Hôm nay,  

Tq Giải Giới Quân Nhật Ở Vùng Quần Đảo Hoàng Sa

27/04/200200:00:00(Xem: 4007)
Như đã trình bày, trong vụ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 19 tháng 1/1974, Trung Cộng đã nại cớ rằng hai quần đảo trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa (Trung Hoa gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Hoa gọi là Nam Sa) vốn từ lâu là một phần lãnh thổ của Trung Hoa nhưng đã bị Nhật Bản xâm chiếm và đã được chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thu hồi lại sau khi Nhật Bản đầu hàng lực lượng Đồng minh. Sự biện minh của Trung Cộng cũng đã được Trung Hoa Dân quốc gián tiếp phụ họa. Sau đây là phần lược trình diễn tiến về việc tranh chấp chủ quyền trên biển Đông trong thập niên 40 và những năm đầu của thập niên 50, và tiến trình quân Trung Hoa Dân quốc giải giới quân Nhật trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phần này được biên soạn dựa theo tài liệu của sử gia Quốc Tuấn trình bày trong cuốn đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa phổ biến vào năm 1974. Để giúp bạn đọc tiện theo dõi, VB xin lược ghi những phần đã được trình bày trong các kỳ trước.

* Lược ghi các cuộc tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Đông
Lần đầu tiên Trung Cộng chính thức lên tiếng về vấn đề chủ quyền ở biển Đông khi Tổng Thống Phi Luật Tân Quirino, trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 17-5-1951, đã đưa ra luận cứ cho rằng quần đảo Trường Sa đứng về phương diện địa dư ở kế cận quần đảo Phi Luật Tân nên nó phải thuộc về Phi Luật Tân. Ngày 19-5-1951, Bắc Kinh đã phản ứng và ra tuyên bố như sau: "Lời tuyên bố vô lý của Chính phủ Phi Luật Tân đối với lãnh thổ của TQ rõ ràng là sản phẩm của Chính phủ Hoa Kỳ. Kẻ khiêu khích Phi Luật Tân và những kẻ ủng hộ Hoa Kỳ phải bỏ ngay mưu đồ mạo hiểm đó đi nếu không thì hành động này có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng..."

Vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo đã được Trung Cộng chính thức đề cập trong một bản tuyên bố sau đó. Khi nghiên cứu dự thảo hòa ước Cựu Kim Sơn Anh-Mỹ do Hoa Kỳ gửi cho các quốc gia được mời tham dự hòa hội, Trung Cộng thấy điều 2 của dự thảo hòa ước không quy định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản sẽ phải từ bỏ được trao cho quốc gia nào, nên trong bản tuyên bố ngày 15-8-1951, sau khi đề cập tới quan điểm của Trung Cộng về từng vấn đề một, Chu Ân Lai tuyên bố: "Dự thảo Hiệp ước quy định là Nhật Bản sẽ từ bỏ mọi quyền đối với đảo Nam Uy và quần đảo Tây sa, nhưng lại cố ý không đề cập tới vấn đề tái lập chủ quyền trên hai quần đảo này. Thực ra, cũng như các quần đảo Nam Sa và quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Uy lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc. Mặc dù những đảo này đã có lúc bị Nhật Bản chiếm đóng một thời gian trong trận chiến tranh xâm lăng do đế quốc Nhật Bản gây ra, sau khi Nhật Bản đầu hàng thì chính phủ Trung Hoa đã thâu hồi những hòn đảo này. Chính phủ Nhân Dân Trung ương nước Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa do đó tuyên bố: dù Dự thảo hiệp ước Anh-Mỹ có chứa đựng các điều khoản về vấn đề này hay không và dù các điều khoản này có được soạn thảo như thế nào, chủ quyền bất khả xâm phạm của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa trên đảo Nam Uy và quần đảo Tây Sa sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng."

Chu Ân Lai kết luận vấn đề này bằng cách phủ nhận giá trị bất cứ hòa ước nào ký kết với Nhật Bản mà không có sự tham dự của Trung Cộng: "Chính phủ Nhân dân Trung ương của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa một lần nữa tuyên bố: Nếu không có sự tham dự của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa trong việc chuẩn bị, soạn thảo và ký một hòa ước với Nhật Bản thì dù nội dung và kết quả một hiệp ước như vậy có như thế nào, chính phủ Nhân dân Trung ương cũng coi hòa ước ấy hoàn toàn bất hợp pháp, và vì vậy vô hiệu." Trong bản tuyên bố này cũng như trong các bản tuyên bố sau và cả trong bản tuyên bố của Trung Hoa Dân quốc đã đề cập đến việc chính phủ Trung Hoa thâu hồi hai quần đảo này sau khi đầu hàng.

* Quân Nhật chiếm đóng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Một vấn đề được đặt ra: Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thu hồi hai quần đảo này có phải là một hành vi hợp pháp không " Thế giới đều rõ rằng một năm trước khi xảy ra thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã chiếm lâm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, mượn danh là khai thác thương mại, nhưng thực tế là để mưu lập căn cứ chiến lược làm bàn đạp tấn công vùng Đông Nam Á. Trong "Petite Histoire des Paracels", sử gia R.Serence cho biết: "Năm 1938, Nhật mượn cớ khai thác thương mại đã chiếm Lâm đảo để bành trướng sự kiểm soát tới các đảo Cam tuyền và Linh Côn." Rồi đến ngày 31-3-1939, trong một bản thông cáo, bộ Ngoại giao Nhật thông báo là vào 30-9-1939, Nhật đã quyết định đặt quần đảo Trường Sa dưới quyền kiểm soát của Nhật vì lý do tại đây đã thiếu một chính quyền hành chính địa phương nên đã làm thiệt hại đến quyền lợi của Nhật. Trong suốt thời gian của trận Thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã đóng quân trên hai quần đảo này cho tới khi đầu hàng quân đội Đồng Minh.

Vào cuối năm 1943, trong lúc trận Thế chiến thứ 2 đang ở mức độ ác liệt thì các lãnh đạo tối cao của ba đại cường là Mỹ, Anh và Trung Hoa Dân quốc đã bí mật gặp nhau tại Cairo, thủ đô Ai Cập, từ 23 đến 27-11-1943 để thảo luận các chiến lược tiêu diệt phe Trục (Đức-Ý-Nhật). Ngày 26-11-1943, Tổng thống HK Roosevelt, Thủ tướng Anh Churchill và Thống chế Tưởng Giới Thạch của THDQ đã ký một bản thông cáo chung (về sau được gọi là bản tuyên cáo Cairo) trong đó có một đoạn như sau: "Đối tượng của các nước này (tức là ba nước Đồng minh) là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng đoạt hay chiếm đóng từ khi khởi sự có trận Thế chiến thứ nhất năm 1914 và tất cả lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của người Trung Hoa, như là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ phải được hoàn lại cho Trung Hoa Dân Quốc, Nhật Bản cũng sẽ phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác đã chiếm được bằng võ lực và lòng tham."

Quyết định này đã được Thống chế Nga Stalin thành, khi trong một bữa ăn trưa giữa ông Stalin và Tổng thống Roosevelt cùng Thủ tướng Churchill tại tòa Đại sứ Nga ở Teheran ngày 30-11-1943, Thủ tướng Anh hỏi ông Stalin là đã đọc bản thông cáo Cairo chưa thì ông trả lời là ông đã đọc rồi và mặc dù ông không cam kết điều gì nhưng ông hoàn toàn tán thành bản thông cáo và tất cả nội dung thông cáo. Quyết định của Tam Cường tại Hội nghị Cairo một năm rưỡi sau được tái xác nhận trong một hội nghị thượng đỉnh tam cường khác để ấn định các điều kiện cho Nhật Bản đầu hàng nhóm tại Potsdam từ 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945. Trong hội nghị này, các nhà lãnh đạo tam cường đã quyết định chia Đông Dương ra làm hai khu vực để tiện cho việc giải giới quân đội Nhật trú đóng tại đây. Vĩ tuyến 16 được chọn làm ranh giới: khu vực Bắc vĩ tuyến ủy thác cho Quốc quân Trung Hoa giải giới và khu vực phía Nam giao cho liên quân Anh-Ấn.

* Quốc quân Trung Hoa giải giới quân Nhật
Vì quần đảo Hoàng Sa nằm giữa vĩ tuyến 15 và 17 nên theo nguyên tắc vấn đề giải giới quân đội Nhật Bản trú đóng ở quần đảo này thuộc thẩm quyền Quốc quân Trung Hoa, còn quần đảo Trường Sa nằm giữa vĩ tuyến 8 và 12 nên thuộc quyền liên quân Anh-Ấn. Việc giải giới quân đội Nhật của Quốc quân Trung Hoa ở Bắc vĩ tuyến 17 được coi là bắt đầu từ ngày 9-9-1945, khi đội quân của tướng Lư Hán tiến vào thành phố Hà Nội và chấm dứt vào cuối tháng 8/1946 sau khi Trung Hoa Dân Quốc đã ký với Pháp thỏa ước 28-2-1946 nhường lại chủ quyền giải giới cho quân đội Pháp. Tuy nhiên theo Bành Phẩm Quang viết trong bài "Quần đảo Nam Sa tiền đồn phòng thủ lãnh hải" thì có một số sự kiện được ghi nhận như sau: "Ngày 26-10-1946, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân quốc gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các bộ và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của Hải quân (tiền thân của Thủy quân lục chiến) từ cảng Ngô Tùng xuất phát, và ngày 29 tháng 11 thì các tàu Vĩnh Hưng và tàu đổ bộ Trung Kiện mới tới đảo Vĩnh Hưng thuộc quần đảo Tây Sa và đổ bộ lên đây. Ngày 4 tháng 12 chiến hạm Vĩnh Hưng còn đi qua đảo La Bột, đảo Ba Bột rồi trở lại. Còn hai chiến hạm Thái Bình và Trung Nghiệp đến ngày 9 tháng 12 mới quần đảo Nam Sa. Tháng 12/1946 mới hoàn tất chiếm đóng đảo Thái Bình, ngày 15 tháng 1/1947, chiến hạm Thái Bình mới chiếm các đảo Đốc Đô, Song Tử, Nam Cực... rồi trở về. Đến đây công tác chiếm đóng và tiếp thu quần đảo Tây Sa và Nam Sa đã hoàn tất."

Theo sử gia Quốc Tuấn, việc Quốc quân Trung Hoa đổ bộ lên hai quần đảo này mà chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và Trung Cộng coi là tiếp thu là một hành vi bất hợp pháp vì nhiều lẽ:

1,Theo quyết định của hội nghị Postdam, Quốc quân Trung Hoa chỉ có quyền giải giới quân đội Nhật Bản trên quần đảo chứ không có quyền ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc thẩm quyền liên quân Anh-Ấn.

2, Nếu muốn giải giới thì phải thực hiện trước cuối tháng 8/1946. Đằng này Quốc quân Trung Hoa lại để đổ bộ quân lính lên hai quần đảo này vào tháng 11 và tháng 12 năm 1946 và tháng 1 năm 1947, như thế là một hành vi xâm lược chứ không phải là hành vi thụ ủy hợp pháp, vì từ tháng 8/1946, hành vi giải giới của Quốc quân Trung Hoa không còn căn bản pháp lý nữa.

3, Bản Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam hoàn toàn không đề cập tới vấn đề trao hoàn cho Trung Hoa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản cưỡng chiếm vào đầu trận Thế chiến thứ 2. Như vậy gián tiếp các nhà lãnh đạo các nước tham dự hai hội nghị đã quan niệm hai quần đảo này không phải là phần lãnh thổ của Trung Hoa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.