Hôm nay,  

Tt Văn Bút 19 Nước Đòi Hỏi: Phải Bảo Vệ Nhân Quyền Vn

07/09/200400:00:00(Xem: 4776)
Dưới đây là Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ, ghi nhận về bản Quyết Nghị về tình hình VN.
Quyết Nghị về Việt Nam tại Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế.
Từ ngày 6 đến 12 tháng 9 năm 2004, Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế diễn ra tại thành phố Tromso, nước Na Uy. Theo thi hữu Nguyên Hoàng Bảo Việt*, tham dự Đại hội kỳ thứ 70 này, Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại (Centre PEN Suisse Romand) đã soạn thảo và đề nghị một bản Quyết Nghị về Việt Nam. Dự án Quyết Nghị được sự tán trợ của 19 Trung tâm Văn Bút gồm có Algérie, Anh, Ba Lan, Bỉ Pháp thoại, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Hung Gia Lợi, Ý, Melbourne, Mễ Tây Cơ, Nga, Phần Lan, San Miguel de Allende, Slovaquie, Thụy Sĩ Đức thoại, Thụy Sĩ Ý thoại và Réto-Romanche, Trung Hoa Độc Lập và Việt Nam Hải Ngoại. Trong sáu năm qua, đây là Quyết Nghị thứ 5 về Việt Nam, tiếp theo 4 Quyết Nghị được Hội đồng Đại biểu Văn Bút Quốc Tế đồng thanh chấp thuận tại Varsovie, nước Ba Lan năm 1999, Luân Đốn, nước Anh năm 2001, Ohrid, nước Macédoine năm 2002 và thành phố Mexico, nước Mễ Tây Cơ năm 2003.
Quyết Nghị nhắc lại rằng đầu năm 2003, suốt 4 tuần lễ, Văn Bút Quốc Tế đã mở một cuộc vận động toàn cầu (Focus on Vietnam) để soi xét Việt Nam và cảnh báo công luận thế giới về sự tăng cường đàn áp những người đối kháng, tranh đấu cho Khát vọng Tự do Dân chủ. Đến tháng 11 năm 2003, Đại Hội kỳ thứ 69 tại Mễ Tây Cơ, trong Quyết Nghị về Việt Nam, đòi phóng thích tất cả tù nhân ngôn luận, bao gồm nhứt là các nhà cầm bút, bị bắt bớ và câu lưu độc đoán, hoặc bị buộc tội và phạt tù sau một phiên tòa không tôn trọng tiêu chuẩn quốc tế. Các biện pháp giam cầm và phương thức xét xử của chế độ Hà nội vi phạm trầm trọng quyền của các nạn nhân được tự do bày tỏ quan điểm, viết văn, sưu tầm, trao đổi tin tức trên mạng lưới Internet, cũng như thành lập và gia nhập hội đoàn.
Quyết Nghị vạch trần thủ đoạn gian giảo của nhà nước cộng sản trong lãnh vực Nhân Quyền. Không thấy có chút cải thiện nào trong tình cảnh của các nhà văn, nhà báo và trí thức bị giam cầm hoặc ngược đãi. Số phận của họ thật đáng lo ngại vô cùng. Nhà báo Trần Dũng Tiến, giáo sư Trần Khuê, nhà viết quân sử Phạm Quế Dương và ba người cháu của linh mục Nguyễn Văn Lý coi như chỉ được phóng thích sau khi ở mãn hạn tù. Về trường hợp ông Lê Chí Quang, bị bắt hồi tháng 2 năm 2002 và bị phạt 4 năm tù và 3 năm quản chế hồi tháng 11 năm 2002, nhà luật học trẻ này cũng chỉ được phóng thích hồi tháng 6 năm 2004 vì sức khoẻ nguy kịch. Ông Lê Chí Quang đau thận nặng và bị viêm loét ở bộ phận tiêu hóa. Tính mệnh của ông trở thành mối quan tâm cho nhiều tổ chức nhân quyền và chính phủ trên thế giới. Lần đầu tiên, Ủy Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế cũng được báo động. Việt cộng sợ rằng tác giả "Hãy cảnh giác với Bắc Triều" có thể rủi ro chết trong tù, như nhiều báo Thụy Sĩ đã đưa tin. Biến cố đó sẽ gây ra tai tiếng rất bất lợi cho chế độ Hà nội.
Hiệp hội các Nhà Văn thế giới bày tỏ sự kinh ngạc và công phẫn trước bản án tù áp đặt bất công đối với nhà báo Nguyễn Vũ Bình (35 tuổi), nguyên cộng sự viên tạp chí "Cộng Sản" và thành viên của Hội Công dân chống Tham nhũng (bị cấm hoạt động). Tháng 9 năm 2002, ông Nguyễn Vũ Bình bị bắt rồi mãi đến ngày 31 tháng 12 năm 2003 mới bị xử 7 năm tù và 3 năm quản chế. Ông bị trừng phạt vì đã phổ biến trên mạng lưới Internet những bài ông viết, trong đó có bản điều trần về những sự vi phạm nhân quyền. Ngày 5 tháng 5 năm 2004, sau khi tòa phúc thẩm giữ y bản án sơ thẩm, ông Nguyễn Vũ Bình đã tuyệt thực trong hai tuần lễ để đòi đưa vụ án lên tòa tối cao và đòi vợ ông phải được quyền thăm nom ông. Văn Bút Quốc Tế cũng bày tỏ sự kinh ngạc và công phẫn trước bản án tù của bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Đầu tháng 3 năm 2003, ông Nguyễn Đan Quế bị bắt giữ vì công khai tố cáo rằng tại Việt Nam hiện nay không có quyền tự do phát biểu và tự do báo chí. Ngày 29 tháng 7 năm 2004, ông lãnh bản án 30 tháng tù. Bị bệnh viêm loét nặng ở bộ phận tiêu hóa, sạn thận và áp huyết cao, bác sĩ Nguyễn Đan Quế từng trải qua 18 năm tù giữa những năm 1978 và 1998 vì những ý kiến mà ông đã phát biểu.

Văn Bút Quốc Tế rất ưu tư và lo ngại về tình trạng sức khoẻ giảm sút tệ hại của nhiều tù nhân, nhứt là những người lớn tuổi. Họ đau yếu vì các chứng bệnh gây ra bởi những điều kiện lao lung khắc nghiệt, thiếu dinh dưỡng, ốm đau không được chữa trị, chế độ tù khổ sai và nhiều năm dài bị giam cầm hoặc lưu đày. Như nhị vị hòa thượng Thích Huyền Quang (87 tuổi) và Thích Quảng Độ (76 tuổi), nhà báo kiêm tiểu thuyết gia Nguyễn Đình Huy (72 tuổi) và nhà trí thức Trần Văn Lương (64 tuổi). Không quên trường hợp bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã kể trên.
Văn Bút Quốc Tế lên án sự tiếp tục giam nhốt ông Trần Văn Lương và linh mục Nguyễn Văn Lý, cũng như tiếp tục quản thúc hòa thượng Thích Huyền Quang bất chấp các Quan Điểm của Ban Hành Động Liên Hiệp Quốc chống Giam Cầm Độc Đoán. Cơ quan đặc nhiệm/Ủy Hội Nhân Quyền đã tuyên cáo rằng sự tước đoạt quyền tự do của ông Trần Văn Lương, linh mục Nguyễn Văn Lý và hoà thượng Thích Huyền Quang là độc đoán vì biện pháp đó vi phạm điều 19 của Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới về Nhân Quyền và điều 19 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị. (ông Trần Văn Lương/bản Quan Điểm số 13/1999/Việt Nam, linh mục Nguyễn Văn Lý/bản Quan Điểm số 20/2003/Việt Nam và hòa thượng Thích Huyền Quang/bản Quan Điểm số 4/2001/Việt Nam).
Ở cuối bản Quyết Nghị, Văn Bút Quốc Tế đòi nhà cầm quyền Hà nội
- phóng thích tức khắc và vô điều kiện tất cả những nhà văn, nhà báo và trí thức còn bị giam cầm hoặc quản chế chỉ vì đã hành sử ôn hòa quyền tự do diễn đạt tư tưởng và phát biểu ý kiến của họ. Trong những tù nhân đó có các ông Nguyễn Đình Huy và Trần Văn Lương, linh mục Nguyễn Văn Lý, nhị vị hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, các ông Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Đan Quế, thượng tọa Thích Tuệ Sỹ và ông Nguyễn Xuân Tụ;
- chấm dứt mọi biện pháp sách nhiễu, hăm he và dọa nạt đối với thân nhân của họ;
- bảo đảm cho tù nhân quyền được gia đình thăm nom, quyền được săn sóc y tế thích hợp khi đau ốm và ở vào trường hợp khẩn cấp, quyền được điều trị trong một y viện chuyên khoa trong lúc chờ được phóng thích; và
- tôn trọng các nguyên tắc và quyền căn bản được nêu trong Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới về Nhân Quyền, gồm cả điều 19 bảo đảm quyền tự do diễn đạt tư tưởng và phát biểu ý kiến.
Quyết Nghị về Việt Nam viết bằng Pháp và Anh ngữ sẽ được phổ biến trong Bản Tin kỳ tới. Được biết rằng 19 Trung tâm Văn Bút đồng tán trợ sáng kiến của Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại là con số quan trọng nhứt đối với một Dự án Quyết Nghị tại bất kỳ Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế nào. Tại Ohrid, nước Macédoine năm 2002, cũng đã có tới 15 Trung tâm Văn Bút tán trợ Dự án Quyết Nghị do Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đề xướng. Điều ấy nói lên tình bạn thân thiết của văn hữu khắp năm châu Á, Phi, Mỹ, Âu, Úc hết lòng ủng hộ các nhà cầm bút và trí thức đang là tù nhân và con tin tại Việt Nam.
(* Viết theo tài liệu của Nguyên Hoàng Bảo Việt, thành viên Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù/Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại và hội viên Trung tâm Âu châu/VBVNHN).
Genève ngày 6 tháng 9 năm 2004
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.