Hôm nay,  

Nhất Quốc Lưỡng Chế

16/09/200400:00:00(Xem: 4701)
Dân chúng Hong Kong đã đi bầu, kết quả cho thấy các lực lượng tranh đấu cho dân chủ chỉ thắng một cách khiêm tốn với 25 ghế trong số 60 ghế của Hội đồng Lập pháp, trong khi các thế lực thân Bắc Kinh chiếm 34 ghế. Từ mấy năm qua, các nhóm đảng đòi dân chủ đã chiếm 22 ghế, năm nay được thêm 3 ghế. Thắng lợi nhỏ này làm phe dân chủ thất vọng vì trước đó họ đã chờ đợi một chiến thắng lớn hơn để có thể kiểm soát được viện lập pháp.

Sở dĩ có những hy vọng thắng lớn là vì ngày 2-7 năm nay, dân Hong Kong đã tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ có đến 350,000 người tham dự đòi phải có bầu cử trực tiếp chọn người lãnh đạo. Người biểu tình nêu cao biểu ngữ “Trả lại quyền cho nhân dân”. Năm ngoái hơn nửa triệu dân Hong Kong đã biểu tình chống đối Đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa ban hành sắc lệnh xiết chặt tự do ngôn luận. Sau vụ chống đối họ Đổng đã phải rút lại sắc lệnh này. Từ đó các phong trào đấu tranh tiến thêm một bước đòi “dân chủ hoàn toàn cho Hong Kong”. Cho đến nay dân Hong Kong vẫn được hưởng một số tự do dân sự hơn dân Trung Quốc ở Hoa lục, như tự do ngôn luận, tự do hội họp. Năm qua họ đã tổ chức biểu tình rất lớn nhân ngày kỷ niệm Thiên an môn.

Chế độ cai trị Hong Kong có một Đặc khu trưởng do Bắc Kinh chỉ định. Ngoài ra còn có một Hội đồng Lập pháp 60 ghế. Trong số này dân chúng chỉ được bầu 30 ghế, còn 30 ghế do các nhóm nhỏ chuyên nghiệp phần lớn thân Bắc Kinh lựa chọn, thành ra Bắc Kinh luôn luôn nắm đàng chuôi để kiểm soát chặt chẽ. Đây là cái Bắc Kinh gọi là “Nhất quốc Lưỡng chế”, nghĩa là một nước hai chế độ. Từ ngữ này đã có từ ngày 1-7-97 khi Anh quốc chính thức trao trả chủ quyền Hong Kong cho Trung Quốc sau 156 năm chiếm đất này làm thuộc địa. Các cuộc điều đình kéo dài trước đó đã đi đến sự giao ước của Bắc Kinh bảo đảm cho dân Hong Kong được hưởng một số quyền tự do dân sự, một chế độ tự trị rộng rãi và một nền kinh tế tư bản ít nhất trong 50 năm tới. Tại sao Bắc Kinh chịu chấp nhận một chế độ tự trị như vậy"

Đây là một nét cốt yếu của sách lược đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Dưới thời thuộc địa Anh, Hong Kong vẫn là cửa ngõ để Trung Quốc giao tiếp với bên ngoài. Sau khi Cộng sản chiếm Hoa lục, Trung Quốc của Mao Trạch Đông bị cấm vận, kinh tế lạc hậu. Lúc đó Hong Kong là cửa hậu để Hoa lục gián tiếp xuất nhập cảng với bên ngoài. Vào đầu thập niên 90, kinh tế Trung Quốc đã đổi mới nhưng còn èo uột, giữa lúc những tiểu long kinh tế đã xuất hiện ở Đông Nam Á và Đài Loan cũng phát triển mạnh. Bởi vậy Bắc kinh bắt buộc phải giữ cho Hong Kong có một khả năng thịnh vượng như trước để thu lấy nguồn lợi xuất nhập cảng cho cả nước. Họ không dám áp đặt một chế độ khắt khe ngay tức khắc vì sợ gây bất ổn ở một nơi đã từng có cuộc sống tự do hơn một thế kỷ qua. Như vậy một Hong Kong tự trị sẽ có ảnh hưởng gì đến nội tình Hoa lục và quyền lực độc đoán của Bắc Kinh" Đảng Cộng sản Trung Quốc không e ngại chuyện này. Trước hết về địa lý chính trị, Hong Kong quá nhỏ so với lãnh thổ Trung Quốc, dân số Hong Kong chỉ có 6.8 triệu người, còn Hoa Lục có 1,200 triệu.

Mặt khác Bắc Kinh lại muốn dùng Hong Kong tự trị như một cái mẫu chào hàng để chiêu dụ Đài Loan. Bất cứ chế độ nào cầm quyền ở Bắc Kinh cũng đều phải gắn bó với chủ trương thống nhất lãnh thổ. Trung Cộng không sợ Hong Kong “ly khai” vì khi Anh quốc đã trao trả Hong Kong cho Trung Quốc được quốc tế công nhận, hiển nhiên Hong Kong là lãnh thổ của Hoa lục, không có ai mất trí mà đòi một mảnh đất nhỏ như vậy tách rời Hoa lục. Vấn đề Đài Loan lại khác, vì từ khi chế độ Quốc dân đảng của Thống chế Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo này lập một thế kình chống Cộng sản với lời thề sẽ trở lại quang phục quê hương, Đài Loan giống như một cái gai lớn xuyên vào suờn Bắc Kinh. Tuy Đài Loan không tuyên cáo độc lập để trở thành một nước Trung Hoa thứ hai, nhưng chuyện này vẫn ám ảnh các thế hệ cầm quyền ở Bắc Kinh, nên họ rêu rao chỉ có một nước Trung Hoa và đòi hỏi thế giới công nhận Bắc Kinh là đại diện duy nhất của Trung Quốc. Nước Mỹ duới thời TT Nixon đã làm Bắc Kinh mãn nguyện với bản tuyên ngôn chung Thượng Hải năm 1972 nhìn nhận “chỉ có một nước Trung Hoa” và Bắc Kinh là đại diên duy nhất của nước Trung Hoa đó. Nhưng đối lại Bắc Kinh cũng phải cam kết chỉ thống nhất với Đài Loan bằng phương pháp hòa bình.

Nếu Bắc Kinh dùng võ lực chiếm Đài Loan, họ sẽ vi phạm bản tuyên ngôn Thượng Hải. Vì thế các vị Tổng Thống kế tiếp cho đến nay đều xác nhận Mỹ sẽ dùng võ lực bảo vệ Đài Loan nếu đảo này bị tấn công. Ngược lại nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, tức là đã vi phạm một lời cam kết của Mỹ, lúc đó nếu Bắc Kinh dùng võ lực, Mỹ cũng không có lý do gì để can thiệp. Vấn đề Đài Loan giống như một con thú kẹt trong một cái khung bất di dịch. Tuy nhiên đôi khi nó lại ngọ nguậy làm eo biển nổi sóng từng đợt. Thí dụ Bắc Kinh nhiều lần diễn võ giương oai vì cho rằng Đài Loan có ý đồ tuyên bố độc lập. Còn Đài Loan cũng có khi muốn cảnh cáo tham vọng quá trớn của Bắc Kinh nên đòi cho trưng cầu dân ý xem dân Đài Loan có đồng ý thống nhất với Trung Quốc theo những điều kiện hiện nay không. Các nhà lãnh đạo Đài Loan còn nói sẵn sàng thống nhất với Trung Quốc một khi Bắc Kinh đổi mới thành một chế độ tự do dân chủ. Không ai nói đến độc lập, nhưng việc Đài Loan vận động xin vào LHQ cũng đủ làm Bắc Kinh nổi sùng lên rồi.

Sau Hong Kong, việc thống nhất Đài Loan sẽ biến Trung Hoa thành “nhất quốc tam chế” chăng" Còn lâu mới có chuyện này, tất cả còn phải chờ xem. Nhưng với sự tranh chấp giữa Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào về ghế Chủ tịch Quân ủy hội nay đã thành hầu như công khai, Trung Hoa nước đông dân nhất thế giới, cũng có khả năng thành... “nhị quốc tam chế”. Vì như ngạn ngữ dân Pháp thường nói “Không bao giờ có hai mà chẳng có ba”. Vả lại lịch sử Trung Hoa đã từng có thời Tam Quốc. Đây là “tam quốc nhất chế (quân chủ)” nhưng cả ba vẫn đánh nhau loạn xạ ngầu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.