Hôm nay,  

Ngoại Giao Hoa Kỳ Dưới Thời Condi

13/01/200500:00:00(Xem: 5247)
Chánh sách đối ngoại Hoa Kỳ sẽ có hai mặt văn-võ. Quốc phòng là võ, Ngoại giao là văn. Nhưng dưới quyền Condi Rice, trong văn vẫn có võ....
Condoleezza Rice là nhân vật khác thường.
Là một phụ nữ khoa bảng đã đi vào chính trường và an ninh quốc tế, Condi làm gì cũng có chữ nhất. Giám hiệu trẻ nhất của một Đại học hạng nhất, rồi Cố vấn An ninh trẻ nhất, lại duy nhất là phụ nữ da đen. Hơn thế, bà còn là người bạn thân nhất của Tổng thống George W. Bush trong vị trí quan trọng nhất của Nội các là Tổng trưởng Ngoại giao.
Là con người ngoại hạng, Ngoại trưởng Condi Rice sẽ điều khiển chánh sách ngoại giao Hoa Kỳ như thế nào"
Đối sách của Hoa Kỳ
Chánh sách ấy do Tổng thống Bush quyết định. Condi là người thi hành cùng các nhân vật khác trong chính quyền, sau khi thảo luận, góp ý và cân nhắc. Ở vào vị trí thân tín với Tổng thống và không có tham vọng riêng tư cho cá nhân, Condi Rice sẽ mẫn cán thi hành chứ không tính toán ngầm để tìm mối lợi cho riêng mình. Phong cách phục vụ Tổng thống của bà chứng minh điều đó, đến nỗi đối phương lên giọng miệt thị và kỳ thị, khi so sánh bà là con vẹt, là gia nô da đen.
Chánh sách ngoại giao của Bush II, của chính quyền Bush trong nhiệm kỳ hai, có màu sắc của một “đế quốc dân chủ”.
Đế quốc khi chủ động đặt để những mục tiêu và phương cách vận hành cho cộng đồng quốc tế, dân chủ khi vừa chịu sự kiểm soát của nền dân chủ bên trong Hoa Kỳ vừa phát huy nguyên tắc dân chủ ấy cho các nước bên ngoài. Đế quốc này coi quyền lợi của mình là tối thượng và dám có biện pháp mạnh để bảo vệ quyền lợi đến cùng. Nhưng, lòng sùng tín với dân chủ, như một giá trị luân lý cho cộng đồng nhân loại, khiến Hoa Kỳ không thể ngang ngược dùng sức mạnh kinh tế, khoa học hay quân sự áp đặt những điều thất nhân tâm, hoặc ra mặt xâm lăng như các đế quốc khác đã từng làm. Việc Mỹ vào Iraq và khốn đốn với việc bình định rồi phải tổ chức bầu cử vào cuối tháng này, trước họng súng của quân phiến loạn và ống kính của truyền thông thế giới, cho thấy hai mặt âm dương của đối sách ngoại giao ấy.
Vụ khủng bố 9-11 có góp phần đưa tới chánh sách ngoại giao này.
Ban đầu, từ khi tranh cử năm 2000 và vừa lên cầm quyền năm 2001, ông Bush muốn Hoa Kỳ giảm thiểu bành trướng, chỉ can thiệp khi quyền lợi sinh tử bị đe dọa và hoàn tất xong mục tiêu là rút lui, để cộng đồng thế giới cùng giải quyết mâu thuẫn qua những thỏa hiệp thực tiễn về quyền lợi. Ông bảo thủ khi coi trọng quyền lợi quốc gia và dè chừng Trung Quốc như một thế lực đối nghịch mới. Nhưng ông ôn hoà khi muốn thỏa hiệp với thế giới như chính ông từng thỏa hiệp với phe Dân chủ khi còn là Thống đốc Texas. Trong cuộc tranh cử, ông chủ trương đừng chủ quan xấc xước áp dụng những giá trị của xã hội Mỹ cho xứ khác và còn phê phán việc chính quyền Clinton can thiệp vào Nam Tư, đóng quân tại Kosovo.
Vụ khủng bố bùng nổ là một đợt giác ngộ. Chính quyền ông quan niệm lại đường lối đối ngoại vì quyền lợi sinh tử và lâu dài của Hoa Kỳ bị đe dọa bởi bạo động, lầm than và độc tài mê muội ở xứ khác. Hoa Kỳ trở thành “đế quốc” vì ý hướng ấy. Và đường lối ngoại giao thực tiễn cổ điển, dựa trên những tính toán và thỏa hiệp cho một thế cân bằng, một trật tự toàn cầu, đã mất dần ảnh hưởng trong chính quyền.
Qua nhiệm kỳ hai, khi hết bị ràng buộc bởi một tấm lịch và nhiều tính toán tranh cử, ông Bush sẽ thực thi đuờng lối ngoại giao mới: Hoa Kỳ sẽ dùng mọi phương tiện – kinh tế, viện trợ, ngoại thương, ngoại giao và cả võ trang – để đảo lộn trật tự cũ và xây dựng một trật tự mới, dựa trên sức mạnh của dân chủ, kinh tế thị trường và trên sự sợ hãi bạo lực, bạo lực của quân khủng bố hoặc của Hoa Kỳ. Ông Bush đi làm cách mạng chứ không làm chính trị.
Người thi hành cuộc cách mạng ấy về mặt ngoại giao là Condoleezza Rice.
Phương cách của Condi
Xuất thân từ giới khoa bảng ưu tú, được đào tạo theo xu hướng bang giao cổ điển nhuốm mùi Âu châu, Condi Rice có quan niệm về bang giao theo trường phái thực tiễn, y như ông Bush trước ngày 11 tháng Chín 2001.
Khởi đầu, bà trưởng thành trong công vụ khi làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia thời Bush 41 (George H. Bush), dưới sự chỉ huy của Trung tướng Không quân hồi hưu Brent Scowcroft. Ông này từng là phụ tá của Henry Kissinger và là Cố vấn An ninh bên Tổng thống và cho đến nay vẫn là một tiếng nói có trọng lượng theo xu hướng thực tiễn, đến nỗi nhiều lần công khai đả kích chánh sách Iraq của Bush 43.
Nhưng, Condi Rice lại khác.
Là chuyên gia về Liên Xô và Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia, bà giúp Scowcroft và Bush 41 trù hoạch đối sách của Mỹ khi Liên Xô tan rã và góp phần tạo ra đổi thay lớn trên cả lục địa Âu-Á mà không gây đổ máu. Đế quốc Xô viết tiêu vong, toàn khối Đông Âu được giải phóng và nay đang trở thành... Tây Âu.
Kinh nghiệm của cuộc đổi đời bất thường này khiến Condi có dịp duyệt lại quan niệm ngoại giao cổ điển dựa trên những thỏa hiệp thực tế về quyền lợi, bất chấp quyền lợi hay nguyện vọng của người dân. Chính nguyện vọng người dân đã phá vỡ mọi thỏa hiệp giữa phe dân chủ Tây phương và khối cộng sản độc tài. Cái khéo của hai bên là không gây động loạn và tổn thất nhân mạng.

Vụ khủng bố 9-11 là kinh nghiệm thứ nhì khiến Condi Rice thấy ra giới hạn của chủ trương ngoại giao thực tiễn: những thỏa hiệp liên tiếp của Hoa Kỳ với Saudi Arabia, Iran, Iraq, Syria và cả giải pháp hoà giải tại Palestine, đều không ngăn được phong trào khủng bố trong thế giới Hồi giáo, như làn sóng đáy bất ngờ nổi lên và đập vào nước Mỹ.
Bốn năm làm Cố vấn An ninh bên Tổng thống, Condi Rice còn thu thập nhiều kinh nghiệm trong ngoài. Bên trong là cả trăm đòn hành chánh nội bộ - gần nhất là của phủ Phó Tổng thống, các bộ Ngoại giao, Quốc phòng và cơ quan tình báo - nhằm tác động vào Tổng thống và bộ máy chính quyền. Bên ngoài là cả ngàn vấn đề an ninh dưới muôn hình vạn trạng, hàng ngày được đưa lên cấp lãnh đạo để lấy quyết định và đưa xuống dưới để thi hành. Giải quyết được ngần ấy khó khăn về công vụ hầu biết được ưu tiên và chọn giải pháp ứng phó kịp thời là điều mà các bộ trưởng “dân sự” khác ít gặp.
Condi Rice đã qua bốn năm ở trong mắt bão như vậy và lại có thế tựa rất mạnh mà tình bạn chung thủy của Tổng thống, nên tất cũng học được nhiều kinh nghiệm đối phó. Mà vì không có lịch trình tranh cử hay tính toán chính trị gì cho bản thân trong những năm tới, Condi sẽ rộng tay lao vào cuộc cách mạng về đối ngoại. Các đối thủ của Hoa Kỳ sẽ rất mệt, và càng mệt nếu không hiểu được quyết tâm của Ngoại trưởng mới. Bà ăn nói nhỏ nhẹ nhưng không nhượng bộ. Chúng ta có thấy điều đó từ mấy tuần qua.
Chưa ra trận đã ra đòn
Dù xoi mói đến mấy, truyền thông Hoa Kỳ vẫn không thấy là chưa ra trận, Condi đã ra đòn.
Đa số đều dự đoán là một Phụ tá Ngoại trưởng, thuộc xu hướng “tân bảo thủ” và gần gũi với cả Phó Tổng thống lẫn bộ Quốc phòng là John Bolton sẽ tiếp tục ở lại bộ Ngoại giao và có khi còn được nâng lên hàng Thứ trưởng để thành nhân vật số hai của bộ. Nghĩa là bên Tổng trưởng Ngoại giao, Phó Tổng thống Dick Cheney và Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đã có một người thân tín của mình.
Không ai ngờ là Condi Rice chọn Đại sứ Robert Zoellick, Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ, một người dày kinh nghiệm ngoại giao và ngoại thương và có biệt tài thương thuyết., lại rất được Tổng thống quý trọng. Bà chọn lấy Thứ trưởng của mình và nhờ vậy còn để một chỗ trống cho Tổng thống đề cử một nhân vật khác vào vị trí chiến lược ấy. Ngoài Zoellick, Condi còn chọn hai người làm phụ tá là Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Nicholas Burns và Robert Joseph, phụ tá thân cận của mình trong Hội đồng An ninh Quốc gia.
Cả ba người Zoellick, Burns và Joseph đều có khả năng về đối ngoại và an ninh. Cả ba đều am hiểu hồ sơ Liên bang Nga và cùng thuộc trường phái thực tiễn, không cực đoan giáo điều như các nhân vật “tân bảo thủ”. Và cả ba đều từng làm việc với Condi, trong chính quyền Bush 41 hoặc 43. Họ đã cùng nhau góp phần làm Đế quốc Xô viết tan rã và chuyển hoá toàn cõi Đông Âu ra một chế độ cởi mở dân chủ hơn.
Condi Rice có mắt tinh đời, có bạn thân tín và có một Tổng thống hoàn toàn tin cậy mình.
Kinh nghiệm Liên Xô và Khủng bố cho thấy là thế giới ngày nay không chỉ có Liên bang Nga để đối phó. Mà nếu cần đối phó thì cả bốn người cầm đầu bộ Ngoại giao Mỹ đều có kinh nghiệm. Đây là tin vui cho Ukraine, Viktor Yushchenko, Yuliya Tymoshenko và xu hướng dân chủ trong các nước hiện vẫn còn bị Liên bang Nga khống chế.
Sau bốn năm làm cố vấn Tổng thống, Condi Rice hiểu rõ tâm tư của Bush và đối sách của Hoa Kỳ như lòng bàn tay vì đã ở vào vị trí chủ chốt về hoạch định. Do đó, bà biết là Mỹ cùng lúc đưa ra cây gậy lẫn củ cà rốt, vừa dọa vừa dụ, để các nước cùng có quan điểm thuận lợi hơn với mục tiêu của Hoa Kỳ. Và nhất là sẽ góp phần phát huy dân chủ, nâng cao dân trí và mức sống qua phát triển kinh tế tự do và phát huy giáo dục cởi mở.
Về cây gậy, Mỹ sẽ xẵng giọng và sẵn sàng phũ tay tồi tàn tại Trung Đông, với các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Phần vụ tàn khốc đó sẽ do Tổng trưởng Quốc phòng và các tướng phụ trách, với sự hỗ trợ của Cố vấn An ninh Quốc gia mới là phụ tá cũ của Condi. Họ sẽ thủ vai ông Ác, khiến ngôn ngữ ngoại giao của Condi có sức thuyết phục cao hơn.
Phần mình, Ngoại trưởng Condi Rice sẽ mở rộng sự can thiệp chủ động, tích cực, triệt để và riết ráo trên toàn thế giới. Mậu dịch, đầu tư, viện trợ, an ninh, phát triển, ngần ấy lãnh vực đều trở thành một phương tiện hợp nhất của ngoại giao. Bà cầm củ cà rốt, nhưng là củ cà rốt bằng thép. Với nhiều đơn vị của quân lực và mấy chục hiệp định thương mại và đầu tư do Robert Zoellick đã thương thảo trong mấy năm qua. Và bà đã thấy sức mạnh của dân chủ lẫn sự yêu ma của khủng bố nên sẽ lạnh lùng thi hành chánh sách ngoại giao Bush, với nụ cười của một nữ sinh đa den. Ngoài Trung Đông, trong vài năm tới, các khu vực Âu châu, Đông Á và Tây bán cầu (Mỹ châu La tinh) sẽ nhận ra sự khác biệt ấy.
Con người sắt thép này tin vào Thượng đế và Tổng thống, ít gây tiếng động và không cần vuốt ve báo chí. Nên càng đáng sợ cho các đối thủ của Hoa Kỳ và kẻ thù của dân chủ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.