Hôm nay,  

Dầu Khí Và Tâm Lý

24/08/200400:00:00(Xem: 4924)
Cuối tuần qua, giá dầu khí cho hạn kỳ tháng Chín đã có lúc lên tới 49 đô la một thùng trên thị trường New York. Dư luận đã nói tới lý do chính là tình hình bất ổn tại Iraq. Tình hình VN sẽ ra sao"
Đài RFA trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về hậu quả của việc đó như sau.
Hỏi: Thưa ông, hôm Thứ Sáu 20 vừa rồi, giá dầu thô trên thị trường kỳ hạn tháng Chín đã có lúc tăng vọt lên 49 đồng một thùng tại New York. Dù sau đó, giá có giảm xuống mức 47 đồng, nhiều nhà phân tách vẫn cho rằng dầu thô có thể gây chấn động bất lợi cho sinh hoạt kinh tế toàn cầu. Ông nghĩ sao về sự việc này"
-- Tình hình cung cầu về dầu khí ngày nay đang ở vào tình trạng bấp bênh, vì số cầu quá cao của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ trong khi số cung khó đáp ứng được ngay. Vì vậy, bất cứ một tin xấu nào xuất phát từ các nước xuất khẩu đều lập tức thổi lên cơn sốt giá cả trên thế giới. So sánh thì giá dầu đã tăng thêm 10 đô la từ Tháng Bảy, và gần 15 đô la so với tháng Tư, là khi xung đột bùng nổ lớn tại Iraq. Tuy nhiên, tình hình Iraq không giải thích hết những yếu tố gây chấn động.
Hỏi: Như vậy, ông còn nhìn thấy nhiều nguyên nhân khác của cơn chấn động này"
-- Thưa vâng, việc dầu thô tăng giá rất cao trong một thời gian ngắn như vậy là hy hữu vì thực tế thế giới không bị hiểm họa lớn như chiến tranh lan rộng, khủng bố nhắm vào các giếng dầu hay tầu dầu ngoài khơi, đảo chính trong các nước sản xuất hoặc một quyết định phong toả dầu khí như đã từng gặp trong quá khứ. Yếu tố chính ở đây là tâm lý hốt hoảng trong tình trạng căng thẳng cung cầu. Và khi có sự hốt hoảng, ta có phản ứng đầu cơ. Mà tâm lý hốt hoảng ngày nay rất dễ xảy ra nếu ta nhìn vào bản đồ của thế giới. Ngoài tình hình Iraq, dù sao cũng không nghiêm trọng và các giếng dầu ở miền Nam nay đã hoạt động trở lại, dư luận cũng quan tâm đến nguy cơ khủng bố tại Saudi Arabia, rủi ro chiến tranh tại Iran, nội loạn tại Venezuela hay Nigeria và cả tình hình sản xuất đầy bất trắc tại Liên bang Nga vì vụ Yukos.
Hỏi: Nói về tình hình an ninh ở các nơi đó, ông nghĩ sao về một rủi ro động loạn"
-- Tại Ả Rập Saudi, sau dịp nghỉ hè vừa rồi, các chuyên gia quốc tế bắt đầu quay trở lại làm việc và có thể là mục tiêu tấn công của quân khủng bố. Các lực lượng khủng bố tại đây không nhắm vào giếng dầu mà nhắm vào Hoàng gia Saudi và muốn cô lập họ để tìm cách lật đổ. Tình hình ra sao, ta sẽ biết từ tháng Chín này trở đi. Tại Iraq, việc một số lực lượng nổi loạn tấn công vào các giếng dầu và ống dẫn dầu tại miền Nam có thể mở ra một tiền lệ cho các nhóm khác bắt chước. Tuy nhiên, tình hình nơi đây không nguy kịch như truyền thông quốc tế đang trình bày, ít ra không nguy kịch bằng nguy cơ xung đột với một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa khác là Iran. Vụ xung đột tại thị trấn An Najaf của Iraq thực sự có nguồn gốc ở tại Iran, với sự xúi giục hoặc can dự của chế độ Tehran trong cộng đồng sắc tộc Shia. Và nói về Iran, ta không loại trừ rủi ro can dự bất ngờ của Israel vì xứ này bị Tehran công khai hăm dọa sẽ tấn công bằng hỏa tiễn và có thể ra tay trước để tránh một hậu họa chiến tranh hạch tâm.
Hỏi: Thưa ông, thế còn Venezuela, sau cuộc trưng cầu dân ý tuần qua, tình hình đã có vẻ lắng đọng rồi chứ"
-- Thưa vâng, cuộc vận động của các lực lượng đối lập với Tổng thống Hugo Chavez đã thất bại và chế độ Chavez sẽ còn tồn tại thêm vài năm nữa. Nhìn trong viễn cảnh dài thì đấy không là điều có lợi cho xứ này, trước hết cho việc cải thiện môi trường đầu tư và khai thác dầu khí ở đây, nhưng trước mắt thì tình hình đã tạm yên, cho đến khi các lực lượng đối lập tìm ra sáng kiến đấu tranh khác. Vì vậy, Venezuela không đáng gây hốt hoảng, y hệt như tình hình Nigeria. Bất ổn thì có, khủng hoảng thì không, nhưng tâm lý lo sợ của thị trường thì vẫn còn. Trường hợp của Liên bang Nga cũng vậy. Sau khi chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin bắt giữ người lãnh đạo tập đoàn dầu khí Yukos trong một trận thư hùng về chính trị mà chúng ta đã đề cập tới trên diễn đàn này vào cuối Tháng 10, người ta chưa rõ chính quyền Nga sẽ xử lý ra sao với số phận và khả năng hoạt động của Yukos, vốn là một doanh nghiệp hàng đầu về dầu khí có khả năng xuất cảng vài triệu thùng một ngày. Tuy nhiên, khi mà sự bất ổn kéo dài tại Venezuela hay Nigeria lại được coi là tương đối tạm ổn thì tình hình quả là đáng lo.
Hỏi: Và vì vậy, giá dầu thô vẫn còn có thể bốc trong tương lai"
-- Nhìn trong tương lai trung hạn, từ hai đến năm năm, ta thấy là số cung chưa thể nào tăng, cho nên chênh lệch thuần túy về cung cầu có thể khiến giá dầu biến dịch trong khoảng 30-35 đô la một thùng, xin cứ tạm gọi đó là "thực giá". Yếu tố bất ổn nâng giá đó thêm chừng 10 đến 15 đô la, nên trong vài tuần tới, ta không nên ngạc nhiên nếu thấy dầu thô lên tới 50 đồng một thùng. Một cơn chấn động tại Saudi hay Iraq có thể đẩy giá tới 60 đồng vào mùa Thu này. Đây là lúc tâm lý bất an chi phối thị trường và tin xấu về an ninh là tin xấu về dầu thô cho các nước tiêu thụ, trước hết cho dân chúng.
Hỏi: Liệu có sự điều chỉnh nào lạc quan hơn cái giá năm sáu mươi đồng này không"

-- Trong ngắn hạn thì rất ít. Dài hạn hơn một chút thì có phản ứng kinh tế của vài nước có thể làm giảm giá dầu. Nói cho đơn giản thì phí tổn khai thác dầu thô tại Trung Đông, như Ả Rập Saudi hay Iraq ở khoảng sáu bảy đô la một thùng, tại Nga là cỡ 15-22 đô la. Khi dầu thô lên đến 50 đô la, một số giếng dầu có chất lượng kém, với phí tổn khai thác là 30 đồng một thùng, cũng thành giếng dầu có lời, nhiều xứ sẽ tìm cách khai thác và điều đó sẽ nới giá được chút đỉnh. Tuy nhiên, sự điều chỉnh hiệu quả nhất sẽ là phản ứng kinh tế làm sụt số cầu. Nói thì có vẻ trừu tượng và nhẹ nhàng, thực tế thì là một trận suy thoái lớn cho kinh tế thế giới và một tai họa cho giới tiêu thụ, ở mọi nơi.
Hỏi: Bây giờ, nói về hậu quả của cơn chấn động này, ông nghĩ sao về tình hình chung"
-- Kinh tế toàn cầu có thể bị hậu quả xấu, đà tăng trưởng bị đánh sụt chừng một hai phần trăm một năm, kể từ năm tới. Nhìn vào từng khối kinh tế lớn thì Mỹ bị nhẹ nhất, vì dù là nước tiêu thụ lớn nhất thì cũng còn khả năng tự túc, lại lệ thuộc ngày một ít hơn vào dầu thô nhờ cấu trúc sản xuất đã thay đổi, với tỷ trọng của khu vực chế biến đã giảm. Bị nặng hơn thì có Liên hiệp Âu châu, vì vừa mới ra khỏi suy trầm và cơ cấu sản xuất lại lệ thuộc vào dầu thô nhiều hơn Hoa Kỳ. Cho tới nay, Ngân hàng Trung ương Âu châu vẫn cố giữ nguyên lãi suất nhưng có thể sẽ nâng để tránh lạm phát vì phí tổn. Lãi suất và giá dầu đều tăng thì sản xuất và lợi tức dân chúng sẽ sụt.
Hỏi: Thưa ông, thế còn trường hợp của các nước Đông Á"
-- Cơn chấn động dầu khí sẽ là tai họa cho Đông Á vì lệ thuộc nặng vào xăng dầu với tỷ trọng công nghiệp chế biến còn cao, nôm na là có lắm nhà máy nhả khói hơn là văn phòng dịch vụ xài đồ nhựa. Bị nặng nhất sẽ là Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Singapore. Họa vô đơn chí, Nhật Bản lại vừa bị tai nạn tại lò nguyên tử ở Mihama nên phải rà soát lại các lò nguyên tử khác và nhập khẩu thêm dầu thô để thay thế năng lượng nguyên tử. Đầu máy kinh tế đó của Đông Á có thể bị suy trầm vào thời điểm ngặt nghèo nhất cho các lân bang trong khu vực và càng đẩy giá dầu thô.
Hỏi: Ông cũng đã có dự báo không lạc quan về tình hình Trung Quốc...
-- Riêng Trung Quốc, khi đang cần hãm đà tăng trưởng thì bị rủi ro gãy cánh rất cao. Tuần qua, báo chí Hoa Lục nói đến thành tích đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc trên các thị trường tài chính quốc tế. Phân tách cho đúng thì ta thấy tái diễn mối họa đã xảy ra cho Nhật Bản gần 20 năm trước là nạn tẩu tán tư bản. Hôm Thứ Tư 18 chả hạn, Ngân hàng Trung ương và Ủy ban Bảo hiểm của Bắc Kinh vừa cho các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài đến 80% tài sản. Hệ thống bảo hiểm đang gây áp lực cải cách về an sinh xã hội với chính quyền và khi nhà nước cho các công ty này đem ngoại tệ ra mua trái phiếu trên các thị trường tài chính quốc tế, ta hiểu là chính quyền muốn giảm sức ép chính trị của họ và đồng thời tránh một rủi ro sụp đổ tài chính. Giới đầu tư tại Hoa Lục biết là làm ăn tại đây không có lời nhiều mà lại lắm rủi ro nên khôn ngoan chuyển tiền ra ngoài. Nhà nước thì coi đó là thành tích, giải thích với công chúng là nay ta đang làm chủ rất nhiều tài sản ở nước ngoài để vuốt ve tự ái dân tộc. Nhật Bản cũng làm chủ rất nhiều tài sản nước ngoài như vậy, đến độ gây phản ứng bài bác tẩy chay hàng hoá Nhật Bản tại Mỹ vào giữa thập niên 80. Sau đó ít lâu, Nhật Bản bị khủng hoảng, tài sản Nhật tại Mỹ sụt giá như bèo.
Hỏi: Bây giờ, ta nói đến trường hợp Việt Nam, hậu quả về chấn động dầu khí sẽ ra sao"
-- Việt Nam có may mắn là một nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô cho nên dù có nhập khẩu xăng dầu thì cũng không bị hậu quả nặng như các nước không có dầu. Đó là trên đại thể. Trong thực tế thì mối lợi nhờ bán dầu cao giá hơn vẫn không cân bằng được thiệt hại của việc nhập cảng xăng dầu. Lý do là giá xăng dầu tác động đến hầu hết các ngành nghề sản xuất và tiêu dùng và sẽ đẩy mạnh áp lực lạm phát vốn dĩ đã lên tới mức báo động. Thứ nữa, như kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phát biểu tuần qua khi thăm viếng Việt Nam, sự suy sụp của các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ đánh giảm số cầu về nhập khẩu của họ, khiến Việt Nam gặp khó khăn về xuất khẩu. Tuy nhiên, như thông lệ, dự báo của các định chế quốc tế thường hay lạc quan, có thể vì tránh tâm lý hốt hoảng, và khuyến cáo của họ cũng thường nhẹ nhàng lịch sự, có thể vì lý do ngoại giao, tình hình quản lý kinh tế của Việt Nam gặp nhiều rủi ro hơn vậy nếu bị cơn chấn động dầu hỏa. Trước hết là chính quyền sẽ có phản ứng tai hại là đập vỡ nhiệt kế, đập vỡ cặp sốt đo nhiệt độ, tức là kiểm soát giá cả. Việc kiểm soát đó chẳng những khó thành mà còn gây thêm nạn đầu cơ và tham nhũng, và nhất là còn tác động ngược với quy luật cung cầu và không điều tiết được số cầu. Thứ hai, chấn động dầu khí sẽ gây khó cho chính sách tiền tệ và tín dụng: hệ thống ngân hàng của Việt Nam không dám điều chỉnh lãi suất cho hấp dẫn hơn và Ngân hàng Nhà nước đang do dự là có nên tăng lãi suất hay không vì gặp bài toán lưỡng nan là dầu khí lẫn giá cả đều tăng. Chặn đầu này thì bị họa ở đầu kia, với hậu quả sau cùng vẫn là suy thoái kinh tế và gia tăng thất nghiệp. Đấy là một rủi ro rất cao cho Việt Nam từ cuối năm và trong suốt năm tới. Trong khi chờ đợi, trái bóng đầu cơ bất động sản có thể vỡ và nạn tẩu tán tài sản ra nước ngoài sẽ gia tăng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.