi được thuyên chuyển sang quân đội Anh. Gia đình ông Pardoel, gồm bà vợ Kellie và ba đứa con Jordan 7 tuổi, Jackson 5 tuổi và India 2 tuổi, đã được thông báo về cái chết của ông. Họ đã đến sống ở Anh trong khi ông Pardoel phục vụ ở Iraq. Cao ủy Anh đã thông báo với gia đình về tai nạn đau buồn này, và cho biết không ai sống sót.
Chiếc phi cơ bị rớt chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi cuộc bỏ phiếu lịch sử của Iraq chấm dứt. Các bản tin ban đầu cho biết 15 người đã chết, nhưng chính phủ Anh sau đó đã điều chỉnh con số này. Các chiếc trực thăng và một nhóm tìm kiếm đã đến hiện trường nhưng khẳng định không một ai sống sót. Chiếc Hercules đang trên đường bay từ Baghdad tới thành phố Balad. Đã có ít nhất bốn chiếc phi cơ Hoa Kỳ đã bị nhắm mục tiêu bởi các hỏa tiễn địa-không trong khu vực, tuy nhiên không có chiếc nào bị bắn hạ.
Không lực Anh có một số phi cơ vận tải Hercules được chế tạo bởi Hoa Kỳ, và phần lớn được sử dụng để vận chuyển binh sĩ và hàng hóa. Trung Úy phi công Pardoel là quân nhân Úc đầu tiên đã hy sinh ở Iraq. Kể từ khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, quân đội Anh đã mất 76 binh sĩ và Hoa Kỳ mất hơn 1500 quân nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Robert Hill đã cùng với Tư Lệnh quân đội, Tướng Peter Cosgrove, đã bày tỏ sự đau buồn trước tin hy sinh của Trung Úy Pardoel. Tư lệnh Không quân Úc, Tướng Angus Houston, cho biết Trung Úy Pardoel là một thành viên được quý trọng trong thời gian phục vụ trong Không lực Úc. Và Thủ tướng Anh Tony Blair đã miêu tả tai nạn này là một thảm kịch quốc gia.

BẤT CHẤP THUẾ GST, NỀN KINH TẾ CHUI VẪN PHÁT TRIỂN RẤT MẠNH
ÚC ĐẠI LỢI: Bốn năm sau khi sắc thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) được áp dụng nhằm tiêu diệt nền kinh tế đen của Úc, các số tiền mặt được trả không khai thuế đã lên tới nhiều tỷ đô-la. Một cuộc điều tra đặc biệt bởi tờ The Sunday Telegraph cho thấy các doanh nghiệp nhỏ, ngành kỹ nghệ xây cất và những người hoạt động tại nhà là các thành phần chủ yếu trong hàng ngàn giao dịch “chui” mỗi năm. Cứ 5 công việc trong lãnh vực xây cất thì có một được trả bằng tiền mặt. Ông Willhelm Harnisch, tổng giám đốc Hiệp hội Xây cất giải thích rằng: “Có rất nhiều áp lực đối với các nhà thầu và thợ xây cất bởi nhiều gia đình muốn trả tiền mặt trên căn bản tiết kiệm được tiền bạc vì không trả GST.”
Theo các sự ước tính, nền kinh tế tiền mặt ở Úc rất to lớn vì vậy gần như không thể kiểm soát được. Tiến sĩ Christopher Bajada, thuộc trường Đại học Kỹ thuật, ước tính giá trị của nền kinh tế đen lên tới $28 tỷ đô-la. Một cuộc nghiên cứu khác, của Sở Thống Kê Úc Đại Lợi, cho thấy nó nằm trong khoảng từ $2,6 tỷ tới $4,6 tỷ. Khó khăn trong việc chống lại nạn trốn thuế càng phức tạp hơn nữa bởi thái độ của nhiều người nghĩ rằng nó chỉ là một sự phạm tội nhỏ nhặt.
Cuộc nghiên cứu của trường Đại Học Quốc gia Úc Đại Lợi tìm thấy hơn 35% người dân Úc không báo các vụ ăn gian thuế và 50 phần trăm xem việc trốn thuế là một sự phạm tội không đáng kể. Cuộc nghiên cứu này cũng cho thấy tiền mặt thường được trả nhiều nhất cho công việc sửa chữa nhà cửa (45%), các dịch vụ trong gia đình như làm vườn (21 phần trăm) và dọn dẹp (23 phần trăm).
Rất nhiều thợ chuyên môn sẵn lòng giảm giá rất nhiều nếu được trả bằng tiền mặt. Chẳng hạn một thợ ống nước đồng ý gắn hệ thống ống dẫn nước và gas cho một căn bếp mới với giá $500 tiền mặt, và thậm chí làm trong ngày Chủ Nhật, so với giá $700 từ một công ty làm bếp cho một người thợ chính thức. Và một người thợ lợp ngói đề nghị giảm tiền công từ $300 xuống còn $200 nếu trả tiền mặt, trong khi một người thợ xây cất cho biết ông ta có thể giảm tiền công từ $4400 xuống còn $4000. Trong mọi trường hợp, các người thợ cho biết họ không thể cấp biên nhận - do đó không có sự bảo đảm hoặc bảo hiểm.
Phát ngôn viên ngân khố đối lập Wayne Swan nói rằng: “Sau 9 năm với rất nhiều các cải cách được thực hiện, hệ thống thuế má vẫn trong tình trạng hỗn độn. Sự phức tạp vẫn còn, và các gia đình đang phải trả thuế nhiều hơn bao giờ hết, trong khi nền kinh tế tiền mặt phát triển rất mạnh.”

THủ LÃNH ĐỐI LẬP KIM BEAZLEY SẼ DI CHUYỂN ĐẾN SỐNG ở SYDNEY
ÚC ĐẠI LỢI: Ông Kim Beazley vừa cho biết đang nghĩ đến việc di chuyển đến thành phố Sydney hoặc Melbourne, nhưng vẫn chưa quyết định sẽ đến sống ở khu vực cử tri nào. Ông nói rằng: “Mặc dù chưa quyết định, nhưng có lẽ Sydney là nơi mà tôi sẽ di chuyển đến.” Vị tân thủ lãnh Lao động đã hứa với các bạn đồng sự cao cấp trong đảng là sẽ thành lập một cơ sở vững chắc ở vùng bờ biển phía đông nhằm đem lại một sức sống mới cho đảng trong các tiểu bang đó, và vượt qua các khó khăn của việc sinh sống ở Perth.
Trong thời gian ông Beazley nắm chức thủ lãnh đảng lần trước, sự chênh lệch các múi giờ và việc di chuyển liên tục bằng máy bay tới Perth đã gây tổn hại cho sức khỏe cho ông. Ông cũng để ngỏ sự chọn lựa sống trong dinh Kirribilli House, nếu đắc cử. Người tiền nhiệm của ông Beazley, ông Mark Latham, đã cam kết sẽ chỉ sử dụng The Lodge, ở Canberra, và giao dinh Kirribilli House cho công chúng.
Trong một bước đầu tiên hết sức táo bạo, ông Beazley đã hành động để loại bỏ hai trong các chính sách gây chia rẽ nhiều nhất của ông Latham trong cuộc bầu cử vừa qua: ông Latham đã chỉ trích khắc nghiệt việc tài trợ cho các trường tư và cam kết bảo vệ các khu rừng già của Tasmania. Trong khi chính sách về trường học của ông Latham lấy đi nguồn tài trợ cho các trường tư và chuyển nó sang cho lãnh vực công. Quan điểm của ông Beazley được nhiều người ủng hộ hơn. Ông nói rằng: “Tôi thiết nghĩ các gia đình không giầu có nên có khả năng chọn một trường tư cho con cái của họ. Thế nhưng họ không thể kham nổi mọi thứ. Vì vậy phải có một công thức đặc biệt cho vấn đề này.” Ông cũng nói rằng Lao động vẫn muốn cứu các khu rừng già ở Tasmania, nhưng sẽ không vì vậy mà làm mất nhiều việc làm.
Ông Beazley tuyên bố sẽ không áp đặt một ứng viên lên các cử tri của vùng Werriwa, chiếc ghế cũ của ông Mark Latham. Gia đình ông Beazley đã đi thăm Fox Studios cùng với Thủ hiến Bob Carr và bà vợ Helena buổi sáng thứ Bẩy trước khi đi đến Minto. Ông tuyên bố rằng: “Chúng tôi cần một người đại diện ở địa phương hiểu rõ các nhu cầu và những vấn đề của người dân địa phương.” Cuộc bầu cử bổ sung này được tổ chức theo sau sự từ chức khỏi đảng và cả quốc hội của ông Mark Latham. Với vị thủ hiến NSW đứng bên cạnh, ông Beazley thề sẽ phục hồi sức mạnh của đảng Lao động. Trong một sự biểu lộ đoàn kết, ông Carr nói rằng dù với nhiệm vụ đoàn kết đảng, ông Beazley sẽ dẫn dắt dảng đến thắng lợi trong năm 2007.

BẠO ĐỘNG XảY RA TẠI MỘT SỐ ĐỊA ĐIỂM Bỏ PHIẾU CủA NGƯỜI IRAQ ở SYDNEY
SYDNEY: Bạo động bộc phát tại các địa điểm bỏ phiếu ở Sydney, nơi mà những người Iraq xa quê hương bỏ các lá phiếu của họ cho cuộc bầu cử lịch sử ở đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này. Cảnh sát đã bao vây con đường Queen St, Auburn, sau khi một cuộc đấm đá dữ dội xảy ra giữa những kẻ ủng hộ lãnh tụ khủng bố Abu Musab Al-Zarqawi và những người ủng hộ dân chủ.
Vài phút sau, một bao tải được tìm thấy ở bên ngoài phòng phiếu đã tạo ra một sự sợ hãi bom khủng bố. Cảnh sát đã di tản địa điểm bỏ phiếu, khách sạn Auburn Hotel ở kế cận và tòa soạn tuần báo Turkish Weekly News ở đối diện, phong tỏa toàn bộ con đường này cho tới khi họ khẳng định bao tải này vô hại. Một phát ngôn nhân của trạm đầu phiếu, không cho biết tên, nói rằng: “Những kẻ phản đối này là những người ủng hộ Al-Zarqawi và Al-Qaeda, và họ không ủng hộ cuộc giải phóng Iraq của Hoa Kỳ.
“Họ đang cố gắng ngăn chặn người ta bỏ phiếu, xé những tấm bích chương và hô to các khẩu hiệu. Khi vụ ẩu đả xảy ra tôi liền bấm 000. Với vị đại sứ Iraq đang ở đây chúng tôi không thể ứng xử một cách liều lĩnh.” Phát ngôn viên này cho biết thêm đã có ít nhất hai người bị thương tích nhẹ. Và cảnh sát không bắt giữ ai cả.
Trong khi đó ở Fairfield, nơi mà một địa điểm đầu phiếu khác được tổ chức, cuộc bỏ phiếu diễn ra rất êm thắm. Không bị bối rối bởi sự chọn lựa tới 7800 ứng viên từ 111 đảng phái và các liên minh, hầu hết các cử tri Iraq rất vui vẻ quyết định lá phiếu của họ. Bà Bronwyn Curran, điều hợp viên cuộc đầu phiếu Iraq Out Of Country, cho biết hôm thứ Sáu đã có 3128 người bỏ phiếu, và thêm 3000 bỏ phiếu hôm thứ Bẩy. Bà nói rằng: “Nhiều người đã khóc vì vui mừng, họ đã ôm hôn các nhân viên làm việc tại phòng bỏ phiếu - nói chung bầu không khí rất vui vẻ.”


Seguan Abubakir đến sống ở Fairfield được hai năm sau khi đến Úc từ miền bắc Iraq với cha mẹ và ba anh chị em. Anh nói rằng: “Giờ đây tôi cảm thấy rất lạc quan cho tất cả người dân Iraq sống chúng với nhau một cách bình đẳng. Chế độ cũ ở Iraq đã giết chết quá nhiều người.” Được biết có 11,860 người Iraq ở Úc đã ghi danh bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử này, và cuộc bỏ phiếu kết thúc chiều ngày Chủ nhật.
*Tin thêm về vụ nổ súng ở Auburn: tình trạng căng thẳng giữa hai nhóm đối thủ người Iraq một bên ủng hộ và một bên phản đối cuộc bầu cử- đã lên đến cực điểm buổi tối Chủ Nhật khi tiếng súng nổ vang trên các con đường ở Auburn. Các người Iraq địa phương tin rằng họ bị nhắm mục tiêu bởi nhóm người Iraq cực đoan bởi vì họ tham gia cuộc bỏ phiếu cuối tuần - cảnh sát đồng ý điều này.
Một vụ ẩu đả dính líu khoảng 100 người đã bộc phát trên đường Auburn St, Auburn, vào lúc 11pm Chủ Nhật. Người ta đã chạy tán loạn tìm chỗ núp khi ít nhất một người đàn ông đã rút khẩu súng ngắn và bắn nhiều phát. Một người đàn ông Somali đang đứng trên lề đường thì một viên đạn bay trúng cái ly thủy tinh mà ông ta đang cầm trên tay. Người đàn ông này là một trong bốn người được đưa vào bệnh viện điều trị các vết thương tương đối nhẹ.
Anh Ahmad Alattabi, một chủ tiệm thuốc lá 30 tuổi, đã nhìn thấy các viên đạm ghim vào cánh cửa sắt tại phía trước cửa tiệm. Anh cho biết hai người đàn ông có võ khí xuất hiện và mọi người bắt đầu đấm đá lẫn nhau:"Điều kế tiếp tôi nhìn thấy là họ cầm súng và bắt đầu bắn nhiều phát trước khi bỏ chạy mất. Chúng tôi biết điều này xảy ra bởi vì chúng tôi bỏ phiếu. Chúng tôi có vết mực in trên các ngón tay, họ biết điều này và không thích.” Các dấu vết của vụ tấn công vẫn hiện diện trên đường phố Auburn buổi sáng thứ Hai, với nhiều lỗ đạn ngay trước cửa tiệm thuốc lá và một chiếc xe hơi bị bắn bể các cửa kính đậu gần đó.

MỘT BÁC SĨ TẠI SYDNEY BỊ BẮT VÌ TRỒNG 20,000 CÂY CẦN SA!
NSW: Một bác sĩ giải phẫu Sydney phải ra trước tòa để bị buộc các tội liên hệ đến ma túy sau khi cảnh sát lục soát nông trại của ông ta ở Hunter Valley và tìm thấy một số cây cần sa trị giá hơn $40 triệu đô-la. Thế nhưng bác sĩ Andrew Katelaris đã nói với cảnh sát rằng ông trồng vườn cần sa này cho cuộc nghiên cứu việc sản xuất sợi thô để dệt vải và dùng trong một loại bê tông kỹ nghệ để chống mối mọt.
Bác sĩ Katelaris, một cư dân ở St. Ives, đã du hành khắp thế giới trong cố gắng tìm kiếm phương cách sản xuất cây cần sa với số lượng thương mại cho các ngành kỹ nghệ. Ông cũng là một chuyên gia giải phẫu chỉnh hình tại North Shore Private Hospital. Hôm thứ Năm tuần qua Biệt đội Cảnh sát chống Ma túy Tiểu bang đã lục soát nông trại của ông Katelaris ở Salisbury, gần Dongog vùng Hunter Valley. Họ cho biết đã tìm thấy ít nhất 20,000 cây cần sa, và nếu số cây này được làm thành cần sa để hút và được bán trên đường phố, giá trị được ước tính trên $40 triệu đô-la.
Bác sĩ Katelaris bị bắt và bị buộc tội trồng cây cần sa với số lượng thương mại. Luật sư bào chữa Dan Smyth đã nói với quan tòa Steve Jackson rằng thân chủ của ông là một khoa học gia nghiên cứu cây cần sa cho việc sử dụng trong kỹ nghệ. Trong năm 1988 Bộ y tế đã cấp cho ông ta một giấy phép giới hạn đặc biệt để trồng một số cây cần sa thí nghiệm, được trồng trong khu vực Goulbourne. Giấy phép này đã hết hạn trong tháng Tám 2002 và đã không được gia hạn.
Tuy nhiên bác sĩ Katelaris vẫn tiếp tục cuộc nghiên cứu với cây cần sa, và đi khắp thế giới để học hỏi các cuộc nghiên cứu tương tự. Ông đã xuất hiện trong nhiều tập phim tài liệu và tiếp tục vận động quốc hội để có lại giấy phép trồng cần sa. Luật sư Smyth nói rằng loại cây cần sa được trồng trong nông trại của bác sĩ Katelaris có mức độ rất thấp chất THC, một thành phần chủ yếu của cần sa. Và số cây cần sa này có chất CBD rất cao, một chất có tác động ngược lại với THC. Ông Smyth tranh luận rằng số cây cần sa này không nên bị phá hủy bởi vì nhiều năm nghiên cứu sẽ bị mất. Và cuộc nghiên cứu của bác sĩ Katelaris có rất nhiều lợi ích kinh tế cho nước Úc.
Dù với sự phản đối của cảnh sát, quan tòa Steve Jackson đã quyết định cho bác sĩ Katelaris được tại ngoại với số tiền cọc $50,000 đô-la, bác sĩ Katelaris không được đến nông trại của ông ta, ngoại trừ một lần đi cùng với cảnh sát để lấy các tài liệu giấy tờ.

“HỐI LỘ” ĐỂ GIÀNH THỊ TRƯởNG"
SYDNEY: Trong một bữa ăn trưa với các món thịt vịt quay, thịt bò nướng và sò tươi, một nhà thầu xây cất đã thảo luận với một viên thị trưởng Sydney về một vụ hối lộ $200,000 đô-la, sau đó ông ta đã trao trước số tiền mặt $2500. Đây là chứng cớ đầu tiên được trình bầy trong phiên tòa của ủy ban Độc lập Chống Tham nhũng (ICAC) về Hội đồng thành phố Strathfield.
Cựu thị trưởng Strathfield Alfred Tsang là người đầu tiên xuất hiện trước bục nhân chứng và đã đưa ra một số lời giải thích tại sao ông ta đã nhận số “tiền cọc” này, và thảo luận về số tiền $200,000 với nhà thầu xây cất Michael Saklaoui tại nhà hàng Cabarita’s Angelos. Phiên tòa cũng được biết rằng cuộc thảo luận trong bữa ăn trưa bị thu âm đó sau này đã được sử dụng bởi nghị viên John Abi-Saab trong một cố gắng để buộc ông Tsang từ chức thị trưởng.
Ông Michael King, một luật sư trong ủy ban điều tra, đã nói trong lời mở đầu rằng phiên tòa sẽ tiết lộ “một âm mưu hiểm độc để loại ông Tsang ra khỏi chức vụ thị trưởng....với kết quả là sự thay đổi cán cân quyền lực trong hội đồng thành phố này.” Vụ này xảy ra trong khi Hội đồng thành phố đang cân nhắc quyết định có hoặc không cho phép xây dựng các tòa chung cư trên con đường Liverpool Rd. Strathfield South, điều này có thể gây ra các sự thay đổi lớn trong giá trị địa ốc ở nơi đây.
Ông King cho biết một tháng trước buổi ăn trưa ngày 23 tháng Bẩy, 2004, ông Saklaoui bắt đầu một “hoạt động bí mật để ghi âm chính ông ta trao tiền hối lộ cho thị trưởng Tsang và thảo luận về số tiền $200,000 sẽ được trả nếu dự án xây cất bãi đậu xe của council được chấp thuận.” Theo ông King, ông Saklaoui đã nhờ một nhân viên cảnh sát NSW hết phiên làm việc (off-duty) mua dùm các thiết bị ghi âm và thu hình. Đoạn video cho thấy tiền bạc trao tay trong bữa ăn đã được trình chiếu, riêng đoạn phim ông Tsang và ông Saklaoui nói chuyện về số tiền $200,000 là mới.
Cũng theo luật sư King, trong tháng Tám ông Abi-Saab đã bảo ông Tsang là ông ta sẽ nói chuyện với giới truyền thông và rất có thể dùng đặc quyền quốc hội để phơi bầy cuốn video này nếu ông Tsang không từ chức thị trưởng. Luật sư King nói rằng Ông Abi-Saab là người chịu trách nhiệm cho “âm mưu được chuẩn bị một cách hoàn chỉnh này” bởi vì ông ta “biết chính ông Saklaoui là người chịu trách nhiệm cho việc ghi âm và thu hình”.
Ông Tsang giải thích rằng ông đã nhận số tiền mặt $2500 bởi vì “không thể suy nghĩ rõ ràng và trong tình trang bối rối”, nhưng đã trả lại số tiền này cho ông Saklaoui ngày hôm sau. Ông Tsang cho biết trong ngày 1 tháng Tám ông Abi-Saab đã gặp ông để nói rằng “ông ta đã tình cờ gặp một số người...cho biết vị thị trưởng tham nhũng và họ có đầy đủ chứng cớ về vụ này.” Phiên tòa đang tiếp tục.


ĂN TRỘM BỊ BẮT 30 LẦN, VẪN KHÔNG BỊ TÙ!
SYDNEY: Một thằng bé chín tuổi đã vi phạm luật pháp hơn 30 lần nhưng không thể bị bắt - vì nó còn quá nhỏ. Lần phạm tội mới nhất của nó đã được chứng kiến tận mắt bởi tờ The Daily Telegraph trong tuần qua. Thằng tiểu quỷ này đã bị chụp hình ngay khi cuỗm chiếc túi xách từ một chiếc xe không khóa cửa. Thoạt tiên nó đi bộ ngang qua, liếc nhìn vào bên trong các chiếc xe đậu dọc đường. Và sau khi nói chuyện một lúc với một thằng bạn 15 tuổi, nó ra tay hành động.
Chạy trở lại chiếc xe, nó mở cửa xe chộp lấy túi xách và chạy mất. Cảnh sát, phục kích ở gần đó, đã túm cổ được hai thằng tiểu quỷ này ngay sau đó. Dù với một danh sách các lần phạm tội rất dài, thằng bé này đã khóc lóc khi bị thẩm vấn trong một chiếc xe cảnh sát. Hắn thoạt tiên khai thằng bạn lớn tuổi đã buộc hắn phải ăn trộm nhưng rồi khi người mẹ bắt nó phải nói sự thật, nó đã thú nhận vụ này do chính nó nghĩ ra và thực hiện.
Biệt đội chống trộm được thành lập bởi cảnh sát NSW để ngăn chặn tệ nạn đột nhập các chiếc xe đang phổ biến ở khắp tiểu bang NSW. Phần lớn các vụ trộm này được thực hiện bởi những đứa trẻ như thằng bé này, và thậm chí nhiều đứa còn nhỏ tuổi hơn nữa. Tuy nhiên khi chúng bị bắt, cảnh sát chẳng thể làm gì cả ngoài lời cảnh cáo suông. Theo luật lệ hiện hành, bất cứ ai dưới 10 tuổi không thể bị truy tố phạm tội bởi vì luật cho rằng chúng không thể phân biệt những điều đúng hoặc sai.
Một viên cảnh sát đã nói với tờ The Daily Telegraph rằng: “Thằng bé này tuy chỉ mới có chín tuổi nhưng nó đã đủ trí không biết phân biệt đúng hoặc sai. Nó đã bị cảnh cáo tới hơn 30 lần cho những hành động phạm tội tương tự.”w
Ông Robyn Cotterell-Jones, giám đốc tổ chức Trợ giúp các Nạn nhân của Tội ác, nói rằng hành động phạm tội của thằng bé này là chứng cớ hiển nhiên cho thấy hệ thống luật pháp có vấn đề rất lớn: “Tôi không hề biết có bất cứ kế hoạch nào có thể áp dụng để giúp một đứa trẻ như thế này. Nếu chúng dưới 10 tuổi, cảnh sát chỉ phí thời gian mà thôi.”
Các sự phạm tội liên hệ đến xe hơi làm tốn kém người dân Úc hơn $40 triệu đô-la một năm, với mức trung bình 178 chiếc xe bị đột nhập mỗi ngày ở NSW. Tuy nhiên dù với các nguy cơ và những lời khuyến cáo, theo một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi công ty bảo hiểm AAMI có khoảng một trong năm tài xế vẫn để những đồ vật quý giá lồ lộ trong xe. Đơn vị chống trộm của cảnh sát Burwood giờ đây đang áp dụng một kỹ thuật được gọi là “hũ mật”. Theo đó các chiếc xe có trang bị máy chụp hình cực nhỏ và một chiếc ví xách, chiếc túi đựng máy điện toán loại lap-top hoặc thậm chí các túi shopping được để bên trong xe, đậu trong khu vực làm ăn của các tên trộm.
Các số liệu của cảnh sát trong thời gian 5 năm qua cho thấy con số các vụ đột nhập xe hơi đang giảm nhưng con số này vẫn rất lớn, với 65,258 vụ trộm ở khắp NSW được báo cảnh sát trong năm 2003, trong số này có 43,521 vụ ở thành phố Sydney. Cảnh sát nhìn nhận không phải tất cả các trường hợp đều được trình báo. Chánh thám tử Keith Muir nói rằng chiến dịch bài trừ trộm cắp chỉ thành công nếu các vụ trộm được trình báo, cho phép cảnh sát biết rõ nơi nào là những “điểm nóng” để hoạt động.
O’Brien, công ty sản xuất kính xe hơi lớn nhất ở Úc, cho biết mỗi năm có khoảng 200,000 kính cửa xe (bên ghế hành khách) được thay thế. Dựa trên giá trung bình của công ty là $200 cho mỗi lần sửa chữa, tổng số tiền thiệt hại lên tới $40 triệu đô-la. Và đó là chưa tính đến những món đồ đắt giá bị lấy mất hoặc sự bất tiện và sự đau buồn gây ra bởi vụ trộm. Cho tới khi người ta vẫn để các đồ vật quý giá trong xe ngay cả chỉ là các đồng bạc cắc- làn sóng trộm cắp này sẽ tiếp tục.

BIỂN ĐỘNG GIẾT CHẾT 5 NGƯỜI KHẮP VÙNG DUYÊN HảI NSW
NSW: Các đợt sóng cao tới 6 mét đã giết chết 5 người đàn ông và làm bị thương một chục người khác tại một số nơi dọc theo vùng duyên hải NSW. Từ Bayron Bay cho tới Wollongong, cảnh sát, các nhân viên cứu thương và nhân viên cấp cứu Surf Life Saving Australia đã hoạt động hết sức bận rộn trong 48 tiếng đồng hồ qua. Các chuyên gia tiên đoán tình trạng nguy hiểm này sẽ tiếp tục ít nhất 24 tiếng nữa.
Các đợt sóng cao trên 2 thước đã buộc hầu như tất cả các bãi biển của Sydney phải đóng cửa hôm Chủ Nhật - nhưng không trước khi hơn 450 người đã phải được cấp cứu và 3500 người khác đã được khuyến cáo không nên bơi trong những địa điểm nguy hiểm. Tại bờ biển Maroubra, hơn 50 người tắm biển đã được cứu sau khi bị bị sóng biển cuốn trôi ra vùng nước sâu. Và các nhân viên cấp cứu Life-saver ngoài giờ làm việc đã nhanh trí sử dụng hai chiếc thuyền cao su để cứu hơn 30 người bị mắc kẹt ở các chỗ nước xoáy tại vùng bờ biển North Cronulla chiều Chủ Nhật. Trong ngày hôm trước, một người đàn ông 79 tuổi đã bị chết chìm cũng tại nơi này.
Ông Anthony McClenanghan, một viên chức của Dịch vụ Cứu thương NSW, cho biết cuối tuần qua là thời gian bận rộn nhất của nhân viên cứu thương, với năm người chết đuối. Rất nhiều nhân viên cấp cứu đã đặt tính mạng của họ vào nơi nguy hiểm để cứu những người tắm biển và trượt nước đánh giá quá cao khả năng bơi lội của họ. Surf Life Saving Australia đã buộc phải bố trí thêm các tài nguyên, gồm sáu nhóm jet-ski lưu động và hai thuyền đôi (catamaran) để cấp cứu ngoài khơi.
Một người đàn ông chết và một người khác bị thương hôm thứ Bẩy khi một bức tường nước cao 6 mét tràn ngập chiếc tầu của họ. Chiếc tầu chở than của Cyprus này đang rời New Castle để đến Mễ Tây Cơ thì tai nạn xảy ra. Trong cùng thời gian đó sóng biển tại Swansea đã làm lật một chiếc thuyền khiến một người đàn ông 45 tuổi chết chìm.
Một người đàn ông, 24 tuổi, đã chết trong bệnh viện Wollongong sau khi được phi cơ trực thăng đưa đến từ Shellharbour. Anh ta được vớt từ dưới biển trong khi trượt nước. Và cũng trong ngày thứ Bẩy, hai người đàn ông đã lặn xuống một hồ nước sâu 3 mét ở Spoon Bay, Central Coast, để cứu hai trẻ em bị mắt kẹt trong một chỗ nước xoáy. Hai đứa trẻ này được đưa vào bờ an toàn, nhưng một trong hai người đàn ông này đã chết đuối và người còn lại phải được cứu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.