Hôm nay,  

George Soros - Người Hùng Nước Hung

10/11/200400:00:00(Xem: 5169)
Khi Bush thắng cử, buồn nhất sau Nghị sĩ John Kerry có thể là tỷ phú George Soros. Ông đã nói là Bush mà thắng thì mình sẽ vào tu viện. Đừng vội tin....
Hôm mùng sáu tuần qua, đài BBC đã có chương trình phỏng vấn George Soros, hình như là lần thứ tư thứ năm kể từ nhiều năm nay.
Nhân vật này thuộc loại người phi thường với thành tích lạ thường.
Năm 1992, trong có hai ngày ông đã kiếm lời một tỷ hai trăm triệu Mỹ kim khi đầu tư để đánh sụt đồng Anh kim khiến Anh quốc rút lui khỏi hệ thống tiền tệ Âu châu. Từ đó, Soros có hỗn danh là người đánh xập Ngân hàng Anh quốc. Thiên hạ chóa mắt vì thành tích ấy mà quên rằng vài năm sau, ông mất toi 600 triệu khi dùng đòn ấy đánh đồng Phật lăng Pháp và cũng mất bộn khi đầu tư vào Liên bang Nga.
Trong cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ, ông tung ra 450 triệu, trong đó có 23 triệu được công khai cho biết là đầu tư vào 17 tiểu bang để đuổi George W. Bush ra khỏi tòa Bạch Cung. Hệ thống MoveOn.org của ông là con ngựa chiến của phe Dân chủ, không minh nhiên ủng hộ John Kerry - vì sẽ phạm luật - nhưng trì chí tấn công Bush với những đòn độc địa nhất.
Nhưng George Soros là ai"
Ông sinh năm 1930 tại Hung Gia Lợi, thiếu thời đã nếm mùi Đức quốc xã, sau đó là Cộng sản, cho tới khi di cư qua Anh quốc, năm 1947. Ông làm mọi việc vặt kể cả đi giao sữa để có tiền học và đã tốt nghiệp London School of Economics. Trong những năm học hành, Soros đã đặc biệt chú ý đến công trình nghiên cứu của một ông thầy là triết gia về khoa học Karl Popper. Phát huy sáng tạo, ông ứng dụng học thuyết của Popper vào kinh tế và kinh doanh, để tự mình lập ra một trường phái riêng.
Ông viết sách giới thiệu lý thuyết đó. Tác phẩm đầu tay này, theo lời tác giả, hay nhất là ở cái tựa. Còn lại thì có nội dung rối mù. Sách bán được dăm ba cuốn. Không nản chí bầu cua, Soros tìm cách áp dụng lý luận của mình vào chuyện kinh doanh.
Lý luận đó, nói cho đơn giản, có thể được gọi là tính tương hằng (hay biện chứng) của tâm lý thị trường: các tác nhân của thị trường chi phối lẫn nhau nên thường xuyên làm đổi thay cái thế quân bình nguyên thủy chỉ có trên lý thuyết. Thực tế có chi phối tư duy nhưng cũng bị tư duy ảnh hưởng trong một vòng luân lưu bất tuyệt. Thuyết reflexivity đó chỉ ra một yếu tố: nếu nhìn ra sự vận hành này, người ta có thể thấy được những thất quân bình sẽ nghiêng đổ. Cứ nương theo đó mà tính đòn kinh doanh, có khi sẽ lời lớn!
Chàng Soros ở tuổi trung niên chỉ có thể áp dụng học thuyết của mình trong một môi trường đặc biệt tự do. Môi trường đó là Hoa Kỳ.
Năm 1956, ông di cư qua Mỹ, làm việc trong ngành đầu tư tài chánh và hai năm sau lập cơ sở giao dịch riêng, chuyên buôn bán ngoại tệ. Ông là sáng lập viên của quỹ đầu tư Quantum Fund, với thành tích là từ 15 triệu ban đầu đã hái bạc tỷ trong có chục năm. Nhờ áp dụng chính học thuyết do ông đề ra.
Kể từ đó, lời nói của Soros có thể làm rúng động thị trường tài chánh thế giới (tư duy chi phối thực tế!) và ông đánh đâu được đấy, với thành tích chói lọi là làm Ngân hàng Trung ương Anh quốc điêu đứng năm 1992: thấy ra cái thế tất đổ thì đặt quả cân một ký có thể lật đổ một tấn!
Nhưng Karl Popper cũng để lại một học thuyết đáng chú ý là con người bất toàn không thể nắm vững chân lý của mọi việc, nên phải có tinh thần cởi mở, chấp nhận phê bình và xét lại. Tác phẩm Xã hội Cởi mở và Những kẻ thù của nó do Popper xuất bản năm 1944 đã chi phối tư duy của Soros. Ông chủ trương là trong một xã hội không ai có độc quyền chân lý, bắt người khác phải theo. Đấy là điều kiện tiên khởi của dân chủ, của đa nguyên.
Năm 1979, Soros lập ra một sáng hội vận động cho tư tưởng đó, Open Society Fund bắt đầu xuất hiện và năm 1984 đã làm khối Xô viết chóng mặt. Tỷ phú Soros nhớ về quê hương cũ, từng bị Đức quốc xã rồi Cộng sản thống trị, nên sẽ phải có ngày phục hưng. Ai đó đấu tranh cho dân chủ hoặc chống lại sự thống trị của Liên xô, chứ ông, ông sẽ đi từ dưới lên: phát huy tinh thần cởi mở trong xã hội dân sinh. Ông bỏ ra 850 triệu Mỹ kim để người Hung phát triển tinh thần cởi mở.
Sau đó, bất cứ nơi nào có chế độ độc đảng hay độc quyền chân lý của nhà nước là đều được Soros chú ý, kể cả Liên xô, sau này là Liên bang Nga. Ông trở thành nhà từ thiện khét tiếng, rải tiền cho các tổ chức thiện nguyện reo rắc tư tưởng cởi mở từ Ba Lan, qua Mông Cổ, vào Trung Quốc, xuống tới Nam Phi... Ông cho biết là những người lãnh đạo kinh tế Trung Quốc ngày nay đã kinh qua lò đào tạo Xã hội Cởi mở của ông.
Tiền bạc hả" Soros coi như... phân bón, nên rải không nên gom! Ông là tay activist đáng sợ, vì có phương tiện quá sức dồi dào - tài sản trị giá hơn bảy tỷ Mỹ Kim - khó chính quyền nào ngửi nổi. Nhất là khi ông chủ trương là các chính quyền phải cho phép tự do tiêu thụ và phân phối cần sa: quy luật thị trường sẽ khiến cần sa sụt giá và bớt gây tai họa cho người nghèo.
Năm ngoái, Liên bang Nga cho đóng cửa trụ sở của Open Society Fund; tại Cộng hoà Ukraine; hồi tháng Ba vừa rồi, ông bị tạt nước và mù tạt vào mặt: các nhóm quốc gia kết án là ông tung tiền lũng đoạn chính trị xứ này như đã làm tại Cộng hoà Georgia. Nếu là người Việt, ông đã có tên là Sáu Quậy: tung tiền lũng đoạn là nghề của chàng. Cách đây hai năm, Soros bị Pháp tuyên án phạt hai triệu hai vì tội giao dịch tay trong để trục lợi hơn hai triệu đô la trong việc mua ngân hàng Société Générale.
Nhìn lại cuộc đời ông, ta thấy Soros lập nghiệp ở tuổi 30, đến 40 bắt đầu phất, trở thành tỷ phú vào tuổi 50. Kể từ đó, ông mở rộng hoạt động qua lãnh vực xã hội, là một mạnh thường quân cho nỗ lực giải phóng các quốc gia bị ách độc tài. Từ đầu thập niên 1990, Soros giảm dần hoạt động kinh doanh và tản quyền cho người khác, kể cả hai con trai của ông. Phần mình, ông làm đại hiệp xen vào chuyện giang hồ quốc tế. Nơi nào có sự bất bình là nơi đó có Soros xuất hiện, để gây rối và tạo ra những lối nhìn mới, lối suy nghĩ hành xử mới. Các chế độ độc tài đều ớn con người kỳ quái ấy.
Nhưng, ông trở thành nhân vật chính trị, dù không là chính trị gia, ở vào tuổi 70, ngay trên quê hương thứ hai của mình là Hoa Kỳ.
Trước hết, ông nhìn ra những bất toàn của chủ nghĩa tư bản và hiện tượng toàn cầu hóa, những nhược điểm có thể đe dọa khái niệm xã hội cởi mở của ông.
Là một trùm tư bản và hưởng lợi nhiều nhất nhờ toàn cầu hoá và luồng trao đổi hơn một ngàn tỷ Mỹ kim ngoại tệ mỗi ngày, trong vòng xoay không ngừng của một thị trường mở cửa 24 tiếng suốt bảy ngày một tuần, Soros bắt đầu đặt vấn đề với hệ thống tài chánh quốc tế và cả khái niệm tư bản, tự do giao dịch. Ông còn đả kích những thế lực ngoài thị trường, phi kinh tế - chủ yếu là giới chính trị - làm xã hội mất dần giá trị đạo đức. Cái giá trị đạo đức vừa làm John Kerry thất cử. Ông gây rối với thế giới tư bản, khi các nước cộng sản vừa được giải phóng đang mon men nhập cuộc và muốn có tư bản, muốn trở thành tư bản.... Rốt cuộc, chẳng ai biết là Soros muốn gì nữa.

Như một ông già khó tính, Soros viết sách phàn nàn về mọi chuyện, và đòi cải tạo bộ mặt thế giới, với cái giọng kẻ cả của người nắm vững chân lý cuộc đời. Sau cuốn Khủng hoảng của Tư bản Toàn cầu xuất bản năm 1998 (trong cái trớn của cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1997), thày thuốc Soros kê toa chữa bệnh với cuốn Xã hội Cởi mở: Cải cách Tư bản Toàn cầu, và gần đây hơn, vào năm 2002, ông luận về toàn cầu hoá và về nhu cầu cải tổ toàn bộ kiến trúc tài chánh của thế giới với ngôn ngữ của Thánh sống.
Với Soros, giải Nobel về Kinh tế cũng còn nhỏ, chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới hay Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ là chuyện vặt. Ông trở thành bậc giáo chủ đơn côi trên đỉnh, nói về những điều mà kẻ phàm tục không thể hiểu. Ở vào vị trí đó, Soros chỉ còn đối thoại với Thượng đế. Hoặc kiếm chuyện với Tổng thống. Mà phải là Tổng thống Mỹ mới xứng tay.
Vụ khủng bố 9-11 xảy ra, Tổng thống George W. Bush khẳng định: rằng các quốc gia trên thế giới phải chọn lựa, hoặc chống khủng bố, hoặc trở thành đồng lõa với khủng bố, và rằng Hoa Kỳ tự cho mình quyền tấn công trước, khi thấy bị đe dọa, chứ không để tái diễn một vụ 9-11 được nữa. Xưa nay, chuyện tấn công trước để trừ hậu họa thì xứ nào cũng làm, lãnh tụ nào cũng muốn, nếu có khả năng. Bush không là người đầu tiên. Và cũng không là tổng thống Mỹ đầu tiên chủ trương việc đó. Còn lối phân định bạn thù phân minh với khủng bố, trong bài diễn văn Bush đọc trước khoáng đại Quốc hội, với sự cổ võ của cả hai đảng, cũng chỉ là một cách trình bày ý chí quyết liệt của nước Mỹ khi bất ngờ bị đánh thủng ruột gan và túi tiền. Đồng ý hay không, ta có thể bàn, hay tranh luận.
Với giáo chủ Soros, đó là một tội không thể tha thứ. Ông cho là Bush có phản ứng Phát-xít. Ông kết án là Hoa Kỳ duới sự lãnh đạo của Bush chủ trương là Mỹ cũng đánh ai cũng được, và các nước khác không còn chủ quyền gì cả, hoặc có loại chủ quyền hạng hai, thấp kém bên dưới vị trí độc bá ngang ngược của nước Mỹ. Không thiếu gì người cũng bất đồng với quan điểm ấy của ông Bush và nói ra rất rõ điều đó.
Soros không chỉ nói mà còn làm, và còn làm với thế lực tiền bạc của mình. Kể từ đó, ông quá đà....
Soros kết án là Bush đã dựng ra Al Qaeda, Bush tự xưng là có sự ân sủng của Thượng Đế, Bush không chấp nhận bị phê bình chỉ trích, Bush sẽ khiến nạn khủng bố kéo dài, Bush sẽ diệt mất quyền tự do của xã hội con người, sẽ phá vỡ trật tự toàn cầu hóa. Nghiêm trọng hơn cả, Bush đe dọa khái niệm xã hội cởi mở của con người, tức là của bản thân ông. Trong một khía cạnh nào đó, tỷ phú George Soros có sự tự tin đến độ kiêu mạn của tỷ phú Ross Perot, người đã làm George H. Bush thất cử năm 1992 khi chia phiếu đảng Cộng hoà trong cuộc tranh cử với Bill Clinton.
Trong cuộc tranh cử Tổng thống manh nha từ 2002, Soros nhập cuộc để Bush thất cử.
Khi được đảng Dân chủ đề cử, Nghị sĩ John Kerry trở thành người hùng của ông, bất kể những quan điểm mơ hồ và đầy mâu thuẫn của Kerry về kinh tế thế giới - là lãnh vực sở trường của Soros. Nhờ đạo luật cải cách chế độ tài trợ tranh cử McCain-Feingold, Soros có thể tung tiền vào bầu cử, miễn là không minh nhiên ủng hộ Kerry. Chỉ cần tấn công Bush là đủ.
Ông khéo lánh mặt để không trực tiếp gặp gỡ Kerry hầu tránh tội giao dịch tay trong, là có toa rập với một phe. Tổ chức MoveOn.org của ông là con ngựa chiến chống Bush, đón bắt và khuếch đại mọi tin tức bất lợi cho Bush và xoay thành khẩu đại pháo, nã đạn vào Bush qua truyền thông, báo chí và truyền hình, nhất là qua mạng lưới Internet. MoveOn còn trở thành căn cứ địa của những lập luận chính trị và kinh tế thiên tả, nằm bên cánh trái của đảng Dân chủ, những lý luận chửi cha thành quả kinh doanh của Soros thời trước.
Quên mất mình cũng là tỷ phú, Soros kết án chính quyền Bush là có sự hỗ trợ của tài phiệt tỷ phú. Tìm hiểu kỹ người ta mới đoán là ông ám chỉ tỷ phú Rupert Murdock, một doanh gia người Úc về truyền thông tại nhiều quốc gia và người sáng lập hệ thống truyền hình Fox News, một hệ thống bị kết án là thiên về đảng Cộng hoà. Trong một chừng mực nào đó, Murdock giàu không kém Soros mà còn gây ảnh hưởng lớn lao hơn, dù kín đáo hơn. Một tội không tha thứ được. Tỷ phú gốc Hung và tỷ phú gốc Úc lâm trận trên đất Mỹ, trên cùng trận tuyến tự do ngôn luận và quyền bình đẳng của các công dân!
Người ta còn ngờ rằng tay chân của Soros đã tung tiền vào thị trường cá cược điện tử TradeSports tại Dublin của Ireland để đánh sụt trị giá của cổ phiếu Bush trên thị trường đầu tư này sau mỗi cuộc tranh luận vào tháng 10. Ông mất tiền toi trong vụ đó vì trị giá cổ phiếu Bush vẫn tăng như cũ. Cùng với thị trường Iowa Electronic Market, TradeSports là nguồn thông tin chính xác nhất về sự thắng cử của Bush, hơn hẳn các trung tâm thăm dò ý kiến. Nhưng, với Soros, thiệt hại tiền bạc đó chỉ như muỗi đốt gỗ.
Thiệt hại nặng nhất là Bush thắng lớn. Và Soros được đặt câu hỏi: nếu vậy, ông có vào tu viện như đã hẹn không"
Tất nhiên là không. Ông cũng không từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ, vẫn ở tại Mỹ, và vẫn trụ rất vững. Tôi tự hào là sẽ đứng vững, Soros trả lời đài BBC như vậy.
George Soros cho rằng nước Mỹ chỉ vĩ đại khi chấp nhận chỉ trích. Nhìn theo một khía cạnh nào đó, nước Mỹ vĩ đại thật, vì cho phép một tỷ phú tung bạc triệu để đả kích tổng thống và khuynh đảo bầu cử. Nhưng, khi thị trường đã ra phán quyết, bằng lá phiếu cử tri, ông trở thành kẻ đánh ngược sóng, đánh với cả trị trường. Một nhà đầu tư tinh tế tất đã bảo Soros rằng không nên đánh lại thị trường như vậy.
Nhưng nói cũng bằng thừa, Soros hết là nhà đầu tư: sự kiêu mạn là cái bệnh có khuynh hướng gia tăng cùng với thế lực bạc tiền. Soros trở thành một Don Quichotte loay hoay với cái cối xay gió.
Sự ngang ngược của Soros - chẳng thua kém gì Bush - khiến ông bị tẩu hỏa nhập ma và lý thuyết reflexivity đang vận hành: lối suy nghĩ của nhà tư tưởng có tác động vào thị trường và Soros có góp phần tạo ra một hình ảnh cực kỳ bất lợi cho John Kerry. Người ta cho là Kerry thất cử một phần cũng vì những quá quắt của một thiểu số có tiền, cứ tưởng rằng thế lực tiền bạc của mình cho phép mình phán ra chân lý mà quần chúng nên nghe. Quần chúng nổi đoá, MoveOn của Soros trở thành MoveOut cho Kerry. Người đánh xập Ngân hàng Anh quốc đã gây khủng hoảng cho đảng Dân chủ Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.