Hôm nay,  

Những Thực Tại Trong Mối Bang Giao Nga-việt

22/01/200500:00:00(Xem: 5251)
Tác giả: G.S. Vladimir M. Mazyrin, 25.11.2004; Lược dịch: Nguyễn Quốc Khải, 15.1.2005.
LGT: GS Vladimir M. Mazyrin hiện đang giảng dậy tại Moscow Lomonossov State University, một đại học danh tiếng của Nga. Ngoài ra ông còn làm việc tại Viện Nghiên Cứu Á – Phi thuộc đại học này. Đây là phần hai của bài nghiên cứu “Vietnam-Russian Relations in the Post-Communist Era,” với tựa đề “Major Realms of Vietnam-Russian Relations at the Present Time.” Tựa đề bằng tiếng Việt tạm dịch theo nội dụng của phần hai. GS Vladimir M. Mazyrin đã trình bầy diễn tiến của quan hệ Nga-Việt từ 1955 cho tới nay trong phần đầu. Phần thứ hai này phân tách các vấn đề thực tiễn liên quan đền mối bang giao giữa hai nước.

Củng cố nền tảng pháp lý cho mối bang giao song phương

Kể từ năm 1991 Nga và Việt-Nam đã ký kết 30 thỏa hiệp mà phần lớn ở cấp chính phủ và bộ. Cho tới nửa sau của thập niên 90, Bộ Ngoại Giao của hai nước đã hoàn thiện những luật lệ dùng làm căn bản cho sự hợp tác giữa hai nước. Kết quả là vào năm 2001, hai nước đã ký kết nghị định thư về tài liệu và việc thực thi những hiệp định song phương. Nhân dịp này tất cả những hiệp định từ 1955 đến 1991 giữa hai nước đã được duyệt lại.

Phần lớn những thỏa hiệp này qui định sự hợp tác về mậu dịch và kinh tế giữa hai nước. Trước hết là thỏa hiệp giữa hai chính phủ về việc thanh toán các món nợ của Việt-Nam với Liên Bang Nga đã được ký kết vào tháng 9, 2000. Tiếp đến là những tài liệu về sự hợp tác trong khu vực dầu khí và năng lực, v.v. Ngoài ra là những lãnh vực khác như khoa học, kỹ thuật, dịch vụ ngân hàng, vận chuyển bằng đường biển và hàng không, viễn thông, ngư nghiệp, bảo vệ đầu tư, luật lệ để tránh đánh thuế hai lần, huấn luyện, phát triển thể thao và du lịch.

Phát triển hợp tác chính trị

Lãnh vực chính trị đã nổi bật trong các thỏa hiệp song phương. Những cuộc thăm viếng và hội họp của những viên chức cao cấp trong năm 2003 có thể so sánh với thời đại “Sô Viết” về mặt cường độ

Điều đáng chú ý là về phương diện này sự hiểu biết lẫn nhau còn tốt và được bảo toàn vì hai nước có cùng một quan điểm và giũ những vị thế giống nhau về những vấn đề thế giới như khủng bố, tài giảm vũ khí, tôn trọng chủ quyền quốc gia và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Việt-Nam đánh giá cao sự đóng góp của Nga trong vấn đề duy trì sự ổn định trong vùng Á châu và Thái Bình Dương và trên khắp thế giới và nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ của các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Việt-Nam và Nga có những lập trường tương tự về vai trò của Liên Hiệp Quốc trong một thế giới tân tiến. Hai nước ủng hộ tiến trình hội nhập vào khu vực Á châu – Thái Bình Dương và xây dựng một khu phi võ khí nguyên tử trong vùng Đông Nam Á. Hai quốc gia thống nhất ý chí bảo vệ giải pháp hòa bình để giải quyết những cuộc khủng hoảng tại Yugoslavia và Iraq, xem việc từ bỏ các biện pháp ngoại giao, xử dụng quân đội của liên minh Anh-Mỹ và Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương là sai lầm. Việt-Nam cũng hỗ trợ những cố gắng để giải quyết những tranh chấp và tiến trình loại trừ võ khí nguyên tử tại bán đảo Hàn quốc.

Chắc chắn những nguyên tắc về quan hệ song phương (cũng như ảnh hưởng của chính sách ngoaị giao của Nga và Việt-Nam) đã thay đổi nhiều trong thập niên 90. Moscova xem xét trước hết yếu tố Việt-Nam gia nhập Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995. Đây là một thay đổi chiến lược trong chính sách ngoại giao của Việt-Nam để hội nhập vào hệ thống ASEAN và khu vực mâu dịch tự do AFTA (ASEAN Free Trade Area). Khi cứu xét quyền lợi của Nga, một nước Âu-Á trong khu vực phát triển nhanh chóng này của thế giới, sự ủng hộ của Việt-Nam trở nên nhậy cảm. Kể từ năm 1996, chính phủ Hà-Nội đã giữ vai trò phối hợp cho cuộc đối thoại giữa Nga và ASEAN. Do đó Việt-Nam đã đóng góp vào mối bang giao giữa Moscova và những nước hội viên ASEAN.

Phát triển hợp tác cấp bộ

Cơ quan chính phụ trách hợp tác song phương là Ủy Hội Liên Chính Phủ về Hợp Tác Mậu Dịch, Kinh Tế, Khoa Học và Kỹ Thuật (Intergovernmental Commission on Trade, Economic, Scientific, and Technical Cooperation viết tắt là IGC). Uỷ Hội tổ chức họp toàn thể hàng năm. Các đồng chủ tịch trong Ủy Hội cũng họp mỗi năm một lần.

Trong khuôn khổ của Ủy Hội có các nhóm chuyên môn sau đây:

1. Năng lực, kỹ nghệ than đá, và cơ khí.
2. Nông nghiệp.
3. Hợp tác giữa các địa phương..
4. Dịch vụ ngân hàng.
5. Kỹ nghệ hóa học và dược phẩm.

Những thành viên của Ủy Hội, các nhóm làm việc chuyên môn, và những đồng chủ tịch thảo luận điều kiện và triển vọng hợp tác về mậu dịch, kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên cả hai bên nhận xét rằng hoạt động của ICG không đủ hữu hiệu. Ngay cả những quyết định đã được chấp thuận thường không được thi hành và có rất ít ý kiến đóng góp (dùng để gia tăng liên hệ ngoạị thương và những lãnh vực khác của sư hợp tác song phương).

Các tiếp súc thực tiễn đã được duy trì giữa các bộ và nha của hai chính phủ, đặc biệt là các ngành tài chánh, thương mại, kinh tế, giáo dục, và y tế công cộng, v.v. Tuy nhiên khó có thể nói được rằng những liên hệ này chặt chẽ và liên tục. Thông thường các bên gặp nhau để bàn về những vấn đề đang xẩy ra (thí dụ, giữa hai Bộ Tài Chánh để giải quyết những món nợ), tham gia vào những cuộc hội thảo song phương hoặc quốc tế và những cuộc triển lãm tại Việt-Nam hay Nga.

Thông thường những cơ quan an ninh và cảnh sát hợp tác chặt chẽ. Những nhóm chuyên viên thường họp để phối hợp về những vấn đề đặc biệt, khoa học, kỹ thuật, chống khủng bố quốc tế, và băng đảng gây tội ác có tổ chức. Ngoài ra những trao đổi tài liệu và huấn luyện cán bộ vẫn được tiếp tục. Sự hợp tác giữa Ủy Ban Tìm Kiếm và Cấp Cứu của chính phủ Việt-Nam và Bộ Khẩn Cấp của Nga được điều chỉnh. Nói chung, sự hợp tác về những dịch vụ đặc biệt giữa hai nước phát triển vừa thành công đủ.

Hợp tác quân sự và kỹ thuật trong lãnh vực quốc phòng

Sự hợp tác về quân sự và quốc phòng giữa Việt-Nam và Nga là nền tảng cho sự hợp tác song phương. Sự hợp tác này đang được tái thiết và xây dựng thành một căn bản mới. Điều này không có nghĩa là Nga và Việt-Nam thành lập
một liên minh để chống lại những nước thứ ba. Chúng ta cần ghi nhớ rằng sau khi Nga rút khỏi căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh vào năm 2002, ngay cả sự hiện diện quân sự của Nga ở Đông Nam Á cũng đã giảm xuống tối thiểu. Tuy nhiên, Nga tiếp tục là một đối tác chính của Việt-Nam trong lãnh vực hợp tác quân sự, đặc biệt vì Liên Sô đã giúp xây dựng tiềm năng quân sự của Việt-Nam.

Như chúng ta đã biết, cho đến 1979, Liên Sô đã cung cấp quân cụ và trợ giúp kỹ thuật miễn phí cho Hà-Nội. Trong giai đoạn tiếp theo 1979-1990, Nga cung cấp những món nợ với điều kiện nhẹ và nhắm vào những mục tiêu rõ rệt. Kể từ 1991 khi chiến tranh lạnh chấm dứt, hai nước trao đổi trên nguyên tắc thương mại và sự hợp tác giảm xuống đáng kể. Sau một thời gian gián đoạn ngắn vào giữa thập niên 90, Việt-Nam lại bắt đầu mua quân cụ của Nga. Trong giai đoạn này, phương pháp trang trải hàng mua của Nga mới đã được áp dụng, gồm cả cách trả từng phần (thông thường không quá 20%).

Thỏa hiệp ký kết vào tháng 10, 1998 tạo một căn bản pháp lý về hợp tác quân sự và quốc phòng giữa hai nước. Phiên họp đầu tiên của Ủy Hội Hỗn Hợp của hai chính phủ đã diễn ra tại Hà-Nội vào tháng 12, 1999. Một chương trình hợp tác song phương cho năm 2000 và những mục tiêu căn bản cho tới năm 2005 đã được chấp thuận. Khế ước huấn luyện nhân viên Việt-Nam tại các trường trung học của Bộ Quốc Phòng Nga cũng đã được ký kết.

Triển vọng về chương trình dài hạn tối tân hoá quân lực của Việt-Nam xem ra tốt đẹp. Sô Viết và Nga đã cung cấp dụng cụ và kỹ thuật cho quân đội Việt-Nam ở mức đáng kể. Ngoài ra cả hai nước có quyền lợi tương tự trong vùng Á châu – Thái Bình Dương. Vì hai lý do này người ta có thể nhấn mạnh ràng sự hợp tác quân sự giữa hai nước khá ổn định mặc dù chỉ ở mức căn bản và còn có thể bành trướng. Kế hoạch này nên được đẩy mạnh vì hai quân lực có truyền thống lâu dài và sự tin cậy. Đồng thời chuyên viên quân sự Việt-Nam tiếp tục được huấn luyện tại Nga.

Tái lập sự hợp tác khoa học, kỹ thuật và văn hóa

Sự hợp tác khoa học và kỹ thuật giữa Việt-Nam và Nga phát triển theo nhiều hướng và trong nhiều lãnh vực. Rất nhiều chuyên viên khoa học và kỹ sư Việt-Nam theo học ở cấp cao hơn và thực hiện nghiên cứu tại Nga. Một khích lệ nữa là những học giả Nga có nhiều cơ hội làm việc tại Việt-Nam.

Thoả ước hợp tác giữa các viện nghiên cứu khoa học của Việt-Nam và Nga được ký kết vào năm 1996. Một tiểu ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và kỹ thuật trong khuôn khổ IGC đã được thiết lập. Sự hợp tác này bao gồm 20 ưu tiên và kiểm soát sự chuyển giao kết quả của các cuộc nghiên cứu và thử nghiệm. Điều này có nghĩa là kỹ thuật mới. Sự chuyển giao này bao gồm sản xuất thí nghiệm, thiết lập những công trình thí nghiệm khoa học, tổ chức những cuộc hội thảo khoa học và thực nghiệm, và triển lãm. Một số dự án hỗn hợp đã được thực hiện thành công.

Trước hết là một dự án sản xuất chất vi sinh học để bảo vệ thảo mộc, vật liệu mới cấu tạo bởi hydro-carbon và sợi đặc biệt, những loại giấy đặc biệt, v.v. Trung Tâm Nghiên Cứu và Kỹ Thuật Ôn Đới Hỗn Hợp đã được thành lập 15 năm trước tạo một căn bản cho sự hợp tác khoa học giữa hai nước. Trung Tâm này đã đạt nhiều kết quả mới trong những lãnh vực như độc dược học (toxicology), kỹ sinh học (biotechnology), bảo vệ dụng cụ kỹ thuật trong vùng nhiệt đới , chữa trị bệnh tật, sinh thái học (ecology), và sinh vật học (biology).

Sự hợp tác giáo dục giữa hai nước cũng được tiếp tục. chương trình học và dậy tiếng Nga được tái tục. Trung Tâm Khoa Học và Văn Hoá Nga bắt đầu hoạt động vào năm 2003. Mục tiêu của Trung Tâm là phổ thông hóa sự hiểu biết về Nước Nga, văn hóa và ngôn ngữ Nga. Trong lãnh vực giáo dục cấp cao, hai nước áp dụng chương trình trao đổi sinh viên bậc cử nhân và cao học và học viên với con số lên tới 30 người hàng năm tùy thuộc hạn ngạch do thỏa hiệp song phương ấn định. Ngoài ra, Nga thông thường cung cấp học bổng cho 200 sinh viên Việt-Nam. Mặc dù có những khó khăn tương tự về tài chánh, hai nước mới đây đã khởi động sự hợp tác giữa các tổ chức chính phủ, những viện khoa học và giáo dục cấp cao.

Sự hợp tác giữa Việt-Nam và Nga cũng tích cực trong lãnh vực văn hoá. Thí dụ trong năm 2001-2003 hai nước đã tổ chức những ngày văn hóa Nga tại Việt-Nam, những ngày Moscova tại Hà-Nội vá ngược lại.

Người ta thấy rõ ràng là sự hợp tác song phương về các lãnh vực khoa học, giáo dục và văn hóa đã không còn mang một nội dung tư tưởng hệ mạnh mẽ như trước nữa. Ngày nay công tác là hỗ trợ và bành trướng sự hợp tác trong những lãnh vực khoa học chính có triển vọng và có lợi cho đôi bên. Mục tiêu khác là phổ thông hoá tối đa chương trình giáo dục cấp cao học ở Nga cho sinh viên Việt-Nam.

Mở rộng sự hợp tác giữa quốc hội và đảng

Sự hợp tác giữa hai quốc hội đã được thực hiện gần đây do ý muốn của Việt-Nam. Những đại biểu của Lập Pháp Nga, bất kể khác biệt về chính kiến hoặc phe nhóm đều đồng ý về tầm quan trọng của mối bang giao trong những lãnh vực khác nhau. Quốc Hội của Liên Bang Nga tỏ ra tích cực trong việc phát triển quan hệ với Quốc Hội Việt-Nam.

Đảng CSVN đang cầm quyền và Đảng Cộng Sản Nga tiếp tục giữ quan hệ thường xuyên với nhau. Chắc chắn rằng, mối quan hệ này không còn đóng vai trò tối thượng như trong thời đại Sô Viết, nhưng trong những lần thăm viếng Nga, các lãnh tụ cao cấp của hai đảng hội họp thường xuyên với nhau. Sự thay đổi đáng kể là tư tưởng hệ đã mất vai trò của một động cơ thúc đẩy trong mối bang giao song phương. Điều này đã được xác nhận trong những cuộc đối thoại với với phe ôn hoà thân chính phủ là Đảng Thống Nhất (Unity Party). Đảng CSVN trong những năm vừa qua đã liên hệ thường xuyên với những đảng (không nhất thiết là cộng sản) của những nước khác [trong Liên Bang Nga].

Hợp tác cấp địa phương

Quan hệ giữa các vùng và các tỉnh khác nhau trở nên tích cực trong đầu thế kỷ 21. Một thỏa hiệp về nguyên tắc hợp tác giữa các chính quyền địa phương của hai nước đã được ký kết vào năm 2000. Một nhóm trong Uỷ Hội Liên Chính Phủ phụ trách về sự hợp tác và phối hợp hoạt động thương mại ở cấp địa phương giữa hai nước.

Việt-Nam chú trọng vào sự phát triển những thành phố lớn nhất như Hà-Nội, HCM, Đà Nẵng, và Hải Phòng. Nga chú trọng đến những vùng đã duy trì quan hệ truyền thống với Việt-Nam (Moscova, St. Petersburg, vùng Moscova, Primorskij và Khabarovskij Kraj) hay những khu vực xuất cảng hàng hoá và dịch vụ sang thị trường Việt-Nam (Tatarstan, Nizhniy Novgorod, Yaroslavl, Rostov, Saratov, Sverdlovsk).

Sự hợp tác giữa các địa phương trở nên mạnh mẽ nhờ vào sự hỗ trợ của các thương gia của hai nước. Một thí dụ của sự thành công trong việc hợp tác trực tiếp giữa các vùng là dự án của thành phố HCM nhằm xây cất một trung tâm thương mại Việt-Nam tại Moscova khởi sự vào năm 2004. Mặc dầu sự hợp tác địa phương được bắt đầu, những cơ hội thật sự để hợp tác hữu hiệu vẫn còn yếu, trước hết vì việc buôn bán và đầu tư song phương có khuynh hướng tiêu cực.

Duy trì quan hệ mậu dịch và kinh tế

Hiện nay những quan hệ mậu dịch và kinh tế đang được tái thiết trên căn bản phẩm chất mới. Hai nước cố gắng phát triển liên hệ giữa các địa phương, các xí nghiệp, tổ chức kinh tế, bao gồm khu vực tư. Hai bên tích cực khuyến khích thiết lập những dự án hỗn hợp, những công ty cổ phần hỗn hợp, những cơ sở mậu dịch, và ngân hàng.

a. Mâu dịch song phương

Kể từ 1992, những tổ chức Việt-Nam và Nga đã bắt đầu áp dụng phương pháp thanh toán mới trong việc mua bán những dụng cụ điện do Nga cung cấp (35% bằng ngoại tệ chính; phần còn lại trả bằng hiện vật). Đối với giai đoạn đó, cách thức thanh toán này hợp lý vì một mặt nó cho phép Việt-Nam mua với số ngoại tệ tối thiểu. Mặt khác, nó giúp việc trao đổi hàng hoá tiếp tục. Tuy nhiên, cách mua bán bằng hiện vật không thể trở thành thông lệ.

Mức độ ngoại thương giữa hai nước tiếp tục giảm xuống cho tới năm 1996 và chỉ bằng 10% của mức cao nhất vào năm 1989 (bằng 1.9 tỉ rubles hoãn chuyển được – xem bảng kế cận). Sau đó số thương vụ gia tăng nhưng không ổn định.


Theo các con số thống kế này, mậu dịch song phương vào thập niên 90 cũng như dưới thời đại Sô Viết, mất thăng bằng trầm trọng. Xuất cảng từ Nga qua Việt-Nam có năm lên tới 80% tổng số thương vụ. Trên thực tế, ngoại thương giữa hai nước bị đình trệ trong suốt một thập niên. Mặc dù số thương vụ tăng trong vài năm (thí dụ 1998-99) nhưng không làm thay đổi tình trạng tổng quát.

Trong thập niên 90, hàng hóa Nga xuất cảng bao gồm thanh thép, phân bón, xe hơi, xe vận tải, đồ phụ tùng, và dụng cụ. Phần lớn là những sản phẩm thông thường. Hàng nhập cảng từ Việt-Nam căn bản gồm có những sản phẩm tiêu thụ (hàng dệt, quần áo, giầy dép) và thực phẩm (gạo, mì ăn liền, dầu nấu ăn, v.v.). Khác với thời đại Sô Viết khi việc mua bán do nhà nước thực hiện, các công ty cỡ trung bình và nhỏ chiếm một tỉ lệ đáng kể trên tổng số thương vụ.


Sau khi chính sách ngoại thương của Nga được giải toả, những nhà kinh doanh tư nhân mà phần lớn là Việt-Nam, bắt đầu xuất nhập cảng cho cả hai nước. Hoạt động này phát triển nhanh chóng nhưng thường là bất hợp pháp, và đạt được mức cao (theo những dự đoán không chính thức số thương vụ này hàng năm lên đến khoảng US$1-2 tỉ). Những thương gia Việt-Nam thâm nhập thị trường Nga, hợp pháp và bất hợp pháp, “để làm tiền”, đã chứng tỏ họ có tài buôn bán. Họ không những mua sản phẩm sản xuất tại Việt-Nam mà còn mua của Trung Quốc, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và những nước khác. Những thương gia này thường xuất cảng lậu về Việt-Nam nhiều sản phẩm tiêu thụ, đồ dùng bằng kim loại, sắt vụn, và thuốc men.

Theo sự dự đoán của những viên chức cao cấp, ngoại thương song phương có tiềm năng đạt tới mức US$2 tỉ vào năm 2010. Nền kinh tế của hai nước có thể hỗ trợ thành công cho nhau. Nga sản xuất các sản phẩm kim loại và hoá học nổi tiếng như phân bón khoáng sản, vật liệu xây cất, dụng cụ và xe cộ mà thị trường Việt-Nam đang cần. Ngược lại, Nga chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và kỹ nghệ nhẹ của Việt-Nam.

Phát triển mạnh hơn về ngoại thương giữa hai nước gặp một số trở ngại. Đó là hệ thống thanh toán bất tiện và thiếu hiệu năng, cơ hội tài chánh giới hạn, việc buôn bán bằng tín dụng rất phức tạp ở cả hai nước. Người ta phải kể đến hàng rào quan thuế cao, chi phí chuyên chở, khó khăn để chứng nhận hàng hoá và kiểm tra bởi quan thuế, v.v. Không may mắn là những khó khăn này khó mà giảm thiểu đáng kể trong một tương lai gần. Vì vậy, phần lớn những vấn đề gây trở ngại cho việc phát triển ngoại thương giữa hai nước không giải quyết được.

b. Thanh toán những món nợ quốc gia

Một trong những thay đổi rõ rệt trong mối liên hệ mậu dịch và kinh tế giữa hai nước kể từ năm 1991 là Việt-Nam giải quyết số nợ với Nga. Trong thập niên 90 số lượng hàng hoá chuyển giao cho Nga theo chương trình này trị giá từ 10 triệu đến hàng trăm triệu US dollars mỗi năm. Thủ tục hành chánh rườm rà và nạn quan liêu của Nga đã làm trễ nải cho việc thanh toán nợ.

Liên Bang Nga và Việt-Nam đã có những bất đồng ý kiến trong việc tính toán tổng số nợ của Việt-Nam với Nga. Tính đến ngày 1.1.2000 số nợ này lên đến US$11 tỉ (theo hối suất 1 ruble = 1 US$). Vào tháng 9, 2000 hai nước đạt được thỏa hiệp để giải quyết số nợ này. Theo đó khoảng 85% số nợ (vốn cộng với tiền lời) được chiết giảm. Việt-Nam phải thanh toán số nợ còn lại là khoảng US$1.7 tỉ trong 23 năm cộng thêm với tiền lời với lãi suất 5% hàng năm. Thỏa hiệp này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1.1.2000. Việt-Nam trả 10% của món nợ bằng ngoại tệ chính và trả 90% còn lại bằng hiện vật, dịch vụ, và chuyển giao quyền sở hữu tài sản.

c. Hợp tác đầu tư và trợ giúp kỹ thuật của Nga

Kỹ nghệ dầu khí

Măc dù phải đương đầu với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, Nga vẫn tiếp tục duy trì được vị trí về ngành kỹ nghệ nhiên liệu và năng lực tại Việt-Nam. Liên doanh Vietsovpetro thiết lập vào năm 1981 nhằm nghiên cứu và khai thác dầu khí tại thềm lục địa miền Nam Việt-Nam là một hợp tác đầu tư căn bản giữa hai nước trong nhiều năm. Công trình hỗn hợp này được xem là một trong những hoạt động kinh doanh dầu khí thành công nhất thế giới về tỉ lệ giữa lơi tức và chi phí. Đây là một trong những nguồn cung cấp ngoai tệ chính cho ngân sách Việt-Nam và mang lại lợi tức hàng năm khoảng US$400-500 triệu cho Nga. Vietsovpetro tiếp tục khai thác bẩy giếng dầu và khí. Khu vực có nhiều dầu nhất là “Bạch Hổ”, “Rồng”, và “Đại Hùng”.

Trong khoảng thời gian 1986-2003, Vietsovpetro đã sản xuất được 128 triệu tấn dầu và 11 tỉ thước khối khí đốt. Công trình kinh doanh này liên tục gia tăng mức sản xuất từ 4 triệu tấn vào năm 1991 đến 17 triệu tấn vào năm 2003. Hiện nay trên 80% sản lượng dầu sản xuất tại Việt-Nam là do Vietsovpetro cung cấp. Hoạt động này mang lại cho Việt-Nam 20% lợi tức xuất cảng. Kể từ 2002, công ty mẹ của Vietsovpetro là Zarubejneft đã tham dự vào một dự án nữa về việc nghiên cứu và khai thác dầu khí với sự hợp tác của PetroVietnam và công ty Idemitzu của Nhật Bản.

Vào năm 2000, hai công ty Nga Gazprom và Zarubejneftegas đã ký kết khế ước với PetroVietnam để khai thác dầu khí. Phí tổn của dự án là US$40 triệu. Công trình hỗn hợp Vietgazprom bắt đầu tìm kiếm dầu vào năm 2002 tại hải phận Đà Nẵng.

Xây cất nhà máy điện

Sau khi Liên Sô xụp đổ, Nga đã hoàn thành một số dự án ở Việt-Nam. Quan trọng hơn hết là nhà máy thủy điện Hoà Bình. Nhà máy này bắt đầu hoạt động vào năm 1994 với công suất 1,920 MW. Đây là một công trình lớn nhất được xây cất với sự trợ giúp của Nga. Theo những tiêu chuẩn kỹ thuật căn bản, nhà máy Hoà Bình lớn hơn tất cả những nhà máy thủy điện trong vùng Đông Nam Á. Nó đã sản xuất được trên 65 tỉ KWH điện lực. Điện dư thừa ở miền Bắc được chuyển vào Nam với một hệ thống đường giây dẫn điện dài 1,414 km cũng do Nga trợ giúp.

Vào năm 2002, công ty Technopromexport đã hoàn tất nhà máy Yali (720 MW), nhà máy thuỷ điện lớn thứ nhì ở Việt-Nam, với chi phí hơn US$200 triệu. Công ty này cũng đã tham gia vào việc xây cất hai nhà máy cỡ trung bình Dami và Can Don. Trong 10 năm Technopromexport là công ty duy nhất hoạt động về ngành điện ở Việt-Nam. Tuy nhiên công ty này bị cạnh tranh và dần dần mất độc quyền. Thí dụ những doanh gia Nhật Bản tích cực tham dự vào việc xây cất nhà máy điện qua chương trình Trợ Giúp Phát Triển Chính Thức của chính phủ Nhật (Official Development Assistance program).

Power Machines là công ty của Nga mới tham gia vào thị trường năng lực tại Việt-Nam. Công ty này thực hiện việc xây cất hai dự án nhà máy thủy điện Play Krong và Sesan-3 với số tiền US$100 triệu vay của Nga. Power Machines cũng hợp tác với công ty Lilama của Việt-Nam để cung cấp máy móc để xây cất nhà máy nhiệt điện Uông Bí.

Hợp tác đầu tư trong các khu vực kinh tế khác

Tổng số vốn đầu tư của Nga tại Việt-Nam lên quá US$1.7 tỉ nếu kể cả những tích sản của công ty hỗn hợp Vietsovpetro (khác vói những con số chính thức của Việt-Nam). Nga đứng hàng thứ 8-9 trong số những nước đầu tư vào Việt-Nam. Ngoài những dự án trong lãnh vực dầu khí, Nga đã đầu tư US$182 triệu vào 43 dự án khác trong khu vực ngư nghiệp, biến chế hải sản, sản xuất cao su, sản phẩm tiêu thụ, hải vận hàng hoá, mậu dịch, v.v. Tuy nhiên hàng năm chỉ có ít dự án dầu tư của Nga đang ký tại Việt-Nam.

Phần lớn những dự án ngoài khu vực dầu khí thuộc tầm cỡ nhỏ. Một số những dự án này đã chấm dứt kinh doanh hoặc đổi sở hữu chủ và nhiều dự án bị thua lỗ. Do đó không thể so sánh sự quan trọng của Nga với Nhật, Taiwan, Singapore, Đại Hàn, và những nước đầu tư khác. Trong ngắn hạn, người ta không trông chờ một sự thay đổi đáng kể nào về tình trạng này.

Phần lớn những công ty có nguồn gốc Nga thành lập ở Việt-Nam trong những năm gần đây thuộc về những di dân từ Việt-Nam sang Liên Bang Nga. Nhiều công ty trong số này đã đầu tư và hoạt động như những nhà đầu tư ngoại quốc. Phần lớn hoạt động trong lãnh vực xuất nhập cảng và dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, và trung tâm giải trí).

Phần lớn những doanh nhân này tổ chức những công ty nhỏ. Chỉ có một số ít hoạt động trong khu vực kỹ nghệ. Trong 2002 chỉ có 10 dự án với số vốn đầu tư US$32 triệu đã dăng ký tại Nga. Cho tới nay, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt-Nam tại hải ngoại. Dự án tại Nga với sự tham gia của Việt-Nam được biết đến nhiều nhất thuộc công ty Rollton. Có nhà máy sản xuất mì ăn liền và nước chấm tại thành phố Serpukhov thuộc vùng Moscova.

Khuynh hướng mới rất khích lệ. Từ năm 2002 những công ty quốc doanh của VIệt-Nam tỏ ra chú ý đến việc đầu tư tại Nga. Thí dụ, công ty Thạch Ban thực hiện dự án trị giá US$15 triệu để sản xuất các sản phẩm làm bằng đá granite và công ty Vinatea xây dựng nhà máy làm trà hộp.

Kết luận

Trong 10 năm qua bang giao giữa Nga và Việt-Nam đã dần dần thoát ra khỏi bế tắc và khủng hoảng. Hai nước vẫn chú ý đến việc tiếp tục hợp tác đầu tư đa dạng. Sự bang giao này đã biến chuyển từ hợp tác toàn diện đến đổ vỡ hoàn toàn qua sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa toàn cầu. Mối bang giao gần đây khác với sự liên hệ truyền thống với những nước xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu.

Ngày nay liên hệ song phương mang tính chất phức tạp nhưng vẫn duy trì sự tin cậy trong nhiều lãnh vực quan trọng. Bước sang thiên niên kỷ mới, những nhà lãnh đạo Việt-Nam và Nga cố gắng duy trì sự đối tác chiến lược.

Khuynh hướng này có vài lý do. Nga đặc biệt chú ý đến vai trò ngày càng lớn của Việt-Nam đối với những vấn đề vùng, sự phát triển năng động của Việt-Nam, khả năng đáp ứng thích hợp với những vấn đề quan trọng của thế giới. Một điều đáng chú ý là một tầng lớp trong xã hội Việt-Nam có thiện cảm với Nga và tích cực ủng hộ sự hợp tác hơn nữa giữa hai nước. Đối với Việt-Nam, duy trì và bành trướng liên hệ với đối tác truyền thống và tin cậy là một trong những lực cần thiết trong chính sách đối ngoại. Nhu cầu này được quy định bởi mục tiêu của Hà-Nội muốn tăng cường sức mạnh chính trị, đặc biệt là quân sự, quân bình thế lực trong vùng Á châu – Thái Bình Dương và đa dạng hoá hoạt động mậu dịch và kinh tế. Ngoài ra hai nước chưa khai thác tiềm năng hợp tác trong một vài lãnh vực (mậu dịch, khoa học và trợ giúp kỹ thuật) trong thời gian trước đây.

Khi thực hiện việc thẩm định và dự đoán một cách thực tế, chúng ta cần biết rằng tình hình trong vùng và bối cảnh quốc tế đã thay đổi một cách bất lợi và chỉ còn lại vài lý do thúc đẩy sự hợp tác song phương sâu rộng hơn. Sự hiện diện của những nước thứ ba tại Việt-Nam đã trở nên rõ ràng và đã tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ. Do đó Nga khó trở lại vị trí cũ đã mất dù muốn. Thời gian đã trôi qua. Thế hệ hiện tại của dân tộc Việt-Nam đã dược giáo dục và đã sống trong giai đoạn thân thiện và hợp tác chặt chẽ với Liên Sô sẽ nhường chỗ cho thế hệ trẻ. Quyền lợi hướng ngoại của hai nước về cả hai lãnh vực vùng và quốc tế, cũng có thể tạo ra mâu thuẫn giữa hai nước.

Những doanh gia Việt-Nam, đặc biệt là những người di cư bất hợp pháp, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và cạnh tranh mạnh mẽ hơn tại thị trường Nga. Những thí dụ về sự thành công của những dự án kinh tế tại Nga gần đây cho chúng ta hi vọng rằng người Việt sẽ tìm thấy vị thế thích hợp. Doanh gia của hai nước rất cần xây dựng một hợp tác nhanh chóng, lâu dài và có lợi cho cả đôi bên.

Tương lai sẽ tuỳ thuộc nhiều vào chính sách quốc gia của Nga. Một câu hỏi được đặt ra là Moscova có nên từ chối hay hoạt động tích cực và có hiệu quả trong lãnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hoá, và giáo dục. Trong khi đó, những ảnh hưởng mới hướng chính sách ngoại giao của Nga ngả về phía Tây, không phải phía Đông, bất kể những nước châm tiến như Việt-Nam.

Theo sự phân tích tình trạng hiện nay và triển vọng của mối bang giao song phương, Việt-Nam và Nga vẫn có những điều kiện tiên quyết để phát triển. Nếu chính phủ Nga không quan tâm đến những nền tảng đã có ở Việt-Nam, những nhà lãnh đạo Hà-Nội sau cùng sẽ điều chỉnh lại chính sách của Việt-Nam để hướng về những đối tác gần gũi về địa dư và mạnh về kinh tế.


NOTE
1- Quan điểm của tác giả không nhất thiết phản ảnh quan điểm của người dịch.
2- Poliakov, A., Klimov V., Russiia and Vietnam: from Strategic Interest to Strategic Partnership, Far Eastern Economic Review, Moscow, No. 3, 2001.

3- Nguyễn Tất Giáp, Quan Hệ của Liên Bang Nga với Các Nước Đông Nam Á từ Sau Khi Liên Sô Tan Rã Đến Nay, luận án tiến sĩ, Hà-Nội, 2000, p.138.

4- Nguyễn Tất Giáp, Quan Hệ của Liên Bang Nga với Các Nước Đông Nam Á từ Sau Khi Liên Sô Tan Rã Đến Nay, luận án tiến sĩ, Hà-Nội, 2000, p.156.
5- Vietnam and Russia – Traditional Partners, Vietnam Economic Times, Hanoi, special issue- June 2003, p.12.
6- Nhân Dân, Hà-Nội, 28.10.2002.
7- Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Hữu Cát (chủ biên), về Mối Quan Hệ Giữa Việt-Nam – Liên Bang Nga Trong Giai Đoạn Hiện Nay, Hà-Nội, 1997, p.69.
8- 10 Năm Quan Hệ Việt-Nga, Vietnam Investment Review, August 2004, p.75.
9- Poliakov A., Klimov V., Russia and Vietnam: From Stategic Interest to Strategic Partnership, Far Eastern Studies Review, No. 3, 2001, P.22,27.
10- Vietnam Investment Review, 05.01.2003.
11- 10 Năm Quan Hệ Việt-Nga, Vietnam Investment Review, August 2004, p.55.
12- Đầu Tư, Hà-Nội, 03.10.2000.
13- Việt-Nga: 50 năm hữu nghị và hợp tác, International Affairs Review, Hanoi, Special Issue – February 2001, p.24.
14- Vietnam Investment Review, 05.01.2003.
15- 10 Năm Quan Hệ Việt-Nga (Ten years of Vietnam-Russia Relations), Viet-Nam Investment Review, Special Issue, August 2004, p.43..
16- Nguyễn Tất Giáp, Quan Hệ của Liên Bang Nga với Các Nước Đông Nam Á từ Sau Khi Liên Sô Tan Rã Đến Nay, luận án tiến sĩ, Hà-Nội, 2000, p.152..
17- Theo Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư của Việt-Nam, December 2002.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.