Hôm nay,  

Mặt Trận Chống ‘thánh Chiến’ Sau 3 Năm

11/09/200400:00:00(Xem: 4610)
Ba năm sau, Hoa Kỳ có thắng mà dư luận cứ tưởng là đang thua... Sau ngày bầu cử, ông Bush sẽ được giải phóng, lúc đó tình hình mới đáng sợ....
Vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 đã mở màn cho cuộc chiến đến nay có lẽ vẫn bị gọi tắt, và thiếu, là "cuộc chiến chống khủng bố". Thực ra, đây là cuộc chiến của Hoa Kỳ chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan nhân danh "Thánh Chiến" mà thi hành biện pháp khủng bố. Đứng đầu và có uy thế nhất là al Qaeda với thành tích 9-11.
Trước khi duyệt xét cục diện sau ba năm chiến tranh, ta cần dựng lại một số tiền đề cho việc phân tách cái thế thắng bại.
Vài tiền đề.....
Thứ nhất, ngược với nhận xét của nhiều người, kể cả người Mỹ, Hoa Kỳ rất ngần ngại với chiến tranh. Khi tham chiến, lại hiếm có sự đồng ý của mọi người. Thế chiến II là ngoại lệ, còn lại, các cuộc chiến khác đều gây tranh luận và gặp chống đối, từ cuộc chiến giành độc lập (Chiến tranh Cách mạng) đến cuộc chiến với Mễ Tây Cơ, cuộc Nội chiến và cuộc chiến Việt Nam. Vì vậy, từ ngoài nhìn vào, dư luận có ác cảm thì cho là Hoa Kỳ nhu nhược, ích kỷ hoặc ưa đổi ý vì gian trá. Dù có hùng mạnh nhất địa cầu, quốc gia này mới chỉ có hơn hai trăm năm lịch sử, một nước còn non.
Thứ hai, cuộc chiến này do al Qaeda chọn lựa và khởi xướng nhằm đạt mục tiêu của họ; vì bị thách đố, Hoa Kỳ phải đáp ứng. Vì vậy, ngược với lập luận của Nghị sĩ John Kerry, Hoa Kỳ miễn cưỡng khai chiến với Thánh Chiến Hồi giáo (Islamic Jihad - IJ). Không chọn mà phải làm vì bị tấn công. Nhưng, mục tiêu chủ động của al Qaeda ra sao, dư luận chưa rõ; mục tiêu thụ động của Hoa Kỳ ra sao, dư luận cũng chưa rõ. Do đấy mà việc phân định thắng bại mới mơ hồ, dễ gây tranh luận. Trong một năm tranh cử, tranh luận càng làm dư luận thêm rối trí và tác động ngược vào cuộc chiến.
Thứ ba, mọi cuộc chiến trong lịch sử đều có đặc điểm riêng, nhưng cũng có yếu tố tương đồng, kể cả chiến tranh chống Thánh chiến Hồi giáo. Đặc điểm riêng ở đây là hình thái chiến tranh bất cân xứng giữa siêu cường số một về nhiều mặt với tổ chức al Qaeda cho đến nay vẫn mờ ảo khôn lường. Tương đồng là chiến tranh luôn luôn gây tổn thất, tạo bất ngờ cho người trong cuộc và cuối cùng thì cũng phải kết thúc. Kết thúc ra sao, chưa ai biết được.
Bây giờ, ta mới trở lại trận thế đôi bên...
Chiến lược al Qaeda
Al Qaeda đã mở màn gây chiến, thì cũng nên tìm hiểu xem họ muốn gì"
Ngược với nhận thức của đa số dư luận, giới lãnh đạo Thánh Chiến Hồi giáo - Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri, sáng lập viên al Qaeda - là kẻ ác mà không điên. Họ thông minh lạ thường và có tính toán khác thường, nhưng không hành động vì thù ghét người Mỹ, muốn giết tối đa dân Mỹ cho hả giận. Rồi thôi. Họ muốn thành lập một Đế quốc Hồi giáo toàn cầu, do đạo Hồi cai trị theo giáo luật của họ. Trở ngại chính cho ước mơ đó là sự tồi bại khiếp nhược của các nước Hồi giáo. Trở ngại đó sở dĩ xảy ra vì từ năm thế kỷ nay, các nước Hồi giáo chưa hề thắng một xứ phi Hồi giáo ("ngoại đạo") nào. Đã vậy, lại còn thỏa hiệp với các chế độ ngoại đạo kia (Thiên chúa giáo, Do Thái giáo, Ấn độ giáo). Đối với họ, các nước Hồi giáo ấy đã phản đạo. Tây phương gọi các xứ đó là "ôn hoà".
Giấc mơ xoá bỏ trật tự nhục nhã này bằng cách lật đổ các chế độ Hồi giáo thối nát đòi hỏi một đòn quyết liệt đánh vào cái hậu phương phản đạo. Hoa Kỳ hùng mạnh nhất Tây phương, của nền văn minh Thiên chúa giáo, nên phải bị đánh làm gương. Theo nhãn quan al Qaeda, kháng chiến quân mujahideen đã đánh bại Liên bang Xô viết tại Afghanistan, khiến Liên xô tan rã. Nếu Hoa Kỳ cũng gặp số phận đó, các chế độ Hồi giáo phản đạo sẽ tiêu vong, và Đế quốc Hồi giáo sẽ thành hình.
Cho nên, ngược với nhận thức của nhiều người, nhất là người Mỹ đầy mặc cảm của xu hướng cực tả, Hoa Kỳ không có lỗi gì với đạo Hồi hay người Hồi giáo, mà chỉ là quốc gia giàu mạnh nhất, nên bị tấn công làm gương theo lối "giết gà dọa khỉ."
Quan trọng hơn, dưới con mắt al Qaeda và căn cứ trên những nhận thức không sai hẳn, Hoa Kỳ là quốc gia suy đồi về đạo đức và suy nhược về ý chí, với quần chúng chỉ là những kẻ cầu an. Thắng Mỹ không khó vì dân Mỹ sẽ tự xung khắc với nhau để lui về cố thủ trong hải đảo của họ, được ngăn cách bởi hai đại dương.
Vì vậy, sau nhiều thất bại trong nỗ lực phá hoại hay lật đổ các nước Hồi giáo "phản đạo" (kể cả Egypt, quê hương của al-Zawahiri), và sau nhiều lần thử đòn đánh Mỹ từ 1991 (khi Liên xô sụp đổ), đến năm 2001 thì al Qaeda mở ra cuộc tấn công 9-11. Nói vắn tắt, Hoa Kỳ chỉ là "diện", là phụ, các chế độ Hồi giáo kia mới là "điểm", là chính.
Nhìn từ phía al Qaeda và dựa trên quan điểm của họ, mục tiêu chiến lược của vụ khủng bố 9-11 là mở màn cho sự sụp đổ đồng loạt của các nước Hồi giáo. Mục tiêu đó không thành. Vụ khủng bố không dẫn tới hàng loạt những cuộc xuống đường trong thế giới Hồi giáo, làm tan rã các chế độ thân Tây phương, hoặc khiến các chế độ này phải ngả theo đường lối cực đoan của al Qaeda. Ngược lại, hầu hết đều có thái độ cứng rắn hơn với Thánh Chiến, hoặc thân thiện hơn với Hoa Kỳ.
Chính al Qaeda, qua lời phát biểu của al-Zawahiri và cả bin Laden từ cuối năm ngoái đã than phiền sự thể ấy, và hứa hẹn tiếp tục đấu tranh, có thể là dưới hình thức khác. Kể cả... đấu tranh chính trị và kinh tế. Lần cuối xuất hiện dưới băng hình phổ biến hôm mùng Chín vừa rồi, al-Zawahiri cũng chỉ mơ hồ hăm dọa Mỹ sẽ thua tại Afghanistan và Iraq.
Khách quan mà nói, al Qaeda không đạt mục tiêu chiến lược và còn gặp nhiều trở ngại bất ngờ cho chính họ. Mới nhất là vụ tàn sát trẻ em tại Beslan của Liên bang Nga khiến dư luận Hồi giáo thêm ghê tởm đòn khủng bố và bắt giữ con tin.
Nhưng, khách quan là chuyện không có, nếu chúng ta nhìn về phía Hoa Kỳ.
Nhận thức của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ không nhìn sự thể như vậy vì nhiều lý do.
Lý do thứ nhất là cách phân định trận thế và mục tiêu.
Nếu lãnh đạo Mỹ, trong và ngoài chính quyền và kể cả truyền thông, xác định mục tiêu cuộc chiến là phá vỡ chiến lược của al Qaeda (sự sụp đổ hàng loạt của các nước Hồi giáo) thì Hoa Kỳ coi như đã thắng keo đầu. Khốn nỗi, Hoa Kỳ định nghĩa cuộc chiến là "chống khủng bố", với hàm ý là chống bọn khủng bố - thuộc bất cứ lực lượng nào - lại có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ, thì rõ là ba năm sau vụ 9-11, Hoa Kỳ chưa đạt mục tiêu.
Sau vụ thảm bại Việt Nam, giới lãnh đạo quân sự, từ Caspar Weinberger đến Colin Powell, có rút tỉa bài học: không đưa quân tham chiến mà không xác định mục tiêu và phương tiện. Lần này, họ có thể biết rõ mục tiêu mà không trình bày được cho rõ ràng và lại gặp cảnh thắng mà tưởng thua, như ở Việt Nam.
Trách nhiệm này thuộc chính quyền Bush, trước khi có thể đổ cho truyền thông.
Lý do thứ hai là lầm lẫn chiến lược với chiến thuật trong hình thái chiến tranh mới. Trong trận chiến cổ điển, như sau khi Hoa Kỳ tham chiến với Phát xít Nhật hay Đức quốc xã, lãnh thổ Mỹ không bị tấn công. Trong cuộc chiến ngày nay, tình hình đổi khác vì vai trò của tình báo và khả năng phá hoại của al Qaeda. Dù đạt thắng lợi đến mấy về an ninh và tình báo, Hoa Kỳ không thể ngăn được đòn tấn công của al Qaeda. Vả lại, quy luật éo le về tình báo luôn luôn là "thắng thì im, thua thì chịu". Đâm ra, đối phương bị thất bại về chiến lược mà vẫn còn khả năng chiến thuật. Ấn tượng của dân chúng thì thường bị ghim vào biến cố chiến thuật - các đợt báo động vàng, cam đỏ - nhưng có ảnh hưởng lớn về chính trị, nên dân Mỹ không biết về thành quả phòng thủ, tức là chiến thắng, mà có thể nghĩ rằng chính quyền chưa thành công.

Các đối thủ chính trị kết luận tiếp, với sự cổ võ của kẻ thù: chưa thắng là thua!
Đã vậy, lại còn hồ sơ Iraq, một phần cục bộ của cuộc chiến nhưng che khuất mọi khía cạnh khác, nhất là trong một năm tranh cử.
Gai góc Iraq
Sau vụ khủng bố 9-11, Mỹ hiểu ra tính toàn cầu và toàn diện của cuộc chiến và lập tức trả đòn al Qaeda bằng cách tấn công và lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan. Sau khi Taliban bị lật đổ mà al Qaeda vẫn còn - một thất bại lớn về tình báo - từ tháng Hai năm 2002, Mỹ tính đến bước kế tiếp là phải tiêu diệt cơ sở và tiềm năng al Qaeda trên toàn cầu, trước hết là tại Trung Đông.
Nơi đây có Saudi Arabia là quê hương của bin Laden và cũng là nơi dung dưỡng các lò đào tạo khủng bố Thánh Chiến. Nơi đây cũng có Iraq, một xứ hung đồ bị thế giới kết án từ cả chục năm và đang chế tạo võ khí tàn sát. Bên cạnh đó là Iran, cường quốc cấp vùng có lập trường thù nghịch với Hoa Kỳ, và cũng có dự tính nguyên tử.
Nếu al Qaeda muốn gây chấn động trong thế giới Hồi giáo thì Hoa Kỳ cũng phải có một chứng minh tâm lý trái ngược và khiến các nước Hồi giáo phải thay đổi lập trường đối với Hoa Kỳ và khủng bố. Không hợp tác diệt trừ khủng bố thì cũng là khủng bố. Ông Bush khẳng định điều đó với cả bạn lẫn thù. Nhất là với Saudi Arabia. Nơi tạo ra chấn động ấy là Iraq, quốc gia đang bị thế giới lên án, có chế độ đáng ghét và dễ lật đổ nhất. Điều khó hiểu là trong ngần ấy chuỗi lý luận giải thích việc mở ra chiến dịch Iraq, chính quyền Bush lại chọn lý do võ khí tàn sát, hoặc nguy cơ bị Saddam Hussein sử dụng võ khí tàn sát để biện minh việc tấn công bằng lý luận "tiên hạ thủ".
Nếu thực sự có nguy cơ ấy thì đã không mất thời giờ vận động quốc tế và báo truớc cả năm, từ tháng Ba năm 2002, trước khi tấn công vào tháng Ba năm 2003. Rốt cuộc lại không tìm ra võ khí gì đáng sợ.
Chính quyền Bush hiển nhiên là chủ đích và kế hoạch tinh vi đối với toàn vùng Trung Đông, trong đó có Iraq, nhưng có gặp thất bại tình báo về cả al Qaeda lẫn Iraq nên chưa diệt được đầu não của Thánh Chiến và bị bất ngờ trước sự kháng cự đa diện tại Iraq. Những thất bại như vậy đều có thể thấy trong mọi cuộc chiến, ở mọi nơi. Riêng tại Iraq, chúng gây thêm ấn tượng bất lợi là đã chưa diệt nổi al Qaeda, Mỹ còn bị sa lầy tại Iraq.
Rốt cuộc, nhằm chứng minh là Hoa Kỳ có ý chí chiến đấu lâu dài, và dám đánh thẳng vào ổ kiến lửa Iraq, chính quyền Bush gây phân vân trong dư luận về lý do tấn công Iraq, về mối quan hệ giữa Iraq với khủng bố, với các chế độ Hồi giáo khác trong vùng.
Thất bại lớn nhất của chính quyền Bush vì vậy nằm trong địa hạt thông tin và thuyết phục, nôm na là tuyên truyền. Từ vụ 9-11 chạy qua việc hòa giải các sắc tộc Sunni, Shia và Kurd để dân chủ hóa Iraq hầu giải trừ mầm mống khủng bố là những bước lý luận rắc rối đến mơ hồ hoặc ngụy biện. Các đối thủ chính trị gọi đó là gian dối.
Thành thử, giữa cuộc chiến chống Thánh Chiến, mà đa số dân chúng cho là chính đáng và cần thiết, lại xảy ra phân hoá về Iraq. Nối tiếp truyền thống Mỹ - "hội chứng Đào Cốc Lục Tiên" theo lối ví von của Kim Dung - dư luận Mỹ cãi cọ về Iraq, như đã từng cãi cọ trong nhiều cuộc chiến khác, kể cả thời Nội Chiến. Chính quyền Bush, không thể không biết được đặc tính văn hóa ấy của quần chúng.
Dân Mỹ không thích những gì rắc rối, khó giải thích ngắn gọn trong 30 giây trước ống kính truyền hình. Ông Bush chọn cách giải thích ngắn gọn là võ khí tàn sát, rồi dân chủ hoá Hồi giáo mà không chứng minh được thành quả sau ba năm chinh chiến. Ông không có khả năng thuyết phục cao, nội các của ông cũng không làm được chuyện đó thì ông vẫn lãnh trách nhiệm.
Tranh cử trong chiến tranh
Trách nhiệm đó, ông sẽ được thấy vào ngày mùng hai tháng 11 này, ngày bầu cử.
Tổng thống Bush có thể liệt kê với cử tri sự việc như sau: al Qaeda thất bại về chiến lược; lãnh thổ Mỹ vẫn an toàn; thế giới Hồi giáo không tổng nổi dậy chống Mỹ; ngược lại, các nước Hồi giáo xoay ra chống Thánh Chiến hoặc hợp tác với Mỹ; chiến dịch Iraq chưa thành công, nhưng tổn thất dù sao còn nhẹ so với Thế chiến II hay Chiến tranh Cao Ly hay Việt Nam, và tình hình chính trị Iraq đang ổn định dần. Để cuối cùng kết luận là sau ba năm cuộc chiến vẫn bất phân thắng bại, yếu kém về tình báo đang được cải thiện, việc thông tin và giải thích sẽ phải được tăng cường trong thế giới Hồi giáo và trong xã hội Mỹ. Hoa Kỳ phải thống nhất ý chí trong nỗ lực chung, vì chẳng có giải pháp nào khác. Chiến tranh là chuyện lâu dài...
Đối diện thì Nghị sĩ John Kerry cũng ở vào hoàn cảnh không sáng sủa gì hơn vì bị giằng xé bởi những mục tiêu trái ngược về đối sách chống khủng bố.
Kerry được đề cử không vì khả năng của bản thân mà vì làm sóng chống Bush và phản chiến trong đa số đảng viên cơ sở của đảng Dân chủ. Nhưng họ không đủ phiếu đưa ông lên làm Tổng thống. Vì vậy, ông phải có lập trường với khủng bố và Iraq.
Một là ông triệt để chống chiến tranh và được lá phiếu phản chiến của cánh tả lẫn tự cô lập bên cánh hữu. Lúc đó, al Qaeda có lý hoàn toàn. Hai là ông đồng ý với chiến tranh chống khủng bố nhưng không đồng ý với chiến dịch Iraq. Ông cố đu đưa giữa lập trường thứ hai này với quan điểm thứ ba, là chủ chiến, với cả khủng bố lẫn tại Iraq, nhưng có quyết sách hay hơn cho cả hai.
Lập trường triệt để phản chiến sẽ khiến ông thất cử thê thảm, như George McGovern năm 1972, dù năm đó Hoa Kỳ đã biết là thua và đang rút khỏi Việt Nam. Hai lập trường sau sẽ giúp ông tranh thủ được thành phần trung dung, nhưng khiến dân phản chiến không đi bầu, hoặc dồn phiếu cho Ralph Nader. Riêng lập trường thứ ba - chủ chiến như Bush nhưng hữu hiệu hơn - càng khiến ông mất phiếu phản chiến mà chưa chắc đã có sức thuyết phục cao: cho đến nay, Kerry cũng có nhược điểm của Bush là chưa trình bày được sự liền lạc giữa chống Thánh Chiến và Iraq. Vả lại, càng nhấn mạnh đến vai trò của đồng minh và quốc tế Kerry càng mất lòng nhiều người Mỹ có tự ái dân tộc.
Vì các lý do ấy, Kerry cứ phải chuyển dịch lập trường về an ninh. Sự mơ hồ đó là ngả thoát khôn ngoan và duy nhất của ông, trong khi chờ đợi hay chờ mong Bush tự hại với những lúng túng về Iraq.
Chiến cuộc, hậu tranh cử...
Trong khi đó, al Qaeda không phải là không theo dõi hoặc tìm cách ảnh hưởng tới bầu cử. Địa bàn hành động có thể là lãnh thổ Mỹ, là Iraq, Saudi Arabia, Pakistan hay Egypt. Chính quyền Bush cũng biết vậy, và có khi đang ngó vào Pakistan.
Điều bất ngờ nhất là qua mùng ba tháng 11, Hoa Kỳ sẽ có một tổng thống không cần tranh cử. Nếu thắng, ông Bush có bốn năm tự do. Nếu bại, ông có hơn hai tháng tự do. Là người có quyết tâm đến độ bướng bỉnh (hoặc liều lĩnh, nói theo các đối thủ chính trị), ngay trong thời gian tới, George W. Bush dám có những quyết định khó lường với cuộc chiến chống khủng bố, một vấn đề ông cho là còn quan trọng hơn kết quả bầu cử.
Vì vậy, sau khi nín thở theo dõi bầu cử, chúng ta sẽ còn nín thở theo dõi trận kế tiếp của cuộc chiến chống Thánh Chiến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.