Hôm nay,  

Người & Việc: Nói Chuyện Với Phóng Viên Tuyết Mai

17/01/200500:00:00(Xem: 4816)
Trong vòng hai năm qua, trên các tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san, liên mạng… ở vùng Hoa Thịnh Đốn độc giả luôn tìm thấy những bài viết phóng sự cộng đồng do nữ phóng viên Tuyết Mai tường trình. Có rất nhiều người thắc mắc rằng, phóng viên Tuyết Mai là người như thế nào" Lý do gì khiến cô xuất hiện một các đều đặn trên các báo chí như vậy"

Sự xuất hiện của phóng viên Tuyết Mai làm không ít nhiều người ngạc nhiên, thích thú… Một số người khen, một số khác lại chê…. Nhưng dù bất cứ độc giả chê hay khen, cũng phải công nhận rằng kể từ khi sự xuất hiện này, các tuần báo cộng đồng người Việt vùng Hoa Thịnh Đốn luôn khởi sắc. Những độc giả không có thời gian và cơ hội tham gia sinh hoạt cộng đồng cũng đọc được những việc xảy ra trong cộng đồng mình đang sinh sống.

Ở một buổi họp mặt của Câu Lạc Bộ Văn Học Vùng Hoa Thịnh Đốn, đầu tuần tháng 11 vừa qua, cá nhân chúng tôi có cơ hội tiếp chuyện cùng với nữ phóng viên Tuyết Mai. Sau một lúc nói chuyện sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ, chúng tôi thật sự nể phục việc dấn thân của vị nữ phóng viên này. Và vì vậy, chúng tôi nãy sinh ra làm một cuộc nói chuyện cùng vị nữ phóng viên. Xin mời quý vị độc giả theo dõi cuộc nói chuyện sau đây.

Võ Phú: Xin chào nữ phóng viên Tuyết Mai. Để tiện cho việc xưng hô thêm thân mật, xin phép nữ phóng viên cho chúng tôi được gọi nữ phóng viên bằng Cô.

Phóng Viên Tuyết Mai: Vâng, xin chào Võ Phú.

Võ Phú: Xin cô cho độc giả biết đôi điều về nữ phóng viên Tuyết Mai"

PVTM: Tôi trước đây là nữ sinh Trưng Vương, được tuyển vào làm phóng viên cho một đài phát thanh thuộc Nha Kỷ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH. Đài gởi tôi du học ở Úc Châu một năm. Năm 1970 tôi tự túc du học ở Hoa Kỳ ngành Computer Science. Sau đó mở một "KeyPunch Service", công việc gặp nhiều khó khăn vì ngành computer tiến nhanh, nên tôi xoay qua mở nhà hàng, một cái ở Arlington VA và cái thứ hai ở trong thương xá Eden, Falls Church VA. Công việc quá vất vả nên tôi bán hai tiệm, mua nhà cho thuê. Nay có đời sống vật chất tạm ổn định, không phải lo sinh kế, nên tôi muốn dành thì giờ viết báo để phụng sự xã hội.

VP: Xin cô cho biết nhân duyên nào đưa cô tới việc cầm bút lại" (Để viết về những bài tường thuật xãy ra trong cộng đồng vùng Washington D.C, Maryland, và Virginia)

PVTM: Nhờ duyên may đưa con gái đến học tiếng Việt ở chùa Hoa Nghiêm, tôi gia nhập vào Gia Đình Phật Tử Hoa Nghiêm. Các anh chị huynh trưởng ở đây có tinh thần rất cao. Tinh thần này đã làm sống lại những "chủng tử" tốt có sẳn trong tôi từ lâu, cộng thêm những trận "mưa pháp" ở chùa, những chủng tử tốt này đâm chồi nẩy lộc, phát triển mạnh. Tôi muốn theo gương các bậc "Bồ Tát", xả thân giúp người, giúp đời một cách vô vị lợi, không mong cầu đền đáp gì cả dù một lời cám ơn. Tôi chỉ muốn nhắm tới "chân giá trị" là phổ biến tin tức vùng Hoa Thịnh Đốn đến đồng hương khắp nơi, và qua những bài phóng sự để lôi cuốn độc giả tôi gói ghém trong đó một ý hướng phụng sự xã hội, đạo pháp và đất nước, quê hương.

VP: Có nhiều người cho rằng "nghề" ký giả là một thiên chức cao quý trên phương diện hướng dẫn dư luận và truyền đạt những nhu cầu về thông tin đến với độc giả. Theo cô là một người ký giả chân chính, thì phải hội đủ điều kiện gì"

PVTM: Bên cạnh kỹ thuật viết ngắn gọn, dễ hiểu, người cầm viết đòi hỏi phải có kiến thức để viết có chiều sâu, nếu không bài chỉ có hình thức mà không có nội dung. Và quan trọng nhất là phải có ý thức và lương tâm. "Ngòi bút có sức mạnh như một vạn quân" vì vậy phải thận trọng chọn lựa tin đem lại lợi ích cho cộng đồng.

VP: Trong bài viết phóng sự "Vui Buồn Đời Viết Báo Hải Ngoại" của một phóng viên lão thành nhà văn Duy Văn, ông mở đầu bằng câu trích dẫn "Nhà báo là kẻ lang thang", cô có nhận xét gì về cái nhìn này" Và, cũng xin cô cho biết những vui buồn "giây phút lang thang" mà cô đã từng trải qua"

PVTM: Vì lương tâm nghề nghiệp lôi kéo, tôi không muốn bỏ tin nào, mà nhà thì ở rất xa khu thương mãi Eden, không có thì giờ về nhà nghỉ ngơi, nên tôi thường phải ăn vội rồi tìm một bóng cây nào mát, đậu xe lại nghỉ ngơi một chút để có sức tiếp tục lấy tin buổi chiều. Tôi không lê bước chân lang thang trên đường phố nhưng cũng rất vất vả lúc đi lấy tin.

VP: Hầu hết những người làm báo ở Hải Ngoại là nam giới, rất ít trường hợp nữ giới. Cô có gặp khó khăn gì trong những ngày đầu cầm bút nơi xứ người" Cái nhìn của những người đồng nghiệp trong giới cầm bút khác"

PVTM: Nhiều độc giả tỏ lòng quý mến tôi, phụ nữ viết tin nhẹ nhàng, pha chút tình cảm, văn chương bay bướm làm cho người đọc cảm đọng. Còn với đồng nghiệp thì có nhiều người đố kỵ, xuyên tạc , chụp mũ.. . Nhưng trước khi "ra quân" tôi đã chuẩn bị tinh thần, mặc áo giáp và mang giày đinh, nên khi bị bắn tôi không ngã và có thể tiếp tục dẫm lên chông gai tiến bước.

VP: Thông thường viết một bài tường thuật về những sinh hoạt cộng đồng, cần phải có tư liệu. Điều này bắt buộc một phóng viên phải đến những nơi xãy ra sự việc, xin cô cho biết mỗi lần đi như vậy, các chủ báo có trang trải những chi phí ấy" Và mỗi lần viết bài, cô có được nhuận bút"

PVTM: Nhà báo không trả chi phí nào cả, không tiền nhuận bút, cũng không tiền cho tôi mua vé vào cửa (khi tham gia các buổi văn nghệ). Thỉnh thoảng có một hai nhà báo gởi cho vài chục đổ xăng. Tôi ao ước được bà con tiếp sức để đủ sức chạy đường dài, tuy nhiên nếu không ai cho thì tôi cũng "mang ơn" các báo đã đăng bài của tôi, cho tôi cơ hội, cho tôi phương tiện để ước nguyện phụng sự xã hội của tôi được hữu hiệu hơn.
Mỗi khi biết bài của tôi được nhiều báo chí địa phương cũng như diễn đàn vi tính nhiều nơi trên nước Mỹ và Úc Châu, Âu Châu, Canada... trích đăng lại, tôi cảm thấy vui lắm. Vui không phải vì được nổi tiếng, mà vui vì mình truyền đạt được nhiều điều mình muốn tới nhiều người, nhất là những bản tin về chính trị.

VP: Là một người phụ nữ, và cũng là một phóng viên tin tức trong cộng đồng, xin cô cho độc giả biết làm sao cô có hoàn tất được việc gia đình và việc xã hội"

PVTM: Lúc đầu ông xã tôi rất phiền hà về việc cuối tuần tôi không có mặt ở nhà, mà có ở nhà thì tôi ngồi lì bên computer để viết bài, rồi điện thoại reo suốt ngày. Đầu óc tôi bị chi phối rất nhiều bởi những diễn biến chính trị bên ngoài, tôi cứ đem những băn khoăn lo lắng về thời cuộc chia sẻ với anh ấy, không còn thì giờ để săn sóc, vui chơi như trước đây, nên bị "rầy rà". Nhờ đi chùa tôi tập được đức tính nhẫn nhục và với thời gian tôi đã thuyết phục được anh ấy chấp nhận "hy sinh" để tôi có thể đem khả năng mình ra phụng sự xã hội. Tôi không ngại khổ cực hay hao tốn, chỉ khổ tâm khi bỏ ông xã nằm nhà một mình cuối tuần.

VP: Được biết ngoài viết báo, cô cũng là một người yêu nghệ thuật. Cô thường tham gia văn nghệ, ca hát, tổ chức văn nghệ gây quỹ cho chùa chiền, các hội từ thiện, các hội đoàn. Có bao giờ cô cảm thấy mệt mõi"

PVTM: Tôi có máu nghệ sĩ nên đã học ngâm thơ, học hát, học đàn từ nhỏ. Người có tâm hồn nghệ sĩ thì không gì thích thú hơn là được lên sân khấu trình diễn. Hát vừa vui mà còn ra tiền cho những công tác từ thiện giúp người, giúp đời thì không mệt chút nào cả. Tôi thích nhất là trình diễn những màn thi nhạc giao duyên.

VP: Vâng, thưa cô. Cá nhân chúng tôi cũng có đôi lần nghe cô ngâm thơ, cũng như giao duyên thi nhạc.
Trong thời gian hơn hai năm sinh hoạt trong giới cầm bút như văn nghệ cộng đồng, xin cô cho biết cái nhìn của cô về Cộng Đồng người việt Hải Ngoại nói chung, cộng đồng người Việt vùng Hoa Thịnh Đốn nói riêng"

PVTM: Tôi rất buồn về CĐVN và bi quan về viễn ảnh của đất nước. CS có nhiều tiền và nhân lực và chiến lược, trong khi CĐ chỉ trông cậy vào quyết tâm đấu tranh của một nhóm người thiện chí, mà nhóm này rất chia rẽ. Không riêng gì giữa nhóm này với nhóm nọ mà ngay trong một nhóm cùng màu áo cũng đố kỵ, ganh ghét nhau, đâm sau lưng nhau, làm sao chiến thắng được CS"

VP: Còn về tuổi trẻ Việt Nam tại Hải Ngoại thì sao, thưa cô" Cô nghĩ liệu họ có còn tiếp tục "nhớ về cội nguồn" hay là rồi đây họ sẽ hòa nhập vào cuộc sống mới tại Hoa Kỳ"

PVTM: Mấy lúc sau này được dịp tiếp xúc với các sinh viên hội "Kết Đoàn", hội "Văn Hoá và Khoa Học", các em trong trại Hè Về Nguồn, các em trong nhóm Lịcfh Sử Việt...tôi rất phấn khởi thấy có nhiều em có tinh thần rất cao, nhớ về cội nguồn. Các em đó cho tôi niềm tin cuộc chiến đấu đòi tự do, dân chủ cho quê nhà sẽ có giới trẻ nối tiếp. Tuy nhiên có nhiều em xác định lập trường, chỉ hoạt động văn hóa, xã hội chứ không thích chính trị. Có lẽ các hội đoàn trẻ cần có Ban Cố Vấn gồm những người lớn có kinh nghiệm, có lập trường vững chắc và phải tích cực hơn trong việc "cố vấn" các em đi đúng hướng. Cố vấn không thể là những người "ngồi chơi xơi nước" không có quyền quyết định. Quyền quyết định của hội không thể nằm trong tay những mạnh thường quân, ai bỏ ra nhiều tiền.

VP: Vậy thì, cô có ước mơ gì ở tương lai"

PVTM: Ước mong được các báo tiếp tục hỗ trợ để tin tức của Tôi được phổ biến rộng rãi khắp nơi và tha thiết ước mong có một ngày được về quê hương, nhưng phải là một ngày về vinh quang, về trong niềm vui chiến thắng, đất nước thật sự có dân chủ, tự do và dân giàu, nước mạnh.

VP: Thay mặt độc giả trong vùng Hoa Thịnh Đốn, xin chân thành cám ơn cô rất nhiều. Kính chúc cô luôn dồi dào sức khoẻ để làm nhiều việc ý nghĩa để giúp đời, giúp người theo đúng "bản ngã" của nhà Phật.
PVTM: Cảm ơn Võ Phú đã dành cho cuộc phỏng vấn này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.