Hôm nay,  

Chuyện Con Hươu

01/04/200000:00:00(Xem: 4901)
Cách đây mấy tuần, đọc báo Sàigòn Times thấy có tin ông bộ trưởng quốc phòng Cohen đến tỉnh Hà Tây lội bùn coi lính Hà Nội đào đất kiếm xác phi công Mỹ, Con Hươu thấy thật tức cười. Theo Con Hươu biết, tất cả chỉ là những màn kịch nhằm che mắt dư luận, thu phục nhân tâm Mỹ mà thôi. Còn ba cái chuyện, nay đào mai xới, tìm kiếm xác tù binh Mỹ đều là những chuyện CS Hà Nội đã lường trước cách đây cả 30 năm, khi mà Hội Nghị Ba Lê còn đang nhì nhằng bàn vuông bàn tròn.

Mới đây Con Hươu tình cờ trò chuyện với một vị thương gia người Việt có máu mặt ở Úc. Vị này trước kia cũng là một người Việt chống cộng thứ thiệt, có khí phách, có phong độ ngang tàng, coi trời bằng vung. Nhưng từ ngày làm ăn với Việt Cộng, tiền bạc rủng rỉnh thì đâm ra bợ đỡ, vào luồn ra cúi cửa quyền cộng sản. Biết được thế chẹt của y, nên mấy tên cộng sản ở tòa lãnh sự lẫn đại sứ quán mỗi khi gặp y đều làm cái trò hỏi "vay mà không hề trả", lúc thì 5 xín, lúc 10 xín... Sau thời gian mang thân làm nô bộc, tiền mất, tật mang, vị thương gia mới thấm thía, quyết quay trở lại con đường chính nghĩa quốc gia và tiết lộ cho Con Hươu nhiều chuyện động trời như chuyện Việt cộng dự định thành lập đài truyền hình ở Úc, chuyện tổ chức du lịch, chuyện trình diễn văn nghệ, chuyện cài người ở lại Úc qua chiêu bài tỵ nạn chính trị... Tương lai, khi có dịp, Con Hươu sẽ lần lượt nêu từng chuyện kèm theo cả hình ảnh đầy đủ để qúy độc giả giật mình thấy "đôi khi chính người vừa bắt tay với mình lại chính là kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".

Hôm nay, trở lại truyện tù binh Mỹ, qua lời kể của vị thương gia mới quay đầu về nẻo chánh, Con Hươu biết ở thời điểm Hội Nghị Ba Lê nhóm họp, giới lãnh tụ cộng sản cao cấp tại Hà Nội đã chia ra làm hai phe. Một phe hậu thuẫn việc trao trả toàn bộ tù binh Mỹ cộng sản đã bắt giữ trong thời gian chiến tranh bao gồm cả lãnh thổ Bắc Việt, Lào, Căm Bốt và Nam Việt Nam. Phe thứ hai muốn giữ tù binh để đòi tiền bồi thường chiến tranh của Mỹ. Riêng Đỗ Mười, Xuân Thủy và Nguyễn Duy Trinh thì muốn dung hòa cả hai, có nghĩa là trao trả một ít còn giữ lại để mặc cả sau này.

Trong một cuộc hội kiến bí mật vào cuối năm 1970, Đỗ Mười đã bác bỏ quan niệm cho rằng, nếu không trao trả toàn bộ tù binh Mỹ, chính phủ Mỹ sẽ không chịu rút khỏi Việt Nam. Trong một văn kiện đệ trình lên bộ chính trị vào đầu năm 1971, Đỗ Mười cũng đã nhấn mạnh:

"Trong vị trí khiêm tốn của một phó thủ tướng, tôi xin được đạo đạt mấy thực tế để các đồng chí nghiên cứu. Việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam là một việc bắt buộc vì dư luận tiến bộ tại Mỹ và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới hiện rất bất lợi cho Mỹ và thuận lợi tối đa cho chúng ta. Còn tù binh Mỹ tôi nghĩ các đồng chí lãnh đạo chỉ nên chấp thuận trao trả một ít còn giữ lại để trong tương lai chúng ta sẽ tận dụng triệt để đòi Mỹ bồi thường. Tôi tin chắc việc đế quốc Mỹ mất nhiều tù binh nhưng ta trả ít chúng cũng không thể làm gì được. Kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh Triều Tiên các đồng chí chí nguyện quân Trung Quốc đã giam giữ và hành quyết 389 tù binh Mỹ sau khi cuộc chiến kết thúc vậy mà Mỹ đành chịu. Rồi hơn 5000 tù binh Mỹ tại các quốc gia Đông Âu bị các đồng chí hồng quân Nga thủ tiêu tập thể sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc Mỹ cũng đâu dám làm gì. Đến khi hồng quân Nga giải phóng nước Đức bắt giữ và thủ tiêu tới 19 ngàn tù binh Mỹ cũng là bằng chứng cho các đồng chí thấy với kẻ thù chúng ta không cần phải khoan nhượng. Nhất là bọn chúng là những kẻ đã có nợ máu với nhân dân."

Dĩ nhiên, trước khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết, nhiều cố vấn cao cấp trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cũng e ngại Việt Nam sẽ không chịu trao trả toàn bộ tù binh Mỹ mà họ bắt giữ.

Theo Con Hươu được biết thì chính chuyên viên phân tích tin tức tình báo của Mỹ tên là Jerry Mooney cũng đã xác nhận đại đa số các yếu nhân trong phòng quân báo (DIA) tình báo CIA, cơ quan an ninh không lực Mỹ (USAFSS), hội đồng an ninh hàng không (ASA) đều nghi ngờ thiện chí trao trả toàn bộ tù binh Mỹ của nhà cầm quyền Bắc Việt.

Có điều trong suốt thời gian hội nghị Ba Lê nhóm họp, đại diện phái đoàn thương thuyết Mỹ bao gồm cả tiến sĩ Henry Kissinger, đều bị cộng sản Hà Nội cho vào xiếc qua những trò lừa bịp, dối trá một cách ngang ngược.

Theo tinh thần của Hiệp Định Ba Lê, chính phủ Mỹ phải triệt thoái toàn bộ quân đội Mỹ tại Việt Nam song song với sự trao đổi tù binh giữa các phe phái trong thời gian 60 ngày.

Trong thời gian thương thuyết tại Ba Lê, chính quyền cộng sản Hà Nội luôn luôn có những ngôn từ ám chỉ, một khi hiệp định Ba Lê được ký kết, toàn bộ tù binh Mỹ bị bắt tại Lào cũng sẽ được trao trả. Mặc dù Pathet Lào không trực tiếp tham dự hội nghị, cộng sản Hà Nội luôn luôn cho phái đoàn Mỹ hiểu các lãnh tụ Pathet Lào đều trực tiếp dưới quyền điều khiển của cộng sản Bắc Việt.

Nhưng mặc dù nhìn nhận trách nhiệm trao trả toàn bộ tù binh Mỹ bị bắt tại Lào, Đỗ Mười và Xuân Thủy đã khôn ngoan đưa ra yêu cầu không được ghi trách nhiệm này trong những điều khoản của hiệp định Ba Lê.

Vì những áp lực muốn chấp dứt sự hiện diện của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam càng sớm càng tốt nên đại diện phái đoàn Mỹ đành phải chấp nhận ký kết hiệp định trên tinh thần tin tưởng "lời hứa miệng" của phái đoàn Bắc Việt.

Trong cuộc trò chuyện mới đây, chính Richard Aldrich, cố vấn luật pháp của bộ ngoại giao Mỹ và là thành viên trong phái đoàn Kissinger với trách nhiệm phân tích toàn bộ những điều khoản của Hiệp Định Ba Lê trên căn bản luật pháp cũng đã thừa nhận, mặc dù vấn đề trao trả tù binh Mỹ bị bắt tại Lào đã không được ghi trong bản Hiệp Định Ba Lê nhưng đại diện phái đoàn Hà Nội đã "long trọng cam kết sẽ trao trả toàn bộ trong thời hạn 60 ngày".

Dĩ nhiên, tin vào lời hứa của những người cộng sản thì chỉ có đổ thóc giống ra mà ăn. Bằng chứng là sau khi đặt bút ký kết Hiệp Định Ba Lê và nhận trên tay danh sách các tù binh Mỹ, phái đoàn Mỹ ngạc nhiên không thấy danh sách những tù binh Mỹ bị bắt tại chiến trường Lào. Đến khi phái đoàn Mỹ đặt vấn đề tù binh Mỹ tại Lào với phái đoàn Việt Nam thì cộng sản Việt Nam lật lọng tuyên bố họ chẳng hiểu phái đoàn Mỹ nói chuyện gì! Thậm chí, khi được chất vấn, Ngoại trưởng Hà Nội là Nguyễn Duy Trinh còn tuyên bố một câu xóc họng: "Nếu Hoa Kỳ muốn những tù binh Mỹ bị bắt tại Lào được hồi hương, tôi nghĩ tốt nhất chính phủ Mỹ nên trực tiếp thương thuyết với Pathet Lào thì đúng hơn".

Cũng dưới sự đạo diễn của Đỗ Mười, sau khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết vào ngày 27 tháng giêng năm 1973 thì không đầy một tháng sau, chính quyền Pathet Lào mở một cuộc họp báo vào ngày 21 tháng hai năm 1973. Trong cuộc họp báo phát ngôn viên của Pathet Lào là Soth Petrasi đã lên tiếng một cách có tung có hứng với chính quyền Hà Nội:

"Về vấn đề tù binh Mỹ bị bắt tại Lào, bất kể Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những thỏa thuận gì, với chúng tôi những thỏa thuận đó đều không có giá trị. Chính phủ Mỹ nên hiểu việc giải quyết số phận những tù binh Mỹ tại Lào chỉ có thể đạt được qua những thỏa thuận song phương và trực tiếp giữa Pathet Lào và Hoa Kỳ. Tất cả những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ với bất cứ quốc gia nào khác đều hoàn toàn vô hiệu quả và là hành động vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia Lào."

Lúc đó Con Hươu còn nhớ, trước thái độ lật lọng một cách trắng trợn của chính quyền cộng sản Hà Nội và cộng sản Lào, tướng John Wickham, người chịu trách nhiệm trong việc triệt thoái toàn bộ quân đội Mỹ trong thời gian tháng hai và tháng ba năm 1973 đã lên tiếng đe dọa sẽ trì trệ toàn bộ việc triệt thoái nếu chính quyền Hà Nội không chịu trao danh sách tù binh Mỹ bị bắt tại Lào.

Ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra một khi quân Mỹ trì trệ trong việc triệt thoái quân, chính quyền Hà Nội vội vã trao cho chính phủ Hoa Kỳ một danh sách gồm có vỏn vẹn 10 tù binh trong đó có 9 tù binh Mỹ và một dân sự vụ Gia Nã Đại.

Sau đó cả 10 tù binh đều được chính quyền Hà Nội phóng thích ngay tại Hà Nội. Điều này cho thấy mặc dù cả 10 người bị bắt trên lãnh thổ Lào nhưng họ đều bị trao cho cộng sản Bắc Việt giam cầm. Sau khi được trở về, những tù binh Mỹ cho biết 9 trong số 10 người chỉ bị giam giữ trên lãnh thổ Lào khoảng hai tuần lễ trước khi bị trao cho Hà Nội. Riêng người thứ 10 bị giam giữ trên lãnh thổ Lào ba năm rưỡi nhưng lực lượng giam giữ cũng là quân đội Bắc Việt.

Ở thời điểm bấy giờ, cơ quan tình báo Mỹ có trong tay một danh sách 566 tù binh Mỹ bị mất tích tại chiến trường Lào. Qua việc theo dõi các cuộc điện đàm vô tuyến, xàng lọc các tin tức từ báo chí cộng sản cùng các nguồn tin tình báo, chính phủ Mỹ tin tưởng ít nhất từ 200 đến 300 tù binh Mỹ còn bị cộng sản giam giữ.

Trong thời gian chiến tranh, chính quyền Pathet Lào cũng đã nhiều lần công khai tuyên bố việc bắt giữ các tù binh Mỹ. Đầu năm 1970, Soth Petrasi, phát ngôn viên của Pathet Lào cũng thừa nhận cộng sản Lào hiện đang giam giữ 158 tù binh Mỹ. Toàn bộ danh sách tên tuổi 158 tù binh Mỹ đã được Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế thiết lập và trao cho chính phủ Lào lúc đó. Tuy nhiên, chính quyền Hà Nội đã thản nhiên từ chối nhìn nhận danh sách này tại Hòa Đàm Ba Lê cũng như trong những năm tháng sau đó.

Kết quả, với thái độ kiên quyết của tướng John Wickham, chiến dịch Operation Homecoming của Mỹ đã có thêm 9 tù binh Mỹ. Theo lời tiết lộ mới đây của Đỗ Bình Dương, tay chân thân cận của Đỗ Mười thì nếu ở thời điểm đó, chính phủ Mỹ trì trệ việc rút quân khoảng hai tháng nữa, chắc chắn chính quyền Hà Nội sẽ phải trao cho chính phủ Mỹ thêm một danh sách gồm 46 tù binh Mỹ. Nhưng thực tế vì áp lực trong và ngoài nước, chính phủ Mỹ đã không làm như vậy và con số 46 tù binh Mỹ đáng lẽ sẽ được trở về Mỹ, nhưng vì tướng John Wickham đã không trì hoãn lệnh rút quân thêm hai tháng, nên họ đã phải tiếp tục ngồi bóc lịch trong nhà tù cộng sản, và đến nay, chính phủ Mỹ không hề hay biết họ còn sống hay đã chết.

Con Hươu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.