Hôm nay,  

Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại: Lực Lượng Trần Văn Soái Quy Thuận Chính Phủ Vnch

05/02/200500:00:00(Xem: 5727)
Kỳ 40
LTS. Tiếp theo phần 1 của loạt bài " Vĩ tuyến 17, Hiệp định Genève, 50 năm nhìn lại", đăng vào số báo thứ Bảy hàng tuần, kể từ đầu tháng 9/2004, VB giới thiệu tiếp phần 2 về tình hình tại miền Nam từ sau Hiệp định Genève đến thời kỳ 1955-1956. Loạt bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: Quân lực VNCH trong giai đoạn 1946-1955( Khối Quân sử/Phòng 5/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH); Đông Dương Hấp Hối của cựu Đại tướng Quân đội Pháp Henri Navarre; hồi ký của các cựu Tướng lãnh VNCH: cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu, cựu Đại tướng Cao Văn Viên; Việc từng ngày 1945-1964 của tác giả Đoàn Thêm; tài liệu riêng của VB.
*Tiến trình các cuôäc thương thuyết vận động ông TrầnVăn Soái ra quy thuận
Ngay khi cuộc hành quân vào Đồng Tháp được khai triển với các cánh quân tham chiến, Bộ Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ đã nghĩ đến kế hoạch dồn ép quân của lực lượng Trần Văn Soái, để rồi lần lần thương thuyết vận động Trần Văn Soái ra quy thuận.
Ngày 19 tháng 1/1956, 10 ngày sau khi có cuộc hành quân vào Đồng Tháp, một đại diện của chính phủ VNCH đã bí mật liên lạc được với một đại diện của ông Soái. Đó là ông Phan Hà, đại tá Đổng lý văn phòng của ông Soái. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại đồn Cây Tre làng Tân Phú (Đồng Tháp). Đại diện chính quyền VNCH đã trình bày sự khoan hồng của chính phủ và cho biết sẵn sàng tiếp nhận ông Trần Văn Soái trở về với đại gia đình quốc gia. Trong việc gặp gỡ đầu tiên này, đại diện của ông Soái cũng hoan hỉ bày tỏ sự mong muốn trởvề của họ. Cả hai bên đều đi đến sự đồng thuận là để một đại diện chính thức của chính phủ gặp ông Soái để trao đổi ý kiến và quyết định những điều kiện thỏa thuận.
Ngày 24/1/1956, phái đoàn chính phủ không gặp ông Soái nhưng đã gặp bà Lê Thị Gấm, vợ của ông để bàn luận thêm. Bà Gấm tỏ vẻ sốt sắng nên phái đoàn có nhờ bà thuyết phục để ông Soái sớm đưa lực lượng trở về quy thuận.
Ngày 11-2-1956, sau bao lần liên lạc và thảo luận, ông Soái đã chịu thảo luận với Đại sứ lưu động của Tổng thống VNCH là ông Nguyễn Ngọc Thơ được cử xuống Hậu Giang tiếp xúc với ông Soái. Ông Trần Văn Soái đưa ra một số đề nghị và những điều kiện này đã được chính phủ chấp thuận.
Ngày 17-2-1956, ông Trần Văn Soái đã thỏa thuận mang toàn lực lượng còn lại ra quy thuận. Các đoàn quân quy thuận lần lượt đưa về tập trung tại trại chiêu an của chiến dịch Nguyễn Huệ đặt tại Cái Vồn.
*Tổng kết về cuộc hành quân Đồng Tháp của chiến dịch Nguyễn Huệ
Như đã trình bày, sau khi triệt thoái khỏi Cái Vồn, lực lượng của ông Trần Văn Soái (tức Năm Lửa, trung tướng Hòa Hảo), đã rút về Đồng Tháp Mười, tổ chức vùng này căn cứ chính.Khi đến địa bàn mới, lực lượng của ông Trần Văn Soái còn khoảng 3,800 người, được phân chia, phối trí đóng quân tại 2 khu vực:Liên khu Tiền Giang: bao gồm Đồng Tháp Mười, lấy sông Tiền Giang làm ranh giới.-Liên khu Hậu Giang từ sông Tiền Giang về hướng Tây.Tại mỗi liên khu, ông Trần Văn Soái tổ chức một hệ thống tác chiến riêng biệt.
Sau đây là phần tổng kết cuộc hành quân của lực lượng của Quân đội VN CH tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ. Phần này lược trình diễn tiến các giai đoạn hành quân đã được trình bày chi tiết trong các kỳ trước.
Chiến dịch Nguyễn Huệ khởi diễn ngày 1-1-1956 với 3 nhiệm vụ chính:Giải quyết vấn đề lực lượng của ông Ba Cụt và ông Trần Văn Soái.Giữ vững biên giới VN-Cao Miên không cho loạn quân chạy từ Hà Tiên đến sông Vàm Cỏ.Cắt đứt liên lạc loạn quân giữa hai khu chiến: Miền Tây và Đồng Tháp.Ngoài những nhiệm vụ trên, chiến dịch Nguyễn Huệ còn có nhiệm vụ tiêu diệt những cơ cấu nằm vùng của Việt Cộng trong vùng hành quân, tái lập hành chánh, khai thác vùng Đồng Tháp Mười, mở mang đường sá, cầu cống và xây cất đồn bót.

Trong chiến dịch Nguyễn Huệ, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH đã huy động vào chiến dịch 1 lực lượng hùng hậu gồm cả hải lục, không quân như sau: Sư đoàn 4 dã chiến+ Sư đoàn 11 khinh chiến cho Khu chiến Miền Tây.Sư đoàn 14 kinh chiến+ Sư đoàn 15 khinh chiến (điều động từ miền Trung và phân khu duyên hải) cho khu chiến Đồng Tháp. Các trung đoàn địa phương, các đơn vị cảnh sát lưu động trong các vùng hành quân,4 hải đoàn xung phong,1 phân đội của Phi đội 2 quan sát (Sóc Trăng+ Long Xuyên).3 phi cơ oanh tạc Marcel Dassault (Sóc Trăng). Thiết giáp:6 chi đoàn thám thính xa. Pháo binh: Các Tiểu đoàn 21, 22, 24, 3 và 4 Pháo binh (Tiểu đoàn 3và 4 Pháo binh được phân chia cho khu chiến Đồng Tháp.Lực lượng trừ bị:1 Tiểu đoàn nhảy dù ứng chiến tại Sa Đéc.
Do địa thế vùng hành quân quá rộng và mỗi nhóm quân địch đều có tích cánh khác nhau nên chiến dịch Nguyễn Huệ phân chia ra nhiều vùng hành quân và nhiều giai đoạn. Vùng hành quân được chia ra làm hai khu chiến và 1 trái độn:Khu chiến miền Tây Khu chiến Đồng Tháp Mười.Khu trái độn thuộc phân khu Vĩnh Long. Để tổng chỉ huy hoạt động hành quân và điều động lực lượng của hai khu chiến và khu trái độn, bộ tham mưu chiến dịch có danh xưng là Bộ Tư lệnh liên khu chiến miền Tây và Đồng Tháp.
Khu chiến Đồng Tháp dưới quyền chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Là, được chia làm 2 vùng hành quân của 2 giai đoạn: vùng tạm an và vùng bất an.Vùng tạm an: được giới hạn từ Gò Bắc Chiêu (tỉnh lỵ Mộc Hóa) đến sông Vàm Cỏ Đông, đây là vùng giáp ranh với tỉnh Tây Ninh, có các phần tử của lực lượng giáo phái Cao Đài ly khai hoạt động ở vùng đất phụ cận Gò Dầu Hạ. Lực lượng Cao Đài này đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của một Đại tá Cao Đài tên là Đặng Thành Sử tự Phụng và đơn vị ly khai này lại có danh xưng là Trung đoàn Trịnh Minh Thế. Vùng bất an: được giới hạn từ Gò Bắc Chiêu-Mỹ An qua tới Hồng Ngự, đây là vùng đất thuộc phiá Tây tỉnh lỵ Mộc Hoá. Trong vùng này, lực lượng của ông Trần Văn Soái đã chiếm đóng: Tuyên Bình, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Cái Cái, vùng giồng phiá Tây Mộc Hóa, và vùng Cao Lãnh. Lực lượng Trần Văn Soái hoạt động với tính cách du kích nên không có vị trí nhất định.
Sau khi kết thúc giai đoạn 1 trong kế hoạch bố trí bao mặt Đông Bắc và Đông Nam khu bất an vưà hoàn tất, quân VNCH chuyển sang thời kỳ thứ hai bằng cách điều động thêm Sư đoàn 14 khinh chiến vào tham chiến. Cánh quân này được gọi là cánh quân D.
Cuộc hành quân ở thời kỳ 2 khai diễn vào 6 giờ ngày 5/2/1956, Sư đoàn 14 từ khởi điểm Bình Thạnh ở phiá Bắc Hồng Ngự tiến quân theo trục nỗ lực rạch Sở Hạ-Cái Cái án ngữ dọc theo biên giới Việt-Miên. Hải đoàn 21 tiến theo sông để giữ an ninh sườn phiá Bắc. Lực lượng Sư đoàn 14 đã chạm trán mạnh mẽ với đối phương. Trên đường tiến quân, đối phương gài rất nhiều mìn và có 1 sân mìn dài 1 km. Binh sĩ Sư đoàn 14 chạm mìn bị thương rất nhiều. Đối phương thiết lập một vị trí phòng thủ rất kiên cố tại ngã ba Sở Hạ-Cái Cái khiến các đơn vị VNCH không vượt sông được và phải dùng pháo binh và trọng pháo hỏa tập dữ dội.Ngày 7-2-1956, Bộ chỉ huy khu chiến Đồng Tháp đã phải điều động lực lượng trừ bị là Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù trợ chiến. Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù dùng xuồng M 2 vượt sông Cái Cái tấn công bất ngờ, đánh thủng vị trí đối phương khiến phải rút lui sâu vào trung tâm Đồng Tháp. Sư đoàn 14 lại tiếp tục tiến quân vượt theo. Tại rạch Cái Cái, đối phương làm nhiều rào cản, quân đội VNCH phải cho phá để cho Hải đoàn 21 tiến vào yểm trợ.
Riêng trận giao tranh quyết liệt tại rạch Sở Hạ-Cái Cái, phiá Sư đoàn 14 bị thương 56 chiến binh phần nhiều do mìn, 13 người chết trong đó có 1 thiếu uý. Đối phương bị chết khoảng 50 người. Đây là cuộc đụng độ lớn nhất đối với lực lượng tàn quân của ông Năm Lửa và là một trận có hầu hết các đơn vị nòng cốt của họ tham dự.Sau khi thua trận này, tinh thần binh sĩ của lực lượng TVS trở nên rời rạc, sa sút.
Sau 13 ngày khai triển lực lượng tham chiến, cuộc hành quân Đồng Tháp của lực lượng VNCH trong giai đoạn 2 đã kết thúc vào ngày 17 tháng 2/1956. (Kỳ sau: Những sự kiện liên quan đến việc quy thuận của ông Trần Văn Soái).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.