Hôm nay,  

Vườn Tao Ngộ

05/08/200200:00:00(Xem: 11724)
Trường sơn Lê Xuân Nhị, SVSQ khóa 4/70 Thủ Đức

Để tưởng nhớ em tôi, Trung Sĩ Nhất Lê Xuân Bích, Sư Đoàn 23, Trung Đoàn 45 Bộ Binh, đã nằm xuống trên dãy Trường Sơn ở một địa danh gọi là Tân Cảnh... Thương nhớ em vô cùng.

*

Vườn Tao Ngộ
Nhạc sĩ: Nhật Hạ

Hôm nay ngày Chủ Nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh.
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi.
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên dần.
Ta nhìn nhau bâng khuâng.
Đâu biết rằng chuyện đôi ta sẽ vui hay buồn.
Ngày mai ra đơn vị, đường trần hai lối mộng thôi từ đây biết ra sao.

Nếu chúng mình ước hẹn, ngày tao ngộ xa quá anh ơi.
Thời gian xin lắng đọng đợi chờ.
Để đôi tim ước mộng đem tình thương tô thắm đôi môi hồng.
Đây một phong thư xanh, trao đến người,
Để quên đi những đêm quân trường.
Sầu cô đơn hiu quạnh, vùi đầu bên chén trà tìm đọc thư em.

Anh ơi, dù non sông cách trở.
Xin anh đừng quên bao kỷ niệm, ngày nào hai đứa mình,
Cùng nhau chung mái trường, tuổi học sinh đẹp như gấm hoa.
Anh đi ngày mai trên chiến địa.
Nơi đây, tình yêu em vẫn đợi.
Cầu xin non nước mình, được yên vui thái bình.
Tình trao ước hẹn hò.

Tiếng nói cùng tiếng cười, giờ tao ngộ lưu luyến bên nhau.
Mừng vui chưa nói được cạn lời.
Giờ chia tay não nề ngại ngùng thay chân bước đi không đành.
Vui đời trai phong sương,
Vai gánh nặng tình non sông bước chân miệt mài.
Dù núi biếc sông dài, dù trời cao đất lạ đừng buồn nghe anh.

*

Trong cuộc đời mình, có nhiều khi, mình đến một chỗ nào đó, dù rất ngắn, nhưng những gì xảy ra ở đó mang nhiều kỷ niệm và ảnh hưởng mình cho đến nỗi suốt đời mình, mình không thể nào quên được. Riêng tôi, mỗi lần nhớ đến thằng em ruột tôi đã tử trận năm 1972, không hiểu tại sao, tôi luôn luôn nghĩ và nhớ tới Vườn Tao Ngộ...
Vườn Tao Ngộ là tên của khu tiếp đón thân nhân ở Trung Tâm III tuyển mộ nhập ngũ, được trang hoàng rất đẹp mắt và ấm cúng. Nơi đây, mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật, những người trai thời loạn vừa mới từ giã cuộc đời dân chính gặp gỡ tiếp đón thân nhân mình. Nơi đây, hàng trăm ngàn trai trẻ Việt Nam và thân nhân của họ, từ cha mẹ đến anh em, đến người tình, đến vợ con, đã trải qua những khoảng thời gian ngắn ngủi tươi đẹp nhất, cảm động nhất, nhưng đồng thời cũng đau buồn và nhiều kỷ niệm nhất đời mình...
Thoang thoảng trong gió và trong trời đất là tiếng hát dịu dàng nhưng ray rứt đến chết người của Hoàng Oanh: "Hôm nay ngày Chúa Nhật, em đến thăm anh... Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi, mà em đâu có ngại khi tình yêu, ngun ngút cao lên rồi..."
Có thể nói, đối với những người chiến binh trình diện ở trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ, không ai là không đã một lần, hoặc được vui vẻ náo nức tiếp đón thân nhân mình, hoặc kém may mắn hơn, không được ai đón tiếp, đứng ngẩn ngơ ở Vườn Tao Ngộ nghe bản nhạc này và nhìn thiên hạ vui vẻ với nhau...
Năm 1969, sau khi đậu Tú Tài I, tôi về Sài-Gòn nghỉ ngơi một thời gian và đồng thời lên Nha Động Viên bộ quân phòng nộp đơn tình nguyện đi lính. Mấy tháng sau, tôi có lệnh gọi nhập ngũ. Tôi bay về Ban Mê Thuột từ giã bố mẹ tôi. Mẹ tôi nghe nói tôi đi lính, ôm mặt khóc ròng. Bố tôi rầu rầu nét mặt, không nói gì. Tôi cảm thấy như đã phản bội gia đình vì tôi là trưởng nam, đã không lo tiếp tục học hành (tôi học rất giỏi) để sau này còn giúp đỡ gia đình, lại bỏ nhà đi lính làm cho bố mẹ lo lắng...
Trước khi đi lính thì tôi hăng lắm nhưng khi đơn độc bước vào bên trong cái hàng rào của trại lính, tôi mới thấy đi lính là... kinh hoàng. Ở nhà thì cái gì cũng có sẵn, cũng chờ ở đó cho mình từ miếng ăn miếng uống cho đến cái khăn tắm, cục xà phòng. Vào lính thì cái gì mình cũng phải lo lấy, nhiều khi phải giành giật. Và tệ hơn nữa là cái gì cũng thật là bất tiện. Bất tiện từ cái giường ngủ đến phòng ăn, đến những cái khác, chẳng có cái gì thoải mái như ở nhà được...
Nhưng tôi để ý một điều quan trọng là ở trong này, tình bạn nẩy nở thật mau. Chỉ ngay trong buổi tối đầu tiên, tôi làm quen được với hai "hảo hán" trẻ tuổi khác cũng trình diện đi lính như tôi là thằng Cường và Tuấn. Dù mới gặp nhau lần đầu nhưng chúng tôi bỗng trở thành như tri kỹ chỉ sau vài câu tán dóc. Sau này nghĩ lại thì chuyện này cũng thường bởi vì chúng tôi cần có nhau để hợp thành một toán để đối phó, để sống một cuộc đời mới đầy cam go thử thách, trong một nơi xa lạ mà chẳng có ai trong chúng tôi biết một chút gì cả...
Vì thủ tục hành chánh rườm rà nên chúng tôi bị kẹt nằm ở Trung Tâm III đến mấy tuần lễ. Quãng thời gian này, chúng tôi đi lãnh quân trang, tập đi tập đứng vớ vẩn để chờ vào quân trường Quang Trung học giai đoạn 1, tức giai đoạn căn bản của mọi người lính. (Giai đoạn 2 là trường Bộ Binh Thủ Đức.)
Một buổi sáng Chủ Nhật, tôi lang thang ra Vườn Tao Ngộ để ...ngắm thiên hạ, nghe Hoàng Oanh âm ỉ "Hôm nay ngày Chúa Nhật..." và nhớ nhà. Chuyện này cũng bình thường thôi bởi tôi biết gia đình tôi không thể nào lên thăm tôi được, và người bạn gái của tôi (bạn chứ không phải người tình) thì chắc còn lâu mới nghĩ đến việc đón xe đò mấy ngày đường từ Ban Mê Thuột thăm tôi...
Đã nhìn thiên hạ gặp nhau rồi chia tay, tôi hiểu được thấm thía cái nỗi gian truân, sự bất lực và cái bi kịch hợp tan, tan hợp của kiếp người. Lúc mới gặp nhau, ai nấy vui mừng hớn hở, nụ cười và tình thương nồng nàn trên nét mặt. Nhưng đến giờ phút chia tay, ai nấy bịn rịn cầm tay nhau như không thể rời xa nhau được, như muốn dính liền với nhau mãi mãi. Mặt trời đang chói chang bỗng biến thành sầu thảm và thê lương chỉ trong vòng vài phút đồng hồ khi chiếc loa phóng thanh thông báo đã đến giờ đóng cửa. Tiếng hát của Hoàng Oanh cũng tắt lịm. Vườn Tao Ngộ cảnh vật bỗng trở thành tiêu điều. Có nhiều người cha mẹ bật khóc lên ngay giữa đám đông. Có nhiều cô vợ trẻ cúi mặt chùi nước mắt. Có nhiều thằng bé ôm ghì lấy bố, nhất định không nhả ra. Có một điểm tôi để ý là những người ở lại, những người lính trẻ, không bao giờ có ai khóc cả. Có lẽ họ mắc cỡ với bạn bè, nhưng cũng có lẽ vì họ biết có khóc than cũng chẳng giải quyết được gì.
Buổi sáng hôm đó, tôi đang tà tà dạo bước với thằng Cường, điếu thuốc lá và ly cà phê sữa đá trong tay để đi ngắm hạnh phúc của thiên hạ thì bỗng dưng tôi nghe được cái loa phóng thanh gọi tên tôi. "Khóa sinh Lê Xuân Nhị, số quân 71/158140 đến ban tiếp tân của trại, có thân nhân cần gặp."
Ngụm cà phê tôi vừa uống muốn phun cả ra ngoài. Tôi nhìn thằng Cường như dò hỏi. Thằng Cường gật đầu nói liền:
-Thằng mồ côi, người ta gọi tên mày đó.
Tôi lắc đầu:
-Chắc là gọi lộn. Tao làm gì có ai đến thăm" Chắc có ai trùng tên Nhị không"
-Trong trời đất này làm sao có thêm được cái tên thứ hai như cái tên Lê Xuân Nhị ...ghê gớm của mày. Đi ra đi. Tao đi với mày.
Dù nghĩ rằng không ai đến thăm tôi, nhưng tôi và thằng Cường cũng cứ đi vì không đi tới đó thì cũng chẳng biết đi đâu. Và chúng tôi đi mau như chạy. Thằng Cường hỏi:
-Đào mày hả"
Tôi lắc đầu, thật thà trả lời:
-Tao không có đào, chỉ có bạn gái. Hôm nay Chủ Nhật, em giờ này chắc còn đang nằm ngủ ở ...Ban Mê Thuột.
Tôi nói thế và trong lòng, không hiểu sao, lại thầm tưởng tượng là người bạn gái của tôi đi thăm tôi thật. Tôi tưởng tượng như thế vì biết rằng, mặt trăng thì có thể tuột giây mà rớt xuống mặt đất được, chứ chuyện một người con gái 16 tuổi con nhà nghèo ở Ban Mê Thuột, bỏ gia đình, một mình một thân đón xe đò vượt cả ngàn cây số qua mấy ngày đường để tới đây thăm tôi là một chuyện không thể nào có được. Muốn mơ mộng thì phải mơ mộng ...thực tế một chút, tôi bảo với lòng mình như thế...
Khi đến gần ban tiếp tân thì tôi đoán một cách thực tế hơn là có thể là mấy thằng bạn Ban Mê Thuột của tôi đang đi học ở Sàigòn đến thăm tôi, dù rằng tôi biết chúng nó là một lũ làm biếng, bận rộn đủ thứ, chẳng bao giờ có thì giờ để làm chuyện "bác ái" này.
Đến cổng ban tiếp tân thì tôi biết người đó là ai. Đó chính là thằng em ruột tôi, Lê Xuân Bích.
Em tôi nhỏ hơn tôi một tuổi và chúng tôi lớn lên với nhau, chơi đùa với nhau như bạn bè. Tôi có một kỷ niệm với nó ngay từ hồi còn rất nhỏ. Hồi chúng tôi mới 5 hoặc 6 tuổi, một ngày, mọi người vắng nhà, chúng tôi chơi ở trước vườn, khát nước trở vào nhà tìm nước uống. Vì nhà vắng không có ai nên chúng tôi phải đi tìm lấy. Chúng tôi tìm thấy một chai nước giấu tuốt ở dưới cái bồn rửa mặt. Tôi mừng rỡ lấy ra và mở nắp. Nhưng khi đưa lên mũi, tôi ngửi thấy chai nước có mùi lạ nên không uống. Thay vì đem cất đi, tôi lại đưa cho thằng Bích. Cu cậu ngửa mặt và tu òng ọc một cách ngon lành...
Cậu tu xong thì mặt cậu bỗng hóa ra xanh dờn rồi sau đó trắng bệch như tờ giấy. Tôi chẳng biết tại sao nhưng chẳng bận tâm vì tôi còn lo... tìm nước để uống. May sao lúc đó, bố tôi và phái đoàn người lớn về tới và khi nhìn thấy thằng Bích thì cả nhà tôi bỗng biến thành một cái... trại lính vừa bị pháo kích. Mọi người la hét, nhốn nháo chạy tới chạy lui. Mẹ tôi khóc hu hu.
Mãi cho đến lúc đó, tôi mới biết cái chai nước mà thằng Bích uống là chai ...dầu lửa. Bố tôi trách mẹ tôi. Mẹ tôi lại la mắng mấy người làm. Nhà cửa ai nấy nhốn nháo mà với tuổi thơ của tôi lúc ấy thì coi thật là... vui nhộn. Thằng Bích được chở vào nhà thương và vài tiếng đồng hồ sau trở về, mặt mày hồng hào, cười toe toét, lại được bác sĩ cho một cây kẹo ngậm...
Lớn hơn một chút, tôi để ý thấy nó có nhiều điểm khác tôi và chính những điểm này đã ảnh hưởng tới cuộc đời của nó về sau...
Trước hết, khi còn bé, mỗi lần chúng tôi có làm gì quấy và biết mình sẽ bị đòn, khi bố tôi về, thằng Bích thường bỏ trốn ở một cái hóc kẹt nào đó trong nhà. Tôi biết không thể nào trốn được nên cứ tỉnh bơ, chờ hình phạt. Phần nó thì luôn luôn bị nặng hơn vì mang thêm cái tội... trốn. Thế mà lần sau cũng vậy, nó lại đi trốn nữa.
Thứ hai, khi chúng tôi đi học với nhau, hễ ai bắt nạt em tôi thì tôi không cần biết phải quấy, luôn luôn đứng về phe nó để chống bọn kia. Nhưng đôi khi tôi gặp khó khăn, mong được sự giúp đỡ của nó thì thỉnh thoảng nó lại nghe lời bạn bè, đứng về phía bên kia để chống tôi. Và tôi không bao giờ đem chuyện xấu của nó trong nhà đem kể cho ai nghe, dù người đó thân đến cỡ nào, nhưng thằng Bích thì khác. Tối hôm qua tôi bị đòn vì tội ăn cắp tiền thì ngày mai trong lớp có thằng đã biết.
Chuyện thứ ba, quan trọng nhất mà sau này đã ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc đời nó là thằng Bích rất mê chuyện cờ bạc đỏ đen. Mỗi lần Tết tới là nó rủ tôi đánh cá ngựa và có thể ngồi được từ sáng tới chiều, rồi sang hôm sau ngồi tiếp. Ngồi cho đến hết 10 ngày nghỉ Tết. Riêng tôi, tôi chẳng thấy hứng thú gì nên chiều nó, ngồi chừng nửa tiếng là tôi phải dọt. Tôi không hiểu tại sao một con người có thể ghiền cái hột xí ngầu đến như thế.
Năm tôi trình diện đi lính, thằng Bích đã bỏ học và bắt đầu đi chơi lang thang, sống cuộc đời không định hướng như nhiều người tuổi trẻ "hippy" khác thời đó. Có một điểm cần nói thêm ở đây là thằng em tôi trắng trẻo, rất đẹp trai, coi cứ như tài tử xi nê và tính tình lại hiền hòa, dễ dãi. Vì thế, dù tuổi còn trẻ, nó có rất nhiều đào. Có cả mấy em ca-ve đáng tuổi chị hay mẹ nó cũng mê nó tít thò lò, đem nó về nhà ngủ và cho nó tiền. Nhờ đó, nó mới có tiền đi chơi và dĩ nhiên, đi thăm tôi.


Hai anh em gặp nhau, mừng rỡ nhưng niềm vui không trọn vẹn được. Đúng hơn, tôi thấy vui ít nhưng buồn thì nhiều vì thấy nó không lo học hành lại lo bụi đời lang thang và đất nước mình đang trong hoàn cảnh chiến tranh thì trước sau gì tôi cũng phải vào Vườn Tao Ngộ này mà ... thăm nó mà thôi. Nhưng anh em lâu ngày gặp nhau, không lý tôi lại giảng mô-ran cho nó nghe nên đành làm lơ, ngồi nói chuyện trời đất. Nửa tiếng đồng hồ sau, nó đứng lên từ giã. Tôi dù mới đi lính có vài tuần nhưng thấy nó dài như vài năm và có nhiều chuyện muốn hỏi về quê nhà nhưng thấy nó nói thế, tôi không cản.
Đó là lần thứ nhất anh em tôi gặp gở nhau ở Vườn Tao Ngộ.
Sau đó, tôi lên Quang Trung rồi qua Thủ Đức. Quả đúng y như tôi nghĩ, tôi đang học Thủ Đức thì thằng Bích bị gọi đi lính, học khóa Hạ Sĩ Quan. Và một buổi sáng đẹp trời, tôi, trong bộ đồ vàng của Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức, vào vườn Tao Ngộ đi thăm nó. Vẫn tiếng hát Hoàng Oanh, vẫn cảnh cũ, nhưng tình cảnh hai anh em lần này thì trái ngược. Tôi là người đi thăm, và nó là người... bị thăm. Thằng Bích bây giờ trong bộ đồ lính xanh rộng thùng thình quá khổ, đầu tóc hớt ngắn, nhưng không hề thấy nó buồn. Mặt mày nó vẫn tỉnh bơ, coi cuộc đời lính như pha. Tôi ráng ngồi với nó được chừng hơn một tiếng đồng hồ, đem hết những kinh nghiệm của một người đi trước dạy cho nó biết về cách sống, cách ma giáo để tồn tại trong quân trường nhưng hình như nó không để ý gì. Rồi chúng tôi chia tay....
Đó là lần thứ hai anh em tôi gặp gở nhau ở Vườn Tao Ngộ.
Tôi tưởng đó là lần cuối cùng anh em tôi gặp nhau trong quân trường nhưng một sáng chủ nhật, tôi đang... nằm tù (vì bị người ta ăn hiếp nên tôi phải phản ứng hơi ...mãnh liệt một chút) trong trường Bộ Binh Thủ Đức thì nó vào tận trong tù thăm tôi trong bộ đồ lính của quân trường Quang Trung. Nó đến thăm tôi, không ngạc nhiên mà cũng không thèm thắc mắc vì sao tôi lại bị nằm tù. Tôi nhờ nó chạy ra mua cho tôi một ổ bánh mì thịt và một bình trà đá chanh đường. Nó chờ cho tôi gặm xong ổ bánh mì rồi đứng lên, hỏi:
-Chừng nào người ta thả anh ra"
-Chiều nay, khoảng 3 giờ.
-Thôi, em về, về lại Sài Gòn, kiếm gì ăn rồi chiều nay vào lại quân trường.
Chúng tôi từ giã nhau, không nói gì thêm. Nhìn nó bước ra ngoài trong bộ đồ lính, tôi tự hỏi không biết đất nước mình có bao nhiêu cảnh hai anh em cùng mặc đồ quân trường mà lại đi vào 2 quân trường khác nhau để thăm nhau trước sau tất cả là 3 lần" Phải mặc đồ lính thì mới hiểu được những nổi niềm cô đơn này...
Rồi thằng Bích mãn khóa Quang Trung, được chuyển qua Đồng Đế để học giai đoạn hai. Tháng 12 năm 1970, tôi tốt nghiệp trường bộ binh với mãnh bằng Trung Đội Trưởng bộ binh và cái lon Chuẩn Oái vàng chóe trên... ngực, không phải trên cổ áo vì tôi về Không Quân. Trong lúc tôi đang học Anh Văn ở Tân Sơn Nhất thì thằng em tôi ra trường Đồng Đế, đi Quân Chủng Quân Cảnh. Nó được đi học khóa căn bản Quân Cảnh rồi ra Phú Quốc coi tù Việt cộng.
Thời gian này, học Anh Văn nên tôi có nhiều thì giờ rảnh, cuối tuần nào cũng ra Sài Gòn chơi. Điều ngạc nhiên là, thỉnh thoảng, lại được gặp thằng em tôi, từ Phú Quốc dù về Sài Gòn chơi. Và một trong những lần gặp gỡ này, tôi khám phá ra một điều quan trọng mà tôi đã nghi từ lâu: Thằng em tôi hút sì-ke.
Cách đó chừng hơn năm, vào những ngày "tuyệt vọng" trước khi đi lính, thằng em tôi thường đàn đúm với một nhóm bạn bè chẳng tốt lành gì. Tôi biết rõ bọn này, chúng nó đều lớn tuổi hơn em tôi và thằng nào cũng mang một tâm trạng chán đời, tóc để dài tới vai, một năm trời không tắm quá 2 lần và oán ghét chiến tranh cái kiểu bọn hippy phản chiến Mỹ. Nhưng cũng còn may cho thằng em tôi vì tôi biết nó chỉ hút chơi chứ không nghiện ngập. Một bằng chứng rõ ràng nhất là khi vào quân trường nó chẳng có dấu hiệu gì là bị dằn vặt cả. Sau này ra Phú Quốc thì càng ít cơ hội hơn, nhưng sáng hôm đó, tìm thấy một lọ cocaine trong túi áo nó thì tôi giận ghê lắm. Tôi bắt nó đổ hộp bạch phiến vào cầu tiêu rồi kéo nước trước mặt tôi và sỉ vả cho nó một mách. Tôi không biết những lời sỉ vả của tôi có ảnh hưởng gì tới nó hay không nhưng tôi phải làm thế vì tôi biết đó là bổn phận của tôi, người anh lớn trong gia đình.
Sau đó vài tháng, tôi được gọi ra Nha Trang học bay nên hai anh em không còn có dịp gặp nhau nữa. Tết năm đó, tôi được phép về nhà ăn tết và tình cờ nó cũng được một tờ giấy phép về nhà. (không hiểu nó xoay sở thế nào mà đi phép còn nhiều hơn cả tôi.) Thật là một cuộc họp mặt vui vẻ bất ngờ.
Hai anh em ngồi cưa một thùng bia và tôi để ý thấy nó không còn uống nhiều và uống một cách thoải mái như hồi xưa nữa. Linh tính cho tôi biết có chuyện gì không ổn nhưng hồi đó tôi không còn có thì giờ để lo cho ai cả. Tôi muốn tận hưởng mấy ngày phép ngắn ngủi của tôi trước khi trở về trường bay trở lại.
Xong Tết năm đó, tôi trở lại trường bay rồi tốt nghiệp, phục vụ luôn tại phi đoàn 114 quan sát ở Nha Trang. Cuộc đời tôi coi như tạm ổn, trong khi cuộc đời của thằng em tôi thì rớt từ một vực sâu này xuống một vực thẳm khác. Sau Tết đó, nó về Sài Gòn nhưng thay vì về lại đơn vị cũ ở Phú Quốc, nó làm một quả... đào ngũ. Trong nhà chẳng ai biết được chuyện này cho đến khi cu cậu bị bắt và sau một thời gian tù mấy tháng, cựu trung sĩ Quân Cảnh Lê Xuân Bích đã biến thành Trung sĩ Địa Phương Quân phục vụ ở Tiểu Khu Bình Dương.
Cuối năm 1971, nó về lại Ban Mê Thuột một lần nữa và đào ngũ lần thứ hai. Nhưng lần này khác hẳn lần trước, nó ở luôn trong nhà, không đi đâu nữa. Có lẽ học được nhiều bài học quý giá ở trong tù, tính tình của thằng em tôi bây giờ thay đổi hẳn. Nó trở nên hiền lành dễ bảo, bắt đầu biết nghe lời cha mẹ, biết phụ giúp những công việc trong nhà, từ chuyện nhỏ như lau nhà, rửa chén, cho heo ăn đến chuyện lớn như vác muối, vác gạo để phụ giúp bố mẹ. Dĩ nhiên là nó không còn đi chơi bời đán đúm với đám bạn hút sách ngày xưa nữa. Thật ra thì cái băng này cũng gần tan rã vì đứa thì bị ở tù, đứa khác trốn lính, trốn chui trốn nhủi như chó, đứa khác lại nghiện ngập tệ đến nỗi phải sống bám vào cha mẹ như những con ký sinh trùng.
Nhưng mọi cố gắng hình như đã quá trễ cho thằng em tôi...
Bố tôi vốn là một người cha nghiêm khắc, nên chuyện chứa chấp một thằng con đào ngũ ở trong nhà là một chuyện ông không bao giờ muốn làm. Hơn nữa, kể từ lúc nó lớn lên cho tới ngày hôm ấy, là một thằng con hoang đàng, em tôi đã mang lại không biết bao nhiêu là tiếng xấu và đau khổ cho bố mẹ tôi. Thậm chí, gần sạt nghiệp cũng vì nó. Vì thế, bố tôi lúc ấy cũng mệt mỏi và chán nản thằng con hư lắm rồi. Nhưng dù không thích, ông cũng không nỡ đuổi con mình ra khỏi nhà. Không đuổi nhưng ai cũng có thể đoán được cái không khí khó thở trong nhà lúc ấy nó như thế nào.
Tôi không hiểu thằng em tôi sống hết giai đoạn cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi của nó, trong căn nhà nơi nó đã sinh ra và lớn lên, với chính những người đã cưu mang nó từ lúc lọt lòng ra đến lúc ấy như thế nào, nhưng tôi biết chắc là vui thì ít nhưng buồn bã cay đắng thì nhiều. Bố tôi ít khi chửi con, nhưng mỗi lần muốn nói gì thì toàn những lời cay đắng độc địa. Mẹ tôi lúc sau này thì dễ khóc và hay đay nghiến. Tôi nghĩ, thằng em tôi phải chịu đựng những điều này thật là xứng đáng để bù cho những tháng ngày cũ, khi tóc nó còn xanh hơn và khi chiến tranh chưa trở nên tàn khốc, nó đã làm khổ bố mẹ nó.
Một lần về nhà, tôi lột cái áo bay đưa cho nó giặc. Trong khi tôi mặc quần áo thun ra ngồi trước nhà uống bia như ông công tử, thằng em tôi phía sau nhà kỳ cọ giặt giũ rồi phơi áo cho tôi. Áo khô, nó đưa cho tôi, tôi cho nó trăm đồng bạc. Thằng em tôi cầm lấy một trăm đồng bạc, nghẹn ngào không nói nên lời. Ngày xưa, có một đêm nó dám trả một chầu ăn nhậu cho tôi gần cả chục ngàn đồng bạc. Tôi không ngờ, hình như đó là lần gặp gỡ cuối cùng giữa anh em chúng tôi...
Sau đó, Việt cộng đánh trận mùa khô năm 1972 và chính phủ ban lệnh ban ân xá cho bọn lính đào ngũ. Nhân dịp này, bố tôi hối thúc nó đi trình diện. Có lẽ biết không còn làm cách nào khác hơn, nó lên đường.
Không tới 1 tháng sau, sư đoàn gởi người về thông báo cho bố mẹ tôi biết rằng thằng em tôi, Trung Sĩ Nhất Lê Xuân Bích đã bị mất tích ở mặt trận Tân Cảnh...
Hồi đó tôi cũng đang bay hành quân cho sư đoàn 23 bộ binh, nhưng không hề biết thằng em mình đang ở dưới đất vì không ai cho tôi biết việc nó đi trình diện trở lại...
Tôi nhận được tin em tôi mất tích vào một buổi chiều trong một quán ăn ở bờ biển Nha Trang, do mẹ tôi thông báo. Tôi đau khổ đến độ tê dại cả người, tay muốn cầm ly bia lên uống nhưng uống không được. Và tôi cũng không khóc được...
Những ngày sau đó, trở lại đi bay biệt phái cho sư đoàn 23 bộ binh, tôi cố gắng tìm hiểu về sự mất tích của thằng em tôi. Vì lái tàu bay làm việc thẳng với những người cao cấp trong sư đoàn, việc tìm ra số mạng của thằng em tôi không khó khăn gì lắm. Và chuyện xảy ra cho nó thật đúng như những gì tôi đã suy nghĩ.
Tôi đã nghĩ những người lính đào ngũ trở về trình diện như thằng em tôi sẽ không bao giờ được tin cậy hoàn toàn và phải chịu thật nhiều bất hạnh. Thật thế, dưới mắt của những người cầm quân thời đó (và tôi cũng không trách họ được), những người lính này sẽ được coi trọng hơn lao công đào binh một tí là được mang súng, còn ngoài ra, họ sẽ được dùng để trám vào những chỗ nào nguy hiểm nhất, dễ chết nhất.
Khi biết được chuyện đó, tôi không còn muốn điều tra gì thêm. Tôi biết rằng em tôi đã chết thật chứ không phải mất tích như người ta đã nói. Tôi nhủ thầm rằng đất nước này, quê hương này, mỗi ngày có hàng ngàn người gục xuống, đổ máu cho quê hương, thằng em tôi chỉ là một người trong số hàng ngàn người đó. Điều an ủi là, dù ngày xưa nó là một thằng con hư, một thằng hút sách, một thằng lính đào ngũ, nhưng cuối cùng, nó đã chết với bộ quân phục trên người. Đó là một niềm hãnh diện vô cùng lớn lao cho gia đình tôi. Nó đã chết cho tổ quốc, cho đất nước, chứ không chết trong một xó xỉnh nào đó vì bệnh nghiện ngập, hoặc trong một nhà tù nào đó vì đã phạm tội với xã hội.
Bây giờ, dù em tôi đã chết hơn 30 năm qua, mỗi lần nghe bài hát "Vườn Tao Ngộ", thỉnh thoảng, nước mắt tôi vẫn còn ứa ra. Không hiểu tại sao, suốt gần 17 năm anh em chung sống với nhau từ thời thơ ấu cho đến lúc lớn khôn, chúng tôi đã chia xẻ không biết bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn, nhưng không có kỷ niệm nào làm cho tôi nhớ bằng lần 2 anh em chúng tôi đi thăm nhau ở Vườn Tao Ngộ. Tôi nghĩ, có lẽ bởi vì hồi đó, hai anh em tôi như hai con chim bé bỏng lần đầu tiên rời xa tổ ấm của gia đình để bắt đầu tập sống lấy những cuộc đời riêng biệt cho mình... Có thể như thế thật, chỉ tiếc rằng, cuộc đời tôi thì còn dài mà cuộc đời em tôi thì quá ngắn ngủi, quá mệnh bạc...
Bích ơi, đất nước mình điêu linh, gia đình nào cũng có người con phải nằm xuống cho tổ quốc. Nhà mình, không ai ngờ người đó lại là em, một người hiền lành nhất, dễ đam mê nhất và yếu đuối nhất. Em đã nằm xuống, trở thành bóng tối và chấp nhận làm bóng tối, em phải biết rằng, chỉ có bóng tối mới nuôi dưỡng và làm rạng rỡ được mặt trời...
Thôi, Bích ơi, em hãy nghĩ yên...

Trường sơn Lê Xuân Nhị
Tháng 7, 2002
Đúng 30 năm sau ngày em tôi tử trận ở Tân Cảnh, tháng 7, năm 1972

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.