Hôm nay,  

Sách Mới Về Nhất Linh: Người Chiến Sĩ, Người Nghệ Sĩ

26/06/200400:00:00(Xem: 5797)
Nhất Linh là một người Việt Nam ưu tú của thế kỷ 20, nhưng cũng là một người bị truy bức không ngừng, cho đến khi ông qua đời. Đó là số phận riêng của một người, nhưng cũng là hình ảnh của số phận đất nước và dân tộc Việt Nam bị truy bức liên tục suốt lịch sử cận đại mà vẫn chưa đi được trên con đường mà mình mong muốn.
Hình ảnh người Nghệ Sĩ và người Chiến Sĩ nơi ông là hai mặt của cái biện chứng đấu tranh để dành lấy quyền xây dựng cuộc sống tốt đẹp của bất cứ con người Việt Nam nào. Ông đã sống cả hai cuộc đời đó với những thành công và thất bại của ông, nhưng cuộc đời ông và những suy nghiệm của ông rút ra từ đó là những yếu tố tích cực để các thế hệ sau soi vào tìm cảm hứng cho cuộc sống bất tuyệt luôn luôn mang trong nó cái hùng khí của đấu tranh và vẻ diễm lệ của tâm hồn con người mãi mãi không ngừng thăng hoa.
Cuốn sách này thành hình từ một số đặc biệt của tạp chí Thế Kỷ 21 về Nhất Linh cách đây gần hai năm nhân kỷ niệm ngày mất của ông. Vì số báo chứa đựng nhiều bài viết mới mẻ và tài liệu phong phú, độc giả đã đón nhận nồng nhiệt không ngờ. Các hiệu sách và bà con người Việt Nam ở mọi nơi gọi về hỏi mua liên tục, cho đến khi Tòa soạn chỉ còn những số cuối cùng để lưu trữ. Trước tình hình ấy, Tòa soạn báo Thế Kỷ 21 nghĩ đến hai điều, một là in thêm báo, hai là soạn thành một cuốn sách, để đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều người. Cuối cùng chúng tôi thiên về ý thứ hai: tìm thêm bài viết và tài liệu hình ảnh, tập hợp với những gì đã có để thành một cuốn sách đặc biệt về Nhất Linh, vì nghĩ sách sẽ đáp ứng rộng rãi nhu cầu gìn giữ tài liệu lâu dài của người đọc hơn là một số báo.
Là người trách nhiệm về bài vở cho tờ Thế Kỷ 21, chúng tôi ngỏ ý ấy với hai người bạn là Nguyễn Tường Thiết, con út của nhà văn, đang ở Mỹ, và Trương Kim Anh ở Na Uy, là ái nữ của hai nhà văn Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh từng có nhiều liên hệ mật thiết với Nhất Linh trong quá khứ, và ý kiến được ủng hộ nhiệt tình. Hai bạn đã đóng góp thêm nhiều tài liệu và hình ảnh rất quý giá. Nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê ở Pháp đã nhiệt tình giúp làm phong phú thêm cho cuốn sách, đặc biệt đã đi đến tận Bourges để tìm kiếm dấu vết Nhất Linh qua bức tranh vẽ nhà thờ ở đây của ông.
Cuốn sách gồm bài viết của các tác giả: Nguyễn Tường Bách, Võ Phiến, Trương Bảo Sơn, Anh Thơ, Tú Mỡ, Nguyễn Thị Vinh, Thụy Khuê, Đông Hồ, Linh Bảo, Trần Thanh Hiệp, Lê Đình Thông, Khoa Hữu, Bùi Bích Hà, Trần Khánh Triệu, Nguyễn Tường Thiết, Trương Kim Anh, Lưu Văn Vịnh, Phạm Phú Minh.
Cuộc đời làm báo, hoạt động văn học nghệ thuật và chính trị cũng như những nét thân thế và cá tính của nhà văn Nhất Linh đã được mỗi tác giả nhìn lại một cách chân thực và mới mẻ. Mỗi bài viết như là một mặt của một khối thủy tinh phát ra ánh sáng khác nhau, tạo thành một toàn thể linh động rực rỡ.
Phần tài liệu góp phần quan trọng tạo nên giá trị cuốn sách. Ít có một nhân vật văn học chính trị nào của Việt Nam mà tài liệu còn để lại phong phú và được gìn giữ cẩn thận như Nhất Linh.
Trước hết về hình ảnh: cuốn sách đã in những bức ảnh của Nhất Linh chụp từ thập niên 1930, 40, 50 và 60. Đó không chỉ là ảnh cá nhân và gia đình mà rất nhiều bức là những tài liệu lịch sử vô giá, đánh dấu những biến cố trong một giai đoạn lịch sử Việt Nam, ví dụ bức ảnh chụp Hồ Chí Minh và Nguyễn Tường Tam trên chiếc chiến hạm của Pháp trong vịnh Hạ Long để ký hiệp ước Hạ Long ngày 19 tháng Ba năm 1946, những bức chụp nhóm người Việt quốc gia lưu vong tại Hồng Kông mà những khuôn mặt trong đó đã ghi dấu trong lịch sử: cựu hoàng Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Trần Văn Tuyên, Hoàng Đạo, Nguyễn Bảo Toàn, Đỗ Đình Đạo, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Tường Bách v.v...; những bức ảnh êm đềm của một Nhất Linh nhà văn giữa núi rừng Đà Lạt; bức ảnh cuối cùng với hội Văn Bút Việt Nam năm 1963... Đó là chưa kể những bức ảnh chụp đầu thế kỷ 21 ghi hình ảnh mộ của ông bà Nguyễn Tường Tam trong nghĩa trang họ Nguyễn Tường ở Hội An, tòa nhà số 80 phố Quan Thánh Hà Nội và cây bàng bất hủ của áng văn Nhặt Lá Bàng trong tác phẩm Đôi Bạn...

Tài liệu về Nhất Linh cũng phong phú và được bảo tồn kỹ lưỡng. Ta có thể đọc lại phóng ảnh nhiều văn bản do chính tay Nhất Linh viết, như thư gửi cho "Các bạn chiến đấu" viết ngày 17 tháng 01 năm 1945 từ Vân Nam, thư gửi Hồ Chí Minh từ chức Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Liên hiệp, các bản thảo tiểu thuyết do ông viết từ Hương Cảng, Đà Lạt hoặc Sài Gòn, các mẫu bìa sách báo do chính tay ông trình bày, phóng ảnh tấm thẻ căn cước do Phủ Thủ Hiến Bắc Việt cấp cho ông năm 1951, hoặc trát đòi ông ra tòa của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963...
Nhất Linh vẽ rất đẹp, tranh ông để lại cũng nhiều, ngay hình bìa cuốn sách này đã là một bức tranh ông vẽ cảnh Đà Lạt, và trong sách nhiều bức đã được in lại với đúng màu sắc của nguyên bản. Đặc biệt có hai bức chân dung ông bà Nguyễn Tường Tam do nhà danh họa Nguyễn Gia Trí thực hiện bằng sơn dầu đã được in lại với màu sắc tươi tắn giống như vừa được sáng tác.
Chỉ riêng tranh, ảnh, tài liệu về Nhất Linh chứa trong cuốn sách này đã là một bảo tàng nhỏ về ông và một phần lịch sử bao quanh ông. Chưa kể các bài viết, mà mỗi bài đào sâu một khía cạnh, phơi bày một bản sắc, phân tích tư tưởng của từng thời kỳ văn học...; chưa kể trích văn của ông, chủ yếu từ những tác phẩm sau cùng của đời ông mà quần chúng ít được biết đến hơn là những cuốn từ thời Tự Lực Văn Đoàn.
Không ai dám nói chắc một cuốn sách nào là đầy đủ nhất về cuộc đời và sự nghiệp của một người, nhất là một người tài ba có một nhân cách lớn như Nhất Linh, nhưng có thể khẳng định đây là một cuốn sách về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đầy đủ nhất, mỹ thuật nhất từ trước đến nay. Có thể nói cuốn "Nhất Linh - Người nghệ sĩ, Người chiến sĩ" là một bảo tàng nhỏ chứa đựng cả cuộc đời ông, được thực hiện với một ý thức rất cao để bảo tồn tất cả những gì còn lại của một người Việt Nam vào hạng ưu tú nhất, đã làm cho báo chí Việt Nam có một bộ mặt mới, làm cho văn chương quốc ngữ trưởng thành, một người yêu nước chống thực dân Pháp để mưu đồ độc lập cho đất nước, chống mọi hình thức độc tài áp đặt lên dân tộc Việt Nam...
Về hình thức, cuốn sách đã được săn sóc rất kỹ, in trên giấy láng, và tất cả hình ảnh đều in màu, dù đó là một bức tranh, bức ảnh hay là một trang bản thảo úa màu thời gian... Hai họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp đã bỏ ra rất nhiều thì giờ, công sức và cảm hứng nghệ thuật của anh chị để thực hiện cuốn sách này, trình bày từ bìa cho đến tất cả các trang trong. Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ là một tổng thể, trong đó hình thức và nội dung hòa hợp cùng nhau thể hiện một tinh thần và một vẻ đẹp chung, mà dường như nhà văn, nhà cách mạng Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã để lại rất nhiều cho chúng ta.
Sách có bán tại nhật báo Người Việt và tại các hiệu sách vùng Little Saigon, Nam California. Giá 30 Mỹ kim.
Đặt mua sách từ xa, gửi sách bằng bưu điện:
- Trong nước Mỹ, xin gửi chi phiếu, bưu phiếu 33 Mỹ kim,
- Ngoài nước Mỹ, xin gửi chi phiếu, bưu phiếu quốc tế 35 Mỹ kim, trả cho Thế Kỷ 21, gửi về (cùng tên và địa chỉ người nhận với dòng ghi thêm: "Mua sách Nhất Linh"):
Tạp chí Thế Kỷ 21
14775 Moran Street
Westminster CA 92683 - USA
Sách sẽ được gửi đến tận tay quý vị trong thời gian ngắn nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.