Hôm nay,  

Nước Việt, Dân Việt, Bầu Cử Mỹ: Hà Nội, Dân Việt Tị Nạn Chờ Đợi Gì?

29/10/200400:00:00(Xem: 23060)
Hoa Thịnh Đốn.- Nước Mỹ sẽ có Tổng thống mới sau ngày 2-11-2004, dù người đó là George W. Bush, đương kim tổng thống thuộc đảng Cộng Hoà hay thượng nghị sỹ John Kerry của đảng Dân Chủ. Nhưng nước Việt và người Việt có chịu ảnh hưởng gì về quyết định bỏ phiếu của cử tri Hoa Kỳ "

Trước hết gì, nếu nhìn từ phía Hà Nội thì tiếng nói của đảng Cộng sản Việt Nam đối với cuộc bầu cử ở Mỹ không tạo được ảnh hưởng nào trong dư luận cho nên Hà Nội đã nín thinh chờ đợi. Nhưng thái độ chính trị của chính phủ Việt Nam đối với chính quyền Hoa Kỳ, dưới thời tổng thống Bush thì rõ rệt.
Hà Nội đứng hẳn về phía các nước Ả Rập chống quyết định của tổng thống Bush đơn phương đem quân đánh Iraq, lật đổ Saddam Hussein vào tháng 3/2003 mà không được Liên Hiệp Quốc đồng ý. Hà Nội bảo Mỹ đã vi phạm công pháp quốc tế khi đem quân xâm lăng một quốc gia có chủ quyền và gọi hành động này đi ngược lại việc Hoa Kỳ luôn luôn kêu gọi các nước khác phải tôn trọng nhân quyền, nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Việt Nam lúc đầu cũng phản đối nhưng im lặng trước cuộc tấn công lật đổ chính phủ Taleban ở Afghanistan vào cuối năm 2001 vì đã ủng hộ lực lượng khủng bố al-Qaida và để cho lãnh tụ của nhóm này, Osama bin-Laden ẩn náu và sử dụng lãnh thổ lập các căn cứ huấn luyện.
Cuộc tấn công này có mục tiêu chính là phá hủy sào huyệt của quân khủng bố al-Qaida và lùng bắt Osama bin-Laden , sau khi tổ chức này công khai nhận đã thực hiện các vụ cướp máy bay chở khách để tấn công vào trung tâm thương mại Mỹ ở Nữu Ước và bộ Quốc phòng gần thủ Hoa Thịnh Đốn ngày 11-9-2001.

Thứ nhì , Hà Nội cũng không thân thiện gì với chính quyền Bush khi Hoa Kỳ liên tục đe dọa dùng thế mạnh của một cường quốc để áp chế Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và tự do của người dân, mà Hà Nội nói là “Theo như các tiêu chuẩn của Mỹ”.

Điều làm cho Việt Nam nhức nhối nhất là vào ngày 15-9-2004, khi Bộ Ngoại giao Mỹ loan báo xếp Việt Nam vào một trong số 8 nước trên thế giới phải “đặc biệt quan tâm” (Countries of Particular Concern) vì các vi phạm nhân quyền và quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyết định này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam và các khoản viện trợ hay cho vay của Ngân hàng Thế giới và Qũy Tiền tệ Quốc tế. Nó cũng có thể làm tiêu tan hy vọng xin gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (Wolrd Trade Organization) vào năm 2005 của Việt Nam , nếu Hà Nội không từ bỏ chính sách đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền.

Thứ ba, báo chí Việt Nam, kể cả các cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng CSVN đã không đưa ra ý kiến riêng của mình về cuộc tranh cử giữa tổng thống Bush và Nghị sỹ John Kerry mà chỉ thuật lại dư luận lấy từ các bài báo nước ngoài. Nhưng Hà Nội đã liên hệ bầu cử ở Mỹ với vấn đề nạn nhân chất độc Da cam ở Việt Nam. Đài Tiếng nói Việt Nam đã trích dẫn một bài báo của tờ báo Pháp Libération (Giải Phóng) đặt câu hỏi rằng liệu một Tổng Thống mới của Mỹ sẽ làm gì cho các nạn nhân của chất độc da cam"

Việt Nam đã thu góp trên 300 ngàn chữ ký của người dân ủng hộ chiến dịch kiện 37 công ty chế tạo hoá chất Mỹ ra tòa đòi bồi thường cho các nạn nhân. Hà Nội đã trưng ra các hình ảnh tàn tật hay các trường hợp bị sẩy thai liên tục của phụ nữ sống trong vùng bị rải thuốc khai quang mầu da cam trong thời kỳ chiến tranh để gây áp lực với các công ty chế tạo hoá chất và dư luận ở Mỹ.
Hóa chất mầu da cam được quân đội Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Việt nam để hủy diệt những nơi tình nghi ẩn náu của quân lính Bắc Việt và quân Việt Cộng. Các khoa học gia Mỹ của các hãng chế tạo hoá chất này cho rằng các cuộc thử nghiệm đã không chứng minh được sức tàn phá con người mà chỉ có ảnh hưởng đến cây cỏ.

NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN ĐƯỢC GÌ"
Nhưng đối với các cử tri người Mỹ gốc Việt nói riêng và trên 2 triệu người VN tị nạn Cộng sản ở rải rác trên Thế giới thì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay được họ chú tâm theo dõi hơn so với các cuộc bầu cử Tổng thống trước đây. Số cử tri Mỹ gốc Việt ghi danh bầu phiếu gia tăng hơn 4 năm trước đây, từ 400 ngàn lên khoảng 600 ngàn. Phần lớn những người này nói là họ sẽ bỏ phiếu cho ông Bush vì họ hy vọng một chính quyền Cộng Hoà Bush ở nhiệm kỳ hai có nhiều triển vọng sẽ đưa ra những biện pháp, cả kinh tế lẫn ngoại giao, làm áp lực buộc Hà Nội phải “dân chủ hoá” và chấp nhận một chế độ đa đảng.

Nhưng căn cứ vào các cuộc thăm dò dư luận trong những ngày gần bầu cử thì không ai có thể đoán được kết quả của cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc năm nay. Các chuyên viên thăm dò dư luận của các hãng chuyên nghiệp Mỹ và nước ngoài đều có cùng một kết luận rằng cuộc tranh cử giữa đương kim Tổng thống George W. Bush và Thượng nghị sỹ John Kerry của đảng Dân Chủ rất nghiêng ngửa theo lối nói của người Việt Nam là “Kẻ kia tám lạng, người này nửa cân.”

Muốn đắc cử Tổng thống, một Ứng cử viên phải hội đủ 270 phiếu của Cử tri đoàn trong tổng số 538 phiếu trên toàn nước Mỹ. Số phiếu này được căn cứ vào số đơn vị bầu cử Thượng nghị sỹ và Dân biểu tại 50 Tiểu bang.

Ngoại trừ cách phân chia phiếu Cử tri đoàn của hai Tiểu bang Maine và Nebraska, ứng cử viên nào thắng đa số phiếu cử tri bầu tại mỗi Tiểu bang thì người ấy được tất cả số phiếu Cử tri đoàn của Tiểu bang ấy.
Trên nguyên tắc thì lối bầu cử này cũng dựa vào số phiếu tín nhiệm của cử tri tại mỗi tiểu bang, nhưng lại không tính chung vào số phiếu tín nhiệm của toàn thể nước Mỹ. Vì vậy mà một ứng cử viên đắc cử có đủ số phiếu cử tri đoàn là 270, có khi lại thua số phiếu đại chúng (Populer vote) của ứng cử viên thất cử như đã xẩy ra cho cựu Phó Tổng thống Al Gore trong cuộc tranh cử với đường kim TT Busch năm 2000. Ông Gore được hơn 5 triệu phiếu hơn ông Bush, nhưng lại thua sau những cuộc tranh luận gay go trước các Toà án địa phương lên đến Tối cao Pháp viện.

Các cuộc tranh kiện kéo dài cả tháng vì những lá phiếu được gọi là “bất hợp lệ” do các máy bầu cử gây ra hoặc do việc ghi tên bầu cử không hợp lệ của người Mỹ da mầu.

Sau cùng do kết quả bỏ phiếu của các Thẩm phán Tối cao Pháp viện. Ông Bush được 5 phiếu trong khi ông Gore được 4 phiếu của tổng số 9 vị Thẩm phán. Nếu tính về phiếu ở Florida thì ông Gore chỉ thua ông Bush trên 500 nên mất luôn 27 phiếu của Cử tri đoàn. Nếu không có những lá phiếu bị loại vì “bất hợp lệ” thì ông Gore đã là Tổng thống vì Gore thắng Bush đến hơn 5000 phiếu tại Florida.
Vì vậy mà cả hai ứng cử viên năm nay, Bush và Kerry đều tập trung nỗ lực vào những ngày sau cùng của cuộc vận động tại các Tiểu bang có thể làm thay đổi cuộc diện bầu cử mà người Mỹ gọi là “Swing States” hay là “Battleground States”, quan trọng nhất là tại các Tiểu bang Pennsylvania (21 phiếu), Florida (27 phiếu) và Ohio (20 phiếu).

Nhiều cử tri gốc Việt lo ngại nếu ông Kerry đắc cử thì lập trường chính trị được gọi là “thân Hà Nội” của ông sẽ gây ảnh hưởng xấu cho cuộc đấu tranh cho Dân chủ ở Việt Nam. Nhưng những người này lại quên rằng nhu cầu quân sự và chính trị của nước Mỹ trong tình hình Thế giới bây giờ, nói riêng với Á Châu và Việt Nam, ưu tiên của Mỹ là làm sao ngăn chặn được ý định chế tạo vũ khí Nguyên tử của Bắc Hàn chứ không phải tìm cách giải thể hai chính phủ Cộng sản Tầu và Việt Nam. Cuộc khủng hoảng chính trị giữa Tầu và Đài Loan (đồng minh của Mỹ) sẽ cứ tiếp tục âm ỉ như thế, nếu Tầu không bỗng dưng “nổi chứng” tấn công quân sự quần đảo này như Bắc kinh đã nhiều lần đe dọa.

Đối với nhu cầu ổn định hoà bình thế giới và kinh tế thì ưu tiên của Mỹ trong thời gian tới vẫn là các vấn đề nan giải ở Trung Đông, trong đó quan trọng nhất là làm sao giải quyết được cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị ở Iraq để quân Mỹ có thể về nước. Rồi cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài giữa Do Thái và người Palestine; Sự khác biệt về Tư tưởng và Quyền lợi kinh tế ở vùng này giữa các nước Ả Rập ủng hộ người Palestine và Hoa kỳ ủng hộ Do Thái; Và nhất là sự đe dọa chế tạo vũ khí Nguyên tử của Iran (Ba Tư) sẽ chiếm rất nhiều thời giờ trong 4 năm tới của vị Tổng thống của nước Mỹ.

AI QUYẾT ĐỊNH "
Về nhu cầu tranh đấu cho Tự do – Dân chủ ở Việt Nam thì người Việt tị nạn không nên trông cậy hoàn toàn vào một vị Tổng thống Mỹ, dù là của đảng nào, mà phải do chính chúng ta phải làm. Chúng ta cũng biết nếu người Việt tị nạn không tự cứu mình thì chẳng ai muốn giúp chúng ta. Quan niệm ỷ lại vào người ngoài hay chỉ biết đợi người khác “rung cây cho mình nhặt quả” đã dạy chúng ta bài học ngày 30-4-1975.

Hơn thế nữa, Hiến pháp Mỹ không cho phép Tổng thống tự ý muốn giúp nước nào hay nhóm dân tộc nào mà không có phép của Quốc hội. Chỉ có các Nhà Lập pháp Mỹ mới có quyền quyết định tuyên chiến,tham chiến và chi viện nếu những việc này phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ.
Nhưng trong thời đại bây giờ, chiến thắng cũng có thể đạt được không phải bằng quân sự mà bằng kinh tế, ngoại giao và thông tin nên mặt trận này đòi hỏi người Việt tị nạn phải thay đổi suy tư trong công cuộc đấu tranh với chính quyền Hà Nội.

Đối với cuộc chiến ở Việt Nam trước năm 1975 thì có lẽ chưa ai quên việc đem quân Mỹ giúp miền Nam Việt Nam chống Cộng sản là do quyết định của hai chính quyền đảng Dân chủ dưới thời Tổng thống John Kennedy và Lyndon Johnson. Trong khi chính quyền Richard Nixon của đảng Cộng Hoà lại ép buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngồi vào bàn hội nghị thảo luận đình chiến với Mặt trận Giải phóng miền Nam và đóng vai “quan sát viên” ngoài hành lang về các cuộc thảo luận giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn (!). Ông Nixon và Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger cũng đã qua mặt chính phủ Việt Nam Cộng Hòa “đi đêm” thoả hiệp ngầm với Lê Đức Thọ của Chính phủ Hà Nội về những điều khoản ghi trong Thoả hiệp Paris mà không hề cho miền Nam biết, kể cả việc để Bắc Việt duy trì quân đội trong Nam.

Và cuối cùng cũng chính Quốc hội Mỹ, lúc ấy do đảng Dân chủ nắm đa số tại cả Hạ lẫn Thượng viện, đã biểu quyết cắt giảm viện trợ cho miền Nam từ 700 triệu xuống còn một nửa, sau khi Hoa Kỳ đã thoả mãn nhu cầu rút quân Mỹ về nước, căn cứ theo thoả hiệp giữa Mỹ và Bắc Việt ghi trong Hiệp định đình chiến và vãn hồi hoà bình năm 1973.

Những việc này của Hoa Kỳ đã đóng vai quan trọng làm cho quân lực VNCH phải thua trận vì trong hai năm sau cùng của cuộc chiến, miền Nam không còn đủ đạn dược và vũ khí chống lại các cuộc tấn công ào ạt của quân Cộng sản vẫn được khối các nước Cộng sản do Nga lãnh đạo và Trung Hoa viện trợ.
Thêm vào đó, sau khi ông Nixon bị ép buộc phải từ chức (8-8-1974) vì tai tiếng trong vụ cho người đặt máy nghe lóm tại Văn phòng Trung ương đảng Dân chủ ở khách sạn Watergate ở Hoa Thịnh Đốn (năm 1972) thì nước Mỹ sau đó, dưới thời Tổng thống Cộng Hoà Gerald Ford, lại quên đi lời cam kết của ông Nixon với Tổng thống Thiệu là Hoa Kỳ sẽ trả đũa quyết liệt nếu phía Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris đem quân xâm lăng miền Nam.

Lời cam kết này đã được ông Nixon viết bằng giấy trắng mực đen để thuyết phục Tổng thống Thiệu chấp nhận Thỏa hiệp Hòa bình 1973. Nhưng thực ra thì phía Mỹ đã “tự động đàm phán” từ đầu đến cuối tự bao giờ với phe Cộng sản và không thảo luận đến các đòi hỏi của phía VNCH.

Như vậy có ai trong Cộng đồng người Việt dám nghĩ rằng nếu Tổng thống Bush tái đắc cử thì nước Mỹ sẽ tấn công Hà Nội hay tìm cách “xoá” đi chế độ đương thời để đưa người Việt tị nạn về nước thênh thang " Hay có người nào sẽ khăn gói quả mướp “di cư” đi nước khác để tránh bị ông Tổng thống “thân Hà Nội” John Kerry trả đũa vì không bỏ phiếu cho ông ta, hay cả hai ông phải đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết"

Do đó, mà trong cuộc bỏ phiếu ngày 2-11, các cử tri người Mỹ gốc Việt không nên để quyết định sử dụng lá phiếu của mình bị ảnh hưởng bởi những cuộc bàn thảo trong phạm vi một tiệm ăn hay quanh một chiếc bàn “trà dư tửu hậu” mà nên được nhìn ra bên ngoài và nhìn về phiá trước xem có ai nghĩ giống mình không.

Và sau cùng mỗi cử tri người Việt cũng nên tự hỏi mình: “Trong ngót 30 năm qua sống ở nước ngoài, tôi đã làm được gì cho đồng bào tôi, hay tôi chỉ biết co ro ngồi một chỗ để hy vọng viển vông và sợ sệt mông lung"”
Phạm Trần (10-2004)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.