Hôm nay,  

Mùa Xuân Trên Đảo Yến

25/06/200400:00:00(Xem: 5409)
Nhân chuyến du lịch Nha Trang vào dịp đầu năm Giáp Thân vừa qua, chúng tôi có cơ hội tham quan đảo Yến, một trong tám hòn đảo ngoài khơi vịnh Nha Trang có loài chim Yến làm tổ sinh sống nhiều nhất Việt Nam. Chuyến đi do một cơ sở du lịch địa phương tổ chức mà người hướng dẫn là một cựu viên chức sở Thuỷ Sản Khánh Hòa. Đa số người tham quan là ngoại quốc mà về sau chúng tôi được biết có vị từ Pháp, Hoa Kỳ, Úc và có cả một cựu nhân viên LHQ. Vì là một tour du lịch dã ngoại sinh thái nên chuyến đi được khởi hành từ sáng sớm tinh sương.
Thuyền rời cảng Bến Đá khoảng một giờ thì trời vừa hừng sáng và đảo Yến từ xa xa ẩn hiện nhập nhoà trong khói sóng, trên nền trời ửng hồng xuất hiện nhiều đàn chim yến và khi thuyền chúng tôi càng tới gần càng thấy rõ nét, từng đàn lại từng đàn, ước chừng mỗi đàn có đến nhiều ngàn con ríu rít trên bầu trời.
“Chim yến là một loài chim sống quần cư thành đàn, làm tổ nơi những đảo xa, trong hang ốc.” Giọng người hướng dẫn, tuy đã già nhưng còn rõ ràng và trong ánh mắt còn nhiều đam mê nghề nghiệp cho chúng tôi biết tiếp: “Cứ mỗi tiết Xuân về là từng đàn chim yến ríu rít bên nhau, chúng tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ, không một loài nào có thể thuỷ chung bằng loài chim yến. Mùa Xuân là mùa tình yêu của yến, cả đàn cứ chao liệng quanh hang tìm đôi tìm cặp. Chúng bay lượn suốt cả ngày như thế không mỏi mệt, quên ăn, tíu tít bên nhau như vui vầy duyên mới…”
Được biết chim yến có hình dáng gần giống chim én trong đất liền, tuy nhiên én có cánh và đuôi dài hơn. Lưng yến mầu nâu đen, cánh, đầu, đuôi màu đen. Loài yến có một nét đặc thù mà các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng hầu như không có nơi bất cứ loài nào. Đó là tính chung thuỷ, trinh tiết, con này không bao giờ chung chạ với bạn của con khác. Thậm chí chúng không bao giờ lẫn lộn về tổ của nhau. Các nhà khoa học cho biết chúng có một trí nhớ đặc biệt. Trong một hang đá tối, có hàng trăm tổ nằm san sát nhau như các chung cư cao tầng của con người ngày nay, nhưng yến không bao giờ lạc tổ. Các khoa học gia đã làm các thí nghiệm bằng cách gắp trứng từ tổ con này đem qua tổ con khác, ngay sau đó yến vất trứng đó ra khỏi tổ của mình.
Chim yến thường chọn những hang động thoáng mát, nơi có những vách đá cheo leo rất trơn; rắn, chuột khó mà đến được. Tuy vậy, kẻ thù của chúng là chim cắt, diều hâu… và tất nhiên cả con người. Sau khi cặp lứa đôi, yến làm tổ để đẻ trứng. Cả hai vợ chồng cùng nhau xây tổ, những sợi nước bọt trắng mướt và phớt hồng, nhỏ như sợi chỉ được yến quẹt liên tục (lâu khoảng hai tháng) trên vách đá đan thành tổ yến gọi là yến sào. Người xưa kể có đôi yến kia yêu nhau quá, mải yêu đương làm tổ muộn và vì kiệt sức nên chúng ứa ra máu. Máu yến lẫn trong dải nước miếng, nên về sau mỗi khi có đám cưới, người ta làm đôi gối có thêu hình đôi yến như để chúc tụng cho tình yêu đôi lứa chung thuỷ vững bền. Tuy nhiên ngày nay những nhà nghiên cứu cho rằng vì loài người phá tổ nên chúng cứ phải làm đi làm lại tổ nên kiệt sức phải khạc ra máu. Làm tổ xong, chim mái đẻ trứng. Khi ấy chim trống bay đi tìm mồi, thường bắt đầu vào lúc mờ sáng, từ biển khơi, chim yến bay với tốc độ chừng 40km/giờ tới những cánh rừng, vùng đồi núi kiếm mồi; thỉnh thoảng về mớm mồi cho con và tối mịt mới trở lại hang. Người ta theo dõi trung bình một ngày chim yến bay khoảng 200 km và có tuổi thọ khoảng từ 4 đến 5 năm.
Mỗi năm 2 đến 3 lần chúng tự rút nước dãi và máu cuả mình để làm tổ . Nhìn bề ngoài tổ yến giống như cái thìa múc canh gắn chặt vào vách đá . Thông thường tổ yến nặng khoảng 10 gram. Thời gian làm tổ của chim yến lần đầu kéo dài khoảng hơn hai tháng, từ Tết đến giữa hay cuối tháng 3 âm lịch. Sau khi chim mẹ và chim bố vừa xây xong tổ, tức vào khoảng đầu tháng 4 âm lịch, lúc ấy có từ 5 đến 10% số chim đẻ trứng, người ta bắt đầu hái tổ yến tức thu hoạch vụ một. Những tổ nào có trứng, họ lấy tổ và đổ hết trứng xuống biển. Những cặp chim đã đẻ thì buồn bã bơ vơ, còn những vợ chồng chưa đẻ lại ngày đêm vội vã "rút ruột" làm tổ mới để kịp thời kỳ đẻ trứng, khoảng ba mươi ngày sau thì xong, kích thước chỉ bằng bẩy phần mười tổ vừa bị bóc, và chỉ còn 90 - 95% số chim đẻ trứng. Nhiều người hái yến không thể chờ đợi chim mẹ đẻ trứng hay chờ chim con đủ lông cánh rời tổ, lại tiếp tục phá tổ xua đuổi chúng để thu hoạch kỳ 2, nhưng thường thì người ta đợi đến khoảng tháng 8, khi chim non biết bay, người ta mới thu hoạch tổ yến vụ hai. Tổ vụ này không đẹp như vụ một, do kích thước nhỏ, dính lông và phân chim con. Giữa các lần xây tổ và đẻ trứng chim yến thường phải tự treo mình trên vách đá cheo leo để ngủ. Mỗi năm chim mái chỉ đẻ một lần, từ một đến hai trứng, màu trắng, kích thước khoảng 14 x 22mm. Trong cộng đồng chim yến không có vấn đề tranh giành hay chiếm đoạt tổ ấm, cả hai vợ chồng cùng xây dựng tổ ấm, mẹ ấp trứng, cha kiếm mồi nuôi con.

Nói về yến sào tức tổ yến thì sợi yến có mầu trắng ngà, hơi có ánh vàng nhạt. Tổ mới có mùi hơi tanh nhưng khi ăn không mùi, không vị. Có 2 loại yến sào, ngày nay bán với giá rất đắt. Loại hảo hạng được gọi là huyết yến được tạo ra bởi những con chim yến đậu ở những mỏm núi rất cao, chon von. Nhưng người thợ có chuyên môn và kinh nghiệm mới dám tìm đến tổ huyết yến. Tuy vậy, cũng dễ mất mạng. Lại thêm mầu đỏ do máu mà chim đã khạc ra của sợi yến nên loại sợi máu này được gọi là huyết yến. Còn những tổ yến ở giữa lưng chừng núi đá, không có mầu đỏ, được gọi là sơ yến. Giá trị sơ yến chỉ bằng một phần tư của huyết yến. Tuy vậy sơ yến cũng đắt giá lắm rồi. Xưa kia các vua chúa Trung Hoa cũng như Việt Nam thiết yến cũng chỉ ban huyết yến cho các vị quan cao cấp nhất. Còn lại chỉ được ban sơ yến, sơ yến dễ kiếm hơn huyết yến nhiều lần.
Ở Nha Trang Khánh Hoà, theo người hướng dẫn cho biết nhân dân địa phương đã biết khai thác yến sào trên các đảo ngoài khơi từ vài ba trăm năm nay. Người thợ lấy tổ yến, thường là cha truyền con nối và phải hội đủ các phẩm chất cần thiết như can đảm, dẻo dai, tinh nhanh, cẩn thận. Suốt ngày đu mình trên những giàn giáo cheo leo dựng bằng tre từ chân sóng đến trần hang cao hàng chục mét hay bám chặt những sợi dây thừng lần xuống vực sâu thăm thẳm chỉ nghe dội lên liên hồi tiếng sóng xô đập ầm ào hung dữ như muốn nuốt chửng mọi thứ, nghề khai thác yến sào thực sự là một nghề gian khổ và nguy hiểm. Những người am tường nghề này cho hay có nhiều người tử nạn để hái tổ yến vào mỗi mùa thu hoạch.
Sau khi thăm đảo Yến và hòn Mun nơi có nhiều chim Yến nhất, chúng tôi được hướng dẫn viên du lịch dẫn đến thăm công ty sản xuất món yến sào, cơ sở biến chế yến sào của Công ty Yến Sào Khánh Hòa. Theo nhân viên tiếp thị của công ty cho biết tổ yến có hàm lượng đạm từ 40 - 50%, lượng mỡ từ 0,0 - 0,13% và có đủ các loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người. Sau đó họ cho biết trên thị trường có rất nhiều yến sào gỉa được chế biến tinh vi từ agar, tinh bột, lòng trắng trứng, chất hoá học Na2CO3 một loại muối kiềm dùng để tẩy agar; mà chỉ có người trong nghề mới phân biệt được. Người bị viêm loét hệ thống tiêu hóa ăn yến sào giả có thể làm bệnh nặng thêm. Ngoài ra các tác hại khác của yến sào giả đối với cơ thể người chưa được xác định.
Họ quảng cáo là yến sào có khả năng giúp con người phục hồi sức khoẻ, tăng cường khả năng tình dục, làm cho cơ thể người già hồi xuân trường thọ, cường tráng, giúp mắt sáng, gân cốt dẻo dai. Một tiếp viên khác còn nói thêm với vài người ngoại quốc trong đoàn là yến sào có thể substitute cho Viagra của Tây phương nữa. (") Những điều tin tưởng này thực đáng ngờ vực. Các nhà phân tích hóa học đã chứng minh rằng món súp này có giá trị dinh dưỡng rất thấp. Nhưng cũng như dương vật của cọp, sừng tê giác và các bộ phận của thú vật hiếm khác, tổ yến được nhiều người Hoa xem là dược chất và thuốc bổ. Nhu cầu cho những loại sản phẩm như trên đang tàn hoại đời sống các loài vật đang bị nguy cơ tuyệt chủng trên khắp hoàn cầu.
Một số người ăn chay lầm lẫn cho rằng món yến sào này là món chay. Có những trường hợp Phật tử vì quí trọng các sư mà cúng dường các vị món soup yến, cho là món ăn chay tịnh!
Thực tế yến sào, theo các khoa học gia cho biết, vốn là một hợp chất bao gồm hai yếu tố chính: glucose và animal protein (hay còn gọi nôm na là chất đường và chất đạm động vật). Vì chất đạm động vật chiếm đến 50% nên không thể xem là một món chay thanh tịnh được. Hơn thế nữa loài chim yến rất khó nhọc khi xây tổ bằng dải nước miếng của chúng, và người hái tổ yến cũng vì miếng cơm manh áo phải cực khổ thu hái. Việc ăn dải nước chim yến làm làn da trẻ lại và tăng cường tình dục là một huyền thoại chỉ nhằm giúp các con buôn và các thế lực chính trị của đám người thu mua tổ yến làm giầu.
Món soup nấu bằng dãi nước chim yến là một món ăn được tạo nên bằng sự tàn ác của con người. Ăn trên nỗi đau khổ của những con chim yến, khiến chúng phải chết vì mất con, mất tổ và lang thang không nơi trú ẩn là một điều đi ngược lại lòng từ bi của người Phật Tử. Chính vì chúng ta muốn ăn nên mới tạo nhu cầu cho nhà cung cấp. Nếu chúng ta không ăn, nhà cung cấp sẽ không đi phá tổ chim.
TT
(Thư Viện Hoa Sen http://www.thuvienhoasen.org/)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.